Chủ Nhật, 06/04/2025 09:58

Tình thương và khả năng hòa giải

Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm nhìn từ đạo đức của sự chăm sóc

Viết những lời giới thiệu cho cuốn Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, một trong những điểm được Vương Trí Nhàn đặc biệt nhấn mạnh khi đọc cuốn sách này là một đạo đức làm người...

. Nhà phê bình ĐẶNG THỊ THÁI HÀ

1. Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm và sức mạnh hoà giải

Viết những lời giới thiệu cho cuốn Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, một trong những điểm được Vương Trí Nhàn đặc biệt nhấn mạnh khi đọc cuốn sách này là một đạo đức làm người, một sức mạnh lớn lao của tình yêu thương và khát vọng hoà bình dẫu đang ở giữa tình thế dữ dội của hai bờ binh lửa: “Ngay từ lúc ấy, trong vai trò một chiến sĩ, Thuỳ Trâm đã tự chứng tỏ mình mình còn là một con người với nghĩa rộng rãi nhất của từ này. Một mặt, chị có ý thức về bổn phận. Chị yêu thương mọi người. Chị đau nỗi đau của mỗi bệnh nhân đến với mình. Chị muốn trở thành một người tốt. Những cách nói mà với một số bạn trẻ ngày nay tưởng như là công thức (chẳng hạn trái tim đập cùng một nhịp với nhân dân đất nước, chẳng hạn niềm yêu thương vô hạn độ) chính là những lẽ sống đã được Thuỳ Trâm tự nguyện chấp nhận.”[1] Và có lẽ chính vì hướng đến một đạo đức chung mang tầm nhân loại, cuốn nhật kí của Đặng Thuỳ Trâm có một sức lay động lớn, vượt lên trên những đường phân giới nhị nguyên ta/ địch, chúng ta/ kẻ khác vốn gắn chặt với chiến tranh; để cuối cùng, chinh phục những con người đã từng ở phía bên kia chiến tuyến. Ở đây xin được nhắc lại tâm tư và cảm nhận của hai anh em trai Frederic Whitehurst và Robert Whitehurst trước cuốn nhật kí này. Cả hai từng có mặt ở Việt Nam giữa lúc cuộc chiến tranh với Mĩ đang trong cơn khốc liệt và tàn phá kinh hoàng con người và đất nước này. Là một sĩ quan quân báo Mĩ tham chiến ở chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi từ năm 1969-1971, Frederic giữ nhiệm vụ thu thập các thông tin, tài liệu có giá trị quân sự để phân tích tình hình, truy tìm dấu tích quân giải phóng, và hoạch định chiến lược cho các cuộc tập kích hay càn quét. Chính vì làm công việc này, Frederic đã gặp gỡ được với hai cuốn nhật kí viết tay của Đặng Thuỳ Trâm. Nhưng lí do nào đã khiến ông giữ hai tập giấy viết tay ấy suốt bao nhiêu năm, kể cả khi đã quay trở về nước Mĩ, và không ngừng kiếm tìm gia đình của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm để trao trả lại? Theo như chính bức thư Frederic gửi gia đình Đặng Thuỳ Trâm, khi còn dự phần vào chiến tranh Việt Nam trong tư cách một sĩ quan quân báo Mĩ, ông đã phải tận mắt chứng kiến những hình ảnh kinh hoàng và phi nhân tính nhất: từ cảnh những xóm làng Việt Nam bị bom dội tan hoang không một người sống sót, đến cảnh những em nhỏ Chu Lai bị thiêu sống dưới những loạt bom napalm, hay cảnh những nhân viên y tế Mĩ quáng quàng nhặt bừa bất cứ một bộ phận rời rạc nào của cơ thể trên chiến trường để cho vào các quan tài gửi xác lính Mĩ về nước…[2] Tất cả những hiện thực thảm khốc ấy về sự huỷ diệt và tội ác của chiến tranh đã khiến tất cả những lý tưởng tham chiến ban đầu vụn vỡ trong Frederic. “Vầng hào quang của chiến tranh” từng thúc đẩy một thanh niên Mĩ như ông đầu quân tới tham chiến ở Việt Nam không còn, nhưng cũng chính trong tình thế này, sự quý giá của cuốn nhật kí càng trở nên nổi bật hơn, như một ánh sáng cứu vớt niềm tin vào nhân tính, vào những gì đẹp đẽ hay tình thương còn sót lại trong chính con người, dẫu giữa hoàn cảnh tàn khốc và cùng cực nhất. Có lẽ đó chính là lí do vì sao Frederic chia sẻ rằng, khi đọc những dòng nhật kí ấy cùng thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu và sau này là cùng chính gia đình mình, ông đã nhận được “bài học” mà “Thuỳ Trâm đã dạy chúng ta”.[3]

Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm.

