. TRƯƠNG CHÍ HÙNG
Chẳng cần đợi đến khi cả thế giới kêu gọi con người hãy xây dựng lối sống xanh, hòa mình cùng vạn vật, hàng nghìn năm trước, ông cha ta đã nhận ra lợi ích của việc này. Hẳn vì thế mà các nhà Nho, minh triết thời xưa vẫn thường chọn cuộc sống thanh bần, vui thú điền viên. Có khi đó là lúc công danh toại mãn, các vị trở về tận hưởng những khoảnh khắc an nhàn tuổi xế chiều cùng cây cỏ. Nhưng cũng có khi do chán cảnh quan trường đầy thị phi giả trá, những vị quan chân chính đành lui về ở ẩn, làm bạn với thiên nhiên. Lối sống ấy dung dưỡng nên những tâm hồn cao khiết, Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao (Nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm). Cũng có người, chẳng phải bi quan thời cuộc, họ vẫn tìm về với niềm vui vườn tược. Đơn giản vì họ thấy một khoảng không an tịnh giữa cuộc đời, một tình bạn sâu xa giữa con người cùng vạn vật. Dĩ nhiên, còn tùy vào nhân sinh quan của từng người, và còn phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử, địa lí nhất định để cắm rễ cho các thú vui tao nhã. Nhưng thẳm sâu bên trong, dường như mỗi người đều có sợi dây vô hình nào đó gắn với cỏ cây?

Người miền Tây Nam Bộ xưa kia vốn dĩ không có thói quen chơi hoa kiểng, ngày thường cũng như dịp tết. Chắc do xứ này mỗi năm mùa nước nổi kéo dài mấy tháng trời, đường sá ruộng vườn ngập chìm trong biển nước, con người còn phải ngụp lặn để sinh tồn. Lại thêm, kiếp thương hồ rày đây mai đó, nhiều người quanh năm chỉ sống trên xuồng ghe, làm ăn buôn bán đều thả trôi theo con nước, nhà cửa dù có cũng coi như quán trọ, thỉnh thoảng mới ghé qua. Hoa kiểng có trồng được quanh nhà cũng chẳng ai chăm sóc, mấy chốc lụi tàn. Lại do cái ăn cái mặc cứ quấn lấy, chiếm hết tâm trí người ta, còn hơi sức đâu mà nghĩ về bao thứ khác. Nhưng cốt yếu có lẽ vì bà con khi xưa không đam mê món này. Bởi vậy, xem qua một số bức tranh tư liệu người Pháp vẽ nhà cửa, làng quê xứ Nam Kì cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, tôi thấy ngoài không gian để sinh sống, còn lại là chỗ chất nông cụ, chăn nuôi gia súc, neo đậu xuồng ghe. Cây cối cũng xuất hiện trong các bức tranh, nhưng chủ yếu là dừa, chuối, cau, những loài cây trồng lấy trái để phục vụ đời sống chớ không nhằm tiêu khiển.
Nếu có chút lãng mạn trong tâm hồn, chắc người miền Tây trước đây cũng chỉ ngắm những sắc hoa dung dị tự nhiên. Bông lục bình tím trôi trên sông vắng, bông điên điển trổ vàng rưng rức bờ kinh, bông súng ma trắng cả cánh đồng mùa nước nổi. Tất cả toát lên vẻ đẹp chân quê, mộc mạc thuần khiết nhưng u hoài, vừa của thực tại vừa như trong tiềm thức. Mới có câu ca rằng: Theo chồng về chốn bưng biền/ Thấy bông điên điển nghiêng mình nhớ quê/ Lấy chồng xa rất khó về/ Hết mùa điên điển, đường quê còn dài (ca dao).
Khi còn nhỏ, tôi nhớ nhà tôi cất giữa đồng, cô quạnh quanh năm. Mùa nước nổi, theo ba bơi xuồng giăng câu giăng lưới xa xa nhìn về căn nhà, tôi chỉ thấy nó như một nhúm lá nhô lên, rung theo từng đợt sóng. Mùa khô, một thời gian dài ba với mấy anh tôi kiên trì vác từng bao đất đôn nền nhà, rồi đắp gò cao phía trước, tạo thành một cái sân nhỏ. Khi anh em chúng tôi có thể chạy nhảy, chơi đùa ngoài sân, ba liền trồng vài giống cây trên đó. Có cây mãng cầu Xiêm, cây chuối, đu đủ, mít, cây xoài cát Hòa Lộc, toàn là cây ăn trái, không hề có bóng hoa kiểng gì. Đến khi má tôi gợi ý trồng một cây mai nhỏ ngay trước bàn thông thiên, ba tôi lưỡng lự vài ngày mới đồng ý.
