Thứ Ba, 17/05/2022 00:59

Nhà số 4 viết về Bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trường hợp đặc biệt của văn học Việt Nam hiện đại. Không chỉ là tác giả của những áng văn chương kiệt xuất... (TRẦN THỊ MINH TÂM)

. TRẦN THỊ MINH TÂM
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trường hợp đặc biệt của văn học Việt Nam hiện đại. Không chỉ là tác giả của những áng văn chương kiệt xuất như Tuyên ngôn độc lập, Nhật kí trong tù, Bác còn là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều thế hệ nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, trong đó có văn học. Ở thời điểm hiện tại, khó có thể thống kê hết được những tác phẩm viết về Người. Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ muốn bàn đến một số sáng tác về Bác của các nhà văn công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Các cây bút từ Chiến dịch Điện Biên Phủ trở về gặp nhau tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ảnh tư liệu

Cũng như các văn nghệ sĩ cả nước, các nhà văn công tác tại Nhà số 4 Lý Nam Đế luôn dành cho Bác những tình cảm đặc biệt, tốt đẹp và trân quý nhất. Tình cảm ấy kết hợp với thi hứng đã được chuyển hóa thành những áng thơ chan chứa xúc cảm để lại ấn tượng sâu đậm trong bạn đọc. Về phương diện thể loại, các sáng tác của các nhà văn tại Nhà số 4 đa dạng, có thể thơ 5 chữ (Trăng lên - Phạm Ngọc Cảnh), thể lục bát (Gửi lòng con đến cùng cha - Thu Bồn, Về thăm nhà Bác - Nguyễn Đức Mậu, Quê Bác - Nguyễn Trọng Oánh), song thất lục bát (Trăm năm nhớ một chuyến đò - Thanh Tịnh), tự do (Bác về thăm quê - Vương Trọng)… Về phương diện đề tài, mỗi nhà thơ lại đi sâu khai thác một đề tài khác nhau trong đề tài lớn, tạo nên sự đa dạng, phong phú về hình tượng Bác.

Ở đề tài khóc Bác, xót đau khi Bác mất, nhà thơ Thu Bồn, tác giả của trường ca Bài ca chim Chơ rao nổi tiếng, đã chịu tang Bác bằng những vần thơ bi tráng: Đã ngừng đập một quả tim/ Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng/ Nỗi đau vô tận thời gian/ Nhớ thương nhưng chớ lệ tràn đẫm mi/.../ Con xin gửi nắm đất nồng/ Chắn che giữ nước sông Hồng đương lên/ Cho con làm một mũi tên/ Xòe năm cánh nhọn giương trên thành đồng/ Việt Nam ơi giống Tiên Rồng/ Bốn nghìn năm lấy máu hồng làm hoa/ Gửi lòng con đến cùng Cha/ Chiến công đất nước kết hoa triệu vòng (Gửi lòng con đến cùng Cha).

Bằng tình cảm kính yêu vô vàn đối với Bác, nhiều nhà thơ đã tìm về nơi sinh thành của Người để chiêm nghiệm và tìm cảm hứng sáng tác. Trong đề tài vịnh làng Sen quê Bác, các nhà thơ ở Nhà số 4 cũng đã để lại những dấu ấn riêng. Về thăm quê Bác, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã viết những vần thơ ngợi ca vẻ đẹp giản dị, thanh bình của làng Sen: Về thăm nhà Bác, làng Sen/ Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng/ Có con bướm trắng lượn vòng/ Có chùm ổi chín vàng ong sắc trời/ Ngôi nhà thuở Bác thiếu thời/ Nghiêng nghiêng mái lợp bao đời nắng mưa. Ở một chiều cảm xúc khác, nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh bồi hồi xúc động khi nghĩ về cuộc đời giản dị, thanh cao của Bác qua những vần thơ rưng rưng: Bác ơi, nhà Bác cũng nghèo/ Quê hương Bác cũng như nhiều quê hương/ Chỉ vì Bác rộng tình thương/ Cho nên nắng đẹp mười phương tràn về (Quê Bác).

