Thứ Năm, 05/08/2021 00:12

Phóng viên chiến trường thời bình

Năm ấy, khoảng cuối tháng 10, cơn bão số 9 hay còn gọi là bão Ever tràn vào miền Trung. Mưa gió diện rộng, kéo dài sang đến đầu tháng 11 thì lũ lụt khắp nơi... (Bút kí của SƯƠNG NGUYỆT MINH)

. SƯƠNG NGUYỆT MINH
 

“Trước lúc cơn đại hồng thủy tràn về, thì Huế đã mưa sụt sùi, mưa rả rích cả tuần rồi. Ngày 30/10 mưa xối xả. Ngày 1/11 thì mưa trút nước, mưa đổ nước. Nước từ vùng đồi núi Nam Đông, A Sầu, A Lưới đổ về. Sông Bồ, sông Hương, sông Hai Nhánh, sông Chuồi, nước dâng cao đột ngột. Sáng ngày 2/11, lũ bắt đầu tràn vào Huế. Cuồn cuộn. Gào xiết. Cổng thành Thượng Tứ rộng 4 mét, cao 7 mét thành hầm xả lũ thủy điện sông Đà…”

Và đây nữa:

“Tôi đã bay, bay trên vùng trời Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền… Mênh mông nước. Rờn rợn nước. Trên trời là nước. Dưới đất là nước. Trắng xóa nước. Đỏ ngầu nước. Vàng cạch nước. Không thấy đường đất đâu, chẳng thấy làng xã, xóm mạc đâu. Chỉ thấy những lùm cây phập phều, những nóc nhà lập lờ, với đầy rẫy xác gà vịt, chó mèo, trâu bò… nổi trôi lềnh phềnh. Và người vón lại trên sân thượng, nóc nhà, đeo bám ở cột điện, cành cây…”

Tôi đã từng viết như thế ở phóng sự Trong cơn đại hồng thủy in trên Phụ san Văn nghệ Quân đội số 47, ngày 15/11/1999. Về sau, tác phẩm này cùng với chùm bài của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, nhà báo Quỳnh Linh được Giải A Báo chí 5 năm Bộ Quốc phòng ở thể loại phóng sự.

*

*        *

Năm ấy, khoảng cuối tháng 10, cơn bão số 9 hay còn gọi là bão Ever tràn vào miền Trung. Mưa gió diện rộng, kéo dài sang đến đầu tháng 11 thì lũ lụt khắp nơi. Nặng nhất là Thừa Thiên - Huế. Về sau, người ta thống kê trận đại hồng thủy tàn phá 10 tỉnh miền Trung làm 595 người chết, riêng Thừa Thiên - Huế có 352 người chết, gần 42 ngàn ngôi nhà, 570 trường học bị sụp đổ, bị cuốn trôi, chứ lúc đó ở Hà Nội chỉ biết lụt to và chết nhiều người.

“Bộ Tổng tham mưu” của Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội chủ trương làm sự kiện nóng về lũ lụt. Nhà văn Nguyễn Trí Huân họp tòa soạn. Ngày ấy, Nhà số 4 còn đủ “những con khủng long thế kỉ XX” của nền văn học, họ là những nhà văn binh nhì từ thời chiến tranh chống Mĩ và trưởng thành vươn đến đỉnh cao sự nghiệp vào những năm 80 - 90. Những Nam Hà, Lê Lựu, Chu Lai, Vương Trọng, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Lê Thành Nghị, Trần Đăng Khoa... Mới về tòa soạn vài năm, bọn tân binh văn chương chúng tôi chỉ là tép riu, cứ nghểnh mặt lên rụt rè nhìn khủng long, hổ báo bàn chuyện làm… báo văn. Ông Trần Đăng Khoa đề xuất nhiều ý tưởng, ý tưởng nào cũng quá lớn và hay ho, nhưng không ai có đủ khả năng biến nó thành hiện thực. Chỉ ông Khoa có thể làm nổi nhưng ông không làm, nên hầu hết các ý tưởng ấy… thiu. Tiếc hùi hụi! Chẳng hạn ổng giơ tay:

“Tôi có ý kiến!”

Ông Huân - Tổng Biên tập rất cầu thị:

“Vâng! Mời anh Trần Đăng Khoa.”