Cây mai nhỏ bằng ngón tay, trồng xuống bắt rễ rất nhanh trên đất mới. Những chồi xanh vươn ra, bung thành từng khóm lá biêng biếc. Dù vậy, mấy lần được sai đi xách nước tưới cây, tôi thường chỉ đổ vào gốc mai một vài giọt. Trong ý nghĩ thơ ngây của mình, tôi thấy cây mai chẳng có giá trị gì. Nó không giống như cây chuối, vừa cho trái ngọt, vừa có bắp chuối trộn gỏi, thân chuối dùng xắt ghém ăn. Hay như cây mãng cầu, trái chín mềm mềm ngọt ngọt chua chua. Cây mít tố nữ múi thơm nức mũi. Khi nghèo đói, người ta thường nghĩ nhiều tới cái ăn, chớ ít khi thả hồn lãng mạn cùng cái đẹp. Những gia đình khác trong xóm chắc cũng giống như nhà tôi, có tí đất trống là lập tức trồng cây ăn trái, cực chẳng đã lắm mới trồng được một cây mai, mà trồng rồi cũng bỏ liều đó chớ chẳng chăm sóc gì.
Rồi mùa xuân đầu cây mai trổ bông, tôi thấy có gì đó là lạ. Từng cánh mai vàng tươi rung rinh trong nắng sớm. Đêm giao thừa, tôi với má đứng thắp nhang ngoài bàn thông thiên, tình cờ ngửi được chút mùi thơm của hoa mai dìu dịu. Cái mùi thơm nhẹ nhàng và lãng đãng đến nỗi dễ dàng bị mùi khói nhang lấn át, vậy mà quyện vào tâm trí tôi những cảm xúc thật thanh tao. Có mấy nhành mai, câu chuyện ngày tết của gia đình tôi thêm nhiều dư vị. Ba tôi đinh ninh, may mắn sẽ đến với gia đình tôi trong năm mới, giống như những nụ mai đã khai mãn đúng dịp giao thừa. Tôi đi chơi tết vòng quanh xóm, thấy vài nhà cũng có cây mai vàng đang trổ bông trước sân. Từ dạo ấy, tết quê tôi như thêm hương sắc.
Dần dần, bà con quê tôi trồng mai nhiều hơn. Những cây mai nhỏ và lớn trồng xen kẽ nhau, trước sân nhà, bên hông nhà, ven đường, thậm chí dưới mé sông. Cứ trồng rồi bỏ lăn lóc như mấy loài cây hoang dại, đến gần tết thì lặt lá, để rồi đầu năm, nhìn đâu đâu cũng thấy mùa xuân. Sau này, có dịp đi Đà Lạt, Hà Giang và một số tỉnh miền núi khác, tôi thấy hình ảnh tương tự, nhưng với mấy cây anh đào. Người ta cũng bỏ nó lây lất tự sinh tự dưỡng, rồi mùa xuân đến, cây vươn mình trút lá, thoáng chốc sắc thắm tươi nhuộm rực rỡ cả một miền sơn cước. Tôi cho rằng, đó mới là thú chơi hoa thuần khiết, nguyên thủy. Nghĩa là không cần phải cất chúng vào mấy cái chậu sành chậu sứ gò bó, hoặc nhẫn tâm chặt từng cành đem cắm vào bình trang trí. Cách chơi hoa ngày nay có gì đó mang dáng dấp của sự chiếm hữu, thô bạo. Không giống cách người xưa thưởng lãm một cội hoa rễ còn bám vào đất mẹ, đẹp dạt dào sức sống thiên nhiên.
Mấy ngày tết, đi dọc các con đường quê miền Tây, rất may mắn còn bắt gặp những hàng mai vàng nhởn nhơ khoe sắc. Gần đây, khi dịch vụ hoa kiểng phát triển, người làm vườn thiết kế luôn những cây mai với đầy đủ kích cỡ, tùy vị trí mà gia chủ có thể lựa chọn loại mai nào, hình dáng ra sao để mua về chưng tết cho phù hợp. Nhưng đó là chuyện của dân thành thị, chớ miệt quê thì bà con cứ để nguyên mấy gốc mai ngoài sân hay thậm chí là ngoài hàng rào, cho nó vô tư nở, khỏi phải chiết cành hay bứng cây dời đi đâu cả. Ở đâu thì nó vẫn là mai, ở đâu thì nó vẫn là tết. Đẹp, tự nhiên và hào sảng. Những con đường quê mùa xuân như những suối mai vàng.
