Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú là bộ phim hoạt hình dài đầu tiên của Shinkai Makoto, với thời lượng 116 phút. Ông vừa làm đạo diễn vừa viết kịch bản cho tác phẩm này. Bộ phim mang đậm dấu ấn phong cách của Shinkai, với hình ảnh, âm thanh và âm nhạc hòa quyện để kể về những nhân vật cô đơn, khao khát yêu thương và tìm kiếm sự an ủi trong một thế giới đầy lạc lối.
Trong hoàn cảnh cha mất sớm, mẹ quá bận rộn với công việc y tá ở bệnh viện, cô bé học sinh năm cuối bậc tiểu học, Asuna buộc phải trưởng thành trước tuổi. Hàng ngày cô bé vẫn lên mỏm đá cao trong rừng để bắt sóng radio, những thanh âm từ một bài hát cô bé không biết tên. Cho đến ngày, Asuna gặp Shun, một chàng trai lạ mặt đã xuất hiện đúng lúc cứu cô thoát khỏi thú dữ; và thầy Morisaki, người thầy mới dạy thay môn Ngữ văn trong lớp cô, Asuna biết về vùng đất xa lạ tên Agartha rồi thật sự dấn thân vào cuộc hành trình dài gần như vô tận trên mảnh đất ấy để tìm về “lẽ sống.”
Câu chuyện cổ tích của những kẻ cô độc

Poster phim Những đứa trẻ theo đuổi tinh tú.
Đẹp tựa câu chuyện cổ tích và tàn nhẫn tựa hiện thực được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh. Shinkai Makoto đã xây dựng lên một Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú có sự quyện hòa khăng khít giữa thực tại và huyền ảo. Ở đó, ông tạo lập một không gian điện ảnh cho “những đứa trẻ”, trẻ cả tuổi đời, và trẻ cả trong suy nghĩ, “đuổi theo tinh tú” mang theo ước vọng nơi xa.
Không gian đó mở ra tại một thị trấn nhỏ miền núi khi mùa hè đến, cô bé Asuna vào mỗi buổi chiều tan học, sau khi trở về làm hết việc nhà, vẫn thường khoác balo lên vai, tới “căn cứ” của riêng cô trong rừng, lên mỏm đá cao nhất bắt sóng radio nghe những âm thanh xa lạ vọng đến, qua viên tinh thể người đã khuất để lại. Asuna cô độc trong cuộc sống gia đình chỉ còn hai mẹ con. Và Asuna cũng lẻ loi, tách biệt trong cuộc sống học đường bởi cô bé đã như luôn gắng tạch biệt bản thân khỏi tập thể, vì sự khác biệt cuộc sống hay Asuna đã phải trưởng thành trước tuổi?
Toàn bộ tác phẩm gần như được nhìn và kể qua đôi mắt của cô bé năm cuối bậc tiểu học Asuna. Câu chuyện cổ tích như càng thêm phần huyền ảo, tươi sáng, nhất là khi Asuna như gặp được người bạn đầu tiên, một chàng trai lạ mặt tên Shun đã cứu Asuna khỏi thú dữ như trong những trang cổ tích hoàng tử - công chúa. Cho đến lúc, bản thân khán giả nhận ra, nơi Asuna sống là hiện thực của một thế giới đầy tàn nhẫn và cô bé ấy, lần nữa đối diện với li biệt khi biết tin Shun ra đi không lâu sau ngày hai người gặp gỡ.

Nhà văn Shinkai Makoto.
Li biệt, đớn đau và thương tổn, tất thảy cuốn hút Asuna vào câu chuyện về mảnh đất Agartha màu nhiệm có thể hồi sinh người chết mà người thầy mới tới, Morisaki nhắc đến trong tiết Ngữ văn. Một con người, cũng như Asuna, vẫn luôn chìm trong đau thương vì mất đi người thân mà đắm mình trong cuộc sống cô độc không lối thoát. Đồng thời hoàn cảnh đó kéo Asuna lại gần Shin, cậu em trai giống Shun như đúc. Và đưa ba con người, mang ba nỗi niềm, tiến đến Agartha, miền đất trong truyền thuyết, nơi lưu dấu những tri thức cổ xưa, nơi cất giữ những bí ẩn cổ đại nhất của nhân loại, nơi ẩn chứa những sức mạnh nằm ngoài tầm với, sự hiểu biết con người.
