Thứ Ba, 19/11/2019 10:25

Người lính Đại đoàn Quân tiên phong hôm nay

Trong trận đánh đầu tiên vào Đại Bục và Đại Phác mở màn chiến dịch sông Lô tháng 5 năm 1949, người ta không thể quên hình ảnh nhà thơ Tố Hữu cũng nấp, bò, bám sát đại đội trưởng công đồn... (ĐINH PHƯƠNG)

.Ghi chép. ĐINH PHƯƠNG

Anh đi tìm giặc, tôi tìm anh

Người lính trường chinh, áo mỏng manh…

Trong trận đánh đầu tiên vào Đại Bục và Đại Phác mở màn chiến dịch sông Lô tháng 5 năm 1949, người ta không thể quên hình ảnh nhà thơ Tố Hữu cũng nấp, bò, bám sát đại đội trưởng công đồn. Giữa đồn thù vẫn còn vương vít khói súng khi trận đánh vừa kết thúc, ông giở sổ tay ra ghi ghi chép chép. Ông viết những gì vừa cảm nhận được, còn nóng hổi, tươi nguyên. Không chỉ nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Tuân cũng nói những giây phút chiến thắng ở Đại Bục là điều nhớ mãi. Khi tiểu đoàn trưởng phát lệnh xung phong, anh lính thông tin có lẽ do xúc động quá đánh trống lệnh chẳng ra nhịp, hồi gì, Nguyễn Tuân đã lao đến giằng lấy dùi giáng những tiếng thùng thùng thùng… thùng thùng thùng… thúc giục đoàn quân xông lên…

Ấn tượng với tiếng trống trận tiếp lửa xung phong của nhà văn cùng những người lính Đại đoàn Quân tiên phong xưa, tôi đã tìm đến thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Người có nhiều “mối tình”

Ra đời trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đại đoàn Quân tiên phong là sư đoàn bộ binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những ngày đầu thành lập, đơn vị đã gặp vô vàn gian khó. Để có thể chiến đấu và chiến thắng, cán bộ chiến sĩ Sư đoàn đã tận dụng tất cả các loại vũ khí khí tài thu được của địch sau mỗi trận đánh, sửa chữa, nâng cấp cho phù hợp với vóc dáng của người Việt để đạt hiệu quả chiến đấu cao nhất; chế tạo các loại bẫy có sức sát thương lớn với địch… Khắc phục khó khăn, không ngừng sáng kiến đã trở thành một nét đẹp tiêu biểu của người lính Quân tiên phong. Và truyền thống ấy đang được kế thừa bằng phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật phục vụ công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Tôi tìm đến Tiểu đoàn 18 để gặp một người có nhiều sáng kiến. Đó là thiếu tá Phạm Đức Hùng, thợ sửa chữa kĩ thuật thông tin. Lúc tôi đến anh đang đứng trên thang, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, bàn tay bê bết dầu mỡ, mê mải lắp chiếc giá phơi tự động sau dãy nhà mới xây. Anh bảo hôm nay phải làm xong, bởi dự báo thời tiết tuần này kéo sang giữa tuần sau sẽ vẫn mưa, nếu không kịp hoàn thành thì anh em không có chỗ phơi đồ, mặc quần áo ẩm rất dễ nhiễm lạnh và mất vệ sinh.