*
* *
Chắc đã quen với hình ảnh những hàng mai tự do bung nở khắp mọi miền quê dịp tết, nên khi thấy hình ảnh cây mai nào đó bị nhốt trong không gian chật hẹp, dù đẹp cách mấy, tôi cũng cảm giác xót xa. Lần nọ, đến chúc tết một gia đình người quen ở phố, mới xong tuần trà đầu tiên, gia chủ liền khoe cây mai vàng to tướng đặt trong chậu sành nơi góc sân. Cây mai cao chừng ba thước rưỡi, tán tỉa tót cẩn trọng, nhiều cành được cắt gọt và uốn cong một cách điệu đà. Bông đã nở vàng rực rồi nhưng vẫn còn nhiều búp non chực bung ra. Gốc nó to và sần sùi minh chứng cho sự thâm niên. Có điều làm tôi thấy không thoải mái, là chủ nhà dùng một sợi dây xích bự để khóa gốc mai lại. Thấy tôi chăm chăm nhìn vào những vòng dây sắt lạnh căm đang quấn chặt gốc mai, chủ nhà phân trần, rằng phải làm cách đó để ngăn bọn đạo chích. Cây mai này giá trị lớn lắm, có khi còn hơn giá trị một căn nhà nào đó ở quê, tôi có thể ước đoán như vậy. Nhưng có vẻ, thân phận nó cũng quá bạc bẽo khi phải đeo mang xiềng xích. Nghĩ đến đó, tôi thấy dường như cái lạc thú thưởng mai với chén trà xuân buổi sớm cũng bị vơi đi phần nào. Dĩ nhiên, tôi không dám bộc bạch cùng gia chủ.
Đến bữa đi xuống Cái Mơn (Bến Tre), ghé vườn của chú Bảy Dũng, tôi tình cờ nhắc cây mai vàng bị xích mà tôi từng gặp. Cứ nghĩ đó là một chi tiết nhỏ lướt qua trong cuộc chuyện, không ngờ gương mặt chú Bảy bỗng sầm xuống. Chú im lặng một lúc, rồi chua chát bảo, thử hỏi con người mà bị cảnh đó thì có còn đẹp đẽ gì nổi nữa không, huống chi loài cây cỏ. Tôi hiểu suy tư của chú, bởi chú là người rất yêu quý các loài cây. Vườn của chú có cả ngàn cây được ươm tỉa cẩn trọng, cây nào chú cũng thương như con. Có những người quý cây, đến hỏi mua, chú dò hiểu ý tứ, nhiều khi chỉ tặng chớ không bán. Nhưng ai đến vườn mà tỏ vẻ phàm phu, xem cây mà bứt lá vặn cành giống cái kiểu Mã Giám Sinh dạm mua Kiều, thì chú đuổi đi liền chớ không thèm bán.
Chú bảy sống với mảnh vườn từ thời thơ ấu, được ba của chú dạy cách gieo trồng, lai tạo từng giống cây. Chú nói, bây giờ người ta hay gọi là làng hoa này nọ cho sang, chớ thực ra vốn dĩ những vùng này trước kia chỉ trồng cây ăn trái. Nghĩa là dựa vào thổ nhưỡng và thời tiết thuận lợi, các chủ vườn ươm giống cây, rồi bán cho bà con khắp miền Tây mua về trồng. Chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi, cam, quýt đều có hết. Về sau, khi một số đô thị có nhu cầu mua hoa kiểng để chưng tết, dân ở đây cũng trồng để đáp ứng. Người chơi hoa nhiều thì người trồng hoa cũng nhiều.
