Thứ Ba, 31/12/2019 00:09

Những "giới hạn xã hội" trong văn học Israel và Palestine

Trong tiếng Do Thái, gvul ( גבול) là một từ nhiều nghĩa, có thể được dịch là đường viền, đường biên, ranh giới hay giới hạn, tùy thuộc vào ngữ cảnh cụ thể.

Trong tiếng Do Thái, gvul ( גבול) là một từ nhiều nghĩa, có thể được dịch là đường viền, đường biên, ranh giới hay giới hạn, tùy thuộc vào ngữ cảnh cụ thể.

Hình ảnh bức tường chia cách Jerusalem với Bờ Tây.

Các nhà hoạt động xã hội hay nhà văn Israel vẫn thường tận dụng tính đa nghĩa của gvul khi tranh luận về các vấn đề chủ quyền biên giới quốc gia, sự sát nhập, chiếm đóng đối với vùng lãnh thổ của Palestine, hay khi cần phải chất vấn về những lằn ranh đạo đức hay giới hạn của quyền lực. Cuốn sách mới ra năm 2019 của Kfir Cohen Lustig kết nối được tất cả chủ đề này thông qua việc phân tích về những đường biên vật lý của khu vực, những ranh giới triết học và những giới hạn xã hội. Maker of Worlds, Readers of Signs là biên bản ghi chép có tính lịch sử về nền văn học Israel và Palestine qua những tác phẩm viết bằng tiếng Do Thái và Ả Rập trong tiến trình toàn cầu hóa – vẫn thường được hiểu một cách giản lược chỉ là sự mở rộng đường biên kinh tế quốc gia ra thị trường quốc tế.

Văn chương, theo quan niệm của Cohen Lustig, tự thân đã là một cơ chế phản ứng lại với những “giới hạn xã hội” – là “vùng lãnh thổ” nơi lằn ranh giữa những điều chấp nhận được và không được chấp nhận, những điều có thể tưởng tượng và điều tưởng như không tưởng đều bị làm mờ. Ý tưởng về những “giới hạn xã hội” ,theo quan niệm của Hegel[1], cho phép Cohen-Lustig đưa ra một nhận định rằng: mỗi giai đoạn lịch sử luôn luôn được tạo hình bởi một hình thái kinh tế - chính trị chủ đạo. Đó là một bản thiết kế không chỉ chi phối lên quan điểm xã hội của một cá nhân hay một tập thể mà còn quy định những biểu đạt thẩm mĩ trong đời sống tinh thần và vật chất của con người. Những tác phẩm văn học được viết-bán-mua-đọc hàng ngày, ngay cả khi mang những nội dung thách thức với hiện thực, vẫn đang bền bỉ làm công việc phản chiếu bộ mặt xã hội ẩn dưới lớp kiến tạo của nhà văn.

Những người quen thuộc với lý thuyết về “vô thức chính trị” của Fredric Jameson [2] và câu cửa miệng huyền thoại của ông – “phải luôn lịch sử hóa”, chắc chắn không xa lạ gì với chức năng phản ánh hình thái xã hội đương thời của văn chương. Makers of Worlds, Readers of Signs thực hành lý thuyết của Jamson khi nghiên cứu về nền văn học của Israel và mối quan hệ giữa Israel và Palestine, đây cũng là hướng đi trong nghiên cứu gần đây của Oded Nir [3] về tính tập thể trong tiểu thuyết của Israel qua cuốn sách xuất bản năm 2018: Signature of Struggle: The Figuration of Collectivity in Israel fiction [4]. Cuốn sách của Cohen-Lustig thậm chí đã được chính Jamson viết lời tựa, qua đó nhà tư tưởng nổi tiếng này đã dặn dò, đúng hơn cảnh báo độc giả rằng, cuốn sách này “sử dụng” văn học để “phơi bày một lịch sử xác tín đằng sau nó”. Sự thực là, Cohen-Lustig mang mối bận tâm sâu sắc tới lịch sử kinh tế-xã hội của khu vực, anh cho rằng những trường phái hiện đại hình thành trong văn học của Israel và Palestine vài thập kì gần đây đến từ nguyên nhân của tư nhân hóa và toàn cầu hóa. Những quá trình này gần như chắc chắn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và lưu hành của văn học trong và ngoài ranh giới tranh chấp của Israel và Palestine.

