Thứ Năm, 18/07/2019 15:08

Những chiếc lá xanh

Đó là một giấc mơ. Âm thanh càng lúc càng lớn. Nyagar quẳng mền ra và lắng nghe. Vâng, anh ta đúng. Anh ta quay qua đánh thức vợ. Cô ta không có ở đó. Anh ta chồm dậy chạy ra cửa. Cửa không khóa.

 
Grace Ogot (1930 - 2015), nhà văn nổi tiếng người Kenya. Bà từng làm y tá, nhà ngoại giao, chính khách. Là một trong những phụ nữ Kenya đầu tiên viết tác phẩm bằng tiếng Anh và được xuất bản, bà đã in một số tiểu thuyết, truyện ngắn, trong đó có các cuốn Đất hứa (tiểu thuyết), Vùng đất không có sấm (tập truyện ngắn) ...

Đó là một giấc mơ. Âm thanh càng lúc càng lớn. Nyagar quẳng mền ra và lắng nghe. Vâng, anh ta đúng. Anh ta quay qua đánh thức vợ. Cô ta không có ở đó. Anh ta chồm dậy chạy ra cửa. Cửa không khóa. “Nyamundhe đang ở đâu? Làm thế nào mà cô ấy có thể lặng lẽ về nhà cô ấy được chứ?”, anh ta tự hỏi. “Mình đã nhiều lần nói với cô ấy là đừng bao giờ bỏ về mà không đánh thức mình dậy để chốt cửa. Ngày mai mình sẽ gặp cô ấy!”.
“Nó đó, nó đó!”. Tiếng ồn ào giờ gần hơn, chắc cách chỉ chừng ba mươi yard mà thôi. Nyagar quấn tấm áo phủ lên thân thể tròn chắc của mình, quờ tìm giáo và gậy, sau đó đi ra khỏi nhà.
Một nhóm người đang chạy về phía cổng nhà anh ta. Anh ta mở cổng và nấp vào hàng rào. Nyagar không muốn đối mặt trực tiếp với nhóm người vì anh ta biết chắc là họ đang đuổi theo một kẻ nguy hiểm nào đó.
Hình như có ba, bốn người đàn ông chạy qua cổng, sau đó có một nhóm khác đông đảo chạy theo sau. Anh ta ra khỏi chỗ nấp và chạy theo.
“Bọn chó chết đó trộm hết cả sáu con bò của tôi”, anh ta nghe có ai đó chửi.
“Đừng lo, chúng sẽ phải trả giá”, một người khác nói.
Nyagar đã đuổi kịp đám đông. Giờ anh ta đã hiểu ra là nhóm ba, bốn người đàn ông chạy qua cổng là những kẻ trộm gia súc. Họ chạy vòng qua một khúc cua. Có ba dáng người cách đám đông chừng ba mươi yard, có thể là những tên trộm. “Đừng cho nó thoát”, một người thét. “Chúng nó sẽ không thoát”, đám đông đồng thanh đáp.
Khoảng cách được rút ngắn. Vầng trăng non đã biến mất và trời khá tối. “Đừng phóng lao”, một người có tuổi cảnh báo. “Nếu phóng trượt, chúng có thể lấy đó để chống lại chúng ta”.
Bọn trộm chạy sai đường theo một khúc cua. Chúng đã không thể chạy qua cây cầu bắc qua sông Opok, do sai đường. Cây cầu này chia cách khu vực Masala và Mirogi. Chúng rẽ phải. Khi cố vượt qua sông, chúng bỗng bị cuốn vào một xoáy nước. Chúng cuống cuồng tìm cách thoát ra.
“Nhanh lên, nhanh lên”, một người đuổi theo la to.
