Thứ Hai, 26/10/2020 06:56

Phía sau chiến tranh…

Mặt sông loang loáng ánh trăng. Lục bình trôi líu ríu theo dòng nước. Hắn đứng trong đồn căng mắt quan sát... (Truyện ngắn của NGUYỄN NGỌC ĐÀO UYÊN)

. NGUYỄN NGỌC ĐÀO UYÊN

Mặt sông loang loáng ánh trăng. Lục bình trôi líu ríu theo dòng nước. Hắn đứng trong đồn căng mắt quan sát. Dưới những đám lục bình tưởng như vô hại rất có thể là một người thuộc phe bên kia đang di chuyển. Những bóng đen đáng ngờ như ẩn như hiện ven sông theo bóng mây phớt qua trên bầu trời. Đèn quan sát vẫn lướt từng luồng lạnh lùng, từng lùm cây bụi cỏ rõ như ban ngày khi luồng sáng chiếu qua. Không có gì ngoài sự tĩnh mịch. Sao lòng hắn vẫn bất an. Hắn linh cảm có cái gì đó rất ghê gớm sắp nổ ra. Sự tịch mịch của đêm nay giống sự dồn nén ngột ngạt của bầu trời khi giông bão sắp nổ ra. Hắn siết chặt tay súng. Rõ ràng hắn đang thức mà sao cứ như mơ. Xung quanh lúc ấy không có ai mà tai hắn nghe rõ ràng tiếng một đám đông đang xôn xao cười nói, có tiếng heo kêu eng éc nhức óc đinh tai. Hình như nhà ai gần đây mổ heo làm đám cưới, tiếng dao mác mài soàn soạt, tiếng nước dội ào ào trên sàn. Hắn lắng tai nghe kĩ hơn. Những âm thanh ồn ào kia quay cuồng, tiếng eng éc kia bỗng thành tiếng người kêu gào, có tiếng kêu cứu của một người đàn bà, thảm thiết. Hắn dụi mắt, trước mắt hắn là người đàn bà đang quằn quại trong vòng vây thú tính của bọn lính. Hắn ghê tởm cái thói bầy đàn ấy. Hắn quát bọn kia dừng lại. Nhưng hắn không phải chỉ huy. Chúng ném lại những ánh nhìn đầy sắc máu. Người đàn bà nhìn hắn bằng ánh mắt tuyệt vọng. Một tiếng nổ chát chúa vang lên. Trước mặt hắn đồn bót bốc khói ngùn ngụt, đạn bay loạn xạ, những bóng người đổ xuống. Xác người la liệt. Từ trong vô thức tay hắn bóp cò súng. Một cơn đau quật hắn ngã xuống. Hắn hét lên. Trong đầu hắn hiện lên hình ảnh người quen cũ bị trói chặt tay chân cho tên lính Mĩ hành hình. Tiếng thét đập vào tai hắn nhức buốt. Cơn đau làm căng cứng toàn thân. Ngón tay đau điếng như có vật nhọn bập vào. Hắn khẽ nhúc nhích mấy ngón tay. Có tiếng kêu rinh rích của loài gặm nhấm. Hắn mở mắt, nhìn kĩ. Một con chuột cống rất lớn đang cắn vào tay. Hắn vung tay thật mạnh, hét lớn: “Tránh ra!”. Con chuột bị hất đi không xa. Nó giương mắt nhìn thách thức trước khi bò xuống lỗ cống gần đó. Có tiếng người dưới bến sông nói với lên: “Gì mà la hét dữ ạ già Tư?”.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Già Tư chớp mắt mấy cái, định thần, nhìn xung quanh. Là một giấc mơ với những hình ảnh cũ. Một giấc mơ lộn xộn cứ hay trở tới trở lui trong giấc ngủ. Giấc mơ với những kí ức không mấy vui mà tuổi trẻ già đã phải trải qua. Khi là mớ vụn vặt rời rã, khi là những hồi ức dài kéo già về thời tuổi trẻ với những vạt rừng, trảng núi, nhánh sông, những gương mặt đã qua, những người thân thiết cũ... Để lúc giật mình tỉnh giấc già ngẩn ngơ bàng hoàng hay tiếc nuối khi nhận ra mình vẫn nằm chèo queo trong cái chòi nhỏ ven sông - cái chòi co ro gần cầu thang đá lên xuống của bến chợ quê và cách một quãng không xa là lò mổ của thằng con trai độc nhất của mình. Những giấc mơ thường đi đến đoạn kết thúc bằng những âm thanh ồn ào hỗn loạn của tiếng dao mác soàn soạt, tiếng nước xối ào ào, tiếng người xôn xao, tiếng heo kêu eng éc. Đó là khi lò mổ chuẩn bị cho ngày mới. Âm thanh hỗn tạp ấy cùng những âm thanh kinh hoàng của quá khứ chưa bao giờ thôi tra tấn già. Đã nhiều lần già kêu nó bỏ nghề mà thằng con trai không chịu nghe. Lời già giờ không còn giá trị gì với nó nữa. Tài sản có bao nhiêu cũng cho nó hết rồi. Đến cái thân già nó còn đem “lưu đày” ra đây thì lời già có lí gì nó không bỏ ngoài tai. Trời chưa sáng hẳn. Phía lò mổ đã xong việc ngày mới. Thịt đã đem giao cho các sạp trong chợ. Chỉ còn bóng đèn điện hắt ánh sáng lạnh lẽo xuống mặt sông.

- Nãy làm gì la dữ vậy?

Người dưới bên sông đã lên hết mấy bậc bến đá, đứng ngoài chòi nhìn vào. Già Tư chép miệng:

- Chiêm bao.

- Mơ dữ nữa hả anh? Không bớt chút nào sao? Ờ mà mấy bữa rồi anh chưa tắm? Trưa trưa tui với bả xuống nhe.

- Phiền vợ chồng anh lắm, anh Ba.

- Có gì mà phiền anh. Mình là hàng xóm mà.

