Thứ Ba, 31/12/2019 15:08

Nhân vật có năng lực siêu nhiên trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại

Trước 1945, trong quá trình hiện đại hóa văn học đầu thế kỉ XX, kế thừa yếu tố truyền kì từ văn học trung đại và tiếp thu yếu tố kinh dị của văn học phương Tây, trong văn học Việt Nam xuất hiện khá nhiều tác phẩm có màu sắc kì ảo

. DƯƠNG THỊ HƯƠNG

Trước 1945, trong quá trình hiện đại hóa văn học đầu thế kỉ XX, kế thừa yếu tố truyền kì từ văn học trung đại và tiếp thu yếu tố kinh dị của văn học phương Tây, trong văn học Việt Nam xuất hiện khá nhiều tác phẩm có màu sắc kì ảo, huyền bí, với những nhân vật là ma quỷ, thần tiên, nửa người nửa cây, nửa người nửa thú... Những tác giả tiêu biểu cho xu hướng, bút pháp này là Lan Khai (với Người lạ, Ma thuồng luồng...), TchyA (với Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya...), Lý Văn Sâm (với Răng Sa Mát, Thần ngư động...), ngoài ra có thể kể đến Nguyễn Tuân (với Xác Ngọc Lam, Trên đỉnh non Tản...), Nhất Linh (với Lan rừng, Bóng người trong sương mù...), Thanh Tịnh (với Ngậm ngải tìm trầm...) và một số tác giả khác. Yếu tố kì quái, siêu nhiên trong các tác phẩm này (thường được xếp vào loại “truyện đường rừng”) thể hiện sự bù đắp cho khoảng trống trong nhận thức của con người về thế giới tự nhiên, thế giới tâm linh, đồng thời mang lại sự hấp dẫn cho tác phẩm.
Bước sang giai đoạn 1945 - 1975, do những nguyên nhân khách quan của lịch sử, yếu tố kì ảo gần như biến mất trong văn học (ở miền Bắc). Trên nền tảng triết học duy vật biện chứng và lí luận văn nghệ marxist, cùng với mục tiêu phục vụ các yêu cầu chính trị do thực tiễn đặt ra, thế giới hiện thực được phản ánh trong tác phẩm văn học lúc này là hiện thực trực tiếp, “như thật”, “như nó vốn có”. Bút pháp của nhà văn chủ yếu là tả thực, nhiều khi dẫn đến sự mô phỏng máy móc, giản đơn đời sống. Trong văn xuôi, các nhân vật mang tính chất siêu nhiên, các hình ảnh siêu thực, các tình tiết ma quái, hoang đường... không còn cơ hội và lí do tồn tại.
Sau ngày đất nước giải phóng, đặc biệt là sau 1986, trong không khí dân chủ, đổi mới, quan niệm về vấn đề văn học phản ánh hiện thực có nhiều biến đổi. Hiện thực, với nhà văn không chỉ là cái nhìn thấy mà còn là cái cảm thấy; bên cạnh ý thức còn có những miền vô thức, những cõi tâm linh. Khả năng hư cấu, tưởng tượng của nhà văn trong sáng tạo được đề cao; yếu tố kì ảo dần xuất hiện trở lại. Trong hệ thống nhân vật khá phong phú, đa dạng của văn học đương đại, không thể không kể đến loại nhân vật tâm linh như là hệ quả của sự đổi mới quan niệm về hiện thực. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một dạng thức của nhân vật tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, đó là nhân vật có năng lực siêu nhiên với khả năng hé mở cánh cửa của thế giới tâm linh huyền bí.
Năng lực siêu nhiên, theo cách hiểu thông thường, là những khả năng vượt quá giới hạn của con người bình thường. Dựa trên những miêu tả trong tiểu thuyết, chúng tôi chia năng lực này thành hai loại, tương ứng với hai kiểu nhân vật gồm nhân vật có phép thuật và nhân vật có khả năng nói chuyện với người âm.
