Thứ Ba, 15/06/2021 16:30

Phê phán quan niệm chưa đúng về thơ thiếu nhi - Nhìn từ một tác giả!

Đội ngũ tác giả viết cho thiếu nhi từ sau cách mạng tháng Tám, không như nhiều nhận xét là thưa vắng, mỏng mảnh, mà theo chúng tôi là hùng hậu và tài năng... (NGUYỄN THANH TÚ & NGUYỄN THỊ TỐ NINH)

PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ

TS NGUYỄN THỊ TỐ NINH
 

1. Đội ngũ tác giả viết cho thiếu nhi từ sau cách mạng tháng Tám, không như nhiều nhận xét là thưa vắng, mỏng mảnh, mà theo chúng tôi là hùng hậu và tài năng. Đối sánh tác phẩm của họ với văn học nước ngoài đương đại cùng chủ đề sẽ thấy ít có sự khác biệt, thậm chí đặt trong bối cảnh văn học khu vực còn thấy sự ưu trội đáng tự hào. Văn chương những bậc đại thụ như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Võ Quảng, Phạm Hổ, Hà Ân... nếu dịch sang tiếng Anh, bóng của họ vẫn có thể che sang cả miền đất văn hóa nước bạn. Thế hệ tác giả Vũ Tú Nam, Đào Vũ, Nguyễn Kiên, Đoàn Giỏi, Văn Linh... rồi lứa chống Mỹ như Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Hoài Dương, Quang Huy, Định Hải, Phong Thu, Lê Phương Liên...nhất là tác giả Trần Đăng Khoa đã có những đóng góp to lớn để hình thành một khu rừng văn học thiếu nhi đặc sắc. Thế hệ viết cuối những năm 80 ở thế kỷ trước cũng xứng đáng được nghiên cứu với Nguyễn Hoàng Sơn, Dương Thuấn, Phùng Ngọc Hùng, Lê Cảnh Nhạc, Đặng Hấn, Lê Hồng Thiện, Nguyễn Nhật Ánh...

Bài viết này xin được đề cập tới thơ Lê Hồng Thiện – một nốt nhạc trong bản tổng phổ thơ thiếu nhi giàu có âm hưởng, một nhà thơ sắp sửa “bát tuần” (sinh 1943) nhưng thơ thì rất trẻ, một tác giả tiêu biểu cho ý thức đẩy thế giới nghệ thuật thơ của mình đi về miền cổ tích! Cũng là một cách khẳng định thơ thiếu nhi Việt Nam đương đại giàu bản sắc, có nhiều thành tựu không nhỏ...

Lê Hồng Thiện là một trong số ít tác giả có công làm sống lại thế giới cổ tích trong thơ, từ cảm hứng, nhân vật đến thi pháp để tạo nên bút pháp trong sáng hồn nhiên khá riêng. Đây cũng là cách kéo bạn đọc nhỏ tuổi về với thơ, để thế giới thần tiên được trở về với những khát khao cổ tích. Thế nên, như là sự thể hiện một quan niệm nghệ thuật, nhà thơ “tự bạch” trong mấy câu lục bát ấn tượng: “Cả đời yêu tiếng bi bô/ Tóc càng bạc trắng ngây thơ càng nhiều/ Hồn tôi thả một cánh diều/ Căng dây đón gió chạy theo mục đồng”. Đấy là quan niệm của một người hạnh phúc được sống bằng tâm hồn trẻ thơ để viết về, viết cho trẻ thơ! Ở trên đời này, có mấy ai được như thế đâu!?

