Thứ Bảy, 26/01/2019 00:36

Những con chữ gieo nơi bìa trời

Tôi đến Sư đoàn Bộ binh 330 đứng chân trên địa bàn tỉnh An Giang vào cuối mùa nước nổi. Trên con lộ 91 dọc biên giới Việt Nam - Campuchia... (Bút kí của Đinh Phương)

Bút kí. ĐINH PHƯƠNG

Tôi đến Sư đoàn Bộ binh 330 đứng chân trên địa bàn tỉnh An Giang vào cuối mùa nước nổi. Trên con lộ 91 dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, một bên là cánh đồng lúa vàng đang nằm thiu thiu chờ gặt, một bên mênh mông sóng nước. Phía xa xa nơi những ngọn núi mờ ảo là nước bạn Capuchia. Hai từ nước bạn gợi lên nỗi nhớ nhà mơ hồ bởi quê tôi ở Quảng Ninh cũng có cửa khẩu, đường giáp biên, có những phân chia bên này và bên kia... Thấy tôi ngẩn ngơ, Đại tá Lê Văn Việt, Chủ nhiệm Chính trị Sư 330 nháy mắt, chắc nhà văn “thi hứng chợt nồng” phải không? Rồi anh nửa đùa nửa thật bảo, bộ đội ở đây cũng lãng mạn và bay bổng lắm chứ chẳng thường đâu, nói không ngoa, về văn học nghệ thuật, lính Sư đoàn 330 chỉ thua kém mỗi Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) An Giang thôi. Tôi bán tín bán nghi và định bụng sẽ tìm hiểu thật kĩ Sư đoàn. “Tín” vì trong số các nhà văn Việt Nam mà tôi biết, ít ra cũng có hai người đã từng là lính của Sư đoàn, đó là nhà văn Lê Minh Nhựt hiện là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Cà Mau và nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. “Nghi” vì nghĩ bộ đội là thao trường bãi tập, lăn lê bò toài, ném lựu đạn, xung phong, là hai bốn trên hai bốn giờ trong chế độ kỉ luật nghiêm ngặt... thì thời giờ đâu để mà lãng mạn văn thơ, đọc sách nữa.

Đọc sách đêm

Đêm đầu tiên ở Sư 330 tôi không ngủ được, cứ trằn trọc mãi, hết quay bên này lại bên kia. Phần vì lạ nhà, phần vì hứng khởi (có cả chút thấp thỏm) khi khám phá miền đất mới. Bao câu hỏi cuốn lấy chẳng yên, tôi mở cửa phòng đi dạo như thói quen vẫn làm ở nhà.

Trong không gian mênh mông của những cây tràm bông vàng, keo, bạch đàn mọc ken dày lấy nhau, gió vùng biên xào xạc giấu những câu chuyện mà chỉ mình nó biết. Khi đi qua một đầu hồi nhà, chợt nghe có tiếng người, nhìn thấy cửa sổ sáng đèn, tôi rón rén lại gần và nhòm vào. Hóa ra, đó là phòng Hồ Chí Minh của đơn vị. Một người lính đang ngồi trên ghế, trước mặt là cuốn sách chắc vừa lấy từ trên giá. Có lẽ những câu thơ trong sách khiến anh xúc động dâng trào, không kìm được cảm xúc nên có những đoạn, người lính ấy đọc to lên thành tiếng. Tôi cố lắng tai và nhận ra, đó là bài thơ Trên đồi Ma Thiên Lãnh(1) của nhà thơ Nguyễn Thị Trà Giang. Hãy ngồi thêm một chút bạn ơi/ nhang sắp tàn, thắp thêm tuần nhang nữa/ đồi rộng quá, làn khói thì bé nhỏ/ giờ có đưa vào chỗ các anh nằm?/ tôi thẫn thờ trước khối đá lặng câm/ lấp cửa hang chôn các anh trong đó/ chôn nỗi khát khao, chôn niềm thương nhớ/ mười tám đôi mươi, trẻ quá cuộc đời/ mùa xuân chưa qua, mùa hạ đến rồi...

Tôi bước đi mà như thấy có bóng người phía trước cứ lúc xa, lúc gần. Giọng đọc thơ như vẫn nhấn nhá, thả buông. Ở miền biên viễn này, dù trong doanh trại quân đội, cảm giác vẫn có gì đấy xa ngái, khó nắm bắt.

