Được ban giám khảo giải Pulitzer ca ngợi là đã phơi bày “sự phi lí của chế độ phân biệt chủng tộc, qua đó cung cấp một góc nhìn mới về hành trình tìm kiếm gia đình và tự do”, mới đây, tiểu thuyết James của Percival Everett đã vượt qua 3 đề cử khác để được vinh danh ở hạng mục hư cấu của giải Pulitzer 2025. Trong bài phỏng vấn với tạp chí Elle, tác giả người Mĩ đã chia sẻ nhiều hơn về nguồn cảm hứng và động lực sáng tạo của mình.
- Ông đã sáng tác rất nhiều tác phẩm được đánh giá cao, nhưng sao phải đến tận lúc này, sau 4 thập kỉ cầm bút - thì James mới xuất hiện? Nó thoạt trông giống các tác phẩm đầu tay hơn?
+ Điều này thật sự phức tạp. Tôi đã ấp ủ cuốn tiểu thuyết này trong một thời gian rất dài, nhưng trong những ngày đầu đó thì lại không biết mình phải làm gì. Để ví von thì nó giống như một ngọn núi lửa vậy, không biết khi nào thì sẽ phun trào. Tôi biết mình phải viết, nhưng trước đó chúng chỉ là những mảnh ghép thôi. Bạn bè thường hỏi tôi rằng phải mất bao lâu thì cuốn sách mới thành hình, và tôi đáp rằng: 66 năm.
- Ông có thể chia sẻ thêm về những nhân vật da màu trong tác phẩm này không?
+ Tôi đã cố gắng đề cập đến một quan điểm đương đại hơn về người Mĩ gốc Phi. Theo đó, có một nhận thức văn hóa hay niềm tin phi lí rằng ta có thể nói về trải nghiệm của người Mĩ gốc Phi như thể đó là "một thứ” gì đó, như thể nó không hề bị ảnh hưởng bởi địa lí, tôn giáo, kinh tế hay xã hội vậy. Chẳng hạn như khi còn trẻ tôi thường được hỏi: “Ai là người lãnh đạo cộng đồng (người Mĩ gốc Phi)?” Điều đó rất khó trả lời, trong khi với người da trắng, thì đó sẽ là ai đó vô cùng cụ thể. Vì vậy, theo cùng cách đó, chế độ nô lệ phải là một trải nghiệm khác nhau đối với từng người. Cái ta hay nói là sự cào bằng, và tôi muốn thay đổi nó.
- Đâu là nhân vật mà ông thích nhất?
+ Chẳng có ai cả. Khi “sống” với họ đủ lâu ai rồi cũng khó mà chịu đựng nổi.
- Tại sao việc người da đen kể lại câu chuyện của mình, theo góc nhìn của mình lại quan trọng với ông?
+ Tôi đã phát ngấy những cuốn tiểu thuyết về chế độ nô lệ giả hiệu, chẳng nói được gì. Khi tôi lớn lên và đến hiệu sách, giống như hầu hết các tác giả khác, tôi đã đọc ngấu nghiến bất cứ thứ gì mà mình tìm được, miễn là có các nhân vật da màu. Nhưng motif chung không thể không thấy là hầu hết chúng đều diễn ra ở miền Nam trước nội chiến hoặc khu trung tâm thành phố. Tôi xuất thân từ một gia đình có hai thế hệ làm bác sĩ; chúng tôi dành mùa hè ở Annapolis, Maryland, và chúng tôi sống ở Columbus, Nam Carolina. Gia đình tôi không thuộc bối cảnh mà phần đa cuốn sách đề cập, và tôi cũng biết trải nghiệm của mình không phải duy nhất.
Khi bắt đầu sáng tác, tôi dần hiểu ra cách thức hoạt động của nó. Tôi đã đọc và rất yêu thích Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Đó là cuốn tiểu thuyết "hiện đại" đầu tiên. James của tôi chỉ đơn giản là nhắc đến những gì mà Mark Twain không thể đề cập. Vì vậy, tôi đã tham gia vào “cuộc thảo luận” này.
- Ông đánh giá thế nào về cuốn sách gốc ấy?
+ Khi bắt đầu viết tôi nghĩ mình sẽ triển khai theo hướng điều chỉnh câu chuyện, nhưng ngay lập tức tôi đã từ bỏ ý định nói trên, vì tôi rất tôn trọng Twain và cuốn sách đó. Mặc cho có những hạn chế, nhưng tôi vẫn muốn xem James như một cuộc trò chuyện với Twain.