Lê Hồng Thiện tiêu biểu cho mẫu nhà thơ viết bằng vốn sống, bằng sự trải nghiệm thực tế: “Cách đây hơn 40 năm, nhìn các con tôi cùng lũ bạn của nó ra bờ đê gần nhà thả diều, thấy chúng nó say mê, đắm đuối như muốn bay lên, chao liệng cùng cánh diều. Về nhà tôi nảy ra ý thơ và viết: Cho tờ giấy biết bay lên/ Sợi dây dài bỗng đứng nghiêng ngang trời/ Mùa Thu nào phải xa xôi/ Mùa Thu trong mắt con tôi... cánh diều” (Cánh diều và mùa thu). Đây là một chân lý tưởng như nghịch lý mà dân gian tổng kết: “Sinh con rồi mới sinh cha!”. Nhờ có con cháu, được yêu thương, được tiếp xúc, được nhập hồn vào thế giới trẻ... đã góp phần tạo nên một người cha/ông - nhà thơ Lê Hồng Thiện! Dĩ nhiên phải có năng khiếu, nhưng tiền đề trước hết phải là vốn sống: “Con trai út của tôi khi ấy mới được vài tuổi, nó khóc quấy vì mẹ vắng nhà. Tôi dỗ thế nào nó cũng không nín, thế rồi tôi chợt nghĩ ra và đưa cho cu cậu cái gương soi để chơi. Ai dè cu cậu nín ngay, reo lên ầm ĩ vì nhìn thấy “bạn” trong gương. Rồi cu cậu ngơ ngác sau khi lật lại phía sau gương. Tôi hiểu nó đang đặt câu hỏi: “Người bạn của nó ở trong gương đâu rồi? Tôi đã viết ngay bài thơ Soi gương để tặng con trai mình”. Còn quê hương nữa. Không có cảnh thần tiên chân quê của xứ sở Xích Đằng (Lam Sơn – Hưng Yên) thời kinh tế thị trường chưa xâm lấn, chắc cũng không có thế giới thơ Lê Hồng Thiện: “Đi trên đường đất đỏ/ Xanh xanh hai bờ cây/ Con ơi đừng mê mải/ Lá vẫy và chim bay/ Con chim non tập hót/ Con bướm nhỏ tập bay/ Con gái tôi tập viết/ Bắt đầu sáng Thu nay” (Con đi học).

Thơ là tiếng nói của tình cảm. Thơ kỵ sự nhợt nhạt vì yêu ghét chưa mãnh liệt. Phải yêu thương đến tận cùng, sự trân trọng đến tận độ trẻ thơ mới có thể có câu thơ này: “Bàn tay của bé ngộ ha!/ Khép vào: bóng tối, mở ra: chân trời” (Cửa mở). Phải trong vai bậc cha mẹ, nhà thơ mới có những câu này nói thay tấm lòng, hy vọng của các đấng sinh thành: “Khuôn mặt bé hồng tươi/ Là gương soi của mẹ” (Gương của mẹ); “Nhìn con chúm chím đôi môi/ Mẹ ru con ngủ, đất trời cũng ru/ Cây ru vàng lá mùa thu/ Gió ru quả chín, nắng ru lúa đồng/ Nhìn con chúm chím môi hồng/ Ru con, lòng mẹ ước mong từng ngày” (Lời ru của mẹ). Thế nên dù nhà thơ có viết về hình tượng cây, người đọc vẫn thấy thấp thoáng hình bóng một chủ thể trữ tình – các bậc cha mẹ sống vì/cho con cái: “Biết mình không một chút hương/ Đông về trút lá để nhường cho hoa/ Sang xuân cành bổng cành la/ Nụ tung cánh nở sao sa đầy cành/ Cây đào mặc áo hoa xinh/ Diện như bé mình đón tết vui ghê” (Cây).