Ông Khoa đặt tờ báo Nhân Dân đang in nhiều bức ảnh lũ lụt kinh hoàng xuống trước mặt, phát biểu một cách nghiêm trọng:

“Lúc này, bão lụt tàn phá khắp các miền. Nó là vấn đề quốc gia rồi, chứ không còn vùng miền. Báo ta nên làm vấn đề lớn và nóng. Tôi đề nghị tòa soạn cử nhà văn Lê Lựu và nhà văn Chu Lai làm cái đối thoại với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Tầm quốc gia Tổng Bí thư nói về chiến lược phòng chống bão lụt thì còn gì bằng.”

Nhà văn Lê Lựu ngồi bên giãy nảy:

“Tôi vừa được phân công đến phố Hàng Gai viết về doanh nghiệp tặng đồng bào bị bão lụt 1000 cái bánh chưng rồi, còn thời gian đâu mà đối thoại. Ông Khoa làm luôn đi.”

Nhà văn Chu Lai thì bảo:

“Tổng Bí thư vừa mới bay đi Huế chỉ đạo chống bão lụt. Chẳng gặp được để đối thoại đâu. Tôi đề nghị giao cho anh Khoa điện thoại quân sự hoặc điện thoại di động cho Thư kí Tổng Bí thư là nhà văn Nguyễn Chí Trung, rồi kết nối làm cái đối thoại này. Chỉ thần đồng thơ mới làm nổi việc khó này, chứ người trần mắt thịt chúng ta thì chịu.”

Khoa ngồi nghe, mặt đần ra:

“Thế ra, tôi nghĩ rồi tôi lại làm luôn à?”

Ông Lê Lựu bảo:

“Chứ còn sao nữa.”

Khoa cười bẽn lẽn:

“Em mà làm thì bác Lê Lựu, bác Chu Lai phải cho em mượn điện thoại di động đấy nhé!”

Lúc ấy điện thoại di động là thứ hàng công nghệ sang oách, cả tòa soạn chỉ hai người có. Ông Lê Lựu cười khùng khục:

“Của người phúc ta. Tôi đề nghị Tổng Biên tập cho hành chính mua hẳn chiếc điện thoại đời mới nhất, giá hai cây vàng về trang bị cho phóng viên đi công tác. Trước hết, cho Trần Đăng Khoa xô xốc lần đầu làm đối thoại với Tổng Bí thư.”

Lời qua tiếng lại. Cuối cùng ý tưởng rất lớn của nhà thơ Trần Đăng Khoa phải gác lại vào một dịp nào đó cần thiết như kết luận của Tổng Biên tập. Vì trong lúc nước sôi lửa bỏng, mưa gió tơi bời, ông Lê Khả Phiêu cùng với nhà văn Nguyễn Chí Trung xắn quần móng lợn vào vùng lũ chỉ đạo, thì phóng viên chiến trường đi bên cạnh may ra cũng chỉ làm được vài câu phỏng vấn. Tôi ngồi họp cạnh nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa, ghé tai ổng, nói: “Ở cái tòa soạn này, Khoa đừng làm gì cả. Nhiệm vụ của ông là… nghĩ. Nghĩ lớn, rồi phát biểu để kích thích các ý tưởng khác bé mọn hơn ra đời và trở thành hiện thực.”