Rồi ông Ba quay đi, từng bước chậm mà chắc cùng cái xô đầy nước khuất bóng dần vào con đường nhỏ dẫn vào chợ. Già Tư nhìn theo người bạn già với bao cảm xúc mơ hồ, lẫn lộn. Tâm trí già đâu còn minh mẫn, hiện tại, quá khứ cứ trộn lẫn vào nhau bằng loạt hình ảnh lúc đen lúc trắng, lúc nhòe nhoẹt màu sắc như trong mơ. Thoắt cái ông già hơn bảy mươi vừa khuất vào bóng tối hẻm chợ đã trở thành một thằng nhỏ đang cùng hai thằng nhỏ khác vắt vẻo lưng trâu, lùa trâu về chuồng cho ông hội đồng. Già Tư lại thấy ba thằng nhỏ hát hò hát rượt đuổi nhau trên cánh đồng mưa giăng trắng xóa, cùng lặn ngụp trên dòng sông mẹ bao la đục ngầu màu nước đổ. Cuốn phim trong đầu rệu rã đã lại tua trước mắt già Tư một vạt rừng loang lổ cháy sém. Hắn thời tuổi trẻ đang hồi hộp giương súng rình phía bên kia, và phía bên kia chiến tuyến hai thằng bạn cùng chăn trâu hồi nhỏ cũng đang giương súng về phía hắn…

Tiếng ồn ào bến sông lên chợ buổi sáng làm cuốn phim dừng tua. Già Tư hấp háy mắt nhìn những gương mặt đang xuống lên bến chợ. Những gương mặt đa phần thân quen để lục tìm một nụ cười đã cũ mà rất lâu, không gặp trong đời thực, chỉ toàn gặp lại trong chiêm bao. Ba thằng nhóc chăn trâu cho ông hội đồng khi bắt đầu lớn lên đều rung rinh trước nhan sắc một thiếu nữ cùng xóm. Ai cũng tranh thủ ghi điểm, ai cũng mơ mộng một ngày người đẹp gật đầu về sống cùng mái nhà tranh với mình. Nhưng trời cho người đẹp nhan sắc không phải để ở chòi tranh. Nàng nghĩ như vậy nên chẳng chút đoái hoài đến ba chàng si tình cùng xóm. Với nhan sắc trời cho, nàng lọt vào mắt xanh nhiều người trong đó có các chỉ huy đồn Giồng Tố. Nàng thành người quen của đồn, ra vào đồn như nhà, ghé phòng riêng chỉ huy như cơm bữa. Người ta bàn tán xôn xao, đồn ầm lên ba má nàng sắp đổi đời vì sắp có rể quý là đồn trưởng. Có lẽ vì Tư yêu nàng nhiều hơn hai thằng bạn nên lúc đó Tư cay lắm trong khi nỗi buồn của hai thằng bạn trôi qua rất nhanh. Tụi nó không bàn về nàng nữa mà bàn đến chuyện khác mà theo tụi nó nói quan trọng hơn cả nàng: thoát li.

- Ông nội ăn cơm!

Đứa cháu gái cộc lốc gọi già về thực tại. Nó đặt tô cơm xuống cái bàn nhỏ rồi ngoe nguẩy quay đi. Già nhìn theo cái dáng nhỏ mà không nén nổi tiếng thở dài. Là lỗi tại ai? Tại già hay tại con trai để giờ gia đình ra nông nỗi này? Tại già không biết dạy con để cháu con thành ra ngỗ ngược hay đó là quả báo của những lỗi lầm quá khứ? Ngày đó còn đang phân vân giữa đi hay ở thì Tư bị bắt quân dịch, bị nhét súng vào tay, bị đẩy vào những trận càn, bị cuốn vào những giết chóc dù lòng không muốn. Đã có lúc muốn bỏ trốn mà không được. Vì nhiều lí do, trong đó có một phần là vì nàng. Dù nàng không của hắn, dù hắn chẳng là gì của nàng! Nàng ban đầu là của đồn trưởng. Như một ngôi sao đang lên, nàng muốn gì được đó, cha mẹ nàng muốn gì có đó. Hàng xóm có trầm trồ, có ngưỡng mộ, có ganh tị gièm pha, mai mỉa. Lúc đó trong mắt nàng không hề có hắn. Rồi một người đàn bà từ nơi nào đó xuất hiện, xưng là vợ chính thức của đồn trưởng. Nàng bị một trận thừa sống thiếu chết. Đồn trưởng hứa với vợ không qua lại với nàng. Không rình rập, chăn giữ chồng mãi được bà đồn trưởng cũng phải trở về xứ. Không ai canh giữ, lạ là đồn trưởng cũng trở nên hờ hững với nàng. Không lâu để nàng phát hiện ra đồn trưởng đang tới lui với một cô gái khác “mới nổi” nên trẻ hơn, tươi mới hơn. Nàng căm lắm quyết tìm mọi cách giành giật sự sủng ái với cô gái nọ. Cho đến lúc tay chỉ huy chán thật chán nàng rồi thì dường như nàng đã bước hết đoạn đường xuân sắc rực rỡ nhất. Hết hi vọng ở chỉ huy, nàng tìm hi vọng thành người đàn bà bên phó chỉ huy. Phó chỉ huy đón nhận nàng như một thú tiêu khiển và cuộc đời nàng trượt dài theo các cấp bậc, các bông mai trên ve áo của những gã đàn ông ở đồn Giồng Tố. Chỉ có điều, dù gần như thành của chung tất cả nhưng ánh mắt nàng vẫn chưa bao giờ dừng lại ở hắn, vẫn dửng dưng lạnh lùng khi đối diện với hắn. Những lúc rảnh rỗi tụi trong đồn tán gẫu với nhau về nốt ruồi son trên ngực nàng hay cái rốn sâu hun hút của nàng một cách am tường thì hắn lắng nghe bằng sự ngờ nghệch của một người chưa bao giờ được đặt chân đến vùng đất lạ. Nhiều lần hắn tự hỏi vì sao lại như vậy. Nàng khinh hắn vẫn nghèo sau bao ngày quân ngũ? Khinh hắn hèn khi nghe bọn lính cười nhạo hắn thường run sợ khi bóp cò súng bắn vào mục tiêu. Hay đó là chút cao ngạo còn sót lại vì ngày trước nàng đã thẳng thừng vào mặt hắn, thằng bạn chung xóm: “Tư có gì để bảo đảm hạnh phúc tương lai cho tui không mà nói thương tui?”. Vậy mà hắn vẫn âm thầm giữ tình cảm dành cho nàng. Hắn đúng là kẻ si tình ngu ngốc.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Tiếng gắt gỏng, tiếng xe rồ máy loáng thoáng lọt vào tai nhắc già Tư đừng nhớ về quá khứ nữa. Âm thanh ấy vọng đến từ bờ sông bên kia. Thật lạ, dù đầu óc không còn minh mẫn nhưng tai già luôn nghe được những âm thanh vọng đến từ cái chòi nhỏ bên kia sông. Có lẽ vì quãng sông chỗ này không đủ rộng. Mà cũng có lẽ vì tâm trí già luôn hướng đến căn chòi ấy. Bên ấy có một người quen cũ. Người quen cũ ấy có cửa nhà đàng hoàng trên mặt lộ nhưng vẫn thích ở trong chòi. Nghe nói vì thích gió mát trên sông nhưng già nghĩ đó chỉ là một phần lí do. Những buổi trưa đứng gió, những đêm trăng sương bủa, già cứ nhìn về phía ấy và lơ mơ mường tượng một đôi mắt rực lửa đang nhìn về phía mình. Cái mường tượng ấy làm già đau khổ lắm. Biết là quá khứ nhưng không phải quá khứ nghĩa là đã qua. Lỗi lầm vẫn còn, người vẫn còn đó, mất mát vẫn đó, đau đớn vẫn sờ sờ, hối hận vẫn giày vò thì quên sao cho được.

