Thứ Sáu, 10/06/2022 11:57

Nghề thợ lặn ở miền Tây

Theo anh được biết, người chuyên làm nghề thợ lặn ở nơi đây phần đông là người Chăm. Vì trong Kinh Coran của đạo Hồi cho phép tín đồ ăn tất cả các loài ở dưới biển... (Ghi chép của LÊ QUANG TRẠNG)

. LÊ QUANG TRẠNG
 

Sông Mê Kông, một trong những con sông dài nhất thế giới, chảy qua địa phận Việt Nam chia thành hai nhánh chính là sông Tiền - sông Hậu. Con nước phù sa bồi đắp nên một vùng Đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ và rộng lớn. Là một đồng bằng với hệ thống sông ngòi dày đặc, từ thuở tiền nhân mở đất, sông nước đã gắn liền với đời sống và sinh hoạt của con người nơi đây. Dòng sông phóng khoáng ban tặng con người nhiều sản vật phong phú và đa dạng nhưng những thử thách của thiên nhiên cũng không kém phần khắc nghiệt. Con người phải đấu tranh và học cách sống cùng sông rạch. Dần dần sông nước trở thành một bộ phận gần gũi và thiết yếu với đời sống người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn lợi thủy sản của sông Cửu Long vô cùng phong phú, đa dạng. Trong cuộc mưu sinh, người dân quê tôi đã dựa vào con nước mà sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau, trong đó có nghề thợ lặn, một nghề rất đặc biệt.

Từ thuở xa xưa, con người đã biết đến việc lặn xuống đáy sông để bắt sản vật. Trong thời bình cũng như trong giai đoạn chiến tranh, lặn vừa gắn với cuộc mưu sinh vừa là cách để trực tiếp tham gia chiến đấu. Tôi nhớ về hình ảnh con người Đồng bằng sông Cửu Long lặn như rái cá dưới nước, được tái hiện trong các bộ phim Cánh đồng hoang, Mùa nước nổi… Nguồn gốc nghề thợ lặn ở Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu xuất phát từ nghề chài cá. Nghề chài cá đòi hỏi người mới vào nghề phải biết lặn. Ban đầu họ học cách lặn xuống đáy sông để gỡ những đoạn lưới bị vướng phải gốc cây hay những vật cản. Dần dần vì nhu cầu cuộc sống, họ lặn để lấy vật dụng, vớt những ghe tàu bị đắm chìm hay lặn để vớt xác người chết…

Những ngày con nước Cửu Long bắt đầu đổ, dòng sông mang màu phù sa đỏ ngầu, anh Tâm Em ngồi trên chiếc ghe lường neo ở bến đình Chợ Thủ, đôi mắt đỏ hoe, nhanh nhẹn vá lưới. Hút điếu thuốc hì hà, anh nói: “Vá lẹ đặng tối đi chài sớm. Cỡ này cá ra nhiều lắm…”

Anh tên đầy đủ là Ngô Văn Tâm Em - một ngư dân có gần ba mươi năm theo nghề thợ lặn. Anh sinh ra và lớn lên ở xã Long Điền A, thuộc huyện cù lao Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong một lần hiếu kì đi xem vớt xác chết, tôi được biết anh. Bao lần tôi lên tận nhà nhưng đều không gặp được anh. Bữa thì anh đi vớt xác ở tận Sa Đéc, có bữa thì lặn lấy ghe chìm, không thì đi… nhậu. Mãi đến khi con nước về, tôi mới tìm được anh.

Được tôi hỏi, anh Tâm Em hào hứng cho biết: “Từ thuở nhỏ anh đã được các cụ cao niên kể cho nghe gốc tích của nghề thợ lặn. Theo anh được biết, người chuyên làm nghề thợ lặn ở nơi đây phần đông là người Chăm. Vì trong Kinh Coran của đạo Hồi cho phép tín đồ ăn tất cả các loài ở dưới biển. Người Chăm ở đây tin rằng các loài sống dưới sông cũng như dưới biển đều ăn được nên họ thường sống bằng nghề đánh bắt cá. Do tiếp cận nhiều với sông nước, dần dần một số người theo nghề đánh bắt cá chuyển sang làm thợ lặn. Vì sao vùng đất này lại có nhiều người theo nghề lặn đến đây sinh sống? Ca dao ta có câu: Chiều chiều quạ nói với diều/ Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm, đã cho thấy sự phong phú và đa dạng thủy sản của vùng cù lao Ông Chưởng. Có thể một số thợ lặn người Chăm đã xuôi dòng Cửu Long xuống nơi đây sinh sống. Thế nên những người theo nghề thợ lặn trong khu vực này đến nay vẫn còn sử dụng chiếc ghe lường, một phần dấu ấn từ chiếc ghe độc mộc Tuk-Ngo mà người Chăm và người Khmer ở An Giang thường sử dụng” .

