Thứ Năm, 30/05/2019 09:02

Nhà thơ và thế giới

Các nhà thơ đương đại thường hoài nghi và e ngại khi nói về bản thân họ. Họ ngần ngại khi thú nhận mình là nhà thơ, như thể đó là điều miễn cưỡng và đáng xấu hổ.

. Wislawa Szymbourska tên thật là Maria Wisława Anna Szymborska (2 tháng 7 năm 1923 – 1 tháng 2 năm 2012) là nhà thơ người Ba Lan đoạt Giải Nobel Văn học năm 1996.

Người ta thường nói, câu đầu tiên trong bất kì bài phát biểu nào luôn là khó nhất. Như vậy có nghĩa, tôi đã bỏ được điều khó khăn phía sau mình. Song tôi có cảm giác cả những câu sắp tới, thứ hai, thứ ba, thứ sáu, thứ mười cho đến dòng cuối cùng đều khó như vậy, bởi vì tôi sẽ phải nói về thơ. Bất cứ khi nào tôi định nói về điều gì, tôi đã luôn ẩn giấu nỗi nghi ngờ về khả năng của mình. Đó là lí do bài diễn từ của tôi không được dài cho lắm. Tất cả những điều không hoàn hảo, có lẽ, sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn nếu chỉ dùng với độ dài vừa phải và ngắn gọn.

Các nhà thơ đương đại thường hoài nghi và e ngại khi nói về bản thân họ. Họ ngần ngại khi thú nhận mình là nhà thơ, như thể đó là điều miễn cưỡng và đáng xấu hổ. Nhưng trong thời đại ồn ào của chúng tôi, thật dễ dàng để nhận ra cái dở, cái sai của mình, nếu chúng được gói gém đẹp đẽ, hơn là nhận ra giá trị cốt lõi, khi điều đó ẩn sâu đến nỗi chính bạn cũng chẳng tin vào điều đó. Khi làm đơn từ, lí lịch hoặc chuyện trò với một người lạ, bạn chẳng thể tránh nổi việc tiết lộ về nghề nghiệp của mình. Mỗi lần như vậy, các nhà thơ thường nói chung chung rằng, mình là một nhà văn, hoặc thay thế cái danh xưng “nhà thơ” bằng tên của bất kì công việc nào của họ ngoài việc sáng tác. Những nhân viên văn phòng, lãnh đạo nhà nước và hành khách xe buýt đều phản ứng với một thái độ hoài nghi và lạ lùng khi họ đang đối diện với một nhà thơ. Tôi nghĩ rằng, những triết gia cũng gặp vấn đề tương tự. Nhưng dù sao thì vấn đề cũng nhẹ nhõm hơn, khi thay vì nói mình là một triết gia, có thể nói mình là “giáo viên môn triết học”, nghe có vẻ lịch sự và đáng kính.

Nhà thơ Wislawa Szymbourska với Giải Nobel Văn học.

Tuy vậy, không hề có danh xưng “giáo sư thơ” hoặc “giáo viên thơ”. Nếu như có danh xưng này, có nghĩa, thơ là một nghề đòi hỏi phải được nghiên cứu chuyên sâu, học theo từng chuyên ngành, được kiểm tra thường xuyên với các bài báo cáo lí thuyết, các thư mục và chú thích kèm theo, đến cuối cùng, được trao bằng tốt nghiệp. Và, không phải bạn cứ bôi đầy các trang viết, với những dòng thơ hay là đã đủ trở thành một nhà thơ. Điều quan trọng là sự công nhận của nước nhà rằng bạn là nhà thơ. Chắc hẳn bạn cũng nhớ, niềm tự hào kiêu hãnh của thi ca Nga, nhà thơ sau này được giải Nobel - Joseph Brodsky đã từng bị kết án lưu đày vì chưa đạt được sự công nhận. Ông từng bị gọi là “kí sinh trùng, một kẻ ăn hại” bởi ông thiếu chứng nhận chính thức quyền trở thành nhà thơ.

Cách đây vài năm, tôi vinh dự được gặp Brodsky. Tôi nhận thấy là, trong tất cả các nhà thơ mà tôi biết, duy nhất ông là người thoải mái tự gọi mình là nhà thơ. Ông nói điều này không có chút ức chế nào mà vô tư, phóng khoáng, thực tế, ông nói ngược hẳn lại: “Tôi là một thi sĩ tự do và thách thức”. Như thể đó là do ông nhớ lại sự đối xử nhẫn tâm tàn nhẫn mà ông phải chịu đựng trong thời trai trẻ.

