Thứ Ba, 18/02/2020 11:24

Những cuốn sách và bản dịch về Nhật Bản trong năm 2020

Năm 2020 hứa hẹn là một năm bùng nổ cho các bản dịch và những cuốn sách về Nhật Bản với một số tác giả quen thuộc và những cái tên mới.

Năm 2020 hứa hẹn là một năm bùng nổ cho các bản dịch và những cuốn sách về Nhật Bản với một số tác giả quen thuộc và những cái tên mới.

Nhằm tiếp nối những thành công quốc tế trước đó của nhà văn Sayaka Murata qua tác phẩm Convenience Store Woman, nhà xuất bản Granta tiếp tục giới thiệu bản dịch tiếng Anh Earthlings của nhà văn này. Earthlings bản dịch của Ginny Tapley Takemori, kể câu chuyện về hai đứa trẻ luôn tin rằng chúng có phép thuật. Natsuki có một cây đũa phép và một chiếc gương biến hình, cô có thể là phù thủy, hoặc người ngoài hành tinh. Còn anh họ của cô là Yuu, cũng đến từ hành tinh khác. Hai anh em đã dành mùa hè của mình ở vùng núi hoang dã Nagano, mơ về những thế giới khác. Và rồi những biến cố xảy ra đe dọa chia rẽ hai đứa trẻ mãi mãi, chúng hứa với nhau sẽ cố gắng để sống sót. Khi Natsuki đã trưởng thành, cô sống bình lặng, bình thường với người chồng vô tính. Nhưng nhu cầu của gia đình Natsuki ngày càng tăng, và bóng tối từ thời thơ ấu của Natsuki đang theo đuổi cô. Chạy trốn khỏi vùng ngoại ô để đến với những ngọn núi thời thơ ấu, Natsuki chuẩn bị cho mình một cuộc hội ngộ với Yuu...

Nhà xuất bản New Direction Publishing cũng có những hoạt động nổi bật để thúc đẩy những cái tên vẫn duy trì độ hot như Hiroko Oyamada. Vốn gây được ấn tượng khi giành được giải thưởng Shincho cho các nhà văn mới, giải thưởng Oda Sakunosuke, đến bản dịch tiếng Anh đầu tiên của The Hole trình làng, tên tuổi Oyamada càng được chú ý. Bản dịch The Hole do dịch giả David Boyd chuyển ngữ kể câu chuyện về một phụ nữ 30 tuổi bỏ việc và chuyển về vùng nông thôn, nơi đây cô gặp một số người lạ và rơi vào một cái hố đã giúp Oyamada giành giải thưởng Akutagawa. Đây là tiền đề cho những sáng tác tiếp theo của nhà văn, điển hình là ấn bản tiếng Anh của Kōjō, dịch bởi David Boyd mà New Direction Publishing phát hành vào tháng 10/2019 với tiêu đề The Factory (tạm dịch: Nhà máy). Nhà văn, biên tập viên Sam Sacks đánh giá lối viết “nhạt nhẽo” trong The Factory tạo cảm giác phù hợp với không khí trong một công việc văn phòng lặp đi lặp lại, nhàm chán, vô nghĩa. Còn Gabe Habash, trong một bài phê bình tác phẩm The Factory trên tờ Publishers Weekly lại khen ngợi khả năng của Oyamada khiến người đọc trải nghiệm cảm giác mất phương hướng giống nhân vật chính của cuốn sách và khiến độc giả "quay cuồng và ngụy trang". Oyamada từng chia sẻ, những sáng tác của cô được gợi cảm hứng từ những tác giả như Franz Kafka, Yōko Ogawa và Mario Vargas Llosa. Trong bài phê bình về văn học Nhật Bản trên tờ Granta, nhà phê bình James Hadfield đã ví những trang viết của Oyamada với sáng tác của Yōko Ogawa và cho rằng tác phẩm của cô "gợi ý những điều tốt đẹp đến từ nhà văn trẻ đầy triển vọng này”.

Năm 2020 là năm tôn vinh nhà văn thời Chiêu Hòa (1926-1989) - Seishi Yokomizo, tác giả của nhân vật thám tử lừng danh Kosuke Kindaichi khi hai cuốn tiểu thuyết của ông được Pushkin Vertigo phát hành . Đó là The Inugami Clan (tạm dịch: Gia tộc Inugami) được dịch bởi Yumiko Yamazaki và The Honjin Murders (tạm dịch: Vụ giết người Honjin) dịch bởi Louise Heal Kawai. Hai tiểu thuyết trinh thám lấy bối cảnh vào cuối những năm 1930 đầu những năm 1940, với những vụ án, những bí ẩn li kì, rùng rợn, hấp dẫn và nhiều nút thắt. Chỉ riêng tên tuổi của nhà văn cũng là một yếu tố đảm bảo chất lượng cho những tác phẩm trinh thám này.