Cohen-Lustig là người ghi chép một lịch sử nằm khuất trong những tác phẩm văn học Israel và Plastine hiện thời. Anh cung cấp một cách phân chia các giai đoạn văn học không bị lệ thuộc vào các yếu tố về ý thức hệ và căn tính của dân tộc mà tập trung vào khía cạnh “tự trị thẩm mĩ” của tác phẩm và tác giả trong từng thời điểm. Từ cuối những năm 1940 đến khoảng những năm 1990, văn học ghi nhận hiện tượng nhòa mờ ranh giới giữa đời sống cá nhân và tập thể trong bối cảnh xã hội Israel và Palestine. Theo Cohen-Lustig, các nhà văn người Do Thái và Ả Rập rất có ý thức “kiến tạo” thế giới riêng của họ trong khi sáng tác thông qua việc đối thoại trực diện với quyền lực có tính áp chế từ kẻ nắm quyền (trong trường hợp của văn học Israel) hoặc đấu tranh cho quyền tự quyết của dân tộc mình (trong trường hợp của văn học Palestine). Họ đặt lên bàn cân những khả năng mới cho chính trị, xây dựng chân dung những nhân vật đại diện cho bộ phận người tham gia đấu tranh ý thức hệ, hoặc tạc những nhân vật mang tiếng nói nhân danh tập thể trong các tác phẩm thơ, truyện, tiểu thuyết và kể cả những tiểu luận. Sáng tác nhằm đáp ứng các mục tiêu chính trị hay để tham dự vào công cuộc kiến thiết thế giới là xu hướng vận động tất yếu của văn học Israel và Palestine tại thời điểm này. Ngay cả khi họ kháng cự lại chủ trương đồng nhất đời sống cá nhân vào với tập thể (như trong tác phẩm của nhà văn Israel Yeshayahu Koren [5]), họ vẫn buộc phải thừa nhận rằng, dù thế nào, một đời sống cá nhân đã và đang luôn bị hạn định trong một phạm vi cụ thể mà xã hội đã khoanh vùng. Và khi họ chấp nhận sự hiện diện và tham dự của chính trị, như cách mà các nhà văn Palestine như Sahar Khalifeh [6] và thế hệ của cô đã chấp nhận, thì là bởi họ đã tự nhìn nhận công việc sáng tác của họ như là những động thái chính trị cần thiết ngay lúc này.

Người ta đã vẽ lại ranh giới giữa đời sống cá nhân và cộng đồng ở Israel vào cuối những năm 1980, và ở Palestine vào khoảng giữa những năm 1990. Năm 1985, Chính phủ Israel khởi động một chiến dịch bình ổn kinh tế, đưa nền kinh tế nước này vào quỹ đạo của tiến trình thị trường hóa và tài chính hóa. Một nhận thức với về quan hệ giữa cá nhân và chính quyền được thiết lập, đi cùng đó là những phát hiện mới về quyền lực và căn tính trong văn học. Phần lớn những nhà phê bình văn học Israel đều nhìn thấy ở những cuốn tiểu thuyết với lối tự sự phân mảnh hoặc hình thức phản tự sự như là sản phẩm của làn sóng hậu hiện đại. Cohen-Lustig thì chọn diễn giải chúng như là hệ quả tất yếu của quá trình toàn cầu hóa ở Israel. Những tác giả như Orly Castel-Bloom [7] hay Nir Baram [8] với sự nhạy cảm chính trị mới xuất hiện, ngày càng trở nên nhạy bén trước những bất hòa trong mối quan hệ giữa người dân Israel với nhà nước. Tác phẩm của họ thường xuyên phê phán thể chế của Israel từ cấp độ quân đội tới chính phủ, tuy nhiên, họ từ chối định nghĩa công việc này như một kiểu “kiến tạo thế giới” theo cách dụng ngôn của Cohen-Lustig. Thay vào đó, họ đi sâu miêu tả nhưng bất lực của từng cá nhân hay cảm thức về sự bội phản chính trị.