- Anh Tư hầy! Tui tắm cho anh nhen.

Già Tư quay lại nhìn ông bạn, bối rối:

- Thôi, phiền anh lắm, phiền anh hoài…

Ông Ba đặt thùng nước xuống chân, dứt khoát:

- Chuyện nhỏ xíu, có gì mà ngại anh! Mình giờ làm được cho nhau cái gì thì làm. Còn mấy tăm hơi nữa đâu.

Rồi ông Ba giục bạn cởi áo. Già Tư run run làm theo. Ông Ba múc từng ca nước xối rửa cho bạn. Nước chảy tới đâu già Tư mát tới đó, mát cả gan cả ruột vì thấy ít ra vẫn có người quan tâm tới mình. Ông Ba vừa làm vừa chậm rãi kể cho bạn nghe những chuyện xảy ra trong xóm, trong làng, trong cái chợ quê của họ. Đó là cách để ông đem thông tin cuộc sống đến cho người bạn cô độc gần như bị bỏ rơi ngoài rìa.

- Bà vợ tui bữa nay đi họp với hội người cao tuổi nên không ra phụ tôi tắm anh được. Anh đừng lo. Thằng con anh nó không dám chửi vợ chồng tui đâu. Lần trước, cái lần mà nó cự vợ chồng tui làm chuyện bao đồng đó, vợ tui nói thẳng với nó: “Mày bất hiếu vừa thôi! Cha mày mà mày không lui tới coi ngó, không thăm nom chăm sóc thì để hàng xóm lo. Còn có chính quyền, có cô bác mà mày muốn làm gì thì làm được sao? Vợ chồng tao thương ổng nên qua tắm rửa cho ổng. Mày để cha nằm chèo queo, nuôi cha như nuôi heo vậy, coi có ngày trời đánh mày nha!”. Anh Tư đừng buồn vợ tôi. Bả ăn ngay nói thẳng xưa giờ rồi. Thằng con anh đối xử với anh tệ bạc với xóm làng ai cũng kêu rêu hết. Từ bữa bà chửi nó giờ, gặp bả nó cứ lấm lét. Thôi anh Tư, anh đừng nói tại nhân quả chi hết. Số mạng con người không biết được đâu anh. Hôm trước tui đi đám giỗ dưới rạch xẻo, gặp thằng Tám trâu, anh còn nhớ nó không? Nay nó già sọm, già hơn tui nữa. Nó gửi lời hỏi thăm anh với anh Năm…À, mà gió này là gần tết rồi hen.

Ông Ba lái câu chuyện qua hướng khác vì nhận ra nỗi buồn trên mặt bạn. Hai người bạn của ông chưa ai có thể quên được những chuyện tưởng đã cũ.

- Anh Tư, sắp tết đây sấp nhỏ nhà tui sẽ về đủ mặt, sẽ qua thăm anh. Thằng Ba con tui cứ hay gọi điện hỏi thăm mấy chú bác khỏe không. Nó nói tụi nó nhớ quê nhiều lắm nhưng đời làm công nhân mà đâu phải nhớ là về được.

Câu chuyện đang dang dở thì dưới sông nghe tiếng nước động lớn như có gì đó rơi xuống sông. Ông ba lẹ làng: “Để tui xuống coi sao!”.

Ông Ba lật đật đi như chạy xuống bến. Già Tư vuốt mái tóc rủ nước loà xoà trước trán, ngước mắt ngỏng cổ ngó hướng sông. Có tiếng ông Ba la lớn: “Có người té sông! Bớ người ta! Cứu!”. Lại thêm tiếng động lớn trên mặt nước như có người vừa nhảy xuống. Thêm một vài người nữa nghe tiếng hô hoán xuất hiện, lục tục chạy xuống bến chợ. Già Tư muốn xuống xem sao nhưng đôi chân phản chủ không chịu nghe lời. Già ráng sức lết được đến cửa chòi thì tốp người dưới sông đã tràn lên cùng những âm thanh hối hả cuống quýt:

- Không sao! Sơ cứu rồi chở lại trạm xá cho bác sĩ coi.

- May mà bác Ba cứu kịp!

- Bác Ba ơi liều quá vậy! Ông già gần tám mươi mà còn nhảy xuống nước xiết cứu người, khúc sông này nước chảy dữ quá mà.

- Có sao không bác?

- Thằng cha này ở đâu tới đây lạ hoắc vậy?

- Chắc chả xỉn lắm, rớt xuống nước lội không nổi luôn.

- Ừ, thấy hôi rình rượu.

- Dám thua bài bên biên giới về tới đây phóng nước tự tử luôn không chừng!

- Thôi mấy cha ơi, ở đó mà đoán mò. Cứu được người là mừng rồi!

- Ừ ông nào lên xe ngồi kèm chả để tôi chở lại trạm xá nè!

Tiếng ồn ào tản mác lên con lộ, tan dần. Ông Ba trở vào chòi tiếp tục việc đang bỏ dở. Không đợi bạn hỏi, ông nói ngay cho bạn nghe chuyện vừa xảy ra:

- Có người té sông anh à. Thấy nó sắp chìm, còn có chỏm tóc xấp xãi mặt nước, tôi chỉ kịp la lên rồi nhảy xuống cứu. Chút vậy mà tôi cũng hơi đuối sức. Già thiệt rồi! Nhớ hồi đó khúc sông này nước xiết cách mấy cũng không làm khó được tụi mình.

