Thứ Ba, 29/09/2020 09:41

Những tư liệu, hiện vật sống động về Chiến thắng Biên giới năm 1950

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chủ trì phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức Triển lãm chuyên đề “Chiến thắng Biên giới năm 1950”.

 Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Biên giới năm 1950 vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau.

Nhân dịp kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới năm 1950 và Giải phóng Cao Bằng (03/10/1950 - 03/10/2020), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chủ trì phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức Triển lãm chuyên đề “Chiến thắng Biên giới năm 1950”.

Các đại biểu tham quan triển lãm.

Cách đây tròn 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta ở Mặt trận Cao - Bắc - Lạng cùng cả nước đã khắc phục mọi khó khăn, thử thách, dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo chiến đấu giành thắng lợi to lớn trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã tạo ra bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đối với địch, đây là thất bại nặng nề chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh Đông Dương đến thời điểm đó. Đối với ta, chiến thắng đã mở ra một cục diện mới, quyền chủ động đã thuộc về ta, biên giới được khai thông, thế bao vây cả trong lẫn ngoài bị phá vỡ, căn cứ địa Việt Bắc được củng cố và mở rộng.

Với hơn 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, Triển lãm “Chiến thắng Biên giới năm 1950” được chia thành 3 phần với 3 chủ đề lớn.

 Phần 1 là những trưng bày về chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Biên giới năm 1950, giới thiệu những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngại khó khăn, nguy hiểm ra mặt trận để trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, động viên quân và dân ta chiến đấu, giành thắng lợi trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, mở ra bước ngoặt cơ bản, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiến lên giành thắng lợi quyết định.

Phần này trưng bày các hình ảnh, hiện vật tiêu biểu như: Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu Bản đồ tác chiến Chiến dịch Biên giới năm 1950; Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ chân trên đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950; Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ Đại đoàn 308 trong đợt tổng kết Chiến dịch Biên giới tại Lam Sơn, xã Hồng Việt, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng; Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cảm ơn và khen ngợi đồng bào Cao - Bắc - Lạng tham gia sửa đường, vận tải, giúp đỡ bộ đội trong Chiến dịch Biên giới năm 1950; Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tù binh, sĩ quan và binh lính Pháp được hồi hương về nước tháng 10/1950, …

Phần 2 của Triển lãm có chủ đề Chiến thắng Biên giới năm 1950 - Bước ngoặt lịch sử trưng bày giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, nghệ thuật tác chiến, phát huy cao nhất sức người, sức của phục vụ chiến dịch; sức mạnh chiến tranh nhân dân, tinh thần đại đoàn kết toàn dân trong chiến dịch; phản ánh nghệ thuật chỉ đạo, điều hành chiến dịch đến nghệ thuật chỉ huy tác chiến của các lực lượng vũ trang; tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân và dân cả nước, trực tiếp là quân và dân các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, tạo nên sức mạnh to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đập tan âm mưu của thực dân Pháp nhằm khóa chặt biên giới Việt - Trung cô lập cách mạng Việt Nam, buộc thực dân Pháp chịu thất bại hoàn toàn, tạo thế và lực mới cho Cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Một số hình ảnh, hiện vật tiêu biểu trong phần này gồm: Sơ đồ vùng V2 của Trung đoàn 174 sử dụng đánh hai Binh đoàn Lơ Pagiơ và Charton; Máy thu phát MP15 của Bộ đội Thông tin dùng liên lạc trong Chiến dịch Biên giới; Sơ đồ tác chiến Pháo binh của Trung đoàn 174 sử dụng trong cuộc tiến công tiêu diệt đồng Đông Khê; Ảnh Dân công vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực phục vụ Chiến dịch Biên giới; Ảnh Dân công sửa đường phục vụ chiến dịch; Ảnh Bộ đội ta tiến công pháo đài Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, ...

Phần 3 của Triển lãm với chủ đề Viết tiếp chiến công trưng bày những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, phản ánh sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự và những bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Biên giới năm 1950 trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã làm nên những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ; những thành tựu về kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời giới thiệu những thành tựu kinh tế - xã hội của quân và dân tỉnh Cao Bằng sau 70 năm giải phóng, hội nhập và phát triển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Cũng trong không gian triển lãm, Ban Tổ chức trưng bày hàng trăm cuốn sách về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh Cao Bằng. Trong số đó có nhiều cuốn viết về sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tỉnh Cao Bằng như: Bác Hồ với Cao Bằng, Người ở Nguồn, Những chuyện kể về Bác Hồ với đồng bào dân tộc, Cao Bằng làm theo lời Bác, ...

Triển lãm chuyên đề “Chiến thắng Biên giới năm 1950” là một hoạt động thiết thực góp phần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi, truyền thống đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay.

NGUYỄN SƠN