Phạm Đức Hùng chia sẻ, ngày anh mới nhập ngũ, lúc ra thao trường, chỉ cần trời rả rích mưa vài ba ngày, thể nào cũng phải mặc quần áo ướt. Quần áo dài ướt còn có thể dùng nhiệt độ cơ thể hoặc ngồi dưới quạt để hong cho khô dần, chứ còn cái món quần bé bên trong thì đành chịu. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh ngoài da như ghẻ lở, hắc lào... Đêm về leo lên giường là anh em tầng trên tầng dưới thi nhau “gảy đàn bằng tay”, thấy vừa thương vừa buồn cười. Để khắc phục tình trạng quần áo ẩm, đơn vị đã yêu cầu trực ban nội vụ chú ý thu dọn quần áo trước khi trời mưa. Nhưng việc này không hề đơn giản. Hai giá quần áo vừa dài vừa ngắn, ở từng rãnh cố định chia khoảng cách để móc treo, khi thu dọn phải gỡ từng chiếc một rất lâu. Vì thế, trực ban hễ thấy cơn mưa là vội chạy đi thu quần áo cho kịp. Nhưng ông trời rất hay trêu ngươi. Quần áo được lấy vào xong, trời lại không mưa. Nhưng hễ chần chừ chưa kịp lấy thì trời lại mưa như trút. Đấy là chưa kể những ngày mưa phùn, trời nồm ẩm, quần áo treo ở ngoài hiên lúc nào cũng sũng nước, vừa vắt xong lại nhỏ tong tong... Tất cả những điều ấy thôi thúc anh làm một giá phơi tự động có thể đưa ra cuộn vào được. Bắt tay vào nghiên cứu, anh đã phải nhiều lần quên ăn quên ngủ. Có ngày anh phải ba lần vòng xe xuống chợ trời Phố Huế chỉ để đổi đi đổi lại một cái mô tơ về lắp cho giá phơi. Đoạn đường cho cả ba lần đi về gần hai trăm cây số. Sáng sớm anh đi chuyến đầu tiên, mang mô tơ về lắp, không chịu được tải. Lần thứ hai không được, đổi tiếp. Đến chiếc mô tơ thứ ba mới tạm ổn, lắp xong thì trời đã khuya nhưng anh vẫn hì hụi treo quần áo ướt lên xem mô tơ có vận hành cuộn vào đưa ra trơn tru không… Sau nhiều lần thử nghiệm, năm 2015, mẫu giá phơi quần áo dựa trên nguyên lí cảm biến ánh sáng và nước ra đời, được áp dụng rộng rãi trong đơn vị. Nhờ sáng kiến đột phá mang tính công nghệ cao này nên dù có đi hành quân dã ngoại vài ba ngày bộ đội cũng không lo quần áo ở nhà.

Chiếc giá phơi mà Phạm Đức Hùng đang lắp đặt là loại nhỏ hơn, dành cho phòng ở hai, ba người. Sắp đến giờ ăn trưa, tôi hỏi có thể giúp được gì không, Phạm Đức Hùng đáp ngay: “Không cần đâu, cậu cứ về trước đi”. Câu trả lời khiến tôi chưng hửng. Nhưng rồi tôi đã thông cảm. Trạng thái làm việc mê say của người thợ cũng giống sự “nhập đồng” khi viết văn, đã vào cơn là quên trời đất. Chính những cơn say sáng tạo quên ăn này đã khiến Phạm Đức Hùng mắc bệnh đau dạ dày. Anh tếu táo: “Mình cứ chữa gần khỏi thì lại tái. Cảm giác nó là người nhắc nhở mình phải tiếp tục suy nghĩ, cải tiến nhiều hơn nữa”.

Giá phơi tự động chỉ là một trong nhiều sáng kiến của Phạm Đức Hùng, được ví như “mối tình đầu” khờ dại. Anh còn nhiều “mối tình”, mà “mối tình” nào cũng tràn đầy cảm xúc. “Mối tình” khiến anh đắm say, bỏ nhiều tâm huyết nhất phải kể đến “Bộ điều khiển xa cho máy vô tuyến điện (VTĐ) CN PRC - 25”. Khi anh bắt tay vào nghiên cứu bộ điều khiển này anh cũng không nghĩ mình sẽ thành công. Vì ở đơn vị cơ sở tài liệu kĩ thuật thiếu thốn, các thiết bị đo đạc không đủ, anh phải làm mò, lấy kinh nghiệm lần thí nghiệm này cho lần thí nghiệm sau.

