Thứ Sáu, 24/06/2022 00:58

Nơi tình yêu bắt đầu

Những ngày đầu trong một trường đào tạo sĩ quan, cái gì cũng khiến tôi bỡ ngỡ, lạ lẫm, từ cách chào hỏi, xưng hô theo điều lệnh đến việc học viên xếp hàng lên lớp, đi ăn cơm…(HOÀNG BẮC)

. HOÀNG BẮC

Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ tại Thanh Xuân (nay là Đại học Hà Nội), với tấm bằng cử nhân trong tay, tôi may mắn xin được công việc ở một công ti kinh doanh ô tô, xe máy. Công việc ổn định, mức lương đáng mơ ước đối với sinh viên tốt nghiệp lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trong lòng tôi vẫn luôn có khát khao, mơ ước được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh áo lính, được đứng trong hàng ngũ những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, giống như ông ngoại và người mẹ kính yêu của tôi đã cống hiến, phụng sự cả một đời.

Như một cơ duyên, năm 2002 tôi được tuyển làm công chức quốc phòng, giáo viên khoa Đông Nam Á, Học viện Khoa học Quân sự, khi ấy đơn vị đóng quân ở Mỹ Đình.

Những ngày đầu trong một trường đào tạo sĩ quan, cái gì cũng khiến tôi bỡ ngỡ, lạ lẫm, từ cách chào hỏi, xưng hô theo điều lệnh đến việc học viên xếp hàng lên lớp, đi ăn cơm… Tôi ngắm nhìn mọi thứ với tất cả sự say mê, háo hức và tin yêu. Vậy là tôi đã được thoả ước mơ từ khi là đứa trẻ.

Vì chưa có gia đình nên tôi được xếp vào ở trong dãy tập thể của Học viện. Khu tập thể cách khu làm việc khoảng gần cây số. Đó là hai dãy nhà cấp 4 đã cũ, cổng sắt đen sì, đôi chỗ rỉ sét, cao đến gần mái nhà, cánh hơi xệ nên khi đóng mở phải dùng sức đẩy mạnh, tạo ra tiếng kèn kẹt nặng nề. Đi qua cánh cổng, đập vào mắt là cái sân tương đối rộng, nhưng lồi lõm, chỗ thì đất, nơi thì xi măng nham nhở. Trong sân có cây phượng, rễ cây nổi cả lên mặt đất, vằn vện như những vặn thừng lớn nhỏ. Hiên xi măng, trong phòng lát gạch đá hoa nâu vàng đã mòn xước cùng thời gian, nhiều viên bong tróc cập kênh. Từ cổng vào, bên phải là dãy của nam, bên trái là phòng dành cho nữ.

Khu tập thể này là nơi ở chủ yếu của các cán bộ, giáo viên chưa lập gia đình, tuổi đời đều còn trẻ, chỉ có anh Tuyển, thiếu tá, cùng khoa với tôi là đã có gia đình, nhưng vợ con ở tận Thái Nguyên nên cũng được xếp ở khu “phòng không” này. Chúng tôi hay gọi anh Tuyển một cách vui vẻ là “trưởng thôn”, chả là hồi ấy trên tivi đang chiếu bộ phim có nhân vật trưởng thôn nên chúng tôi gọi luôn vậy, thêm nữa là anh cũng nhiều tuổi nhất. Chúng tôi thường gọi đùa khu tập thể là “xóm nước đen”, vì trước hiên dãy nhà có cái rãnh nước mà mỗi sáng, tối, thay vì ra bể nước thì chúng tôi bê chậu nước ra đầu hè ngồi đánh răng, rửa mặt, nước chảy xuống rãnh đó lâu ngày thành màu đen.

Khu tập thể có quy định mở cổng từ 6h sáng đến 9h tối. Ngoài khung giờ ấy là khoá cổng. Hàng ngày, cô Hồng ở khu gia đình bên cạnh sang mở và khoá cổng. Khu gia đình ngay sát bên cạnh khu tập thể, ngăn cách bởi bức tường, gạch trần, ko trát vôi vữa. Tường có cửa ngách nhỏ, gọi là cổng phụ, một người đi vừa, mở ra để tiện đi từ khu này sang khu kia cho nhanh, đỡ phải đi vòng. Nói là khu tập thể cho to tát chứ thực ra chỉ có mấy phòng và hơn chục cán bộ, giáo viên các khoa ngoại ngữ, tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Lào, Thái… xa nhà tá túc.