Trước khi bọn trộm tìm được một chỗ an toàn khác để vượt qua sông, đám đông đã đuổi kịp. Họ lấy gậy đập bọn trộm té nhào xuống đất. Tiếng kêu xin của những tên trộm vang lên khắp xung quanh nhưng đám đông không chút thương xót. Trong lúc hỗn loạn, một tên trộm chạy thoát được và biến mất trong những lùm bụi ven sông. “Đuổi theo nó! Đuổi theo nó!”, ai đó la lên. Có ba người chạy theo hướng tên trộm vừa chạy, miệng thở hổn hển. Các lùm bụi đầy gai góc. Họ đứng yên và lắng nghe. Không có âm thanh gì. Họ lấy gậy đánh vào các lùm bụi nhưng chẳng thấy tăm hơi gì. Nó đã trốn thoát được.
Một tên trộm rút dao ra đâm vào vai một trong những người truy đuổi. Người này ngã bật ra sau, dao còn dính trên vai. Trong lúc ẩu đả, tên trộm đó đứng bật dậy và nhảy thẳng xuống xoáy nước. Mọi người kinh ngạc khi thấy hắn vùng vẫy và qua được bờ bên kia.
Nyagar rút con dao ra khỏi vai Omoro và lấy tay ấn mạnh vào chỗ đó để cầm máu. Omoro run rẩy, lảo đảo rồi ngã vào người Nyagar. Các vệt máu chảy xuống hông anh ta, làm ướt cả hai mông.
Một tên trộm đang nằm trên cỏ rên rỉ. Do hai tên kia đã chạy thoát nên đám đông quyết dạy cho tên này một bài học. Họ đánh nhiều lần vào đầu và ngực gã. Gã rên rỉ và buông xuôi tay chân ra, như thể đang trút linh hồn.
“Ô, a”, Omoro kêu la. “Đừng để kẻ thù chết trong tay các ông. Linh hồn nó nếu thế sẽ quanh quẩn trong làng chúng ta. Hãy để nó trút tàn hơi khi chúng ta đã trở về nhà”. Đám đông nghe theo lời cảnh báo của Omoro. Họ bứt lá xanh của cây cối xung quanh và phủ kín lên nạn nhân. Sáng mai họ sẽ gọi cả thị tộc ra đem chôn gã trộm ven sông.
Những người đàn ông im lặng trở về nhà. Vai Omoro đã thôi không còn rỉ máu. Được hai người khác tự nguyện dìu đi, anh ta bước về nhà. Trời không sáng nhưng mắt mọi người đã quen với bóng tối. Họ đi qua cổng nhà Nyagar và thấy cổng vẫn còn hé mở.
“Mai nhớ dậy sớm”, một người nói với anh ta. “Chúng ta phải có mặt để ngăn đám đàn bà trước khi họ bắt đầu tràn ra sông”.
Nyagar đi vào nhà còn những người khác thì bước đi mà không ngoảnh đầu lại. Ngôi làng nằm im lặng. Phụ nữ có lẽ đã thức giấc nhưng không dám nói gì với các ông chồng. Họ nghĩ, dù cho có điều gì đã xảy ra, họ nên hỏi vào sáng mai. Thấy các ông chồng an toàn trở về, họ trở mình lại và ngủ.
Nyagar vào nhà lục tìm giỏ thuốc tây và thấy nó nằm trong góc nhà. Anh ta mở giỏ, lấy ra một chai thuốc làm bằng tre, mở nút chai và moi ra một ít bột. Anh ta đặt chúng lên lưỡi, dùng nước miếng nuốt đi và lấy một ít bột đó bỏ vào lòng bàn tay rồi quẳng về hướng cái cổng. Khi đặt cái chai vô lại giỏ, anh ta thấy an tâm. Anh ta ngồi ở cạnh giường và bắt đầu cởi quần áo nhưng lại đổi ý, cứ ngồi im lặng nhìn vào khoảng không. Cuối cùng anh ta quyết định đi một mình tới chỗ gã trộm vừa chết. Anh ta từ từ mở cửa, sau đó nhẹ nhàng đóng nó lại sau lưng mình. Không ai nghe được gì. Tại cánh cổng, anh ta không ngập ngừng mà âm thầm bước đi. “Mình đã đóng cổng lại chưa?”, anh ta tự hỏi và nhìn lại. Vâng, anh ta đã đóng lại hoặc là nó có vẻ đã được đóng lại.