Cũng như rất nhiều câu chuyện cổ tích khác, Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú, Agartha lưu truyền những tích và được con người gửi gắm vào đấy bao ước mơ, hi vọng. Ước mơ hồi sinh người đã mất, ước mơ được gặp người quá cố, ước mơ tìm về một phần kí ức đã xa, ước mơ được sống những giây phút chẳng còn cô đơn, phiền muộn. “Tinh tú”, vì thế, đâu chỉ tượng trưng cho bầu trời đêm lấp lánh ánh sao trong lần đầu Asuna và Shun gặp gỡ hay bầu trời Agartha rực rỡ sao trời. Đó còn là biểu tượng cho những giấc mơ đẹp, có phần xa xôi nhưng người ta vẫn mãi kiếm tìm, mãi đuổi theo, mãi vươn đến. Bởi, còn đuổi theo tinh tú, con người còn mục đích để tiếp tục sống, tiếp tục hướng đến ngày mai.
Và “những đứa trẻ”, vì thế không đơn thuần chỉ để ám chỉ cô bé Asuna, cậu bé Shin hãy còn trong độ tuổi niên thiếu mà còn hướng đến cả những người lớn, vẫn đang phải học cách tiếp tục trưởng thành. Trong thế giới tàn nhẫn mà sinh li tử biệt đã trở thành quy luật của một vòng luân hồi, người ta buộc phải học cách quyết định và chấp nhận. Người ta có thể mãi đắm chìm trong khổ đau hay cũng có thể đốt cháy sinh mệnh để được nhìn thấy thế giới rộng lớn. Nhưng dẫu có thế nào thì “con người đang sống mới là điều quý giá nhất” và người ta chẳng thể hi sinh thực tại, cho mộng ước phá vỡ quy luật kia.
Nên “những đứa trẻ đuổi theo tinh tú”, đâu chỉ là một bộ phim hoạt hình hướng tới trẻ thơ, những đứa trẻ mang nhiều thương tổn, sớm phải học cách trưởng thành để đối diện với nỗi cô độc. Mà đây còn là câu chuyện của cả những người lớn học cách vượt qua quá khứ để nhận ra, bản thân vốn chẳng hề cô đơn.
Mỗi con người, mỗi cảnh ngộ, dù già hay trẻ, dù trải đời hay chưa thì đó đều là một mảnh ghép để hoàn thiện bức tranh về Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú. Bên dưới bầu trời, trong không gian đẹp tựa cổ tích kia, là dòng chảy cuộc sống hiện thực đầy nghiệt ngã với cảm xúc con người vừa trầm lắng trong những đớn đau, cô độc; lại vừa cuộc dâng yêu và khao khát yêu thương. Hay có thể nói chăng, vì họ chính là con người, nên dù biết mơ ước có xa xôi, viển vông đến đâu thì họ vẫn tồn tại, sống trọn với khát khao đó, dưới bầu trời bao la.
Ngôn ngữ điện ảnh trong bộ phim dài đầu tiên của Shinkai Makoto
Trước khi Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú xuất hiện, Shinkai Makoto đã ghi dấu ấn đậm nét trong nền điện ảnh Nhật Bản nói chung, nền hoạt hình xứ Phù Tang nói riêng qua những thước phim ngắn và vừa chứa đựng cái nhìn thâm trầm, sâu sắc về cuộc đời, con người và tình cảm con người thời hiện đại. Cùng với đó là những cảnh phim, theo thời gian lại càng thêm trau chuốt, đẹp tới nao lòng như Nàng và con mèo của nàng (1999), Tiếng gọi từ vì sao xa (2002), 5 centimet trên giây (2007)… Và đấy như bước đệm cho Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú ra đời, bộ phim như đánh dấu độ chín muồi trong ngôn ngữ điện ảnh mang tính đặc trưng của Shinkai Makoto.