Ngày ấy tôi còn trẻ, căng tràn nhiệt huyết, đam mê, luôn khát khao được học hỏi để hoàn thiện bản thân. Ban ngày tôi đi làm còn tối thì đi học văn bằng 2 tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội ở đường Giải Phóng. Quãng đường từ chỗ tôi đến trường cũng phải đến gần hai chục cây số. Tôi phải đi vòng vèo trong làng, mãi mới đến phố Trần Bình để ra Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, mải miết chạy xe trên trục đường Láng, Trường Chinh để đến trường học. Thực ra đường sá xa xôi, giao thông lộn xộn trên phố chưa phải nỗi khiếp sợ thường trực của tôi, mà chính đoạn đường khoảng 2km lổn nhổn đất đá từ Trần Bình đến khu tập thể mới khiến tôi luôn phải lấy hết can đảm mỗi khi đi học về. Hai bên đường là những bãi đất trống, ruộng rau, không có điện đường nên xung quanh tối om, âm u. Thứ ánh sáng duy nhất là từ đèn xe của tôi, không đủ để tránh được các ổ voi, ổ gà. Tôi cùng chiếc xe cứ bật lên rơi xuống như đang cùng nhảy điệu tăng gô.

Một tối mùa đông, trên đường đi học về như thường lệ, tôi phóng xe thật nhanh để kịp vào khu trước khi cổng khoá. Chiếc xe Cub 82 xanh tím than - cả gia tài của bố mẹ cho tôi, như nhảy múa trên con đường gồ ghề. Liếc nhìn kim đồng hồ dạ quang trên tay, tôi thấy đã sắp đến giờ G. Con đường hun hút vắng vẻ, tôi vê thêm tay ga, gió tạt ngang phả cái lạnh tê tái vào mặt, tay tôi cóng lại. Bỗng “rầm!”, “ẳng!”. Hình như tôi đã cán phải con chó chạy qua đường. Chiếc xe lật nghiêng, mặt tôi đập xuống đường toàn sỏi và đá dăm. Tôi chợt thấy tối sầm, mắt nhói đau, đầu óc choáng váng và bất tỉnh. Chắc phải một lúc sau, khi bắt đầu lờ mờ hiểu được chuyện vừa xảy ra thì cũng là lúc tôi nhận ra mắt mình không thể thấy gì xung quanh. Tôi vô cùng kinh hãi với ý nghĩ sẽ phải sống cả phần đời còn lại trong bóng tối. Đưa tay lên mắt, tôi càng khiếp sợ vì sờ thấy một thứ chất lầy nhầy xon xót. Trong cơn hoảng loạn, tôi cố tìm cách nhìn ra xung quanh, nhưng tất cả chỉ là màn đêm đen đặc. Máu trên mắt của tôi vẫn liên tiếp ứa ra, hòa cùng nước mắt lem nhem chảy tràn trên mặt. Tôi cuống quýt quờ tay và lê ra xung quanh để xác định vị trí thì thấy toàn thân đau nhức ê ẩm.

Bỗng có tiếng động lạ bên cạnh, hình như có ai đó vừa dựng xe tôi lên, một bàn tay khỏe khoắn, ấm áp nâng tôi dậy. Tôi cố hết sức đứng lên, nhưng vẫn phải tựa vào người đó mới đứng vững được. Không nói, nhưng rất khẩn trương, người đó đỡ tôi ngồi lên xe và đưa thẳng về khu tập thể. Tôi nghe thấy tiếng ngạc nhiên của cậu Dương ở bên dãy nhà nam cất lên:

- Ô anh Hùng, sao anh lại có mặt ở đây thế này?

Không trả lời câu hỏi của Dương, anh gạt chân chống xe, một tay đỡ tôi, giọng gấp gáp:

- Em gọi quân y đi, bạn này vừa bị ngã xe.

Dương liền hô gọi mọi người ra đỡ tôi vào phòng. Ngay sau đó, quân y đến xem xét, lau rửa vết thương. Hoá ra tôi bị rách một vệt dài cắt xéo hàng lông mày, máu ở đó chảy xuống mắt cộng thêm đất cát dính vào nên đã khiến tôi không thể mở mắt. Sau khi được chăm sóc, tôi đã có thể nhìn thấy lờ mờ và vài phút sau đó mọi vật trở nên rõ dần. Lúc này tôi mới có dịp nhìn kĩ người đã đưa tôi về. Đó là một sĩ quan mặc quân phục mùa đông với cấp hàm thiếu tá. Chỉ kịp nói được câu cảm ơn anh, rồi tôi thiếp đi.

