Thứ Hai, 11/11/2019 09:13

Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Mỗi cuốn tiểu thuyết là một đoạn đời

Cuối thế kỉ trước, khi Cơ hội của Chúa được công bố, lập tức tên tuổi Nguyễn Việt Hà được đóng đinh vào hàng ngũ không nhiều những nhà cách tân tiểu thuyết... (HOÀNG ĐĂNG KHOA)

TRÒ CHUYỆN THÁNG 8

 Khách mời: nhà văn Nguyễn Việt Hà

Người thực hiện: Hoàng Đăng Khoa

 

 

 

Cuối thế kỉ trước, khi Cơ hội của Chúa được công bố, lập tức tên tuổi Nguyễn Việt Hà được đóng đinh vào hàng ngũ không nhiều những nhà cách tân tiểu thuyết. Và từ đó đến nay, mỗi lần tác giả này xuất hiện là một lần ấn tượng. 20 năm 10 đầu sách, gồm 2 tập truyện ngắn, 4 tập tản văn và 4 tiểu thuyết. Thị dân tiểu thuyết vừa ra mắt bạn đọc là thế giới nghệ thuật với mê lộ cấu trúc chằng chịt liên văn bản đông tây kim cổ, sắc lẻm hào sảng tiếng cười trào giễu bông phèng, lịch lãm duyên dáng ý giọng lấp lửng tưng tửng, tiểu thuyết tản văn tiểu luận tích hợp bất phân. Vẫn là một Nguyễn Việt Hà như vốn là…

 

- Chúc mừng ông vừa công bố tác phẩm Thị dân tiểu thuyết (Nxb Trẻ, 2019). Ông có thể chia sẻ một chút về chủ ý chọn đặt tên sách lần này, khi mà so với Cơ hội của Chúa (1999), Khải huyền muộn (2003), Ba ngôi của người (2014), thì Thị dân tiểu thuyết vẫn là… “tiểu thuyết” về “thị dân”?

+ Tôi là người đặt tên sách rất kém. Hầu như tên các tập tạp văn của tôi là do người khác đặt, tất nhiên họ chọn tên một bài của chính tôi ở trong tập. Cuốn đầu tiên tôi đặt là “Lối rẽ của văn”, anh đầu nậu góp ý đổi thành Nhà văn thì chơi với ai để dễ bán. Cuốn Con giai phố cổ lúc đầu tôi đặt là “Ma nữ ngây thơ”, vì tôi vốn thích truyện chưởng; chị biên tập nói cuốn này rất Hà Nội, nên đổi thành… và tôi OK ngay. Tính tôi dễ mà. Nhưng đấy là tạp văn, còn tiểu thuyết lại là chuyện khác. Có những người đặt tên cho tiểu thuyết hay vô cùng, như Nguyễn Bình Phương chẳng hạn. Cơ hội của Chúa thì khi viết xong tôi mới loay hoay tìm được tên. Khải huyền muộn thì tên đặt ngay lúc bắt đầu. Còn Ba ngôi của người thì tên đặt lúc đang viết dở. Chủ đề của “bộ ba” này khá giống nhau, đó là đô thị rồi tuổi trẻ, đương nhiên có những băn khoăn tôn giáo và hơi nặng về độc thoại.

Thị dân tiểu thuyết khác hơn rất nhiều, cách kể của nó thiên về đối thoại. “Thị dân” là khái niệm không mới, nhưng khá nhiều người hiểu nhầm về nó. Đa phần hiểu theo cái nghĩa “tiểu thị dân”.