Ở những quốc gia may mắn hơn, nơi nhân phẩm của con người không bị vùi dập quá dễ dàng, các nhà thơ khao khát, tất nhiên, được xuất bản, được đọc và được hiểu nhưng họ làm rất ít, như thể đặt mình cao hơn đồng bọn và những điều nghiệt ngã hàng ngày. Chưa hết, cách đây từ khá lâu, trong những thập kỉ đầu tiên của thế kỉ này, có một vài nhà thơ đã cố gắng gây sốc bằng cách mặc trang phục nổi bật và có hành vi lập dị. Nhưng tất cả điều đó đều xuất phát từ mong ước công chúng chú ý hơn đến các nhà thơ. Thực tế, hình ảnh đáng chú ý nhất của các nhà thơ là, ở một thời điểm nào đó, họ sẽ đóng lại cánh cửa lại, cởi bỏ áo choàng, trang sức và các vật dụng trang trí khác, để tự mình đối mặt một cách kiên nhẫn và lặng lẽ với trang giấy trắng.

Không phải điều ngẫu nhiên mà tiểu sử phim của các nhà khoa học và nghệ sĩ vĩ đại được sản xuất quy mô. Các đạo diễn phim ảnh tham vọng tìm cách tái tạo một cách thuyết phục, quá trình sáng tạo dẫn đến những khám phá khoa học quan trọng hoặc một kiệt tác nghệ thuật. Thực tế, họ có thể mô tả lại một số sáng tạo về mặt khoa học tương đối thành công. Các phòng thí nghiệm, các dụng cụ, máy móc để thể hiện sự sống động của đời sống: những cảnh như vậy có thể khiến khán giả thích thú trong một thời gian. Nhưng những lúc khác sẽ thế nào, nếu như một thí nghiệm được thực hiện cả một ngàn lần, mỗi lần có những sửa đổi nhỏ, cuối cùng có thực sự mang lại kết quả mong muốn? Đó là một câu hỏi khá kịch tính. Những bộ phim về các họa sĩ có thể rất ngoạn mục, chúng tái tạo lại được mọi giai đoạn, mọi tình huống của một họa phẩm nổi tiếng, từ dòng bút chì đầu tiên đến nét cọ cuối cùng. Âm nhạc nổi lên trong những bộ phim về các nhà soạn nhạc. Từ những thanh đầu tiên của giai điệu vang lên trong đôi tai của người nhạc sĩ, dần dần phát triển thành một tác phẩm vững vàng, được thể hiện trên nền giao hưởng. Dĩ nhiên, đây là điều rất đỗi ngây thơ và không thể giải thích được một trạng thái tinh thần kì lạ, gọi là “nguồn cảm hứng”, nhưng ít nhất là có điều gì đó có thể nhìn ngắm và lắng nghe ở đây.

Nhưng mong muốn tái hiện quá trình sáng tạo của một nhà thơ là tệ hại nhất. Vì sao? Bởi vì công việc của họ trông thật thảm hại làm sao, không thể chuyển thành những thước phim đẹp. Nhà thơ nào đó có thể ngồi ở bàn hoặc nằm trên ghế sofa với ánh mắt chăm chắm bất động vào tường hoặc trần nhà. Thỉnh thoảng, họ viết ra dăm bảy dòng rồi lại tẩy xóa, gạch bỏ chỉ mười lăm phút sau đó, và sau đó một giờ nữa trôi qua mà không có thêm diễn biến gì. Liệu có ai đủ kiên nhẫn để xem một câu chuyện như vậy?

Tôi đã đề cập đến nguồn cảm hứng. Các nhà thơ đương đại thường lảng tránh khi được hỏi nó là gì nếu nó thực sự tồn tại. Không phải chúng ta chưa bao giờ biết đến một nguồn lực mạnh mẽ từ bên trong con người thúc đẩy ta và những phước lành mà nó mang lại. Thật không dễ dàng gì để giải thích điều này tới một người nào đó khi chính bạn cũng không hiểu rõ.

Khi tôi được hỏi về điều này, có lẽ tôi cũng nói không được rành mạch. Nhưng câu trả lời của tôi là thế này: cảm hứng không phải là đặc quyền riêng của các nhà thơ hay nghệ sĩ nói chung. Đã và sẽ luôn có một nhóm người nhất định mà cảm hứng ghé đến. Đó là tất cả những người có ý thức, có lí tưởng, kiên định với lựa chọn của mình và họ làm công việc với tình yêu và trí tưởng tượng. Họ có thể là bác sĩ, giáo viên, người làm vườn và cả trăm ngành nghề khác. Công việc sẽ là một chuyến phiêu lưu kì thú miễn là họ có thể tiếp tục khám phá những thách thức ẩn chứa bên trong. Những khó khăn và thất bại không dập tắt sự tò mò của họ. Những câu hỏi mới được đặt ra từ các vấn đề cần giải quyết. Dù cảm hứng là gì, nó vẫn được nảy ra từ một người liên tục mà tôi không biết.

