Chủ Nhật, 17/11/2019 00:35

Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 3

Những khó khăn sẽ thúc đẩy cơ hội sáng tạo

Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 3 đã đặt ra những vẫn đề cụ thể, thiết thực đối với đời sống và nghệ thuật của người trẻ.

Tại sao phải phân biệt trong sáng tạo văn học nghệ thuật về độ tuổi khi mọi người vẫn nhắc đến những cây bút trẻ, nhà văn trẻ? Làm sao để nhận diện, đánh giá lại lực lượng và vạch ra hướng phát triển cụ thể là mong muốn của Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 3 vừa diễn ra ngày 13/11 tại Ninh Bình.

Hội nghị quy tụ hơn 50 cây bút trẻ hiện đang công tác trên địa bàn Thủ đô

Lực lượng những người viết trẻ - tiềm năng và khát vọng

Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 3 quy tụ hơn 50 cây bút trẻ hiện đang công tác trên địa bàn Thủ đô. Có thể nhận thấy, đây là những người viết đang tạo nên diện mạo khá sôi nổi, đa dạng của Hà Nội. Đa phần, các cây bút đều đã có các tác phẩm công bố dưới dạng sách hoặc trên các diễn đàn báo chí, các cuộc thi sáng tác những năm gần đây, gây được sự chú ý đối với độc giả cả nước. Những cái tên như Phạm Thu Hà, Nhật Phi, Đinh Phương, Kim Nhung, Đào Quốc Minh, Bùi Cẩm Linh, Đức Anh, Lữ Mai, Khúc Hồng Thiện, Đặng Thiên Sơn, Nguyệt Chu, Viễn Hải, Thiên Tâm, Lý A Kiều, Hoài Băng…

Dù có thể, một vài người đã vượt qua ngưỡng 35 tuổi như quy định của Hội Nhà văn Việt Nam, tuy nhiên, nhịp sống trẻ và sự can dự tích cực vào đời sống văn chương, nghệ thuật của họ vẫn cho thấy một mạch nguồn gắn kết chặt chẽ, tự nhiên với giới trẻ. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến – Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng, đó là những gương mặt đem lại niềm tin và hi vọng cho văn chương nghệ thuật Thủ đô. Sức trẻ và những nỗ lực của họ làm đa dạng, phong phú bức tranh văn học thủ đô. Ông nhấn mạnh đến khả năng tạo nên những khởi sắc trong nhịp sống và sáng tạo của giới trẻ Hà Nội.

Trước các khả năng và thách thức

Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 3 đã đặt ra những vẫn đề cụ thể, thiết thực đối với đời sống và nghệ thuật của người trẻ. Có thể thấy, người viết trẻ hiện nay cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Cuộc sống bận rộn, những nhu cầu mưu sinh, những vẫy gọi thiết yếu từ thực tế, sự thờ ơ của người đọc đối với văn học trong nước, những đan xen pha trộn đôi khi khó phân định của các giá trị, thật – giả, sự lấn át của truyền thông, sự lên ngôi của các giá trị đại chúng có phần dễ dãi… đã tác động không nhỏ đến tâm thế và khả năng sáng tạo của những người viết trẻ.

Nhật Phi – tác giả trẻ đạt giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 5 (2014) bộc bạch: “Chúng tôi gần như chỉ lủi thủi chơi trong khoảnh sân con con của mình. Trong khi vẫn đi dạy, vẫn làm báo, làm xuất bản… hay những việc lặt vặt khác để mưu sinh, chỉ chờ một vài kỳ, cuộc để cảm thấy mình được chia sẻ và có giá trị”. Anh cũng bày tỏ cảm giác đôi khi thấy “trống rỗng” vì nhịp sống hiện đại với nhiều chi phối đã chiếm hết nhiều cảm xúc, suy tư của người viết.

Còn tác giả Đặng Thiên Sơn, trong tham luận Thơ trẻ Hà Nội – thực trạng và thách thức đã thẳng thắn nêu lên: “Bệ phóng và nhu cầu sử dụng tác phẩm của các nhà văn trẻ hiện nay vẫn còn hạn chế, điều ấy khiến cho các cây bút trẻ nản chí, rẽ sang một hướng khác, chỉ xem văn chương như một cuộc dạo chơi. Giá như có nhiều giải thưởng hơn cho văn trẻ, các nhà xuất bản, các công ty sách mặn mà hơn với tác phẩm của họ, để họ có thể sống được bằng nghề viết thì chắc chắn là sẽ có những tác phẩm hay”.