Vườn của chú Bảy được chia ra ba khu, sâu bên trong là trồng cây ăn trái lâu năm, kế đến là khu ươm cây giống và ngoài cùng, gần sát nhà của chú, là khu để trồng hoa kiểng. Hồi đó chú không có ý định trồng hoa, chỉ giâm mấy gốc mai để tết nở coi chơi. Nhưng rồi dân trong xóm rủ nhau trồng, chú cũng trồng cho vui. Đến lúc thú chơi hoa kiểng thịnh hành khắp chốn, khu vườn nhỏ của chú mỗi năm cũng kiếm được bộn tiền. Dù vậy, lúc nào chú cũng nghĩ chuyện trồng hoa kiểng chỉ là một cuộc dạo chơi, để trao gởi cái đẹp từ tay người làm vườn đến người yêu thích, chớ không quá chú trọng lợi nhuận.
Chú nói, cứ vào độ giữa chạp, thương lái khắp nơi đổ về Cái Mơn đông như hội. Họ tìm đến các chủ vườn, ngã giá xong rồi khiêng mấy chậu cây vừa to vừa nhỏ xuống ghe, chở đi bán khắp nơi. Trên những con sông miền Tây ngày giáp tết, ghe chở hoa kiểng cứ chạy dập dìu, rồi neo đậu lại các bến chợ quê. Trong những chậu mai vừa lặt lá, khóm cát tường còn e ấp, những búp hoa hồng đang ngược xuôi theo từng chuyến thương hồ, có cây được ươm từ khu vườn chú Bảy.
Được cái, năm nào cũng vậy, chú Bảy và mấy người trong xóm không bao giờ bán hết hoa vườn. Ít nhất, nhà nào cũng chừa lại vài gốc mai, mấy chậu cúc mâm xôi, vạn thọ để chưng tết. Đó là những loài hoa có màu sắc tươi sáng, sẽ nở rực rỡ trong mấy ngày xuân, chúng còn biểu trưng cho sự may mắn, sung túc, chú Bảy nói vậy. Nhưng cũng vì một điều, chú sợ thấy hình ảnh khoảng vườn trống huơ trống hoác. Chú kể, có năm cây kiểng hút hàng, thương lái nài nỉ quá nên chú cầm lòng không được, đành bán hết mảnh vườn cho họ. Ngày người ta khiêng tới chậu cây cuối cùng, chú cứ đứng tần ngần nhìn khu vườn trống, lòng buồn rười rượi. Từ ngày biết yêu quý cây trái rồi, ngày tết mà thiếu chúng thì cứ như trong nhà đầy đủ thịt mỡ dưa hành rồi mà không có cháu con về sum họp, nhìn đâu đâu cũng trống vắng đìu hiu.
Lời của chú Bảy khiến tôi nhớ tới bác Hai Kiệt ở Lai Vung. Bác Hai có mấy mẫu vườn trồng quýt hồng. Giống quýt này không những cho trái ngon mà còn có màu sắc rất đẹp, căng mọng khi chín. Bởi vậy, dịp tết dân khắp nơi đổ về vườn quýt của bác rất đông, để ngắm những chùm quýt xum xuê, chụp những bộ ảnh đầy sức sống và để mua những cân quýt hồng về chưng. Khu vườn nào trồng lấy trái bán thì bác Hai để riêng, còn khu dành cho bà con tham quan thưởng lãm là riêng.
Tôi thích cảm giác sáng sớm ngồi uống trà với bác, ở một góc vườn tĩnh lặng, nhìn những chùm quýt hồng tươi sà xuống, nghiêng nghiêng trong nắng. Khoảnh khắc ấy, tôi thấy như mùa xuân tràn ngập cõi lòng. Cũng có năm, hạn hán, sâu rầy làm vườn quýt xác xơ. Ngày tết đến mà trên cành chỉ vài trái dặt dẹo, bẻ xuống thử lột ra thấy bên trong sượng ngắt. Bác Hai cứ đi ra đi vô khu vườn, thở dài thườn thượt. Bao nhiêu bánh mứt thơm tho không kéo nổi xuân về. Mới thấy, với nhiều hộ làm vườn như bác Hai Kiệt, chú Bảy Dũng, mùa xuân là mùa hoa trái, hoa trái chính là mùa xuân. Không hiểu sao, ý nghĩ ấy lại khiến tôi liên tưởng đến cảm thức mùa xuân của một thi nhân hơn bảy trăm năm về trước. Đó là khoảnh khắc vị vua lỗi lạc cũng là thi sĩ đại tài Trần Nhân Tông bất chợt nhận ra xuân về chỉ qua hình ảnh đôi bướm vườn hoa:
Thụy khởi khải song phi/ Bất tri xuân dĩ quy/ Nhất song bạch hồ điệp/ Phách phách sấn hoa phi. (Xuân Hiểu)
Dịch thơ: Ngủ dậy, ngỏ song mây/ Xuân về, vẫn chửa hay/ Song song đôi bướm trắng/ Phất phới sấn hoa bay. (Buổi sớm mùa xuân - Bản dịch của Ngô Tất Tố)
*
* *
Mấy năm gần đây, chợ hoa xuân mọc lên ngày càng nhiều, chủ yếu là các đô thị ở miền Tây. Từ độ rằm tháng chạp, tôi đã thấy có ghe chở hoa cập bến, rồi họ dựng lều trại, neo lại bán cho đến tận giao thừa. Với nhiều người, chợ hoa là tín hiệu để biết rằng sắp tết. Người ta nhắc nhau sớm hoàn tất những công việc còn lại của năm, cùng chuẩn bị sắm sửa cho một cái tết tinh tươm. Họ cũng rủ nhau đi chợ hoa, đến mua cũng có nhưng đi ngắm nhiều hơn. Đó cũng là một thú chơi xuân mới thịnh hành.