Hồn nhiên gạt mớ tóc lòa xòa trước trán, Phạm Đức Hùng kể: Đây là công trình tập thể. Lúc bắt tay nghiên cứu, cứ nghĩ đơn giản là lấy một đôi dây, một đầu đấu vào máy điện thoại, đầu kia đấu vào tổ hợp máy vô tuyến điện là có thể liên lạc được. Nhưng khi thử, nghe tín hiệu thoại rất nhỏ và chuông báo không có. Anh em vò đầu bứt tai, có lúc cáu bẳn với nhau. Theo lí thuyết, để cùng lúc vừa thu phát thoại vừa thu phát chuông phải cần đến ba đôi dây, nhưng làm đúng theo lí thuyết thì tốn kém. Yêu cầu đặt ra là làm sao để một đôi dây vẫn có thể liên lạc được. Vậy là phải tiếp tục thí nghiệm. Thử đi thử lại, được chuông hỏng thoại, được thoại hỏng chuông. Nhiều lần chán nản, về nhà vợ hỏi mà mặt cứ lầm lầm lì lì chẳng đáp, đầu óc suy nghĩ mãi về thoại và chuông, về dây cùng rợ. Thế rồi trong một đêm trằn trọc, câu chuyện của người bác là lính thông tin trong chiến tranh biên giới phía Bắc bỗng ùa về: Địch dò và bắt được tín hiệu từ máy thông tin vô tuyến của ta nên đã nã pháo vào đúng điểm cao, vị trí máy đang hoạt động, người chỉ huy hi sinh và bác bị thương. Câu chuyện chiến tranh cũng như bao câu chuyện học hành, vui chơi hàng ngày mà cậu bé Hùng nghe rồi quên, thế mà không hiểu sao nó lại trở về. Hiển hiện trước mắt anh là khuôn mặt đau đớn và giọng kể nghẹn ngào của bác. Anh thấy như mình phải chịu trách nhiệm trước câu chuyện của lịch sử kia. Anh bật dậy đọc lại tất cả phần lí thuyết cơ bản, kết quả các lần thí nghiệm, lên mạng tìm tài liệu, ghi ghi chép chép, lên kế hoạch đến các trường thông tin mượn tài liệu, hỏi thêm các thầy... Và những nỗ lực của anh cùng đồng đội đã được đền đáp. “Bộ điều khiển xa cho máy VTĐ SCN PRC - 25” hoàn thành. Sản phẩm đáp ứng đầy đủ yêu cầu kĩ chiến thuật với giá thành rẻ hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại do các nhà máy quốc phòng sản xuất. Thiết bị đã được sử dụng trong nhiệm vụ huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, đạt hiệu quả rất tốt, được đánh giá cao.

Có thể nói, tìm tòi sáng chế đã ăn vào máu của Phạm Đức Hùng. Năm 2016 và 2017 anh liên tiếp cho ra đời ba sáng kiến, cải tiến kĩ thuật: “Hệ thống báo động khi có chập cháy điện”, “Hệ thống tự động làm mát kho xăng dầu và kho tổng hợp”, “Hệ thống báo động khi kẻ gian đột nhập”. Những sáng kiến này ra đời từ yêu cầu công tác, cộng với thực tế cuộc sống bộn bề bên ngoài doanh trại.

Phạm Đức Hùng tâm sự: “Hệ thống báo động khi có chập cháy điện” được anh phôi thai từ tình hình nơi đơn vị đóng quân thường xuyên xảy ra những vụ cháy lớn, gây thiệt hại về tài sản và tính mạng con người. Đau xót nhất là vụ cháy một tiệm xe máy vào cuối tháng 9 năm 2017 do chập điện làm chết hai chị em gái sinh năm 2001 và 2006, thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà năm tầng và xưởng sửa chữa liền kề. Anh đã ám ảnh với tấm ảnh thờ của hai cô gái với nụ cười ngây thơ trong trẻo. Hình ảnh ấy đã thôi thúc anh phải làm một điều gì đấy. Và hệ thống báo cháy hoạt động theo cơ chế liên hoàn ra đời, khi có chập điện cầu dao tổng tự động ngắt, còi báo cháy sẽ hú đồng thời hệ thống gửi tín hiệu về điện thoại chủ nhân. Sáng kiến này đã được rất nhiều xưởng sữa chữa, trang trại chăn nuôi quanh khu vực thị trấn Xuân Mai áp dụng vào thực tiễn.