Sang một dãy nhà khác, tôi bắt gặp một vài chiến sĩ trẻ đang rụt rè soi đèn pin đọc sách. Từng khoảng sáng vàng ửng ở giường dưới, giường trên khiến tôi nghĩ mình đang lạc vào một tổ ong mật khổng lồ. Chợt bật cười nghĩ nhiều năm trước nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng cũng cặm cụi thế kia, lật giở từng trang sách rồi ghi ghi chép chép những đoạn hay vào một cuốn sổ học trò kẻ ô li mà ngày nay thỉnh thoảng anh vẫn giở ra cho chúng tôi xem như là bảo vật. Nhớ cả lời nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi còn làm việc tại Hội VHNT Cà Mau đã nói về cộng tác viên đặc biệt Lê Minh Nhựt của mình: “Tôi vẫn nhớ cái mùi quan ải phập phồng trên những lá thư Nhựt gởi về Tạp chí Văn nghệ, dòng ghi địa chỉ trên thư đã gây một cảm giác phiêu bạt, giang hồ, khi Bạc Liêu, khi Chi Lăng, lúc thì Rạch Gốc…, những địa danh xa tít mù tắp như ở phía bìa trời…”.

Thư viện và người thủ thư

Sáng tôi dậy đến tìm thì những chiến sĩ trong căn phòng tối qua đã ra thao trường từ lúc nào. Tôi ngược lên thư viện, trung tá Đoàn Phước Lộc, nhân viên nhà văn hóa đang cặm cụi nhập số liệu cho lô sách mới. Thấy tôi, anh ngừng tay, quay ra mở cửa phòng cho gió lùa qua những kệ sách kê sát nhau nối dài từ đầu phòng đến cuối phòng. Trong mùi giấy mực nồng nã quen thuộc, anh hỏi tôi qua một đêm đã khám phá ra điều gì lạ ở Sư chưa? Tôi kể, anh chậm rãi bảo đọc sách ở Sư đã là chuyện thường như ăn cơm, uống nước. Các phong trào “Sách ở đầu giường”, “Sách có trong ba lô trên bước đường hành quân”, “Sách theo chân bộ đội ra thao trường”... đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Sách giờ vươn đến cả khu nhà khách, để lúc nghỉ ngơi, đợi chờ người thân chiến sĩ cũng có thể lấy đọc. Sách không sợ mất mà chỉ sợ phủ bụi nằm chết. Phòng chính trị cũng vừa tổ chức cuộc thi “Quyển sách tôi yêu”, thu được gần 7000 bài thi, chiếm hơn 90% quân số Sư đoàn. Các bài thi tập trung vào các đề tài lịch sử, tấm gương anh hùng, liệt sĩ, các tác phẩm văn học trong và ngoài nước… Đặc biệt với 100 bài viết đưa vào vòng chung khảo đều được viết với cảm nhận chân thật, giàu sức thuyết phục, đặt ra thử thách “chấm” với ban giám khảo.

Đấy là nói cuộc thi chung, còn riêng anh, vẫn cần mẫn làm công việc xây dựng tài liệu cho thư viện của Sư đoàn. Anh sắp xếp thời gian đi điền dã lấy cảm xúc, sau về đọc sách, viết, tự đóng, tự in những tập giới thiệu chung về văn hóa vùng đất, lấy tên chung là Hồn đất phương Nam để chiến sĩ có thể tham khảo. Tính đến giờ đã có hơn hai mươi tập ra đời, có thể kể tên như: Văn hóa trang phục của cư dân Óc eo - Phù Nam; Bàn về giả thuyết sụp đổ nhà nước Phù Nam; Sơ lược về Vương quốc Chân Lạp; Đờn ca tài tử Nam Bộ là gì?; Quê hương mấy nhịp cầu tre… Các tập này giới thiệu về văn hóa vùng đất giàu trầm tích của phương Nam cổ xưa, những nét trang phục đặc biệt, nét ẩm thực độc đáo, các di tích còn lại đến ngày nay…

- Vậy những tài liệu của anh có ai kiểm tra chất lượng không?

