Thứ Bảy, 12/09/2020 13:15

Pháo hoa

Một truyện ngắn của Mishima Yukio do Phạm Phương, dịch giả đang làm việc và sinh sống tại Nhật Bản dịch và gửi cho VNQĐ Online.

Mishima Yukio là một tác gia văn học Nhật. Có điều hình như ngay cả đối với người Nhật cũng rất ít người có thể đọc được những tác phẩm gốc của ông. Nó quá khó hiểu đối với giới bình dân, người ta thường đọc nó qua sách diễn giải, tức là sách đã được dịch sang tiếng Nhật hiện đại và làm cho dễ hiểu đi. Tuy vậy, người ta không thể phủ nhận tài năng của Mishima, một thiên tài kì lạ và hiếm có trong một xã hội Nhật đầy quy tắc và định kiến. Một truyện ngắn của ông do Phạm Phương, dịch giả đang làm việc và sinh sống tại Nhật Bản dịch và gửi cho VNQĐ Online với phần minh họa của họa sĩ Phạm Hà Hải.

Truyện ngắn của MISHIMA YUKIO

Vừa có cảm giác làm thế thân cho tướng quân thời xa xưa, vừa có cảm giác làm diễn viên đóng thế trong phim. Việc người giống người trong thực tế không thiếu.

Kì nghỉ xuân sắp bắt đầu. Tôi là sinh viên đại học C, đang tìm một công việc làm thêm có thu nhập kha khá một chút. Nói đến làm thêm, tôi liền nghĩ ngay đến việc hỏi A, một sinh viên tự túc. Hắn từng làm đủ mọi loại việc. Nửa sau kì nghỉ, tôi muốn về quê ở Sendai (1) mà muốn vậy thì nửa trước phải nỗ lực kiếm thật nhiều tiền để trả cho khoản phí đi lại.

Một ngày nọ, tôi đi theo A thử đến vài ba chỗ mà hắn biết, chỗ thì chẳng được việc gì, chỗ thì điều kiện làm việc tồi tệ. Để cổ vũ tôi vì đã phải trải qua một ngày thất bại đầy mệt mỏi như thế, hắn liền dẫn tôi đến quán ăn mà hắn thường đến. Chỗ đó ở gần nhà thi đấu thể thao Ryogkoku (2) là nơi mà những Fundoshikatsu (3) vẫn yên tâm đến ăn vì giá vô cùng rẻ. Tại sao A lại biết chỗ này? Hỏi ra mới biết trước đây hắn xin làm phụ việc bán thời gian trong lúc diễn ra đại hội Sumo, lúc làm việc phải mặc Tatsutsukebakama (4). Lần đầu tiên đến đây ăn chính là được đồng nghiệp làm cùng chỗ rủ rê.

Khi chúng tôi đến cũng đúng vào mùa võ sỹ Sumo đã đi biểu diễn lưu động ở các địa phương. Vì không nhìn thấy một Sumo nào nên đặc trưng của nơi này hoàn toàn biến mất, chỉ giống như một quán ăn bình thường.

Chúng tôi ngay lập tức tìm một chỗ ngồi xuống. Bà chủ mập mạp, nhanh nhẹn bê rượu nóng và đồ nhắm mà A đã gọi ra. A nói vài ba câu chuyện bông lơn rồi hỏi bà chủ: “Có việc làm thêm nào cho bạn tôi không nhỉ?!”. Tôi thấy không đúng lúc lắm nên vừa nghĩ A không nói ra câu đó có lẽ tốt hơn vừa nhấm nháp ly rượu.

“Anh chàng này vẫn còn là sinh viên?”, bà chủ có chút ngạc nhiên.

Lúc ấy chúng tôi vẫn mặc đồng phục trắng, mũ cũng để trên bàn.

“Bạn cùng lớp đấy. Cậu ta nhìn cũng không giống sinh viên lắm”, A vừa nói vừa búng móng tay vào chiếc mũ.

“Không phải là chuyện đó. Khách ở đây lúc nào chả say rượu, chẳng ai nghi ngờ gì đâu. Nhưng mà hôm nay là lần đầu tiên nhìn thấy hai cậu đi cùng nhau đến đây nhỉ?”.

“Này, hôm nay cậu đến đây lần đầu nhỉ?”, A hỏi tôi.