Có thể thấy, tất cả sáng kiến của Phạm Đức Hùng đều vận dụng linh hoạt các thiết bị công nghệ cao. Ví như “Hệ thống tự động làm mát kho xăng dầu và kho tổng hợp” là dựa trên nguyên lí cảm biến nhiệt độ. Khi nhiệt độ tăng đến mức nhất định, hệ thống lập tức phun nước làm mát mái tôn bên trên và bật quạt hạ nhiệt trong kho. Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, còi báo động sẽ hú và tín hiệu khẩn cấp sẽ được báo về điện thoại của trực ban. Cũng như “Hệ thống báo động khi kẻ gian đột nhập”, khi kẻ gian mở cửa là còi báo động lập tức hú và tín hiệu được gửi ngay về điện thoại của chủ nhân.

Những sáng kiến thiết thực của Phạm Đức Hùng đã nhanh chóng đi vào đời sống và đều đoạt giải cao qua những hội thi sáng kiến cải tiến mô hình huấn luyện ở cấp sư đoàn, quân đoàn, toàn quân.

Trận chiến cam go với dịch tả lợn châu Phi

Từ nơi đóng quân của Sư đoàn, tôi xuống Trung đoàn 102. Ấn tượng đầu tiên về trung đoàn này là dấu vôi bột rắc trắng trước cổng. Tôi đem thắc mắc hỏi thiếu tá Phan Quốc Công, Phó Chủ nhiệm hậu cần thì được biết đơn vị vừa trải qua một trận chiến thực sự cam go với bệnh dịch tả lợn châu Phi, căn bệnh không có vắc xin phòng chống, một con bị bệnh lập tức lây ra cả đàn. Vì vậy Trung đoàn không chỉ cho rắc vôi bột mà còn quy định tất cả ô tô, xe máy từ ngoài vào đều bắt buộc dừng lại phun thuốc khử trùng. Các bốt gác quanh khu tăng gia rộng gần năm mươi nghìn mét vuông được dựng lên, canh gác hai tư trên hai tư, hạn chế người đi lại. Chuồng lợn được phun thuốc khử trùng ngày ba lần. Người vào khu vực chuồng phải mặc quần áo bảo hộ, đi giày riêng.

Đã qua cao điểm của bệnh dịch nhưng công tác bảo đảm an toàn cho khu chăn nuôi vẫn được duy trì thường xuyên. Gần hai nghìn con lợn của Trung đoàn qua đợt dịch vẫn khỏe mạnh. Anh Công cho biết, lúc bắt đầu dịch bệnh, từ chỉ huy đến chiến sĩ trong đơn vị đều nơm nớp lo lắng. Mỗi khi xem thời sự, thấy có thêm tỉnh bị dịch là ai nấy lòng như lửa đốt. Đàn lợn có vấn đề gì, nguồn thực phẩm cho Trung đoàn sẽ không đảm bảo. Cuối cùng, anh em động viên nhau không được sợ hãi, buông xuôi, phải tìm cách đi qua tâm dịch. Mấu chốt đặt ra là cách li và phòng chống, không thể chủ quan.

“Có hôm nửa đêm anh em chiến sĩ báo trong đàn có vài con có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn. Mình cuống cuồng chạy xuống kiểm tra. Tách riêng theo dõi thêm vài ba ngày thấy lợn không sốt, đi lại vững vàng, không nôn mửa kèm tiêu chảy mới yên tâm thở phào. Anh em vì tâm lí lo lắng quá nhìn đâu cũng thấy lợn bệnh. Mình động viên anh em vững tâm, phòng chống kĩ thì không sợ sệt gì”.