Bên ngoài mưa gió bời bời, nhưng không khí trong tòa soạn nóng rực như làm báo thời chiến tranh. Lúc ấy, Phụ san Văn nghệ Quân đội đã sang tuổi thứ hai. Các vấn đề thời sự báo chí nóng hổi có thể văn chương hóa trên báo nhà, mà trước đó tạp chí rất khó theo kịp. Thế là, nhà văn nhà thơ nào cũng trở thành phóng viên chiến trường. Nhà văn Lê Lựu đến số 9, phố Hàng Gai viết về Doanh nghiệp Quốc Hương đang gấp rút gói, nấu 1000 cái bánh chưng tặng đồng bào lũ lụt. Nhà phê bình Nguyễn Hòa đến sân bay Gia Lâm, viết về cầu hàng không quân sự vận tải hàng hóa cho vùng lũ. Nhà văn Khuất Quang Thụy đến Thành đoàn Hà Nội tường thuật lễ khởi hành đoàn cứu trợ đầu tiên của giới trẻ Thủ đô vào miền Trung. Nhà văn Chu Lai được phân công viết bài tổng hợp, khái quát tình thương yêu của cả nước với miền Trung bão lụt… Tôi và nhà thơ Nguyễn Hữu Quý thì sẵn sàng bay đi Huế - Trị Thiên bất cứ lúc nào khi có máy bay quân sự. Còn các ông Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng, Lê Thành Nghị thì… làm thơ. Làm thơ chống lũ lụt. Dứt khoát phải làm thơ, dứt khoát phải ép cảm xúc, lí trí ra thơ. Hay dở tính sau, phải có ít nhất là một trang thơ. Thơ lúc đó như tranh cổ động, như ca khúc giục giã bộ đội và nhân dân cùng đồng hành với miền Trung.

Tổng Biên tập Nguyễn Trí Huân bảo: “Chống lũ lụt như đánh giặc. Đấy là hướng chủ yếu và các hướng thứ yếu. Còn lực lượng dự bị nữa là sau bão lụt cũng phải có người viết về khắc phục hậu quả. Cái này, giao cho anh Nguyễn Bảo và Nguyễn Chí Trung lo.” Dường như chuẩn bị lực lượng cho phương án chống giặc nước đã hòm hòm, nhà văn Nguyễn Trí Huân thở dài bất chợt. Ông Huân rất hay thở kiểu này, cái sự thở báo hiệu một cái gì đó chênh vênh, chưa yên tâm, một điều gì đó còn tồn đọng chưa giải quyết. Quả thật, còn một băn khoăn nữa, giờ ông mới nói thành lời: “Thơ chống lụt thì chắc chắn là có. Chúng ta sử dụng tác phẩm của các nhà thơ gạo cội trong nhà thôi. Chứ không gọi bài. Gọi một cái là thơ chống lụt đùng đùng kéo đến chật đất, không in được thì khó người khó ta. Nhưng, tôi vẫn muốn có một cái truyện ngắn về bộ đội ta chống bão lụt vào số tới. Anh Lê Lựu, anh Chu Lai, anh Khuất Quang Thụy, anh Trung Trung Đỉnh, Sương Nguyệt Minh tính xem trong một tuần viết có kịp không?”

Không khí tòa soạn chùng xuống. Người nọ nhìn người kia. Tôi có một lần kỉ lục viết trọn một buổi chiều và nửa đêm xong truyện ngắn gần 4000 chữ. Cái truyện ngắn ấy là do một biên tập viên đặt hàng chữa cháy cho tờ báo tết, nhưng cũng chỉ là lần duy nhất trong đời viết nhanh. Các nhà văn cũng thường được các báo đặt hàng viết truyện ngắn tết, hoặc nhân ngày 30/4, ngày 27/7…, đều có cả, và nộp quyển đúng thời gian. Nhưng là đặt trước sáu tháng, ba tháng, hoặc đã viết sẵn, khi báo bạn gọi bài thì thò ra ngay, chứ đặt truyện ngắn viết trong một tuần thì không mấy người dám nhận. Ông Lê Lựu buông thõng một câu: “Gấp gáp như thế thì đến bố tôi sống lại cũng không viết được.” Ông Trần Đăng Khoa bảo: “Ông cụ thân sinh nhà bác là cụ đồ nho cả đời cho chữ thánh hiền, không viết được truyện ngắn chống lũ lụt miền Trung là phải rồi.” Cả tòa soạn bật cười. Ông Lê Lựu và Trần Đăng Khoa là chỗ tình thâm. Kẻ tung người hứng, hai ông ngồi chỗ nào thì chỗ ấy nghiêng ngả cười, tưng bừng, ấm áp. Cuối cùng, truyện ngắn chống bão lụt tạm gác lại cùng tiếng thở dài não ruột của Tổng Biên tập Nguyễn Trí Huân. Ở Nhà số 4, ai cũng bảo ông Huân như ông Bụt. Hiền lành. Chân thật. Và mộc mạc, nhỏ nhẹ. Chẳng hiểu ông có bùa phép gì mà các nhà văn nhà thơ như khủng long, hổ báo cứ cun cút chấp hành, cứ răm rắp thực hiện.

