Thứ Hai, 02/09/2019 00:08

Ngôn từ là sứ giả hoà bình – một sách lược ngoại giao của Bác Hồ

Bác Hồ dùng ngôn ngữ làm cầu nối văn hóa hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Biết nhiều ngoại ngữ đã là điều đáng kính trọng, nhưng cái chính là Bác rất giỏi và tinh tế trong việc dùng ngoại ngữ vào công việc “quốc gia đại sự”. (NGUYỄN THANH TÚ)

. NGUYỄN THANH TÚ

Bác Hồ dùng ngôn ngữ làm cầu nối văn hóa hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Biết nhiều ngoại ngữ đã là điều đáng kính trọng, nhưng cái chính là Bác rất giỏi và tinh tế trong việc dùng ngoại ngữ vào công việc “quốc gia đại sự”. Ngày 25-7-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư gửi nhân dân Pháp sau cuộc hội kiến với Pôn Muýt, đại diện Cao uỷ Pháp Bôlae, có đoạn: “Bọn quân phiệt thực dân đã bắt buộc chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, chúng tôi lấy câu châm ngôn hiên ngang của các bạn làm châm ngôn của chúng tôi: "Thà chết không làm nô lệ". Chúng tôi chiến đấu vì công lý. Chúng tôi sẽ tồn tại; chúng tôi sẽ chiến thắng” (1) . Câu châm ngôn Pháp nổi tiếng trên thế giới được sử dụng thật đúng với hoàn cảnh Việt Nam lúc bấy giờ. Chúng ta đã cố gắng để tránh một cuộc chiến tranh, nhưng bọn thực dân Pháp thì không muốn thế, bởi chúng quyết tâm chiếm lại nước ta. Đây là lá thư gửi nhân dân Pháp, mục đích là để cho nhân dân Pháp hiểu tình hình, hiểu người Việt Nam không muốn đổ máu, nhưng vì lòng tự trọng nên người Việt quyết không chịu hèn mất nước. Như người Pháp đã nói thế (Thà chết không làm nô lệ), “chúng tôi” sẽ làm theo câu nói ấy, hãy ủng hộ “chúng tôi”. Cũng với tinh thần ấy, nhân kỷ niệm ba năm ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Điện gửi nhân dân Pháp nhân ngày 19-12-1948: “Dân tộc chúng tôi đã anh dũng chiến đấu. Dân tộc chúng tôi đã chiến đấu "không chút sờn lòng, không điều ân hận", vì chúng tôi chiến đấu cho tự do, cho độc lập, và đối với nhân dân Pháp chúng tôi không thù hằn gì. Chúng tôi đã tỏ rằng chân lý, công lý, lịch sử và tương lai ở về phe chúng tôi. Chúng tôi sẽ thắng!” (2) .

Có hiểu biết ít nhiều về nước Pháp thì ai cũng biết một câu châm ngôn nổi tiếng của hiệp sỹ Bayard của nước Pháp thời cổ: "không chút sờn lòng, không điều ân hận". Câu trích có ẩn ý: nếu hiệp sỹ Bayard ngày xưa chiến đấu vì chân lý, công lý, thì chúng tôi nay cũng vậy, chúng tôi phải chiến đấu cho tự do, cho độc lập nên quyết tâm của chúng tôi và hiệp sỹ của nhân dân Pháp là giống nhau. Hãy coi chúng tôi như là những hiệp sỹ Bayard của nước Pháp đang chiến đấu vì lý tưởng, vì “chân lý, công lý”.

