Thứ Hai, 08/03/2021 14:55

Người ta làm điều người ta phải làm

Chùm nho thịnh nộ tạo được không khí, kể được câu chuyện cảm động, đi sâu vào bản chất của sự vật, và (biết đâu?) có thể khiến người đọc đi xa hơn câu chuyện ông đang kể.

Má Joad: Người ta làm điều người ta phải làm.

Câu chuyện xảy ra gần một thế kỉ trước: Gia đình Joad bỏ nhà cửa, ruộng đồng, mồ mả tổ tiên ở Oklahoma, tìm mọi cách chạy qua California để khỏi chết đói. Nhân vật chính là Má Joad; mở đầu truyện là Tom Joad - đứa con trai đi tù vì tội lỡ tay giết người và được tạm tha; kết thúc truyện là Rose of Sharon Joad - đứa con gái khờ dại đáng thương mất đứa bé sơ sinh nhưng bầu sữa của cô có lẽ sẽ cứu sống một người. Bối cảnh mở đầu truyện là cảnh hạn hán, bụi mù trời, và kết thúc là trận hồng thủy, mưa úng đất - con người lam lũ và cảnh vật hoang dã như thuở hồng hoang.

Câu chuyện rất buồn. Gia đình Joad có khuyết điểm như mọi người, nhưng họ cố sống tử tế khi có thể tử tế, cố thích nghi với những khắc nghiệt của cuộc sống mà không oán trách. Như Má Joad nói: Người ta làm điều người ta phải làm. Và họ cố làm điều họ phải làm theo phán đoán của họ, trong điều kiện của họ. Trên đường đi qua California họ gặp may, gặp vận rủi, bị ngược đãi, họ rơi rụng dần. Cái đói luôn luôn theo họ, không tha người già và trẻ con. Họ bị ngược đãi, vì người ta mất dần lòng trắc ẩn đối với kẻ đang gặp khó khăn, vì lòng tham của kẻ giàu thường lớn và mạnh hơn tính người, vì người ta dễ dàng tàn nhẫn bắt nạt kẻ yếu hơn mình. Câu chuyện rất buồn.

Nhân vật chính bàng bạc trong truyện là Má Joad. Bà là cột trụ của gia đình, nuôi dưỡng họ bằng bữa ăn, bằng lời khuyến khích, bằng lòng nhân ái sẵn sàng giúp đỡ kẻ kém may mắn hơn, và bà là người đầu tiên đón nhận Jim Casy vào chuyến đi gian khổ đến vùng đất hứa. Joad cũng như dân Jew đi tìm đất hứa. Như đa số phụ nữ thời ấy, Má Joad thu hẹp lo toan của bà trong gia đình, nhưng khi gặp hiểm nguy, bà sẽ theo bản năng bước ra giữ vai trò quyết định. Khi Tom đề nghị mọi người đi trước tới California để kiếm việc làm, bà cầm cây đội bánh xe quyết liệt phản đối, vì bà sợ gia đình phân tán. Khi bà sợ tên cảnh sát khiêu khích Tom đến mức Tom có thể giết hắn, bà cầm cái chảo lên doạ đánh hắn. Bà thúc giục gia đình rời trại Weedpatch của chính phủ để đi tìm việc làm, và cuối cùng bà dẫn gia đình đến khu đất cao hơn để tránh lụt, tránh trận đại hồng thủy. Khi Tom phải bỏ trốn, bà nhận ra rằng gia đình và mỗi người thực sự nằm trong một khái niệm lớn hơn, như Jim Casy dần dần hiểu ra bản chất linh hồn của mỗi người lớn hơn chính nó. Bà làm điều bà phải làm.