Một tác phẩm khác đến từ nhà xuất bản Pushkin Press trong năm 2020 là Spark (tạm dịch: Tia lửa) của Naoki Matayoshi qua bản dịch của Alison Watts. Tokunaga là một diễn viên hài trẻ đang tạo dựng tên tuổi ở Osaka, hợp tác với cố vấn giàu kinh nghiệm Kamiya. Sự tự tin không giới hạn của Kamiya truyền cảm hứng cho anh và cũng khiến anh nghi ngờ giới hạn của chính mình cùng sự cống hiến của anh cho hài kịch. Spark là cuốn sách về nghệ thuật và tình bạn, về lí tưởng và tham vọng. Một tiểu thuyết hài hước viết về hài kịch, vừa cảm động và chu đáo, trở thành tác phẩm tiêu biểu ở Nhật Bản giai đoạn này. Cuốn sách gốc cũng được chuyển thể thành loạt phim đình đám Hibana: Spark của Netflix Nhật Bản.

Bàn đến những sáng tác về Nhật Bản trong năm 2020 có thể kể đến sự trở lại đầy sung sức của nhà văn Mĩ Suzanne bằng cuốn Pop Flies, Robo-Pets and Other Disasters (nhà xuất bản One Elm Books). Sách hướng đến lứa độc giả nhỏ tuổi, khám phá những trải nghiệm của một học sinh từ Mĩ chuyển về học tại một trường trung học cơ sở ở Nhật Bản thông qua các vị trí trong một đội bóng chày.

The Mad Kyoto Shoe Swapper and Other Short Stories From Japan (tạm dịch: Đổi giày Mad Kyoto và những câu chuyện khác về Nhật Bản; nhà xuất bản Tuttle Publishing) của Rebecca Otowa đem đến cho chúng ta những câu chuyện về kinh nghiệm của Nhật Bản từ cả quan điểm của người bản địa và người nước ngoài...

Ở tuyển tập truyện ngắn, các nhà văn của Red Circle tiếp nối bằng một loạt tác phẩm như: The Chronicles of Lord Asunaro (tạm dịch: Hồi ký của Chúa Asunaro) của Kanji Hanawa do Meredith McKinney dịch và The Refugees’ Daughter (tạm dịch: Con gái của người tị nạn) của Takuji Ichikawa, dịch bởi Emily Balistrieri.

When Can We Go Back to America? (Khi nào chúng tôi có thể quay về nước Mĩ) của Susan H. Kamei và Barry Denenberg (nhà xuất bản Simon & Schuster Books dành cho độc giả trẻ) là lịch sử truyền miệng mới về sự giam cầm của Mĩ đối với người gốc Nhật trong Thế chiến II dưới góc nhìn của những người trẻ tuổi bị ảnh hưởng. Thật khó tin sự giam cầm lại xảy ra tại vùng đất của Tự do: Sau vụ tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, chính phủ Mĩ đã giam cầm hơn một trăm hai mươi ngàn người Mĩ gốc Nhật sống ở Bờ biển Thái Bình Dương trong các trại tập trung hoang vắng cho đến khi kết thúc cuộc Thế chiến II vì chủng tộc của họ. Bây giờ, hơn bao giờ hết, cuốn sách này là cần thiết cho tất cả những ai quan tâm đến ý nghĩa của việc trở thành người Mĩ.

Cũng trong thời điểm này thì tác phẩm Three Tigers, One Mountain (Ba con hổ, một ngọn núi) của Michael Booth được phát hành bởi công ty Jonathan Cape. Dựa trên câu tục ngữ của Trung Quốc: hai con hổ không thể sống trên một ngọn núi, Booth đã khám phá quan hệ lịch sử của Trung Quốc-Nhật-Hàn thông qua nhân chủng học, lịch sử, chính trị và du lịch trong chuyến thăm ba nước này trước khi kết thúc hành trình của mình ở Đài Loan.

Xoay quanh sự kiện chính trị lịch sử đã xảy ra trong một thế kỉ, Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905) đã đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia châu Á hiện đại đánh bại một nước châu Âu, mở ra một kỉ nguyên của cuộc xung đột gay gắt. Đây cũng là mốc đánh dấu sự kết thúc thời hoàng kim của những thư tín chiến đấu, theo Michael S. Sweeney và Natascha Toft Roelsgaard. Cuốn sách mới của họ, Journalism and the Russo -Japanese War (Báo chí và Chiến tranh Nga-Nhật) do nhà xuất bản Lexington Books ấn hành, đem đến lập luận đáng chú ý, rằng khuôn mẫu cho mối quan hệ giữa báo chí và quân đội đã được đặt ra trong cuộc chiến này và vẫn còn được tuân thủ cho đến ngày nay.

Và cuối cùng, The Only Gaijin in the Village: A Year Living in Rural Japan được Polygon phát hành vào tháng 3 là cuốn hồi kí trải nghiệm của một người nước ngoài sống một năm tại vùng nông thôn Nhật Bản. Cuốn sách thông minh, ấm áp, thực tế và rất hài hước theo đánh giá của nhà thơ và tiểu thuyết gia Alan Spence.

Như thường lệ, những cuốn sách trên đây chỉ là một danh sách trích dẫn nhỏ đáng chú ý mà các biên tập viên japantimes chọn ra trong nhiều bản dịch và những cuốn sách viết về Nhật Bản sẽ lên kệ trong năm 2020.

 

BÌNH NGUYÊN theo Japantimes