Thứ Bảy, 14/11/2020 10:16

Nơi trú ẩn quý báu trước những bão giông đời người

Bất kể bạn là một đứa trẻ nhỏ đang khám phá thế giới phiêu lưu hay bạn là Faye Dunaway đang lạc lối giữa khu vực sách triết học, chúng – những cuốn sách đều là nơi chốn bí ẩn thầm kín cho tất cả mọi đối tượng.

Bất kể bạn là một đứa trẻ nhỏ đang khám phá thế giới phiêu lưu hay bạn là Faye Dunaway đang lạc lối giữa khu vực sách triết học, chúng – những cuốn sách đều là nơi chốn bí ẩn thầm kín cho tất cả mọi đối tượng.

Ảnh minh họa.

Gió mạnh đang nổi lên khi tôi đưa Lemn sisay lên sân thượng hiệu sách của tôi để đàm đạo về chuyện đọc thơ trong giữa trời đất bao la. Những con mòng biển giang rộng cánh cố gắng đứng yên trong cơn gió, ngay cả những con chim cắt lớn Cathedral (loài chim có sải cánh rộng với những cú liệng xuống dưới đạt tốc độ hơn 322 km/h) cũng chẳng còn thấy đâu nữa. Khi chúng tôi quay trở xuống hiệu sách ấm áp, sáng sủa, cứ giống như là chúng tôi đang đi xuống bên dưới bong một chiếc thuyền buồm vậy. Lemn đã nói anh ấy sẽ trở lại Canterbury một ngày nào đó để lại đọc sách trên sân thượng và viết nên những vần thơ, hiện vẫn còn lưu dấu trên bức tường chỗ làm thơ của chúng tôi. Tôi chợt nhớ một dòng thơ chợt nảy ra trong đầu của Bob Dylan, bài Nơi trú bão (Shelter from the Storm): “Hãy ráng hình dung một nơi luôn ấm êm và an toàn.”

Các hiệu sách đã và vẫn đang tồn tại qua những cơn bão thực sự bởi cuộc đua tranh trực tuyến, hiệu suất kinh doanh, phí gửi xe trong chốc lát, nhưng chúng vẫn luôn chống chịu được. Thậm chí ngay cả đại dịch bệnh tới như một cơn lốc xoáy cũng không cuốn trôi họ được. Điều đó chỉ khiến cho tôi thêm trân trọng nghề nghiệp của mình. Tôi đã làm công việc bán sách tại sàn bán hàng của cửa hàng suốt 36 năm và các khách hàng từ một vài người đầu tiên bật khóc vào cái ngày chúng tôi mở cửa trở lại sau thời kì chấp hành lệnh đóng cửa cho đến những đứa trẻ vui tươi được trở về với trò chơi ngựa gỗ bập bênh hay được nhìn đăm đăm vào những chú cá, dường như đều có chung cảm giác như vậy.

“Chúng ta đều sẽ trở thành những câu chuyện”, như Margaret Atwood từng nói, và điều này cũng đúng như vậy đối với các hiệu sách. Khi chúng ta nhắc đến các hiệu sách yêu thích của mình, chúng ta cũng sẽ nhắc đến con mèo, cốc cà phê ngon, hay cầu thang xoáy ốc, hoặc những khách mua là những đứa trẻ hiểu biết. Người yêu sách (mọt sách) mà tôi vô tình gặp gỡ gần đây sau một chuyến đi lạc trong cơn bão Welssh có những chiếc máy đánh chữ cũ kĩ xếp thành hàng trên nóc những cái giá sách, tất cả đều được quyên tặng từ thiện bởi người dân địa phương, một gợi nhớ nhắc nhở về tinh thần trân trọng sâu sắc của cộng đồng dành cho hiệu sách.

