Thứ Tư, 21/10/2020 15:35

Người kể chuyện đặc biệt về nước Nhật những năm đầu thế kỉ XX

Tôi là con mèo như một bức tranh thu nhỏ hiện thực xã hội Nhật Bản buổi giao thời.

Được giới phê bình đánh giá là “một trong ba chủ soái của văn học hiện đại Nhật Bản”, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới các tác giả cùng thời cùng thế hệ cầm bút về sau, cùng với Mori Ogai và Akutagawa Ryunosuke, những sáng tác của Natsume Soseki không chỉ tái hiện lên hiện thực xã hội Nhật Bản buổi giao thời mà còn tái hiện tâm thức, con người nước Nhật trước biến động thời cuộc. Những điều đó thể hiện rất rõ ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tay của Soseki: Tôi là con mèo (Wagahai wa Neko de Aru).

Tiểu thuyết đầu tay của Natsume Soseki.

Nhật Bản buổi giao thời

Được viết vào năm 1905 - 1906, khi nước Nhật đã hoàn thành Duy tân Minh Trị khoảng hơn 30 năm và trở thành một cường quốc trên thế giới, đánh bại đế quốc Nga trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật diễn ra từ năm 1904 - 1905, có thể nói Tôi là con mèo như một bức tranh thu nhỏ hiện thực xã hội Nhật Bản buổi giao thời. Bức tranh ấy chứa đựng những gam sắc mâu thuẫn, đối lập nhau gay gắt, giữa một bên là văn hóa truyền thống với một bên là sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.

Ở tiểu thuyết Tôi là con mèo, đâu đó thấp thoáng, ẩn hiện những nét rất riêng, đặc trưng của văn hóa nước Nhật. Đặc trưng tiết trời theo mùa của một đất nước vùng ôn đới. Phong tục tập quán trong những ngày lễ tết, trong những sinh hoạt đời thường, gia đình, bạn bè. Các vấn đề văn học, nghệ thuật hiển hiện ở từng thể thơ, tích kịch cổ Nhật Bản. Thậm chí, trong mỗi câu chuyện hư cấu, bông đùa, dối trá của Meitei cũng ẩn chứa cách chơi chữ của một con người có vốn hiểu biết nhất định với ngôn từ nước mẹ…

Nhưng khi những nét truyền thống tốt đẹp đó đặt cạnh sự xâm lấn của văn hóa ngoại bang, sự ảnh hưởng của văn minh phương Tây, nền văn hóa của một đất nước đã trở nên kì hình, dị dạng, lai căng và nửa vời. Mà sự lai căng ấy, được thể hiện rất rõ trong từng con đường, góc phố hay ngay chính ngôi nhà của ông giáo Kushima ở tiểu thuyết Tôi là con mèo.

Văn hóa phương Tây tác động tới lối sống, kiến trúc tại khu phố nhỏ, tạo nên hình ảnh đối lập: căn nhà cổ rách nát, nghèo nàn của ông giáo Kushima ở đầu phố trái ngược hẳn với biệt phủ theo lối Tây phương của nhà Kaneda. Xông hơi, tắm nước nóng vốn là nét đẹp trong sinh hoạt, giữ sức khỏe của con người Nhật Bản nhưng những nhà tắm công cộng với nhung nhúc người tại các bể tắm cáu bẩn lại hiện rõ sự tạm bợ, lừa mình dối người của con người thời đại này. Người ta muốn cải biên kịch truyền thống: những kẻ trưởng giả học làm sang, kì thị tầng lớp trí thức trung lưu nhưng lại muốn dựa vào tầng lớp này để kết thân với tầng lớp tri thức tinh hoa; gã đàn ông thuộc lớp tiểu tư sản như Kushima luôn bài xích lớp tư sản mới nổi nhưng trong đời sống thường xuyên chêm thêm tích cổ Tây phương như cách để khẳng định đẳng cấp với tầng lớp bình dân…

Do vậy, dẫu bức tranh xã hội Nhật Bản trong tiểu thuyết Tôi là con đa dạng màu sắc song từng sắc độ, gam màu lại bị pha tạp hỗn độn. Cội gốc truyền thống - văn minh phương Tây vừa hòa quyện, vừa mâu thuẫn đối chọi gay gắt. Tất cả làm nên diện mạo Nhật Bản thuở giao thời, một thời đại “ối a ba phèng” (chữ dùng của Nguyễn Tuân) người ta quay cuồng với quá trình hiện đại mà thẳm sâu đâu đó trong con người nơi đây, vẫn ý thức phải giữ lại cái gì là truyền thống, là căn tính dân tộc trước cơn lốc hội nhập thời cuộc.

Đau thương ẩn sau những lời văn châm biếm

Tiểu thuyết Tôi là con mèo là một tiểu thuyết khá đặc biệt. Đặc biệt đầu tiên ngay từ cách nhà văn Natsume Soseki sử dụng ngôi kể và đặt điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm. Câu chuyện kể ở ngôi thứ nhất, nhưng người xưng tôi thuật lại toàn bộ tình tiết, sự việc lại là một chú mèo hoang xấu xí có bộ lông màu xám tro được gia đình ông Kushima nuôi nấng. Từ điểm nhìn của một chú mèo luôn dõi ánh mắt theo từng cử chỉ, hành động con người mà những lời văn châm biếm sâu cay cứ vậy tự nhiên chảy trôi. Giống như cuộc sống nước Nhật những năm đầu thế kỉ XX cứ vậy diễn ra trước sự theo dõi của chú mèo.