Ừ, già Tư lơ mơ nghĩ, khúc sông này nước xiết tự thuở nào rồi. Lúc họ hãy còn là những đứa trẻ, khúc sông đầu vàm nước đã xiết, mỗi mùa nước dâng làm lật không ít xuồng và đã không ít người mất mạng ở đoạn sông sóng dữ này. Vậy mà mấy chục năm trước có ba đứa nhỏ hay rủ nhau lội đua qua sông, ngay chỗ nước xiết để coi đứa nào bơi giỏi hơn. Chòi già Tư nằm ở khúc cua. Ngược dòng nước vài tầm sào, ngoặc cái đã ra đến sông mẹ bát ngát. Từ chòi già Tư trở vào trong là nhánh sông con nhỏ hơn mẹ nhưng cũng ăm ắp nước, mỡ màng phù sa là nguồn sống cho cánh đồng trong. “Cánh đồng trong”, ba từ ấy vừa lướt qua suy nghĩ làm già Tư rùng mình, run rẩy, quên luôn người bạn đang kì cọ cho mình mà chỉ thấy những thước phim kí ức đang cố tình tua thật chậm...

Gió mạnh, nước sắp rút, một ngày khủng khiếp. Trên điều về chi viện một tốp lính Mĩ vì khu vực Giồng Tố thường bị du kích tấn công. Giồng Tố gần biên giới Campuchia, đồng rộng mênh mông nối liền rừng cây rậm rạp. Việt Cộng cứ thoắt ẩn thoắt hiện, bị truy đuổi thì rút qua bên kia biên giới. Lần ấy ban chỉ huy quyết định mở đợt càn quét lớn nhưng sau nhiều ngày vẫn chưa thu được kết quả, lính quốc gia vẫn chưa phát hiện được hang ổ của Việt Cộng. Hôm ấy tốp của Tư cùng một số lính Mĩ nhận nhiệm vụ đi tuần tra vùng đồng nước nổi ở “cánh đồng trong.” Hình như bên kia biết trước nên không thu được kết quả gì. Tắc ráng đi đến đâu cũng chỉ ngó thấy nước. Nước ngập trắng xóa, hút tầm mắt cũng là nước, nước tràn tận chân trời. Xa xa mấy chùm điên điển trổ bông vàng hiu hắt, mấy tán cây quắn ngoi ngóp rướng khỏi mặt nước để thở. Hồi nhỏ, Tư thấy cảnh ấy thật đẹp nhưng giờ nhìn sao cũng thấy bức bách ngộp thở. Tay chỉ huy đã rất sốt ruột. Giữa lúc bực dọc, thất vọng đến đỉnh điểm thì tốp tính quốc gia tóm được một người đang loay hoay với mấy tay lưới trên chiếc xuồng ba lá nhỏ gần chòm cây quắn lớn giữa đồng. Người đàn ông có vẻ hốt hoảng khi bị bắt. Người ấy bị trói vào chạc ba cây. Tiếp đó là một cuộc tra khảo dã man, xen trong tiếng “binh, bốp, hự” là tiếng rít:

- Việt Cộng ở đâu? Khai mau! Mày không là Việt Cộng thì mày cũng đi báo tin cho Việt Cộng. Ngoan cố! Này thì ngoan cố…

- Không! Tui không phải Việt Cộng! Tui chỉ là dân thường đi câu lưới. Tui đâu biết gì mà khai. Có đánh chết tui cũng không biết gì mà khai!

Những câu đối đáp Tư chỉ nhớ láng máng nhưng có thứ cả đời Tư không thể quên được. Đó là ánh mắt người đàn ông ấy nhìn Tư, nửa quen biết, nửa xa lạ dửng dưng, nửa đau đớn tuyệt vọng, nửa giận hờn trách móc. Ánh mắt này thời gian trước từng dõi theo bước ba thằng nhỏ chăn trâu, chỉ cho chúng cách làm mô xúc lươn, thọc hang cá lóc, uốn ná bắn chim. Tư không thể trơ mắt đứng nhìn người quen cũ bị đánh đập. Tư đã lên tiếng, cố lao vào ngăn vụ tra tấn dù không biết cái gì chờ mình phía trước. Tư bị gạt ra, ăn một báng súng vào đầu choáng váng. Cuộc hành hạ biến thành hành hình. Viên chỉ huy tức tối vì lời khai trước sau như một của người đàn ông, bực vì hành động không chuẩn mực của Tư, vì cho rằng Việt Cộng còn quanh quẩn đâu đó, vì cần thị oai, vì cần cái để báo lên trên nên quyết định ngón tra tấn man rợ nhất. Mổ bụng! Tiếng thét đau đớn thảm thiết của người ấy vang vọng khắp mặt nước, vang khắp mấy quãng đồng, văng vẳng suốt mấy chục năm sau. Đầu óc của Tư quay cuồng. Mặt nước loang loáng máu, mặt người đau đớn, mặt ác quỷ nhe nanh, mặt trời ròng ròng máu… tất cả cứ xoay tít mù trước mắt. Tư gần như ngất đi. Về đồn, Tư bị nhốt mấy ngày, bị phạt, bị điều tra vì nghi ngờ có liên quan đến Việt Cộng rồi được tha khi có người xác nhận Tư và người đàn ông bị mổ bụng ấy từng là hàng xóm. Từ đó Tư bắt đầu bị ác mộng. Đôi mắt, tiếng thét ấy cứ theo Tư trong giấc ngủ và cả khi thức. Ám ảnh khủng khiếp. Tư ngủ mớ, la hét vào ban đêm. Vào ban ngày, có khi Tư nhìn trừng trừng vào mặt người khác như nhìn vào khoảng không. Người ta đưa Tư vào nhà thương khám xem có bị tâm thần hay không. Tư thấy sợ chính mình, sợ cái đồn bề thế án ngữ cửa sông, nhìn đâu cũng thấy hình như có máu. Máu của đồng bào, hàng xóm, anh em, bạn bè của Tư. Hắn nghĩ đến việc bỏ trốn. Đúng lúc ấy, nàng ghé chỗ Tư thủ thỉ:

- Tư ráng khỏe nha cho người khác còn nương dựa! Tui giờ muốn tìm bến đậu bình yên, Tư đừng chê tui!

