Thứ Hai, 05/04/2021 16:44

Nhà văn đầu tiên lọt vào danh sách đề cử giải Man Booker quốc tế

Ngũgĩ wa Thiong'o trở thành nhà văn đầu tiên được đề cử cho giải thưởng Man Booker quốc tế với tư cách vừa là tác giả vừa là dịch giả của một cuốn sách viết bằng ngôn ngữ bản địa châu Phi.

Ngũgĩ wa Thiong'o trở thành nhà văn đầu tiên được đề cử cho giải thưởng Man Booker quốc tế với tư cách vừa là tác giả vừa là dịch giả của một cuốn sách cũng là người được đề cử đầu tiên viết bằng ngôn ngữ bản địa châu Phi.

Nhà văn Ngũgĩ wa Thiong'o.

Nhà văn Ngũgĩ wa Thiong'o 83 tuổi người Kenya, vốn là ứng viên được yêu thích của giải Nobel văn học. Năm nay ông cũng trở thành một trong 13 tác giả được đề cử cho giải văn học quốc tế dành cho tiểu thuyết được dịch hay nhất, được trao hai năm một lần cho một tác giả còn sống thuộc bất cứ quốc tịch nào, cho tác phẩm xuất bản bằng tiếng Anh hoặc được dịch sang tiếng Anh, có phần thưởng tiền mặt trị giá 50.000 bảng Anh sẽ được chia đều cho tác giả và dịch giả.

The Perfect Nine, cuốn tiểu thuyết của ông viết bằng tiếng Bantu Gikuyu, được ban giám khảo miêu tả là “một câu chuyện độc đáo và thơ mộng về vị trí của phụ nữ trong xã hội của các vị thần”.

Thiong'o đã viết các tiểu thuyết như A Grain of Wheat (tạm dịch: Một hạt lúa mì) và Petals of Blood (tạm dịch: Những cánh hoa máu), cho đến những năm 1970, ông quyết định sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Vào 1977, ông ra mắt vở kịch Ngaahika Ndeenda (tạm dịch: Tôi sẽ kết hôn khi tôi muốn) thể hiện tinh thần phản kháng giai cấp thống trị. Vở kịch đã khiến Daniel Arap Moi, Phó Tổng thống Kenya khi đó, nổi giận và nhà văn bị bỏ tù không xét xử. Ông bị giam một năm trong nhà tù an ninh tối đa, công việc bị chính phủ Kenya cấm cản. Dù vậy ở trong tù, ông vẫn viết cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiền của Gikuyu, Devil on the Cross (tạm dịch: Ác quỷ trên thập giá) trên giấy vệ sinh. Nhờ tới sự can thiệp của Tổ chức Ân xá quốc tế và đông đảo người biểu tình trên thế giới, sau đó ông được thả nhưng cũng biết tin chính quyền Kenya lên kế hoạch thủ tiêu ngay khi ông trở về. Điều này buộc Wa Thiong’o phải sống lưu vong tại nước ngoài. Nhưng chế độ của Arap Moi vẫn không từ bỏ dã tâm. Bất cứ nơi nào Wa Thiong’o đặt chân tới, ông cũng có nguy cơ bị trục xuất hoặc ám sát. Trong nước, các tác phẩm của Wa Thiong’o bị đưa ra khỏi sách giáo khoa. Cảnh sát Kenya lùng sục khắp mọi nhà xuất bản và hiệu sách để tiêu hủy sách của ông.

Dù nguy hiểm nhưng Wa Thiong’o chưa một lần gác bút. Các sáng tác của ông tiếp tục được thế giới ủng hộ. Nhờ ý chí và sự uyên bác, ông được chào đón tại các trường đại học danh giá. Ông từng nhận 10 bằng tiến sĩ danh dự tại nhiều nước trên thế giới, là thành viên danh dự của Viện Hàn lâm nghệ thuật và văn chương Mĩ. Năm 2002, khi Arap Moi thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống, Wa Thiong’o mang khát khao được trở lại quê hương. Tới 2004, khi Arap Moi bị loại khỏi chính quyền, Wa Thiong’o và vợ mới về Kenya, sau 22 năm sống lưu vong. Vậy nhưng, các thế lực thù địch vẫn không buông tha cho ông. Ngày 11/8/2004, chỉ 3 ngày sau khi về nước, căn hộ của vợ chồng ông bị 4 tay súng đột nhập. Ông bị khống chế, bị dí tàn thuốc vào người. Còn vợ ông, bà Njeeri, bị đánh đập và cưỡng hiếp ngay trước mặt chồng. Sau đó, Wa Thiong’o liên tiếp nhận được những lời cảnh báo, đe dọa. Trước sự an nguy của gia đình, ông buộc phải sang Mĩ, tiếp tục sống cuộc đời lưu vong. Tại nơi đất khách quê người, Wa Thiong’o vẫn khôn nguôi nhớ tới quê nhà và tiếp tục sáng tác những tác phẩm viết về quê hương Kenya.