Đây có thể là bài học chung cho nhiều tác giả khác, như lời tâm sự của nhà thơ: “Viết cho người lớn đã khó, viết cho thiếu nhi lại càng khó... Phải yêu con quý cháu đến hết lòng mới viết cho thiếu nhi được... Người viết dù cao niên, hàng ngày vẫn phải học thơ của các bậc đàn anh, lại học cả thơ của thiếu nhi...”. Có thể là khiêm tốn, có thể là “nhún mình” nhưng hạt nhân sự thật là vậy. Phải biết yêu thương, nồng nàn và tận hiến. Phải học thật nhiều để hiểu đời, hiểu người, quan trọng nhất là hiểu trẻ thơ...Đó là quy luật của quá trình sáng tạo: thấu hiểu để thấu cảm, đồng cảm rồi truyền cảm nghệ thuật! Cho người lớn đã thế, cho trẻ em càng phải thế. Vì trẻ em là sự thánh thiện. Vào ngôi đền thánh thiện tự thân mình phải thánh thiện...!!! Thế nên bậc lão làng Tô Hoài, sinh thời, năm 1989 khi trao giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhận xét tinh tế: “Điều đáng trân trọng là dù viết về cây cỏ hay về con người, lúc nào thơ Lê Hồng Thiện cũng chú ý đến đời sống tình cảm của các cháu bé”.

2. Thế giới nhân vật trong thơ thiếu nhi Lê Hồng Thiện là của thời cổ tích, dù là con vật, đồ vật cũng biết nói, biết nghe, biết hoạt động như con người. Nhà thơ gọi nhân vật là cô trăng, cô gió, là chị gió, chị gà... Cây quả trong vườn cũng cãi nhau như trẻ con vậy: “Trời sắp chạng vạng rồi/ Mà cây quả trong vườn/ Cãi nhau ồn ã quá...”. Nhà thơ đã cấp căn cước công dân cho những cây trái để chúng thành những con người, hơn nữa, là những thí sinh trong cuộc thi của một lớp học tự nhiên: “Cây hồng thi vẽ quả hồng/ Cây cải thi vẽ cải ngồng vàng tươi/ Cây nhài bông trắng màu vôi/ Chùm nho như mực tím rơi trên cành/ Quả ớt chín, quả cà xanh/ Hoa tô, lá vẽ bức tranh của vườn” (Bức tranh của vườn). Các màu sắc của tạo hóa như hội tụ cả về đây: hồng, vàng, trắng, tím, xanh...để khu vườn khoe sắc.

Trẻ thơ nhạy cảm với màu sắc. Thơ ông đáp ứng nhu cầu này: “Trong vườn có mắt quả na/ Có tai mộc nhĩ, có hoa loa kèn/ Quả mồng tơi mực tím đen/ Cà rốt bút đỏ ai đem ra trồng/ Quả bí ngô cái đèn lồng/ Sao xanh quả khế ớt cay sừng bò” (Bốn mùa mùa xuân). Tết cổ truyền gắn liền với màu đỏ ấm áp. Vườn cây cũng đón Tết bằng sắc màu dân tộc: “Bông hồng đỏ như mặt trời/ Giàn gấc giăng bóng như bơi trên giàn/ Hoa trang điểm, quả điểm trang/ Cây cũng đón tết rộn ràng mùa xuân” (Tết của cây)...

Nhân vật cổ tích không chịu nằm yên, luôn cựa quậy. Điều ấy làm nên sự sinh động xôn xao của thế giới vốn ngưng đọng. Nên nếu có “nằm” thì là trong trạng thái “ốm”: “Sông là hay ốm lắm/ Thấy lúc nào cũng nằm/ Khi uống nhiều nước đục/ Đau bụng réo ầm ầm” (Sông). Hẳn nhiên độc giả sẽ hiểu không nên như “sông” đã lười lại hay uống nước đục nên bị “đau bụng”... Nhân vật cổ tích thường rất ít lời. Thạch Sanh chẳng mấy khi nói. Thậm chí khi cần nói thì mượn âm thanh là tiếng đàn. Nên chị gà kia “lắm lời” là đáng chê rồi: “Chị gà mới thật buồn cười/ Vừa đẻ quả trứng lắm lời kêu vang/ Cây trứng gà mới thật ngoan/ “Đẻ” trăm ngàn quả không màng kêu ai!” (Chị gà)...