Tư đã được nàng đáp lại sau mấy năm ròng tương tư. Trốn lúc này thật bất tiện. Nàng yếu đuối như vậy liệu có chịu được gió sương bên cạnh thằng đàn ông vừa đào ngũ? Thế là Tư nấn ná, dùng dằng chưa thể quyết đi hay ở. Được ít hôm, nàng báo cho Tư một tin hệ trọng: Tư sắp được làm cha! Tư đón tin ấy bằng một tâm trạng khó tả lẫn lộn vui buồn có cả chút hoài nghi. Bọn cùng đồn cười sau lưng, bảo Tư đổ vỏ cho người khác. Những lời ấy không phải Tư không nghe, cũng không phải Tư không nghĩ đến điều đó. Nhưng thôi, dù gì hắn đã hứa sẽ bảo bọc nàng, con nàng cũng là con Tư, chắc chắn sẽ là con Tư. Họ thành vợ chồng chính thức sau một đám cưới qua quýt, không phải chỉ vì hắn không có nhiều tiền mà vì tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng. Lính trong đồn bắt đầu lo sợ, nhấp nhổm đứng ngồi không yên. Việt Cộng ngày càng siết chặt vòng vây quanh Giồng Tố. Từ nhiều nơi tin tức đưa về, đồn này sập, bót kia đổ. Vẻ hoang mang lộ rõ trên gương mặt bọn chỉ huy, lính tráng mỗi lúc thêm sốt ruột, phấp phỏng. Đêm đêm đứng trên vọng gác, Tư cứ ngờ sẽ có một tốp người trồi lên từ những đám lục bình dưới mặt sông tấn công vào đồn. Vậy rồi ngày ấy đến thật. Đồn bót sụp đổ, lửa cháy, người chết. May mà Tư còn sống dù bị thương nặng. Những ngày được điều trị ở bệnh viện của quân giải phóng, hắn ngẫm nghĩ, đón nhận sự thất bại bằng một tâm trạng rối bời, có lo âu hoảng hốt, lạ là lại có chút vui. Vậy là chiến tranh đã kết thúc, hắn không còn phải cầm súng giết người nữa. Nhưng số phận hắn - thuộc phía những người thua cuộc - sẽ như thế nào? Cũng đúng vào ngày ấy, trước khi đồn bót bị tấn công người nhà nhắn vào cho hắn hay nàng sinh rồi, một thằng con trai khá khỏe mạnh dù sinh thiếu tháng. Lúc bị trúng đạn, lúc bị bắt Tư tự nhủ dù thế nào cũng phải gắng sống để về gặp vợ con.

Thời gian học tập cải tạo Tư thấy dài đằng đẵng rồi cũng qua. Hắn nôn nao trở về, gấp gáp trở về để gặp lại vợ con. Nhưng đến nhà hắn chỉ gặp con. Thằng bé đang khóc ngằn ngặt trên tay mẹ hắn. “Vợ con đâu?”. Bà già chặm nước mắt, nói như mếu: “Nó bỏ đi rồi. Tội cho thằng nhỏ, còn đỏ hỏn”. Mãi về sau này Tư mới biết vợ hắn vẫn ôm mộng đổi đời, mơ về một cuộc sống khác, nghe theo lời một vài người quen thời lui tới Giồng Tố nên đã gom hết những thứ có thể gọi là tài sản đổi lấy một chỗ ngồi trên chiếc tàu vượt biển và biệt tin từ đó chẳng biết mất hay còn. Mãi về sau này Tư vẫn không biết rốt cuộc nàng thương mình hay chỉ mượn tạm một chỗ nghỉ qua những ngày thắt ngặt. Vậy mà hắn vẫn thương nhớ vẫn mong một ngày vợ trở về sum họp với cha con mình. Mẹ già năm lần bảy lượt giục hắn thêm bước nữa để có người chia sẻ với hắn, có người chăm thằng bé phụ bà vì bà đã gần cạn thời gian một kiếp. Nhưng Tư không thương ai được nữa mà cũng chẳng ai thương. Lính ngụy, bị cải tạo, một đời vợ, con nhỏ, nhà nghèo, mang thương tật. Vẫn chưa đủ! Chiều chiều uống rượu say mèm, đêm đêm mê sảng la hét. Vậy là hắn đủ điều kiện ở một mình. Rồi mẹ hắn chết. Hắn lây lất sống, lây lất nuôi con khôn lớn, cưới vợ cho nó. Thương con thiếu thốn tình mẹ, Tư đã ra sức bù đắp bằng tất cả khả năng. Mấy công đất hương hỏa ông bà để lại cùng tất cả những gì tích cóp một đời Tư đã cho vợ chồng nó hết. Thằng con không thích nghề nông, vợ nó thích ở chợ. Nên khi nhà nước quy hoạch khu chợ mới, vợ chồng nó quyết bán đất để ra chợ, quyết chuyển nghề lái heo, mổ heo bỏ mối cho mấy sạp thịt, vợ nó cũng đứng coi một kệ thịt trước cửa nhà. Tư cản, tụi nó không nghe. Nhà cũ vợ chồng nó quyết định cải tạo lại thành lò mổ. Già Tư phản đối tụi nó không vui. Già không nhớ rõ là từ lúc nào mình đã ra ở cái chòi nhỏ này, sau trận bệnh làm hai chân gần như bại liệt hay sau cái lần vợ chồng nó cãi nhau vì già kêu nó bỏ nghề mổ heo làm vợ nó không vui. Già không nhớ được. Già Tư sợ thấy cảnh con heo bị rạch bụng. Nó ám ảnh, nó khuấy động cái kí ức hãi hùng. Từ ngày thằng con hành nghề đồ tể, ác mộng xuất hiện dày đặc hơn. Đến một ngày thằng con phát hiện ra cha mình đã trở thành một ông già lú lẫn, có khi la hét nói sảng giữa ban ngày, khi bất động không nói, lúc tỉnh thì cứ càm ràm suốt về thất đức về nghiệp báo. Con dâu thấy cha chồng sao mà dơ dáy quá, khạc nhổ, tiểu tiện tùm lum. Nhà buôn bán ở giữa như vậy coi sao đặng. Vậy là già được “biệt phái” ra cái chòi nhỏ ven sông. Cơm ngày hai bữa đứa cháu đem đến, mắc ị thì đó, chòi cất de ra mặt sông tha hồ mà giải quyết, tha hồ mà mát; tắm rửa thì năm ba bữa một lần thằng con ra tắm cho, lúc nào nó bận rộn quá thì mươi bữa nửa tháng tắm một lần cũng có sao. Hàng xóm có góp ý đôi ba lần rồi đâu cũng vô đó. Nó có làm gì phạm luật đâu nè. Nó có đánh đập, ngược đãi chi đâu nè. Là do cha nó thích ra đây ở nha, đèn nhà ai nấy sáng nha… Ông Ba xót, một hai bữa là ghé tắm rửa, kì cọ cho bạn. Nhiều lúc già Tư nghĩ phải hồi trẻ mình nghe lời ông Ba, cùng hai người bạn thiếu thời đi thoát li thì có lẽ cuộc đời đã khác. Nhìn bạn mà già Tư thấy tủi thân. Ông Ba, người bạn từ thiếu thời tuy là thương binh nhưng cuộc sống giờ vui lắm, có cháu con đủ đầy, yêu thương tràn ngập. Vợ chồng già ngoài bảy mươi mà hủ hỉ có nhau, con cháu hiếu kính, nghèo mà vui. Hồi trẻ, ông Ba lăn lộn khắp mấy chiến trường Đồng Nai, Bình Phước, Campuchia… và ông có mặt trong đoàn quân giải phóng Sài Gòn. Sau giải phóng một thời gian ngắn, ông cũng xin giải ngũ. Được chính quyền mới cấp cho căn nhà và miếng đất ở trung tâm thành phố nhưng ông từ chối rồi trở về quê bên vợ con, làng xóm. Vợ chồng người thương binh đã làm đủ nghề để sống, chăn nuôi, trồng trọt rồi mở một quán hủ tiếu nho nhỏ. Vậy mà cũng mấy chục năm. Con họ trưởng thành, người làm cơ quan nhà nước, người làm công nhân. Những đứa đi làm xa khi có dịp đã tranh thủ về sum họp. Cuộc sống như vậy là đủ. Già Tư mơ ước lắm cái cảnh sum họp gia đình nhưng với già đó là giấc mơ xa vời! Vợ bỏ, con bất hiếu, già Tư cho rằng đó là nghiệp báo vì già đã từng cầm súng bắn vào đồng bào, bàn tay Tư đã vấy máu xóm làng. Dù ông Ba thường khuyên bạn đừng tự dằn vặt mình như vậy, tất cả là do chiến tranh. Tất cả là do chiến tranh, nhiều lần đã đổ lỗi cho chiến tranh nhưng già vẫn không thể tha thứ cho mình được. Vậy chắc gì Năm có thể tha thứ cho già? Tư đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc đời mình nhưng vẫn còn cái khó khăn rất lớn mà già không cách nào vượt qua được. Chỉ một quãng sông không quá rộng mà mãi Tư không đủ can đảm để vượt qua. Cái chòi lá bên kia sông là “nhà mát” của em trai người đàn ông bị mổ bụng sống năm xưa. Người trong chòi lá là bạn thân thiết từ thuở thiếu thời của già Tư và ông Ba: ông Năm. Già Tư không dám đối diện với bạn. Người đàn ông bị mổ bụng từng coi Tư như em trai, em trai người ấy coi Tư là bạn bè chí cốt, là anh em thân thiết, nhà họ từng sát vách nhau, họ đã chia cho Tư miếng cơm cháy đáy nồi mỗi lần hai bà mẹ đi làm đồng về trễ. Vậy mà Tư đã hèn nhát, bất lực không cứu được. Giờ già chỉ có hai tâm nguyện: một là mình đủ can đảm để đối diện với ông Năm, để nói lời xin lỗi, hai là mong được một lần gặp lại nàng để gia đình sum họp, con trai rõ mặt mẹ hay chí ít cũng biết được tin nàng giờ ra sao...