Sáng hôm sau, tôi cố gượng dậy, toàn thân đau như dần. Theo bản năng, việc đầu tiên là với lấy chiếc gương. Tôi thật sự không nhận ra mình nữa. Khuôn mặt xây xát, bầm tím, mắt sưng húp. Máu rỉ ra từ vệt rách kết vào lông mày dính chặt xuống da, khô lại tạo thảnh mảng cứng kéo căng mí mắt, cảm giác rất khó chịu.

Mọi người trong cơ quan biết tin đến thăm, trong đó có cả anh. Anh mang theo một túi thuốc các loại, nào là thuốc uống cho đỡ nhiễm trùng, nào là thuốc bôi chống sẹo…. Anh bảo con gái rất coi trọng khuôn mặt, nên đặc biệt phải chú ý, chịu khó bôi thuốc để không bi sẹo… Trò chuyện qua lại, tôi được biết anh là Nguyễn Thu Hùng, Tổ trưởng bộ môn Khoa tiếng Anh. Nhìn anh rất chững chạc. Anh có gương mặt góc cạnh nhưng đầy đặn, lông mày rậm, râu quai nón, miệng cười tươi, đầy vẻ tin cậy. Một cảm xúc là lạ bắt đầu len lỏi trong tôi.

Gần một tuần sau vụ tai nạn, trưởng thôn bảo tôi:

- Có con cá trắm bảy cân, hôm nay xóm ta làm bữa liên hoan, trước là mừng cô Bắc tai qua, nạn khỏi, sau là đãi khách “đặc biệt” ra mắt xóm ta nhé.

Mọi người cứ mủm mỉm cười, còn tôi thì ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Mỗi người một tay một chân, chả mấy chốc các món được bày lên. Giọng trưởng thôn oang oang:

- “Khách mời VTV3” đã đến rồi.

Tôi ngoảnh ra, bất ngờ khi thấy “khách mời” chính là anh, trong tay xách túi hoa quả các loại. Bỗng dưng trống ngực tôi đập liên hồi.

Ăn uống dọn dẹp xong xuôi, tôi trở về phòng. Lát sau thấy anh sang, chúng tôi ngồi đối diện nhau, giọng anh trầm và ấm, rất dễ chịu. Anh thật thà bộc bạch, rằng anh đã để ý tôi ngay từ hôm đầu tiên tôi bước chân vào cổng Học viện. Khi ấy, anh đang đứng ở lan can tầng 3 nhìn xuống thì thấy tôi đi dưới sân, dáng người mảnh mai, mái tóc suôn dài ngang hông được buộc gọn gàng bằng sợi dây thun đính những bông hoa nhí màu hồng nhạt.

Tôi bị cuốn vào câu chuyện của anh tự lúc nào, mắt cứ mở to ngắm nhìn khuôn mặt anh như bị thôi miên. Đột nhiên anh khẽ nắm tay tôi, cả người tôi run bắn nhưng vẫn ngoan ngoãn để yên trong lòng bàn tay ấm áp ấy. Nhìn thẳng vào mắt tôi, anh chậm rãi nói: “Since I met you, I have realized, you are my destiny. Let me love you and take care of you for the rest of my life - Ngay từ lần gặp em đầu tiên anh đã có linh cảm nhất định em sẽ là vợ anh. Hãy cho anh yêu và chăm sóc em trong phần đời còn lại của anh.” Tim run lên, tôi bẽn lẽn khẽ gật đầu.

Sau sự kiện ấy, tôi vẫn hàng ngày vừa đi làm, vừa đi học. Chỉ có điều, bây giờ anh luôn là người đưa đón tôi đi học buổi tối. Chúng tôi cứ bên nhau bình yên như thế. Rồi đến một ngày anh nhận nhiệm vụ vào Tây Nguyên ba tháng. Khi xa nhau chúng tôi mới thực sự nhận ra mình yêu nhau và cần nhau nhiều như thế nào. Nhưng yêu xa thật nhiều thử thách, là tủi thân, là nước mắt, là nỗi nhớ mênh mang, là nỗi buồn không thể diễn tả thành lời, là hiểu lầm, trách móc. Có lúc niềm tin bị lung lay bởi nghi ngờ, ghen tuông vụn vặt.