Ở Bờ Tây và Gaza, câu chuyện về lịch sử và văn học luôn luôn song hành với nhau. Vào năm 1987, intifada - cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel lần đầu tiên nổ ra, cướp đi sinh mạng của hơn 1300 người dân Palestine và xấp xỉ 200 người dân Israel, ngay trước khi Hiệp ước Hòa bình Oslo [9]. Trong thời kỳ “hậu Oslo”, các vốn đầu tư quốc tế, phần lớn là các gói tài trợ nước ngoài từ các tổ chức phi chính phủ, liên tục đổ về các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Chính tại thời điểm đó, theo như Cohen-Lustig nhận định, ý niệm về khoảng cách giữa nhà cầm quyền và xã hội dân sự đã bắt đầu nhen nhóm trong đời sống xã hội lẫn đời sống nghệ thuật của người Palestine. Mặc dù vẫn luôn tồn tại yếu tố chính trị trong sáng tác của các nhà văn Palestine trước kia, nhưng chúng vẫn dừng lại là những tác phẩm không vượt ra khỏi lằn ranh của chủ nghĩa tư bản và chịu sự kiềm tỏa của những mặc định xã hội. Nhưng rồi, những tác phẩm thuộc ngôn ngữ khác tiếng Ả rập dần dần gia nhập vào dòng chính của văn học Palestine và những cơ chế xuất bản-lưu hành đã thay đổi. Cohen-Lustig trong nghiên cứu của mình đã dẫn chứng cho chúng ta thấy được cái cách mà những bản dịch tiếng Anh của các tác phẩm văn học Palestine được biến đổi so với bản gốc để nhấn mạnh vào những cá nhân và bản chất cá thể thay vì tập trung vào một tập thể với tính chất đại diện. Năm 1989, Mỹ đã xuất bản tiểu thuyết Wild Thorns của Sahar Khalifeh viết từ năm 1976 với nội dung mô tả là “đã đem tới một bức tranh hiện thực” về cuộc chiếm đóng của Israel ở Palestine, trong khi tới năm 2010, cuốn tiểu thuyết Touch [10]của Adania Shibli [11] được đặc cách chú trọng vào thế giới văn chương dị biệt của nhà văn. Đó là sự thay đổi của tiến trình văn học Israel từ những năm 80. Song hành với đó là những thay đổi từ văn học Palestine khi những tác phẩm từ của khu vực được dịch và lưu hành rộng rãi không kém gì của những nền văn học “ngoại vi” khác.