Khi kí ức rã rời chịu dừng cuốn phim thì trời đã nhá nhem tối, ông Ba đã ra về tự lúc nào. Gió sông tràn lên mát rượi, bóng đèn cà na tỏa ánh sáng vàng úa xuống căn chòi. Trên bàn tô cơm lạnh ngắt, chắc lúc già bị cuốn vào dòng tra tấn của kí ức thì đứa cháu gái đã mang cơm đến. Con nhỏ rồi sẽ thành người như thế nào khi chứng kiến cách cha má nó đối xử với ông nó… Già thở dài. Nếu quả thật đáng bị quả báo thì một mình già nhận đủ rồi, xin đấng cao thiêng nào đó soi sáng để con cháu già không lầm đường lạc lối.

- Anh Tư à, ngủ chưa?

Là ông Ba. Nhưng không phải chỉ mình ông.

- Ngồi xuống đây chơi đi chú em!

Ông Ba vỗ vỗ xuống mặt sàn. Già Tư nhìn người khách vừa ngồi xuống bằng đôi mắt ngơ ngác. Ông Ba trả lời cho sự ngơ ngác của bạn: “Chú em này hồi trưa té xuống sông đó!”.

- Ờ… - già Tư chậm rãi gật đầu, rồi chậm rãi hỏi - … Sao mà té?

Người khách, một người đàn ông với gương mặt khắc khổ, bụi bặm khó đoán tuổi, tầm bốn mươi, cũng có thể hơn, gãi gãi đầu: “Chắc tại xỉn quá!”. Già Tư lại chầm chậm nói: “Sao xỉn dữ? Tính tự tử hả?”.

- Huầy, đâu có! Té mà xỉn, hết biết gì. Tui mà muốn chết thì tui chết lâu rồi. Sống chán thấy mồ!

Người khách nhìn quanh quất căn chòi, vẻ ái ngại:

- Bác sống một mình ở đây sao?

- Không. Tui có con cái, nhà tui trong chợ...

Thấy bạn ngập ngừng, ông ba đỡ lời:

- Già Tư, chẳng mấy khi có khách tới chơi, mình thong thả nói chuyện chơi. Chú em chắc không phải dân xứ này? Nghe cái cách nói thì chú chán đời quá hả?