Tôi nửa thật, nửa đùa. Nhưng anh Lộc không coi đấy là đùa mà trả lời rất nghiêm túc:

- Có chứ, tài liệu này viết dựa trên việc tham khảo địa chí của tỉnh, những cuốn sách nghiên cứu của các nhà văn, nhà nghiên cứu như Sơn Nam, Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Bửu Hoài, Võ Thành Phương… Sau khi làm xong thì mình mail lên phòng Khoa học lịch sử của tỉnh nhờ các anh trên ấy xem hộ chỗ nào được chỗ nào chưa rồi chỉnh sửa. Vài lần thì xong một tài liệu, để trên thư viện anh em nào cần thì tham khảo. Chứ nói thật lúc chưa làm những cái này nhiều anh em lên hỏi, ví dụ như nhà nước Phù Nam là nhà nước nào, ăn uống, may mặc của họ ra sao mình cũng bí. Nói một hai câu thì không hết được, chỗ nhớ chỗ quên, đầu lắp vào đuôi. Tài liệu thì có, nhưng vì là sách biên khảo, nghiên cứu, cái nào cũng mấy trăm trang. Anh em chiến sĩ chẳng có nhiều thời gian nên mình làm cái này cho tiện.

Tôi được biết, ngoài vốn hiểu biết khá về văn hóa cổ vùng đất, anh Lộc còn là người nắm vững lịch sử Sư 330 từ ngày đầu thành lập gắn với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Bên cạnh đó anh còn là “hướng dẫn viên” không chuyên, không lương về thảm sát Ba Chúc, nhân chứng hiện ai còn sống, địa chỉ, sức khỏe ra sao, các địa điểm mà Pol Pot đã tiến hành thảm sát dân ta nay thuộc khu nào, điểm nào. Anh kể, một bà mẹ ở đất Camphuchia sang nghĩa trang Dốc Bà Đắc để tìm người con nuôi đã cứu gia đình bà bên kia. Khi thấy tên anh, mộ anh, bà gục xuống khóc. Nhiều người lại hỏi bà có biết anh là ai không mà khóc thế? Bà ngẩng lên nhìn mọi người, xong lấy tay nhổ cỏ đám đất bên cạnh, xoa cho phẳng để gằn viết bốn chữ Bòn Chín Bòn Chín (anh Chiến anh Chiến) trên đất rắn…

Phòng đọc sách được trang bị cho từng tiểu đoàn - Ảnh: PV

Những câu chuyện ngoài sách vở

Một trong những người mà tôi gặp được là Thượng tá Nguyễn Danh Tuyền, Trợ lí chính sách Sư 330. Với mái tóc muối tiêu hơi rối chải ngược lên trước trán, ánh mắt nghiêm nghị luôn luôn chiếu thẳng, nếp nhăn chạy vòng quanh mặt, cộng thêm dáng người nhỏ bé, mới nhìn ai cũng nghĩ anh là một thầy giáo. Mà cũng đúng, mấy chục năm trước đây, khi đang là sinh viên khoa Sư phạm, chuẩn bị ra trường gõ đầu trẻ thì anh xếp lại tất cả giáo án, bút nghiên lên đường tòng quân làm nhiệm vụ quốc tế.

Đầu năm 1986 sau khi huấn luyện tân binh, anh được điều về Đại đội Thông tin 20, Trung đoàn 1, Sư 330, Quân khu 9, đang đóng quân tại Battambang, một tỉnh phía Tây bắc Campuchia, giáp biên giới Thái Lan có điều kiện địa lí khắc nghiệt, rừng sâu núi cao, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Đại đội Thông tin 20 ngoài việc bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến đấu, còn làm nhiệm vụ giúp dân thành lập chính quyền, khám chữa bệnh, hướng dẫn trồng trọt, hỗ trợ lương thực… Anh bảo, mình nhớ nhất mùa hoa móng bò (hay còn gọi là hoa ban tím) cuối năm 1986 khi đơn vị trở lại Tà Sanh. Vì thương đồng đội bị thương, sốt rét mất máu, người bạn thân cùng đơn vị Huỳnh Văn Cảnh quyết định ra suối bắt cá, lấy hoa móng bò về nấu cháo cải thiện cho đồng đội. Hoa móng bò có vị chua, nấu thêm cùng con cá, chút gạo nữa, ăn vào rất nhanh lại sức, đỡ háo. Nhưng lúc này, địa bàn đơn vị đóng quân đã có nhiều thay đổi bởi sau nhiều trận chiến giằng co giữa ta và địch, sơ đồ gài mìn của ta đã bị địch gài lại. Biết là nguy hiểm, anh giành đi nhưng Huỳnh Văn Cảnh không cho. Trong hang mọi người dõi theo, đứng ngồi không yên. Khi vừa hút bóng thì một tiếng nổ lớn vang lên, mọi người chạy thấy anh Cảnh bị đất vùi kín, liền moi lên. Cũng may Cảnh chỉ bị thương, anh vừa sơ cứu cho bạn vừa khóc, nhỡ bạn có mệnh hệ gì thì… Sau lần bị thương ấy, anh Cảnh bị dính mìn hai lần nữa, tưởng tử thần đã buông tha nhưng không ngờ, trong một lần đi rừng, một loạt đạn của Pol pot đã cướp đi mạng sống của người đồng đội yêu quý ấy...