- Tôi cứ không thôi thắc mắc, rằng tại sao đô thị mọc lên dọc dài dải đất hình chữ S này đã hơn một thế kỉ nay, vậy mà văn học Việt Nam cơ bản vẫn cứ mãi là văn học về thôn dân…

+ Hình như trong một bài phê bình văn học thời 1930-1945, ông Hoài Thanh nói: “Trong mỗi người An Nam đều có một người nhà quê”. Lịch sử đô thị ở ta, phần lớn hình thành trên nền văn hóa làng. Trong quá trình phát triển, đô thị “nuốt” dần dần những làng ven đô vào nó. Đấy là chưa kể dân từ các vùng nông thôn khác vì mưu sinh mà tràn tới. Cho dù dan díu một thời gian dài với đô thị, nhưng sâu xa ở những cư dân vẫn giữ một tinh thần làng xã. Đương nhiên khi ăn như thế yêu như thế thì họ sẽ viết như thế. Bây giờ làng Láng đã thành đường Láng. Làng Hòa Mục đã thành trung tâm khu Trung Hòa - Nhân Chính sặc sỡ xanh đỏ, một khu ăn chơi sành điệu lừng danh kinh kì. Làng Phú Thượng lô nhô cao ốc dở ta dở Tây với cái tên Ciputra đầy ắp những cư dân mới tinh người ngoại tỉnh dư tiền mua biệt thự. Và hình như họ đều biết rằng, dưới cái nền nhà sang chảnh lát gỗ pơ mu mà mình đang ở, chính là nền ruộng của ngôi làng đầy tự hào về trồng đào tết.

Đó là lí do khi nói về Hà Nội người ta hay dùng chữ “lắng đọng”. “Đọng” là phần kết tủa trì trệ, còn “lắng” là phần tinh hoa kết tinh. Hà Nội đẹp nhất là ở phần này. Không phải ngẫu nhiên mà bất cứ ai có mong manh đôi chút chất “nghệ”, bất kể gốc gác thập phương tứ xứ, đã ở Hà Nội một đoạn thì chợt nhiên thăng hoa thành nghệ sĩ. Có lẽ vì Hà Nội vốn tự thân là một thành phố dày dặn văn hóa và nghệ thuật.

- Đến hôm nay, theo quan sát của tôi, thảng hoặc ở đâu đó có tác phẩm viết về đô thị thì thường khi vẫn là từ điểm nhìn của thôn dân ngụ cư trông vời cố xứ, với cái nhìn nhị nguyên và cách kiểu diễn ngôn có từ thời Vũ Trọng Phụng: nông thôn thì thuần khiết nguyên bản, đô thị thì phồn tạp tha hoá. Ông có thấy như vậy không?

+ Điều này cũng không hẳn đúng, bởi thành phố lớn như Hồ Chí Minh hay Hà Nội mà giờ đây người ta quen sống, đã có lịch sử trên cả trăm năm. Nó có hẳn hoi một lớp thị dân của riêng nó. Đương nhiên, cũng phải có những tác phẩm văn học của riêng thị dân. Những cuốn tiểu thuyết hay về đô thị không hề hiếm. Sài Gòn trước bảy nhăm có những tác giả rất oách chuyên trị đề tài này. Nhưng bởi nhiều lí do, họ bị lãng quên một cách rất đáng tiếc. Còn chỉ cần theo cái nhìn lịch sử văn học trong nhà trường, ta cũng dễ dàng có thể kể, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng này, Bỉ vỏ của Nguyên Hồng này, hay Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng này. Tất nhiên, vì đang thời manh nha hình thành, nên chúng phảng phất mùi “nhị nguyên” như bạn nói.