Người làm nghề bán hoa kiểng bây giờ cũng nhiều hơn trước, nhưng đa số họ chỉ làm vào dịp tết. Nghĩa là, ngày thường họ có công việc khác ở quê, như cắt lúa mướn, chở nông sản mướn, làm ruộng, chăn nuôi. Gần tết, họ tạm gác lại mọi thứ, đi thu mua hoa kiểng bán. Nếu mua may bán đắt, sẽ có thêm chút đỉnh tiền để cái tết đề huề hơn, còn ế ẩm thua lỗ thì coi như dịp đầu năm thắt lưng buộc bụng, chi xài tiết kiệm lại, cũng đâu vào đấy cả. Đó là những chia sẻ rất thật lòng của anh Đặng, một nông dân quê ở vùng biên Hồng Ngự nhưng năm nào cũng xuôi ghe về các nhà vườn ở Cái Mơn, Sa Đéc, Vĩnh Long để mua hoa kiểng bán lại.
Tôi quen biết anh chắc được khoảng mười năm. Lần đầu gặp, anh đi ghe có một mình, cập bến rồi mà chuyển các chậu cây lên chợ rất lâu chưa hết. Sẵn lúc rảnh, tôi liền xắn tay áo khiêng tiếp, lại còn phụ anh che mấy tấm bạt cao su làm thành một túp lều nhỏ sát mé sông. Đó là chỗ anh sẽ ăn ngủ hơn nửa tháng trời, khi nào chợ hoa dẹp thì anh mới dọn về.
Anh Đặng buôn bán nhưng không hoạt ngôn giống một số bạn hàng tôi từng thấy, nghĩa là không chèo kéo khách hoặc mời chào vồn vã. Anh thường chỉ ngồi trầm ngâm một góc, chăm chú nhìn những chậu cây, những bông hoa chuyển động trong hơi thở mùa xuân. Khi có khách đến hỏi về một loài cây nào đó, anh cũng thuyết minh tận tường, nhưng không nài ép khách mua. Anh hay bảo, một cái cây, một bông hoa được về với chủ nhân mới đôi khi cũng là cơ duyên, phải để cho người ta vui vẻ đón nhận nó, không nên thúc ép hay mặc cả. Giá trị của một cây hoa kiểng đôi khi không nằm ở phương diện vật chất, mà thuộc về tinh thần, nghĩa là cái đẹp và niềm hạnh phúc khi người ta chiêm ngưỡng.
Tôi không biết anh học được những điều đó ở đâu, nhưng ngẫm lại thấy cũng có lí. Tôi chợt nhớ tới cây mai nhỏ xíu ba trồng ở cạnh bàn thông thiên trước sân nhà, chắc không có giá trị gì giữa dòng chảy thị trường, vậy mà nó có ý nghĩa to lớn biết bao trong hồi ức tuổi thơ tôi.