Ngày nay, con người hiện đại về cơ bản không còn tin phép thuật có thật trên đời. Những phép thuật như đằng vân giá vũ, hô mưa gọi gió… thường được coi là câu chuyện của trí tưởng tượng chứ không xảy ra trong thực tế. Đối với các nhà văn, phép thuật đơn giản chỉ là “sự phóng đại dẫn tới cái siêu nhiên”(1) như quan niệm của triết gia, nhà phê bình văn học Tzvetan Todorov, tức là một thủ pháp nghệ thuật để gửi gắm tư tưởng, làm cho tác phẩm thêm sinh động, cuốn hút. Trong tiểu thuyết đương đại, sự phóng đại đầu tiên và đáng kể nhất là phóng đại về năng lực con người. Các nhà văn đã cung cấp cho nhân vật nhiều khả năng siêu phàm vốn không có (hay khó lòng kiểm chứng) trong đời thực. Sư Minh Không, Từ Lộ trong Giàn thiêu của Võ Thị Hảo có những phép thần thông, biến hóa như “phi thân lên không trung, tay chạm mặt trời mặt trăng, mỗi khi trời làm hạn hán, lụt lội đều có thể trai giới cầu đảo được mưa được nắng”(2). Nhân vật “tôi” - người cha trong Ba ngôi của người của Nguyễn Việt Hà vốn là học trò của đạo sĩ đạo hạnh hơn người nên có khả năng cải tử hoàn sinh sống qua nhiều kiếp, biết được kiếp trước của mình. Nhân vật Phạm Nhan trong Sương mù tháng giêng của Uông Triều, được xây dựng trên cơ sở kế thừa giai thoại có trong truyền thuyết, có khả năng làm cho đầu bị chém mọc lại: “Đao phủ vung đao, đầu Nhan rơi xuống… Từ cái cổ trúi hụi của Nhan nhô ra một cái đầu khác”(3).
Trên thực tế, hiện tượng các nhà khí công có năng lực siêu phàm như khinh công, bay lên mái nhà, chạy trên mặt nước, cho ô-tô chèn qua thân thể, nuốt kiếm, nuốt lửa hay nhúng tay vào vạc dầu sôi... là điều đã được báo chí và các tài liệu nghiên cứu ghi lại. Ở Trung Quốc, các nhà khí công lỗi lạc như Trương Bảo Thắng, Nghiêm Tân còn có khả năng đi xuyên tường, hay phát ra năng lượng bắt trời ngừng sấm ngừng mưa... Tuy nhiên, những màn biểu diễn trước đám đông này cho đến nay vẫn khiến nhiều người hoài nghi, coi đó là trò ảo thuật hơn là một hiện tượng khoa học.
Trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, năng lực siêu nhiên của các nhân vật còn được biểu hiện qua sức mạnh của lời nguyền. Mai Trừng (Cõi người rung chuông tận thế - Hồ Anh Thái) có thể trừng phạt kẻ ác “chết đi sống lại” nhờ sức mạnh vô biên được truyền lại từ lời nguyền trước khi mất của mẹ cô. Lời nguyền của vị tướng chết trận (Lời nguyền hai trăm năm - Khôi Vũ) đã khiến dòng họ của Hai Thìn phải vật vã, khổ sở hàng thế kỉ. Sở hữu một phép thần thông khác, nhân vật Tân (Trong sương hồng hiện ra - Hồ Anh Thái), ông già tiên tri ở thế giới song song trong Đất trời vần vũ và mẹ Têrêsa trong Ngược mặt trời của Nguyễn Một lại có khả năng đi ngược chiều thời gian, trở về với quá khứ xa xăm. Sức mạnh siêu quần không chỉ phát lộ ở những “siêu nhân” nào đó mà còn tiềm ẩn trong những vũ khí, đồ vật của con người. Hồn ma cô gái truyền nhân của Đào Tấn tặng đạo diễn Trần Bình (Hồn trúc - Nguyễn Văn Thông) cây sáo thần, chỉ cất lên thanh âm tuyệt diệu khi được chính chủ nhân thổi. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (Đức Thánh Trần - Trần Thanh Cảnh) được trời ban cho cây giáo thần Pháp Lôi bách chiến bách thắng. Đại (Nháp - Nguyễn Đình Tú) có viên ngọc ước mà khi ngậm vào “bản lĩnh đàn ông” sẽ gia tăng cực hạn. Trương Phước (Đất trời vần vũ - Nguyễn Một) sở hữu lưỡi dao thần kì có khả năng đoạt mạng người trong tích tắc chỉ bằng một câu niệm thần chú. Những vũ khí, đồ vật có quyền năng đặc biệt này gợi liên tưởng đến những “bảo bối” được miêu tả trong truyện cổ tích, thần thoại của Trung Quốc và Việt Nam.