Bởi cái đáng sợ hơn cả của chiến tranh, nói như Susan Sontag, là song song với việc nó bày ra trước mặt con người bộ mặt khủng khiếp nhất của sự bạo tàn, nó còn liên tục buộc chúng ta phải chấp nhận nó, thậm chí, coi những thứ đáng sợ hãi và kinh hoàng ấy là bình thường, là một thứ “logic” của chiến tranh: “Chúng ta không thể tưởng tượng nổi chiến tranh đáng sợ thế nào, kinh hãi thế nào và nó đã trở nên bình thường thế nào. Không hiểu nổi, không tưởng tượng nổi. Đó là những gì mà mỗi người lính, mỗi nhà báo, mỗi nhân viên cứu trợ, và mỗi người quan sát độc lập, những người đã trải qua thời gian dưới làn đạn và may mắn thoát khỏi cái chết giáng xuống người bên cạnh, cảm thấy một cách dai dẳng. Và họ đúng.”[4] Để rồi, chính trong bối cảnh của sự bình thường hoá tất cả những bạo lực và bạo tàn ấy, cuốn nhật kí của Đặng Thuỳ Trâm, với sức mạnh của tình yêu thương, là một sự kháng cự, một tiếng nói kiên quyết không chấp nhận việc coi những hành động và cảnh tượng phi nhân tính ấy là bình thường. Đáng nói hơn, giữa sự phi nhân tính ấy, cuốn nhật kí của Đặng Thuỳ Trâm cất lên tiếng nói của tình yêu thương, của những gì đẹp đẽ trong sáng nhất nơi con người; và điều đó đã khiến Robert Whitehurst - cũng là một cựu binh ở chiến trường Việt Nam, phải nhận định rằng: “Không chỉ là một anh hùng của riêng ai, nghĩa là mặc dù những kí ức của chị rất quý giá đối với cô cũng như đối với chúng tôi, nhưng sự nghiệp của chị còn rất có ý nghĩa với tất cả mọi người. Những dòng chữ của chị có một sức kêu gọi tuyệt vời. Mặc dù chị ở bên kia chiến tuyến trong cuộc chiến tranh giữa chúng ta, nhưng ngay từ đầu những năm 1970, Fred và tôi đã cảm thấy chị vô cùng đáng ngưỡng mộ, đáng tôn kính và là một người tốt. Hi vọng sau khi đọc những dòng chữ viết từ quá khứ ấy, cô sẽ đồng ý với chúng tôi... rằng theo một nghĩa nào đó chị là của riêng gia đình cô, nhưng theo một nghĩa rất quan trọng chị là của tất cả chúng ta.”[5]

Vậy điều gì đã khiến cuốn nhật kí của Đặng Thuỳ Trâm có một sức mạnh lớn lao đến thế, điều gì đã khiến những gì cô viết ra có sức lay động chính những “kẻ thù” ở phía bên kia chiến tuyến (không phải tới tận sau khi chiến tranh kết thúc mà ngay cả trong thời điểm khi cuộc chiến giữa hai bên vẫn còn dữ dội)? Điều gì đã khiến Frederic, sau khi biết được nội dung các trang viết, đã nhất định phải gìn giữ từng trang nhật kí suốt ba mươi lăm năm và khiến một cựu chiến binh như Robert bao năm sau, khi nhắc về cuốn nhật kí, vẫn còn không nguôi niềm xúc động? Không phải lòng căm thù, không phải nỗi bi quan oán hận; mà hơn cả, sức mạnh và nhân tính tỏa ra từ tình yêu thương mới chính là điều làm nên giá trị mang tầm nhân loại ấy cho tác phẩm. Khả năng hòa giải lớn lao của Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm cũng nằm ở đó, đặc biệt là khi nó phá vỡ những hình dung đầy định kiến của “phía bên kia” về “bên này”, của “kẻ khác” về “chúng ta”, và thậm chí, của thế giới về Việt Nam. Hay nói như Vương Trí Nhàn, những dòng nhật kí ấy cho người đọc một hình dung khác vượt ra bên ngoài hình ảnh một “Việt Nam chiến tranh”, để chạm tới một Việt Nam văn hoá[6], và hơn cả: một Việt Nam của tình yêu thương.

2. Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm và đạo đức của sự chăm sóc

Ở phần này, bài viết xin được bắt đầu từ những dẫn luận sơ lược về “đạo đức của sự chăm sóc” như một khuynh hướng suy tư trong triết học và lí thuyết phê bình đương đại. Từ đó, bắt nối vào vẻ đẹp của tình thương, của sự chăm sóc tận tụy được thể hiện trong cuốn nhật kí của Đặng Thuỳ Trâm. Với nhiều triết gia và nhiều nhà lí luận đương đại, chưa bao giờ như bây giờ, khi con người đang rơi vào giữa bối cảnh của những cuộc khủng hoảng ngày một khốc liệt hơn trên toàn thế giới (từ khủng hoảng môi trường, khủng hoảng giá trị sống, đến những cuộc chiến tranh không hồi kết hiện thời), tình yêu thương và sự chăm sóc lại càng cần được tôn vinh hơn bao giờ hết. Bởi nếu hận thù và sự phân biệt mang theo nó quyền lực huỷ diệt, thì tình thương và sự chăm sóc mới là cái nôi nâng đỡ và đảm bảo cho cuộc sống của toàn nhân loại. Từ góc nhìn này, có thể thấy, Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, cùng năng lực lớn lao của sự hoà giải như vừa phân tích trên đây, chính là minh chứng sống động cho cái được Joan Tronto gọi là “đạo đức của sự chăm sóc”[7].

Lớn lên giữa bối cảnh Hoa Kì đang tiến hành những cuộc chiến tranh ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Tronto chia sẻ rằng bà, cùng với những nhà tư tưởng cùng thời với bà, đã manh nha một sự đổi mới trong tư duy về thế giới: “cần phải có một sự thay đổi trong tầm nhìn của chúng ta để chúng ta có thể nhìn thế giới theo một cách khác”. Nói khác đi, điều bà muốn khước từ là một cái nhìn thế giới chỉ vin vào những đường biên, những phân chia cách ngăn và thù địch, để có một cách nhìn khác, nơi của những “sự quan tâm hàng ngày con người dành cho nhau”, bởi đó mới là “tiền đề quý giá cho sự tồn tại của con người”[8]. Bị ám ảnh bởi đường ranh giới, Tronto nói, chỉ khiến chúng ta sống trong những kiểu tư duy của sự bao gộp hoặc loại trừ, và từ đó, khoét sâu thêm những hố thẳm của sự phân cách. Vậy đâu sẽ là giải pháp đem lại hi vọng hơn cho sự tồn tại của chúng ta. Câu trả lời Tronto đưa ra rất đơn giản: “Lí lẽ của chúng ta về đời sống đạo đức phải đem lại cho chúng ta cách tôn trọng và đối xử công bằng với người khác. Và để làm được như vậy, chúng ta phải tôn vinh những điều mà hầu hết tất cả mọi người đều dành cả đời để làm, đó là chăm sóc chính mình, chăm sóc cho người khác và cho thế giới.” Sự chăm sóc, như thế, không phải là một điều hoàn toàn mới mẻ xa lạ gì, nhưng điều đáng nói là, nếu như hành động chăm sóc thường xuyên bị gạt ra phía bên lề (ví như được đặt ở phía “hậu phương”, “hậu cần” trong các tự sự chiến tranh chỉ ca ngợi người anh hùng tham gia chiến đấu trực tiếp trên chiến trường), Tronto đòi hỏi phải kéo nó vào “trung tâm của thế giới”, của truyện kể và của mọi xem xét đạo đức. Và có thể nói, với cuốn nhật kí của mình, Đặng Thuỳ Trâm đã thực sự làm điều ấy: đặt tình thương và sự chăm sóc vào trung tâm của mạch tự sự. Mọi diễn giải, mọi tình tiết, mọi miêu tả đều xoay quanh trung tâm ấy. Và cũng bằng những dòng nhật kí - một thể loại vốn bị coi là ngoại biên, thậm chí được xếp vào hàng cận-văn học, Đặng Thuỳ Trâm đã đưa đến cho chúng ta một cách nhìn lịch sử khác về cuộc chiến, một lịch sử của những gì dễ bị đẩy ra bên lề, dễ bị lãng quên và vắng mặt trong những đại tự sự mang tính anh hùng ca về cuộc chiến.

