Thứ Hai, 30/10/2017 00:04

Người trong Ngôi nhà xưa bên suối

Tôi viết truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối trong khoảng thời gian gần một tháng, là thời gian kí ức thì gần cả cuộc đời. Không chỉ với ai theo nghiệp văn chương, khi có tuổi hình như con người ta hay sống với hoài niệm. Đời buồn, vui ai chẳng từng, nhưng dù thế nào cũng đều thành vốn sống, chắp cánh ước mơ, hay giúp an ủi lòng mỗi khi cô quạnh. (CAO DUY SƠN)

. CAO DUY SƠN

Tôi viết truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối trong khoảng thời gian gần một tháng, là thời gian kí ức thì gần cả cuộc đời. Không chỉ với ai theo nghiệp văn chương, khi có tuổi hình như con người ta hay sống với hoài niệm. Đời buồn, vui ai chẳng từng, nhưng dù thế nào cũng đều thành vốn sống, chắp cánh ước mơ, hay giúp an ủi lòng mỗi khi cô quạnh. Ngôi nhà xưa bên suối là kỉ niệm một thời, được viết ra trong nỗi nhớ và cả buồn nữa. Nhưng là nỗi buồn không bi lụy, hiu hiu như gió thu ngang qua vùng kí ức, gợi ngày xưa về. Truyện viết đã hơn mười năm, vẫn nhớ cảm xúc ban đầu. Tay run run gọi ra những chữ. Những chữ mở lối cho quê nhà, bạn bè, thầy cô trường cũ hiện ra. Lòng bồi hồi! Nhớ chú trò nhỏ tay lem mực cặm cụi những chữ tím ngả nghiêng. Tận bây giờ màu tím ấy vẫn vẹn nguyên như hoàng hôn phía góc trời. Góc trời quê hương Trùng Khánh - Cao Bằng nhấp nhô đá núi mờ sương.

Quê nhà ngày đó nghèo, biệt xa heo hút. Heo hút tới nỗi khiến lòng có lúc chìm vào u hoài. Buồn vì sao không thể cắt nghĩa. Thấy lất phất như bụi mưa tháng chạp, chạm xuống da thịt giá buốt kim châm. Khi buồn lòng thường nhâm nhi muôn sự. Và cái sự nhâm nhi cũng hữu ích lắm. Cho ngộ ra đôi điều. Ta thành được như bây giờ không chỉ bởi miếng ăn, nước uống, tình thân, hay những câu hát đồng quê, còn được bồi đắp thêm cả nỗi buồn nữa. Đời, ai chẳng có lúc buồn. Nhưng sau buồn sẽ có chiêm nghiệm. Ấy là thuốc tâm bệnh, cho thấy rõ bản thân, tỏ sự đời, sự người hơn mà ngẫm suy để hành xử sao cho hợp lẽ. Vậy nên, dù không muốn nhưng khi không thể tránh thì hãy đón nhận. Khổ mấy rồi sẽ qua. Như vượt thác dữ vậy, rồi sẽ trưởng thành. Lớn khôn hơn là nhờ thế.

Lần đầu vượt đèo Liêu, con đèo vắt ngang ngọn núi phía nam huyện đến vùng đất mới, lòng bồi hồi như được đến thế giới nào khác vậy. Mỗi bước, ngoái lại nhìn, quê nhà xa, càng xa. Chiều nào chợt thấy làn khói trên nóc nhà quê người, đâu đó vọng tiếng nô đùa trẻ nhỏ, bỗng nhớ người thân, nhớ bạn quê nhà.

Bao năm tha hương mà lòng vẫn thế. Ước sao được trở lại hồn nhiên như nắng gió, cỏ cây, con suối dưới chân núi, cùng lũ bạn đuổi nhau trên con đường qua những ngõ nhỏ Cô Sàu. Cái thị trấn giáp biên mốc meo rêu đá phía Đông Bắc lắc lơ xa. Hỡi ôi, vì nhớ mà thèm vậy, thời gian sao có thể ngược về.