“Lần đầu tiên đấy, đến Ryogoku cũng là lần đầu”.

“Nào, làm ơn nói thật chút đi”, chủ quán nói.

Nỗi oan này tôi không tài nào gột rửa được. Chủ quán cứ khăng khăng đã nhìn thấy mặt tôi bao nhiêu lần ở đây. A thì quay sang trách tôi không ngừng vì chả có lý do gì để tôi phải nói dối chuyện này cả.

Đúng lúc đó, rèm ở cửa vào rung nhẹ, một người đàn ông mặc quần trắng, áo thun màu cam bước vào. Bởi vì đi guốc Geta (5) nên khi anh ta bước vào liền phát ra tiếng ồn, khiến người khác không thể nào mà không chú ý.

“Chào nhé”, anh ta chào bà chủ quán một cách thân thiện.

Sự kinh hoàng của chúng tôi không thể chỉ diễn tả bằng hai từ bất ngờ. Người đàn ông đó nhìn khá ổn, tuổi tác chắc cũng còn trẻ, giống tôi như hai giọt nước. Thậm chí, bà chủ còn thét lên.

“Sinh đôi phải không?”.

Có vẻ vui vì sự kiện hiếm thấy này, “Lấy thêm chén uống rượu kết nghĩa anh em nhé”, bà ta nói xong liền ước lượng số rượu cần lấy thêm, tự mình mang đến. Việc này nằm ngoài dự định nên chúng tôi cũng không cảm thấy thoải mái lắm thế mà bị chủ quán giới thiệu thành ra đành phải ngồi uống rượu với nhau.

Lời giới thiệu của chủ quán không có gì là thú vị.

“Anh này là Naa”

“Anh này là Kawai, sinh viên đại học C”.

Chủ quán không biết tên người đàn ông đó nhưng anh ta cũng không có ý định xưng tên.

Vì có thể nhìn ra đó là một người đàn ông trẻ tuổi, vui vẻ và đầy hảo cảm nên A và tôi đều không cảm thấy khó chịu gì khi anh ta ngồi xuống chung một bàn. Có lẽ anh ta làm nghề nghe ngóng thông tin nên đối với hai tên sinh viên như chúng tôi, không tiện nói ra nghề nghiệp chăng?!

“Thật là giống quá”.

Câu đầu tiên anh ta nói là về điểm chung giữa chúng tôi, nghe như một tiếng thở dài. Trong lúc uống với nhau thì những điểm khác nhau giữa tôi và anh ta dần dần hiện ra. Ví dụ như khi uống, anh ta hay cúi mặt, ngậm miệng vào viền chén, đang nói một câu chuyện rất mạch lạc liền đột nhiên im bặt, có thái độ cực kì né tránh những câu chuyện lý luận bốc đồng. Khi cười, mắt không hề có ý cười. Những khác biệt đó dần dần rõ ràng, tôi nhận ra người trước mặt mình chỉ có khuôn mặt giống mình còn tính cách thì hoàn toàn khác biệt. Điều đó khiến tôi có đối chút bất an.

Anh ta có hứng thú với Sumo. Người tiếp chuyện đương nhiên là A.

“Anh bạn biết nhiều về Sumo nhỉ”, người đàn ông nói với A.

A thành thật đáp. “Trước đây từng phải mặc Tatsuke làm giúp việc bán thời gian trong võ đường”. Dù tôi cố gắng ngăn chặn mồm miệng của A để hắn không nói đến vấn đề không đúng lúc đúng chỗ ấy nữa nhưng lúc nhận ra thì mọi chuyện đã muộn.

“Anh có biết công việc làm thêm nào tốt giới thiệu cho Kawai không?”, A mở lời.

“Việc làm thêm à?!”, người đàn ông trong nháy mắt nâng cốc, nhìn tôi. Mắt sắc lẹm, đồng tử im lìm. Vẫn điệu bộ vui vẻ đầy hảo cảm thế mà từ anh ta toát ra một vẻ ám muội chính là do đôi mắt này. Khi bị nhìn như thế, cảm thấy bản thân giống như một món hàng, tôi quả là có chút không thoải mái.

“Ừm, pháo hoa thì sao? Anh bạn này thì Sumo, cậu thì Pháo hoa, chẳng phải rất thú vị sao?!”