Tuy nhiên, bên cạnh những bày tỏ, chất vấn về thực trạng, thách thức của văn học trẻ, người viết trẻ cũng nhận thấy cơ hội thực sự lớn lao đối với ngòi bút của mình. Sự quan tâm và kì vọng của các thế hệ đi trước, hiện thực đời sống ngồn ngộn, diễn ra nhanh chóng, các khả năng xuất bản, công bố, các diễn đàn văn học nghệ thuật rộng lớn, đa dạng trong cả nước, không gian mạng có tính mở… thực sự đã đem lại những khích lệ đối với người trẻ khi tham gia vào sân chơi văn chương.

Tác giả Đào Trung Hiếu, trong ý kiến phát biểu của mình tại Hội nghị cũng nhấn mạnh khả năng tận dụng, kết hợp các hình thức truyền thông để quảng bá tác phẩm, thu hút người đọc, người xem và các nhà xuất bản, phát hành. Điều đó sẽ giúp người trẻ có thêm cơ hội sáng tạo, đảm bảo đời sống để có thể chuyên tâm với nghề nghiệp.

Khơi dậy đam mê và kết nối thế hệ

Hội nghị cũng có sự tham gia của nhiều những cây bút lão thành, những tên tuổi nhà văn đã thành danh của văn chương Việt Nam: Hoàng Quốc Hải, Vũ Quần Phương, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hữu Sơn, Trần Quang Quý, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Hữu Việt, Nguyễn Việt Chiến, Trần Gia Thái, Tôn Phương Lan, Nguyên An… Từ diễn đàn của người trẻ, trong tư cách là thế hệ đi trước, các nhà văn thế hệ cha anh đã truyền thêm cảm hứng và khích lệ, động viên những người viết trẻ.

Nhà thơ Trần Hữu Việt ví văn chương như dòng sông, lớp sóng sau xô sóng trước. Người trẻ chính là lớp sóng sau ấy, sẽ làm mang lại nhịp điệu mới cho văn học. Ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn – Phó Viện trưởng Viện Văn học, đã nhấn mạnh vào việc người viết cần phải sống, nhưng cũng cần phải viết, phải công bố tác phẩm, đó là quá trình trưởng thành, không thể một ngày kia bỗng dưng trở thành thiên tài. Viết là quá trình sống, trải nghiệm và cũng là quá trình trau dồi vốn liếng, kĩ năng. Một đời văn, có thể đọng lại chút gì, cũng phải sàng lọc từ những hiện hình cụ thể.

PGS.TS. Tôn Phương Lan (Viện Văn học) tin tưởng vào thế hệ những người viết hôm nay. Theo bà, những người viết trẻ có năng lực đọc, có ngoại ngữ, có vốn sống hiện đại, có các phương tiện truyền thông hỗ trợ… sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn. Cùng với đó, các ý kiến của nhà thơ Vũ Quần Phương, Hoàng Quốc Hải… đã tiếp thêm cảm hứng cho người viết trẻ trước các vấn đề nóng hổi của đời sống, thời cuộc. Các ông cũng chia sẻ về kinh nghiệm viết, nguyên tắc và khí cốt, phẩm chất, trách nhiệm của nhà văn trí thức đối với thời cuộc và đất nước. Có thể nói, Hội nghị viết văn trẻ, bên cạnh những người trẻ là lực lượng nòng cốt, lực lượng chính, sự tiếp nối với thế hệ cha anh luôn tạo nên nhịp cầu để văn học trẻ định hình các thế tồn tại, vận động của mình.

Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 3 (2019) đã khép lại, nhưng dư âm của các vấn đề văn học nghệ thuật nói chung và văn chương của thế hệ trẻ Hà Nội nói riêng sẽ còn lan tỏa, còn sinh sôi trong các ý tưởng, các dự định sáng tạo. Chặng đường phía trước của người trẻ còn dài và ý hướng cũng như sức trẻ là tài sản vô giá, giúp họ thích ứng và sáng tạo, vì một nền văn học giàu giá trị, vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và Đất nước.

LÊ PHONG