Thứ Sáu, 11/09/2020 15:26

Đại hội Chi hội Nhà văn Quân đội nhiệm kì 2020 - 2025

Giữ gìn và phát huy giá trị cao quý của Bộ đội Cụ Hồ trong văn học

Nhiều lần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đều nhắc nhở về việc làm thế nào để giữ gìn giá trị cao quý của Bộ đội Cụ Hồ trong mọi bối cảnh.

Diễn ra trong hai ngày 10-11/9 tại Hà Nội, Đại hội Chi hội Nhà văn Quân đội nhiệm kì 2020 - 2025 đã hoàn thành các mục tiêu đề ra và có một Ban chấp hành mới bao gồm: nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Phùng Văn Khai, nhà văn Phạm Duy Nghĩa, nhà văn Đoàn Hoài Trung và nhà thơ Phạm Vân Anh. Nhà văn Nguyễn Bình Phương tiếp tục giữ cương vị Chi hội trưởng.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã đến dự và chỉ đạo Đại hội. Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng đã có mặt dự và phát biểu. 52 hội viên Chi hội Nhà văn Quân đội đã dự Đại hội, thực hiện quyền lợi, trách nhiệm của nhà văn hội viên.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao các nhà văn khi đã ủng hộ cho Quân ủy Trung Ương, Bộ Quốc phòng và đặc biệt là Tổng cục Chính trị (TCCT) trong công tác lãnh đạo hoạt động văn học nghệ thuật trong Quân đội. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nói: "Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Chính trị và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội Nhà văn Quân đội đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong sáng tác, nghiên cứu lí luận phê bình, luôn bám sát thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất, xây dựng đơn vị, giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống; các nhà văn Quân đội đã phản ánh trung thực cuộc sống sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ, sáng tác những tác phẩm văn học có chất lượng tốt, đề cao giá trị chân - thiện - mĩ, tôn vinh hình tượng người quân nhân cách mạng nước nhà".

Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, sau Đại hội, Chi hội Nhà văn Quân đội cần tiếp tục tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện các văn kiện cũng như hoạt động trong thời gian tới. Trong đó, chú ý đến tình hình chung của Việt Nam và thế giới trong đó lưu ý nhu cầu đời sống văn hóa chính trị của nhân dân cao. Bởi nhiều lần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đều nhắc nhở về việc làm thế nào để giữ gìn giá trị cao quý của Bộ đội Cụ Hồ trong mọi bối cảnh. Bởi thế, việc giữ gìn và phát huy những giá trị cao quý ấy trong văn học là rất quan trọng, mà trách nhiệm đầu tiên và trước hết thuộc về các nhà văn Quân đội.                                                           

Phó Chủ nhiệm TCCT cũng nhắc đến việc đại hội tiếp tục nghiên cứu nghị quyết TƯ 5 khóa VIII về Xây dựng Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong tình hình mới, nghị quyết TƯ 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, chỉ thị 355-CT/QUTW “Về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật trong Quân đội giai đoạn hiện nay”. Bên cạnh đó việc khơi dậy sáng tạo, tài năng con người, tình yêu nước, khát vọng bảo vệ chủ quyền cũng cần được chú trọng để quân đội mãi mãi từ nhân dân, vì nhân dân.

Việc đa dạng hóa các loại hình văn học nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu của con người là điều tiên quyết trong tình hình mới để lan tỏa giá trị văn hóa tư tưởng con người, tạo đột phá xây dựng văn hóa con người xã hội của nghĩa. Trong đó, không thể quên xây dựng đội ngũ nhà văn trẻ trong Chi hội mạnh về tư tưởng, đoàn kết, tâm huyết hướng tới nền văn học nghệ thuật đa dạng, sáng tạo và phát triển.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa tặng hoa và quà chúc mừng đại hội.