Nếu như phép thuật trong tác phẩm văn chương được tạo nên bởi sự phóng đại, thì sứ mệnh nghệ thuật của nó - cũng theo Todorov - lại là một sự đảo ngược của cái phóng đại. Phép thuật là sự “bổ sung cho một tính nhân quả thiếu hụt”(4). Chính xác hơn, phép thuật là một mã nghệ thuật, qua đó các nhà văn kín đáo bộc lộ những khiếm khuyết, thiếu hụt của con người và xã hội; và nhân vật có phép thuật đã thể hiện khát vọng của nhà văn bù đắp, lấp đầy những khoảng trống này. Từ xa xưa, trong kho tàng cổ tích, thần thoại của nhân loại, khi con người thiếu cái gì thì thường mơ ước về cái đó, chẳng hạn “tấm thảm bay” hay “chiếc hài vạn dặm” là khao khát có một phương tiện vận tải kì diệu thay thế đôi chân khi chưa chế tạo ra được máy bay, tàu điện. Những chi tiết về phép thuật, về năng lực siêu nhiên do nhà văn ngày nay tưởng tượng ra cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Sự “thiếu hụt” đầu tiên mà các nhà tiểu thuyết mong ước bù lấp là sự thiếu niềm tin và đòi hỏi sự nghiêm minh của pháp luật, của công bằng xã hội. Trong Giã biệt bóng tối (Tạ Duy Anh), Giàn thiêu, Cõi người rung chuông tận thế, những người tốt bị chà đạp còn những kẻ xấu xa ham tiền, ham sắc, hãm hại người khác như gia đình Diên Thành Hầu, Bớp, Phũ… thì cậy quyền cậy thế nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Chính vì muốn lấp đầy khoảng trống niềm tin nên các nhà văn đã cho nhân vật có phép thuật thực hiện “quyền lực siêu nhiên” của mình để thay trời hành đạo. Sự trừng phạt của Từ Lộ, Mai Trừng, chú bé Thượng đối với những kẻ ác chính là hành trình đi tìm công lí đã mất, đảm bảo cho tất cả mọi con người đều bình đẳng trước lẽ phải khi xã hội còn nhiều bất công, giả dối, loạn lạc.
Sự “thiếu hụt” thứ hai là thiếu tri thức lịch sử và những hiểu biết về quá khứ. Phép thuật xuất hiện để bù đắp cho sự thiếu hụt ấy bằng cách tạo ra một “ảo tưởng” về tính chân thật trong việc tái hiện, tìm hiểu quá khứ, bảo đảm cho không một điều gì xảy ra trong quá khứ lại bị lãng quên ở hiện tại. Mỗi nhà văn có những chủ ý khác nhau khi hướng về quá khứ mênh mông. Khả năng đi ngược thời gian của ông già tiên tri giúp Nguyễn Một dựng nên bối cảnh buổi đầu nhà Nguyễn lập nghiệp ở phương Nam trong Đất trời vần vũ. Cũng với khả năng ấy, mẹ Têrêsa trong Ngược mặt trời đã giúp bạn đọc có hình dung cụ thể và rõ ràng về những ngày đầu đạo Thiên Chúa du nhập vào Việt Nam, làm “sáng tỏ” những sự thật, tâm tư, uẩn khúc của những con người thuộc về lịch sử như cha xứ Bá Đa Lộc, thánh Mátthêu Lê Văn Gẫm. Năng lực sống qua nhiều kiếp, nhớ thời gian chết của mình ở kiếp trước của nhân vật “tôi” - cha trong Ba ngôi của người là cách Nguyễn Việt Hà dùng để tái hiện không gian Hà Nội trong nhiều thế kỉ một cách chân xác. Với Tân (Trong sương hồng hiện ra), chuyến hành trình về quá khứ giúp anh có những nhận thức mới về chiến tranh, hiểu thêm về tâm tư, tình cảm của một thế hệ sống trong bầu không khí Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành.