*

*       *

Mưa trắng đường băng.

Cầu hàng không được thiết lập trong tình trạng khẩn cấp. Sân bay Gia Lâm khác hẳn ngày thường và có một sự lạ: lương khô, mì tôm, quần áo, chăn màn… kìn kìn qua cổng gác. Lâu lắm rồi tôi mới bắt gặp lại không khí chiến tranh của một thời. Người đi Honda, người lái ô tô tải, người đi bộ mang vác hàng đội mưa đến sân bay. Cảnh vệ gác cổng phải điều chỉnh cách làm việc để phù hợp với tình trạng quá nhiều người dân tự nguyện mang hàng đến nhờ chuyển cho đồng bào lũ lụt miền Trung.

Khi máy bay no hàng thì tôi và nhà thơ Nguyễn Hữu Quý mới được lên bụng con chim sắt ngồi thu lu ở hàng ghế hai bên. Tôi nhìn qua ô cửa máy bay thấy sông Hồng nước mênh mang đục ngầu, cuộn chảy đang xa dần. Chỉ vài tiếng đồng hồ, máy bay đã bay đến vùng trời Thừa Thiên - Huế. Không thấy làng mạc, phố phường đâu, chỉ thấy mưa trắng trời trắng đất. Máy bay lượn mấy vòng không hạ cánh được vì mưa dày hạt và mù trời không thấy đường băng. Lo. Mồ hôi vã ra. Khi ấy, trong lòng tôi mới thức dậy một nỗi lo mơ hồ sẵn có. Hơn một năm trước máy bay trực thăng Lào chở đoàn công tác gồm 20 sĩ quan cao cấp của Việt Nam và Lào trong đó có bạn tôi là thượng tá nhà báo Duy Thanh đã bị rơi bởi sương mù Xiêng Khoảng. Còn trước đó, hơn 10 năm cũng loại máy bay An-26 mang số hiệu 285 của Trung đoàn Không quân vận tải 918 này do mưa to mù trời đã đâm vào tảng đá khổng lồ trên núi Lẹp, ở Bảo Lộc, Lâm Đồng làm chết 62 người là phi hành đoàn và các sĩ quan, chiến sĩ, cùng người thân. Lo. Và cả sợ nữa. Chỉ khi máy bay rùng mình dềnh lên dập xuống và tiếng phanh rít rịt tôi mới biết mình còn sống. Hú vía! Lòng thầm cảm ơn và nể phục những phi công bay trong mưa bão.

Sân bay Phú Bài đông nghẹt, tấp nập. Chủ yếu là sắc phục nhà binh và rất đông các phóng viên. Công việc tiếp nhận hàng và đưa đi các địa phương lũ lụt cấp phát gấp gáp, khẩn trương. Trong đống người tất bật, chúng tôi nhận ra nhau: “Ơ! Quỳnh Linh vào Huế khi nào?” “Cháu vào chiều qua. Cũng bằng máy bay An-26 của 918.” Thì ra, qua một mối liên hệ đặc biệt trong quân đội, Quỳnh Linh dù không được phân công, vẫn xin phép Tổng Biên tập và bí mật vào vùng lũ lụt trước chúng tôi. Nói về nghiệp vụ báo chí thì cô hơn hẳn cánh nhà văn chúng tôi là được đào tạo bốn năm cơ bản. Đến nơi cần phải đến, tìm sự kiện nóng bỏng nhất để tác nghiệp thì đâu có lạ với cô. Tôi hỏi: “Cháu đi được những đâu rồi?” “Sáng nay cháu bay cùng trực thăng thả mì tôm, lương khô cứu chợ ở Phú Vang, Phong Điền. Chiều thì bám mấy anh phi công để làm phỏng vấn.” Ôi! Nữ nhi đâu có tầm thường.