Ngoài vài âm thanh quái gở thảng hoặc vang lên trong đêm thì đêm hoàn toàn yên tĩnh. Bình minh có lẽ đang đến. Có thể nhìn thấy ở phía đông những tia sáng vàng nhợt nhạt bắn lên từ cái chén úp là quả đất. “Hắn chắc có nhiều tiền trong túi”, Nyagar thì thào. Anh ta biết rằng bọn trộm gia súc sẽ bán gia súc ngay khi có thể. “Nhiều kẻ đã ngu xuẩn, không lục túi hắn”. Anh ta dừng lại và lắng nghe. Có ai tới nữa không? Không có. Anh ta chỉ nghe được tiếng bước chân mình vọng lại. “Hai thằng trộm đã chạy thoát có thể sẽ quay lại hiện trường”, anh ta hồi hộp nghĩ. “Không, không thể. Có ngu mới quanh quẩn đâu đây”. Đống lá xanh hiện ra trước mắt. Anh ta thấy ớn lạnh xương sống và nghĩ tim mình đã ngừng đập. Anh ta dừng lại nghe ngóng. Tim vẫn còn đập tốt. Chỉ là do hồi hộp mà thôi. Anh ta đi nhanh hơn, tiếng bước chân vọng lại làm anh ta lo lắng.
Khi Nyagar tiến tới hiện trường của vụ giết người, anh ta thấy là mọi thứ vẫn còn như lúc đầu. Anh ta đứng lưỡng lự một hồi lâu và nhìn khắp các hướng xem thử có ai đến không. Không có ai. Chỉ có mình anh ta và xác chết. Anh ta lại thấy hồi hộp. “Tại sao mày lại quấy rầy một cái xác chết?”, có giọng nói từ bên trong cật vấn anh ta. “Mày cần tiền để làm gì? Mày có ba vợ, hai mươi con. Mày có nhiều gia súc, có đủ lương thực. Mày còn cần gì nữa?”, giọng nói bên trong vẫn dai dẳng. Anh ta thấy hồi hộp hơn và định trở về nhưng có một sự thôi thúc bên trong mạnh hơn cả ý chí khích lệ anh ta tiếp tục.
“Ông đến đây chỉ vì một lí do và người ta đang nằm trước mặt ông. Ông chỉ cần thọc tay vào túi anh ta, tất cả tiền bạc sẽ là của ông. Đừng đánh lừa mình rằng ông đã giàu có. Không ai trên đời này giàu đủ cả”.
Nyagar cúi xuống dạt lá ra. Tay anh ta chạm vào cánh tay đang đặt trên ngực của tử thi. Cánh tay vẫn còn nóng. Anh ta lại thấy ớn lạnh và đứng dậy. “Thật lạ là khi người ta đã chết rồi mà vẫn còn ấm”, anh ta nghĩ. Tuy nhiên, anh ta xua đi ngay ý nghĩ đó. Có lẽ do anh ta quá hồi hộp và tưởng tượng nhiều. Anh ta lại cúi xuống và lật tử thi lên. Hắn có vẻ như đã chết. Anh ta nhanh tay lục lọi các túi. Anh ta thọc tay vào cái túi đầu tiên. Nó trống rỗng. Anh ta lục cái túi thứ hai, nó vẫn trống rỗng. Cảm xúc thất vọng chạy qua tim anh ta. Sau đó anh ta nhớ ra rằng, những kẻ buôn gia súc thường bỏ tiền vào một cái túi nhỏ, cột dây và đeo vào cổ. Anh ta quỳ xuống cạnh người chết và nhìn quanh cổ. Đúng vậy, có một cái túi nhỏ được đeo vào cổ. Anh ta mỉm cười đắc thắng. Do không có dao để cắt sợi dây nên anh ta quyết định tháo nó ra qua đầu kẻ chết. Khi Nyagar nhấc đầu hắn, có một cú đấm mạnh đấm vào mắt phải anh ta. Anh ta lảo đảo ra xa vài yard rồi té nằm bất tỉnh trên mặt đất.