Biết chuyện của chúng tôi, chị em đồng nghiệp đùa: “Cẩn thận nhé, cà phê Ban Mê dễ làm say lòng người lắm đấy”. Mặc dù tôi rất tự tin vào bản thân và tin tưởng anh, nhưng trong lòng vẫn không khỏi lo lắng. Tôi mường tượng ra cảnh các em sinh viên thơ ngây, xinh đẹp của Trường Đại học Tây Nguyên vây quanh một sĩ quan quân đội, giỏi tiếng Anh từ Hà Nội vào. Dù lí trí mách bảo sẽ không thể có chuyện gì nhưng chẳng hiểu sao cái cảnh tượng điên rồ ấy cứ bấu víu, hành hạ khiến tôi cứ nhói đau ở lồng ngực.

Chiều thứ sáu, chứng kiến mọi người tíu tít sắm sửa về quê, gặp gỡ bạn bè, người yêu..., tôi có đôi chút chạnh lòng. Tôi nhắn tin. Không thấy anh trả lời, gọi điện thì nghe câu thông báo lạnh lùng “Thuê bao này hiện không liên lạc được...” Tôi đứng ngồi không yên, miên man nghĩ các tình huống có thể xảy ra, thậm chí cho rằng anh có niềm vui mới nên cắt liên lạc với tôi.

Xóm cuối tuần chỉ còn lại khoảng không vắng lặng và sự trống trải, khắc khoải, giận hờn trong lòng tôi. Thời gian như kéo dài vô tận, điện thoại hiện cả loạt cuộc gọi số lạ, không có tâm trạng để bắt máy, tôi nhấn từ chối tất cả. Khoé mắt cay cay, sự chờ đợi giống như một cái gì đó khoét sâu vào trái tim, đục hi vọng chảy ra cho đến khi cạn sạch; như một thứ gì đó mài mòn tất cả sự tự tôn, lòng kiên nhẫn, niềm tin và cả tình yêu.

Ngày thứ ba, tôi nhận được một lá thư chuyển phát nhanh. Những dòng chữ đầu tiên hiện ra khiến tôi như vỡ oà cảm xúc: “Dấu yêu của anh!...”. Trái tim tôi như được hồi sinh, vừa thổn thức vừa rộn ràng; nó giúp tôi cởi bỏ được cái nút mà mấy hôm rồi thắt chặt tâm can tôi đến nghẹt thở… Cái hôm điện thoại không liên lạc được là do trên đường đi công tác vào bản, anh bị ngã xuống suối, điện thoại ướt và hỏng. Anh mượn điện thoại người cùng đoàn gọi cho tôi nhiều lần nhưng tôi không bắt máy, biết tôi lo lắng nên anh đã viết thư tay về cho tôi…

Chúng tôi quyết định tổ chức lễ cưới vào mùa xuân năm ấy, khi anh hết thời gian công tác. Bạn bè và gia đình có chút ái ngại, sợ rằng tuổi tác chênh lệch nhiều có thể sẽ nảy sinh rắc rối. Anh hơn tôi 14 tuổi, nhưng với tôi điều đó không là vấn đề. Tuổi tác chỉ là con số và sẽ không ý nghĩa gì khi hai người thực sự đồng cảm, yêu nhau; đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy.

Đám cưới của chúng tôi diễn ra đầm ấm, giản dị trong sự chúc phúc của hai bên gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Hạnh phúc được nhân lên khi cậu con trai đầu lòng của chúng tôi ra đời. Bốn năm sau, mái ấm của chúng tôi đón thêm một bé gái xinh xắn.

Bây giờ, các con tôi đều đã lớn. Thi thoảng tôi vẫn kể lại cho các con nghe về mối lương duyên của bố mẹ chúng. Mỗi lần soi gương, nhìn vết sẹo lờ mờ trên hàng lông mày, tôi lại nhớ và thầm cảm ơn số phận vì đã mang đúng người đúng thời điểm đến với tôi. Tôi luôn tâm niệm một điều: Duyên do trời định, phận do trời tạo, nhưng hạnh phúc là do chính bản thân mình tạo ra, phải biết trân trọng mọi thứ!

H.B