Trời bắt đầu tối. Mọi công việc cứu trợ hàng hóa dường như tạm dừng, ngoài việc cứu người. Cánh phóng viên bắt đầu tùy nghi di tản tìm chỗ nghỉ. Tôi hỏi: “Quỳnh Linh định đi đâu?” “Đêm nay cháu vạ vật dã chiến ở đây, sáng mai có chuyến bay cứu trợ nào sớm thì bám càng đi theo.” Giữa lúc tôi và nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đang do dự, ở sân bay hay đi tìm một chỗ trú ngụ qua đêm mưa lụt, thì gặp Nguyễn Hồng Lam ở Báo An Ninh Thế giới đeo máy ảnh lắp ống kính tele dài ngũng ngoẵng. Tôi quen biết Lam trước đó ba tháng trong Trại sáng tác Cuộc thi truyện ngắn Cây bút vàng của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an ở Nha Trang. Lam cười giả lả: “Hai anh đi với tui. Đêm nay về khách sạn ngủ với tui.” Tôi bảo: “Đi viết bài mà về khách sạn ngủ, ngại quá.” “Cái anh nầy hay thiệt. Anh phải ngủ đêm đàng hoàng để có sức, rồi sáng mai quay lại sân bay sớm, bay đi đâu thì bay chớ. Phải dưỡng sức bởi lũ lụt còn dài dài.” Được lời như cởi tấm lòng, chúng tôi theo một cái xe quân sự chạy vào nội thành Huế. “Đại bản doanh” của Nguyễn Hồng Lam là Khách sạn Công đoàn, lũ rút đi mà ngấn nước còn trên tường cao đến hai mét. Phóng viên Nguyễn Minh Sơn của Báo Người Lao Động với bút danh văn chương Hoa Ngõ Hạnh cũng đang trú ngụ tại đây. Nguyễn Hồng Lam đến Huế trước chúng tôi hai ngày. Ban ngày, Lam đi xuồng máy cùng bộ đội hoặc xuống Phú Bài bám máy bay trực thăng đến các vùng lũ. Lam khoe ảnh lũ lụt, nhiều bức độc đáo, cảm động, thương tâm. Tư liệu thì đầy ắp. Nói thật, nếu lười nhác chỉ nghe Nguyễn Hồng Lam và Hoa Ngõ Hạnh kể tôi cũng có thể viết xong một bài bút kí sinh động.

Cái đêm mưa lụt ở Huế đắt đỏ và đầy ám ảnh của bốn anh em chúng tôi có lẽ phải kể vào một dịp khác. Chỉ biết rằng, sáng hôm sau chúng tôi mỗi người một ngả. Hoa Ngõ Hạnh đi theo chương trình của báo, Nguyễn Hồng Lam bảo đã đủ tư liệu về lũ lụt Thừa Thiên - Huế, anh nhảy xe đò đi Đà Nẵng theo một đoàn từ thiện. Trong đó cũng lụt to và nhiều cái cần phải viết với một phóng viên đầy năng lượng như Lam.

Tôi và Nguyễn Hữu Quý trở lại sân bay Phú Bài. Đang lớ ngớ chưa biết cách nào để bám càng một cái trực thăng đi thả mì tôm, lương khô thì gặp phóng viên Tùng Lâm của Truyền hình Quân đội. Tùng Lâm bảo: “Đi với bọn em lên A Lưới.” Mừng quá! Từ qua đến nay toàn gặp đồng nghiệp tốt, toàn gặp may. Chúng tôi chạy bộ đến một máy bay trực thăng đang bốc hàng. Tiếng Tùng Lâm chìm trong tiếng động cơ máy bay, chẳng biết cô nói gì. Chỉ thấy, sau đó một chàng phi công cao lớn chỉ vào tôi nói to: “Ông này hơn 60 cân, chở ông là phải bớt đi hơn 60 cân hàng hóa.” Lại chỉ vào nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: “Ông này cũng chừng đó.” Chỉ tiếp vào Quỳnh Linh: “Cô này 50 cân, mất toi nửa tạ lương khô, mì tôm. Người đi thì hàng hóa ở lại. Hàng hóa ở lại… thì các vị thấy có đành không?”. Ái ngại quá! Lòng thoáng buồn, tôi chợt nghĩ đến mình sẽ phải ở lại, cho hàng hóa đi, hàng hóa cần hơn, đến với đồng bào lũ lụt. Tùng Lâm bảo (lúc này thì nghe rõ tiếng): “Viết báo cũng là nhiệm vụ quan trọng, anh ạ. Bộ cho phép các nhà báo được đi theo máy bay trực thăng viết bài. Anh làm ơn tạm để các nhà báo dân sự đi chuyến sau, ưu tiên cho các nhà văn nhà báo ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội đi trước được không?” “Văn nghệ Quân đội hả? Có phải chỗ nhà thơ Trần Đăng Khoa, Lê Lựu không?”. “Vâng!”, chúng tôi đồng thanh. “Thì lên đi. Nhớ tặng anh em chúng tôi quyển tạp chí đấy nhé.” Mừng rơn.