Các khách hàng cũng đã nói cho tôi biết các hiệu sách sống trong tiềm thức của họ như thế nào. Graham Greenee (tiểu thuyết gia người Anh) đã mơ thấy từng chi tiết của một hiệu sách London đến mức anh ấy đã đi tìm nơi đó hai lần trước khi nhận ra rằng đó thực sự chỉ là một ảo ảnh mà giấc mơ thêu dệt nên và tiểu thuyết gia David Mitchell – từng là khách hàng mua các tác phẩm hư cấu của tôi từng nói cửa hiệu của tôi là “Phố chính Piccadilly của địa lí học trong thế giới tiềm thức của ông”. Trong các hiệu sách, như nhà văn Virginia Woolf từng lưu ý, chúng ta có thể đánh mất vỏ bọc bảo vệ của chính mình, chúng ta có thể chuyển dịch qua lại giữa các mức độ ý thức và sống bằng bất kì bản thể tiềm ẩn nào của mình. Sau khi từng đọc chuyện Greta Garbo (diễn viên người Mĩ gốc Thụy Điển, là một trong những diễn viên nổi tiếng nhất trong thời kì vàng son của Hollywood) đã dành hàng giờ ở hiệu sách lớn Rizzoli bởi cô ấy cần “được nghỉ ngơi đôi lát khi là chính Garbo”, tôi nhìn lại theo một cách khác vào những ngày tháng trong năm 1988 khi Faye Dunaway (diễn viên Mĩ từng đoạt giải Oscar) không biết tại sao đã bỏ lại hộ chiếu – thông tin nhận diện của cô – giữa những cuốn sách trong hiệu sách độc lập của tôi tại Chelsea.

Có lẽ, bản thể quan trọng nhất của mình mà bạn có thể khám phá lại trong một hiệu sách chính là bản thể thời thơ ấu của mình. Gần đây, một phụ nữ ở độ tuổi ngoài 60, khi đang mua một cuốn tiểu thuyết văn học đương đại, bất chợt ánh mắt bà lướt qua bâng quơ và hỏi: “Tôi không nghĩ là cuốn Thanh Gươm Bạc (The Silver Sword) vẫn còn được in cơ đấy?”. Tôi cũng trạc tuổi bà và chúng tôi đều có ấn tượng sâu sắc với người tị nạn ở Warsaw trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ II, người đã giữ con dao rọc giấy của cha mình – “thanh gươm bạc” – trong một cái hộp đựng giày. Bà ấy đã ngạc nhiên khi tôi kể cho bà nghe rằng cuốn sách vẫn đang xoa dịu những đứa trẻ khi chúng đối mặt với những sóng gió tuổi mới lớn. Giống như Cái cây cổ xưa diệu kì (The Magic Faraway Tree) và Tôi chiếm tòa lâu đài (I Capture the Castle), nó là một phần của quy điển bí mật, chưa được giới học thuật biết đến, về những cuốn sách có sức truyền tải động lực mạnh mẽ.

Những cuốn sách đó cũng phù hợp với người lớn trưởng thành và cũng bán được ổn định như món trà đen với mật ong và hương liệu ở Delhi. Chúng cũng được viết ra trong trạng thái xuất thần bùng nổ sáng tạo, giống như Brideshead Revisited (Trở lại lâu đài Brideshead) và kết quả đã khiến các nhà văn kinh ngạc về chúng ở thời điểm ra mắt nhưng về sau, chúng đã trở thành món ăn tinh thần bồi đắp tâm hồn các độc giả mãi mãi. Đó là những cuốn sách mà người đọc hít hà trước khi mua, ôm chặt vào lòng và hôn lên sách sau đó.

Đi dạo và chọn những cuốn sách ngẫu nhiên giống như một cuộc khám phá thú vị. Ngày nào tôi cũng gặp một vị khách đưa một chồng sách cao tít và cảm thán “Tôi phải ra khỏi đây trước khi tôi tìm thấy thêm cuốn nào đó – tôi chỉ đến đây để mua một một cái thẻ.”

Hiện tại, những cách li, hạn chế mới không cho phép người mua đi dạo quanh và tìm kiếm sách. Có lẽ phải chờ đợi một thời gian dài để chúng ta thấy được hình ảnh đó. Và trong thời gian ấy, bão tố có thể ập tới, nhưng các hiệu sách vẫn luôn là một nơi trú ẩn an toàn và ấm áp.

KIỀU HÒA dịch theo The Guardian và Penguin

----------------

Về tác giả: Martin Latham – là một nhà văn, đồng thời là người quản lí lâu năm nhất của Waterstone (chuỗi cửa hiệu bán lẻ sách hàng đầu nước Anh). Cuốn sách gần đây của ông - The Bookseller's Tale (Tạm dịch: Câu chuyện về người bán sách) mang đến một chuyến đi hấp dẫn vào niềm vui của việc đọc và những kế hoạch để thúc đẩy niềm vui đó trên khắp thế giới.