Chủ Nhật, 20/07/2025 00:14

Ngọn lửa không tắt từ những trang viết của Đặng Thùy Trâm:

Khí phách tôi luyện trong lửa đạn nhưng đầy nhân văn

Sự hiện diện của Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba ở thời điểm hiện tại, hai mươi năm sau ngày hai cuốn nhật ký đầu tiên tạo nên một chấn động, góp phần rộng mở những trang viết vô giá về bác sĩ, liệt sĩ sống mãi tuổi hai mươi... (BẢO CHÂU)

Có những trang sách, khi được mở ra, không chỉ tái hiện một số phận mà còn khơi dậy cả một thời đại. Có những dòng chữ, viết ra từ trái tim người viết, nhưng lại có thể trở thành ngọn lửa dẫn đường cho nhiều thế hệ. Và có những cuộc trở về, sau hàng thập kỷ, không phải để khép lại quá khứ mà để mở ra những cuộc đối thoại bất tận về tình yêu, về lý tưởng thời đại, về sự trường tồn của những giá trị cao đẹp. Sự hiện diện của Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba ở thời điểm hiện tại, hai mươi năm sau ngày hai cuốn nhật ký đầu tiên tạo nên một chấn động, góp phần rộng mở những trang viết vô giá về bác sĩ, liệt sĩ sống mãi tuổi hai mươi. Đó không chỉ nối dài một huyền thoại, mà còn góp phần hoàn chỉnh bức chân dung về diên mạo tinh thần của cả một thế hệ – thế hệ đã đi qua chiến tranh với tất cả sự trong sáng, tận hiến và cao cả nhất.

Cuốn sách với tên gọi Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba, do bác sĩ Đặng Kim Trâm – em gái của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm – dày công chắt lọc, không phải là một sự lặp lại, mà là một cuộc trở về cần thiết để soi chiếu vào những giá trị đã trở thành hữu hình. Cuốn sách ra mắt ngày 18/7/2025 như mảnh ghép cuối cùng làm tròn đầy một biểu tượng, khiến cuốn sách vượt lên giá trị tư liệu, chính là chiều kích tư tưởng – một tinh thần Việt Nam không phai nhạt, một khí phách được tôi luyện trong lửa đạn nhưng vẫn đầy nhân văn, gửi gắm qua từng con chữ giản dị mà kiên cường.

Buổi tọa đàm ra mắt với tên gọi Ký ức chưa từng khép lại cũng là một buổi sinh hoạt chuyên đề Uống nước nhớ nguồn

Lớp người lí tưởng và sự kiến tạo một thế hệ

Phần một của cuốn sách – “Lớp người lý tưởng” – là một cuộc hành trình ngược thời gian, trở về với mạch nguồn đã hun đúc nên một Đặng Thùy Trâm mà chúng ta biết. Đây không chỉ là dòng nhật ký tuổi trẻ của một nữ sinh y khoa Hà Nội, mà là hồi quang trong trẻo của cả một khí quyển tinh thần đặc biệt của miền Bắc những năm 60. Đọc những trang này, ta nhận ra chủ nghĩa anh hùng cách mạng không phải là một sản phẩm được đúc sẵn từ khuôn mẫu mà được nảy mầm, nuôi dưỡng từ những tâm hồn bình dị, từ nền giáo dục nhân văn xã hội chủ nghĩa và bối cảnh lịch sử mà ở đó, lí tưởng phụng sự Tổ quốc là kim chỉ nam, là lẽ sống tự nhiên như hơi thở.

Chính “lớp người” ấy – lớp người “xếp bút nghiên lên đường ra trận”, lớp người thuộc thơ Tố Hữu, thuộc những trang Thép đã tôi thế đấy và mang trong tim hình ảnh miền Nam ruột thịt – đã tạo nên tầm vóc sử thi cho cuộc kháng chiến. Đặng Thùy Trâm là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất cho thế hệ đó. Trong những trang viết của chị, không khó để nhận ra chiều sâu tri thức, phẩm chất nhân ái, yêu nghệ thuật, tin tưởng vào tương lai và có cái nhìn đầy trách nhiệm của một trí thức trẻ trước vận mệnh chung. Chị trăn trở về nghề y, về trách nhiệm cứu người, về nỗi đau của những người mẹ, người vợ có người thân nơi chiến trường. Nhưng đồng thời, cũng có một Thùy Trâm rất đời thường, khắc khoải với những cảm xúc cá nhân, những ưu tư nữ tính, một tâm hồn nhạy cảm biết yêu và biết đau.

