Thứ Tư, 03/04/2019 21:27

Nghệ thuật Việt Nam: Tịnh tiến hay nhảy cóc?

Nghệ thuật Việt Nam chậm hơn các nước phát triển hàng trăm năm, muốn tiến lên cũng phải tuần tự kiểu tịnh tiến chứ không thể nhảy cóc được, nó không chỉ phụ thuộc vào sự sáng tạo của nghệ sĩ, mà nhiều yếu tố khác nữa...

Vào lúc 17 giờ ngày 3/4/2019, tại 32 Hào Nam, Hà Nội, VICAS Art Studio khai mạc Triển lãm mĩ thuật TÂN BIỂU HIỆN/ NEO EXPRESSIONISM của nhóm hoạ sĩ Nguyễn Văn Thể, Phạm Thanh Toàn, Hoàng Khánh Dư, Đặng Thành và Lê Thừa Ngọc Hải.

Theo chia sẻ của TS. Bùi Quang Thắng, Giám đốc nghệ thuật VICAS Art Studio, Trưởng Ban tổ chức Triển lãm thì chủ nghĩa Tân biểu hiện, có người còn gọi là “tân dã thú” (Junge Wilde) hay “hoang dã mới” (Neue Wilden), xuất hiện vào cuối những năm 1970, được khởi xướng bởi một nhóm nghệ sĩ Đức, đứng đầu là Georg Baselitze cùng những tên tuổi lớn khác là Anselm Kiefer, Markus Lupertz, Eugen Schonebeck và A.R. Penck, nhằm chống lại trào lưu nghệ thuật tối giản và nghệ thuật vị niệm (đang thống trị nền nghệ thuật châu Âu thời đó với những vấn đề quá xa rời đời sống hiện thực, xa rời tính cảm xúc của nghệ thuật). Tân biểu hiện sau đó đã lan rộng ra nhiều nước ở châu Âu và phát triển rực rỡ ở Mĩ với những tên tuổi như Jean-Michel Basquiat, Julian Schnabel, Elizabeth Murray… Trong ngôn ngữ đời thường, trường phái này còn được gọi là trường phái “tranh xấu” (Bad Painting).

TS. Bùi Quang Thắng (cầm micro) và nhóm hoạ sĩ tại lễ khai mạc Triển lãm

Con người và tính dục, huyền thoại và lịch sử là những chủ đề mà các bậc tiền bối của trường phái Tân biểu hiện thường thể hiện. Sau này cả những vấn đề chính trị và tâm lí cũng được các tác giả trong trường phái này đề cập.

Đóng góp quan trọng đối với sự phát triển nghệ thuật của chủ nghĩa Tân biểu hiện tập trung ở ngôn ngữ nghệ thuật, bởi những nghệ sĩ theo trường phái này ảnh hưởng một số luận điểm cốt lõi của chủ nghĩa hậu hiện đại, như tính bình dân (đối lập với tính hàn lâm, kinh viện) hay tính bản năng/vô thức (thay vì tính tư tưởng, khái niệm khô cứng)…

Đặc trưng của ngôn ngữ Tân biểu hiện thể hiện ở một số điểm sau:

1) Đó là hội họa biểu hình (figurative), nhưng nghiêng về hình phẳng với những nét thô ráp, thậm chí thô bạo, mang tính biểu trưng (như các hình vẽ thời tiền sử)

2) Các nghệ sĩ biểu hiện cảm xúc rất bản năng, trực diện, thể hiện ở bút pháp nhanh, mạnh, quyết liệt, chen lẫn các đường nét là những mảng màu sống động, bạo liệt, thường là các mảng màu không pha

3) Các tác phẩm thường ẩn chứa những phóng chiếu của vô thức của người nghệ sĩ

4) Các tác phẩm thường được thể hiện ở kích thước lớn

Nhóm hoạ sĩ có tranh chọn trưng bày tại Triển lãm TÂN BIỂU HIỆN vừa được khai mạc gồm những người mà có xu hướng Tân biểu hiện tương đối rõ nét. Có người đi theo con đường tự phát, bản năng, có người có ý thức nghiên cứu, học hỏi về chủ nghĩa Tân biểu hiện trên internet. Dù theo cách nào thì ngôn ngữ hội họa của họ cũng có chung hệ quy chiếu với ngôn ngữ Tân biểu hiện mà các bậc thầy trên thế giới đã làm. Đó cũng chính là đóng góp của họ và đó cũng là xu hướng của hội họa trên thế giới hiện nay: góp phần làm cho ngôn ngữ Tân biểu hiện trở nên đa dạng hơn, mang sắc thái cá nhân hơn.

Nguyễn Văn Thể là một họa sĩ tự học. Anh đã trải qua giai đoạn trừu tượng và chuyển sang dòng tranh mới (chủ yếu là bản năng nghệ sĩ đã dẫn anh tới cách vẽ này), do đó dư âm của bút pháp trừu tượng vẫn được trộn lẫn trong loạt tranh mới ở những mảng màu loang, biến hóa. Những nét vẽ theo phong cách tượng trưng của anh bay nhảy một cách phóng túng, có nhịp điệu của nhạc jazz. Vì thế, dù anh vẽ bất kể cái gì (từ con gà mái mẹ, đến mấy ông bán chim, hay người bán cá…) thì tranh của anh vẫn có sức hút tự thân.