Giọng kể nghẹn dần lại, anh Tuyền bảo, chẳng muốn nhắc lại chuyện cũ vì nó làm anh đau đớn. Nhưng nhiều khi các em, các cháu chiến sĩ trẻ ham tìm hiểu lịch sử của Sư đoàn đến hỏi thì không đừng được. Bản thân anh, bốn rẻ xương sườn, một phần thùy trái phổi đã gửi lại mảnh đất Battambang xa xôi. Ra khỏi cuộc chiến, trở thành thương binh hạng 2/4, với quyết tâm “tàn nhưng không phế”, anh tiếp tục công tác tại Sư đoàn 330 với công việc chính là khảo sát cất nhà cho các đối tượng chính sách trên địa bàn, giải quyết những tồn đọng chiến tranh để lại như hỗ trợ thông tin trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ... những năm qua anh đã giúp nhiều gia đình tìm thấy hài cốt người thân… Thế nhưng riêng anh thì lại chưa làm được cái điều canh cánh trong mình khi người bạn Huỳnh Văn Cảnh vẫn nằm ở đâu đó chưa về với đất mẹ quê hương. Anh bảo, tính về hưu sẽ đi một chuyến, may ra…

Câu chuyện của Thượng tá Phạm Văn Quynh, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra của Sư 330 về lần đi nối dây thông tin liên lạc trong chiến dịch mùa khô tại đất bạn Campuchia những năm 1989 lại là một góc khác trong chiến tranh. Anh kể: Lần đó được thông báo đường dây có sự cố, tôi cùng chiến sĩ trẻ tên Trợ chuẩn bị vũ khí, dây dự phòng lên đường ngay. Trợ mới được bổ sung về đơn vị, chưa đi nối dây thực tế bao giờ nên rất lo lắng. Hai người lội suối, băng rừng bám theo đường dây cho đến khi phát hiện một cây gỗ lớn bị pháo bắn phạt ngang ngã đè xuống đường dây. Tôi bảo, có khả năng là khúc này rồi quay ra hỏi kìm đâu, Trợ lúng búng: “Em vội quá không kiểm tra nên quên mang theo rồi anh ơi! Làm sao bây giờ?”. Suy nghĩ vài ba giây, giờ quay lại lấy kìm thì tốn thời gian lắm, nhiệm vụ lại đang gấp, tôi chợt cười vì đã nghĩ ra cách khắc phục còn nhanh hơn dùng kìm. Bước tới, chợt giật thót người vì dưới chân có cái gì đó mềm mà nhầy nhậy, tôi nhìn xuống ớn lạnh sống lưng bởi xác tên địch, kiến và nhặng bu đen, thấy động chúng ào ào bay lên lao cả vào người vào mặt. Tôi nghĩ chắc nó bò ra cắt dây bị dính đạn pháo chết nằm ngay chỗ dây đứt. Tôi trấn tĩnh lại và nói Trợ chú ý quan sát cảnh giới để tôi nối dây. Tôi lần theo chỗ dây bị cắt rồi bước tới cầm lấy đầu dây đứt đưa lên miệng cắn tuốt vỏ bọc, tay đang xoắn nối hai đầu dây lại với nhau thì bị giật. Theo phản xạ tự nhiên tôi kêu ái và reo lên thông rồi. Tiếp theo, tôi nối máy kiểm tra và nghe hai đầu dây đang làm việc. Trợ tiến lại gần hỏi: “Anh có làm sao không? Sao anh lại kêu đau và nói thông rồi. Chết, miệng anh chảy máu nữa kìa”. Tôi bảo không sao, và giải thích, lúc đang nối dây có người quay máy để liên lạc nên mới bị giật. Vì bị giật nên chắc chắn là đã thông liên lạc. Sau đó hai anh em lấp tạm cái xác bằng lá cây và đất.