Trong thế giới tự nhiên thiên nhiên ấy rất hiếm khi có nhân vật độc ác (như Lý Thông, cô Cám), chỉ thấy có một hình ảnh con sông lười biếng và một lần “cô gió” bực mình: “Sáng trong, trong sáng là gương/ Bé đến soi mặt chải đường ngôi xinh/ Chỉ riêng cô gió bực mình/ Soi gương mà chẳng thấy hình trong gương” (Bé và gương). Cái “bực mình” này cũng có lý: “cô” ghen tỵ với bé, không được đẹp như bé! Cái đẹp của bé đến mức tạo hóa phải ghen. Đó là cái đẹp tột đỉnh!

Nhân vật cổ tích luôn ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm đạo lý của mình là phải tỏa ánh sáng công lý hoặc là giúp người tốt, bênh vực người nghèo. Nhân vật cây đàn của nàng Thoại Khanh, của Thạch Sanh hay con cá bống của cô Tấm...đều như vậy. Cây và quả trong thơ Lê Hồng Thiện đích thực là nhân vật cổ tích: “Quả chín còn ở trên cây/ Mà hương tỉa xuống đó đây khắp vườn/ Cây cho quả đẹp trái ngon/ Lại cho bóng mát tỏa ôm bóng người/ Vui cùng đất, múa cùng trời/ Cây già vẫn tặng cho đời trái thơm” (Cây và quả). Nằm trong hệ mỹ học ấy nên ông trăng cũng biến thành “quả”, “quả chín”: “Ra vườn ngắm quả mùa thu/ Quả hồng chín đỏ giống như mặt trời/ Quả thị thơm ngát chào mời/ Quả na mở mắt mỉm cười ngó nghiêng/ Mỗi quả một nét đẹp riêng/ Vui cùng chị gió chung chiêng trên cành/ Trung thu trời sáng trong xanh/ “Quả trăng cũng chín” để thành mùa thu” (Quả trăng… chín). Ngày nay hiểu phạm trù “tốt” của cổ tích bằng ngôn ngữ hiện đại nên đường biên khái niệm được nới rộng để thêm vào bên trong các nội dung ý nghĩa mới, như vị tha, đồng cảm, chia sẻ, trách nhiệm... Bài thơ có tên ngộ nghĩnh “Ngủ” có những khám phá mới: “Nước mưa nằm ngủ trong mây/ Hương thơm nằm ngủ cả ngày trong hoa/ Bóng râm ngủ dưới gốc đa/ Trẻ con ngủ dưới mái nhà ấm êm/ Chỉ riêng có một trái tim/ Chẳng bao giờ ngủ cả đêm lẫn ngày”. Nhận ra các sự vật, hiện tượng “ngủ” đã là sự khám phá. Chưa dừng ở đó, qua thế tương phản, tìm ra một hiện tượng không “ngủ” bao giờ đã nâng bài thơ lên một tầm cao nhận thức mới, qua đó đưa ra một bài học giáo dục về tình thương và trách nhiệm. Bài thơ không chỉ hay nhờ “tứ” vững mà còn cất cánh tinh thần nhân văn bay vào lòng người, nhẹ nhàng, thấm thía!

Nhân vật của cổ tích nguyên thủy luôn đóng khung trong một tính cách nhưng nhân vật cổ tích trong thơ Lê Hồng Thiện, khác và mới hơn, biết lo lắng, bồn chồn, thậm chí có cả sự “ngộ nhận” của người hiện đại: “Chị gà ngước mắt nhìn cây/ Ngơ ngơ ngác ngác “Ơ hay… trứng mình”/ Đung đưa quả chín trĩu cành/ Mặt trời ủ ấp đã thành trái thơm/ Chị gà chạy vội về chuồng/ Thấy trứng đầy ổ hết buồn cùng lo/ Biết mình ngộ nhận nhầm to/ “Cây kia đẻ trứng còn to hơn mình” (Chị gà ngơ ngác). Thê nên “hạt mưa” cũng “tinh nghịch” như con trẻ thời hiện đại: “Hạt mưa tinh nghịch lắm/ Ào ào trên mái tôn/ Thi cùng với ông sấm/ Gõ thùng như trẻ con/ Chớp vạch con đường đỏ/ Dẫn ông sấm đi chơi/ Tre rạp mình nghiêng ngả…” (Hạt mưa). Dám “thi” cùng “ông sấm” thì phải “bản lĩnh” lắm rồi. Chính điều này đã tạo ra một cấu trúc nhân vật lưỡng tính vừa cổ tích vừa hiện đại, vẫn có tính tươi mới thời sự, có hơi thở phập phồng của thời hôm nay.

