Thứ Sáu, 30/09/2022 00:33

Như một sự trở về với niềm hạnh phúc giản đơn sảng khoái của tuổi nhỏ

Tôi đã sống trong môi trường văn chương rất lâu, ở nhà thức ăn có thể thiếu nhưng sách truyện dồi dào, từ cấp hai đã học chuyên văn... (NGUYỄN HOÀNG DIỆU THỦY)

. NGUYỄN HOÀNG DIỆU THỦY
 

Không thể tưởng tượng được có một ngày tôi lại cầm bút viết văn!

Tôi đã sống trong môi trường văn chương rất lâu, ở nhà thức ăn có thể thiếu nhưng sách truyện dồi dào, từ cấp hai đã học chuyên văn, xong cấp ba lại khoa văn mà thẳng tiến. Sau này tôi làm việc cho một trung tâm văn hóa, suốt ngày gặp gỡ các nhà thơ nhà văn, tổ chức các tọa đàm văn chương và làm các bài phỏng vấn, tường thuật đăng báo. Mười năm nay thì tôi là biên tập viên tại một công ti xuất bản lớn, trực tiếp làm việc trên các bản thảo văn chương và gặp gỡ trao đổi với các tác giả. Sau hết, tôi vẫn là một người đọc bền bỉ của văn chương.

Tác phẩm Đu đưa trên ngọn cây bàng - Giải thưởng Dế Mèn, lần 3, năm 2022

Nhưng tuyệt nhiên tôi không bao giờ có ý định viết văn. Không một chút cảm hứng nào. Tôi chia sẻ với những dằn vặt day dứt cuồng nộ của các nhà văn trên trang viết, ở tư cách một người đọc, một biên tập viên, là hết. Trong cảm giác của tôi, danh từ nhà văn là một cái gì đấy rất “sến”, rất “gợi đòn” mà tôi nhất định phải tránh xa!

Đùng một cái, năm Covid thứ nhất (2020) tôi ra mắt cuốn sách thứ nhất, tập tạp bút Trong vòng tay mẹ. Năm Covid thứ hai (2021), tôi viết xong cuốn truyện dài có tên Đu đưa trên ngọn cây bàng. Nếu vũ trụ muốn gửi một tín hiệu bảo rằng tôi hãy viết đi, thì phải nói cái tín hiệu dưới dạng virus này quá khủng khiếp. Dù gì, mỗi cuốn sách đến với tôi đều như một vụ nổ làm ngạc nhiên cả chính tôi. Đã thế, Đu đưa trên ngọn cây bàng còn vừa giật giải Khát vọng Dế Mèn dịp 1/6/2022, một giải thưởng văn học thiếu nhi khá có tiếng những năm gần đây.

Bệnh viết có thể lây. Lời nguyền “ai rồi cũng sẽ trở thành chính người mình từng ghét” chắc là có thật. Thay vì gọi tôi là “chị biên” (tức một chị làm nghề biên tập, danh xưng hài hước trên mạng của tôi), mọi người bắt đầu gọi tôi là “nhà văn”, nhưng tôi luôn nhắc họ phải nói đầy đủ là “nhà văn trẻ”. Thú vị ghê khi là một “tác giả trẻ” ở độ tứ tuần. Tôi lập tức nhớ đến Astrid Lingren có Pippi tất dài ở tuổi băm tám, còn Toni Morison bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tay The Bluest Eye (Mắt biếc) vào lúc băm chín cái xuân xanh!

Nhưng tại sao lại là những cuốn sách viết cho thiếu nhi và thiếu niên? Sao không viết một cái gì đó cho người lớn? Ban đầu tôi không nghĩ gì nhiều, tôi có một câu chuyện và tôi muốn kể nó ra, thế thôi. Nhưng ngẫm lại thì thấy, có lẽ là vì tôi đã đủ với văn chương của người lớn. Những năm qua đọc và biên tập những day dứt bản ngã, những tình ái nồng nàn, những bạo lực kinh khiếp, những đam mê tăm tối, những kiếm tìm huyền hoặc... tôi mệt rồi. Tôi cần một cái gì đó sảng khoái, thẳng băng, rạng rỡ, sức sống của tuổi non xanh.

Đu đưa trên ngọn cây bàng có một khởi sự rất tức cười. Năm 2021 thấy một tờ báo lớn mở cuộc thi viết về ngày tết yêu thương, tôi nổi hứng biên một bài li kì hồi hộp kể chuyện cái tết thuở xưa của mình và gửi đi. Ngày qua ngày báo đăng dần những bài nổi bật. Quái lạ, không thấy bài của mình, mà rõ là nó hay thế cơ mà?! Chung cuộc một cụ bà chín mươi giật giải, tôi mới hiểu ra là mình đã gửi bài nhầm vào một cuộc thi có những tiêu chí khác. Tiếc bài đã viết chẳng để làm gì ngoài một cuộc đăng facebook ngắn chẳng tày gang, đã vậy thì phải viết hẳn thành một cuốn sách cho bõ ghét! Tôi phác qua vài nhân vật chính, những bối cảnh, tình tiết hay ho, và bắt đầu viết từng mảnh ghép rời rạc đặt dần vào một mạch chính. Vù một cái, hai nghìn chữ trở thành năm mươi nghìn chữ.