Tuổi trẻ Đại đoàn Quân tiên phong luôn phát huy truyền thống đơn vị anh hùng - Ảnh: Thành Duy

Anh “Hồ Giáo hôm nay” và những đàn... gà

Thăm khu tăng gia của Trung đoàn 102, tôi chứng kiến nhiều cái đẹp và lạ. Đẹp bởi những vườn rau đủ loại được bố trí hài hòa, cây luống, cây giàn, các màu xanh đỏ tím vàng hòa quyện. Lạ là bởi lần đầu tiên tôi được thấy đà điểu và cá sấu được nuôi bởi bàn tay người lính.

Và tôi đã gặp ở khu nuôi gà một nhân vật lạ.

Vì nghe có tiếng người văng vẳng, tôi hé cửa nhìn vào thì thấy một chiến sĩ trẻ đang vừa quét dọn chuồng vừa nói chuyện với... những con gà. Nhìn cảnh ấy, tôi chợt nhớ tới nhân vật Nhẫn trong truyện ngắn Cỏ non. Sự liên tưởng này có nguyên nhân. Cha đẻ của Cỏ non, nhà văn Hồ Phương vốn là lính Sư đoàn 308, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh của đơn vị. Và nguyên mẫu nhân vật Nhẫn của ông không phải anh hùng Hồ Giáo như nhiều người vẫn tưởng, mà là một người lính ông vô tình bắt gặp khi xuống đơn vị viết bài cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội như tôi bây giờ. Ông ấn tượng với người lính ấy bởi anh chỉ huy đàn bò như những người dưới quyền mình. Cũng tập hợp, lên giọng nghiêm, dọa nạt kỉ luật... Giày rách lòi mười đầu ngón chân ra ngoài, đầu đội một chiếc mũ nan rách, nhưng anh lính chăn bò không lấy thế làm buồn mà khuôn mặt lúc nào cũng rạng lên vẻ tươi vui, vô tư, lạc quan lạ thường. Chính người lính ấy giúp nhà văn hiểu thêm về giá trị của con người, giá trị từ những việc làm nhỏ nhất của người lính. Câu nói khắc cốt ghi tâm của anh với nhà văn Hồ Phương: “Tôi không có tiền của, không có cả học vấn, bằng cấp nhưng tôi có lòng yêu nước. Nước có giặc tôi đã đánh giặc, giờ hết giặc thì đi chăn bò cho nhà nước cũng coi như là yêu nước vậy”.

Lân la hỏi thăm, tôi được biết chàng chăn gà là binh nhất Đinh Hùng Vũ, quê xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong tiếng gà tác cục liên hồi, tiếng quạt vù vù của hệ thống thông gió, tiếng máy cho ăn công nghiệp ì ì chạy từ đầu này đến đầu kia chuồng rộng cả trăm mét vuông, Vũ kể, học hết lớp mười hai, nhà làm ruộng không có điều kiện học lên đại học, Vũ theo nghề thợ mộc. Được hơn hai năm bắt đầu quen tay quen việc thì anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Hết ba tháng huấn luyện tân binh, anh được phân về Ban Hậu cần nhận nhiệm vụ chăm sóc đàn gà. Làm người lính, biết phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, nhưng cứ nghĩ đến cảnh ngày ngày làm bạn với gà, trong khi các bạn mình ra thao trường nắng gió luyện tập Vũ không khỏi chạnh lòng. Thời gian đầu cũng khó chịu, nhưng càng ngày anh càng thấy say mê, yêu thương đàn gà mình chăm sóc. Nếu anh Nhẫn yêu những chú bò, đặt tên cho chúng thì Vũ cũng yêu đàn gà theo cách của mình. Gà nhiều quá không thể đặt tên nên Vũ gọi chung cả đàn là “gà của tớ ơi”. Vũ cầm xô đựng cám đi từ đầu này đến đầu kia chuồng, vừa đi vừa quan sát mào của từng con. Mào tái chưa đẻ, mào hồng rực lên thì đẻ đến nơi rồi. Gà sắp đẻ phải bổ sung thêm thức ăn, tay xoa đầu, tay múc cám thẩy xuống khay trước mặt. Tuy có máy cho gà ăn, chỉ cần đứng một chỗ ấn nút, lập tức khay cám chạy từ đầu dãy đến cuối dãy để rải, nhưng không đều, nên ngày mấy bận Vũ phải hót cám từ cuối máng chuyển lên trên.