3. Một đặc trưng của không gian cổ tích là không có vật cản nên nhân vật thoắt ở đây lại đã ở nơi khác. Tôn Ngộ Không chính là một sản phẩm của cổ tích, thậm chí là một cổ mẫu được kết tinh nên có phép “cân đẩu vân”, thích thì lên Thiên đình “đại náo”, lúc lại xuống Long cung, không thích thì về Hoa Quả Sơn làm chúa... Tận dụng thi pháp này, nhà thơ để cho “trăng” từ đẩu từ đâu cũng về dự hội rước đèn cùng “ngắm”, cùng “xem” như mọi nhân vật khác: “Quả thị vội bôi nước hoa/ Quả bưởi sắm lược mang ra chải đầu/ Quả hồng bôi phấn đỏ au/ Quả na chín mở mắt mau ra nhìn/ Trăng rằm cũng vội nhô lên/ Để ngắm hoa trái, để xem rước đèn …” (Quả). Trong lô gich ấy thì “mùa thu” có ở khắp mọi nơi, nhưng đẹp nhất, thi vị nhất là ở “trong lòng”: “Bé có mùa thu/ Ở trong trang sách/ Một bông hoa cúc/ Màu vàng chiếc nơ/ Mùa thu trong vở/ Mùa thu ngoài đồng/ Bé nép ngực mẹ/ Mùa thu trong lòng” (Mùa thu của bé). Cũng vì thế mà nhân vật không chịu làm “tù binh” trong không gian chật hẹp: “Bé khép cửa lại/ Nhốt nắng trong nhà/ Nắng lại trốn ra/ Dịu dàng nắng nói/ Ở trong bóng tối/ Tôi chẳng ưa đâu” (Bé và nắng). Cũng vì thế, không gian luôn tương thông, có khép lại cánh cửa này, cánh cửa khác lại mở ra, hình tượng dễ dàng có ở mọi nơi: “Mùa thu khép lại tiếng ve/ Nở ngàn bông cúc vàng hoe ngoài vườn/ ... Tưng bừng náo nức thu sang/ Mùa thu đầy ắp cả trang sách hồng (Bài học đầu tiên). Vì không vật cản nên đó là không gian tự do gần như tuyệt đối: “Chỉ còn vi vút tiếng diều/ Kéo mùa thu xuống trong veo bầu trời” (Trong veo bầu trời). Không vật cản nên nhân vật có thể hoán đổi vị thế cho nhau, nhất là dưới cái nhìn của “bé” lại càng thế: “Bố đội mũ sao vàng/ Trông nghiêm trang tư thế/ Trên đồng cạn đồng sâu/ Mẹ cũng là chiến sĩ” (Bé vẽ). Cũng hẳn nhiên, dưới cái nhìn của người bố thì không gian còn tự do hơn, bố nhìn con vẽ tranh mà như nhìn thấy cả một bầu trời, cả “sự tích anh hùng”: “Mắt nhìn tay cứ lâng lâng/ Con vẽ đồng lúa mênh mông cánh cò/ Nước non sự tích anh hùng/ Theo bàn tay nhỏ đi cùng vào tranh” (Bố về nghỉ phép)...
4. Dường như nhân vật được “đi về” cả hai miền không thời gian nên đã tạo ra một kết cấu khác biệt với hình tượng trung tâm như bản lề khép mở hai thế giới: “Ngỡ từ quả thị bước ra/ Bé làm cô Tấm giúp bà xâu kim/ Thổi cơm, nấu nước, bế em/ Mẹ về khen bé: “Cô Tiên giáng trần”/ Bao nhiêu công việc lặng thầm/ Bàn tay của bé đỡ đần mẹ cha/ Bé học giỏi, bé nết na/ Bé là cô Tấm, bé là con ngoan” (Cô Tấm của mẹ). Nhân vật “Bé” là cái bản lề khép trang cổ tích Tấm Cám mở ra không gian ngày hôm nay: giúp bà, thổi cơm, nấu nước, bế em, đỡ đần mẹ cha...Ở cuối bài lẽ ra không nên có câu: “Bé là cô Tấm...” nữa vì thế là đủ rồi nhưng tác giả chưa thoát ra được tư duy thật thà cổ tích nên thừa ra một khái quát không cần thiết (!?). Hoặc thay hai chữ “cô Tấm” bằng “trò giỏi” chẳng hạn thì hình tượng được nâng thêm một cấp độ mới: “Bé là trò giỏi, bé là con ngoan”!