Cũng về thăm quê Bác như các nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Đức Mậu nhưng nhà thơ Vương Trọng lại có hướng tiếp cận khác. Bài thơ Bác về thăm quê của ông bao gồm ba tứ thơ chính. Thứ nhất, tái hiện chi tiết, cụ thể cảnh Bác về thăm quê nhà sau bao nhiều năm xa cách: Nhưng Người bước vào theo lối tắt/ Lối năm mươi năm trước từng quen/ Với cần câu chạy ra giếng Cốc/ Vời nùi rơm xin lửa láng giềng (Bác về thăm quê). Thứ hai, gợi nên những xúc cảm, suy nghĩ của Bác đối với quê hương, gia đình: Khoảng giường con từ đấy đợi chờ/ Vẫn nguyên vẹn manh chiếu nằm, chiếu đắp/ Người đứng lặng lần tìm trong kí ức/ Và thời gian cùng trở lại với Người.../ Nơi cụ Phan ngồi gõ chiếu đọc thơ/ Dòng máu Việt sôi trong dòng thế sự/ Nơi cụ Quý lặng yên cùng thân phụ/ Phút gửi hồn theo giấc mộng Đông du. Và sau cùng, bày bỏ tình cảm mến yêu của Bác dành cho nhân dân và nhân dân dành cho Bác. Bài thơ kết thúc bằng một hình ảnh rất đẹp: Dân quanh Người, Người đứng giữa Nhân dân/ Nắng dừng lại vầng trán Người rực sáng/ Gió mang xa những lời trò chuyện/ Cả đất trời ấm áp hương sen.../ Chuyện Bác về thăm quê Bác - Làng Sen/ Lời dân kể thời gian không cũ được (Bác về thăm quê).

Nếu như Vương Trọng, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Đức Mậu tìm cảm hứng từ chuyến thăm làng Sen thì nhà thơ Anh Ngọc lại viết về Bác sau một chuyến đi thăm nhà sàn, vườn Bác vào mùa xuân. Bằng khả năng quan sát tinh tế và mẫn cảm của một tâm hồn giàu xúc động, nhà thơ Anh Ngọc đã cho bạn đọc thấy một vườn cây của Bác, nhà sàn của Bác: Biết rằng xuân đã sang mùa/ Đất nâu vườn Bác hương vừa bén chân/ Đường xoài lắc rắc mưa xuân/ Mưa hay nắng trắng trong ngần lá thưa. Với nhà thơ, nhà sàn và vườn cây của Bác đã trở thành biểu tượng cho sự sum họp, vui vầy của đại gia đình các dân tộc Việt Nam: Về thăm vườn Bác xuân này/ Bước chân sum họp in đầy lối đi (Năm nay thăm vườn Bác).

Ở mảng đề tài vịnh lăng Bác, nếu như Viễn Phương sử dụng hình ảnh mặt trời để ngợi ca công lao của Bác: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”, thì nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh lại dùng hình ảnh mặt trăng để nói về tấm lòng của mình đối với Bác. Hình ảnh ánh trăng ngập tràn trong bài thơ: Trăng lên kìa trăng lên/ Quảng trường dâng biển sáng/ Ôi vầng trăng Ba Đình/ Mênh mông và thiêng liêng/ Con thấy cõi vô biên/ Không như lòng đã nghĩ/ Khi gặp nét thần tiên/ Trong khuôn vàng dung dị (Trăng lên). Khi nhà thơ Viễn Phương viết Viếng lăng Bác với tâm thế của một “người con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” thì Phạm Ngọc Cảnh lại nói hộ lòng những người chiến sĩ canh cho Người giấc ngủ êm đềm. Với họ, đó là không chỉ là niềm tự hào, niềm vinh dự lớn lao mà cao hơn đó còn là niềm hạnh phúc, một niềm hạnh phúc mà không phải người lính nào cũng có được: Gió hàng tre dào dạt/ Quanh Lăng như đẩy thuyền/ Con được mang hình Bác/ Vượt sóng thời gian lên/ Con đứng gác bên thềm/ Con được là thủy thủ/ Thả mái chèo êm êm/ Trong mơ màng vũ trụ/ Ôi vầng trăng xứ sở/ Trong thơ Bác muôn đời/ Xin được cùng gìn giữ/ Hạnh phúc này thơ ơi (Trăng lên).

Ở đề tài viết về kỉ niệm với Bác, đáng chú ý có bài Trăm năm nhớ một chuyến đò của nhà thơ Thanh Tịnh - nguyên chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhà thơ đã sử dụng thể thơ song thất lục bát để ghi lại cảm giác bồi hồi, xúc động trước cử chỉ bình dị mà cao đẹp của Bác đối với mình trên một chuyến đò ngang ở chiến khu Việt Bắc. Cử chỉ ấm áp ấy theo nhà thơ trong suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời: Chuyện cũ đã hai mươi năm trước/ Còn dạt dào sóng nước sông Lô/ Trăm năm nhớ một chuyến đò/ Chênh vênh lại được Bác Hồ cầm tay (Trăm năm nhớ một chuyến đò).

Có thể nói trong dòng chảy văn học viết về đề tài Hồ Chí Minh, có một nhánh nhỏ âm thầm chảy suốt đêm ngày, năm tháng từ Nhà số 4, phố nhà binh. Một dòng chảy biểu trưng cho tình yêu quý vô vàn của lớp lớp các thế hệ nhà văn quân đội dành cho Bác.

T.T.M.T