Thứ Ba, 11/06/2019 10:47

PHÁO BINH VIỆT NAM - từ Điện Biên Phủ đến hôm nay

Ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã được khẳng định không chỉ riêng đối với Việt Nam - phía những người thắng cuộc, mà đến từ cả phía người Pháp - những người thua cuộc, cũng như các chuyên gia quân sự nhiều nước trên thế giới.

Chính ủy Hoàng Quang Thuận

Ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã được khẳng định không chỉ riêng đối với Việt Nam - phía những người thắng cuộc, mà đến từ cả phía người Pháp - những người thua cuộc, cũng như các chuyên gia quân sự nhiều nước trên thế giới.

Để làm nên chiến thắng đó, vai trò quan trọng của Pháo binh Việt Nam là điều không phải bàn cãi, đó chính là lí do để phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Hoàng Quang Thuận, Chính ủy Binh chủng Pháo binh nhân kỉ niệm 65 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019) xung quanh một số vấn đề của pháo binh Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ và pháo binh hiện đại ngày nay.

PV: Thưa đồng chí Chính ủy, nếu tôi không nhầm thì có một cuốn sách của nước ngoài đã đưa ra quan điểm về mười trận đánh đưa lịch sử thế giới sang khúc quanh khác, trong đó, cùng với trận Stalingrad 1942 khởi điểm cho sự suy tàn của Đức quốc xã, trận thủy chiến Midway 1942 đánh dấu sự thất bại của Nhật Bản trong cuộc chiến Thái Bình Dương, là chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 của ta...

Chính ủy Hoàng Quang Thuận: Tôi chưa được nghe nói đến cuốn sách đó, nhưng nếu nói đến vai trò của trận Điện Biên Phủ đối với lịch sử thì tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Trận Điện Biên Phủ của chúng ta, có thể tầm vóc, quy mô, lượng người và vũ khí trang bị của hai bên tham chiến không bằng các trận đánh kể trên, nhưng sự thay đổi của nó đối với lịch sử thế giới thì không hề thua kém. Dấu ấn nó tạo ra là sự sụp đổ của thực dân Pháp ở Đông Dương và Bắc Phi, là tiền đề kéo theo một sự ê chề khác của người Mĩ khi nhảy vào thế chỗ ở Việt Nam sau đó nhận thất bại vào tháng 4 năm 1975, tức là hai mốt năm sau trận chiến này.

PV: Vâng, một trong những sự kiện không thể bỏ qua nếu nói đến trận Điện Biên Phủ, đó chính là vụ tự sát của Trung tá Piroth chỉ huy pháo binh của Pháp. Nó không chỉ nói lên sự bất lực của quân Pháp trước bộ đội ta, mà còn thể hiện sự lớn mạnh và vai trò quan trọng của pháo binh Việt Nam trong trận đánh này.

Chính ủy Hoàng Quang Thuận: Trước khi vào chiến dịch, lực lượng pháo binh của chúng ta còn non trẻ, ít đơn vị. Bộ đội đa phần là nông dân, không có trình độ cao, bên cạnh đó, vấn đề đưa pháo vào trận địa gặp vô vàn khó khăn. Thế nhưng chúng ta vẫn đặt quyết tâm làm câm họng lực lượng pháo binh thiện chiến của Pháp. Để khắc phục, trước và trong thời gian chiến dịch diễn ra, các pháo thủ được huấn luyện thông qua nhiều phương pháp khác nhau từ cầm tay chỉ việc, người biết nhiều chỉ người biết ít, người biết ít chỉ người chưa biết đến học trên sách vở, giấy tờ ở mọi lúc mọi nơi. Để đưa pháo vào trận địa bảo đảm bí mật bất ngờ, chúng ta đã có một cuộc hành quân mà như khi tổng kết, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã nói “có một không hai trong lịch sử thế giới”, đó là tháo rời từng khẩu pháo, từng chiếc xe ra thành nhiều bộ phận chuyển xuống bè nứa di chuyển quãng đường trên một trăm kilômét, vượt qua hàng chục thác ghềnh về tới đích an toàn, bí mật… Đặc biệt, việc thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” dẫn đến cuộc kéo pháo vào, kéo pháo ra, rồi lại kéo pháo vào trong điều kiện đường quân sự làm gấp dài hàng chục kilômét vừa hẹp, trơn, vừa lầy lội, có độ dốc lớn ba mươi đến bốn mươi thậm chí có chỗ lên đến năm mươi độ, cua tay áo, luồn lách qua nhiều rừng rậm, vượt núi cao vực sâu hiểm trở trong điều kiện máy bay, pháo binh địch đánh phá suốt ngày đêm… Chúng ta có thể hình dung thế này: Các khẩu pháo nặng hơn hai tấn nên phải tập trung từ tám mươi đến một trăm người, đứng thành bốn hàng dây ở phía trước kết hợp với tời quay tay nhích từng chút một, hai bên là các pháo thủ vác càng, cầm chèn bánh pháo… Nhờ đó, pháo binh đã bố trí thành thế trận vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, kịp thời chế áp pháo binh địch ngay từ đầu khiến Trung tá Piroth là chỉ huy pháo binh của thực dân Pháp tại tập đoàn cứ điểm phải tự sát. Đồng thời, pháo binh đã chi viện hiệu quả để giành thắng lợi từng trận đánh và từng chiến dịch.