A Lưới bị lũ lụt chia cắt, cô lập một tuần rồi. Có 5 xã: Hồng Hạ, A Đót, A Roong, Cà Roòng… không liên lạc được. Giao thông mất. Điện lưới mất. Cầu sông Bồ bị nước cuốn trôi. Đường 12, đường 49 bị tắc, hơn 70 chỗ sụt lở đường. Không xe cộ nào đi được. Đi bộ cũng không. Chỉ có thể lên A Lưới bằng trực thăng. Chiếc trực thăng mang số hiệu 7844, của Trung đoàn 916 do tổ bay của Đinh Phước Tâm, Phạm Văn Bất, Đặng Đức Nga điều khiển. Đây là chuyến bay cứu trợ bão lụt thứ 25 của các anh. Chúng tôi ngồi lẫn cùng mì tôm, thuốc men. Trời đất miền tây Thừa Thiên - Huế vẫn âm u. Nhiều quả đồi bị sạt lở đất phơi màu đỏ ối. Những ruộng ngô bị bùn vùi lấp. Những nhà cửa tan nát trơ khung xương… Thê thảm. Hoang tàn.

Máy bay hạ cánh xuống sân Trường mầm non Hoa Ban. Bộ đội, công an đã chờ sẵn. Từng thùng hàng mau chóng chuyển xuống đất để máy bay về quay chuyến. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ngắn với Trung tá Lê Văn Hạnh - Huyện đội trưởng và Bí thư xã Hồng Hạ. Năm trước lũ lụt, Chủ tịch xã Hồng Hạ đi bộ lên huyện báo cáo, bị lũ cuốn trôi. Lần nay, lũ lụt chia cắt giao thông, mất điện, mất liên lạc, anh Hoài Nam - Bí thư đi bộ 18 cây số vượt lũ ra huyện báo cáo. Anh lấy hai thùng mì tôm ngay ở cửa máy bay ôm tạm về cho đồng bào dân tộc Tà Ôi, Cà Tum chia nhau “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Anh bảo: “Nếu lũ lụt còn chia cắt thêm một tuần nữa thì hơn 400 dân xã anh chết đói.” Tôi nói: “Anh yên tâm. Tôi nghe nói chiều nay máy bay trực thăng sẽ chở lương thực lên Hồng Hạ đấy.” Anh Hoài Nam mặt mày rạng rỡ, miệng cười tươi, mắt lấp lánh hi vọng.