Dịch thuật đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình văn học, đây là một luận điểm then chốt trong cuốn Maker of Words, Readers of Signes mặc dù Cohen-Lustig chưa một lần nào đóng khung nó trong những trang viết của mình. Một số những công trình chuyên khảo kinh điển về dịch thuật như The World Republic of Letters của Pascale Casanova [12] xuất bản năm 1999 hay tiểu luận Conjectures on World Literature của Franco Moretti [13] năm 2000 đã được vinh danh bởi nỗ lực diễn tả con đường mà những thể loại và tác phẩm văn học trên thế giới di chuyển từ “ngoại vi” vào tới “trung tâm”. Tuy nhiên, lập luận của những tác giả này tới nay thường bị phê phán là đi theo những lối mòn trong nhận thức về sự phân tách rạch ròi giữa khái niệm thế nào là quốc gia, dân tộc hay thế giới. Những phân tích của Cohen-Lustig về văn học đưa ra một giả thuyết rằng, thế giới của chúng ta đã không còn được chia cắt rõ ràng thành những miếng bánh riêng biệt đại diện cho từng quốc gia như trước kia nữa. Chủ nghĩa tư bản, bằng cách cân đo đong đếm của riêng nó, đã san phẳng quả địa cầu này đã trở thành một miếng bánh lớn được dàn đều nhân dùng chung cho tất cả mọi người – nay đã trở thành những công dân toàn cầu. Thông qua ý nghĩ về sự quân bình giả tưởng này, Cohen-Lustig đã lí giải vì sao những sáng tác văn học gần đây của Israel và Palestine có vẻ như đã lột xác thành những “cuốn tiếu thuyết toàn cầu”. Rất khó để đánh giá những ý kiến về việc “đo đạc” này trong văn học, bởi, cho dù là Moretti hay bất cứ ai làm công tác phê bình cũng chỉ có thể đưa ra những phân tích dựa trên những gì mình đã đọc – căn cứ số liệu này hoàn toàn hữu hạn và mang tính chủ quan. Ngay cả Cohen-Lustig cũng luôn phải tự chất vấn chính những tài liệu đọc của mình trong quá trình hoàn thiện Makers of Words, Readers of Signs. Đây là một cuốn sách có tính riêng tư hơn là một tư liệu dành cho đại chúng, thông điệp của nó nằm dưới lớp màng phân tích của tác giả và buộc người đọc phải liên tục đặt ra những câu hỏi để tiệm cận được. Tại sao chúng ta phải đọc những tác phẩm văn học? Liệu văn học có khả năng đưa chúng ta vượt thoát khỏi những lằn ranh giới hạn của những kinh nghiệm sẵn có? Liệu văn học còn có thế trao cho người đọc nhiều hơn một câu chuyện chứng tỏ sự cơi nới của chủ nghĩa tư bản trên thế giới đã và đang làm biến đổi hình dáng của từng quốc gia, dân tộc?

Cohen-Lustig trong cuốn sách của mình đã bày ra trước mắt độc giả một giả thuyết về sự phân rã tất yếu của mô hình quốc gia cùng những câu hỏi ngổn ngang về mối quan hệ giữa văn học và chính trị. Những tác phẩm văn học hiện thời có thể được truyền bá rộng rãi nhờ dòng chảy của chủ nghĩa tư bản vẫn luôn men theo đường biên lãnh thổ các quốc gia, và thậm chí có thể vươn dài sức ảnh hưởng của mình ra khỏi biên giới nhờ công tác dịch thuật. Nhưng nhà văn và độc giả thì không. Ở Palestine, vượt biên là việc vô cùng khó khăn kể từ khi chính phủ tự trị lâm thời ở Bờ Tây và Gaza hạn chế việc nhập cảnh. Cuốn sách của Cohen-Lustig là dẫn chứng thuyết phục để bác bỏ ý kiến cho rằng chủ nghĩa dân tộc như là lăng kính duy nhất để khám phá văn học của Palestine và Israel. Hãy còn đó một cơ số những nhân tố đang sốt sắng chờ khai thác nằm vất vưởng ngoài “đường biên” của những công trình nghiên cứu hiện có. Chắc chắn độc giả sẽ có một trải nghiệm độc đáo và lí thú khi đọc một nghiên cứu về văn học của Israel và Palestine nhưng không chăm chăm xét nét các yếu tố thuộc về tranh chấp đất đai, xung đột sắc tộc, tôn giáo, đạo đức hay giới tính - mà sẽ bàn về một vấn đề của toàn cầu hóa như tác động của chủ nghĩa tư bản đối với văn hóa và chính trị.

