Thứ Sáu, 20/03/2020 16:39

Nghệ thuật kể chuyện đương đại: Thức tỉnh không gian sống

“Biến khu bãi rác thành điểm đến nghệ thuật” là “đề bài” Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, dành cho nhóm nghệ sĩ tham gia dự án cải tạo bờ vở (bờ bên lở) sông Hồng.

“Biến khu bãi rác thành điểm đến nghệ thuật” là “đề bài” Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, dành cho nhóm nghệ sĩ tham gia dự án cải tạo bờ vở (bờ bên lở) sông Hồng. Và những tác phẩm trên bức tường hành lang bờ vở chính là lời đáp, theo lời họa sĩ Trần Hậu Yên Thế: “Nếu ở các không gian khác, nghệ thuật thường đi sau, sạch rồi mới đẹp, thì ở đây nghệ thuật lại đi trước một bước…”.

“Bây giờ sáng sủa lên rồi”

“Bây giờ sáng sủa lên rồi!” - bà Hoàng Thị Lâm, Tổ trưởng Tổ 1, phường Phúc Tân, phấn khởi khoe về con đường bờ vở, nơi có bức tường ngăn cách phía sau khu dân cư. Bà thủng thẳng kể về hình ảnh đọng lại trong trí nhớ mấy chục năm qua. Ngày xưa, khu này toàn là đồng bãi, người ta trồng ngô, khoai xanh mướt, thuyền bè, người gánh rau gánh cỏ đi lại, tạo nên không khí tấp nập, thanh bình. Cuộc sống phát triển, nhiều nhà dân mọc lên, người lao động tứ xứ đổ về, tự ý san lấp, lấn chiếm bờ sông… Hơn 20 năm trước, bức tường hành lang bờ vở được chính quyền dựng lên ngăn không cho dân tiếp tục lấn chiếm ra ngoài, dần trở thành nơi ngập rác, quanh năm đầy mùi xú uế.


Họa sĩ Xuân Lam bên tác phẩm “Phúc Tân gang”, với những em bé bước ra từ tranh dân gian “Múa lân” trở thành con tò he khổng lồ

Đấy cũng chính là “bài toán” khó mà quận Hoàn Kiếm mong muốn các nghệ sĩ chung sức tìm lời giải. Giám tuyển dự án Nguyễn Thế Sơn chia sẻ, giữa năm 2019, khi nhận “đề bài” từ Ủy ban Nhân dân quận, anh đã lăn lộn ở Phúc Tân cả tháng trời, dành nhiều thời gian nghiên cứu về bến sông, lên ý tưởng thực hiện dự án nghệ thuật công cộng ngay trên bức tường vốn có tác dụng ngăn sự lấn chiếm của người dân nơi đây. Ý tưởng đó đã đánh động trăn trở của nhiều nghệ sĩ đương đại về Hà Nội.

Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế nhớ lại quang cảnh bờ vở sông Hồng, phường Phúc Tân, lần đầu anh đến ngổn ngang như sau trận bão. Một không gian đẹp, thơ mộng bên sông nhưng đang đối mặt với thực trạng ô nhiễm khủng khiếp, cảm giác về một Hà Nội dường như đang co lại, quay mình với những dòng sông. “Sự thật, chúng ta đã bỏ quên sông Hồng quá lâu rồi. Hà Nội không phải là thành phố trong những dòng sông, mà Hà Nội là thành phố có những dòng sông trong lòng nó như mạch máu đã nuôi lớn thành phố này. Có điều, mạch máu ấy đang từng ngày bị tổn thương”.

Cho nên, Trần Hậu Yên Thế thực hiện tác phẩm “Bức tường danh vọng” như một giả tưởng về thành phố hoang phế, ẩn dụ cho câu chuyện di sản mà anh theo đuổi đã lâu. Anh sử dụng 5 cánh cửa bằng sắt cắt CNC giống như những ký ức về cánh cửa của căn “nhà Tây” bị biến mất trong quá trình phát triển của đô thị, kết hợp với bích họa vẽ hoa giấy lên tường gợi nhớ về Hà Nội yêu kiều và lãng mạn xa xưa. “Đó như sự đánh thức, tìm lại nhận thức về Hà Nội. Tác phẩm của tôi có niềm tin rằng khu vực sông Hồng rồi sẽ tìm lại được vị trí đáng tự hào trong tương lai”.