Một trong những điểm đặc biệt ấn tượng ở cuốn nhật kí này là sự xuất hiện liên tục của chữ thương và của tình thương[9]. Nếu một hình dung về “yêu” gắn nhiều hơn với cảm xúc nhất thời và những ý niệm lãng mạn, “thương” gắn nhiều hơn với sự lưu tâm và chăm lo, chăm sóc. Đặng Thuỳ Trâm tham gia vào cuộc chiến chống Mĩ trong tư cách một người chăm sóc, và ngay từ những dòng đầu tiên mở đầu cho cuốn nhật kí, cô đã bắt đầu những tâm tư suy nghĩ của mình bằng sợi dây của tình thương: “Nỗi băn khoăn của một người thầy thuốc và nỗi thương xót mến phục người thương binh ấy làm mình không thể yên bụng. Vuốt nhẹ mái tóc anh, mình muốn nói với anh rằng: với những người như anh mà tôi không cứu chữa được thì đó là điều đau xót khó mà phai đi trong cuộc đời phục vụ của một người thầy thuốc.” Nếu Tronto cho rằng sự chăm lo thực sự vượt ra bên ngoài bản thân để “vươn tới một cái gì đó khác bên ngoài mình, nó không phải là sự tự quy chiếu hay tự hấp thụ”, thì Đặng Thuỳ Trâm liên tục đặt mình vào những gắn kết liên chủ thể như thế. Kể cả với những người thương binh xa lạ mới gặp lần đầu. Kết nối này của tình thương có một phạm vi rộng hơn tình yêu, và chính nỗ lực “vươn ra khỏi” những chủ thể khác bên ngoài mình để thiết lập những sợi dây gắn kết đã khiến Đặng Thuỳ Trâm không chỉ dừng sự giao tiếp với những thương bệnh binh được chuyển tới bệnh xá của mình trong giới hạn của một sự hành nghề chuyên nghiệp. Trái lại, những thương binh đến với cô được chăm sóc về thể chất với một sự tận tụy của người theo nghề y, nhưng cũng được an ủi, quan tâm chia sẻ về tinh thần; và đôi khi, chính những chia sẻ về tinh thần này đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phục hồi của người lính. Như với trường hợp của San, Đặng Thuỳ Trâm đã diễn giải những tình cảm trong lòng mình là “…tình thương của một người thầy thuốc trước bệnh nhân, tình thương của một người chị đối với đứa em đau ốm (thực ra San bằng tuổi mình) và tình thương ấy đặc biệt hơn đối với mọi người vì cộng thêm cả lòng mến phục. Anh có thấy điều đó trong cái nhìn lo âu của tôi không? Có thấy bàn tay tôi dịu dàng đặt nhẹ trên vết thương, trên đôi tay xanh gầy của anh đó không?” Với về phía những chủ thể khác để thiết lập kết nối, điều ấy được thể hiện trong những hành động cụ thể nhất của Đặng Thuỳ Trâm: đưa tay lên vuốt mái tóc người thương binh, nắm lấy đôi tay xanh xao của họ… Điều mà Đặng Thuỳ Trâm đang trao truyền và đồng thời, đang đại diện, có thể là gì khác nếu không phải chính là đạo đức của sự chăm sóc kia?