(*) Đôi điều về tác giả bài viết: Danielle Drori vừa hoàn thành nghiên cứu bậc Tiến sĩ về tiếng Do Thái và Văn học So sánh tại Đại học New York. Cô giảng dạy tại New York, và đang thực hiện một cuốn sách tìm hiểu về mối quan hệ giữa nền chính trị phục quyền của người Do Thái và các tác phẩm văn học dịch ở châu Âu và Palestine vào đầu những năm 1900.

 

KIỀU CHINH dịch theo Danielle Drory, The Social Limits of Israeli and Palestinian Literature, tạp chí Los Angeles Review Of Books.

(Lưu ý: Mọi chú thích trong bài đều là của người dịch, không phải của tác giả).

---------------------

 

[1] Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831): nhà triết học người Đức, được coi là người sáng lập ra chủ nghĩa duy tâm Đức.

[2] Fredric Jameson (sinh năm 1934): nhà phê bình văn học, triết gia và nhà lý luận chính trị Marxist người Mỹ, nổi tiếng với những phân tích về các xu thế của văn hóa đương đại, đặc biệt là phân tích về hậu hiện đại và chủ nghĩa tư bản. Những tác phẩm phổ biến nhất của Jameson bao gồm Chủ nghĩa hậu hiện đại, hay, Logic văn hóa của chủ nghĩa tư bản muộn (1991) và Vô thức chính trị (1981).

[3] Oded Nir: Giáo sư thỉnh giảng chuyên ngành Do Thái tại Đại học Franklin & Marshall.

[4] Một nghiên cứu của Oded Nir về văn học Israel qua lý thuyết phê bình Marxit.

[5] Yeshayahu Koren, sinh năm 1940, nhà văn người Israel, năm 1940, học Triết học và Văn học Do Thái tại Đại học Do Thái ở Jerusalem và bắt đầu xuất bản truyện ngắn vào đầu những năm 1960. Ông nổi tiếng với tiểu thuyết Funeral at Noon viết về đời sống buồn tẻ đến chết của một phụ nữ người Israel. Ông được trao Giải thưởng Bialik (2008) và Giải thưởng Brenner (2013) về văn học.

[6] Sahar Khalifeh, sinh năm 1941, nữ nhà văn người Palestine, nổi tiếng với tiểu thuyết Wild Thorns miêu tả cuộc sống của người Palestine dưới sự chiếm đóng của Israel ở thị trấn Nablus vào năm 1972.

[7] Orly Castel-Bloom, sinh năm 1960, nhà văn người Israel và là một trong 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Israel. Tiểu thuyết Human Parts của bà lần đầu tiên đề cập tới chuyện đánh bom cảm tử của Palestine.

[8] Nir Baram, sinh năm 1976, nhà văn người Israel, nổi tiếng với tự sự phi hư cấu A Land Without Borders kể về chuyến đi của anh tới vùng Bờ Tây và Đông Jesuralem, gặp gỡ và trò chuyện với những người dân Palestine - Israel bị mắc kẹt sau bức tường ngăn cách.

[9] Hiệp ước Hòa bình Oslo là một hiệp định giữa Chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine được ký ở Olso – thủ đô Na-uy, công nhận quyền được tự quyết của người dân Palestine với khu vực của Bờ Tây và Dải Gaza.

[10] Touch: tiểu thuyết nổi tiếng của Adania Shibli xoay quanh cuộc sống bình thường của một bé gái người Palestine men theo những sự kiện những cuộc chiến và thảm sát tại Palestine.

[11] Adania Shibli, sinh năm 1974, nữ nhà văn người Palestine

[12] Pascale Casanova (1959-2018): nhà phê bình văn học người Pháp, nổi tiếng với cuốn sách The World Republic of Letters – một công trình chuyên khảo quan trọng áp dụng các khái niệm xã hội học để phân tích hệ thống văn học trên thế giới.

[13] Franco Moretti (sinh năm 1950), nhà sử học, nhà lý luận văn học người Ý.