Phép thuật xuất hiện trong các tiểu thuyết còn thể hiện sự “thiếu hụt” tình người, lòng chung thủy và hạnh phúc. Lời nguyền ám ảnh dòng họ Hai Thìn trong suốt hai thế kỉ (Lời nguyền hai trăm năm) và lời nguyền hắc ám về sự hủy diệt cù lao Dao (Đất trời vần vũ) là những bằng chứng về sự thiếu vắng niềm tin vào tình thương yêu giữa con người với con người, vào tình yêu đôi lứa. Những người cất lời nguyền là những người quyết tâm “nợ máu phải trả bằng máu”, tin vào sự sòng phẳng đến lạnh lùng, vô cảm của “luật đời”. Hành trình phá giải lời nguyền của Hai Thìn và Miên Trường là hành trình bù đắp lại những thiếu hụt ấy, trả lại con người niềm tin rằng tình người và tình yêu đôi lứa có thể vượt qua thù hận, vượt qua những dục vọng và toan tính cá nhân thấp hèn, hướng đến hạnh phúc bền lâu.
Phép thuật - những điều kì diệu nhất con người hướng đến, mơ ước - như đã nói ở trên, tiếc thay lại gián tiếp bộc lộ những mặt trái, mặt chưa hoàn thiện của đời sống. Nhân vật có phép thuật trong văn học, do đó, có thể nói là một “dấu hiệu xấu”, một điềm báo không lành về những bất ổn trong xã hội và con người.
Song song với việc miêu tả nhân vật có phép thuật, các nhà văn còn xây dựng loại nhân vật có khả năng nói chuyện với người âm. Nhân vật này gồm hai dạng. Thứ nhất, nhân vật có khả năng nói chuyện với một người âm, một linh hồn xuyên suốt tác phẩm như Bản trong 6 ngày của Tô Hải Vân, An Mi trong Và khi tro bụi, Mai trong Mưa ở kiếp sau của Đoàn Minh Phượng, “tôi” trong Thức giấc của Thùy Dương, Hoa trong Người sông mê của Châu Diên… Thứ hai, nhân vật có thể nói chuyện với nhiều người âm, nhiều linh hồn. Bác sĩ Cần trong Ngày hoàng đạo của Nguyễn Đình Chính, Hùng Vũ trong Hiện tượng HVEYA của Hòa Vang, Chín Toàn trong Ngược mặt trời của Nguyễn Một… là những người sở hữu năng lực đặc biệt này. Họ có thể nhìn thấy, trò chuyện với bất kì một linh hồn nào. Hai dạng nhân vật này biểu hiện cho hai cái nhìn khác nhau của nhà văn như nhận xét của Todorov: “Một cách thật có ý nghĩa, bất kì sự xuất hiện một yếu tố siêu nhiên nào cũng kèm theo việc đưa vào song song một yếu tố thuộc lĩnh vực cái nhìn”(5). Ứng với kiểu nhân vật thứ nhất là cái nhìn hướng nội, cái nhìn vào chính bản thể nhân vật. Các nhân vật này chỉ giao tiếp được với người âm có duyên, có nghiệp sâu nặng với mình. Bản nói chuyện được với hồn ma cô gái trẻ, vì cô là chủ trước của căn nhà anh mua. An Mi nói chuyện được với hồn ma Antia vì An Mi đang ở trong nhà cũ của Antia, chơi cây đàn cô yêu quý và đang tìm đứa con trai thất lạc cho cô. Những cuộc nói chuyện này cũng là cách giúp người sống nhìn lại chính bản thân mình, giải tỏa những thắc mắc, bởi giữa họ và ma đã có những đồng điệu về hoàn cảnh, tâm hồn. Ứng với kiểu nhân vật thứ hai là cái nhìn hướng ngoại, đa chiều hướng ra xã hội, thế giới. Qua những lời nhờ vả, cầu khẩn của các linh hồn đối với bác sĩ Cần, Chín Toàn, Hùng Vũ, bạn đọc có thể hình dung ra phần nào diện mạo xã hội Việt Nam và thế giới hiện đại. Một xã hội, một thế giới mà tốt - xấu, thiện - ác, giàu - nghèo, hạnh phúc - bất hạnh… đan xen chằng chịt với những nghi kị, ngờ vực, cảnh giác lẫn nhau giữa con người với con người. Những nhân vật như bác sĩ Cần, Chín Toàn, Hùng Vũ có chức năng là những nhân chứng, vén màn mở ra những sự thật đắng lòng tồn tại dưới ba thước đất.