Là kẻ thù, nhưng dẫu sao, cái xác ấy cũng là con người...

Tập tành sáng tác

Cuối giờ huấn luyện buổi chiều tôi trở lại căn phòng hồi đêm đã thấy những chiến sĩ trẻ nằm đọc sách trong màn. Trong phòng, người tranh thủ viết thư, ghi nhật kí, người đọc báo, đọc truyện. Người ôm đàn nghêu ngao chỉ là anh muốn ôm chặt em lúc này, giữ chặt em lúc này không buông tay. Một nhóm hai người đang làm báo tường với hình ảnh tờ báo là giao diện trẻ trung của Facebook. Có đầy đủ ảnh bìa, ảnh đại diện, danh sách bạn bè, thông tin cá nhân… Chỉ có điều tất cả đều được “lính hóa” với những nét vẽ tỉ mỉ, điêu luyện mà nếu ông chủ Facebook là Mark Zuckerberg nhìn vào cũng không khỏi bất ngờ.

Tôi vào hỏi chuyện đọc, viết, họ đẩy chàng trai trẻ Phạm Long Nhật, sinh năm 1998, Đại đội 1, Tiểu đoàn 18 thông tin trực thuộc Sư, quê Cà Mau lên phía trước, bảo tối qua mọi người đều tranh thủ chuyền đọc chương mới trong tiểu thuyết của cậu.

- Tiểu thuyết?

Tôi bất ngờ reo lên. Người lính nhỏ bé với giọng nói nhỏ nhẹ như con gái nói mình đang cùng lúc viết ba cuốn gồm Minh nam đế hậu (6 chương); Linh thiêng thế giới (28 chương); Tối cường hệ thống (12 chương). Tất cả các tiểu thuyết đều chưa hoàn chỉnh, trung bình mỗi chương thường từ 2500 - 3000 chữ. Cậu vừa nói vừa rút ra quyển Tối cường hệ thống cất kĩ trong đáy ba lô ở đầu giường ra lật đi lật lại.

- Em phải cất kĩ để tối nay còn tranh thủ viết tiếp chương mới. Hai quyển kia các bạn tiểu đội khác mượn rồi.

Cả ba quyển Nhật kể đều viết trên giấy ô li, nét chữ đều tăm tắp, điểm vào là những hình vẽ minh họa nhân vật hoặc binh khí. Truyện viết về tình yêu đôi lứa trong khung ảnh mộng mị, huyền ảo thần tiên yêu ma theo kiểu văn học ngôn tình bắt đầu rộ lên trên internet ở Trung Quốc vào đầu thế kỉ XXI, nhưng được Việt hóa. Thay vì đẩy lên internet, Nhật chuyền cho bạn đọc là những người lính trong Sư đoàn. Khi đồng đội đọc xong mang trả, phản hồi và yêu cầu Nhật viết tiếp chương mới thì Nhật lại tiếp tục. Vì vậy, ba cuốn tiểu thuyết, có cuốn đã sang đến cuốn sổ ô li thứ hai mà Nhật vẫn chưa có ý định dừng lại. Cứ tranh thủ từng phút rảnh rang trong ngày viết để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, lại phục vụ một lượng độc giả của riêng mình. Khi được hỏi ra quân, Nhật có ý định theo nghiệp văn chương không, Nhật bảo trước mắt sẽ mua một cái máy tính để đánh lại tất cả những gì trong khi nhập ngũ đã viết để lưu giữ và sáng tác những tác phẩm mới, còn theo văn chương thì không chắc. Tôi tin, dù có làm việc gì thì văn chương, chữ nghĩa chẳng dễ bỏ Nhật đâu.