Lúc bay đi háo hức bao nhiêu thì lúc bay về buồn lặng bấy nhiêu. Ấy là khi trực thăng cất cánh thì hàng trăm người dân… ùa lên. Quân hồi vô phèng. Không ai bảo được ai. Ai cũng lao lên máy bay cố giành giật cho mình một chỗ. Hai chàng phi công cao to lực lưỡng trấn hai bên cửa nhưng cũng không ngăn được dòng người ồ ạt “di tản”. Bị chia cắt, cô lập hơn một tuần rồi, nhiều người từ Huế lên A Lưới công tác không trở về nhà được. Tiền hết. Có người ốm đau cần phải về Huế điều trị… Ai cũng cần. Cái máy bay vận tải quân sự bỗng chốc thành chuyến xe khách thời bao cấp. Không cất cánh được vì quá tải, mất an toàn. Bộ đội, công an huyện A Lưới phải vào cuộc vãn hồi trật tự. “Tróc nã” từng người, từng người một ai quá cần thiết thì đi trước, ai chưa cần lắm thì chờ chuyến sau. Về sau, trong ghi chép Chở hàng lên A Lưới, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý viết: “… Chúng tôi bị kẹt giữa đám người chen lấn ồn ã. Tội nghiệp Tùng Lâm, cô phát thanh viên xinh đẹp và nữ phóng viên Quỳnh Linh mảnh mai bị chèn ép không nhúc nhích được. Xoay sở mãi, tôi và nhà văn Sương Nguyệt Minh mới lọt được vào cửa trực thăng. Hai người nhìn nhau dở cười dở mếu. Áo tôi kéo mạnh bị rách toạc một bên vai. Nhìn xuống chân Sương Nguyệt Minh, một chiếc giầy bị tụt đi đâu mất. Khổ! Chẳng dám trách gì những người đang chen lấn kia. Họ đang mong về Thuận An, Quảng Điền, Huế để biết gia đình, người thân mình có thiệt hại gì không…” Thực ra, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý còn bị rơi một cái dép rọ nữa. Khi trực thăng chuẩn bị cất cánh, thì ai đó dưới mặt đất tống cái giầy và cái dép rọ qua ô cửa máy bay cho chúng tôi. Tôi chỉ hoàn hồn khi máy bay cất cánh được gần chục phút. Nhìn xung quanh: Một chị bụng to chửa vượt mặt. Một ông ẻo lả, mặt vàng như nghệ. Hai ông cán bộ huyện xuống tỉnh họp… Mấy chục người, ngoài phi đoàn và cánh phóng viên, hầu hết là những người ốm đau, bệnh tật cần đi viện gấp.

Ngày hôm sau, chúng tôi đi xuồng máy cùng lính biên phòng xuống Phú Thăng, Phú Lương, Phú Hộ, từ lúc lũ tràn về đến ngày thứ 8 mà ba xã này vẫn còn chìm trong biển nước. Không thấy chó gà, chẳng thấy người. Trắng băng. Hiu quạnh. Chúng tôi đến Đồn biên phòng 220 ở bên cạnh Hải đội 2, nơi đây là cái Vọng Hải đài xây từ thời Nguyễn để canh cửa biển Thuận An.

Phú Thăng, Phú Lương chìm trong nước trước rồi Thuận An cũng bị nhấn chìm. Lũ từ phá Tam Giang tràn về, xói đất cát, cuốn sạch những gì trên đường nó đi. Làng Hải Thành bị xóa sổ và khoét sâu xuống 15m, trở thành một cửa biển mới rộng gần 2 cây số. Tỉnh lộ 68 mất chừng ấy cây số, và biến các xã Phú Thuận, Phú Duyên, Phú Hải, Vinh An thành… ốc đảo, muốn đến phải đi thuyền đò. Những chỗ đất cát chưa thành cửa biển thì tan nát như vừa qua trận oanh tạc của máy bay B52. Các ngôi mộ xây to nặng hàng tấn, cái lật úp sấp, cái lật nghiêng. Nghĩa địa nào cũng ngổn ngang. Lính biên phòng cứu dân cứu thuyền ban ngày và cả ban đêm. Về sau tôi có viết trong phóng sự Trong cơn đại hồng thủy: “Tiếng súng bắn báo hiệu khẩn cấp chìm vào đêm đen. Tiếng nước rít ồ ồ ghê rợn. Tiếng chó tru. Tiếng gà quác. Tiếng bò rống… thảm thiết. Tiếng người kêu cứu thất thanh, vô vọng. Tàu biên phòng số BP.310401 xuất kích. Rồi tàu số BP.310202 lao tiếp sang thôn Hải Thành cứu dân. Cây cối, rều rác, cột kèo, tấm lợp theo nước lũ cuốn phóng, đập vào mạn tàu. Nhiệm vụ số 1: CỨU DÂN! Gần sáng tàu BP.310401 không cập được cầu cảng phải neo lại bằng ba cái dây neo. Đứt cả ba. Nước cuốn luôn tàu ra biển. Sóng liên tục đánh ập vào, ấp vào. Rồi bất ngờ một con sóng cao như trái núi đưa cái tầu ra cách xa bờ mấy trăm mét, đánh thốc lên bãi. Tàu mắc cạn luôn trên bãi cát. May quá! Thần may mắn đã đến với những người lính biên phòng. Lại neo tàu. Sóng đánh tiếp móc cát ra. Tàu lật nghiêng trên bãi. Đại úy Trương Tuấn Tuân điện cấp cứu, xin phép rời tầu.”