Trăng non lấp ló đầu vàm, dòng nước từ sông cái vặn mình xiết qua khúc cua rồi chầm chậm chảy về hướng cánh đồng trong. Ánh trăng lô xô ngọn sóng chỗ nước xiết, trăng tràn lai láng trên dòng nước mẹ, lấp lánh trên mặt nước nhánh sông con. Dòng nước như cố tình chảy chậm qua căn chòi mọc rìa mép nước để lắng nghe những lời chuyện vãn. Giọng người trẻ hơn:

- Tui không thích kể chuyện đời mình cho người khác nghe đâu! Có gì vui mà kể. Bác Ba cứu tui là người ơn, gặp hai bác coi như là có duyên thì thôi tui kể chuyện chơi cho hai bác nghe đỡ buồn. Tui tên Hận, hồi nhỏ ở xóm Lều. Nghe bà ngoại nuôi nói là tui bị bỏ rơi chung với một bộ quần áo bùi nhùi ở bãi rác. Bà thấy tội nên đem về nuôi. Tui nghe nói trước khi lượm tui, bà sống có một mình, chồng con chết hết hồi chiến tranh. Ngoại thương tui lắm. Mà đó tới giờ cũng chỉ có bà thương tui thôi. Bà ngoại lượm rác nuôi tui. Hai bà cháu cu ki sống với nhau gần bãi rác, nghèo mà vui. Kể từ lúc bà chết, tui vẫn còn nghèo mà hết vui. Năm đó tui năm, sáu tuổi gì cũng không nhớ rõ. Trước khi nghỉ thở bà có nói trong đống quần áo bùi nhùi tui nằm hồi xưa có một tờ giấy nhưng ngoại làm mất rồi. Trong giấy có ghi tui tên Hận, má tên Út, cha là Đồ Khốn Nạn, quê má ở Kinh Xáng. Tới đó ngoại tắt thở nên không biết trên giấy còn ghi thêm gì nữa không. Sau này, biết suy nghĩ rồi tui nghĩ nhiều lắm về bà ngoại, về má ruột. Sao lúc còn khỏe bà ngoại không cho tui biết về tờ giấy, về cái gốc gác mơ hồ đó của mình. Bà sợ tui buồn? Sợ tui bỏ bà đi? Vậy sao lúc sắp ra đi bà lại nói cho tui biết? Chắc ý ngoại kêu tui đi kiếm má. Kiếm đâu giờ? Trời đất thì bao la, manh mối thì mơ hồ. Trời đất ơi! Cả nước này bao nhiêu cái xứ tên Kinh Xáng, biết bao nhiêu người phụ nữ tên Út? Còn cái người cha tên Đồ Khốn Nạn nữa. Hồi đầu tui tưởng cha mình tên Đồ Khốn Nạn thiệt, sau mới nghiệm ra, không ai được cha má đặt tên là Đồ Khốn Nạn hay tự nhận mình là đồ khốn nạn hết, mặc dù đồ khốn nạn đầy ra đó. Mà người ta đã bỏ mình thì mình đi kiếm làm gì? Họ thương mình thì sao nỡ vứt bỏ như nùi giẻ ngoài bãi rác? Cũng không mong mình sống sót đâu. Sau đó nữa, lăn lộn nhiều, gặp gỡ nhiều người, mà nhất là khi ở tù tui lại nghĩ, chắc má khổ sở lắm mới phải bỏ con như vậy, chắc hoàn cảnh ngặt nghèo lắm, chắc má hối hận dằn vặt cả đời rồi. Làm sao ở tù hả? Bác tính, lớn lên trong bãi rác, không người dạy dỗ, bạn bè cũng tụi du thủ du thực thì lớn lên tui thành du côn. Đánh lộn, băng nhóm, bảo kê, xộ khám. Vô đó tui gặp một vài người làm tui thay đổi chút chút. Tui hiểu đánh lộn bán mạng kiếm sống không phải cách hay. Tui thèm ra ngoài sống như người bình thường. Ra tù không biết sao nhưng tui không ở yên một chỗ được. Làm mướn kiếm sống thì ở đâu không được. Tui cứ lang bạt khắp. Nghe chỗ nào có cái tên Kinh Xáng là tới đó vừa kiếm sống vừa dò coi có bà già nào tên Út từng lạc con hay không. Qua bao nhiêu miệt cũng không nhớ rõ, gặp cũng nhiều bà Út lắm mà không nghe ai nói từng lỡ mất một đứa con. Loay hoay già hồi nào không hay. Giật mình nhìn lại không có gì trong tay hết, không nhà cửa, không vợ con, không quê hương xứ sở. Bác nghĩ coi, có ai chịu làm vợ một thằng từng vào tù ra khám, nghèo xác xơ lại lông bông lang bang rày đây mai đó. Hồi trẻ gái gú cặp bồ thì có mà không đứa nào chịu ở lại bên tui hết. Chỉ có ông Lưu Linh chịu nhận tui làm đệ tử. Đó, hai bác nghĩ coi, sống như vậy chán không? Tui có chết cũng không ai xót không ai nhớ. Mà chết thì cũng chưa muốn. Đợi nào gặp được bà má ruột hỏi bả vài câu rồi hãy chết. Má sinh tui làm chi rồi vứt bỏ. Má làm gì cuộc đời tui, làm gì cuộc đời má vậy? Mấy chục năm nay má sống vui vẻ gì không? Không biết tui muốn gặp bả để đay nghiến trách hờn hay để an ủi mình có người thân có cội nguồn. Mong bà còn sống. Chắc chưa chết đâu, má còn đợi gặp để trả lời tui mà.

Giọng kể ngừng lại. Không gian im lặng nghe rõ cả tiếng nước róc rách dưới sông vọng lên, có tiếng thở dài sườn sượt rồi một giọng già nói:

- Chuyện chú Hận buồn thiệt. Tui chia sẻ với chú. Nhưng bỏ xuống đi chú, mang hoài nặng lắm. Tui không dạy đời chú đâu. Mỗi người một cảnh. Chú muốn tìm mẹ là đúng nhưng đừng để quá khứ nó đè nặng, hủy hoại hiện tại. Sống chết, số mạng có khi mình không quyết định được nhưng mình được chọn cách để sống. Sống đã khó, sống cho ý nghĩa còn khó hơn. Tuổi chú vẫn còn trẻ đừng hủy hoại mình bằng rượu. Chết vì xỉn rượu té sông, xỉn rượu trúng gió là cái chết lãng xẹt. Bao nhiêu người muốn sống mà không được. Bao nhiêu người cùng thời với tui muốn được cuộc sống yên ổn thời bình mà họ không đợi được. Tui nghĩ mình còn sống giùm phần người khác nữa. Chuyện buồn ai cũng có chú à.

Giọng một người già nữa cất lên:

- Chúng tôi là những con người đã sống qua chiến tranh, đã nhiều lần ranh giới sống chết chỉ cách nhau một hơi thở. Chết thì dễ sống mới khó. Không tự dưng mà mình được sinh ra kiếp người, mình phải làm sao cho tròn phận người. Đừng nói đâu xa, tui nè, cuộc đời có được mấy ngày vui đâu. Vợ bỏ, con ruồng rẫy, tâm trí lú lẫn. Tui từng sai, mấy chục năm rồi luôn bị quá khứ ám ảnh đến mức chết còn sướng hơn. Vậy mà vẫn sống vì trách nhiệm, bổn phận, sống để chuộc lỗi, để hi vọng.