Viết là viết thế, xong việc đọc của Nhật đa dạng phong phú hơn. Ngoài truyện thần tiên, Nhật còn đọc truyện trinh thám, sách dạy kĩ năng sống, và đặc biệt là truyện ngắn. Cậu bảo cứ mỗi lần đi lấy báo về, nếu có Tạp chí Văn nghệ Quân đội là phải giấu ngay đề phòng có người thấy trước, cầm trước. Chứ nếu đọc tạp chí cũ nhiều khi “cáu” vì đang đọc hay thì đột ngột bị xé mất trang. Rồi Nhật hỏi tôi có biết truyện gì gần đây của Tạp chí có nhân vật chính là một người hóa thành con hổ. Cuối cùng cuộc đời của con hổ đó ra sao vì cái trang mất đúng vào trang kết truyện. Truyện ngắn mà Nhật nói đến ấy, là Người hổ của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Tôi kể cuối cùng con hổ ấy từ Đức tìm về Việt Nam, đến biên giới thì bị bẫy chết. Nghe xong Nhật có vẻ buồn: “Sao tác giả không để con hổ ấy hạnh phúc hả anh?”. Tôi chẳng thay mặt cho nhà văn Nguyễn Văn Thọ trả lời được. Cũng không biết nói sao cho Nhật hiểu…

Từ An Giang tôi sang Hà Tiên (Kiên Giang) gặp Đại úy Nguyễn Khánh Ly, quê Sóc Trăng, Trợ lí tuyên huấn Ban Chính trị Trung đoàn Bộ binh 20. Tôi biết Ly từ hồi đọc tản văn Màu thời gian trên tờ Văn hóa Quân sự.

“… Chiều nay, ta lại bất chợt bên hành lang ấy, khẽ chạm vỡ vào những kí ức xa xưa của một thời hoa nắng, thấy lòng mình nhẹ tênh sau những bộn bề và lo toan của cuộc sống. Ta lại bất chợt nhận ra màu tím ta yêu đang buông dần, phủ lấy cả không gian, như chiếm lấy cả lòng ta vào chiều cuối hạ. Thời gian chầm chậm như xích lại trong từng hơi thở, những câu chuyện trong lòng ta dường như đua nhau ùa về trong cái khoảng trống vô định mà ta dường như quên lãng. Màu đỏ của phượng đang tan loãng trong cái tím dần của hoàng hôn, như đốt cháy cả lòng ta những gì ấp ủ…”.

Nguyễn Khánh Ly yêu văn chương từ nhỏ nhưng không chọn nó là điểm đến cuộc đời bởi nó mông lung, mờ mịt, thêm nữa theo nó chắc gì có một công việc ổn định ở tương lai. Anh gác lại tất cả chọn đi lính, cuộc sống quân ngũ bận rộn có lúc làm anh xao lãng niềm đam mê thuở nhỏ. Nhưng những lúc nhàn rỗi đôi chút, hình ảnh miền quê nghèo Sóc Trăng lại hiện về. Nơi ấy mùa lũ đến anh theo anh trai đi cắm cá lóc, rồi lấy cá đó đem ra chợ bán. Nhớ những bông so đũa trắng mà anh vặt về cho má nấu canh chua. Nhớ những con vịt thả đồng mùa lũ bị dịch chết trắng trước nhà. Nhớ nhà đông con, đất ít, ba má anh phải đi đánh lá mía cho người giàu vậy mà vẫn cố cho con cái học hành đầy đủ. Nhớ… nhớ nhiều quá, thế là anh viết. Gia tài của anh giờ là số lượng kha khá tản văn. Nhưng anh chẳng mấy khi gửi đâu đăng tải, bởi đấy là anh viết cho bản thân mình, viết cho quê hương. Hàng năm, anh thường xin nghỉ phép vào dịp tháng tám về lại quê để hình dung bóng dáng người chị tháng tám nước ròng, mưa lớn năm nào dẫn anh đi móc cá bống theo bẹ dừa nước. “Có lần đi dưới mưa xách thùng theo chị cạnh mé nước của bờ sông, tôi hỏi “mấy đám lục bình trôi về đâu hả chị?”, chị như không nghe thấy cứ mải miết đưa cây móc bằng sắt vào bẹ dừa nước tìm cá bống để móc, bỏ hẳn câu hỏi của tôi chìm vào dòng sông lạnh ngắt theo những giọt mưa rồi tan vào dòng nước cuốn trôi đi. Tôi cũng không hỏi gì thêm, bởi lẽ có hỏi đi chăng nữa thì cũng chỉ nhận được tiếng trả lời của mưa rơi đều trên dòng nước”. Hình dung bóng dáng cha ngày xưa vẫn đưa anh ra bến, lên đò cùng hai trăm đồng và đứng nhìn theo con sang bờ bên kia. Dù thời gian thoảng qua, giờ tất cả đã cũ, chị theo chồng, đám bạn mưu sinh đất Sài thành chẳng mấy dịp về quê...