Theo logic của vấn đề, muốn có tiểu thuyết về Hà Nội chẳng hạn thì phải có “người Hà Nội” đã. Trong một bài viết về Hà Nội tôi có lí giải: “Khái niệm người Hà Nội thì đương nhiên khác khái niệm người ở Hà Nội, cho dù theo năm tháng những người ở Hà Nội, phần nào đấy, rất dễ thành người Hà Nội. Những người Hà Nội gốc gác xa xưa tuy đã thấp thoáng ẩn hiện ở Thượng kinh kí sự của thần y Lê Hữu Trác, ở Vũ trung tùy bút của lãng tử Phạm Đình Hổ, thế nhưng phải đến thượng bán thế kỉ XX họ mới thực sự có một chân diện đậm nét. Họ là những người thấm đẫm cốt cách phương Đông nhưng ung dung phóng khoáng khi tiếp nhận văn hóa phương Tây. Ở thời đoạn sơ khai ra một Hà Nội hiện đại này, không thể không nhắc đến vai trò của người Pháp. Tất nhiên, ngoài phần lớn những tên thực dân tham lam hung hăng, nước Pháp còn đem theo vào những đứa con tử tế nhất làm quà tặng riêng cho Hà Nội. Đó là những trí thức văn nghệ sĩ đích thực, chân thành đem tinh hoa văn hóa phương Tây tới Thăng Long-Kẻ Chợ. Không phải ngẫu nhiên mà ở hôm nay, Hà Nội vẫn trân trọng có con phố với vườn hoa tuyệt đẹp mang tên Yec Xanh. Có thể nói không ngoa, thế hệ vàng thi văn tiền chiến với những Thế Lữ, Xuân Diệu, Thạch Lam… là hệ quả thành tựu từ sự tiếp biến văn minh tích cực ấy. Và không chỉ văn hóa, kinh tế ở Hà Nội cũng có những đổi thay nhất định. Một giai tầng trung lưu tương đối dư dật đã xuất hiện, nó tạo tiền đề manh nha khởi sinh một lớp thượng lưu có chữ thuần Việt vẫn được quen gọi là tư sản dân tộc. Ở sâu xa nội lực tâm hồn của tất cả lớp thị dân hiện đại ban sơ này, đã hình thành nên các phẩm tính mà bây giờ chúng ta vẫn coi là Hà Nội. Đó là sự tinh tế tài hoa cầu kì kiêu bạc, là sự thẩm thực thẩm âm thẩm văn thượng thặng, nhưng cực kì tự nhiên nhi nhiên. Đã là người Hà Nội thì không bao giờ phải cố. Họ vô tư trong sáng ái quốc, nồng nàn hồn nhiên ngay cả khi phải khắc nghiệt lao động và chiến đấu. Có thể thấy rất rõ những phẩm chất đó trong thế hệ chiến binh đầu tiên của Trung đoàn Thủ Đô khét tiếng mà nòng cốt là những học sinh tiểu tư sản, những người buôn bán nhỏ hay những công chức trẻ. Thật dễ hiểu khi ngã xuống thành liệt sĩ, hình tượng của họ luôn thăng hoa cảm động trong văn trong nhạc trong họa của lớp thị dân kế tiếp”.

Những nhân vật có chữ trong Thị dân tiểu thuyết cũng nằm trong mạch chảy thơmsạch này. Đây là nguồn sinh lực chính để giữ cho chất Hà Nội bớt phôi pha. Đương nhiên đặc sản của Hà Nội thì phải có cả “kẻ cắp chợ Đồng Xuân” hay “phe phẩy chợ Giời”, đại loại như nhận định mà bạn vừa dẫn, “đô thị phồn tạp tha hóa”. Tôi đã tự bỏ đi một chương dài viết về những kiểu sống của vỉa hè để tập trung vào những người mang vẻ trí thức. Nhưng đã là văn hóa của Kẻ Chợ thì rất khó tránh được sự ồn tạp. Đấy là lí do hai nhân vật chính của tôi trong cuốn tiểu thuyết mới này lại là “thằng Tĩnh” rồi “ông Lâm”. Thị dân đương đại mang đậm nét dở ông dở thằng.

