Thứ Sáu, 10/09/2021 13:24

TÁC PHẨM THẮNG GIẢI WOMEN'S PRIZE FOR FICTION 2021

Piranesi "đầy tham vọng và có chiều sâu xã hội"

Vượt qua 5 đề cử nặng kí khác, Piranesi của nhà văn Susanna Clarke vừa được xướng tên chiến thắng ở giải Women’s Prize for Fiction 2021 vì "đầy tham vọng và có chiều sâu về mặt xã hội.

Vượt qua 5 đề cử nặng kí khác, Piranesi của nhà văn Susanna Clarke vừa được xướng tên chiến thắng ở giải Women’s Prize for Fiction 2021. Tiền thân là Orange Prize từ năm 1996, đây là giải thưởng dành cho tiểu thuyết mới xuất sắc nhất, nhiều tham vọng, được viết bằng tiếng Anh của mọi phụ nữ từ khắp nơi trên thế giới. Mùa giải 2021 mang nhiều dấu ấn, khi chỉ chứa những cái tên chưa được đề cử trước đó (lần gần đây nhất là 2005); và tập trung hướng vào những cộng đồng chịu thiệt thòi trong một xã hội hiện đại.

Các tác phẩm phản ánh đương thời

Các tác phẩm lọt vào vòng chung kết giải Women’s Prize for Fiction 2021.

5 đề cử năm nay gồm Claire Fuller - nữ tác giả từng nổi tiếng qua tác phẩm đầu tay Our Endless Numbered Days, lần này trở lại với Unsettled Ground, một tác phẩm về những người trung niên bị bỏ lại trong một vùng quê nghèo hẻo lánh nước Anh thời hậu Brexit. Nhà văn trẻ từng chiến thắng giải PEN/Hemingway – Yaa Gyasi, cũng góp mặt với tiểu thuyết thứ hai Trancesdent Kingdom như một bán tự truyện của bản thân, về một gia đình Ghana di dân, sinh sống ở bang Alabama. Tác phẩm này đến gần hơn với giấc mơ Mĩ tan vỡ, với xung đột sắc tộc và những đối nghịch văn hóa.

The Vanishing Half, cuốn sách bán chạy và nổi bật nhất 2021 của Brit Bennett cũng xuất hiện như bản sử thi về tiếng nói sắc tộc vô cùng sâu sắc. Bên cạnh đó là How the one-armed sister sweeps her house của Cherie Jones đặt trong hậu cảnh ngành du lịch của quần đảo Barbados, với đói nghèo, bạo lực, trộm cắp và các bất ổn xã hội. Khác biệt nhất có thể nhắc đến No one is talking about this, tiểu thuyết đầu tay của Patricia Lockwood, về sự chi phối của Internet và các mạng xã hội lên đời sống thực. Tác phẩm này cũng góp mặt vào danh sách đề cử cho giải Booker năm nay.

Có thể thấy nếu so với các tác phẩm trên, Piranesi (tạm dịch: Piranesi - tên nhân vật trong tiểu thuyết) của Sussana Clarke hoàn toàn khác biệt. Khi được hỏi các tiêu chí để xem xét tác phẩm chiến thắng, Bernardine Evaristo, Chủ tịch ban giám khảo năm nay nói rằng, điều bà cần là một tác phẩm đầy tham vọng và có chiều sâu về mặt xã hội. Trước diễn biến phức tạp của Covid -19, quá trình xem xét đã kéo dài hơn 2 tháng so với dự kiến, và rõ ràng Piranesi đã phản ánh phần nào hai tiêu chí trên. Nó vừa tham vọng ở mặt tạo ra một cốt truyện mới mẽ, có thể vượt quá tưởng tượng của con người, đồng thời cũng phản ánh hiện trạng tình thế mắc kẹt và tiến thoái lưỡng nan của con người, ở trong tâm trí hay đời sống thực.

Cuốn sách đoạt giải Women’s Prize for Fiction 2021.

Dấu ấn huyền ảo

Đáng kể hơn, đây không phải là lần đầu tiên Susanna Clarke khiến độc giả tò mò và thích thú. 14 năm trước, tác phẩm đầu tay đầy màu nhiệm Jonathan Strange and Mr Norrell, phong cách viết của bà đã được hình thành. Được xếp ngang Diana Wynne Jones và Neil Gaiman, trí tưởng tượng trong các tác phẩm của bà là vô biên. Nếu cuốn đầu tay là bản sử thi lấy bối cảnh nước Anh đầy ma thuật; thì Piranesi là một tàn tích đẹp đẽ hơn thế, về con người, tội ác và lương tri.

Điều thành công nhất phải thừa nhận ở tác phẩm này là Susanna Clarke đã khắc họa không gian ma thuật rất riêng của bản thân mình. Như đã biết, nguồn gốc của cái tên ấy là từ một truyện ngắn mê cung của Borges; hay cũng có thể là các bản phác thảo chì của một nhà tù từ một nghệ sĩ ẩn danh thế kỉ 18 theo kiến trúc của Đấu trường La Mã. Cũng tương tự Diana Wynne Jones xây dựng ngôi nhà ngàn hàng lang, cõi tiên của Piranesi là một phế tích bỏ hoang với biên độ rộng, trải ra vô chừng. Ở đó có hơn 7000 sảnh vào và vô số hành lang. Công trình gồm 3 tầng, tầng hầm luôn ngập nước, tầng hai có sóng của thủy triều và tầng trên cùng là nơi mây nước gặp nhau. Ở tầng thứ hai trong mỗi hành lang là hàng ngàn những bức tượng điêu khắc Hy Lạp khổng lồ khác nhau, mà mỗi bức tượng đại diện cho một điều bí ẩn gì đó.