 
ngoi nha

Thời gian tuy không thể quay ngược nhưng bồi đắp cho ta nhiều lẽ. Không hôm qua đâu có hôm nay, không hôm nay sao có ngày mai. Khái niệm thời gian đâu chỉ tiếng tích tắc đồng hồ, mà còn nằm ở lẽ sống, cách sống mỗi người. Ấy là biết chắt chiu từng khắc làm nên điều có ích khỏi uổng phí quãng người hữu hạn. Điều tưởng thường tình mà thật lớn lao. Vì thế mà tháng ngày tươi đẹp đó đã thành động lực nâng đỡ bao người. Nâng đỡ cả những phận đời tội lỗi, nhỡ nhàng, sau giông tố biết vịn vào, đứng dậy, đi tiếp đến khát vọng. Khát vọng được làm người có ích mà cha mẹ, thầy cô chỉ bảo những năm tháng đầu đời. Chỉ thế thôi mà một đời khổ luyện có lúc không tránh khỏi tầm thường nhỏ mọn. Nhưng bài học đầu tiên về lẽ sống đã cho ta niềm tin, bão rồi sẽ yên, vạn sự vẫn sẽ chuyển động đưa ta về phía trước. Đời người như suối nhỏ vừa đi vừa tự đắp bồi, ngày nào đủ sức rộng dài sẽ vươn tới đại dương, được hòa mặn và vẫy vùng cùng bạn hữu.

Ơn quê hương cho ta mạch nguồn cảm xúc. Những bài học về tình yêu thương, trung thực, khiêm nhường. Để từ đó hồi sinh kí ức, viết nên câu chuyện. Chuyện về những người khiêm nhường, phận nhỏ hiện qua con chữ của một văn tài giới hạn. Truyện ngắn, truyện dài viết có lúc vui, lúc buồn; nhân vật là người đương thời hay đã khuất đều được nâng niu chăm chút, nhân cách cao đẹp. Truyện hay, dở chưa biết nhưng nhân vật đều những người giản dị thô sơ. Cái vẻ thật thà giản dị như một đặc sản ấy trong quan hệ xã hội đôi khi bị coi dị thường, thậm chí lu mờ thua thiệt bởi nghèo khó, hạn chế, khác biệt. Nhưng qua trang viết họ đã hiện lên con người đúng nghĩa. Thân phận có thể nhỏ bé nhưng nhân cách thì không. Dù nghèo thiếu vẫn biết sống yêu thương nhường nhịn, biết vượt qua mất mát, lầm lỗi, tưởng có lúc rơi tận cùng đau khổ vẫn vươn lên để giữ cho được phẩm giá con người.

Truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối là câu chuyện được viết ra trong cảm xúc đó. Một đêm đông 2006 trời Hà Nội lạnh, chợt nhớ mùa đông quê nhà. Những năm 60 - 70 thế kỉ trước hiện về. Hình ảnh thầy cô giáo, nhất là những thầy cô người Hà Nội áo quần mong manh trong gió bấc hun hút. Hình như mùa đông những năm đó lạnh hơn bây giờ, nhất là cái lạnh phả xuống từ núi bao quanh thị trấn Cô Sàu không đâu có thể giá buốt hơn. Ngày đó cái sự nghèo công bằng với tất cả. Không chỉ đồng bào, các thầy cũng thiếu thốn và đói lắm, vậy mà vẫn tận tụy với công việc. Từ lúc nào đã là tấm gương về lòng yêu thương, sức chịu đựng gian khổ, hết lòng vì học trò. Tận bây giờ nhiều khi vẫn tự hỏi, điều gì đã giúp các thầy mạnh mẽ và nhiệt huyết đến vậy? Người thủ đô ai cũng đẹp, lịch lãm tài hoa. Sao có thể tình nguyện xa thủ đô, chia tay nơi cuộc sống hơn mọi nhẽ đến với những đứa trẻ nghèo nơi rừng núi? Đối mặt cả với những định kiến hẹp hòi một thời, dốc tâm sức hoàn thành sứ mệnh ươm mầm văn hóa, dạy lũ trẻ biết đọc, biết viết, biết làm các phép tính, khôn dần lên, thành người giỏi có đức độ để sau này giúp quê hương thoát nghèo, lạc hậu? Công lao đó thật lớn, thật ý nghĩa. Lại tự hỏi, sao tận bây giờ người ta vẫn chưa tổ chức một cuộc gặp mặt nào với thế hệ ngày đó - những người thầy đầu tiên tình nguyện lên miền núi gieo chữ, khai hóa văn minh - để tri ân, như cuộc đại tổng kết thành tựu một giai đoạn lịch sử mà vinh danh thế hệ có công đầu đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục miền núi? Đó là điều mong mỏi của bao thế hệ học trò.