Chỉ một động/danh từ “Ngủ” được đặt ở vị trí “bản lề” mà khép mở bao nhiêu trạng thái, trạng huống tình cảm: “Âm thanh ngủ ở cây đàn/ Ngọt ngào ngủ ở muôn ngàn trái cây/ Nước mưa nằm ngủ trong mây/ Hương thơm nằm ngủ cả ngày trong hoa/ Bóng râm ngủ dưới gốc đa/ Trẻ con ngủ dưới mái nhà ấm êm/ Chỉ riêng có một trái tim/ Chẳng bao giờ ngủ cả đêm lẫn ngày” (Ngủ).

Có nhiều bài thơ được kiến tạo theo lối “bản lề” này. Một động từ “giấu” làm thành cả bài thơ cùng tên: “Biển sâu “giấu” cá, “giấu” tôm/ Mây đen lơ lửng “giấu” cơn mưa rào/ Tiếng sấm “giấu” ở trên cao/ Mưa giông chớp bể ầm ào ra ngay”…Tương tự, một danh từ “quà”: “Nắng là “quà” của mặt trời/ Tô cho bông lúa vàng tươi nắng hồng/ Cá là “quà” tặng của sông/ Gió: “quà” trời đất thổi cong cánh buồm”. Một động/danh từ “bạn”: “Chữ - “bạn” của sách đầy trang/ Sông là “bạn” của mênh mang bến bờ/ Dòng sông “bạn” của con đò/ Ông trăng “bạn” của tuổi thơ đêm rằm”...Một hình tượng cây cau khép mở cả thế giới của “em”: “Quả cau em hái biếu bà/ Nước mưa dành để nấu trà phần ông/ Cau cho em chiếc quạt cong/ Cái mùi hương dịu thơm chung cả làng” (Cây cau). Cần nói thêm: nước mưa hứng từ cây cau, dùng nước ấy pha trà sẽ ngon hơn!
Mỗi ngôi nhà cổ tích thường đứng trên nhiều cái cột kết cấu tình huống. Nhiều bài thơ của Lê Hồng Thiện cũng “đứng” trên tình huống như vậy. Ví dụ một tình huống nhầm lẫn: “Quả treo cành bổng, cành mềm/ Mấy anh bạn nhỏ: gọi tên trứng gà!/ Chị gà ngơ ngác chạy ra/ Trứng đâu lên tận mái nhà của cây?/ Chạy về thấy trứng còn đây/ Trứng vàng, trứng ngọc vẫn đầy ổ rơm/ Chị gà cục tác mừng rơn/ Tới cây xin lỗi cám ơn dịu dàng:/ Chính tôi đẻ giữa trứng nằm/ Còn cây đẻ trứng trên cành đung đưa/ Chuyện trò như thể phân bua/ Cây tròn bóng nắng gà chưa muốn về” (Trứng treo, trứng nằm). Nhờ cái sự nhầm lẫn này bạn đọc hiểu thêm về “chị gà” chăm chỉ, yêu quý “trứng vàng, trứng ngọc”, nhất là có một “văn hóa xin lỗi” đáng yêu!