Cuốn truyện lấy bối cảnh những năm 1990 khi cuộc sống vừa thoát bao cấp, người lớn vật lộn mưu sinh và lũ trẻ loay hoay lớn lên. Tham vọng của tôi là có thể khắc họa một bối cảnh mang những dấu ấn lịch sử nhất định, bởi tôi muốn cuốn sách không chỉ dành cho trẻ con mà người lớn cũng tìm thấy mình trong đó. Thiên nhiên cũng là một yếu tố quan trọng, nơi chắp cánh cho những cảm xúc phơi phới chan hòa, bởi thế tôi đã đưa câu chuyện vào một vùng trung du rộng lớn thênh thang, với đồng ruộng, con suối, những ngọn đồi và đặc biệt là những đồi chè trập trùng bát ngát xanh đến tận chân trời. Nhân vật chính là cô bé Thủy 11 tuổi, nghịch ngợm, láu lỉnh, lãng mạn, thông minh; khao khát lớn nhất của cô bé là được ăn nguyên một-mình-một-con-gà-luộc; và một trong những trò cô bé thích nhất là trèo lên Đu đưa trên ngọn cây bàng trước sân nhà. Gia đình cô bé sống ở một xóm ngay bên đường cái. Bố mẹ cô bé là giáo viên, nhưng mở một hiệu may để kiếm thêm thu nhập, hiệu có chiếc gương soi toàn thân mà cả xóm sang soi nhờ khiến cô bé rất tự hào. Mẹ là người nghiêm nghị, chỉn chu, bố thì nghệ sĩ. Mẹ rất hay kêu ca bố bị “trừu tượng”, không thực tế, hình như mẹ nói đúng, cứ xem cách bố dạy triết cho cô bé Thủy, hoặc bố buôn xe máy thì biết… Ở trên lớp, cô bé Thủy học giỏi nhưng mãi vẫn không thể toàn diện như đứa lớp trưởng, vì mải chơi. Lên ngọn cây bàng đu đưa là quên luôn cả Quang Trung Nguyễn Huệ, sang nhà bạn học nhóm cứ bày trò cười suốt, ở nhà thì mê mải vẽ vời và làm thủ công nên bao nhiêu lần làm cháy nồi cơm. Đã thế còn vướng vào… yêu đương nữa chứ! Cô bé có ba người bạn thân là Lệ Dung, Linh và Kiên. Lệ Dung thì vô cùng hiểu và bảo vệ cô bé Thủy, Linh là bạn con chấy cắn đôi cùng xóm, còn Kiên là một “anh hùng ướt sũng”. Cùng nhau, họ đã làm những “sự vụ” lớn nhỏ, hồi hộp, hài hước mà cảm động.

Lễ trao Giải thưởng Dế Mèn, lần 3, năm 2022

Trong quan sát của tôi, thế giới trẻ con rất động. Chẳng phải chúng ta vẫn nhìn thấy lũ trẻ động đậy lắc lư suốt ngày và lắc đầu tự hỏi tại sao chúng không biết mệt. Tôi đã cố gắng đem vào cuốn sách tất cả những náo nhiệt, sinh động, linh hoạt, bát nháo của tuổi thơ. Tôi cũng yêu thích sự hài hước và muốn câu chuyện vang tiếng cười giòn giã. Nhưng sẽ có những khoảng lặng, như cuộc sống vốn thế, lũ trẻ cũng sẽ phải trải qua rất nhiều nỗi buồn, những hoang mang, khắc khoải để mà lớn lên. Trên hành trình đó, tình yêu thương là thứ nâng đỡ tất cả.

Cuốn sách cũng cho chính bản thân tôi chiêm nghiệm lại thế nào là hạnh phúc. Bây giờ lũ trẻ ăn ngon hơn mặc đẹp hơn và ở trong những ngôi nhà rộng rãi sáng trưng, vì thế mà niềm hạnh phúc có một chiếc áo mới của chúng cũng nhạt hơn, chúng cũng không giàu có thiên nhiên như thế hệ trước đã từng. Nhưng dù ở thời nào thì với trẻ con, hạnh phúc là được sống cuộc đời của chúng thay vì sống cuộc đời của bố mẹ, là được tự do, được để yên. Và dù ở thời nào thì niềm hạnh phúc của trẻ con cũng giản đơn sảng khoái khiến những người trưởng thành như chúng ta phải thèm khát, mà Nguyễn Nhật Ánh đã diễn đạt rất hay khao khát ấy bằng câu “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Đoạn văn tâm đắc này của tôi trong Đu đưa trên ngọn cây bàng diễn tả một trạng thái tuyệt vời như thế:

“Ngày hôm nay thật đẹp. Mới sáng mở cửa đã thấy nắng lên trong veo. Không phải cái cháy gắt của nắng hè, cái vàng rực của nắng thu, hay cái nhợt nhạt của nắng đông, mà là thứ nắng xuân thật trong, vàng tươi nhè nhẹ và ngả chút xanh non, hệt như màu viên kẹo chanh thỉnh thoảng tôi được ăn.