Trở lại câu chuyện.
Gian khổ là vậy, nhưng với lòng quyết tâm các thầy cô đã đưa trường cấp hai Trùng Khánh vươn lên tốp đầu trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của khu Việt Bắc. Khi thầy trò nhà trường nhộn nhịp chuẩn bị đón cờ thi đua của Bộ Giáo dục thì đột nhiên không khí lắng xuống. Thời gian dần trôi, ngày đón cờ thi đua đợi mãi không thấy đến. Hụt hẫng, tiếc. Lí do vì sao, không ai biết. Chỉ phong thanh, hình như có chuyện gì đó xảy ra trong nội bộ nhà trường. Nghe, biết vậy, trò nhỏ sao hiểu những uẩn khúc, nhất là chuyện giữa các thầy. Bao năm, chuyện đó vẫn ám ảnh không ít người.
Nhớ một chiều tháng 10 năm 1996 đến Hội Văn nghệ Cao Bằng, bước vào phòng làm việc của Chủ tịch Hội, nhà thơ Y Phương, tôi tình cờ được gặp thầy Đỗ Tiến Thức, thầy giáo cũ của trường cấp hai Trùng Khánh những năm 1960 - 1970. Thầy thuộc lớp giáo viên người Hà Nội đầu tiên lên Trùng Khánh năm 1959, là người có đóng góp lớn cho ngành giáo dục Cao Bằng. Biết thầy đã nghỉ hưu và chuyển về Hà Nội, tôi hỏi thăm. Thầy mừng, kể chúng tôi nghe bao chuyện. Còn bảo, tình cờ được đọc truyện ngắn Tượng trắng của em in trên báo Văn nghệ, đọc xong, thấy nhớ Trùng Khánh quá! Như thể vẫn đang ở đó. Mới ngày nào, thoắt đã bao năm! Được thầy khen, thấy mừng như trò xưa được thầy chấm điểm tốt. Chuyện về các bạn, thầy cô một thời đồng cam cộng khổ hiện đang ở đâu, làm gì, thầy trò điểm tên và kể cho nhau nghe. Chợt nhớ chuyện cũ, tôi hỏi thầy về đận đón cờ thi đua ngày ấy. Thầy thoáng buồn rồi bảo, nay các em đã trưởng thành, thầy có thể kể cho nghe. Uẩn khúc ngày đó giờ mới vỡ lẽ. Là về thầy N.A, giáo viên dạy toán, đem lòng yêu cô giáo M, là người nơi khác vừa chuyển đến. Cô M là người xinh nhất trong số giáo viên nữ của trường nên được nhiều người theo đuổi. Nhưng cô M chỉ dành tình cảm cho thầy N.A, vừa đẹp trai, tài hoa lại là giáo viên dạy giỏi. Thầy N.A cũng yêu cô M lắm nhưng chẳng hiểu sao dù đã thắm thiết chưa ai dám mở lòng. Thì ra khi đó cô M đã có bạn trai. Người yêu cô là thầy S, dạy môn sinh, người địa phương, đã có vợ. Hồi đó ngoại tình là tội lớn lắm, nên hai người giữ kín. Tin cô M có thai chợt loang ra trong nội bộ giáo viên nhà trường. Rắc rối bắt đầu từ đây. Khí thế thi đua đang nổi như cồn bỗng lắng xuống. Cô giáo M chửa hoang, cái tiếng đó hồi ấy khủng khiếp lắm, chẳng mấy mà trở nên nghiêm trọng. Quan hệ giữa cô M với thầy S kín đáo ít ai biết, nhưng tình ý giữa thầy N.A và cô M không ai lạ. Vậy là quýt làm cam chịu. Quýt là ai, cam là ai chưa cần biết, thầy N.A bị đưa ra kiểm điểm. Nhận thì không thể, bởi nguyên nhân không phải mình; nếu chối, hẳn mang tiếng nhẫn tâm, bội tình bội nghĩa. Giữa hai lựa chọn, cách nào cũng thấy khó, đành chọn cách im lặng, phó mặc tất cả dù bị kỉ luật tới mức nào. Chuyện đến tai tỉnh, đến khu, rồi đến Bộ, thế là kế hoạch đón cờ thi đua bị hoãn. Tiếc lắm. Tội cho thầy N.A, nếp tẻ ra sao chưa biết, bị kiểm điểm hết lần này đến lần khác. Viết tới năm, sáu bản vẫn không được chấp nhận bởi chung chung, khó hiểu. Cuối cùng thầy bị kỉ luật, ra khỏi ngành, đến nhận công tác tại đơn vị quản lí cầu đường bộ. Tiếc rằng, sau khi thầy N.A bị kỉ luật cô M mới thấy mình có lỗi, hối lắm, liền đến gặp ban giám hiệu thuật lại toàn bộ chuyện cái thai không liên quan gì tới thầy N.A. Cha đứa trẻ trong bụng là thầy S. Nhưng sự đã rồi, không thể thay đổi. Liền đó thầy S bị kỉ luật buộc thôi việc, cô M cũng bị trả về ty, bố trí công việc khác. Chuyện là vậy. Tiếc là ngày đó người ta nghiêm trọng vụ việc quá mà làm lỡ cả sự kiện lớn, lỡ cả sự nghiệp của mấy thầy cô, toàn những người dạy giỏi. Nhưng hồi ấy nó thế biết làm thế nào. Sau một năm làm công nhân, thầy N.A xin về Hà Nội. Có lẽ đó là quãng đời buồn nhất của thầy. Sau khi trở về, thầy được nhận vào dạy bổ túc văn hóa tại một trường ở thành phố, cho đến ngày nghỉ hưu. Vậy là phần nào cũng được an ủi.