Năm 2006, ông nói với The Guardian: “Trong tù, tôi bắt đầu suy nghĩ một cách có hệ thống hơn về ngôn ngữ. Tại sao tôi không bị giam giữ trước đây, khi tôi viết bằng tiếng Anh? Chính ở đó mà tôi đã đưa ra quyết định của mình. Tôi không biết liệu mình có vượt qua được trở ngại về tâm lí hay không nếu không bị hoàn cảnh lịch sử ép buộc”.

Danh sách dài của giải Man Booker quốc tế 2021.

Danh sách dài của Man Booker quốc tế năm nay trải dài ở 11 ngôn ngữ thuộc 12 quốc gia, nhiều tác phẩm trong số đó đều đa thể loại như: tiểu thuyết phi hư cấu When We Cease to Understand the World của Benjamín Labatut tập trung vào những khoảnh khắc khám phá khoa học và có sự góp mặt của Albert Einstein và Erwin Schrödinger. Cuốn An Inventory of Losses của nhà văn Đức nói về những đồ vật bị đánh mất hay tiểu thuyết lịch sử gia đình In Memory of Memory của nhà văn Nga - Maria Stepanova. Tác phẩm đầu tay viết bằng tiếng Anh At Night All Blood is Black của nhà văn Pháp David Diop (tác phẩm này đã lọt vào danh sách 10 giải thưởng lớn ở Pháp và giành giải Prix Goncourt des Lycéens) cũng lọt vào danh sách này.

Olga Ravn một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất Đan Mạch, được đề cử cho The Employees, viết dưới lời kể của nhân chứng những người lao động trên con tàu vũ trụ. Nhà văn Trung Quốc được đề cử với tuyển truyện ngắn I Live in the Slums và ứng cử viên dịch thuật Megan McDowell cùng bản dịch truyện ngắn The Danger of Smoking in Bed của nhà văn người Argentina Mariana Enríquez.

Ngoài ra nhà văn Pháp Éric Vuillard cũng được đề cử cho tác phẩm chỉ dài 80 trang The War of the Poor; trong khi tác giả người Ba Lan gốc Séc Andrzej Tichý được đề cử cho Wretchedness - tiểu thuyết ngắn viết bằng tiếng Thụy Điển gồm 8 đoạn văn.

Một số cuốn sách viết về chủ đề khuyết tật: Tiểu thuyết truyện trong truyện của Thiong'o kể về cuộc hành trình của 9 chị em gái để tìm ra một phương pháp chữa bệnh kì diệu cho đứa em út không thể đi lại của họ. Bộ phim đầu tay của nhà làm phim người Georgia Nana Ekvtimishvili - The Pear Field lấy bối cảnh là một trại trẻ mồ côi bị lãng quên dành cho trẻ em khuyết tật ở Georgia thời hậu Xô Viết. Và Summer Brother của tác giả Hà Lan Jaap Robben kể về một cậu bé 13 tuổi bị bỏ lại để chăm sóc cho người anh trai bị khuyết tật về thể chất và tinh thần của mình.

Chủ tịch ban giám khảo, nhà sử học Lucy Hughes-Hallett.

Chủ tịch ban giám khảo, nhà sử học Lucy Hughes-Hallett nói rằng một chủ đề khác xuất hiện trong 125 cuốn sách gửi tới cho giải thưởng năm nay đó là “di cư cùng nỗi đau mà nó mang lại, nhưng di cư cũng là sự kết nối hiệu quả của thế giới hiện đại”.

“Không phải tất cả nhà văn đều ở lại quê hương của họ,” cô nói. “Nhiều người viết và viết tiểu thuyết tuyệt vời về thành phố quê hương của họ. Nhưng danh sách dài của chúng tôi bao gồm cả góc nhìn của một tác giả Séc/ Ba Lan về thế giới ngầm Thụy Điển đầy ma túy, một tác giả Hà Lan đến từ Chile viết bằng tiếng Tây Ban Nha về các nhà khoa học Đức và Đan Mạch và một tác giả người Senegal viết trên đất Pháp về những người châu Phi chiến đấu trong một cuộc chiến tranh ở châu Âu. Các tác giả vượt qua biên giới và sách cũng vậy, không chịu xếp vào những danh mục được tách biệt một cách cứng nhắc. Chúng tôi đã đọc những cuốn sách giống như tiểu sử, như thần thoại, như tiểu luận, như thiền, như tác phẩm lịch sử - mỗi cuốn được chuyển thể thành một tác phẩm hư cấu bằng năng lượng sáng tạo, bằng trí tưởng tượng tuyệt vời của tác giả. "

Ban giám khảo năm nay gồm: nhà sử học và tiểu sử văn hóa Anh - Lucy Hughes-Hallett; nhà sử học Olivette Otele; nhà báo The Guardian Aida Edemariam; tiểu thuyết gia Neel Mukherjee. Danh sách rút gọn sẽ được công bố vào ngày 22/4 và người chiến thắng sẽ được tiết lộ vào ngày 2/6/2021.

HIÊN NGỌC dịch tổng hợp