Hồ Chí Minh đặc biệt ưa thích ngụ ngôn của La Phông ten, những câu chuyện đậm tính chất giáo dục, triết lý đã trở thành cổ điển cho mọi dân tộc trên thế giới. Bác Hồ đã coi truyện ngụ ngôn như là một thứ vũ khí cách mạng, để phê phán, tố cáo kẻ thù, để cảnh tỉnh, thức tỉnh người nô lệ, kêu gọi dân ta đoàn kết, để giải thích tình hình… Ví như một chi tiết trong Trả lời ông Vaxiđép Rao, thông tín viên hãng Roitơ, Người mượn câu chuyện ngụ ngôn để vạch trần một cách đích đáng luận điệu xảo trá của thực dân Pháp khi chúng gây hấn trở lại hòng cướp nước ta lần nữa: “Nước Việt Nam không có lợi gì gây chiến tranh để làm cho nhân dân thiệt hại và chịu bao nhiêu tang tóc. Ông hãy nhớ lại bài ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên Con chó sói và con cừu.

Truyện Con chó sói và con cừu kể một chú sói làm đục dòng suối, con cừu ra suối uống nước liền bị sói mắng là đã làm bẩn nước, cừu cãi lại, nói chính sói mới là kẻ gây ra. Chó sói liền đòi ăn thịt cừu. Ngụ ý của câu chuyện thật dễ hiểu: liệu cái lý của kẻ mạnh mà độc ác (như sói) bao giờ cũng đúng? Không phải. Kẻ mạnh mà độc ác luôn đi ngược lại chân lý thông thường. Chỉ cần mượn một câu chuyện ngụ ngôn mà nói được bản chất của vấn đề: Pháp như con sói kia, là kẻ đi xâm lược, gây ra chiến tranh mà còn vu cho người Việt “gây ra cuộc xung đột”. Đúng là không thể nói những gì, diễn đạt những gì chính xác hơn, hay hơn cách mượn ngụ ngôn này. Lã Phụng Tiên, tức La Phôngten (La Fontaine) nhà ngụ ngôn nổi tiếng thế giới, người Pháp, tác giả của Con chó sói và con cừu. Cũng thật thâm thúy khi Bác Hồ lấy chính một tác phẩm yêu thích của người Pháp nói chung để hài hước mỉa mai những người Pháp xấu - những kẻ thực dân.

Ngoài một thiên tài về tầm nhìn chiến lược, về nhận định thế cuộc, phải khẳng định Bác Hồ là một nhà văn, nhà ngôn ngữ kiệt xuất trong việc dùng ngôn ngữ, hình tượng văn học để diễn đạt một cách chính xác, tinh tế nhất tình hình chính trị. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 nước Việt Nam mới tổ chức Tổng tuyển cử. Bác Hồ chủ động nhường cho Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam bảy mươi ghế trong Quốc hội. Nhưng đối với bọn phản động này thì nhân dân lại rất khinh bỉ nên có người băn khoăn, thắc mắc, Bác Hồ giải thích: “Muốn giồng khoai giồng lúa, người ta phải dùng phân. Muốn đi đến dân chủ mà tất cả chúng ta đều muốn, đôi khi chúng ta phải làm những việc chúng ta không vui lòng làm” (3). Lời Bác thật hết sức giản dị qua một ngụ ngôn gần gũi, quen thuộc với đại đa số nhân dân ta đã làm mọi người yên lòng. Diễn tả cả một tình thế chiến lược cách mạng, chỉ có tầm thiên tài mới có lối diễn đạt ngắn gọn, cụ thể mà sinh động: “Con rắn thực dân đã bị ta đánh gẫy lưng, song nó chưa bị đánh dập đầu. Còn đầu thì nó còn có thể cắn. Vì vậy, ta cần phải cẩn thận hơn, đề phòng hơn, chuẩn bị hơn nữa, để đánh cho giập đầu nó. Khi đó ta mới hoàn toàn thắng lợi!” (4) .