Nguyễn Văn Thể, Tình ca, acrylic, 90x150, 2018

Phạm Thanh Toàn là họa sĩ 9x nhưng đã học hỏi các bậc thầy của hội họa Tân biểu hiện một cách có ý thức. Anh nắm khá chắc, nhuần nhuyễn tinh thần và đặc trưng ngôn ngữ của dòng tranh này để tổng hợp chúng và sáng tạo ra những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân của mình. Những ám ảnh vô thức luôn ẩn hiện trong tranh anh: ám ảnh về cái chết và suy tư về sự vĩnh hằng, những giấc mộng thấy mình bay cao, những cơn ác mộng với sự rơi tự do của cơ thể người, những đại cảnh đầy sắc màu, âm thanh và dục tính mà người ta chỉ thấy ở những giấc mơ lớn (biểu hiện của vô thức tập thể)… Anh luôn vẽ bằng những tấm toan khổ cực lớn bằng bề mặt ngập tràn những vệt màu xù xì, bạo liệt. Những hình nhân không đầu thường lặp lại trong tranh anh, như một biểu trưng cho sự rỗng ruột, thiếu linh hồn của con người, một trăn trở mang tính thời đại.

Phạm Thanh Toàn, Cái chết hay sự khởi đầu sự sống mới?, sơn dầu, 250x600, 2019

Hoàng Khánh Dư là một họa sĩ dân tộc Tày. Anh luôn thể hiện thế giới quan tộc người của mình bằng những bức tranh siêu thực. Tranh anh có hai thế giới song tồn và có quan hệ mật thiết với nhau: một là cuộc sống trần tục và một là thế giới siêu hình, nơi có thần linh, có tổ tiên mình ở đó. Những hình người được vẽ theo cách biểu trưng trộn lẫn với những hình hài con người của thế giới mà chúng ta đang sống, sự phân chia không gian và thể hiện mối quan hệ giữa chúng cũng mang tính tượng trưng đã tạo nên phong cách hội họa của riêng anh.

Hoàng Khánh Dư, Ngôi nhà của chúng tôi, sơn dầu, 158x218, 2018

Đặng Thành là một trường hợp đặc biệt. Anh đã vượt qua được những khó khăn tài chính và bệnh tật bằng chính việc vẽ tranh. Anh đã biết “quên” những gì được học ở trường đại học, tự tìm tòi phong cách của riêng mình và theo đó anh vẽ bất kể điều gì mà anh tưởng tượng ra, vẽ phiêu thăng như mây trôi nước chảy. Lần này, anh mang đến Triển lãm một series tranh về phụ nữ mang chở tư tưởng nữ quyền khá rõ rệt.

Đặng Thành, Bộ sưu tập của em, acrylic, 120x95, 2019

Lê Thừa Ngọc Hải là một họa sĩ trẻ, mê vẽ “tranh xấu”. Hình tượng những chiếc ghế tượng trưng cho quyền lực xã hội và những người ham muốn chiếm đoạt nó, rồi hình tượng những con người mang đôi cánh, muốn bay cao nhưng lại chẳng thoát khỏi hiện thực… là những điểm nhấn nghệ thuật trong series Đôi cánh mà anh bày ở Triển lãm này. Màu sắc có phần lạnh lẽo, nhưng bố cục lớp lang, bài bản, đặc biệt là với những nét bút vẩn vơ, vô thức trên bề mặt tranh… khiến tranh của anh toát lên những cảm xúc lãng mạn nhiều hơn là u ám.

Lê Thừa Ngọc Hải, một tác phẩm trong series Đôi cánh, acrylic, 150x100, 2019  

Đến với Triển lãm TÂN BIỂU HIỆN từ thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, hoạ sĩ trẻ Lê Thừa Ngọc Hải chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi đem tranh ra Thủ đô, rất vui khi tranh của mình được bày chung với các họa sĩ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Tranh của tôi là những trải nghiệm cảm xúc cảm giác cảm nhận của tôi đối với cuộc sống, con người, xã hội… Tôi không thích mĩ hoá thế giới mà tôi đang sống bằng sự hài hòa của màu sắc chẳng hạn. Tôi chỉ muốn dùng sự nhiệt tình/ cường độ của xúc cảm, đôi khi là sự cuồng loạn của vô thức để vẽ nên thế giới như tôi thấy”.

TS. Bùi Quang Thắng nói thêm: “Tên Triển lãm lúc đầu Ban tổ chức chọn đặt là TRANH XẤU, nhưng đã không được trên duyệt, vì thế chúng tôi buộc lấy một cái tên hiền lành hơn là TÂN BIỂU HIỆN. Có lẽ, những người có thẩm quyền còn ít hiểu về một dòng tranh, hay nói nghiêm chỉnh hơn là một trường phái đã khá phổ biến, thậm chí đang rất thời thượng trên thế giới.

Có chuyên gia nghệ thuật đương đại người Hàn Quốc ghé thăm triển lãm Tân TÂN BIỂU HIỆN, anh ấy muốn VICAS Art Studio phải làm mới hơn nữa, đương đại hơn nữa. Tôi nói: Nền nghệ thuật nào cũng phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội ấy (chính trị, kinh tế và văn hóa) chứ không theo ý muốn chủ quan của ai đó được. Nghệ thuật Việt Nam chậm hơn các nước phát triển hàng trăm năm, muốn tiến lên cũng phải tuần tự kiểu tịnh tiến chứ không thể nhảy cóc được, nó không chỉ phụ thuộc vào sự sáng tạo của nghệ sĩ, mà nhiều yếu tố khác nữa”.

Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 28/4/2019 tại VICAS Art Studio, 32 Hào Nam, Hà Nội.

ĐĂNG HOÀNG