Jim Casy (J.C., như Jesus Christ) là kẻ giảng đạo đầy mặc cảm tội lỗi vì sự bất toàn của mình. Ông ngưng rao giảng và lang thang nơi hoang dã để tìm câu giải thích linh hồn là gì, tìm câu trả lời thế tục. Casy biết suy nghĩ ấy khó được chấp nhận, ông không giảng đạo nữa. Và ông tìm thấy câu trả lời trong nhà tù: Mỗi linh hồn là một phần nhỏ của một linh hồn tối cao, và phần nhỏ ấy phải chấp nhận tất cả các phần nhỏ khác để có thể trú trong linh hồn tối cao ấy. Ông thấy trong linh hồn tối cao không có tội lỗi cũng như không có sự cao cả, mà điều cốt lõi là mỗi người sẽ làm điều họ thấy phải làm. Nhưng Casy không chỉ suy nghĩ, ông dần dần hành động - vô thức hay hữu thức. Ông nhận tội thay cho Tom, để rồi kinh nghiệm tù đày đưa nhận thức của ông đi xa hơn. Ông tranh đấu cho kẻ bần cùng, và ông chết như kẻ tử đạo sau câu nói với kẻ giết ông: “Các anh không biết các anh đang làm gì”, như Jesus nói: “Xin Cha hãy tha thứ cho họ, vì họ không biết họ làm gì”. Casy là tổng hợp của nhà tiên tri và kẻ hoang mang, của siêu nghiệm và thực tế, của tính cá nhân và tính xã hội, của hành động và chiêm nghiệm - một tổng hợp dường như bất khả. Ông chỉ làm điều ông phải làm.

Cuộc hành trình của John Steinbeck với Chùm nho thịnh nộ (1939) bắt đầu từ năm 1933 khi ông gặp những chiếc xe ọp ẹp chở đầy bàn ghế và của cải từ Oklahoma chạy trên đường phố Salinas, nơi ông cư ngụ. Một hôm ông đến thăm những người sống trong khu ổ chuột “Little Oklahoma” bên ngoài thị trấn, một “Quê Nhỏ” luộm thuộm và cẩu thả bên ngoài, tù đọng và phù phiếm bên trong. Họ là nông dân từ đồng bằng tây nam nước Mĩ di cư qua California để khỏi chết đói vì hạn hán và vì họ đã trồng những loại mùa màng không thích hợp với vùng đất của họ. Và câu chuyện của họ khiến Steinbeck manh nha ý định viết một tác phẩm mới.

Năm 1936, Steinbeck viết loạt bài cho San Francisco News về giới nông dân di trú theo mùa ở California. Ông đến Marysville gặp Tom Collins, người quản lí Ban Tái Định cư (Resettlement Administration) trong vùng để điều tra về tình trạng các trại cứu trợ của chính phủ liên bang. Collins gây ấn tượng sâu sắc tới nỗi Steinbeck ghi lời đề tặng đầu sách: “To Tom, who lived it.” Collins cũng mặc bộ vét trắng như nhân vật Jim Rawley điều hành trại tạm cư trong truyện, và Collins cung cấp tài liệu cho tác giả viết.

Cuối năm 1937, vở kịch Of Mice and Men dựa theo truyện của ông ra mắt ở New York, nhưng Steinbeck không tham dự mà lái xe về California dọc theo Đường 66 để đi trên con đường của dân di cư. Tháng Ba 1938, ông đến San Joaquin Valley gặp Tom Collins lần nữa để tìm hiểu về trại tạm cư sau trận lụt ở Visalia dẫn tới nạn đói và bệnh tật ngoài sức tưởng tượng. Tài liệu thu thập được và hình ảnh chứng kiến tận mắt sẽ được ông đưa vào đoạn kết của tác phẩm, với lời văn kinh hoàng và cuồng loạn như cơn thịnh nộ từ trời.

Cuối tháng Năm 1938, ông bắt đầu viết Chùm nho thịnh nộ.

Nhà văn John Steinbeck

Cuối tháng Mười 1938, ông viết xong; Carol, vợ ông, đánh máy bản thảo, giúp ý kiến và đề nghị tên sách, như lời đề tặng ở đầu sách “To Carol, who willed it.”

Chùm nho thịnh nộ xuất bản tháng Tư 1939, và bị cấm, bị đốt ở nhiều nơi, từ New York đến Illinois đến California, và bị lên án trong quốc hội Oklahoma. Mặt khác, tác giả bị cơ quan FBI điều tra, bị nghi ngờ là cộng sản, và có tin tổ chức Associated Farmers đe doạ hành hung ông. Khi bà Eleanor Roosevelt, phu nhân tổng thống F. D. Roosevelt, đến thăm trại tạm cư của công nhân di trú, bà nói rằng bà “không hề nghĩ Chùm nho thịnh nộ là phóng đại.” Trong khi đó, Chùm nho thịnh nộ đoạt giải Pulitzer và là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất trong năm, rồi đầu năm 1940 bộ phim cùng tên do John Ford làm đạo diễn trình chiếu trong rạp.