Một phần của cuộc sống

“Đánh thức, tìm lại nhận thức về Hà Nội” theo lời của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, rộng ra chính là về truyền thống, văn hóa dân tộc. Nhưng trước hết, nghệ sĩ phải tìm được đường dẫn cho tác phẩm gắn với chính cộng đồng cư dân nơi đây. Họa sĩ trẻ Xuân Lam thực hiện tác phẩm “Phúc Tân gang”, tưởng tượng viễn cảnh những em bé “Múa lân” ngày nào giờ đã lớn, bước ra khỏi tranh dân gian, đi từ phố Hàng Trống, dọc theo Hàng Ngang, Hàng Đào và dừng lại ở bãi Phúc Tân, nép mình dưới chân cầu Long Biên. Kết hợp tranh dân gian và trò chơi tò he, cùng hình ảnh ký tự những thương hiệu thời trang nổi tiếng, Xuân Lam muốn gợi lên thứ nghệ thuật gần gũi, thích thú và không khó hiểu, vì câu chuyện anh muốn kể không chỉ là thẩm mỹ: “Tôi mong rằng qua dự án như thế này, mọi người sẽ quen với việc nghệ thuật chính là một phần của cuộc sống”.

Theo Xuân Lam, nghệ thuật phải “đánh” vào số đông, có thể đại chúng hóa được trong điều kiện nơi công cộng, đồng thời góp phần cải thiện cuộc sống của người dân, và anh đã thấy điều này trong quá trình thực hiện tác phẩm. “Tôi làm tác phẩm ở điểm chính tập kết rác, đứng ngay trên rác thải bốc mùi. Có người thấy xe rác ở đấy, họ phóng xe qua và ném rác vào, cũng có những người đem rác ra đốt, cột khói đen sì… Nhưng tôi cũng nghe nhiều người nói với nhau, đẹp thế này thì phải giữ gìn, không vứt rác vào đây nữa. Và tôi tin rằng, đưa nghệ thuật vào đây ít nhất đã gợi cho mọi người suy nghĩ phải cải thiện nó, thay vì thờ ơ như trước”.

Nếu ở các không gian khác, nghệ thuật thường đi sau, sạch rồi mới đẹp, thì ở đây nghệ thuật lại đi trước một bước, làm đẹp rồi mới làm sạch. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế lý giải: “Khi có nghệ thuật, mọi người ít nhiều ý thức hơn. Anh em nghệ sĩ chỉ đi trước một bước”. Họa sĩ kể, ở một góc tường, anh vẽ cây cầu Long Biên đúng như thực tế nhìn thấy từ chỗ đó, vậy mà đến khi tác phẩm thành hình, người ta mới ngạc nhiên nhận ra. “Nhỡ mai này nó sạch sẽ thì như thế nào? Người ta bảo nhau và tự hào chỉ nơi đây mới ngắm được cây cầu như vậy. Có người còn bảo bây giờ chỗ họ đứng mới thực là “bờ hồ”, với quan niệm của họ rằng bờ hồ, Lăng Bác mới là vào phố, còn như nơi họ ở chỉ là bờ bãi mà thôi”.

Có thể thấy, các tác phẩm nghệ thuật đã tạo ra không gian vật lý để người dân tiếp xúc với nhau, đã kiến tạo chủ đề để họ trò chuyện, mang đến lạc quan cho vùng đất này. Như chia sẻ của Tổ trưởng Tổ 1, phường Phúc Tân, Hoàng Thị Lâm: “Có nghệ thuật vào, bà con cũng đồng lòng ý thức, con đường sạch sẽ, sáng sủa và đông đúc hơn. Chúng tôi đang đề xuất thay thùng rác di động cho những hố rác bê tông, để thuận tiện dọn dẹp nhiều lần trong ngày”. Hay ông Nguyễn Đức Thanh, ở tổ 7 hy vọng về tương lai tươi sáng của dải đất ven sông: “Chúng tôi là dân lao động, được thừa hưởng văn hóa nghệ thuật mới mà lấy làm tự hào. Bây giờ phải bảo nhau làm sao giữ gìn con đường nghệ thuật, để rồi đây khách du lịch đến ngày một đông, bộ mặt của Phúc Tân sẽ khác trước. Tôi cũng đang đăng ký để nghệ sĩ làm tác phẩm lên chính tường nhà mình, khách trong nước, ngoài nước đến tham quan chụp ảnh, tôi sẽ kể cho họ nghe về con đường nghệ thuật Phúc Tân, về lịch sử sông Hồng…”.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Hải Đường)