Sau khi chén bát xôi lạc mẹ nấu, tôi ngồi vẽ vời trên cái bàn trông ra phía cửa lùa nơi mẹ đang ngồi đạp máy khâu. Bỗng đâu một đàn bướm trắng rất đông dập dờn bay đến trên những khóm cúc dại ngay trước cửa nhà tôi. Đẹp quá. Tôi chưa kịp chạy ra ngắm thì một đàn bướm nữa tràn tới, rồi một đàn nữa.

Tôi bỏ tờ giấy vẽ chạy ào ra ngoài đường. Không hiểu là ngày gì mà bướm bay la đà khắp nơi, chỉ toàn bướm trắng. Những đôi cánh phấp phới như lóa lên dưới nắng. Gió vẫn đẩy đưa nhẹ nhàng mát rượi trên má tôi, trong tóc tôi. Tôi đi theo con đường mọi khi đến trường, với hai bên bờ cỏ xanh mướt điểm những bông hoa tím hoa vàng bé xíu, lũ bướm vẫn lấp lánh la đà. Phấn khích quá, tôi chạy ào ra con đường ruộng lớn hai bên đầy hoa cúc dại, những cánh trắng phấp phới xung quanh tôi, phía trước, phía sau và tít cả đằng xa. Tôi có cảm giác như mình đang ở trong một không gian cổ tích. Người tôi nhẹ bẫng như sắp bay lên.

Không có đứa nào chạy theo lũ bướm giống tôi. Tôi có bị dở hơi không? Tôi có mắc bệnh “trừu tượng” không? Tôi không biết, nhưng lúc này dù chỉ có một mình, lòng tôi ngập tràn hạnh phúc.

Tôi ngồi xuống bờ ruộng, chống tay ngửa mặt nhìn trời xanh. Những cánh bướm như đang rắc kim tuyến xung quanh tôi.”

Hóa ra, trải nghiệm là một người viết không tệ và sến như tôi tưởng, chí ít là đến giờ. Cảm giác làm sống lại đứa trẻ trong mình thật thú vị, tôi phát hiện ra nó vẫn ở đó chờ dịp cất tiếng từ lâu. Cô bé Thủy dĩ nhiên phần nào mang hình bóng của tôi, nhưng không phải là tôi tất cả. (Cô họa sĩ của cuốn sách đã rất thiện chí hỏi một câu khiến tôi phì cười: Chị ơi, hình bìa em vẽ chị đu đưa trên ngọn cây bàng nhé?) Cuốn sách đã được viết với cả nụ cười và những giọt nước mắt của tôi. Lần đầu tiên tôi cảm thấy đồng cảm đến vậy với những người viết ở góc độ một người viết. Tôi thấy mình rộng mở hơn trong tâm hồn, tôi thấy mình mới mẻ lạ lẫm.

Chuyện nhận giải thưởng Dế Mèn cũng làm tôi cảm thấy biết ơn. Sự ghi nhận của giải thưởng và sự biết đến của công chúng đều khiến cho tuổi đời cuốn sách dài rộng thêm. Là một biên tập viên sách lâu năm, là mẹ của hai đứa con nhỏ, tôi cũng quan sát được ít nhiều bức tranh văn học cho thiếu nhi ở trong nước. Hiện tại sách dịch vẫn chiếm thế áp đảo, sách các tác giả trong nước viết cho thiếu nhi và viết hay không nhiều, đặc biệt các hoạt động khuyến khích viết cho thiếu nhi cũng thưa thớt. Vì thế ngoài giải thưởng văn học thiếu nhi đã khá cố định của Hội Nhà văn Việt Nam, nay có thêm giải thưởng Dế Mèn của Báo Thể thao & Văn hóa thực sự là tuyệt vời. Là một cơ quan truyền thông chuyên nghiệp, Thể thao & Văn hóa đã làm cho hoạt động này dù chỉ mới ba năm nay đã ghi được dấu ấn trong đời sống văn chương. Tôi cũng rất thích cái tên của giải thưởng - Dế Mèn, lấy theo cuốn sách nổi tiếng với mọi thế hệ Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài, bởi nó vui nhộn, thơ mộng và dạt dào cảm xúc tuổi hồn nhiên. Với ai thì không biết, nhưng với tôi chú Dế Mèn thực sự đã cho tôi nhiều cảm hứng để viết tiếp…

Thế là, trời ơi, tôi bắt đầu nghĩ đến cuốn sách thứ ba! Không còn ngẫu hứng, mà là một ý thức nghiêm chỉnh. Cho dù cuốn sách có thành hình hay không và trở thành gì, ý thức này thực sự đã ở đây.

N.H.D.T