Tất cả những điều đó thể hiện vai trò quan trọng, sự nỗ lực to lớn, ý chí quyết tâm, quyết đánh và quyết thắng của bộ đội pháo binh.

PV: Quả thực chiến dịch Điện Biên Phủ của chúng ta có quá nhiều “kì tích” được xác lập, đặc biệt là với bộ đội pháo binh. Các sự kiện, diễn biến của chiến dịch này, không khó để chúng ta tìm hiểu từ sách vở, mạng internet. Vì thế, đồng chí Chính ủy có thể chia sẻ ở một góc khác - góc của hoạt động nhằm xây dựng yếu tố tinh thần, tạo khí thế cho bộ đội pháo binh chúng ta trong chiến dịch này.

Chính ủy Hoàng Quang Thuận: Năm 2004, nhân dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Tư lệnh Pháo binh có tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài các tham luận về nghệ thuật quân sự, bảo đảm hậu cần kĩ thuật… còn có một số tham luận về lĩnh vực này như tham luận của Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tham luận của Thiếu tướng Lê Giám Đốc, nguyên Phó Tư lệnh về chính trị - Binh chủng Pháo binh, tham luận của chính ủy các đơn vị pháo binh toàn quân... Tựu chung, tất cả đều nhất trí, góc độ tinh thần, chúng ta đã thành công ở ba điểm chính, đó là: thành công trong việc củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu cao; thành công trong vấn đề giải quyết có hiệu quả tư tưởng trong cán bộ chiến sĩ khi phương châm tác chiến chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; thành công trong công tác cổ động chiến trường, giữ vững tinh thần lạc quan chiến đấu của bộ đội.

PV: Đồng chí Chính ủy có thể nói rõ hơn?

Chính ủy Hoàng Quang Thuận: Thứ nhất, xây dựng, củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu, chính là việc khơi gợi chủ nghĩa yêu nước, lòng căm thù giặc, thông qua việc truyền cảm hứng cho bộ đội từ truyền thống đánh giặc xuyên suốt lịch sử, niềm tự hào, tự tôn, đoàn kết dân tộc không chịu khuất phục cúi đầu trước bất cứ kẻ thù nào dù chúng mạnh đến đâu, ý chí “không có gì quý hơn độc lập, tự do”… Tất nhiên, những nội dung đó đã được thực hiện từ chỉnh quân, chỉnh huấn cuối năm 1953 và tiếp tục thực hiện trong suốt chiến dịch. Những vấn đề nảy sinh trong suốt quá trình chiến đấu - chiến dịch đều được cấp ủy các cấp phát hiện kịp thời và tích cực, kiên trì lãnh đạo giáo dục động viên giải quyết có hiệu quả, như đả thông tư tưởng trong thực hiện nhiệm vụ kéo pháo ra do thay đổi phương châm tác chiến, hay làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu ở mỗi đợt. Một điểm nổi bật khác của công tác giáo dục là lãnh đạo chỉ đạo các cấp chống tư tưởng chủ quan khinh địch, chủ quan tự mãn, chấp hành mệnh lệnh không nghiêm. Trong lãnh đạo giáo dục xây dựng quyết tâm cho bộ đội rất tiến bộ, nhất là việc khêu gợi lập trường giai cấp, cổ vũ động viên trong chiến đấu, khêu gợi cho các cấp biết dùng hình thức so sánh địch - ta; tổ chức cho bộ đội học tập hai bức thư của Bác Hồ gửi cán bộ chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ; quán triệt năm nội dung, bốn công tác (năm nội dung công tác chính trị, bốn công tác cụ thể về: địch vận, thương binh - liệt sĩ, bảo vệ nội bộ, đảm bảo công sự), học năm điều kỉ luật chiến trường…