Nói như vậy có nghĩa là chất văn xuôi rất đậm. Tác giả “kể thơ” chứ không phải “làm thơ”. “Chuyện trước lúc hoàng hôn của những bông hoa” là kể lại tình huống “cãi nhau” nguyên nhân là do mọi “người” có tính “khoe khoang”: “Trời sắp chạng vạng rồi/ Mà cây quả trong vườn/ Cãi nhau ồn ã quá/ Hoa hồng thì vỗ ngực/ Mình đỏ như mặt trời/ Hoa cúc thì tự đắc/ Đẹp xinh như vàng mười.../ Ai cũng khoe mình đẹp/ Sắc màu nào cũng hay/ Hoàng hôn buông đen đặc/ Tất cả đều im ngay/ Riêng dạ lan vừa nở/ Lặng thầm tỏa mùa hương”. Hoa nương nhờ vào sắc. Sắc phải có không gian, thời gian để khoe. Hoàng hôn xuống thì chỉ hoa dạ lan mới là...nhất! Bài thơ cho ta bài học đừng nên khoe khoang, có thể còn thêm một ý nghĩa: muốn “khẳng định” cá nhân phải tìm đón cơ hội!

Lại có nhiều tình huống lạ đời, ngược đời. Một “Con sâu đo” bé nhỏ: “Đo cành và đo lá/ Đo hoa và đo quả/ Nhưng một đời chỉ ước/ Bao giờ đo được mình”. Thì ra “đo” mình, hiểu mình là khó nhất. Một “Câu hỏi về trăng”: “Ông trăng to bằng cái vung/ Rơi trong chén nước, bé bưng mời bà/ Ông trăng tít tận trời xa/ Thấy có bóng nước trăng xà xuống ngay/ Bà ơi! chén nhỏ bé này/ Ông trăng to thế vào đây được nào?”. Nhờ “vịn” vào tình huống ngược đời này mà có thể hiểu cái ẩn ý của bài thơ là nâng chiều kích con người mang tầm vũ trụ, chinh phục vũ trụ: bà uống nước là uống trăng!

5. Người nghệ sĩ buộc phải phát huy tối đa phẩm chất liên tưởng, tưởng tượng để sáng tạo nghệ thuật. Làm thơ cho thiếu nhi yêu cầu này càng gắt gao vì đặc trưng hình tượng thơ luôn được kết tinh từ tưởng tượng, liên tưởng, vì đối tượng tiếp nhận trẻ em luôn sống trong thế giới tưởng tượng. Chỉ có thể đi trên con đường liên tưởng mới lóe sáng những tín hiệu thẩm mỹ mới. Nhưng sự liên tưởng còn phải nhờ vào vốn sống. Nhà thơ phải sống nhiều cảnh đời mới có thể có những phát hiện: “Mẹ bảo: Trăng như lưỡi liềm/ Ông rằng: Trông tựa con thuyền cong mui/ Bà nhìn: Như hạt cau phơi/ Bé cười: Quả chuối vàng tươi ngoài vườn/ Bố nhớ: Xưa vượt Trường Sơn/ Trăng như cánh võng chập chờn trong mây” (Trăng của mỗi người - Ghi về vầng trăng đầu tháng). “Cùng trong một tiếng tơ đồng”, cùng một đối tượng nghệ thuật nhưng vì mỗi người có một trường liên tưởng riêng nên có những khám phá thẩm mỹ nhau. Mẹ quen gặt lúa. Ông từng chèo thuyền. Bà quen với việc ăn trầu...Bố có cái nhìn lạ nhất, lóe lên một phát hiện mà vẫn hợp lý.

