Những Ngày Văn học Châu Âu 2025 - “Từ đâu và đến đâu: Những tiếng nói văn học học di dân Châu Âu” sẽ mang đến cho khán giả văn chương của các cây viết gốc Việt nổi bật của nền văn chương Châu Âu đương đại.
Văn học di dân nói chung và văn chương của những nhà văn Châu Âu gốc Việt đang ngày càng được chú ý nhiều hơn ở cả Việt Nam lẫn Châu Âu. Ở đó, những câu chuyện về nỗi trăn trở của căn tính, về sự đứt gãy thế hệ, về những hành trình đạt đến sự công nhận, tất cả góp phần làm nên một nền văn chương Châu Âu đa dạng và đa thanh. Không chỉ đem đến những tự sự và những góc nhìn mới, những nhà văn di dân gốc Việt còn góp phần mở rộng phạm vi của văn chương. Theo đó, văn chương không chỉ là tiểu thuyết và thơ ca, mà thông qua những thực hành của họ, ta còn thấy cả những điểm giao với sân khấu, trình diễn, điện ảnh, báo chí, podcast,…
Những Ngày Văn học Châu Âu 2025 - “Từ đâu và đến đâu: Những tiếng nói văn học học di dân Châu Âu” sẽ mang đến cho khán giả văn chương của các cây viết gốc Việt nổi bật của nền văn chương Châu Âu đương đại. Trong một tuần, các nhà văn hải ngoại được mời bởi các Viện văn hóa, Đại sứ quán Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech và Ý sẽ có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội để cùng thảo luận về những chủ đề văn học khác nhau. Từ câu chuyện về những trăn trở và suy tư góp phần làm nên những diện mạo đặc trưng của văn học di dân, đến những vấn đề về giới với những câu chuyện của các nhà văn nữ. Đặc biệt, độc giả yêu văn chương và các cây viết trẻ cũng sẽ có dịp trao đổi gần gũi hơn với các nhà văn gốc Việt thông qua những buổi trò chuyện văn chương, hay các workshop viết nhằm đặt ra những thảo luận về sáng tạo văn chương dưới góc nhìn liên ngành.
Một số sự kiện đáng chú ý về văn chương trong chuỗi ngày này như:
Ngày 05/05/2025 vào lúc 14h00-16h00 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là toạ đàm Tiếng nói đằng sau tác giả. Hành trình của mỗi nhà văn và cảm hứng văn chương của họ được định hình bởi những câu chuyện. Đó có là một cuốn tiểu thuyết thay đổi cách họ nhìn thế giới, lời thơ nào đó ám ảnh không rời, hay là những câu chuyện gia đình truyền miệng. Những tác phẩm vĩ đại không tự nhiên xuất hiện; chúng là một phần của cuộc đối thoại kéo dài giữa những tiếng nói văn chương mà đôi khi sống cách nhau nhiều thế kỉ.
Ngày 06/05/2025 vào lúc 19h00-20h30 tại Tầng 2 - Deutsches Haus (Tp. Hồ Chí Minh), là buổi thảo luận Văn chương di dân: Khám phá những lịch sử ẩn giấu. Lịch sử không chỉ được viết nên bởi những sự kiện vĩ đại ai cũng biết mà còn bởi những câu chuyện thầm lặng, ít được kể của những con người bình thường. Bắt đầu với những trăn trở ấy, buổi tọa đàm này sẽ mở ra cuộc đổi thoại về những trải nghiệm ít được biết đến của cộng đồng gốc Việt tại châu Âu: những khó khăn, sự kiên cường, những tự sự nhỏ bé nhưng không vì thế mà tầm thường.
Với những nhà văn nữ gốc Việt đến từ những nền văn hóa và những thế hệ khác nhau như Vanessa Vũ, như Cecile Pin hay Anna Mọi, những tự sự di dân và những trải nghiệm cá nhân đã định hình nên văn chương của họ thế nào? Những kí ức về di cư, bản sắc và nơi chốn đã len lỏi vào vào những câu chuyện và hành trình sáng tác và thực hành của họ ra sao?
Ngày 07/05/2025 vào lúc 18h30-20h30 tại nstitut Français De Hue, số 1 Lê Hồng Phong, Huế là cuộc thảo luận Những tự sự di dân. Liệu cảm giác lớn lên giữa nhiều nền văn hóa, ở đó khái niệm "nhà" hay "gốc rễ" không thể trả lời một cách đơn giản và rõ ràng là như thế nào? Ở trong trường hợp của những nhà văn Châu Âu gốc Việt, việc sống trong những sự trăn trở khôn nguôi về căn tính ấy ảnh hưởng và định hình căn tính văn chương của họ ra sao?
Trong buổi trò chuyện văn học này, chúng ta sẽ cùng lắng nghe các nhà văn đang sống giữa những làn ranh của văn hóa kể về câu chuyện sự ảnh hưởng của trải nghiệm di dân, cũn như những sự giao thoa khác nhau trong bối cảnh thế giới đương đại đã định hình nên bản sắc văn chương của họ. Khi bản sắc được dệt đan từ những chuyển dịch và giao thoa, những dấu ấn độc đáo nào hiện lên trong trang viết? Những sợi chỉ nào kết nối các tác phẩm - và chúng dẫn ta đi đâu?
Trong bối cảnh đương đại, nơi những đường biên của văn hóa liên tục giao thoa, những câu chuyện của những nhà văn hải ngoại không chỉ là những tiếng nói của một thế giới khác, mà là những câu chuyện đầy gần gũi và khơi gợi nhiều phản tư.
Ngày 10/05/2025 vào lúc 14h00-16h00 tại Viện Goethe, Hà Nội diễn ra sự kiện Cội nguồn cảm hứng: văn hoá, trải nghiệm và con chữ với sự tham gia của các nhà phê bình văn học đại diện cho những thế hệ và nền văn hóa khác nhau sẽ khám phá những động lực phức tạp này. Thông qua một số trường hợp như Claudio Magris hay Georges Perec, các nhà phê bình sẽ trao đổi về những đặc thù của văn hóa và thời đại đã cấu thành nên những cá tính văn chương độc đáo của thời đại. Đặc biệt, với những trường hợp đặc biệt như Claudio Magris, với những sáng tác văn chương không chỉ gói gọn trong một vùng đất hay vùng văn hóa, mà mở rộng ra cả nhiều vùng đất khác nhau để khám phá những câu chuyện của sự dịch chuyển và lưu vong, thì câu hỏi về sự phức tạp của con người tác giả và căn tính văn chương càng trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Điều này càng là một mối quan tâm lớn trong bối cảnh toàn câu hóa và đa văn hóa ngày nay.
DƯƠNG THUỲ CHI