Dù phần đầu tiên của những trang nhật kí được đặt dưới tiêu đề “Những ngày rực lửa”, nhưng trái với những tự sự anh hùng ca chỉ lấy trung tâm là bước tiến quân của những người anh hùng, ở đây, tràn ngập liên tục từ dòng này qua dòng khác là thương, là nhớ, là lo, là những kết nối tha thiết như một đối chọi với sự dữ dằn và đòi hỏi duy ý chí của chiến tranh: “Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương.” Để rồi, những sợi dây vô hình được chủ động đan bện từ yêu thương ấy cuối cùng lại tạo thành một tấm lưới nâng đỡ bền chặt cho chính chủ thể. Thuỳ Trâm đã nâng đỡ những vết thương thể chất, và rồi cô lại được những tình yêu thương cảm mến vô hình được nhận lại từ người khác nâng mình lên khi chính cô phải đối diện với những tổn thương cá nhân: “Thư từ từ khắp bốn phương gửi về. Cảm ơn tất cả mọi người đã dành cho tôi những tình thương mến thiết tha. Đọc thư niềm vui chen lẫn với nỗi buồn. Tại sao mọi người có thể dành cho mình những tình thương ấy mà một người - một người đã được hưởng một tình yêu trong trắng, chân thành lại không xứng đáng với mình? Buồn làm sao hở M.?” Là một cuốn nhật kí, Đặng Thuỳ Trâm viết những dòng chân thật nhất từ trái tim mình. Cô sống với những lí tưởng cao đẹp nhưng không vì thế mà phủ nhận đi những tình cảm riêng tư nhất, con người nhất trong mình. Cô chân thật với chính mình, không phớt lờ đi việc phải đối mặt với những tổn thương tình cảm (do tình yêu đem lại), nhưng tình cảm cô dành cho bao người khác khiến cô không chìm vào những đau đớn một cách đơn độc mà luôn có những người bạn, người anh, người chị, người em, dù ở sát bên hay đã xa xôi cách trở, dù xa hay gần, sẻ chia và làm điểm tựa. Đó, không gì khác, chính là giá trị của một đạo đức hướng tới tình thương và sự chăm lo. Nó không hứa hẹn sẽ loại bỏ tất cả những rủi ro mà con người có khả năng gặp phải, nhưng hứa hẹn sẽ đem đến cho con người một sức mạnh của sự nâng đỡ, để dẫu có phải đối mặt với những điều không mong muốn, thậm chí kinh hoàng, người ta cũng không bị đẩy đến tận cùng cô đơn và tuyệt vọng. Tình huống này cũng giống như khi Đặng Thuỳ Trâm lúc nào cũng canh cánh trong lòng một niềm nhớ thương miền Bắc, nhớ thương gia đình tràn trề, nhưng ở nơi trận địa, cô vẫn không sụp đổ, bởi tình yêu thương lo lắng của những đồng đội ở cạnh mình. Như lời thư của một người anh gửi lại lán cứu thương cho Trâm và Liên: “Em và Trâm phải thương nhau chân thật. Trâm vào đây xa gia đình chỉ có bạn.”

Đặng Thuỳ Trâm, có thể nói, bằng công việc của mình, bằng những cảm xúc suy tư của mình, đang hàn gắn tất cả những hệ luỵ kinh hoàng từ chiến tranh, giữa khi những cuộc chiến đang quần thảo mảnh đất quê hương, gây ra không biết bao nhiêu thương vong cho tất cả những bên tham chiến. Việc chữa trị và chăm sóc của một bác sĩ mà cô đảm nhận đang chữa lành và giảm thiểu những thiệt hại và tổn thương ấy theo nghĩa đen. Nhưng bằng tất cả nỗ lực của mình, cô cũng đang cố gắng cứu với cái gọi là “nhân tính”, ngay giữa nơi ý niệm ấy trở nên khủng hoảng hơn bao giờ hết. Giữa khung cảnh sự thảm khốc đang được bình thường hoá và cái ác đang được tầm thường hoá (hay Hannah Arendt gọi là “banality of evil” hay “sự tầm thường của tội ác” theo cách dịch của Trần Đình Sử) - một tình thế dễ khiến người ta thụ động chấp nhận, thậm chí thờ ơ; Đặng Thuỳ Trâm theo đuổi một giá trị khác của sự chăm sóc: sự chú tâm. Cụ thể, đó là sự chú tâm đến nỗi đau của người khác, một sự quan tâm/ chú tâm mà theo Tronto, khi mới khởi lên, thường gắn với sự quên mình: “Theo một nghĩa nào đó, người ta cần tạm gác lại những mục tiêu, tham vọng, kế hoạch sống và những mối bận tâm của mình để nhận ra và quan tâm đến người khác.”[10] Đó cũng là khi cái “Tôi” chủ thể thu nhỏ lại hơn để có thể tự đặt mình vào vị thế của người khác, hoàn cảnh của họ, và cuối cùng, hết lòng vì họ. Đó là khi Đặng Thuỳ Trâm thấy những nỗi đau của mình nhỏ hơn nỗi đau của người khác, và sự âu lo yêu thương của cô không chỉ dừng ở đối tượng cần chăm sóc ngay trước mặt mình, mà còn với những người mẹ, với những người thân, trong một kết nối vô hình mà mạnh mẽ: “Nói với San về nỗi nhớ thương với gia đình trong những ngày xa cách lại càng vô lí hơn. San chỉ còn một mẹ già. Cha San chết từ lúc mẹ anh mới hai hai tuổi đầu, người vợ trẻ ấy đã hi sinh cả tuổi xuân của mình ở vậy nuôi San cho đến khi anh được mười chín tuổi thì cho anh đi bộ đội [...] Chỉ một xíu nữa thôi có khó khăn gì đâu, San cũng đã ngã xuống dưới chân hòn núi Cửa ấy rồi. Lúc đó mẹ San có khóc cạn nước mắt cũng không bao giờ có được một đứa con như San nữa. Vậy mà hôm nay San đến đây với mình, có lẽ nào mình lại để thần chết cướp đi người con yêu quý của một bà mẹ đang lo âu hi vọng tất cả vì đứa con duy nhất ấy. Không bao giờ đâu!” Một sức mạnh, một lòng kiên quyết có thể được cảm nhận qua từng câu chữ. Nhưng đó không phải là kiểu quyết tâm duy ý chí, mà thực chất, là sức mạnh và sự kiên cường của tình thương. Nếu như sự thờ ơ là “một thất bại về mặt đạo đức” (Tronto), thì sự quan tâm, lắng nghe và suy ngẫm dành cho người khác, đặt mình vào nỗi đau người khác, truyền cho chủ thể những tiềm lực lớn lao để thực hiện những việc đôi khi là bất khả. Đó không chỉ là đạo đức, mà còn là sức mạnh của yêu thương và chăm sóc.