Những người làm việc với sự say mê và cảm hứng thật không có nhiều. Hầu hết cư dân trên trái đất đều làm việc chỉ để hoàn thành nó, cho qua thời giờ, vì trách nhiệm và nghĩa vụ. Họ không chọn công việc vì đam mê, mà do hoàn cảnh, nghề nghiệp đã chọn họ. Thế là họ làm việc chẳng có tình yêu mà rất nhàm chán. Công việc đó chỉ thể hiện giá trị duy nhất là ánh mắt thèm thồng của người khác, của những người không sao có được công việc đó, dù nó có buồn bã, chán nản đến đâu. Ngẫm lại từ xưa đến nay, đến hình dung các thế kỉ sắp tới, cũng chẳng có một tín hiệu nào cho thấy sự tình sẽ thay đổi tốt hơn.

Và vì thế, cho dù các nhà thơ chẳng có sự độc quyền về nguồn cảm hứng, nhưng họ được đặt trong một nhóm người được chọn lọc mà nguồn cảm hứng sẽ lui tới nhiều nhất.

Tới đây, khán giả của tôi sẽ có người tỏ ra nghi ngờ. Bởi tất cả những kẻ hành nghề tra tấn, nhà độc tài, cuồng tín và những tên mị dân giành quyền lực bằng đủ thứ khẩu hiệu cũng yêu thích việc làm của họ và thực hiện nó với sự nhiệt tình và sáng tạo. Và họ biết bất cứ chuyện gì cần và đủ cho họ, một lần và mãi về sau. Họ không muốn tìm hiểu thêm bất cứ điều gì khác, vì điều đó có thể làm giảm sức mạnh luận cứ của họ. Và bất kì kiến ​​thức nào không dẫn đến những câu hỏi mới nhanh chóng bị loại bỏ: nó không gìn giữ, ấp ủ được ngọn lửa để duy trì sự sống. Trong những trường hợp cực đoan nhất, những trường hợp nổi tiếng từ lịch sử cổ đại và hiện đại, nó thậm chí còn gây ra mối đe dọa chết người cho xã hội.

Chính bởi thế, mà tôi đánh giá rất cao câu nói súc tích: “Tôi không biết”. Tuy ngắn gọn, nhỏ bé nhưng nó được bay trên đôi cánh hùng mạnh. Nó mở rộng cuộc đời của chúng ta, ôm trọn những không gian bên trong và bên ngoài chúng ta, những không gian mà Trái Đất nhỏ bé của chúng ta treo lơ lửng. Nếu Isaac Newton không nói với chính mình, “Tôi không biết,” thì những trái táo trong khu vườn nhỏ của ông cứ thế rơi xuống mặt đất như những cục mưa đá, và chắc hẳn, ông sẽ cúi xuống nhặt chúng lên và ăn chúng thật ngon lành. Nếu người đồng hương của tôi Marie Sklodowska-Curie không nói với chính mình “Tôi không biết”, có thể bà sẽ trở thành cô giáo dạy môn hóa học, tại một ngôi trường tư dành riêng cho mấy cô con gái nhà lành, hoặc đi hết đời mình bằng một nghề đáng kính trọng khác. Nhưng bà cứ tiếp tục nói với mình, “Tôi không biết”, và những lời nói này dẫn dắt bà, không chỉ một, mà hai lần, tới Stockholm, nơi những tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ, đôi khi được vinh danh bằng Giải Nobel.

Những nhà thơ, nếu là thứ thiệt, cũng phải nhắc đi nhắc lại câu nói “Tôi không biết”. Mỗi bài thơ là một nỗ lực để trả lời câu hỏi này, nhưng ngay khi giai đoạn cuối cùng xuất hiện, nhà thơ bắt đầu do dự, bắt đầu nhận ra rằng câu trả lời của mình chỉ là giải đáp tạm thời, chưa đủ thỏa mãn khúc mắc, họ lại tiếp tục tìm tòi, thử nghiệm, để ra một chuỗi những hài lòng của bản thân vào trang giấy khổng lồ của các nhà sử học, văn học, được gọi là “tác phẩm”.