Kì vọng vào lớp trẻ

Tiếp lời đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, nhà thơ Hữu Thỉnh cảm ơn các ý kiến đóng góp của các nhà văn trong hai ngày qua để tiếp tục hoàn thiện văn kiện Đại hội Nhà văn Việt Nam. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng đánh giá đội ngũ nhà văn quân đội là lực lượng đổi mới mạnh mẽ nhất trong quá trình sáng tạo. Nhiều thập kỉ qua, đây là đội ngũ tiên phong trong việc tìm tòi, đổi mới trong phong cách sáng tác.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng cho rằng, đội hình của nhà văn quân đội trong đại hội đã thể hiện được tinh hoa của đội ngũ sáng tác với bề dày trong hoạt động văn học nghệ thuật. Ông cũng cho rằng, việc bầu cử đại biểu cần tập trung vào các đại biểu ưu tú, có thời gian sáng tác lâu dài, đề cao tính chuyên nghiệp, kinh nghiệm, bản lĩnh và sự ảnh hưởng.

Nhà văn Chu Lai thì cho rằng, chủ đề chiến tranh cách mạng vẫn là dòng văn học đang âm thầm chảy về đích, âm hưởng của kháng chiến mãi là chủ đề cầm bút của nhiều nhà văn. Các thế hệ văn chương của những người cầm bút mặc áo lính đang bị vơi dần đi, tuy nhiên, chủ đề chiến tranh, âm hưởng dân tộc thì tồn tại qua mọi thế hệ. Ông cũng mong rằng có những thế hệ minh triết hơn trong sáng tác về chủ đề này.

Nói về sự cô đơn trong sáng tạo, nhà văn Chu Lai cho rằng, sự cô đơn đó là quá trình tìm tòi, sáng tạo của riêng mỗi người. Nhà văn cao tuổi vẫn có những người tiếp tục viết là bởi vì họ cần con chữ để neo mình lại với cuộc đời. Và chiến tranh cách mạng là siêu đề tài, người lính là siêu nhân vật nên sẽ tồn tại mãi mãi. Ông cũng cho rằng, quân đội nói chung và TCCT nói riêng rất ủng hộ và quan tâm tới chủ đề người lính, chiến tranh cách mạng và không nơi đâu có sự tôn trọng, ủng hộ người cầm bút sáng tạo tác phẩm như ở quân đội.

Nhà văn Chu Lai cũng cho rằng, nhân sự của Ban chấp hành Hội nhà văn nói chung cũng như Chi hội Nhà văn Quân đội nói riêng cần chú trọng vào những người trẻ, có thực lực và khẳng định được tên tuổi của mình.

Các đại biểu tiến hành bầu cử.

Cần có những đổi mới trong hoạt động

Nhà phê bình Lê Thành Nghị trong phát biểu của mình nhấn mạnh vào việc khẳng định sự khác biệt trong phong cách nghệ thuật, cách viết của mỗi tác giả. Theo ông, mỗi người có những điểm riêng biệt mà không ai bắt chước được trong tiếng nói, khí chất hay ngôn ngữ sáng tác. Đề tài chiến tranh những năm gần dây cũng có những khác biệt. Ví dụ như, từ một thể loại tường thuật, nhà văn có thể thêm những hư cấu nghệ thuật được giấu rất khéo trong chất sống và hiện thực. Ông cũng đồng tình với báo cáo chính trị khi cho rằng nâng cao chất lượng hoạt động bằng cách làm mới, làm khác chúng ta, không phải về tư tưởng chính trị mà về phong cách nghệ thuật. Sáng tạo trong văn chương không có giới hạn và không ngăn cấm tự do sáng tạo của nhà văn.

Chi hội Nhà văn Quân đội là Chi hội đầu tiên trong Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành tổ chức đại hội nhiệm kì cấp Chi hội, Liên chi hội. Đại hội Đại hội đã bầu ra được Ban chấp hành nhiệm kì 2020 - 2015 gồm 5 đồng chí. Nhà văn Nguyễn Bình Phương tiếp tục giữ vai trò Chi hội trưởng, hai Phó Chi hội trưởng là nhà văn Phùng Văn Khai và nhà thơ Phạm Vân Anh. Đại hội cũng bầu ra 26 hội viên tham dự Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Ban chấp hành mới ra mắt Đại hội. Từ trái qua: Nhà văn Phạm Duy Nghĩa, nhà văn Đoàn Hoài Trung, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà thơ Phạm Vân Anh, nhà văn Phùng Văn Khai.

THANH AN

Ảnh trong bài: VŨ THÀNH DUY