- Xưa nay người ta thường mặc định, rằng nhà văn thì phải xê dịch, để có thể thu vào tầm mắt đặt lên lòng tay rộng dài thế giới sâu thẳm nhân quần… Nhưng ông lại có vẻ như chẳng cần đi đâu ra ngoài bán kính vài kilômét từ phố Nhà Chung của Hà Nội; chỉ cần nhẩn nha dốc cái vốn liếng Hà Nội, cái vốn liếng sách vở cổ kim đông tây cùng cái khiếu kể chuyện của mình lên trang sách là đủ để làm nên độc đáo đặc sắc văn hiệu Nguyễn Việt Hà…

+ Có một sáo ngôn thỉnh thoảng lại hay được nhiều người viết nhắc, có lẽ do nó đúng một cách trung bình. Đại loại, một nhà văn thì nên dành một phần ba cuộc đời cho xê dịch, một phần ba thì cho việc đọc, phần còn lại thì ngồi viết. Tôi hồi trẻ cũng hay đi lang thang, nhưng chưa bao giờ sống xa Hà Nội quá ba tháng. Và đúng là khoảng hai chục năm lại đây, sau khi viết xong Cơ hội của Chúa, thì hầu như chẳng đi đâu nữa. Cũng có nhiều lí do, đôi khi chỉ giản dị đời thường thôi, ví như bố mẹ thì già, con cái thì nhỏ.

Đến cuốn tiểu thuyết mới nhất này, Nguyễn Việt Hà mới chính thức đưa nhân vật mà mình sử dụng để kể câu chuyện về Hà Nội lên nhan đề: thị dân. Một nhan đề ngả hẳn sang màu sắc thế tục, nếu đặt bên cạnh ba tiểu thuyết trước đó của ông vốn mang âm hưởng tôn giáo và tham vọng khái quát tấn kịch của nhân sinh. Nhưng thực ra văn chương của Nguyễn Việt Hà vốn dĩ vẫn luôn là câu chuyện về/của lớp thị dân Hà Nội. Những phát hiện của ông về diện mạo của con người thị dân Hà Nội đương đại, với cá nhân tôi, có sức gợi mở cho những suy tư nhân học về bản sắc của thành phố này.
                                                                                                            Tiến sĩ TRẦN NGỌC HIẾU

Trường hợp nhà văn ít đi thì ở lịch sử văn chương cũng không hề hiếm, dễ thấy nhất là William Faulkner. Ông này sau khi viết xong Âm thanh và cuồng nộ thì hầu như chỉ loanh quanh ở nhà. Lúc đó mới khoảng ba mươi. Và tất nhiên sau kiệt tác ấy, ông còn viết thêm gần chục cái kinh hoàng nữa. Rồi ngay như trường hợp Vũ Trọng Phụng mà bạn đã nhắc chẳng hạn. Ông Vũ mất rất trẻ, hiển nhiên không có thời gian cho những chuyến đi theo cái kiểu mà bây giờ người ta hay khuyên những nhà văn trẻ, phải “thâm nhập thực tế”. Tôi kể ra chuyện hai vị đại sư này chẳng hàm ý gì, chỉ cốt nói một điều, vốn liếng ở nhà văn là một thứ vừa buồn cười vừa khó hiểu. Sinh lực để nuôi dưỡng nó chính là trữ lượng cảm xúc. Bởi tiểu thuyết nói cho cùng vẫn là câu chuyện của vui buồn. Nó không phải là một tác phẩm triết học và càng không phải là một cuốn về đạo đức học. Có lẽ nó được hình thành từ một nỗi đau sâu kín nào đó.

- Cuối thế kỉ trước, khi Cơ hội của Chúa được công bố, lập tức tên tuổi ông được đóng đinh vào hàng ngũ không nhiều những nhà cách tân tiểu thuyết ấn tượng. Ông chủ ý nỗ lực cách tân lạ hoá thể loại tiểu thuyết thật không, hay đơn giản chỉ là tự nhiên hồn nhiên viết ra như thế? Hỏi thế là vì tôi cứ nghĩ, rằng nhà văn nếu tự tin đi tận cùng cái tôi đầy tràn của mình thì sẽ tự khắc trừu xuất được vân chữ mùi chữ độc sáng.