“Gà của tớ ơi đẻ ngoan nhé”.

“Gà của tớ ơi kẹp đầu vào thanh thế này chết ngạt đấy”.

“Gà của tớ ơi ốm rồi à mà cứ khẹc khẹc mãi thế”.

“Gà của tớ ơi…”.

Vũ nói chuyện, tâm sự, chăm sóc những con gà như người thân của mình. Vũ bảo, đêm, cứ láng máng nghe thấy tiếng gà rộ lên là bật dậy mở cửa chuồng, chiếu đèn soi hết ngõ ngách xem gà bị sao. Sáng mờ đất, chưa có kẻng báo thức, Vũ đã dậy đi một vòng quanh chuồng. Ở đây, chuồng kín nhưng vẫn cứ sợ nhỡ có con chuột xấu tính nào đột nhập vào cắn gà, ăn trứng. Sau đấy quét dọn chuồng, đưa phân ra bể ủ, vệ sinh máng ăn, phủi mạng nhện trên quạt thông gió... Xong ngần ấy công việc ở hai chuồng, cả bên gà đang đẻ lẫn gà non đang úm, Vũ mới yên tâm về tập thể dục, ăn sáng. Vũ kể đã từng có ý nghĩ khi xuất ngũ sẽ đi xuất khẩu lao động, nhưng giờ cái ý nghĩ ấy mai một dần vì... trót yêu gà quá. Mỗi con gà trong chuồng dường như cũng hiểu tình cảm của người chủ dành cho mình nên cứ khi nào Vũ vào là chúng nhao lên, xôn xao mừng rỡ. Vũ ấp ủ ý định sau này ra quân về sẽ vay vốn mở một trang trại gà cho riêng mình ở quê.

Công việc nặng nhọc nhất trong ngày là nhặt trứng vào buổi chiều. Một chuồng năm nghìn con sẽ cho ra mỗi ngày chừng ba nghìn trứng, vào mùa lạnh thì ít hơn, quãng hai nghìn. Tay Vũ thoăn thoắt nhặt trứng cho vào khay đựng như một nghệ sĩ múa. Từng quả vỏ nâu, vỏ trắng nằm tăm tắp trên khay, khay chồng khay. Để nhặt hết số trứng một chuồng, trước kia Vũ thường mất hơn ba tiếng. Nhưng giờ quen tay, Vũ chỉ cần hai tiếng. “Có khi nào em làm vỡ trứng không?”. Vũ cười, hồn nhiên đáp: “Không anh ơi. Ngày xưa em làm mộc, tay chân cũng quen rồi. Mà giờ em phải cố học hết kĩ thuật về chăn nuôi để sau này về còn làm. Xưa ở nhà nuôi dăm ba con gà thì đơn giản, cứ thóc gạo vãi ra cho ăn, mặc kệ sống chết. Giờ nuôi theo công nghiệp thì phải khoa học, cho ăn vào giờ nào, lượng cám ra sao để gà đẻ nhiều trứng, chất lượng trứng tốt nhất”.

Vũ bảo em luôn tranh thủ quãng thời gian nghỉ trong ngày để đọc thêm sách báo về nông nghiệp, hướng dẫn nuôi gà đẻ gà thịt ở quy mô vừa đến quy mô lớn. Rồi kết hợp mô hình chăn nuôi gà với trồng trọt, thả cá... Nhìn khuôn mặt rắn rỏi, tràn đầy quyết tâm, tôi tin sau này ra quân về quê, Vũ sẽ làm giàu trên chính quê hương của mình. Biết đâu một ngày không xa, sẽ có một tỉ phú vươn lên làm giàu từ chăn nuôi gà mang tên Đinh Hùng Vũ, người đã từng là lính của Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 Anh hùng.