Thứ hai là giải quyết sự vướng mắc tư tưởng trong việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là vấn đề hết sức quan trọng bởi nó làm thay đổi, thậm chí xáo trộn tư tưởng của cán bộ chiến sĩ. Đồng tình với thay đổi của phương châm chỉ đạo tác chiến, đồng nghĩa với chấp nhận việc kéo pháo vào, kéo pháo ra rồi lại kéo vào - một thử thách cam go tốn rất nhiều mồ hôi, xương máu. Để thông suốt tư tưởng từ người lính binh nhì trở lên, phải giải thích cặn kẽ lí do tại sao phải làm thế, người hiểu rồi giải thích cho người còn vướng mắc. Riêng đợt kéo pháo ra đã có năm mươi ba cán bộ chiến sĩ hi sinh. Chiến sĩ Nguyễn Văn Chức, pháo thủ của Trung đoàn 45 đã lấy thân mình chèn pháo để pháo khỏi lăn xuống vực sâu. Kết thúc đợt kéo pháo ra, Tổng tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp đã đến thăm bộ đội pháo binh và biểu dương: “Bộ coi như các đồng chí đã tiêu diệt hai tiểu đoàn địch”.

Pháo phản lực BM21 của bộ đội pháo binh trong diễn tập bắn đạn thật. -  Ảnh: PV

Thứ ba là về công tác thi đua giết giặc lập công, cổ động chiến trường. Phong trào thi đua “giết giặc lập công” được phát động sâu rộng ở khắp các đơn vị pháo binh như đợt thi đua tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô; chiến đấu giỏi, hiệu suất cao, hướng về ngày Quốc tế lao động 1/5; chiến thắng phát xít 9/5; sinh nhật Bác 19/5… Cùng với đó, thực hiện tuyên truyền việc sắp khai mạc Hội nghị Geneve về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, tạo sự phấn khích cho bộ đội… Trong quá trình chiến đấu, nếu tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc sau một thời gian ngắn sẽ được khen ngay tại mặt trận, kết nạp Đảng ngay tại trận địa; kết thúc từng đợt và sau chiến dịch tổ chức bình công, báo công.

Các hoạt động thông tin tuyên truyền, khích lệ tinh thần bộ đội pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ hết sức đa dạng, bao gồm: báo Quân đội nhân dân phát hành hai ngày một số tại mặt trận; bản tin chiến sự của đại đoàn được phát tới tận khẩu đội, trung đội, kịp thời phổ biến, tuyên truyền gương chiến đấu dũng cảm, lập được nhiều chiến công như gương pháo thủ Nguyễn Văn Chức, gương anh hùng Phùng Văn Khầu 36 ngày đêm bám trụ trên đồi E… Hoạt động văn hóa văn nghệ được tổ chức ngay tại trận địa sôi nổi với nhiều hình thức rất linh hoạt, sáng tạo; văn công Đại đoàn Pháo binh 351 chia thành từng tổ đến từng trận địa; các nhạc sĩ, họa sĩ như Tô Ngọc Vân, Hoàng Vân, Phạm Thanh Tâm, Đỗ Nhuận… đã đến với bộ đội pháo binh, sáng tác ngay tại chiến trường phục vụ bộ đội, tiêu biểu như bài Hò kéo pháo của Hoàng Vân, bài Giải phóng Điện Biên của Đỗ Nhuận; văn nghệ quần chúng cũng rất sâu đậm, sau các trận đánh, các đợt chiến đấu, bộ đội ca hát khích lệ nhau, rồi duy trì các hoạt động bích báo để anh em chiến sĩ thể hiện tâm tư tình cảm... Những khẩu hiệu của chiến dịch đã trở thành quyết tâm của mọi người như “Tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ!”, “Địch cố thủ, kiên quyết đánh! Địch bỏ chạy, kiên quyết truy! Địch tăng cường, kiên quyết diệt!”, “Còn người, còn pháo”...

PV: Chiến thắng Điện Biên Phủ tính đến nay cũng đã tròn 65 năm. Rất nhiều anh hùng đã được phong, nhưng cũng có rất nhiều những anh hùng vô danh. Với các liệt sĩ cũng vậy. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, tất cả họ đều ở trong lòng dân tộc. 65 năm, quãng thời gian của một đời người với biết bao sự đổi thay, nhưng không phải vì thế mà giá trị của chiến thắng ấy phai nhạt. Thứ giá trị tinh thần mà trận chiến ấy tạo ra cho các thế hệ sau này là vô giá.

Chính ủy Hoàng Quang Thuận: Vâng, dù 65 năm hay bao lâu đi nữa thì giá trị của chiến thắng ấy với những người lính pháo binh nói riêng và nhân dân ta nói chung vẫn trường tồn. Chiến tranh, thời gian lại quá lâu, tìm lại được các bằng chứng, người làm chứng là rất khó với các trường hợp chưa có đủ cơ sở để công nhận liệt sĩ, anh hùng… Dù khó, nhưng chúng tôi xác định vẫn quyết tâm làm. Đây là một công việc hết sức vẻ vang và là trách nhiệm của thế hệ đi sau chúng tôi. Việc mời các nhân chứng lịch sử vào đơn vị nói chuyện cũng được thực hiện thường xuyên để vừa giáo dục truyền thồng vừa truyền đạt kinh nghiệm về chiến đấu cho bộ đội. Rồi tổ chức mạn đàm trao đổi. Đối với chiến sĩ mới, các chiến sĩ cũ có thành tích, chúng tôi tổ chức cho đi thăm Bảo tàng Pháo binh, vào thăm Lăng Bác, những địa danh lịch sử cách mạng để tạo niềm tự hào về truyền thống và trách nhiệm của mỗi người lính.