Thêm một khoảng lặng nữa. Trăng phủ trên ngọn sóng trải ánh sáng đã yếu ớt dài trên mặt sông. Mỗi người đang bận với những suy nghĩ của riêng mình. Lâu lắm rồi ông Ba mới nghe người bạn già của mình nói nhiều, nói rành mạch như vậy, ông đâm lo. Ông sợ cái gọi là “hồi quang phản chiếu” của ngọn đèn sắp tắt. Lâu lắm rồi ông Tư mới nói về cuộc đời mình như vậy. Là chút vui sót khi có khách ghé thăm? Là được một lần trút tâm sự buổi xế tàn? Là muốn động viên một người mất phương hướng? Chiều nay khi Hận đến gặp ông để cảm ơn, ông đã rủ Hận xuống thăm già Tư vì thấy họ có điểm gì đó giống nhau. Có lẽ là vẻ cô đơn hiện ra qua ánh mắt rượi buồn. Ông Ba muốn khuyên Hận giữ cuộc sống lành mạnh, giữ sức khỏe. Tìm mẹ thì cứ tìm nhưng đâu nhất thiết phải đắm mình trong men rượu, phải để cuộc đời mình trượt dài. Dù cuộc tìm kiếm kia có vô vọng đi nữa thì nó cũng là động lực sống. Cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn nếu người ta vẫn còn cái để chờ đợi, còn mục tiêu để phấn đấu. Như già Tư vẫn lây lất sống vì tin một ngày người xưa sẽ trở về, già Tư vẫn kiên định sống chờ một ngày có cơ hội để gặp ông Năm nói lời xin lỗi. Mấy chục năm đã qua hai người bạn của ông - Tư Điền và Năm Thạnh - vẫn chưa một lần chính thức giáp mặt nhau. Chỉ một mặt sông mà khoảng cách của họ vẫn diệu vợi, mấy chục năm vẫn chưa vượt qua được. Người không đủ can đảm, người chưa nguôi được nỗi đau. Đã một vài lần ông Ba thử dò ý ông Năm để tìm cách cho họ gặp mặt, giúp họ vượt qua nỗi buồn quá khứ. Ông vẫn đang tìm thời điểm thích hợp. Họ đã đi qua chiến tranh với những vết thương khó lành. Già Tư dằn vặt cả đời. Ông Năm có sung sướng gì đâu: anh ruột bị mổ bụng, em gái chết vì đạn lạc, một phần cơ thể gửi lại chiến trường, hai đứa con lớn ngơ ngơ ngác ngác vì di chứng chất khai quang từ ông, may còn được đứa út phát triển bình thường…

Trăng đã khuất hàng cây, mặt sông sâm sẩm tối. Cái tranh tối tranh sáng ấy gợi ông Ba nhớ lại những ngày trước khi giải ngũ. Có một đêm khi cùng đồng đội tuần tra ở cửa sông giáp biển, nơi những con tàu lén lút chở người vượt biên thường đi qua, họ đã vớt được một vài xác người. Một con tàu đắm đâu đó ngoài khơi vùi chôn mãi mãi giấc mơ Mĩ của những con người xấu số. Qua chiến tranh, phải chứng kiến nhiều cái chết nhưng khi vớt những xác người ấy ông vẫn không khỏi xúc động, ông vẫn không thể quen được với cái chết. Ông Ba đã giật mình ngờ ngợ nhận mặt một người quen trong số những cái xác vô hồn khi cùng đồng đội giúp họ yên nghỉ. Không chắc lắm, vì gần hai mươi năm rồi kể từ khi ông đi chiến đấu, ông Ba chưa gặp lại người ấy. Thời gian thay đổi nhiều thứ. Nếu như không phải tại thời gian thì ông cũng khó nhận diện chính xác vì người ấy đã bị ngâm trong nước nhiều ngày. Mấy chục năm qua, mỗi lần nghe ông bạn già nhắc đến ước mơ trùng phùng cùng người vợ đã bỏ đi biệt xứ là ông Ba muốn kể chuyện đó cho bạn nghe. Ngập ngừng, đắn đo rồi lại thôi. Không chắc mà cũng không nỡ. Chắc gì người đó là bà ấy. Có lần, ông ướm thử: “Lỡ bà ấy không còn sống nữa thì sao?”. Già Tư đã gạt phăng: “Không đâu! Nhất định là còn sống. Nhất định sẽ về. Ham vui chút thôi rồi sẽ về mà. Chết thì cũng phải có tin tức chứ!”. Sự thật là già Tư không chấp nhận thực tế, luôn tự gạt mình, luôn huyễn hoặc một tương lai sum họp. Nhưng đó lại là động lực sống của già. Thành ra ông Ba cứ lưỡng lự. Nếu đúng người đó là bà ấy liệu già Tư có chấp nhận được rằng già cứ mãi mãi cô độc, rằng già Tư đã phí hết cuộc đời cho một giấc mơ không bao giờ thành sự thật, rằng cuộc sống của già chẳng còn gì vui để mà đợi mà chờ? Đắn đo vậy mà hết mấy mươi năm. Chắc đêm nay ông Ba lại thêm một đêm mất ngủ để suy tính xem nên nói cho ông Tư nghe chuyện ấy hay không. Còn Hận, muốn giúp anh ta thay đổi phải đâu chuyện một ngày một buổi. Ông Ba sẽ rủ Hận ở lại nơi này ít lâu để cho anh ta thấy cuộc sống này đáng sống, ở đâu cũng tồn tại nghĩa tình. Ông sẽ kể về những con người sẵn sàng xông vào cái chết để người khác được sống…

Đêm đã khuya trăng đã lặn, cả ba vẫn ngồi yên lặng thả suy nghĩ trôi đến cõi riêng mình. Dòng suy nghĩ của Hận đang trôi miết về cái xứ Kinh Xáng xa lắc nào đó có người mẹ tên Út rơi mất một đứa con trong đời. Già Tư đang lơ mơ bơi trong dòng hồi ức ngổn ngang bom rơi đạn nổ. Ông Ba nghĩ về chiến tranh, nghĩ về nỗi đau của những con người buộc phải đi qua chiến tranh, nghĩ về ý nghĩa cuộc sống...

Dòng sông mẹ vẫn trôi mang yêu thương vun đắp cho đời, mải miết...

N.N.Đ.U