Chuyện là thế. Nghe xong thấy mênh mang buồn. Chợt thôi thúc, nhất định sẽ phải viết gì đó, về những ngày được sống trong yêu thương của các thầy, những nhân cách mẫu mực đã thắp sáng trong lòng bao trẻ thơ ước mơ làm người có ích. Là tấm gương cho những học trò dân tộc miền núi soi rọi trên bước đường phấn đấu trưởng thành và cống hiến sau này. Tất cả đã thành nguồn cảm hứng được sắp xếp, bố cục và hư cấu.

Kí ức hiện về, những con chữ, chi tiết tràn chảy không thể ngăn đỡ. Tôi ngồi vào bàn viết như đắm trong cơn mê. Một cơn mê thật sự. Những con chữ tưởng mình làm chủ, bỗng như được một sức mạnh ngoài mình điều khiển. Những ngày ấu thơ hiện về. Con đường từ thị trấn Cô Sàu đến trường nằm dưới chân núi Hiếu Lễ hiện về. Cả khu trại chăn nuôi ngựa do ông Luân phụ trách đối diện với nhà trường cũng trở nên gần gũi thân thương. Vượt lên tất cả là hình ảnh các thầy cô, hết thảy đều lắng đọng trong một con người cụ thể: thầy giáo Hạc, người thầy khiêm cung mẫu mực.

Liền một mạch trong tháng truyện viết xong. Đọc lên thấy buồn, nhưng yên tâm bởi liền mạch, không có đoạn hay chi tiết nào bị áp đặt bởi lí trí, chỉ như kể lại một chuyện ngoài đời. Truyện mang tên Ngôi nhà xưa bên suối, được in trên báo Văn nghệ. Về sau tôi đã dùng tên này đặt cho tập truyện ngắn. Năm 2008 tập truyện Ngôi nhà xưa bên suối được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2009 được trao Giải thưởng ASEAN. Kể ra thế không phải khoe mà chỉ muốn nói rằng, không có xưa sao có nay, không thầy sao nên công trạng. Nhiều lần trả lời phỏng vấn các báo và tạp chí, tôi đều không chút đắn đo, truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối là tác phẩm mình tâm đắc nhất trong tập. Bởi đó là tình cảm, lòng biết ơn tôi thay mặt nhiều thế hệ học trò dân tộc miền núi gửi đến các thầy.

Thế hệ thầy cô ngày ấy giờ một số người không còn nữa, hoặc có lẽ đã thành cụ ông, cụ bà vui vầy bên cháu con ở miền quê nào. Nhưng dù ở đâu, còn hay mất, sự nghiệp họ để lại sẽ còn mãi. Sự nghiệp đó chính là ngôi nhà văn hóa được dựng lên bằng công sức, mồ hôi và cả nước mắt của lớp trí thức trẻ những năm đầu sau cuộc kháng chiến chống Pháp đã tình nguyện rời đồng bằng, xa thủ đô đem văn minh gieo trồng trên miền sơn cước. Ngôi nhà xưa ấy tuy không mang tầm vóc hiện đại nhưng bền vững và đậm tình thương yêu, ân nghĩa. Bên con suối văn hóa bao đời bền bỉ, ngôi nhà xưa các thầy dựng lên vẫn đó, vẫn đêm ngày lặng lẽ tỏa sáng và sưởi ấm trái tim bao người.

Ngày ấy đã trôi xa, xin kể lại chút việc “bếp núc” của mình với Ngôi nhà xưa bên suối, như để tưởng nhớ một thời gian khó, một thời lãng mạn và say mê tận tụy của thế hệ các thầy cô đã từng sống, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục với tất cả tấm lòng, nhiệt huyết và trách nhiệm. Xin ngàn lần đa tạ công ơn các thầy cô.
 
C.D.S