Ngày nay, tuy số lượng cá tôm ở quê tôi không còn nhiều như trước, nhưng vẫn có nhiều gia đình sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông. Đối với ngư dân Ngô Văn Tâm Em thì gia đình anh từ đời ông nội đã bắt đầu theo nghề đánh bắt cá. Anh em trong gia đình đa phần đều có ghe cào riêng để làm kế sinh nhai. Mỗi ngày khi trời còn nhá nhem tối anh đã lênh đênh trên sóng nước. Ngoài việc đánh bắt cá, anh còn làm thêm nghề thợ lặn. Chủ yếu anh lặn để buộc dây cho những chiếc ghe bị chìm hay những khối cây neo theo bè bị rớt. Mỗi lần lặn thường từ nửa tiếng tới hai tiếng đồng hồ. Tùy vào vật có giá trị mà thỏa thuận tiền công. Trung bình anh nhận được từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng cho một lần lặn. Tuy vậy không phải lúc nào cũng có người mướn đi lặn. Lâu lâu “Bà Cậu” mới “đãi” một lần như vậy, các ngày khác anh phải dong ghe đi chài cá trên sông.

*

*        *

Nghề thợ lặn không khó nhưng cũng không dễ. Trẻ con chừng mười sáu, mười bảy tuổi đã bắt đầu học lặn được. Ban đầu lặn ở gần mé sông, sau có thể lặn ra đáy sông hay lặn ở những nơi có mực nước sâu gần hai mươi, ba mươi thậm chí bốn mươi mét. Khi người thợ lặn, họ thường đeo vào người một cọng dây xích đủ nặng để làm thân mình chìm xuống sông. Một số trường hợp khác thả một chiếc neo rồi lần theo dây neo lặn xuống. Người thợ dựa vào con nước chảy so với chiếc neo để định dạng đâu là vào bờ đâu là ra đáy sông mà dò theo đó để tìm vật. Muốn lặn lâu dài thì người thợ phải ngậm theo một cọng dây dẫn từ máy thổi hơi đặt trên bờ. Máy thổi chỉ đơn giản là một chiếc máy dầu có hai pít tông đẩy hơi cho ra một cái vòi. Trước khi lặn, họ thường uống một ngụm nước mắm để đỡ lạnh. Người bình thường khi lặn xuống sâu khoảng hai đến ba mét sẽ cảm thấy nhức hai tai do áp suất của nước. Người thợ lặn thấy nhức tai họ sẽ bịt lỗ mũi và thở mạnh ra, cảm giác thấy một luồng hơi từ lỗ tai ra ngoài. Lúc ấy người thợ có thể lặn sâu hai ba mươi mét mà vẫn không cảm thấy đau tai.

Miền sông nước, đa phần người dân đều biết bơi lội. Tuy vậy hàng năm vẫn xảy ra nhiều vụ chết đuối thương tâm. Những trường hợp chết đuối, nếu biết cụ thể địa điểm thì người dân thường mướn những thợ lặn để lặn tìm. Những trường hợp không rõ địa điểm cụ thể, chỉ biết ở một khu vực thì người dân mướn các ghe cào đi tìm xác. Họ thường dùng lưới để cào hoặc dùng lưỡi câu cá treo vào một cọng dây phao giăng trên mặt nước để cào tìm. Các ghe đi cào xác người chết thường treo một lá cờ trắng trước mui. Anh Tâm Em cho biết, theo nghề gần ba mươi năm, anh đã vớt mấy mươi xác chết. Đa phần là xác trẻ con bị đuối nước.

Mấy năm trước đây, ở khu vực bến đò Chợ Thủ, cùng địa phương anh Tâm Em có xảy ra một vụ việc xe bốn chỗ ngồi rớt xuống sông khi xe đang xuống đò. Hậu quả có ba người trên xe chết. Người nhà nóng ruột nên đã mướn thợ lặn để tìm. Nhưng không hiểu sao mỗi người xuống lặn chỉ lấy một xác người chết lên rồi lẳng lặng bỏ đi. Vậy là phải mướn đến ba người thợ lặn ba lần mới vớt hết ba xác người chết. Hiện tượng trên có người cho rằng: “Khi lặn xuống, do không hạp với người chết hoặc do “Bà Cậu” không cho phép nên mỗi người chỉ dám lấy một xác mà thôi”.