“Pháo hoa là cái gì cơ?!”.

Để tổ chức lễ hội trên sông Ryogoku vào ngày 18 tháng 7 thì phòng đợi (6) ao cấp ở Yanagibashi đang tuyển sinh viên làm bán thời gian chỉ làm trong ngày. Phòng đợi đó tên là Kikutei (7) cũng là cửa hàng tốt số 1, số 2 ở Yanagibashi. Thu nhập cực kì ngon lành.

“Thấy sao?”, người đàn ông không tỏ ra nhiệt tình cũng không tỏ ra hững hờ, chỉ đơn giản là hỏi một câu như vậy.

“À, bây giờ mới nhớ, thu nhập tốt đã đành, quà cáp nhiều mới là cái béo bở nhất đấy. Cậu có biết bộ trưởng giao thông đương nhiêm Iwasaki Sadataka không?”

“Có nhìn thấy ảnh ở trên báo.”.

Tôi chợt nghĩa ra hình ảnh thường thấy trong truyện tranh, một hàm răng vẩu, tóc bạc trắng, khuôn mặt dài khủng khiếp nhưng trang trọng lạ kì.

“Mặt dài dài ấy”, anh ta gợi ý.

“Tôi có nhớ”.

“Ông ấy rất hay đến xem pháo hoa. Cứ nhìn chòng chọc vào ông ta hai, ba lần, không được nói nhiều. Chỉ trong chốc lát thôi nhưng phải nhìn chằm chằm nhé. Sau đó sẽ nhận được rất nhiều quà đấy. Tôi hoàn toàn không nói dối đâu. Cứ nhìn thẳng vào mặt là tốt nhất”.

“Có chuyện kì quặc vậy sao!?”

“Cậu thử nhìn tôi như thế xem nào”.

Tôi nhìn vào mặt người đàn ông một lúc. Nếu là một tấm gương không tốt, hẳn không thể nào phản chiếu gương mặt của tôi một cách hoàn hảo đến vậy. Nói thật ra thì tôi cũng chẳng đẹp trai gì nhưng cũng không bị ai chê là xấu. Nếu nói đến điểm đặc biệt của tôi thì có lẽ là kiểu khuôn mặt nghiêm khắc. Đầu lông mày và mắt rất gần nhau, sống mũi có vẻ thông minh nhưng miệng quá rộng nên thành ra nhìn hơi luộm thuộm. Tôi nghĩ miệng mình rộng giống miệng một con chó nên cực kì căm ghét cái miệng này. Nếu nói tôi trán hẹp, mặt ngăm đen thì cũng chỉ hơi quá lời một chút thôi.

Khi tôi không định trả lời thì anh ta lên tiếng.

“Được rồi, có ứng tuyển hay không thì phải tự mình quyết định. Nếu ứng tuyển thì tôi đảm bảo cho nhưng nhận được nhiều quà thì phải chia đều, thấy sao. Đêm bắn pháo hoa, tôi chờ ở cửa hàng đó”.

Ngoài chúng tôi, không ai trong cửa hàng kể cả bà chủ và những người ngồi gần nghe thấy cuộc trao đổi này.

Bị A phản đối nhưng vì hiếu kì mà tôi liền đồng ý nhận việc. Người đàn ông ngay lập tức gật đầu, hẹn tôi vào ngày khai mạc lễ hội trên sông phải có mặt từ sáng sớm.

Ngày 18 tháng 7, trời mưa đến sáng mới tạnh. Trước đó nhiều ngày, trời liên tục râm mát.

Ai đến buổi sáng cũng đều phải đưa giấy phép ra vào. Từ 3 giờ chiều trở đi không được tự do ra vào các khu vực nên những người chạy việc vặt buộc phải có tờ giấy này.

Lễ hội trên sông Ryogoku năm Chiêu Hoà 28

Ngày giờ: ngày 18 tháng 7 năm Chiêu Hoà 28 (thứ 7, nếu trời mưa thì hoãn lại), từ 1 giờ chiều đến 9giờ30 tối.

Cửa vào khán đài: Trước ga Asakusabashi, tàu điện nội đô, tàu điện quốc doanh.

(Hãy đưa tờ giấy này cho nhân viên bảo vệ xem)

Đơn vị tổ chức – Tổ pháo hoa Ryogoku

Nội dung tờ giấy phép chỉ có thế. Ở góc còn đóng con dấu mực đỏ: Kikutei.

