Thứ Tư, 25/08/2021 00:52

Nhiều hoạt động kỉ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Kỉ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021), nhiều hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa hướng về sự kiện này đã được tổ chức trong cả nước.

Kỉ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), nhiều hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa hướng về sự kiện này đã được tổ chức trong cả nước.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam”. Hai điểm cầu chính tại Hà Nội (Hội trường Bộ Quốc phòng) và tại Quảng Bình (Hội trường Tỉnh ủy) và 13 điểm cầu tại các quân khu, Quân chủng Hải quân, Học viện Lục quân, Trường Sĩ quan Lục quân 2. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia kỉ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là dịp để khẳng định, làm rõ thêm những đóng góp và cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cách mạng Việt Nam, đồng thời tri ân, tôn vinh công lao, đạo đức, phẩm chất, nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, góp phần vào công tác giáo dục truyền thống, xây dựng và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kì mới. Cũng trong dịp này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Ban tổ chức hội thảo xuất bản cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam” tập hợp trên 100 bài viết tham dự hội thảo, sách được chuẩn bị và in ấn một cách công phu, nghiêm túc, trang trọng.

Cuốn sách tập hợp các tham luận trong Hội thảo cấp Quốc gia về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: PV

Cũng trong dịp này, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng bộ phim tài liệu nhiều tập “Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp”, kịch bản và đạo diễn Nguyễn Tuấn Anh – Đặng Tài Linh; Dương Thanh Hiếu. Tập 1 có tên “Từ nhân mà ra”, trong phần lời bình đã nếu rõ “Trong tất cả những nước ngoặt lịch sử của của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một trong những nhân vật lịch sử đứng ở vị trí hàng đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Ở tập hai có tên “Đường tới Điện Biên Phủ”, Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho biết: “Nhắc đến Điên Phủ không thể không nhắc đến cái tên Võ Nguyên Giáp. Cụm từ Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp gắn chặt làm một. Thời thế tạo ra anh hùng, nhưng anh hùng lại góp phần tạo nên thời thế. Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ là một trường hợp như vậy”. Tập 3 có tên “Vị tướng trong lòng dân” ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về chiến tranh du kích, tiếp tục dẫn dắt dân tộc kháng chiến chống Mĩ đi đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông đã sống mãi trong lòng nhân dân, với một tượng đài vững chắc nhất là tượng đài trong lòng nhân dân.

Bộ phim khá kiệm lời bình, chủ yếu là ý kiến của các nhân chứng, những người dân và người thân của Đại tướng. Giọng thể hiện lời bình quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt, phát thanh viên Kim Tiến.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Công an nhân dân, Thư viện Quân đội và gia đình Đại tướng tổ chức khai mạc Triển lãm chuyên đề “Vị tướng huyền thoại”, khai mạc từ 20/8/2021 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự. Triển lãm với 4 chủ đề giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại, Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng của nhân dân Việt Nam. 4 chủ đề mang tên Bên dòng Kiến Giang; Đường đến cách mạng; Đại tướng huyền thoại; Vị tướng của nhân dân với hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu đã cho thấy cuộc đời bình dị và những cống hiến lớn lao của Đại tướng, những quyết sách, tài thao lược trong dụng binh, ứng phó với những tình huống quyết định trong chiến tranh, trong những bước đường chiến thắng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Triển lãm "Vị tướng huyền thoại". Ảnh: TTXVN

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cũng đã tổ chức triển lãm ảnh chủ đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ATK (An toàn khu) Thái Nguyên”. Chỉ khác là triển lãm này được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối và lan tỏa tới 9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh cùng bảo tàng một số tỉnh như Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Giang, Điện Biên và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Triển lãm cũng được đăng tải trên các trang thông tin điện tử, trang fanpage cùng các mạng xã hội khác.

Với trên 110 ảnh và gần 500 tài liệu, hiện vật, sách, báo, tạp chí, ấn phẩm, triển lãm đã giới thiệu tới công chúng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người chiến sĩ cách mạng kiên trung; vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nội dung triển lãm được chia thành 3 phần gồm: Một số hình ảnh hoạt động của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Thái Nguyên; hình ảnh hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại ATK Thái Nguyên; Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa Điện Biên Phủ lần cuối trước khi quân ta nổ súng tấn công. Ảnh tư liệu của TTXVN.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng tổ chức triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại”. Triển lãm tại website trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn sẽ giới thiệu 200 tài liệu, hình ảnh gồm ba chủ đề: Từ nhân dân mà ra, Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Di sản của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm nổi bật dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà và Hầm D67, di tích cách mạng gắn với hoạt động của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong kháng chiến chống Mĩ, từ năm 1968 - 1975, tại Hoàng thành Thăng Long. Trong giai đoạn này, trên cơ sở sự chỉ đạo của Đảng, Bộ Chính trị, với cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên theo dõi những thay đổi, diễn biến của chiến trường miền Nam và đưa ra những chỉ đạo, mệnh lệnh góp phần làm nên những chiến thắng thay đổi cục diện chiến trường, đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại Quảng Bình, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng trong dịp này đã diễn ra chương trình triển lãm trưng bày, giới thiệu 110 bức ảnh, tư liệu quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Chương trình tập trung thể hiện 2 phần, phần 1 mang tên Những dấu ấn về cuộc đời và hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1944 - 1975 sẽ giới thiệu những bức ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng từ khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước; phần 2 được chia làm 2 nội dung: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Quảng Bình và Quảng Bình đối với Đại tướng, tập trung những hình ảnh theo chủ đề từ năm 1962 - 2013 kể câu chuyện sau hơn 30 năm hoạt động cách mạng, lần đầu tiên Đại tướng về thăm quê hương Quảng Bình đến những dấu ấn, kỉ niệm của Đảng bộ, Nhân dân Quảng Bình trong những chuyến ra thăm Đại tướng tại Hà Nội. Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Bình cũng trưng bày trên 400 đầu sách liên quan đến cuộc đời, hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa được khánh thành tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Báo Sơn La

Trước đó, tại Sơn La, công trình tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt (huyện Phù Yên) - hạng mục Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 5/2021. Dự kiến đến đầu tháng 9/2021 sẽ hoàn thành giai đoạn 2.

Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đầu tư xây dựng với tổng diện tích là 10,7 héc ta trong khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt có diện tích trên 300 héc ta. Đây là địa điểm dừng chân, đóng quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đoàn quân giải phóng trong đợt hành quân từ huyện Nghĩa Lộ (Yên Bái) sang tỉnh Điện Biên để lên Điện Biên thực hiện thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc. Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một bộ phận chỉ huy lên đường đi Tây Bắc theo đường 13. Đoàn đi đến bến Bình Ca, qua đèo Khế, sang đất Phù Yên, đã nghỉ chân tại rừng đèo bản Nhọt, máy bay địch ném bom rất dữ dội gần nơi đóng quân. Khu rừng nguyên sinh đèo bản Nhọt nằm ở trên cao ngút ngàn có một vị trí chiến lược quan trọng trên đường số 13, là mái che an toàn Đại tướng và các đồng chí chỉ huy đi chiến dịch Điện Biên Phủ.

Để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người dân đã đặt nơi đây là “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, hiện là di tích lịch sử cấp tỉnh của Sơn La. Năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã thống nhất chủ trương giao huyện Phù Yên xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt từ nguồn vốn xã hội hóa.

P.V