Người sống bằng nghề sông nước nói chung và thợ lặn nói riêng, thường bấp bênh và nguy hiểm. Do vậy, họ tin vào một đấng siêu nhiên để làm chỗ dựa tinh thần. Dân gian gọi là Thủy thần. Riêng ngư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long gọi là “Bà Cậu”. Theo các vị cao niên ở quê tôi, có hai tư liệu về “Bà Cậu” như sau:

Theo sách Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của (xuất bản năm 1895) định nghĩa “Bà Cậu” là vị thần bảo hộ người dân sống bằng nghề sông nước. “Bà Cậu” gồm “bảy Bà và ba Cậu”. Tất cả “bảy Bà ba Cậu” đều là thần thánh, thường làm phước hay làm họa. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có nhiều miếu thờ “năm Bà hai Cậu”. Dù có khác nhau về số lượng nhưng vẫn cùng chủ thể “Bà - Cậu”.

Một truyền thuyết khác cho rằng: “Bà Cậu” gồm hai vị thần là Hà Bá và Bà Thủy. Hà Bá là một thần chức do người dân đặt ra. Có rất nhiều thuyết nói về Hà Bá. Nhưng đa số dẫn chứng cho rằng Hà Bá họ Bằng tên Di. Còn có các dị thuyết khác là Băng Di hay Bằng Trì. Theo thần thoại cổ đại Trung Quốc thì người này khi qua sông bị chết đuối được Thiên Đế phong cho làm Hà Bá (tức là “Chúa tể của sông nước”). Theo cơ cấu các thần tích, có nam thì phải có nữ, hoặc ngược lại có nữ thì phải có nam. Do vậy dân gian đặt thêm một vị thần nữa là “Bà Thủy”. Người theo nghề hạ bạc gọi hai nhân vật trên bằng cái tên thân thiết và kính nể là “Bà Cậu”.

Bàn thờ “Bà Cậu” tùy vùng và tùy quan niệm mà có cách thờ khác nhau. Riêng một số người theo nghề hạ bạc ở quê tôi thì thờ trái dừa tươi. Họ tin rằng trái dừa là loại trái có nước nhưng nổi trên mặt nước. Thờ trái dừa gắn liền với mong ước bình an khi lênh đênh trên sóng nước. Nghề hạ bạc không có ngày cúng Tổ nhất định. Họ thường cúng “Bà Cậu” trước những lúc ra khơi hay trước lúc lặn xuống đáy sông. Đồ dâng cúng thường đơn giản, không cầu kì. Nếu chuyện lớn hoặc ngư dân khá giả thì cúng cặp vịt. Vì họ tin rằng vịt có thể bơi lội và nổi trên mặt nước. Nếu ngư dân không khá lắm thì họ cúng bánh trái hay một nén hương thành tâm cũng được. Âu là để có một sự tin tưởng sẽ có đấng siêu nhiên phò hộ an lành.

Riêng những việc liên quan đến cái chết thường mang tính tâm linh. Cho nên trước khi lấy xác người bị đuối nước, thợ lặn thường phải làm một nghi lễ là khấn vái “Bà Cậu”. Thủ tục đơn giản, chủ yếu là thắp một nén nhang để cầu xin lặn tìm thấy xác và lời hứa cúng hậu tạ. Tuy vậy việc làm trên vẫn chủ yếu là mang tính trấn an tinh thần người thợ khi lặn. Người dân quan niệm, người thợ lặn phải “hạp” với vong hồn người chết thì mới tìm được xác. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn có những câu chuyện nói về người thợ lặn, ví như cũng ngay vị trí cái neo khi thả xuống sông, có người xuống mò cả buổi trời vẫn không tìm thấy xác nhưng có người chỉ mới lặn xuống là đụng ngay xác người chết. Do vậy, khi lặn người thợ thường lấy quần áo hay những vật dụng của người bị nạn để trong người nhằm “hạp” với người chết để mau chóng tìm được xác.