Cách dùng ngôn từ vừa biểu hiện một trí tuệ kiệt xuất vừa biểu hiện vị thế của cả một quốc gia. Ngày 28-5-2948, một nhà báo Pháp hỏi “Xin Chủ tịch cho biết dựa trên nguyên tắc nào mà phong tướng cho các vị chỉ huy?”. Người trả lời: “Chúng tôi đánh du kích chống thực dân Pháp nên cũng phong hàm một cách du kích. Ví dụ; cán bộ quân đội nào đánh thắng một quan ba Pháp thì phong làm quan ba. Theo nguyên tắc này…thì đồng chí Võ Nguyễn Giáp của chúng tôi đáng lẽ phải được phong mấy lần Đại tướng và Đô đốc…” (5). Câu hỏi khó, ngầm ý chê bai, và câu trả lời thì tuyệt vời, rất lịch sự nhã nhặn nhưng thể hiện cả một tầm vóc của quân ta vượt hẳn lên tầm đối thủ là quân đội của thực dân Pháp đang ở thế yếu, thế thua kém. Ngày 14-9-1946 Đô đốc Đácgiăngliơ tiếp Bác trên chiến hạm Pháp. Chúng xếp Bác ngồi giữa đô đốc thuỷ quân Thái Bình Dương và thống soái lục quân Viễn Đông. Đácgiăngliơ nói xỏ xiên: Monsieur le Président, vous voilà bien encadré par L’Armée et la Marine (Chủ tịch đang bị đóng khung giữa lục quân và hải quân). Bác trả lời: - Mais, vous savez, Monsieur L’Amiral, c’est le tableau qui fait la valeur du cadre! (Nhưng mà đô đốc biết đấy, chính bức hoạ mới đem lại giá trị cho chiếc khung) (6) . Lời nói của Đácgiăngliơ là một ngụ ngôn, ý nói Chủ tịch (có thể hiểu rộng ra là Việt Minh) bị bao vây bởi lục quân và hải quân Pháp. Bác Hồ liền dùng ngay một ngụ ngôn khác để đập lại ngụ ngôn có ý xỏ xiên này, ý nói: chính chúng tôi “mới đem lại giá trị” cho lục quân và hải quân (Pháp).

Năm 1949, trả lời câu hỏi của nhà báo Mỹ: “Chủ tịch thân Mỹ hay chống Mỹ?”. Người đáp ngay: “Tôi chỉ thân Việt” (7). Đây là câu hỏi khó. Nếu trả lời là “thân Mỹ” thì vừa không đúng với thực tế, vừa “mất lòng” các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, đồng thời gây hiểu lầm về mục đích cách mạng trong nội bộ nhân dân ta, “thân” thì rõ ràng không nhưng cần phải tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ (năm 1945 có một số sỹ quan Mỹ đã giúp ta). Nếu trả lời “chống Mỹ” thì cũng không đúng vì lúc này ta đang chống Pháp, rất cần có chính sách phân hóa kẻ thù. Đây là ví dụ tiêu biểu cho cách ứng đối của các nhà lãnh đạo nước ta với báo chí nước ngoài. Tương tự với dẫn chứng trên, đồng chí Phạm Văn Đồng kể có nhà báo ngoại quốc có lần hỏi Hồ Chủ tịch thuộc đảng phái nào. Người đáp luôn: “Đảng của tôi là Đảng Việt Nam” (8) .

Ngôn ngữ là cầu nối văn hoá, là sứ giả hoà bình, là tiếng nói tình người…Có thể khẳng định Bác Hồ là một trong những nhà chính khách sử dụng ngôn ngữ một cách văn hoá nhất, hiệu quả nhất!

 


1. Hồ Chí Minh toàn tập (1996), Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 129.

2.  Hồ Chí Minh toàn tập (1996), Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 535..

3. Trần Dân Tiên (1970), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nhà xuất bản Văn học, tr 121.

4. Hồ Chí Minh (1995), Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 618.

5. Nhiều tác giả (2009), Hồ Chí Minh nhà văn hoá của tương lai, Nxb Thanh Niên, tr 126.

6. Nhiều tác giả (1990), Bác Hồ với tiếng nước ngoài, NXb Tổng hợp Sông Bé, tr 26.

7. Nhiều tác giả (2006), Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 389.

8. PGS.TS Đinh Xuân Dũng (2008), Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, Nxb Giáo dục, tr 42.