Người có hai bà mẹ

Chiều muộn, tôi đến vùng đất giáp ranh giữa Hà Nội và Hòa Bình gặp thiếu tá Mai Trọng Hùng, Phó trung đội trưởng, Ban tham mưu Trung đoàn 88 khi anh chuẩn bị đi thăm người mẹ nuôi Hoàng Thị Năm ở xã Cư Yên, huyện Lương Sơn. Tôi để ý trong túi ni lông anh chằng sau xe có bánh kẹo, hoa quả kèm một chiếc khăn quàng màu nâu tươi. Hỏi, anh kể quen mẹ Năm từ hồi những năm 2000 khi đi làm công tác dân vận, tuyên truyền pháp luật, vệ sinh môi trường cho đồng bào người Mường. Năm ấy, trong đoàn có mấy người lính trẻ bị lạ nước dị ứng, mẩn ngứa khắp người, uống thuốc tây chỉ đỡ chứ không khỏi hẳn. Trong một bữa ăn, anh vô tình kể với mẹ, nghe chuyện, mẹ đích thân lên núi lấy lá về bảo nấu nước tắm. Thật kì diệu, chỉ sau hai ba bận thì họ khỏi. Hóa ra mẹ Năm là một người am hiểu thuốc nam, anh Hùng lân la hỏi, mẹ không giấu giếm mà nhiệt tình chỉ dạy rồi dẫn anh lên núi tìm, chỉ cho từng thứ lá, hoa, cỏ... có tác dụng chữa bệnh gì, bệnh gì.

Không chỉ dạy nghề thuốc, mà ngày anh Hùng về phép, mẹ Năm còn gửi tiền để anh mua quà cho mẹ đẻ ở quê. Lần đi phép đó anh kể với mẹ đẻ về ý định nhận mẹ Năm là mẹ nuôi. Mẹ anh đồng ý ngay. Thế là từ đấy anh đã có hai bà mẹ. Hai bà mẹ đã từng gặp nhau ở Trung đoàn 88 đây. Bà mẹ người Mường thì mang xuống cá suối, măng rừng, bà mẹ người Kinh mang từ Thanh Hóa ra nem chua. Bữa cơm sum họp giản dị giữa hai bà mẹ là kỉ niệm khó quên với anh.

Mẹ đẻ anh đã mất cách đây gần chục năm, dịp gần tết. Anh vẫn nhớ, số tiền lương anh dành dụm mấy tháng mang về, mẹ chưa tiêu đồng nào. Mẹ anh là thế. Ngày tết thường nhận lì xì của con rồi mừng tuổi lại cho cháu nhiều hơn. Nhớ mẹ, anh dành tình cảm mẫu tử thiêng liêng ấy cho người mẹ thứ hai. Mỗi lần gặp, mẹ hay nhắc về lần hai bà mẹ gặp nhau, những câu chuyện khác biệt ở hai vùng quê, về mong ước cho gia đình anh sau này. Hỏi công tác ra sao, vợ anh thế nào, các cháu có ngoan không. Anh nghe, trả lời, thấy lòng mình chợt bừng lên ấm áp.

Chiều nay, giữa cái ảm đạm của đất trời giông mây, anh chợt lo chỗ dột nơi mái nhà mẹ Năm lần trước về vì vội nên chưa kịp lợp. Thế là điện vội báo cho vợ, anh quyết định xin phép đơn vị về thăm mẹ Năm.

Tôi nhìn mãi theo bóng người lính khuất dần về phía cuối đường, lòng chợt trào dâng một cảm xúc khó tả.

Tháng 8/2019

Đ.P