Gã trộm đã tỉnh lại và còn rất yếu. Nhưng không thể để mất thì giờ, hắn gượng đứng dậy được sau lần cố gắng thứ hai. Thân thể hắn dính đầy máu nhưng đầu óc thì tỉnh táo. Hắn gom các lá xanh lại và phủ lên người Nyagar. Sau đó hắn đi ra cây cầu mà hắn đã không định hướng được trong lúc hỗn loạn. Hắn bước nhanh. Hồn hắn đã không lìa xác khi hắn nằm tại hiện trường. Bình minh đã đến. Hắn phải đi nhanh đến sông Migna đúng lúc để rửa sạch các vết máu khỏi quần áo.
Ngay trước bình minh, tộc trưởng Olielo đánh trống đám tang để đánh thức mọi người dậy. Chỉ trong vòng một giờ, một trăm đàn ông đã tụ tập lại dưới gốc cây opok, nơi những người có tuổi thường phán xét các vụ phạm tội. Tộc trưởng Olielo sau đó nói với đám đông.
“Nghe đây, các con. Một số trong các con đã biết vụ việc xảy ra trong thị tộc của chúng ta đêm qua. Trộm đã đột nhập vào chuồng của Omoro và lấy đi sáu con bò cày”.
“Ô”, đám đông kêu lên.
Olielo tiếp tục, “Kết quả là máu đã đổ và có một xác chết nằm ở kia”.
“Vậy sao?”, một người có tuổi hỏi.
“Vâng, đúng vậy”, Olielo đáp. “Giờ hãy nghe tôi nói đây. Mặc dù luật pháp cấm giết người bừa bãi nhưng đối với chúng ta, kẻ trộm cắp và ngoại tình là thú vật. Nếu ai đó giết chúng thì không phạm tội giết người. Anh ta sẽ được xem là kẻ đã bảo vệ cộng đồng khỏi tà ma và đến lượt mình, cộng đồng có trách nhiệm bảo vệ anh ta và con cái anh ta. Tất cả các con đều biết rằng, anh ta sẽ được thanh tẩy trước khi tái hòa nhập cộng đồng. Nhưng luật pháp của người da trắng thì khác. Theo luật của họ, nếu các con giết một người vì nó trộm súc vật của các con hoặc ngủ với vợ các con, thì các con sẽ bị coi là phạm tội sát nhân và bởi thế, các con cũng sẽ bị giết chết. Vì họ nghĩ luật của họ là tiến bộ hơn luật của chúng ta nên chúng ta phải biết cách điều khiển họ. Chúng ta có tổ tiên còn người da trắng thì không. Đó là lí do tại sao họ chôn kẻ chết ở cách xa nhà của họ. Đây là những gì chúng ta sẽ làm. Chúng ta sẽ cử ba mươi người đi tới gặp nhà chức trách da trắng để nói với họ là chúng ta đã giết chết tên trộm. Hãy nhớ lời tôi, các con. Mưu đồ của người da trắng là chia rẽ chúng ta. Nếu chúng ta đoàn kết lại thì không ai sẽ bị giết”.
“Tộc trưởng nói rất hay”, mọi người hô lên. Ba mươi người đàn ông đã được lựa chọn và họ đi ngay tới trại của người da trắng. Nhiều người khác, trong đó có cả phụ nữ, cũng gia nhập vào đám đông dân làng. Đám đông này đi dọc con sông nơi có xác kẻ trộm đã chết và bị phủ lá lại để đợi người da trắng đi tới. Nyamundhe đi tới chỗ vợ nhỏ của chồng mình. “Nyagar ở đâu? Chị chẳng thấy ảnh đâu cả”. Người phụ nữ kia nhòm vào đám đông, sau đó đáp: “Em nghĩ ảnh đã đi trong nhóm ba mươi. Ảnh rời nhà từ rất sớm. Sáng nay em dậy muộn nhưng thấy cổng mở. Ảnh đã rời làng trước đó”.