Sự châm biếm, trào lộng được thể hiện trên mọi khía cạnh, ở mọi chiều kích không gian lẫn thời gian. Khi thì sự châm biếm chỉ biểu hiện trong không gian hẹp - căn nhà của ông giáo Kushima, khi không gian lại mở rộng đến dinh thự nhà Kaneda, phòng tắm hơi, những con phố, bức tường chú mèo đi qua… Để từ đó, độc giả nhận ra, Soseki không đơn thuần chỉ là tái hiện nước Nhật buổi giao thời với tất cả sự tôn trọng, trung thực nhất trước hiện thực mà ông còn tỏ thái độ phê phán, trào phúng sâu cay trước thói “rởm đời” của một xã hội giao thoa văn hóa đến kệch cỡm.

Kẻ thường nói đạo lí thì gia trưởng và lười nhác. Kẻ làm khoa học thì xa rời thực tiễn mà đuổi theo những lí thuyết viển vông, công trình nghiên cứu được tạo ra chỉ là thứ để người ta bàn tán mua vui. Kẻ có tiền mà chẳng thể mua lấy vẻ đẹp cả ở thể xác lẫn tâm hồn… Họ đều như các kiếp “đời thừa”, sống vô nghĩa lí giữa biến động thời cuộc. Vô nghĩa lí cả trong suy nghĩ, hành động. Căn nhà của ông giáo Kushima như một xã hội thu nhỏ tập hợp những kẻ như thế. Họ kể những câu chuyện phiếm, hư cấu vô nghĩa lí, những bài thơ nhạt nhẽo vô tác dụng, các công trình nghiên cứu vật lí vô nghĩa của Kangetsu, các màn đối thoại ngắn và cụt ngủn như chẳng thể tìm thấy tiếng nói chung… Qua ánh nhìn vừa mang tính tiếp thu, đánh giá, vừa mang tính phán xét của chú mèo vô danh mà lời văn trở thành những lời châm biếm sâu cay: “Vì người phương Tây họ mạnh nên dù có vô lí, có dở hơi cũng phải bắt chước bừng được mới thỏa mãn.”

Và khi nghiền ngẫm lại, chúng ta thấy ẩn sau tiếng cười tưởng chừng dửng dưng, tưng tửng của câu chuyện lại là những nỗi đau, niềm thương cảm và xót xa của tác giả tới con người và đất nước Nhật Bản những năm đầu thế kỉ XX. Một đất nước đang có những bước phát triển vượt bậc, một đất nước đang ngày càng hiện đại và khẳng định được vị thế nhưng đồng thời, bên dưới sự phát triển như vũ bão đó là lớp đáy ngầm bộc lộ những xung khắc trong xã hội. Đó vừa là sự lai căng, mai một văn hóa, là việc những con người Nhật Bản thuở giao thời, đang dần lâm vào cuộc khủng hoảng căn cước của cả dân tộc. Việc phản ánh những kiếp sống con người thiếu mục đích, vô nghĩa, vô vị trong Tôi là con mèo trở thành bản sắc riêng, là chủ đề mà Natsume Soseki hướng đến cả ở những sáng tác sau này.

Tôi là con mèo - Tôi là đôi mắt lặng nhìn xã hội

Tôi là con mèo, một con mèo hoang xấu xí với bộ lông nhem nhuốc cũng chẳng ra màu xám tro. Tôi là con mèo, chỉ là một con mèo vậy thôi, không có tên, không có định danh. Nhưng tôi là một con mèo có ý thức, có trí tuệ, biết nhìn nhận cuộc đời và đánh giá con người. Đánh giá đấy có thể đúng, có thể sai nhưng đến cuối cùng, cặp mắt của “tôi” vẫn dõi theo ông giáo Kushima đến giây phút cuối cùng.

Tôi là con mèo, một con mèo vô danh nhưng có lẽ, đây chính là thủ pháp làm mờ danh tính của tác giả Natsume Soseki với nhân vật - người kể chuyện đặc biệt ông xây dựng. Con mèo đấy, có thể là bất cứ ai, hay đơn giản chính là đôi mắt lặng lẽ nhìn sự đổi thay, biến động thời cuộc của nước Nhật hậu Duy tân Minh Trị, của Nhật Bản những năm đầu thế kỉ XX. Một đôi mắt nhìn nhận xã hội có phần châm biếm cay nghiệt, song cũng không ít khoảnh khắc đằm sâu những suy tư thế thời: “Lá vàng kết thành hai, ba tầng thảm đỏ, xen giữa những cây xích tùng rơi lả tả như trong mơ từ ngàn xưa. Những cây sơn trà từng rắc cánh hoa màu trắng, màu hồng xuống bồn nước cạnh hè, cũng đã trút hết lá. Mặt trời mùa đông ngả bóng sớm hơn trên thềm nhà ba gian rưỡi phía nam.”

Mọt Mọt