Kết luận

Bài viết đi từ một ấn tượng mà có lẽ bất cứ ai khi đọc Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm cũng không thể không lưu ý: sự hiện diện dày đặc của chữ “thương” và tình yêu thương. Gần như chỉ cần mở tới bất cứ một trang viết nào của cuốn nhật kí, độc giả cũng cảm nhận được tình cảm, tấm lòng, được sự tận tâm, nâng đỡ và kết nối. Bởi thế, bài viết nhỏ này muốn đặt cuốn sách của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm vào dòng mạch suy tư về đạo đức của sự chăm sóc. Đạo đức ấy, không thể phủ nhận, vẫn là một đòi hỏi khẩn thiết cho thế giới đương đại của chúng ta hôm nay, cái thế giới mà ta đang sống, nơi bạo liệt và bạo tàn chưa có dấu hiệu của sự rút lui. Chính những giá trị được Đặng Thuỳ Trâm theo đuổi và thể hiện trong cuốn nhật kí của mình là minh chứng cho một hi vọng hòa giải, một khả năng bước ra khỏi những đường biên, và cuối cùng là một điểm tựa để nâng đỡ thay vì huỷ hoại sự sống của chính con người.

Đ.T.T.H

----------

[1] Các dẫn chứng trong tác phẩm Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm ở bài viết này đều được lấy từ nguồn: Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, Nxb Hội Nhà văn, tái bản năm 2018.

[2] Thư Frederic Whitehurst gửi gia đình Đặng Thuỳ Trâm ngày 4/6/2005, in trong Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, sđd.

[3] Thư Frederic Whitehurst gửi gia đình Đặng Thuỳ Trâm ngày 2/5/2005, in trong Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, sđd.

[4] Susan Sontag, Trước nỗi đau người khác: Về tính phổ biến, ý nghĩa và tác động của bạo lực, Nxb Tri Thức, 2022.

[5] Thư của Robert Whitehurst gửi gia đình Đặng Thuỳ Trâm ngày 29/4/2005, in trong Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, sđd.

[6] Vương Trí Nhàn, “Lời giới thiệu”, in trong Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, sđd.

[7] Joan Tronto, Những ranh giới đạo đức: Một lập luận chính trị cho đạo đức chăm sóc, Psychology Press, 1993.

[8] Joan Tronto, Những ranh giới đạo đức: Một lập luận chính trị cho đạo đức chăm sóc, sđd.

[9] Theo TS. Nguyễn Thu Giang, Đại học Queensland, dù có thể dễ dàng dịch từ “yêu” thành “love” trong ngôn ngữ Anh, rất khó để có thể tìm được một từ tiếng Anh tương đương với từ “thương” trong tiếng Việt. Và nếu như “yêu” gắn với những ý niệm lãng mạn hơn, “thương” gắn nhiều hơn với sự quan tâm chăm sóc.

[10] Joan Tronto, Những ranh giới đạo đức: Một lập luận chính trị cho đạo đức chăm sóc, sđd.