Nhà văn Susanna Clarke.

Nhân vật chính Piranesi mở đầu không gốc gác, đánh dấu thời gian bằng những sự kiện lớn, như năm có loài chim trú ẩn, năm xảy ra nhật thực… Tồn tại 15 công dân như anh đếm được, bao gồm Other (Tiến sĩ Ketterney) và chính mình - là còn tồn tại; ngoài ra là 13 bộ xương khác. Vai trò của anh là phác thảo lại những bức tượng thành một tập catalogue, đồng thời nghiên cứu chu kì của thủy triều, quỹ đạo của các chòm sao để báo cáo lại cho Other. Anh bơ vơ trong một thế giới rộng lớn, dường như cô độc, phần lớn là tự trò chuyện với bản thân mình; và thời gian gặp được Other là vô cùng ngắn ngủi.

Việc khắc họa được một thế giới ma thuật rộng lớn và có vẻ vô tận khiến cho độc giả cuốn vào câu chuyện, với sự kết hợp của bầu không khí hậu tận thế và nét đẹp của kiến trúc Hy Lạp. Cạnh bên phông nền dường như không thể kháng cự đó, Susanna Clarke cũng giữ chân người đọc bằng sự sắp xếp và điều hòa những tình tiết của mình. Bà sắp đặt những easter eggs (dấu hiệu) được cài cắm sẵn, cho đến những khúc cua mạch truyện một cách bất ngờ khi sự thật dần dần lộ ra. Về con người thực của Piranesi, về động cơ của Other, về nhân thân của 16 - người mang đến ánh sáng chân lí. Susanna Clarke viết chắc tay, như một tác giả trinh thám nắm chặt được mạch truyện, và bà từ từ tháo gỡ chúng ra từng nút thắt một, khiến cho độc giả không thể không bất ngờ mỗi khi sự chuyển mạch truyện.

Hiện thực đương thời

Nói về Piranesi, nhà văn Bernardine Evaristo đánh giá đây là một tác phẩm độc đáo, chứa đầy bất ngờ, có sự kết hợp giữa nhiều thể loại và thách thức định kiến sẵn có về những gì mà một cuốn sách nên có. Về mặt văn chương, việc nối dài tưởng tượng ra cho người đọc là một thành công ở phong cách viến fantasy; nhưng về mặt xã hội, Piranesi cũng đồng thời phản ánh một trạng thái bị giam cầm, dẫu đó là huyễn tưởng đẹp đẽ đến đâu chăng nữa.

Ướm tác phẩm này vào bối cảnh xã hội đương thời, Piranesi như con người chúng ta đang mắc kẹt trong một thế giới khác, chảy song song với quãng đời trước đó. Nhân vật chính mắc kẹt trong dòng thời gian này, nhưng anh may mắn hơn, là tâm trí tự điều chỉnh theo kịp để khỏi tự dằn vặt mình. Nhưng con người hiện tại không may mắn thế. Họ không tự mình có một không gian riêng để ngẫm nghĩ và tự đối thoại; nhưng nếu đến với tác phẩm này, có lẽ họ sẽ tìm thấy một khoảng không gian nào đó của riêng bản thân mình.

Với Susanna Clarke, Piranesi cũng là một sự trốn tránh, thoát khỏi hội chứng mệt mỏi mãn tính mà bà mắc phải trong suốt thời gian chắp bút nên nó. Khi phát biểu sau buổi trao giải, bà đầy cảm xúc và nói rằng “Đây là cuốn sách tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết nên vì liên tục nghĩ mình không đủ khỏe. Vì vậy, việc đoạt giải khiến tôi cảm thấy thật sự phi thường. Tôi rất vinh dự được ở đây. Và tôi hi vọng rằng việc tôi đứng đây đêm nay sẽ động viên những người phụ nữ khác đang mất khả năng lao động vì bệnh tật kéo dài”.

Piranesi là một tác phẩm lớn không thể chối cãi. Nó mang con người đến một vùng đất mới, có thể, dẫu chỉ chút ít, trốn tránh hiện thực. Mục tiêu tàn bạo ban đầu của nó cuối cùng rồi cũng kết thúc với một góc nhìn đơn sơ, thánh thiện - dẫu là lời nhắn nhủ hay motif thườngthấy của các tác phẩm fantasy - nhưng dẫu sao chúng ta của ngày hiện tại vẫn được an ủi một chút nào đó. Nhận được phần thưởng 30.000 bảng Anh, cùng Maggie O’Farrell chiến thắng năm ngoái và Chimamanda Ngozi Adichie ghi danh Nửa mặt trời vàng trở thành cuốn sách hay nhất trong hơn 25 năm lịch sử giải thưởng này; Susanna Clarke và các nữ nhà văn trên đã viết nên một thế giới khác, đầy sâu sắc và nhiều biến động.

NGÔ THUẬN PHÁT