Buổi sáng phải mặc áo Happi (8) có in chữ Kikutei, đi giày vải gai. Tôi vừa nhìn ngó thời tiết, vừa chuyển bàn ghế đến phòng khách vừa đem nệm ra vườn đập bụi, lại còn phải chạy đi chạy lại chỗ cảnh sát nên cực kì bận rộn. Tầm 1 giờ chiều, trời đổ mưa. Vì thời tiết sau đó tốt hơn rất nhiều nên hội pháo hoa hôm nay chắc chắn diễn ra theo đúng kế hoạch.

Cho đến giờ tôi chưa bao giờ ngó qua những chỗ phong lưu. Chắc do tôi không có tính tò mò vốn có của những sinh viên xuất thân nhà quê. Chỉ vì một đêm pháo hoa mà tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ đủ biết những khách khứa đến đây vung tay rộng rãi thế nào. Lãng phí đến mức ấy hẳn phải có mục đích, đó lại là một câu chuyện khác mà một tên sinh viên làm việc bán thời gian như tôi không thể nào biết được. Các cô vũ nữ mặc áo hoa tươi thắm, lượn qua lượn lại đi vào phòng khách nhưng tôi cũng không quá chú tâm đến họ. Trước mắt tôi, một thế giới khác biệt đang vận hành, cảm giác mình là một bánh răng trong sự vận hành đó thực là khó khăn.

Bên trong Kikutei, đám phụ việc đứng chờ để sắp xếp ghế cho khách, tiếp nước khi cần và sắp xếp lại tủ giày, vốn thường không đủ chỗ. Khi có hội pháo hoa, bên trong phòng đặt chiếc bàn phủ vội bằng vải trắng có thể xoay được, trên đó cơm hộp nhiều tầng, đặc sản địa phương, giấy giới thiệu chương trình bắn pháo hoa, cốc, chén, cục gác đũa cũng được đặt lên, đũa bọc sẵn trong miếng giấy màu hồng phấn, tất cả được sắp xếp ngăn nắp như đang chờ đợi từng vị khách một. Ở khu vườn tiếp giáp với sông, trên chiếc kệ ba tầng đặt những mảnh giấy viết tên từng công ty theo lối thư pháp. Từ cành cây này đến cành cây kia, treo vô số đèn lồng nhiều màu sắc của công ty Bia, đuôi đèn có nối mã số đu đưa trong những cơn gió thổi từ sông vào. Những chỗ ngồi đưa ra tận mặt sông chính là đặt trên những chiếc thuyền nối nhau.

Toàn bộ thuyền đều hoạt động ở góc Tagawa. Thuyền kết lưới của thiết bị bắn pháo hoa vẫn nổi trên sông. Bên bờ sông có nhiều người mang bàn ghế ra ngồi sẵn. Từ cửa sổ và tầng thượng của các toà nhà, từ xa cũng nhìn thấy sự nhộn nhạo, cảnh sát điều chỉnh giao thông, lều trại của các đoàn thể chăng ra khắp nơi. Một bầy người nhốn nháo đi đi lại lại. Trên tất cả khung cảnh ấy, mưa lại lất phất rơi, những hạt mưa đâm xuyên qua không gian. Có tiếng động ầm ầm vang lên, vì vẫn đang là ban ngày nên hoàn toàn không nhìn thấy pháo hoa vừa bắn ra. Không gian xung quanh nồng nặc mùi thuốc nổ. Đôi lúc khói bao trùm mặt sông, chiếc cầu thép trở nên mơ hồ. Tàu điện lướt qua cầu, kéo lên những hồi còi mạnh mẽ náo động một vùng.

Đến quá ba giờ chiều, xe ô tô hạng sang nối đuôi nhau đi đến. Tiếp khách ở sảnh, không ai có một phút nghỉ ngơi. Chủ quán ngồi nghiêm chỉnh trên tấm thảm ở cửa ra vào, vừa chào hỏi khách, vừa chỉ thị vũ nữ và người giúp việc. Dù sao tất cả đều phấn khích, ai cũng mang bộ dạng vừa cố tỏ ra bận rộn một cách thái quá vừa nói chuyện bằng giọng the thé. Thỉnh thoảng câu chuyện bị ngắt quãng bởi tiếng nổ của pháo hoa, họ nhìn lên bầu trời nơi có cơn mưa đang dần nặng hạt. Trong lúc hưng phấn, buông vài lời tiếc nuối.