+ Tôi hiểu ý bạn “hồn nhiên viết” tức là thả lỏng ngòi bút. Nhưng, đúng như bạn nói, một người cầm bút trước khi dám viết một cuốn tiểu thuyết tử tế một cách “hồn nhiên” thì anh ta phải “đi tận cùng cái tôi đầy tràn của mình”. Viết một cuốn sách dài chừng hơn ba trăm trang, chưa bàn chuyện hay dở chuyện chăm chỉ lao động, thì ngoài việc từng trải luôn đòi hỏi một sự chín chắn, đặc biệt về tư duy. Khi sống đến một thời đoạn nào đó tự cho là đầy đủ, người ta mới can đảm viết. Hơn nữa, viết tiểu thuyết không phải là một công việc. Đi buôn, đọc sách, viết lí luận phê bình là công việc. Còn làm thơ hay viết tiểu thuyết là vì người ta sống. Cuốn tiểu thuyết đấy chính là một đoạn đời. Nếu cuốn tiểu thuyết ban đầu là khỏe mạnh, thì cuốn tiểu thuyết sau có thể sẽ suy đồi hoặc yếu ớt. Hoặc ngược lại. Chẳng có gì cố ý ở đây cả, bởi đời sống con người vốn vậy. Còn chuyện cách tân cũng chỉ là cách nói. Bởi ở những người viết trẻ, thì “tân” đã chính là họ, thế thì cần gì phải “cách”. Khổng Tử bảo “nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân” cơ mà. Sống như thế nào thì sẽ hoặc viết hoặc vẽ hoặc làm nhạc như thế. Chỉ có người cổ hủ đã già mới thích cách tân. Mà đã “hủ” đã “lão” thì đâu cần đợi tuổi. Tôi tự dịch chữ “hủ” là thiu. “Thiu” nguy hiểm hơn “ôi” vì nó không bị mùi, trông giống như là ăn được. Thậm chí được phi hành phi mỡ còn khét lẹt thơm. Bất hủ là tươi mới là không thiu.

Người ta kể rằng M.Proust khi viết kiệt tác Đi tìm thời gian đã mất thì bán hơn nửa gia tài được thừa kế, cốt để sống giống hệt như những quý tộc Pháp cuối mùa. Nhàn tản, bải hoải tinh tế, bơ phờ sang trọng, ông coi đấy là một tâm trạng để đón một ngày mới (nhật tân). Có thể ông cho rằng, phải ăn như thế ngủ như thế thì may ra sẽ nghĩ được như thế. Ý thức cách tân tích cực nhất là đừng để mình thiu.

- Đọc cuốn tiểu thuyết thứ tư mà ông vừa công bố, gặp lại một Nguyễn Việt Hà như vốn là; vẫn câu chuyện của con phố ấy thành phố ấy, vẫn mê lộ cấu trúc chằng chịt liên văn bản, vẫn tiếng cười trào giễu bông phèng, vẫn ý giọng lấp lửng tưng tửng, vẫn tiểu thuyết tản văn tiểu luận tích hợp bất phân… Ông có tiên liệu, rằng việc tiền hậu như nhất này của mình sẽ làm rơi rụng khách văn ít nhiều?

+ Tử vi của tôi “Thân Mệnh đồng cung” cư ở Dần, có nghĩa là “tiền hậu như nhất” như bạn nói. Tôi thích một ngoa ngôn không nhớ nguyên văn của Milan Kundera, nôm na là, một cuốn tiểu thuyết mà tự lặp lại, không bàn chuyện lặp lại người khác, chỉ cần lặp lại mình thôi cũng là một cuốn vô đạo đức. Tôi chưa bao giờ làm ra mắt sách, trừ cái lần tới Paris khi Cơ hội của Chúa được dịch. Còn cuốn mới của tôi, nhà xuất bản bảo bán có vẻ ổn. Ơn giời, thường một nhà văn nào đó đã định danh đều luôn có một lượng độc giả trung thành nhất định của riêng mình.