Sự kết hợp giữa lí tưởng cộng đồng và cảm xúc cá nhân, giữa lí trí sắc bén của một bác sĩ và trái tim nhân hậu của một người phụ nữ, đã tạo nên một gương mặt văn chương rất riêng. Nó giải thiêng hóa sự anh hùng, đưa nó về với bản chất nguyên thủy: là sự lựa chọn dấn thân của những con người bình thường khi Tổ quốc cần. Để có một Đặng Thùy Trâm kiên cường nơi lửa đạn, trước hết phải có một Đặng Thùy Trâm với trái tim nhân hậu, với những rung động tinh tế trước một nhành hoa, một ánh mắt. Chính những trang viết về cuộc sống, về hình ảnh Đặng Thùy Trâm trong trí nhớ của những người thân tưởng chừng riêng tư này lại mang một giá trị văn hóa – lịch sử to lớn, góp phần hoàn thiện hình ảnh người bác sĩ ở những góc nhìn khác, sau hai cuốn sách nhiều tiếng vang.

Những văn bản gốc là những trang nhật ký gửi lại cho mẹ giữ trước khi ra chiến trường, là tư liệu sơ cấp trung thực nhất để thế hệ sau hiểu được không khí thời đại, hiểu được điều gì đã kiến tạo nên thế hệ phi thường như vậy. Nhật ký, từ thể loại cá nhân, đã trở thành di cảo văn hóa, và người viết nhật ký trở thành biểu tượng tinh thần. Như TS. Hà Thanh Vân, diễn giả trong buổi ra mắt đã nói rằng lịch sử không chỉ được ghi chép qua những tài liệu khoa học mà còn hiện lên qua dòng văn học kí ức, hồi cố của chính những nhân chứng lịch sử trong sự kiện. Bà cũng nhấn mạnh cuốn sách lần này là mảng kí ức, hồi ức về người con gái anh hùng mà qua đó thấy được tiếng vọng của nhiều thời đại được phục dựng bằng ngôn ngữ văn chương.

Cuốn sách mới ra mắt cùng cuốn nhật kí được tái bản nhiều lần

“Cây cầu bắc qua dòng sông chia cắt” và sức mạnh của lương tri

“Những ai từng đọc được nhật ký, những trang nhật ký của Thùy là một cây cầu, một con đường bắc qua dòng sông của sự thiếu hiểu biết, cay đắng và ngờ vực đã chia cắt hai quốc gia của chúng ta trong một thời gian dài…Thưa mẹ Trâm, cây cầu đó có ý nghĩa là bà cần phải suy nghĩ kĩ càng về cảm xúc của bà về việc xuất bản nhật ký. Mẹ tôi bảo tôi nói với bà rằng nhật ký của Thùy là sự chữa lành nỗi buồn và sự chia li. Và nếu chúng được xuất bản thì rốt cuộc đó cũng là một sự tiếp nối công trình của Thùy trong cuộc đời… chữa lành vết thương và nỗi đau…” – trích thư của Robert Whitehurst viết cho bà Kim Trâm, mẹ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Chính ý nghĩa về hình ảnh cây cầu được nhắc đến trong thư được tác giả Đặng Kim Trâm trích thành tên gọi của phần hai cuốn sách - “Cây cầu bắc qua dòng sông chia cắt”. Đây là một hành trình hướng ngoại, thể hiện sức mạnh lan tỏa và quyền năng cứu chuộc của những giá trị nhân văn. Cái tên của chương sách mang một trường nghĩa rộng lớn và đầy tính biểu tượng. Dòng sông ở đây là sông Bến Hải của địa lí, là dòng sông của thời gian gần nửa thế kỉ, và quan trọng hơn cả, là dòng sông của hận thù, của sự cách biệt giữa hai chiến tuyến trong một cuộc chiến tàn khốc.

Và chính những trang nhật ký của Đặng Thùy Trâm, vật chứng của một phía trong cuộc chiến, lại trở thành vật liệu để xây nên cây cầu ấy. Câu chuyện xúc động về cựu binh Mĩ Fred Whitehurst – người đã gìn giữ cuốn nhật ký suốt 35 năm và tìm mọi cách trao lại nó cho gia đình liệt sĩ – đã vượt qua khuôn khổ một câu chuyện thời sự. Nó đã trở thành một thiên cổ tích của thời hiện đại, một bài học minh triết về sự hòa giải. Tại sao một sĩ quan tình báo của phía đối phương lại quyết định giữ lại những dòng viết của một bác sĩ Việt Cộng? Câu trả lời nằm ở sức mạnh cảm hóa của chân lí và tình người. Fred Whitehurst đã không nhìn thấy trong đó những dòng tuyên truyền, mà ông nhìn thấy một tâm hồn cao đẹp, một trí tuệ sắc sảo, một trái tim yêu thương con người và đất nước mình đến cháy bỏng. Ông đã thấy chính bản thân mình và những người thân yêu của mình trong hình ảnh người con gái ấy.