Chùm nho thịnh nộ kể chuyến đi của gia đình Joad, xen lẫn với những chương ngắn trình bày bức tranh tổng thể của thời đại, đặt các chương độc thoại bên cạnh truyện kể để tăng kịch tính, nối kết những ẩn dụ. Một trong những ẩn dụ đầu tiên là con rùa đất bò qua xa lộ, biểu hiện nỗ lực không mệt mỏi của gia đình Joad. Tương tự, Jim Casy như nhà tiên tri nói Lời, được dùng như kĩ thuật cắt dán, để tô đậm hoàn cảnh xã hội và các biến cố xung quanh gia đình Joad - như xem đoạn phim thời sự trong rạp hát trước khi xem phim truyện kể những điều đang xảy ra ở ngay cửa rạp.

Trong thư trao đổi với người biên tập và nhà xuất bản cuốn Chùm nho thịnh nộ, Steinbeck viết: “Cuốn sách này không viết cho các mệnh phụ nhạy cảm. Nếu họ đọc thì họ đang dây vào chuyện không phải của họ. Tôi đã không đổi một chữ để hợp với thành kiến của một nhóm người và sẽ không bao giờ đổi.” Ông nói về tác phẩm của mình: “Trong cuốn này tôi đã cố mô tả cuộc sống đã sống thế nào, chứ không phải là nên viết sách ra sao.”

Ngôn ngữ dân dã, thô lậu của các nhân vật, một mặt làm nổi bật cá tính của họ, mặt khác làm cho tác phẩm nhiều khi khó hiểu. Lời đối thoại cộc lốc, thô lỗ, lủng củng, thiếu chủ từ, không đầu không đuôi, với những chữ đồng âm dị nghĩa buộc phải đọc thành lời hơn là đọc bằng mắt, với lối phát âm đặc thù của vùng đồng bằng miền nam nước Mĩ, thường kéo dài hay cắt bỏ một hay nhiều âm tiết. Vì thế tác phẩm đầy những chữ rất thô và sắc, viết không theo chuẩn mực chính tả và ngữ pháp, đầy những câu dài lặp đi lặp lại các từ nối, nhưng cũng đầy các câu cụt, và các ý không liên quan với nhau có thể được đặt kế cận nhau càng làm người đọc khó hiểu. Nói chung, nhiều tác phẩm của Steinbeck đều như thế, nhưng cũng như phần lớn tác phẩm của ông, Chùm nho thịnh nộ tạo được không khí, kể được câu chuyện cảm động, đi sâu vào bản chất của sự vật, và (biết đâu?) có thể khiến người đọc đi xa hơn câu chuyện ông đang kể.

Đọc Steinbeck, và tác phẩm văn học nói chung, sẽ gặp các khó khăn và thích thú ấy. Tương tự, khi dịch tác phẩm của Steinbeck, người dịch phải giữ tính khó hiểu, giữ sự lủng củng, giữ sự trúc trắc, giữ cách viết sai chính tả, trong một chừng mực có thể chấp nhận được trong ngôn ngữ dịch. Một bản dịch sẽ đổi cấu trúc câu của bản gốc thành cấu trúc của ngôn ngữ dịch, trong khi tìm cách giữ tinh thần của nguyên tác, giữ không khí của truyện - gãy gọn và mơ hồ, văn vẻ và thô kệch, dịu dàng và cuồng bạo, mạch lạc và nhiễu loạn. Nếu không, người đọc bản dịch sẽ phải đọc một cuốn truyện khác, có thể trau chuốt hơn, trôi chảy và dễ cho người dịch hơn, nhưng thiếu chân thực với nguyên tác.

Khi Chùm nho thịnh nộ xuất bản vào năm 1939, một số người đón nhận nó như tài liệu lịch sử hơn là cuốn tiểu thuyết, có thể vì đề tài quá thực và quá gần gũi với họ - cũng như nó vẫn còn rất gần với chúng ta trong thế kỉ 21 này. Nó đã bị cấm trong trường học và thư viện, bị lên án trên diễn đàn chính trị và trong nhà thờ, bị hai phe tả và hữu chỉ trích, vì nó quá thật và gây khó chịu, vì hàm ý tôn giáo và nhân bản và xã hội của nó, vì nó đề cao tính độc lập của cá nhân song song với tình liên đới xã hội. Nhưng không ai cấm hay lấp liếm được một cuốn sách hay.

Dịch giả PHẠM VĂN