- Trong Thị dân tiểu thuyết, ông có viết đại ý, rằng mục đích tối thượng của sự đối thoại giữa nhà văn và những độc giả cao cấp là đạt tới một sự hiểu nhau trong thinh lặng, rằng Nabokov viết Lolita là cho “một số ít bọn phi thường nhà văn”. Vâng, tính đại chúng nên được xem là trở lực trên hành trình tiến hoá của văn học, không nên được xem là thước đo của văn học, thưa ông?

+ Chuyện tác phẩm có tính đại chúng ăn khách hay tính nghệ thuật vắng khách thì đã được bàn rất nhiều. Ở đây chúng ta nên đặt nó vào một khoảng không-thời gian mang tính đặc thù. Đức Phật quảng đại từ bi như thế mà cũng phải “tùy cơ thuyết pháp”. Bởi muốn nói gì thì nói, độc giả vẫn chia thành thượng, trung, hạ. Gặp giai nhân thì nên tặng mĩ phẩm hay sách ngôn tình, gặp văn nhân thì nên tặng rượu quý. Tất nhiên cũng có quý bà quý cô uống rượu thành thần nhưng số đó đâu có đông.

Tôi có dự buổi ra mắt Lolita dịch ra tiếng Việt, và cực ngạc nhiên khi ông dẫn chương trình khẳng định rằng nó sẽ gây một cơn sốt cho người đọc Việt Nam. Nabokov có kể là ông lấy cốt truyện trên một tờ báo lá cải kiểu như cướp giết hiếp. Nhưng cũng nên nhớ rằng Humbert, nhân vật chính của Lolita, là một giáo sư văn chương có viết văn. Nhà văn thì không phải là cái gì quá siêu đẳng khó hiểu, nhưng chắc chắn nó là số ít, vừa phức tạp vừa là giống không bình thường. Đã thế nó lại độc thoại bằng giọng đặc sệt của nghề. “Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ”, Nguyễn Bính ở ta cũng nghẹn ngào dặn vậy. Tôi chưa từng thấy một ông nhà văn tử tế nào lại sở hữu một gia đình hớn hở. Đã thật là nhà văn thì thời nào cũng chẳng nhiều. Có phải vậy chăng mà “tính đại chúng sẽ thành trở lực trên hành trình tiến hóa của văn học” như bạn nói. Văn chương rất giống hội họa, bởi sự đối thoại với im lặng. Nó có phải là điện thoại di động đâu mà cần phủ sóng toàn quốc. Chính vì thế mà có những cuốn sách rất hay, nhưng vì không có duyên nên chúng ta không được đọc. Văn chương cũng rất giống tôn giáo, nó hoàn toàn là nhu cầu tự thân. Mẹ tôi lúc sinh thời, đều đặn ngày nào cũng đi lễ hai lần, sáng sớm và chiều muộn. Bà bảo đấy là việc riêng của bà với Chúa, nó chẳng dính dáng gì tới cái chuyện rằng mình sẽ được tiếng là người ngoan đạo. Tôi cũng tin rằng tiểu thuyết là câu chuyện của riêng từng người, khái niệm “nền tiểu thuyết” là khái niệm hài hước.

- Quan sát văn học Việt Nam những năm gần đây, tôi ấn tượng với sự xuất hiện tự tin tự chủ của một lớp tác giả trẻ đọc nhiều hiểu rộng, đa năng, hăm hở với cái mới cái khác cái khó, ý thức sâu sắc cao độ về nghề nghiệp. Ông có theo dõi họ không, có lạc quan về tương lai văn học nước nhà không?