Phía trước ghế của chúng tôi, một lều trại được dựng lên. Khi khách hàng đến thì mấy người đàn ông mặc áo Happi cùng đứng lên gập người chào hỏi. Người chạy đến chiếc xe vừa đỗ lại, nhanh chóng mở cửa xe chính là một trong số những người đàn ông đó. Đó là một lão già có bộ dạng nhanh nhẹn, có vẻ là thủ lĩnh của cả đám. Trong lúc lão già một mình đón khách thì những người khác đứng một chỗ sẵn sàng khi có khách tiếp theo. Nếu có kẻ nào khả nghi trà trộn vào thì sẽ lập tức phản ứng.

Toàn là sinh viên làm bán thời gian. Tôi nghe thấy hai người trong số họ nói chuyện.

“Hôm nay có hai ông bộ trưởng đến đấy”.

“Ừm”.

“Bộ trường giao thông và bộ trưởng nông lâm”.

“Người nào cơ?”

“Bộ trưởng giao thông là ông Iwazaki, bộ trưởng nông lâm là ông Uchiyama ấy”.

“Này, chả nhìn thấy pháo hoa gì cả”.

“Tối om nhỉ”

Bởi vì đứng ở chỗ cửa quay lưng về phía sông, càng chẳng thể nào nhìn thấy pháo hoa.

“Xem pháo hoa trên tivi chút đi, ế, cái gì mà Cơn mưa cuối thu ở rặng liễu, rồi còn Dẫn Tiên Cẩm Hồng Sương (9) tao chả hiểu gì cả.”

Tôi cũng ngó vào xem, chương trình trong TV bị ánh sáng đèn lồng chiếu vào sáng loá.

“Vũ điệu của những vũ nữ xinh đẹp”

“Khu vườn bạc”

“Sự huy hoàng của Chiyoda”

“Sự quấn quýt của ngũ sắc”.

“Bảy tám tầng hoa anh đào rụng tơi bời”

“Hoa năm con rồng bạc bay lên trời”

Hàng loạt những cái tên lên gân mang đầy tính trừu trượng hiện ra.

Minh họa của họa sĩ Phạm Hà Hải.

Quá 5 giờ chiều, mưa ầm ầm rơi như thác lũ. Nam nữ đội khăn tay lên đầu, chạy nhốn nháo trên đường. Tiếng pháo hoa vẫn nổ đùng đoàng như bất chấp nghịch cảnh. Tiếng mưa nhộn nhạo trên mái nhà, trước cửa, từng chiếc xe sang đang nối đuôi nhau đậu lại.

Cuối cùng thì hoàng hôn cũng buông xuống, tôi nhìn những hình dáng pháo hoa trải rộng trong không gian bị những mái nhà che đi một phần.

Lão già quản lý chuyên mở cửa xe cũng trở nên mất bình tĩnh. Trong lúc vắng khách thì tặc lưỡi:

“Bọn súc sinh, muốn xem à. Trả lại tiền thưởng xong thì cút lên tầng hai mà xem”, lời lão khiến tất cả chúng tôi phì cười, nhưng thanh âm nghiêm khắc không hề giống một lời nói đùa.

Thực ra là vì cơn mưa, khách ở ghế trong vườn và trên thuyền chạy vào tầng 1 gây ra tình trạng hỗn loạn, khi cần bốn năm tên phụ việc trợ giúp điều chỉnh tình hình thì lão già phải bỏ lại công việc đang làm cho người khác chiếm chỗ để tham gia cùng họ. Dù sao quanh quẩn giúp việc trong vườn vẫn còn được xem pháo hoa.

Lúc đó còn lại ở cửa lều chỉ có hai, ba người.

Một lúc sau có người mang đến thông báo rằng, vì lo ngại hơi ẩm nên ngay bây giờ sẽ châm lửa toàn bộ ngòi nổ pháo hoa. Chương trình đã được sắp xếp lịch từ trước, nếu làm vậy thì buổi chiều cũng chẳng còn lại gì cả.

Quá 6 giờ. Khách trở nên thưa thớt dần.