Cũng qua những nhân vật có năng lực siêu nhiên này, chúng ta thấy được sự quan tâm của các nhà văn về thế giới tâm linh và linh hồn. Người âm, linh hồn có tồn tại thật không, đây vẫn là một vấn đề gây tranh luận qua nhiều thế kỉ. Từ xưa đến nay, có rất nhiều người tin linh hồn là dạng thức khác của con người sau khi chết. Niềm tin này được củng cố khi ngày càng xuất hiện thêm những khám phá đáng tin cậy của khoa học về linh hồn, đặc biệt là vật lí học hiện đại. Ở Việt Nam gần ba mươi năm qua, hoạt động nghiên cứu tâm linh phát triển mạnh, hai tổ chức đi đầu trong lĩnh vực này là Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam), đến nay đã công bố nhiều kết quả nghiên cứu khẳng định sự tồn tại của thế giới tâm linh. Ở Mĩ, ở Anh và một số quốc gia khác từ rất lâu cũng đã có các hội, hiệp hội nghiên cứu tương tự. Tuy nhiên, tất cả những chứng cứ khoa học cho đến thời điểm này vẫn chưa giải đáp được thấu đáo về linh hồn và chưa đủ để thuyết phục tất cả mọi người về sự hiện hữu của một thế giới khác sau khi chết. Cõi vô hình vẫn luôn là bí mật vô cùng khó tiếp cận, giải mã, như nhận xét của Todorov: “Sự cảm nhận cái siêu nhiên lại buông một bóng tối dày đặc lên bản thân cái siêu nhiên và khiến ta khó tiếp cận nó”(6). Tất cả những điều đó tác động đến nhận thức của các nhà văn, khiến nhiều người trong số họ lựa chọn giải pháp “an toàn” coi linh hồn là một hiện tượng khoa học tâm linh vẫn đang còn bỏ ngỏ, chưa có kết luận sau cùng. Các nhà văn Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Một, Phạm Ngọc Tiến, Hòa Vang… luôn miêu tả linh hồn theo những giả thiết, nhận thức khoa học về hiện tượng này. Trong Ngày hoàng đạo, những quầng sáng bác sĩ Cần nhìn thấy thoát ra từ những tử thi trong nhà xác hệt như quầng sáng mà các nhà khoa học, bằng thực nghiệm với sự hỗ trợ của máy móc tối tân, đã ghi lại được lúc con người vừa mới chết. Tường (Hiện tượng HVEYA) nghiên cứu năng lực kì lạ của Hùng Vũ một cách chi tiết, bài bản và khoa học: đi theo thực chứng cảnh Hùng Vũ nói chuyện với người âm, đặt các cảm biến theo dõi những biến đổi của cơ thể và trí não của bạn; ghi chép, thống kê, đi báo cáo tại các hội nghị khoa học lớn trong và ngoài nước... Giải pháp trung dung này được Phạm Ngọc Tiến cụ thể hóa bằng câu kết trong Tàn đen đốm đỏ: “Cái thế giới được dựng ra cho các vong hồn trong truyện. Có cái thế giới ấy không? Hiển nhiên sẽ chẳng bao giờ có được câu trả lời… Thế giới tâm linh mãi còn bí ẩn”(7).
Như vậy, thông qua hai loại nhân vật có năng lực siêu nhiên là nhân vật có phép thuật và nhân vật có khả năng nói chuyện với người âm, các nhà tiểu thuyết Việt Nam đương đại đã truyền tải những thông điệp về con người, xã hội ngày nay, về thế giới tâm linh và mối quan hệ, gắn kết giữa thế giới bí ẩn này với thế giới vật chất con người đang tồn tại
D.T.H

 

-------
1. 4. 5. 6. Tzevan Todorov (2018), Dẫn luận về văn chương kì ảo, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr.95, 181, 144, 126.
2. Võ Thị Hảo (2005), Giàn thiêu, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, tr.317.
3. Uông Triều (2015), Sương mù tháng giêng, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, tr.172.
7. Phạm Ngọc Tiến (2001), Tàn đen đốm đỏ, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.270.