+ Vì mưu sinh nên tôi cũng phải hay viết báo. Đó là lí do tôi giữ mục tạp văn cho vài tờ nguyệt san. Khoe một tí, nhân ngày báo chí 21/6 vừa rồi, tôi cùng một nhóm tác giả của tờ Nhân dân hàng tháng được giải A báo chí toàn quốc. Và khi một thằng nhà văn đi viết báo thì ngoài chuyện linh tinh như kinh tế rồi thời sự thì biết viết gì nếu không bàn về nghề. Đương nhiên tôi “có theo dõi một lớp tác giả trẻ đọc nhiều hiểu rộng”. Tôi ấn tượng với Ngựa thép của Phan Hồn Nhiên, thích Xuyên Mĩ của Phan Việt nhưng rất không thích Tiếng người cũng của tác giả này. Còn những tác giả trong hệ “Văn nghệ quân đội” thì lần lượt theo thời gian đọc là Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Đỗ Bích Thúy, Uông Triều và cuốn mới đọc gần đây nhất là Con chim joong bay từ A đến Z của Đỗ Tiến Thụy. Có điều, những nhà văn này là 7x, hình như không còn “trẻ” nữa. Nhà xuất bản Trẻ vừa tặng tôi một bộ sách của các tác giả trẻ có Đinh Phương mà trước đấy tôi đã đọc Nhụy khúc nhưng không thích bằng Chuyến tàu nhật thực, rồi Nhật Phi với Người ngủ thuê mà tôi có gặp “ọp lai” ở cà phê Hàng Hành.

Ở đây chúng ta đang bàn về văn xuôi viết dài nên tôi cũng muốn nhắc một câu không rõ nguyên văn của Lev Tolstoy, một chuyên gia đầu ngành về tiểu thuyết, đại ý là ông không tin những người viết tiểu thuyết dưới ba mươi tuổi, lại càng không tin những người đã trên bảy mươi tuổi. Hình như ông có nhấn mạnh rằng, tuổi vàng của tiểu thuyết gia là từ băm nhăm đến năm nhăm. Nếu theo cái “ba rem” ấy thì tôi đã là thứ quá “đát”.

- Ở một hướng quan sát khác, tôi thấy văn học Việt Nam có vẻ như đang là thời của tiểu thuyết, tức là “văn xuôi viết dài” như ông vừa nói, khi mà nhiều tác giả thành danh ở thể loại truyện ngắn chuyển hẳn sang viết tiểu thuyết, nhiều tác giả trẻ trình làng tác phẩm đầu tay là tiểu thuyết, có tác giả thành danh ở thể loại thơ một ngày đẹp trời cũng ra mắt tiểu thuyết… Cứ tưởng con người của thời đại chỉ vừa khuôn với những cái viết ngắn đọc nhanh, nhưng thì ra hình như không phải. Ông kiến giải như thế nào về nghịch lí thú vị này?

+ Giáo lí của các tôn giáo lớn, đặc biệt là Phật giáo, nói rất hay về hai trạng thái “thô” và “tinh”. Có cái đúng và cái đẹp nhưng rất “thô”, vì thế nó không bao giờ đạt tới cảnh giới của “tinh”. Những người đã sâu sắc tinh tế thì rất khó thỏa mãn được với những gì “viết ngắn đọc nhanh”. Những người đã thực sự yêu văn thì đa phần đều là “yêu tinh”. Đại để là sâu cay dày vỏ. Thể loại tiểu thuyết đáp ứng được điều đó. Viết tiểu thuyết với những người đã sáng tác văn, luôn có một nỗi niềm cuốn hút ma mị, từa tựa như sự quyến rũ của chất liệu sơn dầu đối với đám họa sĩ. Nó giống hệt như những người mê nhạc không lời thì thường kính trọng cây dương cầm. Ai cũng biết, thể loại của văn chất liệu của vẽ hay dụng cụ âm nhạc thì tất thảy đều là phương tiện. Có điều, không phải loại nào cũng dễ dàng dung chứa được bằng hết mọi sắc thái tình cảm. Mà bản chất của nghệ thuật là tình. Một bậc thầy chơi đàn tính tẩu thì vẫn có thể là bậc thầy, nhưng nếu là một bậc thầy chơi đàn piano thì đấy là thần tiên. Đó là chưa kể với những người có đôi chút thành danh trong nghề văn, thì viết tiểu thuyết vừa là thử thách nghệ thuật cho chính mình vừa là khẳng định “trình” nghề của mình. Ai cũng thích rằng mình đã lớn đã trưởng thành. Nhất là nghệ sĩ, hầu như chẳng ai lại chịu về nhì cả.