Khuôn mặt quen thuộc của người giúp việc tỏ vẻ bận rộn hỏi: “Ngài Iwazaki vẫn chưa đến nhỉ, muộn thật”. Không chờ câu trả lời, cô ta cứ thế đi thẳng.

7 giờ. Một chiếc siêu xe màu đen đỗ lại trước cửa. Đó là một chiếc xe công.

Tôi bất giác đứng lên, cầm ô chạy tới mở cửa xe. Ánh đèn mờ nhạt chiếu vào trong xe, một người bộ dạng cao cao tại thượng đang xem tài liệu. Như thể đã tìm được thứ gì đó ẩn giấu bên trong tài liệu nên chưa dứt ra để đứng lên được. Nhờ vậy mà tôi được nhìn gương mặt như trong truyện tranh của bộ trưởng giao thông Iwazaki một cách thật rõ ràng.

Khuôn mặt dài ngoằng, răng vẩu, tóc trắng, không khác gì trong ảnh. Tuy vậy ấn tượng đầu tiên là làn da xanh xao có chút mệt mỏi. Quan chức cao cấp chẳng phải nên có khí sắc hơn sao?!

Nghĩ nếu đợi ông ta xem đến trang cuối cùng sẽ mất cực kì nhiều thời gian, để mưa không rơi vào trong xe, tôi liền đóng hờ cánh cửa đã trót mở ra. Dường như bị động tác của tôi gây chú ý, ông ta ngẩng mặt lên, đồng thời cũng đứng lên và bước xuống xe. Qua cửa kính, trong chốc lát, ánh mắt ông ta nhìn vào mắt tôi.

Lúc này tôi vẫn chưa nhìn thấy khuôn mặt biến sắc của ông ta. Sự sợ hãi trong một khắc bao trùm khuôn mặt ấy. Cơ mặt như co rút của ông ta đập vào mắt tôi. Đột nhiên tôi cảm thấy sợ rằng: không biết ông ta có lao vào tấn công mình không nhỉ?!

Nhưng Iwazaki Sadataka chỉ im lặng chui vào chiếc ô của tôi, vừa trưng ra một khuôn mặt lạnh nhạt có vẻ đang gấp gáp vừa đi theo tôi về phía sảnh.

Bà chủ và đám vũ nữ hô to nghênh đón ông ta. Ông ta chẳng thèm nhìn tôi thêm một lần nào nữa cứ thế lẫn vào đám phụ nữ vây quanh, toàn thân phát ra sự thanh cao của tùng bách.

Tôi ngây ngốc quay lại chỗ cửa lều.

“Sao rồi, có cho quà không?”, Một tên sinh viên làm thêm chẳng ngại ngần hỏi.

Bây giờ tôi mới nhận ra, ông ta chẳng nói với tôi lời nào, sự bất mãn về chuyện quà cáp so với cảm giác sắp bị đánh đến nơi cũng chẳng đáng gì. Khi nhớ ra khuôn mặt ông ta, ngoài sự bí ẩn thì còn mang theo sự sợ hãi khiến tôi cũng bị sự sợ hãi ấy làm cho lo lắng.

30 phút sau chủ quán và người giúp việc đến nói rằng tôi được gọi đến. Trống ngực tôi đập liên hồi. Lý do gọi mình đến là gì, nghĩ thế nào cũng không luận ra được. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là tôi suy diễn ra. Bà chủ nói rằng đang thiếu sinh viên làm thêm, được nhờ tìm người, vì bộ dạng tôi trông khá sáng sủa nên nhờ tôi đến khu lều của các đoàn thể giúp việc. Sự việc chỉ có thế.

Bà chủ bảo tôi đến hành lang phòng khách ở tầng 1. Phòng khách trải thảm. Trong lúc lắng nghe câu chuyện của bà chủ, màu sắc của tấm thảm cũng đâm vào mắt tôi. Trên tấm thảm đó, những vũ nữ xinh đẹp hết đứng lại ngồi. Liếc qua mặt bàn thấy hết sức bừa bộn. Lẫn trong những âm thanh lớn và ánh sáng loang loáng, là những tiếng trầm trồ.

Tôi nghe hướng dẫn công việc rồi quay trở lại phía hành lang dài dằng dặc.