Minh họa: Lê Anh 

Nyamundhe nhớ lại là khi mọi người đi vào con đường nhỏ dẫn ra sông, chân họ bị ướt vì sương sớm. Cây cỏ ven con đường đó cúi rạp xuống như đang cầu nguyện để đón bình minh và vẫn còn nặng trĩu sương đêm. Chị muốn hỏi người phụ nữ là vợ nhỏ của chồng mình rằng chồng họ có thể đã đi đến đâu nhưng thấy cô ta bàng quan nên thôi.
“Chị không thích con mèo đen phóng qua trước mặt chúng ta khi chúng ta đi ra đây”, Nyamundhe nói với vợ nhỏ của chồng mình.
“Dạ, đó là điềm gở nếu vừa ra đường đã gặp mèo đen”.
Họ nghe có tiếng xe tải và ngước nhìn rồi thấy một đám bụi cùng hai xe tải chở cảnh sát đi đến. Hai chiếc xe dừng lại bên đống lá xanh. Một sĩ quan cảnh sát người châu Âu và bốn sĩ quan người châu Phi bước xuống. Họ mở cửa sau của một trong hai chiếc xe và ba mươi người được cử đến đồn cảnh sát bước ra.
“Ai là tộc trưởng?”, một sĩ quan da trắng hỏi.
Olielo đi tới.
“Nói cho tôi biết sự thật. Chuyện gì đã xảy ra? Tôi không tin lời nào từ nhóm người này. Ông đã phái họ đến để nói gì với tôi?”.
Olielo nói từ tốn, chậm rãi bằng tiếng Oholuo, phát âm từng chữ rõ ràng. Lời ông nói được một sĩ quan người châu Phi dịch.
“Tôi gởi họ đến để báo với các ông rằng chúng tôi đã giết một tên trộm tối hôm qua”.
“Cái gì? Các ông giết người à?”, viên sĩ quan da trắng tiến tới chỗ tộc trưởng Olielo. Một viên cảnh sát khác đi theo sau.
“Các ông giết người sao?”, viên sĩ quan hỏi lại.
“Không, chúng tôi giết một tên trộm”, tộc trưởng Olielo lập luận.
“Chúng tôi đã nói là phải từ bỏ tập tục giết người dã man này đi bao nhiêu lần rồi hả? Không ai là kẻ trộm cho đến khi họ bị xét xử bởi tòa án và bị kết tội. Các ông là những kẻ điếc”. Viên sĩ quan nhăn nhở chỉ gậy vào người tộc trưởng.
“Lần này tôi sẽ cho các ông biết việc tuân theo pháp luật là như thế nào. Ai đã giết nó?”, viên sĩ quan da trắng giận dữ hỏi.
“Tất cả chúng tôi”, tộc trưởng Olielo nói, tay chỉ vào đám đông.
“Đừng tỏ ra ngớ ngẩn! Ai đã đánh nó trước?”.
Đám đông bồn chồn, hăm he tiến về phía năm viên sĩ quan.
“Tất cả chúng tôi đã đánh nó”, đám đông la thét.
“Nếu các ông muốn bắt giữ chúng tôi, các ông có thể tự do bắt giữ. Hãy gởi thêm xe tải đến đây”.
“Người chết nằm ở đâu?”, viên sĩ quan da trắng hỏi Olielo.
“Kia”, tộc trưởng đáp, tay chỉ đống lá xanh.
Nhóm cảnh sát tiến tới chỗ đống lá. Đám đông cũng tiến tới. Họ muốn nhìn thấy kẻ trộm trước khi cảnh sát mang hắn đi.