Lấy bối cảnh nước Nhật những năm thuộc về thập kỉ đầu thế kỉ XXI, Shinkai Makoto đã khắc họa trên 116 phút, trước hết chính là dáng hình một xứ Phù Tang mang đậm những nét cổ kính. Sự cổ kính thâu trọn vào thị trấn Mizonofuchi, nơi có trường tiểu học Mizonofuchi cô bé Asuna đang theo học. Một thị trấn bao quanh bởi núi rừng, dòng thời gian như ngưng đọng với hệ thống đường sắt đi cắt ngang khu rừng. Và chính cái tên Mizonofuchi – nghĩa đen tức đáy sâu cũng như gói theo bao lắng đọng của cả vật chất lẫn tinh thần theo mỗi bước chuyển thời gian ở xứ sở này. Ngọn núi ở Obuchi, mũi đất cô bé Asuna vẫn thường đến để thu bắt tín hiệu cho chiếc radio hay “cánh cổng vĩnh hằng” thầy Morisaki hướng đến có ý nghĩa biểu tượng như chiếc cổng Tori trong văn hóa Nhật Bản: nối liền hai không gian, gắn kết những chiều thời gian để mở ra hai thế giới vẫn luôn song song tồn tại. Hàng lớp lớp hoa anh đào báo hiệu mùa xuân, giá trị của sinh mệnh lẫn ý nghĩa của luân hồi, sự mong manh của kiếp người, bầu trời đầy sao dẫn lối con người đi tới “cánh cổng”. Và ngay chính vùng đất truyền thuyết Agartha, cũng mang dáng dấp một Nhật Bản cổ xưa với những nét đẹp truyền thống, những tri thức cổ đang dần đến bờ vực mai một, thất truyền… Tất cả, thông qua các đại toàn cảnh thu trọn hình ảnh thị trấn, những trung và cận cảnh theo chân con người vào rừng, tiến vào lớp học, gia đình… làm nên một Nhật Bản thu nhỏ vào những năm đầu thế kỉ XXI, tựa như đang cựa mình trước biến chuyển thời gian, con người.
Nếu như cách xây dựng bối cảnh, tái hiện cảnh vật mang đậm dấu ấn một Nhật Bản truyền thống thì việc sáng tạo lên mảnh đất Agartha chìm sâu dưới lòng đất lại là sáng tạo riêng biệt của đạo diễn Shinkai Makoto. Viên đá clavis mở ra cánh cổng đến thế giới dưới lòng đất, những con Izoku căm ghét người trên mặt đất, hãi sợ ánh sáng nhưng lại là yếu tố làm nên tính cân bằng cho Agartha, những vị thần Quetzalcoatl canh giữ người chết, thu nhận những sinh mạng rời xa trần thế về bản thân song sự sống của chính họ cũng là hữu hạn và khi sự sống đến hồi kết thúc, họ tới “cánh cổng sinh tử”, cất lên bài hát mang đậm chất linh thiêng tín ngưỡng mà bát hát đó đã được Ausna thu… Hết thảy làm cho bộ phim càng gần hơn với câu chuyện cổ tích trong buổi hiện đại vậy.
Để rồi truyền thống và hiện đại quyện hòa vào dòng thời lưu có nhiều xáo trộn, trong lối dựng phim vừa có sự tiếp nối giữa các sự kiện, vừa có sự song song giữa thực tại – quá khứ trong những giấc mơ, hồi ức của nhân vật, vừa có những bước nhảy giữa những không gian, thời gian, trường đoạn… Trọn vẹn những yếu tố ấy thể hiện rõ nét việc đạo diễn Shinkai Makoto đã tận dụng tối đa lợi thế của điện ảnh để làm nên 116 phút của Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú đẹp trong hình ảnh, phức tạp trong tầng bậc lớp lang nội dung lẫn cảm xúc, tâm lí con người.
Trước đây, Shinkai Makoto nổi bật với những bộ phim ngắn giản dị như Nàng và con mèo của nàng. Nhưng giờ đây, ông mang đến những thước phim hoành tráng, như Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú, với sự kết hợp giữa hình ảnh, âm thanh. Dù là phong cách giản dị hay tráng lệ, Shinkai luôn hướng đến việc thể hiện những cảm xúc và tinh thần đặc trưng của con người, xã hội Nhật Bản hiện đại.
MỌT MỌT