- Là người có tiểu thuyết được chọn dịch in ở nước ngoài, ông có thể chia sẻ một vài suy tư của mình, về khoảng cách hiện tại giữa tiểu thuyết Việt Nam và tiểu thuyết thế giới, về công việc quảng bá tiếp thị tiểu thuyết Việt Nam ra thế giới…

+ Về chuyện tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu thì thật chân thành, tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Và nếu có khoảng cách nghệ thuật nào đó giữa nó với thế giới, mà chắc chắn là có, thì đấy là chuyện của giời chứ không phải chuyện của người. Tài năng mà Thượng đế ban cho mỗi dân tộc, đặc biệt ở văn chương, bao giờ cũng là một dự án tuyệt mật. Còn câu chuyện về công việc quảng bá tiếp thị cho nó, thì sau khi đi Pháp về nhân vụ Cơ hội của Chúa được dịch, tôi cũng được nhiều người hỏi. Tôi cũng có trả lời và thật tình không nhớ rõ là mình đã từng nói linh tinh điều gì. Tất nhiên phải cố tránh nói những điều làm mếch lòng những người quản lí văn học ở ta. Bởi với tôi, cái slogan “Văn học Việt giong buồm ra thế giới” mãi chỉ là thứ khát khao của ai đấy. Quá nhiều hội thảo của nhà nước lẫn tư nhân diễn ra dưới khẩu hiệu này, và giờ đây đều vô tăm tích.

Nhắc đến vai trò của tư nhân, tôi xin kể một chuyện của riêng tôi, vì chúng ta đang sống trong phong trào xã hội hóa mọi ngành nghệ thuật. Trước hôm sang Paris, có một hãng đồ uống cho đến giờ vẫn nổi tiếng tìm đến tôi với nhã ý tài trợ. Mừng, vì các đại gia ở ta cho đến hôm nay vẫn chỉ tài trợ cho showbiz hay bóng đá. Điều kiện thì cũng đơn giản thôi, logo của hãng đấy sẽ in ở bìa bốn của cuốn sách. Thank you very much. Và tôi gọi sang nhà xuất bản thì cũng được OK. Sau một hồi bàn tính, nhà tài trợ đồng ý tài trợ cho tôi. Tôi ra mắt sách ở một nhà sách gần Notre-Dame, có tên dịch ra tiếng ta là “Phượng Hoàng”, nơi mà người ta tự hào giới thiệu là chuyên bán sách của châu Á. Đại loại trên là trời và dưới là sách Tàu, sách Nhật rồi sách Hàn… Hầu như không có tiểu thuyết Việt, hình như có Linda Lê. Tôi lật thử vài cuốn sách của các nước bạn, gần như bìa bốn của cuốn nào cũng có logo tài trợ của một hãng lừng danh ở chính nước họ. Theo tôi biết thì cho đến bây giờ, tất tật sách Việt nếu nhỡ có được dịch sang tiếng nước ngoài, bìa bốn đều trắng tinh.

Tiểu thuyết Việt được đàng hoàng dịch sang tiếng nước khác đâu có nhiều, đã thế những người viết ra nó đều đương nhiên là không giàu. Liệu các đại gia dư dật hay nói yêu văn chương ở ta có để ý đến điều ấy không. Đây có thể là một trong những “khoảng cách” giữa tiểu thuyết Việt và thế giới chăng./.