Ở lần gần đây, khi có một người bị giết chết trong vùng, cảnh sát đã mang tử thi tới Kisumu, cắt nó ra thành từng mảnh, sau đó gắn lại rồi đưa trở về cho thị tộc và nói, “Người đàn ông của các ông đây, chôn đi”. Một số người tin rằng mật của kẻ chết đã được moi ra cho chó cảnh sát ăn, nhờ đó mà chúng có thể lần theo dấu vết, đến tận nhà một kẻ trộm. Nhiều người tin vào câu chuyện đó. Họ tin thi thể kẻ trộm nằm dưới đống lá sẽ lại bị cảnh sát mang đi.
Viên sĩ quan cảnh sát người châu Âu bảo các sĩ quan khác phủi lá đi. Họ ngập ngừng trong chốc lát rồi tuân lệnh. Tộc trưởng Olielo nhìn tử thi ngờ vực. Sau đó ông nhìn cảnh sát rồi nhìn mọi người. Tộc trưởng có bị sao không? Xác tên trộm ở đâu? Ông nhìn thi thể lần thứ hai. Ông không bị điên. Người nằm đó là Nyagar, em họ ông, bị một cây cọc gỗ nhọn khá lớn đâm vào mắt phải.
Nyamundhe rẽ đám đông chạy tới cái xác. Chị cúi xuống ôm chồng và cay đắng khóc. Sau đó, quay sang đám đông, chị la lên, “Tên trộm các người giết ở đâu? Nó ở đâu?”.
Căng thẳng gia tăng. Đám đông tản ra thành từng nhóm hai, ba người. Phụ nữ bắt đầu than khóc. Những người đàn ông đã đánh chết tên trộm đêm đó hoàn toàn ngờ vực nhìn nhau. Họ đã thấy Nyagar đi vào làng lúc họ di chuyển. Họ thề như thế. Sau đó, không che giấu khuôn mặt đang đẫm nước mắt, tộc trưởng Olielo khẩn khoản nói với mọi người, “Các con, quỷ đã tới chỗ chúng ta. Đừng để nó phá tan cộng đồng. Dù Nyagar đã chết nhưng linh hồn của nó vẫn còn ở lại với chúng ta”.
Nhưng Nyamundhe không chú tâm tới những lời an ủi của tộc trưởng cũng như không tin vào lời thề của nhiều người là họ đã thấy Nyagar đi vào làng sau sự việc kẻ trộm bị đánh chết. Chị vật lộn dữ dội với cảnh sát khi họ nhấc thi thể chồng chị lên để đặt vào thùng xe tải chở về Kisumu xét nghiệm tử thi. Một sĩ quan cảnh sát an ủi chị và hứa là cả cộng đồng sẽ được nhận lại xác của chồng chị ngay. Nhưng Nyamundhe lắc đầu. “Tôi chỉ nghe khi các ông đem chồng tôi còn sống trở về”.
Nyamundhe xé rách áo mình, tuột nó xuống tới tận eo. Chị bước chậm chạp phía sau dân làng, hai tay giơ qua đầu, khóc và hát.
“Người tình của tôi là con trai của OChieng và Omolo,
Mưa rơi,
Vâng, mưa đang rơi,
Đêm sẽ mờ tối,
Sẽ lạnh dài.
Ôi, con rể của mẹ tôi,
Tôi không còn lòng dạ nào mà tha thứ,
Tôi không còn lòng dạ nào mà thứ tha.
Đám đông đã lừa mị tôi,
Vâng, họ đã lọc lừa,
Nhưng khi mặt trời đã lặn, đêm đã xuống, họ lại bỏ tôi mà đi.
Trong đêm giá lạnh,
Người đàn bà ôm chồng,
Nhưng tôi có còn chồng đâu!
Không còn ai,
Không có người đàn bà nào cho tôi mượn chồng một đêm.
Ô, người tình của tôi, con trai của OChieng,
Con rể của mẹ tôi”

Trần Ngọc Hồ Trường
dịch từ African Short Stories, Heinemann, 1987