Những câu chuyện vụn vặt của anh Đặng về lai lịch một gốc mai, một khóm tường vi, mấy vò lan lại khiến tôi thấy thú vị. Bởi thế, có thời gian là tôi ra chỗ anh ngồi chơi, ngắm hoa kiểng và thỉnh thoảng nghe anh kể chuyện. Anh có nước da đen sạm dãi dầu, cơ thể rắn chắc lực điền, gương mặt góc cạnh nhưng đôi mắt có cái nhìn ấm áp. Đặc biệt, hai bàn tay của anh to bè, nhiều ngón chai cứng vì làm ruộng lâu năm, vậy mà khi cắt tỉa cây kiểng lại vô cùng khéo léo, tỉ mỉ. Dường như những lúc chăm sóc cây, anh dành hết tâm trí vào đó, và bàn tay kia hóa thành tay của một nghệ nhân chớ không còn thuộc về anh nông dân nào cả. Phải yêu quý cây cối dữ lắm, anh mới nâng niu chúng một cách đầy trìu mến như thế. Khi nhìn anh uốn nắn từng thân cây, chăm chút từng chiếc lá, tôi cứ liên tưởng đến hình ảnh một ông bố đang vỗ về đứa trẻ sơ sinh. Ân cần, dịu dàng và đầy ắp yêu thương.
Nhớ năm trước, đang xem chương trình truyền hình đêm giao thừa, bỗng thấy cảnh mấy người làm nghề bán hoa kiểng đập chậu, chặt cây quăng bỏ vì bị ép giá, tôi giật mình nhớ tới anh Đặng, vội chay ra xem sao. Đến nơi vẫn thấy anh và mấy hộ buôn bán gần đó thản nhiên ngắm những chùm pháo hoa sáng rực một góc trời. Tôi áy náy nhìn số chậu hoa kiểng anh bán ế, vẫn còn xếp ở bờ sông. Tôi kể với anh chuyện có người tự hủy hoại cây kiểng để phản đối việc khách hàng chờ đến gần giao thừa mới đi mua, để tha hồ nhúng trề mặc cả vì nghĩ ai cũng cố bán đổ bán tháo trước khi dọn lều trại về nhà ăn tết.
Anh nghe qua, chỉ cười nhẹ, rồi vươn vai một cái đầy sảng khoái, sau đó bắt tay vào dọn dẹp mớ chậu còn lại. Anh bưng chúng xuống cũng cẩn trọng như lúc anh bưng lên hồi giữa chạp, xếp các chậu dưới ghe cũng ngăn nắp như khi anh bày bán ở chợ hoa. Tôi cũng giúp anh khiêng vài chậu mai lớn, hoa đã nở vàng rực rồi mà chưa tìm được bến đỗ mới, nên anh phải chở về. Càng về khuya, tiết trời càng lạnh nhưng lưng áo chúng tôi đều ướt đẫm mồ hôi.
Có mấy chị lao công đến quét dọn chợ, ngỏ ý mua lại vài chậu hoa nhỏ mang về nhà chưng. Đợi mấy chị chọn hoa xong, anh để tất cả vào bọc cẩn thận, rồi tặng chớ không bán. Đó là những người thật sự yêu quý bông hoa, vì khó khăn hoặc tất bật với công việc nên không có điều kiện mua sắm trước. Họ xứng đáng nhận được những món quà đầy hương sắc trong đêm giao thừa. Còn những người cơ hội, lợi dụng thời điểm người bán tiến thoái lưỡng nan để chèn ép, thì không xứng đáng thưởng thức những bông hoa đẹp, dù họ có tiền muôn bạc vạn.
Anh nói với tôi như thế, khi vừa khiêng xong chiếc chậu cuối cùng đặt trước mũi ghe. Số hoa kiểng này đem về anh sẽ chất quanh nhà, đợi qua tết trồng xuống đất lại. Nếu đất nhà anh không đủ, anh sẽ gởi vào các khu vườn lân cận, miễn sao cây được sống khỏe, xuân năm sau lại bắt đầu mùa hoa mới. Mỗi gốc cây, mỗi bông hoa đều có số phận riêng, chúng chẳng tội tình gì cả. Bởi vậy, con người nếu có giận hờn nhau cũng không nên giáng cơn thịnh nộ của mình xuống những loài hoa.
Anh Đặng tạm biệt tôi, rồi từ từ cho ghe lui bến. Tiếng máy nổ xé tan màn sương lạnh, đẩy chiếc ghe chầm chậm rẽ sóng. Chợ hoa xuân mới chiều nay còn nhộn nhịp kẻ bán người mua, giờ trở nên vô cùng vắng lặng. Tôi đi lang thang dọc bờ sông về nhà, vẫn nghe trong từng đợt gió xuân se lạnh, có hương hoa nào còn phảng phất đâu đây.
T.C.H