Đối với ngư dân Võ Tấn Lợi, một thợ lặn từng sống trong địa bàn Chợ Thủ, thì nghề thợ lặn lấy xác chết là “cái nghề” nhưng cũng là “cái nghiệp”. Anh cho biết, hồi anh khoảng hai mươi tuổi, ở quê anh có một người đàn ông bị chết đuối do té xuống sông lúc đang say rượu. Gia đình mướn năm sáu thợ lặn mò tìm từ lúc trời hừng đông cho đến cuối chiều vẫn không tìm được. Người ta chen nhau xem nghẹt bến sông. Anh ngồi trên bờ thấy nóng ruột, nên nhảy xuống mò. Chỉ vài phút sau, anh đã mò dính thi thể bị kẹt ở trong đám chà… Từ đó người ta cho rằng anh “hạp” với nghề thợ lặn. Hễ ở đâu có người chết đuối là người ta nhờ anh đến lặn tìm. Dù không muốn làm cái nghề sông nước này cho lắm, nhưng trước cái chết, trước sự đau đớn của thân nhân người bị nạn, anh không thể cầm lòng. Vậy là anh đi theo nghề thợ lặn. Sau đó mấy năm, anh có vợ và lập gia đình ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ở quê vợ, không ai biết anh là thợ lặn, anh quyết định bỏ nghề thợ lặn để chuyển sang làm ruộng. Nhưng khi con nước lũ quay dòng, trước những cái chết thương tâm ở nơi đây, anh thấy xót dạ, và anh lại tiếp tục với nghề thợ lặn…

*

*        *

Sau cuộc trò chuyện cùng với anh Võ Tấn Lợi, tôi lại tiếp tục ngược xuống Mỹ Luông để tìm gặp anh Nguyễn Văn Đen, một ngư dân có nhiều năm theo nghề. Khi gặp anh Đen thì anh đang trong thời gian điều trị bệnh mắt. Anh Đen tâm sự, theo nghề mấy chục năm, hầu như ngày nào cũng đi lặn, không lặn lấy xác thì cũng lặn để gỡ lưới. Hồi trước, lặn lên thấy xót xót ở mắt khoảng vài phút rồi hết. Nhưng nay, khi gần qua cái tuổi bốn mươi thì bỗng nhiên mắt anh bị đỏ và mờ. Điều trị ở nhiều nơi, tốn cũng nhiều tiền của nhưng vẫn không hết hẳn. Đã nhiều lần người thân khuyên anh bỏ nghề. Nhưng anh nói: “Bà Cậu đã chọn mình, đã là cái nghiệp của đời thì làm sao bỏ được. Ráng điều trị, mai mốt khỏe đặng đi lặn tiếp”.

Tôi được biết dọc theo huyện cù lao Chợ Mới, chỉ tính ven bờ sông Tiền thôi đã có hơn chục gia đình theo nghề chài cá và cũng có ít nhất ba bốn chục người theo nghề thợ lặn. Cái “nghề” gắn liền với cái “nghiệp”. Một số người, khi lặn xuống sông vớt được cả trăm kí sắt từ những chiếc lòi tói, những chiếc ghe tàu chìm lâu bị mục hay những lóng cây to bị nhấn sâu trong lớp cát đất. Một số ngư dân gần bến đình Chợ Thủ cho biết, mấy lúc đi chài không được cá, họ phải thả neo để lặn xuống sông mò tìm những khúc cây hay các vỏ tàu sắt mục để bán kiếm tiền mua dầu chạy máy cho buổi ra khơi ngày mai. Nhưng cũng có trường hợp ngư dân khi lặn xuống sâu, do áp suất nước quá lớn nên khi lên bờ bị trúng nước hay bị đột quỵ. Bên cạnh đó không ít trường hợp khi lặn sâu bị quấn, cúp hay đứt dây hơi. Cố tháo chiếc lòi tói ở bụng ra không kịp nên chết dưới đáy sông. Cũng có trường hợp bị hoang mang khi đi vớt xác mà khi lên bờ bị bệnh tâm thần…

Nguy hiểm và nhọc nhằn là thế, vậy mà vẫn có nhiều người cho con cái nối nghề thợ lặn, xem như là việc làm phước tích đức. Thế nên bất cứ nơi đâu có người chết đuối, được gọi là họ bỏ ngay công ăn chuyện làm để đến vớt xác.

Thời hiện đại, không chỉ ở huyện cù lao quê tôi, mà cả ở miền Tây sông nước, trong khi nhiều người đã và đang theo đuổi những ngành nghề mới thì vẫn có những người vui vẻ lặng thầm với nghề lặn xuống đáy sông…

L.Q.T