Đôi khi, tôi mơ những tình huống có thể xảy ra. Tôi mạnh dạn tưởng tượng, mình có dịp trò chuyện, tán gẫu với Người truyền đạo, tác giả lời than van cảm động về sự vô thường mọi cố gắng của con người. Tôi sẽ cúi thật thấp mình trước ông ấy, bởi ông là một trong những thi sĩ lớn lao nhất đối với tôi. Rồi tôi sẽ nắm tay ông mà bảo rằng “Chẳng có gì mới, dưới mặt trời”, đó là điều ông viết, thưa Người truyền đạo. Nhưng chính ông, sinh ra, mới, dưới mặt trời. Và bài thơ ông sáng tạo ra đó, cũng mới, dưới mặt trời, bởi vì chưa từng có ai trước ông, viết nó ra. Và tất cả những độc giả của ông, cũng mới, dưới mặt trời, bởi vì những người sống trước ông, làm sao đọc thơ ông? Và, cây tùng mà ông đang ngồi phía dưới, kể từ thuở bình minh của thời gian, nó không hề tăng trưởng. Nó ra đời bởi một cây tùng tương tự, nhưng không hoàn toàn giống nhau. Và Người truyền đạo, tôi muốn hỏi ông, điều mới mẻ nào ông đang mong muốn thực hiện vào lúc này? Trong tác phẩm của ông, ở giai đoạn đầu, ông có nói tới niềm vui - vậy thì đã sao, nếu nó chỉ là thoáng chốc? Nếu như vậy, có thể, một bài thơ-mới-dưới-mặt-trời, của ông, sẽ là về niềm vui? Ông đã làm những ghi chú? Đã viết bản nháp? Tôi sợ rằng, ông sẽ nói, “Tôi còn có gì để thêm vào hoặc bớt đi nữa đâu. Tôi đã viết ra mọi điều rồi”. Chẳng có một nhà thơ nào trên thế gian có thể nói như vậy, một nhà thơ vĩ đại như ông lại càng không thể nói như vậy.

Thế giới thật đáng kinh ngạc. Bất cứ điều gì chúng ta có thể nghĩ khi sợ hãi bởi sự rộng lớn của thế giới, sự bất lực và đau khổ của con người, động vật, thậm chí là thực vật khi bị nhấn chìm bởi sự thờ ơ của thế giới. Làm sao chúng ta chắc chắn rằng thực vật không cảm thấy đau đớn; bất cứ điều gì chúng ta có thể nghĩ về sự mở rộng của thế giới khi bị xuyên thủng bởi các vì sao được bao quanh bởi các hành tinh mà chúng ta mới bắt đầu khám phá, liệu có phải các hành tinh đã chết? Vẫn đang chết? Chúng ta không biết điều đó; Hay khi ta nghĩ gì về cái nhà hát lớn, nơi chúng ta đã mua vé trước rồi, nhưng những tấm vé lại có tuổi thọ ngắn, giới hạn ngắn ngủi làm sao. Cho dù chúng ta nghĩ điều gì, thế giới luôn là điều đáng ngạc nhiên.

Nhưng “ngạc nhiên” là một từ mang ý nghĩa biểu tượng để che giấu một cái bẫy logic. Rốt cuộc, chúng ta ngạc nhiên bởi những điều đi lệch ra khỏi mẫu mực được nhiều người biết, mang tính phổ cập, lệch khỏi những điều chúng ta coi là hiển nhiên, quen thuộc trong cuộc sống. Vấn đề là, không có thế giới rõ ràng như vậy. Sự ngạc nhiên của chúng ta, nó tự hiện hữu mà không dựa vào sự so sánh với bất cứ một điều nào khác.

Đó là điều tất yếu. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đâu có cân nhắc kĩ càng để nói về điều gì. Chúng ta nói năng theo thói quen, ví như: thế thường, đời thường, chuyện thường. Nhưng trong ngôn ngữ thơ ca, nơi mỗi từ là mỗi cân đo đong đếm, đắn đo chọn lựa, không có chuyện ngôn ngữ tầm phào hoặc bình thường trong đó. Không thể có chỉ một đám mây hoặc một hòn đá, ở trên nó. Không chỉ có một ngày và một đêm, sau nó. Và trên hết, thơ không chỉ là một hiện hữu, sự tồn tại của bất cứ con người nào trong thế giới này.

Có vẻ như, các nhà thơ sẽ luôn dành thời gian của mình để giải đáp những điều đó…

HIÊN NGỌC dịch theo bản tiếng Anh của Stanislaw Baranczak và Clare Cavanagh