Trong một thế giới từng bị phân cực bởi chiến tranh, chính những dòng viết của một nữ bác sĩ trẻ Việt Nam đã lay động trái tim một người lính Mĩ, mở ra một không gian nhân văn, nơi sự đồng cảm và thiện chí vượt qua mọi ranh giới. Cuốn nhật ký, từ một di vật chiến tranh, đã trở thành một sứ giả của hòa bình khiến người ta phải cúi đầu trước sự vĩ đại của tâm hồn con người và từ đó, tìm thấy con đường đi đến với nhau. Ở tầng sâu nhất, phần sách này không kể lại chiến tranh để gợi nhắc thù hận, mà để nhấn mạnh một chân lí: hòa bình là giá trị tối thượng và chỉ có thể đạt được bằng sự thành tâm, bao dung và cùng nhau gìn giữ lịch sử như một di sản chung của nhân loại.

Những người chị, em gái cùng người thân hát lại ca khúc Xulico yêu thích của bác sĩ Đặng Thùy Trâm

Giá trị trường tồn và cuộc đối thoại với hiện tại

Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba không chỉ là một phần ký ức được phục dựng mà như một cuộc đối thoại thẳng thắn, bền bỉ về niềm tin và lý tưởng sống – những thứ mà thế hệ hôm nay và mai sau vẫn luôn cần được gợi nhắc. Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, bà Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ: Hình ảnh của người anh hùng qua cuốn sách không chỉ có hào quang mà còn có sự gần gũi của ngon người. Cuốn sách cũng tạo nên sự kết nối để lan tỏa những giá trị tốt đẹp của con người để trong bất kì hoàn cảnh nào, nền tảng giáo dục, tình yêu thương của gia đình sẽ tạo nên những con người lịch sử. Cùng với đó, nội dung cũng nhắc tới những câu chuyện đằng sau cuộc chiến cùng những góc khuất lịch sử chưa được ghi nhận. Qua đó, tất cả đều được kết nối bằng sự nhân văn.

Khi xã hội hiện đại đặt ra những câu hỏi về lí tưởng, niềm tin, trách nhiệm và sự tận hiến, thì cuốn sách như một dòng chảy êm dịu từ kí ức, giúp người trẻ định vị lại tâm thế và lí tưởng sống của mình. Giá trị của Đặng Thùy Trâm không nằm ở sự thương cảm dành cho một người đã khuất, mà ở sức sống kì lạ của một tâm hồn luôn hướng về điều thiện, điều đúng, và dám dấn thân vì lẽ phải. Nó cung cấp một hệ quy chiếu về nhân cách. Trong một thế giới đầy những lựa chọn dễ dàng, Đặng Thùy Trâm và thế hệ của chị đã chọn con đường chông gai nhất vì một mục đích lớn lao hơn bản thân mình. Đó là câu trả lời cho sự khủng hoảng về lẽ sống mà một bộ phận người trẻ đang đối mặt.

Tác giả Đặng Kim Trâm thừa nhận, từng có thời gian chị có trách nhân vật M. được chị mình nhắc đến trong nhật ký như một mảnh kí ức về tình yêu đẹp. Cho đến khi được bạn bè, đồng đội của anh hóa giải bà cùng gia đình mới là “vừa thương, vừa kính trọng, vừa giận M. Với cảm giác thật hơn so với mọi cuốn tiểu thuyết từng đọc, tôi kinh sợ sự tàn phá của chiến tranh đối với trái tim con người. Cả Thùy, cả M. đều không thể lường hết được sự tàn nhẫn và cái trớ trêu của chiến tranh”. Trên hết, ngoài hành trang ra trận, trong tim M. “chỉ có lòng căm thù, căm thù và căm thù” và M. không muốn người yêu mình phải mạnh mẽ thay phần mình. Tình yêu trong thời chiến hiện lên không chỉ dừng lại là tình yêu đôi lứa, thực sự đó là sự hi sinh của cá nhân vì lí tưởng cao đẹp của cả một thế hệ - chiến đấu chính nghĩa vì độc lập, tự do của dân tộc.

Đặng Thùy Trâm và những trang viết của chị đã vượt qua giới hạn của một tác phẩm văn học, một nhân vật lịch sử. Chị đã trở thành một hằng số trong hệ tư tưởng tinh thần của dân tộc. Cuốn sách này, vì thế, không chỉ để đọc mà còn để chiêm nghiệm, soi chiếu và tiếp thêm lửa cho những ai đang loay hoay tìm lẽ sống.

HOÀNG OANH