Khi đó vang lên những bức chân trên cầu thang của người đang đi đến. Tôi nép mình sát vào tường. Đó là Iwazaki đang được vây quanh bởi hai ba vũ nữ. Có vẻ họ ít nhiều đã ngà ngà hơi men nhưng khuôn mặt lại chẳng có vẻ gì là đang say. Bóng lưng màu đen bị những bộ quần áo rực rỡ bao quanh đem đến một cảm giác cô độc kì lạ.

Lần này, ông ta thẳng thắn nhìn tôi. Cảm giác kinh hãi lúc đầu, một cách đầy ngạc nhiên không hề xuất hiện nhưng có vẻ ông ta đang phải cố gắng chống lại một cảm giác sợ hãi thực sự nào đó nằm sâu trong ý thức. Rồi chẳng thèm nhướng mày nháy mắt, cứ thế nhanh nhẹn đảo mắt làm cho đám vũ nữ không để ý đến việc ông ta đã chăm chú nhìn một tên phụ việc. Họ đi ngang qua tôi. Nhưng biểu cảm ấy của Iwazaki khiến sự sợ hãi của tôi tăng thêm mấy phần, mờ mịt thêm mấy phần.

Vì công việc liên lạc nên tôi đi ra ngoài, mưa đã ngớt. Ông trời muốn đùa cợt pháo hoa một chút chăng?! Những người đến kháo nhau rằng, năm nay pháo hoa vì bị mưa làm ướt mà chẳng hiện ra một hình ảnh nào tử tế.

Nói lại thông tin cho chủ quán xong thì nhận được lệnh đi thu dọn quanh vườn, tôi ướt sũng như chuột lột, thu dọn trên mặt bàn bên ngoài. Màu sắc trên chiếc đèn lồng của công ty Bia bị nước mưa rửa trôi, nhìn thật đau lòng. Thà rằng nó cứ rách hẳn ra có lẽ sẽ tốt hơn.

Vừa dọn mấy chai bia rỗng không đã tích một ít nước mưa ở dưới đáy, tôi vừa ngẩng đầu nhìn pháo hoa vẫn liên tục từ mặt sông bắn lên trời. Gió vần vũ, khói thuốc nổ bao trùm một vùng rộng. Trong làn khói, âm thanh máy nổ của một chiếc thuyền hoa đến gần, một hàng đèn lồng dưới mái hiên con thuyền lờ mờ hiện ra. Những miếng giấy nhỏ từ pháo hoa rơi xuống, dính ếp lên mặt bàn ướt.

Chúng tôi phải chuyển rất nhiều bát đĩa bẩn đi rửa, những khách nước ngoài giương ô lên thuyền lướt qua chúng tôi. Một phụ nữ nước ngoài mặc áo mưa có hai ống tay màu cỏ đứng lại, mấy lần đi đi lại lại rồi như miễn cưỡng bước lên thuyền.

Cơn mưa đã trở thành mưa phùn, hai bên bờ sông nhìn càng mờ ảo, mông lung. Cây cầu sắt vốn cao giờ trở thành một hình ảnh bằng phẳng.

Tôi ngước nhìn không gian, lần đầu tiên ngắm nhìn pháo hoa một cách tự do như thế. Âm thanh ngọn pháo hoa bay lên giống như tiếng súng. Đỉnh ngọn pháo, một cách mạnh mẽ đâm lên bầu trời, đến lưng chừng thì bùng nổ. Vô số những ngôi sao màu bạc vỡ ra từ hình tròn của vòng pháo. Từ bên trong vòng tròn là những hình tròn đồng tâm màu lục, màu hồng, màu tím theo thứ tự mở rộng ra, cuối cùng chính chúng lại biến mất đầu tiên. Vòng bên ngoài vỡ ra, một hình tròn màu cam đặc biệt hạ xuống dưới rồi biến mất hoàn toàn. Liên tục những quả pháo hoa bắn lên, tất cả đều nở ra hình hoa, cả hình zích zắc cũng xuất hiện. Và ánh sáng nổ từ những quả pháo tiếp theo chiếu lên làn khói còn sót lại của những quả pháo trước đó rọi sáng cả ba chiều không gian.