- Giờ Ly ước gì?

Ly loay hoay trong phòng thu chật hẹp với máy tính, mic, giấy tờ lấy chỗ cho tôi ngồi, Ly cười bảo, chỉ ước ngày của Ly có bốn tám, năm mươi tiếng để có thể đọc và viết thêm những gì của riêng mình, sẽ dành cho văn chương một góc nhiều hơn trong đời sống quân ngũ... Hóa ra giờ ngoài công việc trợ lí, Nguyễn Khánh Ly còn đảm nhiệm thêm công việc của Đài truyền thanh nội bộ Trung đoàn. Anh kể, Đài truyền thanh có nhiều mục nhưng mục được đón chờ nhất là tâm sự, sáng tác của chiến sĩ. Rất nhiều chiến sĩ gửi thư tâm sự về gia đình ở quê, nhớ bố mẹ, nhớ anh em. “Nan giải” hơn là nhiều ca tâm sự đi lính được vài tháng thì người yêu ở nhà bỏ đi yêu người khác. “Nghiêm trọng” hơn nữa là gửi thiệp mời về ăn cưới. Đọc xong Ly lại viết những bài ngắn tâm sự để các em yên tâm làm nhiệm vụ.

Phần nữa, Ly gặp được ở các bài vở gửi lên niềm an ủi gặp được những tâm hồn đồng điệu yêu văn chương, nhất là thơ. Dù nhiều bài thơ chiến sĩ gửi lên chẳng ghi tên ai, nhưng chúng vẫn được lựa chọn phát. Trong hàng nghìn đôi tai đón chờ hôm đó, có một đôi tai nghe những gì mình viết, được âm thầm quan sát cảm xúc của bạn cùng đơn vị. Như bài Chờ con: Con đi chẳng hẹn ngày về/ Mẹ cha chẳng quản công nghề chờ mong/ Đêm ngày luống những đợi trông/ Cầu cho con trẻ yên lòng tòng quân/ Đông về gió rét bâng khuâng/ Đường xa có mệt? Đoàn quân mỏi mòn/ Cầu trời còn nước còn non/ Thì còn cha mẹ đợi con trở về. Hay bài Lỡ: Em nghĩ sao mà yêu người lính trẻ/ Một con người vì nước đã ra đi/ Những gian lao chưa lần nào bày tỏ/ Lỡ mai này anh ngã xuống thì sao?”. Cái thật, cái mộc mạc làm nên chất riêng của thơ lính Sư đoàn 330.

Tôi tiếc thời gian mình lưu lại Sư 330 thật ngắn, vẫn chưa đi được hết các đơn vị, gặp thêm những người lính trong Sư. Bởi nếu đi, gặp được nhiều hơn thì chính đời sống của tôi cũng sẽ được bồi đắp đầy đặn thêm. Tôi nhận ra, bộ đội của Sư đoàn 330 có gì đó khác bộ đội những nơi khác. Nhưng hỏi khác cụ thể thế nào thì chịu, chẳng cắt nghĩa rõ ràng được. Cũng như lá giang kia, khi mọc ở đất này thì lá dày, vị chua nhiều, khi đem sang đất khác thì lá mỏng, vị chua đặc trưng mất đi phần nào. Hay như loài cá linh kia mỗi mùa nước nổi lại theo dòng Mê Kông từ bên Campuchia đổ về. Loài cá không thể nuôi, là ân huệ của trời. Loài cá của xứ sở kì diệu mà bao nhà văn như Nguyễn Văn Hầu, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Quang Sáng, Trang Thê Hy, Đoàn Giỏi, Nguyễn Ngọc Tư… đã xây dựng nên qua hàng vạn trang bản thảo.

Tại sao loài cá ấy chỉ có ở miền Tây?

Tôi không trả lời được. Cũng như lính Sư đoàn 330, khác biệt, bén yêu đấy mà chẳng rõ do đâu. Khi trót đến, đi về rồi mà trong lòng lúc nào cũng ngấp ngổm muốn quay lại, tìm về những con chữ gieo nơi bìa trời.

Đ.P

---------

1. Ma Thiên Lãnh là một ngọn đồi thuộc khu căn cứ Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Năm 1969 một trận bom của giặc đã làm sụp khối đá lấp cửa hang chôn sống trong đó bảy chiến sĩ của ta.