Phẩm chất liên tưởng tinh tế mới có được những dòng thơ này: “Cái bút mê mải trên dòng/ Cõng bao nhiêu chữ mà lưng không còng/ Thầy cô cõng chữ lên rừng/ Bầu trời đêm cõng cả ông trăng rằm…” (Cõng). Ý nghĩa biết ơn của nó đền bù xứng đáng cho công phu tìm tòi suy nghĩ của nhà thơ!

6. Lời văn cổ tích thường cho người đọc một nhận thức mới qua lối so sánh, còn được gọi là câu văn/thơ “định nghĩa” (A là B). Thơ Lê Hồng Thiện thuộc dạng này: “Lúa chín là nắng mênh mang/ Cúc vàng là nắng nồng nàn hương thơm/ Nắng nhạt là nắng hoàng hôn/ Bông cúc trong vườn là mảnh nắng rơi!/ Hay là nắng lại mải chơi/ Quên không về trời ở lại đón xuân?” (Ở lại đón xuân). Vì thế nó hay tìm tới lối điệp ngữ, để dễ nhớ, dễ thuộc, cơ bản hơn để nhấn mạnh vào hình tượng trung tâm: “Trăng sao ngủ gối vào mây/ Quả hoa ngủ gối hay lay lá cành/ Thuyền ngủ gối. Sóng dập dềnh/ Biển xanh ngủ gối mênh mông bến bờ/ Gối trên trang giấy thơm tho/ Biết bao con chữ đang chờ thơ ra/ Gối trong lồng ngực thiết tha/ Trái tim cùng thức với ta suốt đời” (Gối). Ở một số trường hợp, tự nó thành lời đồng thoại, các hình tượng nối nhau, gối nhau, xếp vào nhau tạo thành chuỗi âm, chuỗi hình ảnh ngộ nghĩnh, mới mẻ: “Râu mía mọc ở ngang thân/ Râu bèo lơ lửng lại ngâm dưới hồ/ Lạ kỳ là cái râu ngô/ Là râu là tóc trắng phơ trên đầu/ Râu non trắng râu già nâu/ Râu của bóng điện trong bầu thủy tinh/ Ăng ten “râu” đứng một mình/ Dài như cái thước cho hình rõ thêm/ Râu si buông trước cửa đền/ Trông như là mái tóc mềm của cây/ Mỗi loài râu - một nét hay/ Đẹp râu ông nội trắng bay dưới cằm” (Kể chuyện râu)...

Có trên mươi tập thơ, nhận nhiều giải thưởng quý của Trung ương và địa phương, nhà thơ Lê Hồng Thiện thành công và thành danh ở địa hạt thơ thiếu nhi. Đáng quý là thơ ông có phong cách với sự trong sáng, giản dị, tinh tế, nồng nàn. Bài học khắc phục nhược điểm là nhiều chỗ sa vào kể lể, nói nhiều, nói ép, nói gượng. Biết dừng lại ở sự vừa đủ là bài học của nhiều người viết thơ cho trẻ em hôm nay!

N.T.T
N.T.T.N

----------

Các tập thơ được tham khảo:

  1. Trăng của mỗi người (1988).
  2. Gió và gương (1993).
  3. Trứng treo, trứng nằm (1994).
  4. Quà của biển (thơ chọn 1997).
  5. Áo của Cây (1997).
  6. Hạt sương mắc võng (1999).
  7. Nụ hôn của bé (2000).
  8. Nắng trong vườn (2002).
  9. Mùa thu, con ve, cánh diều (2005).
  10. Chung riêng cây trái (2009).
  11. Thơ Lê Hồng Thiện – Tác phẩm và dư luận (2013).
  12. Cả nhà cùng vui (2014).
  13. Cổ tích cho bé (2021).