Tôi nghe thấy tiếng cười, bất giác nhìn lên tầng 2. Không nhìn ra là ai đã cười nhưng thấy khuôn mặt của một người đang dựa vào lan can, liếc nhìn xuống dưới. Vì trời tối mà không nhìn thấy rõ ràng khuôn mặt ấy. Bất ngờ pháo hoa nổ tung, một vầng sáng xanh xao mất tự nhiên chiếu sáng khuôn mặt dài ngoằng, mái đầu bạc trắng.

Iwazaki Sadataka xanh xao vì sợ hãi, cô độc một mình, biểu cảm như bị ngược đãi, đang nhìn tôi chằm chằm.

Ba lần tôi nhìn vào mắt ông ta. Trong khoảng khắc ấy, tôi biết mình cũng bị nỗi sợ hãi bí ẩn giống như ông ta hạ gục. Không chừng nỗi sợ hãi của tôi, chính xác hơn, nỗi sợ hãi nằm sâu bên trong ông ta, không có chỗ nào để đặt xuống đã truyền qua tôi.

Cuối cùng thì bộ trưởng giao thông vận tài rời mắt khỏi tôi một cách rất tự nhiên, quay người vào trong. Khuôn mặt có mái tóc trắng giấu vào bên trong lan can.

Ba mươi phút sau một vũ nữ trẻ tuổi không quen mặt xuống vườn gọi tôi, bảo tôi chờ một lúc rồi đưa cho tôi một bọc giấy khá dày.

“Của ngài Iwazaki đưa nhé”, cô ta nói.

“Ngài Iwazaki đã về chưa ạ?”

“Ông ấy vừa về rồi”.

Vũ nữ nói xong thì đi luôn, ánh pháo hoa nhuộm tím mái tóc và vai áo của cô ta, nhanh chóng lẫn vào đám đông ở sảnh.

Đương nhiên, tối hôm sau tôi đến quán ăn ở Ryogoku gặp lại người đàn ông hôm trước. Cho dù nói là chia đều nhưng tôi được giữ lại phần lớn số quà nhận được. Khi anh ta đến, lấy phần của mình, nói cảm ơn rồi vừa rót một cốc mời tôi vừa nói thêm:

“Thế nào? Tôi nói đúng chứ?”

“Thật là không hiểu nổi”

“chẳng có gì bất ngờ đâu, vì cậu giống tôi như hai giọt nước thôi. Bởi vậy mà bị nhầm là tôi đấy mà”.

“Thế à, nhưng nếu biết tôi không phải là anh thì chắc ông ấy sẽ an tâm hơn. Cái việc tặng quà này cũng coi như nhầm lẫn nhỉ”, tôi cố gặng hỏi.

Bằng những lý lẽ chẳng có cơ sở như vậy kèm thêm cả sự biện minh vô tội, chúng tôi uống với nhau đến khuya mới chia tay ra về. Tôi đương nhiên, về nỗi sợ hãi ấy không phải là không tò mò nhưng ánh mắt của người đàn ông như ngăn tôi hỏi về điều đó.

PHẠM PHƯƠNG (dịch từ tiếng Nhật)

Chú thích:

  1. Thành phố thủ phủ tỉnh Miyagi, vùng Đông bắc Nhật Bản, cách Tokyo tầm 400 km về phía Bắc.
  2. Một khu vực ở Tokyo. Nhà thi đấu thể thao ở đây là nơi tổ chức đại hội mùa xuân của các đô vật Sumo siêu cấp.
  3. Võ sĩ Sumo ở cấp thấp nhất. Khi mới gia nhập lò võ, tất cả võ sĩ Sumo đều phải bắt đầu từ cấp thấp nhất này, họ thường phải làm thêm việc vặt trong lò võ, phụ giúp đàn anh những việc vặt.
  4. Một loại quần của đàn ông Nhật, ngày xưa thường được các Samurai sử dụng, ống quần trên rộng có nếp gấp, phần dưới dài đến bắp chân, thu hẹp lại gọn gàng.
  5. Guốc gỗ kiểu nhật.
  6. Một kiểu quán uống trà và chờ đợi một việc khác, ví dụ chờ xem một trận Sumo.
  7. Từ Hán việt là Cúc Đình - quán nhỏ có nhiều hoa cúc.
  8. Áo truyền thống hay được người Nhật mặc vào dịp lễ hội.
  9. Tên các hình dáng của pháo hoa khi bắn ra trên không trung.