Về cơ bản, trải nghiệm của một người đàn ông da đen trưởng thành tình cờ bị bắt làm nô lệ trong tác phẩm của tôi và góc nhìn của một cậu bé da trắng tuổi mới lớn, người được tự do trong tiểu thuyết của Twain là không khớp nhau. Vì vậy, mặc dù có nhiều sự kiện chung, nhưng việc chúng được xem xét từ các góc nhìn khác nhau khiến chúng trở nên khác biệt.
- Một chủ đề khác cũng rất mạnh mẽ trong cuốn sách là tự do. Theo ông, liệu người da đen có bao giờ có được tự do ở đất nước này không? Tự do thực sự ấy?
+ Trong những thảo luận kiểu này, cần phải phân biệt giữa tự do và quyền. Có thể nói, những gì người nô lệ muốn là được hưởng những quyền giống như những ai không phải nô lệ. Và tôi nghĩ đó cũng chính là những gì mọi người muốn: có thể lái xe trên đường mà không sợ hãi, chẳng hạn như vậy. Rằng tất cả chúng ta đều được hưởng những quyền như nhau. Một khi điều đó được đảm bảo, chúng ta có thể có đủ loại cuộc trò chuyện triết học về tự do là gì. Vì vậy tôi nghĩ các cuộc trò chuyện ở Mĩ hiện nay nên là về quyền trước cái đã.
- Qúa trình viết của ông thường diễn ra thế nào?
+ Tôi đặt các hóa đơn cần thanh toán lên bàn làm việc và gọi đó là động lực. Tôi không có quy trình cụ thể nào cả, mỗi một cuốn sách đều khác hẳn nhau. Điểm chung duy nhất đó là tôi luôn nghiên cứu nhiều hơn mức cần thiết cho bất kì điều gì, như một cách không chỉ hoàn thành công việc mà còn “trốn thoát” khỏi nó. Sau đó nếu ai đó nói “Đi xem phim đi”, tôi sẽ đi cùng.
Khi học trò của tôi than phiền bản thân bị bí ý tưởng, tôi thường nói rằng: “Không có chuyện đó đâu. Hoặc nộp cho tôi 50 trang bản thảo trước thứ sáu này, hoặc em sẽ bị đánh trượt”. Vậy là tôi có những bài phải chấm. Chúng có thể không phải là những bản thảo tốt, nhưng ta hoàn toàn có thể cải thiện những gì chưa tốt. Tôi cũng cứng rắn với bản thân tương tự.
- Ông từng nói rằng khi còn nhỏ mình thường nghĩ về Jim ngay cả khi bản thân đang đọc những đoạn chỉ nói về Huck. Vì sao lại thế?
+ Không thể phủ nhận cuốn tiểu thuyết gốc là của riêng Huck. Mark Twain không thể tự đặt mình vào vị trí của một nô lệ, cũng không thể nhập tâm vào bất kì ai trong gia đình Jim vốn cũng là những nô lệ. Đối với những ai từng thử tưởng tượng tổ tiên của mình đã phải chịu đựng những gì trong xã hội đó, tôi nghĩ ai ai cũng sẽ tự hỏi mọi chuyện đã từng ra sao.
Mark Twain đã bị nền văn hóa của chúng ta làm cho lu mờ, một phần là do lệnh cấm vì những xung đột giữa bối cảnh lịch sử mà nó phản ánh và tiêu chuẩn đạo đức của xã hội hiện đại. Dẫu thế vẫn phải nhìn nhận ta đã bỏ lỡ những tác động nào trong tác phẩm ấy khi vội vã hướng đến sự cấp tiến? Phải nói tầm quan trọng của cuốn sách gốc là lần đầu tiên chế độ nô lệ không phải là chủ đề của một tiểu thuyết theo kiểu phản kháng. Đó là một nỗ lực chân thành và chính đáng để hiểu được tác động của chế độ nô lệ không chỉ đối với những người bị áp bức, mà còn với cả những kẻ áp bức. Huck đang đối mặt với chấn thương tinh thần của nước Mĩ – thứ vẫn kéo dài đến tận hôm nay. Không một tác phẩm nghệ thuật nào ở đất nước này mà lại không phải, bằng cách này hay cách khác, đối diện với “cấu trúc nhân tạo” mà ta hay gọi đó là “chủng tộc”.
- Trong tác phẩm của mình, ông cũng làm nổi bật giọng điệu châm biếm. Ông có thể chia sẻ điều này không?
+ Vâng, có lẽ tôi có khiếu hài hước quá mức, vì vậy mà tôi không bao giờ nghĩ mình đang viết truyện châm biếm cả. Tôi nhìn thế giới, cố gắng nói sự thật, và sự thật thì đủ hài hước, có thể vì vậy mà nó sở hữu chính màu sắc này.
NGÔ MINH dịch theo Elle