Thứ Sáu, 10/09/2021 16:57

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã ra đi

Bệnh viện Quân y 175 tại TP. Hồ Chí Minh vừa thông tin cho biết, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã từ trần hồi 13 giờ 50 phút ngày 10/9/2021 sau một thời gian chiến đấu với virus corona.

Bệnh viện Quân y 175 tại TP. Hồ Chí Minh vừa thông tin cho biết, nhà văn Nguyễn Quốc Trung của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã từ trần hồi 13 giờ 50 phút ngày 10/9/2021 sau một thời gian chiến đấu với virus corona.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung sinh ngày 27/10/1956 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1974 ông nhập ngũ, ông tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi Sài Gòn giải phóng ông làm nhiệm vụ quân quản, sau đó, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, thực hiện nhiệm vụ của người lính, ông tiếp tục lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Từ chiến trường trở về, ông được Quân đội cử đi học tại Trường Viết văn Nguyễn Du. Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm việc tại cơ quan thường trực phía Nam của Tạp chí. Sau khi nghỉ hưu, ông sống và viết tại TP. Hồ Chí Minh, trú tại Quận Tân Bình.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung là tác giả của các tiểu thuyết: Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Người đàn bà khóc mướn, Thời chúng mình yêu nhau, Người trong cõi người, Đất không đổi màu, Thành phố độc thân, Dòng sông bên chùa. Ông cũng là tác giả viết truyện ngắn, đã xuất bản các tập truyện: Người đàn bà hồn nhiên, Đêm trừ tịch, Trong tiết thanh minh, Người đến từ nước Mỹ, Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu

Trong sáng tác của ông, bạn đọc quen thuộc với những trang viết về chiến trường, về đồng đội, về những người lính, về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và sự hi sinh của những người con nước Việt trên đất Campuchia. Bên cạnh đó là những trang viết của ông về cuộc sống đời thường. Lối sống giản dị và sự cô đơn trong đời tư, ông coi những con chữ là bạn. Ông cũng thường viết về những phận người dưới đáy của xã hội. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông cho cho biết: "Bây giờ ở thành phố tôi viết về cuộc sống bình thường trong xã hội tạm gọi là thị dân. Nếu viết về chuyện tình yêu trai gái thì tôi không thể bằng anh chị em nhà văn trẻ, nên tôi phải tìm ra hướng đi riêng: Viết về những người khổ nhất, tưởng như họ bị gạt ra trong xã hội, nhưng chính họ là hồn cốt, đặt ra nhiều câu hỏi về thân phận con người nhất”. Dịp ra mắt tập truyện ngắn Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu, nói về tập sách này, ông từng chia sẻ: “Qua đây, tôi cũng muốn đề cập đến sự tha hóa của con người diễn ra khắp mọi tầng lớp và chính người ta cũng hiểu được điều đó. Đấy cũng là bi kịch của kiếp người”. Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu là tập truyện mới của ông được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý 2 năm 2016. Sau đó ông còn in tiểu thuyết Dòng sông bên chùa tại Nhà xuất bản Văn học, năm 2019.

Tiểu thuyết "Dòng sông bên chùa" của Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung, được Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2019. 

Tuy từng viết và in tới cả chục nghìn trang sách nhưng ông quan niệm về nghề khá giản dị. Trong cuốn "Nhà văn hiện đại" của Hội Nhà văn Việt Nam, in lần thứ 5, phát hành năm 2020, nhà văn Nguyễn Quốc Trung nghĩ về nghề văn ngắn gọn: Không có nghề nào vất vả và thú vị như nghề viết văn.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung từng đoạt Giải thưởng Văn học Sông Mê Kông lần thứ nhất trao cho 2 tiểu thuyết Đất không đổi màuNgười đàn bà khóc mướn; Giải Nhất truyện ngắn Báo Sài Gòn Giải phóng với truyện ngắn Những tia chớp phía chân trời. Ngoài ra ông còn được trao giải thưởng bút kí Đài Tiếng nói Việt Nam; Truyện ngắn hay Báo Văn nghệ; Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng… cùng một số giải thưởng khác. Một số tác phẩm của ông đã được dựng thành phim như Đêm trừ tịch, Dời nhà lên phố.

Những ngày cả TP. Hồ Chí Minh lâm vào thảm cảnh của đại dịch Covid-19, do thể lực yếu, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã được anh em, bè bạn khuyên chú ý giữ gìn sức khỏe. Sau khi được tiêm vaccine mũi 1, ông vẫn an toàn, đến trước ngày tiêm vaccine mũi 2 ông thấy trong người không được khỏe, kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2. Ông đã nhập Quân y Viện 175 chữa trị ngày 30/8/2021. Trong những ngày nằm điều trị tại Viện 175, Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung vẫn thể hiện sự lạc quan, vui vẻ. Ông thường nhắn tin trao đổi với bạn bè trong Nam, ngoài Bắc, trong đó có anh em của Tạp chí Văn nghệ Quân đội về tình trạng sức khỏe của mình. Nhưng cách đây 2 hôm thì ông không trả lời được các cuộc gọi và tin nhắn nữa, sự im lặng diễn ra trong nỗi lo lắng của nhiều người mà không biết làm gì khác hơn là nín thở chờ đợi.

Cuối cùng, đại dịch Covid-19 đã cướp đi thêm một con người - Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Ông đã ra đi trước sinh nhật tuổi 65 hơn một tháng.

VNQĐ