PV: Câu chuyện về vai trò của pháo binh trong quá khứ là điều không có gì phải bàn cãi, nhưng từ khi các nước nghiên cứu và phát triển từ tên lửa có điều khiển và không điều khiển, rồi tầm gần đến tầm xa với độ chính xác cao, nhiều người cho rằng pháo binh đã lỗi thời và tên lửa hoàn toàn có khả năng thay thế pháo…

Chính ủy Hoàng Quang Thuận: Đúng là đã có sự thay đổi về vai trò của pháo binh trong chiến tranh ngày nay khi xuất hiện các loại tên lửa hiện đại. Nhưng ngay cả những nước có năng lực tên lửa thì họ vẫn sử dụng pháo binh đi cùng với các lực lượng tác chiến trên bộ quyết định kết cục chiến tranh. Riêng với pháo binh Việt Nam hiện nay, cần hiểu đây là lực lượng hỏa lực mặt đất bao gồm các loại pháo bắn mục tiêu mặt đất, tên lửa chống tăng, tên lửa đất đối đất, là hỏa lực chủ yếu của lục quân và quân đội ta. Hiện nay, các loại pháo bắn mục tiêu mặt đất vẫn chiếm đại đa số trong lực lượng pháo binh ba thứ quân của ta và là hỏa lực mặt đất chủ yếu trong chiến đấu, chiến dịch và tác chiến chiến lược nhờ việc dễ dàng sử dụng và bảo quản, có thể đi cùng chi viện cho các lực lượng binh chủng hợp thành trong mọi tình huống chiến đấu. Sinh thời Đại tướng Hoàng Văn Thái có nói: “Trước đây chúng ta đã từng khẳng định pháo binh là hỏa lực chủ yếu của lục quân, hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội ta. Rồi đây và trong một thời gian dài nữa, pháo binh Việt Nam vẫn giữ vai trò và tác dụng to lớn như vậy”.

Từ các minh chứng trên, một lần nữa có thể khẳng định lực lượng pháo binh đã, đang và sẽ tiếp tục giữ vai trò không thể thiếu trong các chiến dịch hay trong các trận chiến đấu.

PV: Thế còn với vũ khí công nghệ cao và chiến tranh thông tin, tác chiến điện tử thì vị trí,vai trò của pháo binh có thay đổi không?

Chính ủy Hoàng Quang Thuận: Hiện tại và tương lai, nếu phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà đối tượng tác chiến của ta sử dụng rộng rãi vũ khí công nghệ cao, chiến tranh thông tin, tác chiến điện tử thì pháo binh vẫn là thành phần lực lượng tác chiến quan trọng, hỏa lực chủ yếu của lục quân và hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội ta bởi, đường lối chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của chúng ta là sự kết hợp hai phương thức: chiến tranh nhân dân địa phương và chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực. Lực lượng pháo binh được tổ chức biên chế trong ba thứ quân, là hỏa lực mặt đất chủ yếu để chi viện cho các lực lượng trong hai phương thức chiến tranh đó. Bên cạnh đó, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tác chiến trên bộ giữ vai trò quyết định. Khi tác chiến trên bộ thì pháo binh là hỏa lực mặt đất chủ yếu. Lực lượng pháo binh tham gia chi viện hỏa lực rộng khắp, liên tục, có trọng điểm trong các trận chiến đấu, các chiến dịch và hoạt động chiến đấu phòng thủ của các địa phương. Minh chứng cho vai trò của pháo binh trong tác chiến trên bộ, có thể thấy rõ trong Nghị quyết 765 của Quân ủy Trung ương. Hiện nay, xu hướng phát triển của pháo binh không chỉ đánh địch bằng các loại pháo, tên lửa chống tăng mà sử dụng các loại tên lửa đất đối đất có uy lực rất mạnh, có khả năng răn đe chiến lược. Bên cạnh đó là sự phát triển các đơn vị pháo tự hành, tên lửa chống tăng thế hệ mới và trong tương lai chúng ta sẽ có tên lửa hành trình đối đất.

Tất cả những điều đó nói lên pháo binh Việt Nam ngày càng mạnh, xứng đáng với vai trò là hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội ta.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Chính ủy về cuộc trò chuyện thú vị này!

PV