Đây nữa:

“Tàu BP.310202 sức ngựa yếu hơn, bị lũ từ phá Tam Giang tràn qua xóm Roi, tràn qua cầu cảng cuốn luôn ra biển xa hơn. Thuyền trưởng, Thiếu úy Đào Xuân Thành bị sóng đánh hất xuống biển. Thợ máy Vũ Xuân Cường lao luôn lên cầm lái. Bốn giờ sáng thì tàu… chìm. Mỗi người dạt một nơi trong đêm tối tăm. Có lúc sóng đánh dạt vào bờ rồi sóng lại kéo họ ra xa hơn. Thuyền trưởng Thành bị sóng đánh tung hết áo phao, quần áo, người không còn một mảnh vải. Anh ôm được một mảnh ván của cái thuyền vỡ nào đó. Gần sáng thì các anh được sóng đánh vào bờ. Còn Trung úy Phạm Văn Điền và Binh nhất Lê Đình Tư thì sóng dữ dằn giữ các anh lại mãi mãi ở biển khơi…”

Thật kinh hoàng! Yếu như nước, mềm như nước, dịu dàng như nước, mà cũng khủng khiếp, hung dữ như nước.

*

*        *

Ở Hà Nội, Phụ san Văn nghệ Quân đội ra số 47, ngày 15/11/1999, và các số tiếp theo là rộn ràng những bài viết về bộ đội và nhân dân chống lũ lụt miền Trung của các tác giả. Phần văn xuôi, Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý có ghi chép Chở hàng lên A Lưới; Nhà báo Quỳnh Linh với Mênh mông sông nước tình người; Nhà Phê bình Nguyễn Hòa viết Ở đầu cầu hàng không quân sự Gia Lâm; Nhà văn Khuất Quang Thụy cũng đẻ ra bài Những người tình nguyện; Nhà văn Chu Lai thì in trang đầu Nổi nênh hai đầu đòn gánh; Nhà văn Lê Lựu có Thương lắm miền Trung. Trang thơ về lũ: Nhà thơ Vương Trọng viết Ông già miền Trung; Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thì Gửi mẹ miền Trung; Còn Nhà thơ Anh Ngọc là Từ một dòng tin; Nhà thơ Lê Thành Nghị viết bài Mẹ một mình trên mái tôn có những câu vô cùng xúc động: Mẹ một mình trên mái tôn/ Hứng nước mưa từng giọt/ Lụt mênh mông mà có thể Mẹ gục đầu vì khát/ Mẹ một mình trên mái tôn/ Giông bão đang thổi còng lưng Mẹ/ Ôi miền Trung có cái gì giống Mẹ ta đến thế/ Một bức trường thành trước sóng gió đại dương. Riêng Trần Đăng Khoa thì... không viết bài nào. Ông còn đang bận nghĩ lớn tìm ý tưởng lớn và hay ho cho các số báo và tạp chí tới. Hết một tuần lăn lộn ở Thừa Thiên - Huế, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý quay ra Quảng Trị, tôi quay vào Đà Nẵng đến Vùng 3 Hải quân. Đèo Hải Vân tắc đường, cả chục cây số ô tô nằm phơi mình chờ chuyển bánh. Tôi viết tiếp bút kí Lính biển miền Trung để in tạp chí. Gần nửa tháng đi miền Trung trong cơn đại hồng thủy, tai nghe mắt thấy trải nghiệm lũ lụt, tôi còn vốn liếng để viết thêm hai truyện ngắn nữa.

Sau này, mỗi khi nhìn mưa gió sập sùi, bão lớn đập vào cửa kính, hay nằm cuộn trong chăn ấm giữa đêm mùa đông rét mướt, tôi lại chợt nhớ đến những ngày đi viết bài về lũ lụt miền Trung. Trong lòng rưng rưng bởi ám ảnh đi trong mưa lũ, rồi thảng thốt: Chẳng hiểu sao ngày đó, mình và đồng nghiệp lại đi qua được những năm tháng sôi nổi và gian nan ấy?!

S.N.M