Thứ Hai, 08/07/2019 08:20

Nghệ thuật đương đại châu Á dưới góc nhìn của giám tuyển Nhật Bản

Mami Kataoka được biết đến là một trong những cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc làm lộ diện khung cảnh nghệ thuật đương đại châu Á ra thế giới.

Mami Kataoka được biết đến là một trong những cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc làm lộ diện khung cảnh nghệ thuật đương đại châu Á ra thế giới. Buổi trò chuyện cùng giám tuyển người Nhật Bản đã diễn ra ngày 7/7 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA (Hà Nội).

Mami Kataoka (bên trái) là diễn giả buổi tọa đàm

Sunshower: Contemporary Art from Southeast Asia 1980s to Now (tạm dịch: Vừa mưa vừa nắng: Nghệ thuật đương đại Đông Nam Á từ những năm 1980 đến nay) được xem là triển lãm thành công nhất, giới thiệu bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật đương đại chấu Á tới thế giới.

Vừa mưa vừa nắng gồm hơn 100 tác phẩm thuộc đủ loại hình nghệ thuật đương đại: tranh, nhiếp ảnh, sắp đặt, video, video art, đa phương tiện, mô hình dự án... Trong đó, đa số tác phẩm có quy mô, kích thước lớn, đòi hỏi một sự chuẩn bị thực sự công phu, chi tiết. Tác phẩm trong triển lãm này do nhóm 14 giám tuyển, trong đó có 4 giám tuyển là người đến từ Đông nam Á hợp tác thực hiện.

Từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, các hình thức nghệ thuật đương đại đã được nghệ sĩ trong khu vực sử dụng một cách hữu hiệu, đưa vào đó nhiều yếu tố đặc thù địa phương, tạo nên các làn sóng nghệ thuật mới cuốn hút nhiều thế hệ nghệ sĩ và công chúng cùng tham gia. Chính vì thế, một cách tự nhiên nhất, nghệ thuật đương đại trong khu vực Đông nam Á đã truyền tải đa chiều những tiếng nói xã hội đồng thời đi sâu vào khía cạnh tâm lý con người trước biến thiên của đời sống theo những cách thức tinh tế nhất.

Mami Kataoka cho biết, sự biến chuyển lớn trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và đặc biệt là các cuộc chiến tranh giành độc lập đã tác động mạnh mẽ đến hội họa. Từ các tác phẩm nghệ thuật có thể nhận diện một số đề tài chính như góc nhìn mới lạ về những khó khăn của đất nước, lịch sử dân tộc, là những đối thoại với lịch sử, mối quan hệ giữa thế hệ đi sau và thế hệ đi trước. Bên cạnh đó, một trong những đề tài quan trọng là phản ánh đời sống thường nhật của con người, qua đó phản ánh ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ địa phương, tập quán, tín ngưỡng, tâm linh.

Chia sẻ về quá trình tuyển chọn, bà Mami Kataoka cho biết nhóm thực hiện đã tốn rất nhiều công sức trong hai năm rưỡi và gặp phải nhiều tranh cãi. “Ban đầu, chúng tôi đưa ra việc có nên lựa chọn những họa sĩ nổi tiếng để trưng bày tác phẩm của họ hay không. Nhưng một thành viên đã nói không vì họ đã triển lãm nhiều trên thế giới rồi, thay vào đó chúng ta sẽ lựa chọn những họa sĩ trẻ, có góc nhìn độc đáo để bày tỏ các phía cạnh của các quốc gia Đông nam Á”.

Ở Việt Nam, tham dự triển lãm có Trần Lương, Lê Quang Đỉnh (Dinh Q.Le), Tiffany Chung, Ưu Đàm Trần Nguyễn, Hoàng Dương Cầm, Tuấn Andrew Nguyễn, Bàng Nhất Linh.

Tác phẩm Chiếc ghế trống

Chiếc ghế trống của Bàng Nhất Linh (gồm ghế được làm từ phế liệu chiến tranh, video, sách nghệ sĩ, âm nhạc, một số vật dụng khác) dẫn công chúng vào một câu chuyện chiến tranh ở Việt Nam, một phần lịch sử quan trọng của Việt Nam và của cả thế giới hiện đại, cùng những vết thương tinh thần qua nhiều thế hệ người Việt ở cả hai chiến tuyến.

Hay ở một số họa sĩ đến từ Philippines, Myanmar, Indonesia họ đã tái hiện lại các hiện tượng thiên nhiên, khí hậu, con người thông qua các góc nhìn đặc biệt.

Đảm nhận vai trò Trưởng giám tuyển tại Bảo tàng Nghệ thuật Mori Tokyo (Nhật Bản) từ năm 2003, Mami Kataoka cho thấy hiểu biết sâu sắc của mình về những xu hướng của nghệ thuật châu Á thông qua số lượng lớn các triển lãm mang tính khảo cứu quan trọng mà bà giám tuyển ở trong và ngoài nước.

Trong số đó có loạt triển lãm về những nghệ sĩ đương đại nổi bật ở châu Á như Ai Weiwei (Trung Quốc), Lee Bul (Hàn Quốc), Lee Mingwei (Đài Loan), Tsuyoshi Ozawa (Nhật Bản)...; đặc biệt Sunshower: Contemporary Art from Southeast Asia 1980s to Now quy tụ tác phẩm của 86 nghệ sĩ trong khu vực, triển lãm toàn diện nhất từ trước đến nay về nghệ thuật đương đại Đông Nam Á.

Năm 2018, Mami Kataoka cũng là giám đốc nghệ thuật đầu tiên đến từ châu Á của Biennale Sydney, một trong sự kiện nghệ thuật đương đại lớn nhất và lâu đời nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

PHƯƠNG PHƯƠNG