Thứ Sáu, 31/07/2020 12:45

Nghệ sĩ Quân đội nỗ lực hóa thân vai diễn về người chiến sĩ công an

Cả hai vở diễn thể hiện sự nhập cuộc của các đơn vị nghệ thuật của Quân đội, cho thấy nỗ lực của tập thể diễn viên các nhà hát khi thử sức hóa thân vào vai diễn khắc họa hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân.

“Ngọn đèn trước gió” là vở diễn của Nhà hát kịch nói Quân đội tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ IV, tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân, đạo diễn NSND Lê Hùng.

Vở diễn xoay quanh câu chuyện về má Tư, chiến sĩ Đội biệt động Sài Gòn K6 năm xưa với những kỉ niệm về đồng đội trong những năm tháng cùng hoạt động, xây dựng và duy trì phong trào tại quê hương với nhiều tổn thất, đau thương.

Nỗi đau còn đó, mấy chục năm mà như mới hôm qua, nay ở tuổi xế chiều, sức khỏe và tinh thần như “ngọn đèn trước gió” thì bà má già lại phải đối mặt với những vấn đề của hôm nay khi mà chiến tranh đã khép lại nhưng lòng người chưa mở ra. Những kẻ ở phía bên kia mà điển hình là Đại úy - Quận trưởng Phát, kẻ năm xưa cầm đầu đàn áp phong trào, cũng là kẻ chỉ đạo bắn chết Út Toàn, con trai má Tư, thì nay lại tiếp tục đứng đằng sau, lợi dụng việc đầu tư vào dự án kinh tế tại địa phương do con trai làm chủ đầu tư để gây áp lực muốn giải phóng mặt bằng căn nhà của Má Tư, cũng là nơi đặt ban thờ những chiến sĩ Đội biệt động Sài Gòn K6 hi sinh hòng xóa sổ chứng tích một thời của đội K6.

Cảnh mở đầu vở diễn "Ngọn đèn trước gió". Ảnh: Bảo An

Má Tư kiên quyết giữ lại mảnh đất máu thịt gắn bó với gia đình và đồng đội, vì một lí do thiêng liêng, ngoài việc là chứng tích của Đội Biệt động Sài Gòn K6, dưới chân ban thờ là căn hầm nuôi giấu cán bộ năm xưa, nơi đội biệt động Sài Gòn K6 trong chiến tranh chống Mĩ, trụ lại vùng ven Sài Gòn, được nhân dân chở che, bao bọc đã hoạt động trừ gian, diệt ác, lập cơ sở duy trì phong trào. Cuối cùng, con trai của Đại úy – Quận trưởng Phát, đại diện chủ đầu tư dự án - như một đại diện của thế hệ trẻ có nhận thức tốt - lại là người ủng hộ Má Tư và những người dân nặng lòng với truyền thống cách mạng, quyết định sẽ giữ lại di tích năm xưa trong sự sững sờ của cha ruột.

Vở diễn do tập thể diễn viên Đoàn kịch 2 của Nhà hát kịch nói Quân đội dàn dựng và biểu diễn. NSƯT Mai Phương trong vai Má Tư – Chiến sĩ Đội biệt động K6; NSƯT Đới Anh Quân trong vai Hai Trung - Đội trưởng đội biệt động K6; NSƯT Phùng Anh Huy trong vai Đại úy - Quận trưởng Phát của Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tại buổi diễn ngày 29/7/2020 tại Nhà hát Âu Cơ, trong khuôn khổ liên hoan, vở diễn đã thu hút các khán giả là quân nhân cũng như đại diện lãnh đạo Tổng cục Chính trị và các cơ quan tham gia thưởng thức, động viên tinh thần các nghệ sĩ của Nhà hát kịch nói Quân đội.

Các diễn viên tham gia vở đã diễn khá tròn vai, khắc họa được những gian khổ, hi sinh của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn, tuy nhiên, vở diễn còn thiếu những nút thắt và những trường đoạn cao trào. Bên cạnh đó là yếu tố khách quan bởi các diễn viên đều là người Bắc, nói giọng Bắc, trong khi tái hiện lại một câu chuyện của những người dân và chiến sĩ miền Nam nên cũng phần nào tác động đến cảm thụ của người xem.

Cùng trong dịp này, các nghệ sĩ thuộc Nhà hát chèo Quân đội cũng tham gia liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân bằng vở chèo “Ngày trở về” của tác giả Nguyễn Đăng Chương, do Thành Lê chuyển thể chèo; đạo diễn NSND Quốc Trượng. Vở do các nghệ sĩ đoàn diễn 2, Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn.

Một sự tình cờ là cả “Ngọn đèn trước gió” và “Ngày trở về” đều có chủ đề về các chiến sĩ công an hoạt động trong lòng địch tại mảnh đất Sài Gòn năm xưa. “Ngày trở về” khắc họa hình ảnh người chiến sĩ tình báo công an nhân dân trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ cứu nước và khi hoà bình lập lại. Hai nhân vật chính của vở diễn là Trần Đức - K6 (diễn viên Nguyễn Văn Cường) và Bảo Yến - T2 (diễn viên Ngô Thị Ánh Tuyết) đã thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hi sinh tình yêu để tham gia hoạt động cách mạng trong lòng địch, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vở diễn đã thể hiện đậm nét về cuộc đời của những chiến sĩ tình báo biệt động Sài Gòn năm xưa.

Cả hai vở diễn thể hiện sự nhập cuộc của các đơn vị nghệ thuật Quân đội với hoạt động nghệ thuật sân khấu của cả nước. Bên cạnh đó đã cho thấy nỗ lực của tập thể diễn viên các nhà hát Quân đội khi thử sức hóa thân vào vai diễn khắc họa hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an và Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam tặng hoa cho Hội đồng Giám khảo của Liên hoan.
Ảnh: CAND

Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ IV năm 2020 diễn ra từ ngày 16/7 đến 2/8 tại Hà Nội. Tham gia Liên hoan có 27 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước, với 33 vở diễn thuộc 4 thể loại: Kịch nói, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch. Từ năm 2005 đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức thành công 3 kì liên hoan nghệ thuật sân khấu về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân, với định kì 5 năm một lần.

Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân lần thứ IV là hoạt động văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỉ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2020), 15 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2020) cũng như kỉ niệm các ngày lễ lớn của đất nước năm 2020.

Một số hình ảnh 2 vở diễn:

Cảnh đấu tranh của nhân dân miền Nam chống lại sự đàn áp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Đội K6 lãnh đạo trong vở "Ngọn đèn trước gió". Ảnh: Bảo An
Cảnh Út Toàn bị bắt và tra tấn tại đồn cảnh sát do Đại úy - Quận trưởng Phát chỉ đạo. NSƯT Lê Thị Mai Phương trong vai Má Tư, NS Nguyễn Văn Huy trong vai Út Toàn. Ảnh: Bảo An
Năm Phát bất ngờ trước quyết định giữ lại khu chứng tích và vẫn tiến hành dự án của con trai ở cuối vở "Ngọn đèn trước gió". Ảnh: Bảo An
Cảnh trong vở chèo "Ngày trở về" của Nhà hát chèo Quân đội. Ảnh: TL
Diễn viên Nguyễn Văn Cường (trong vai Trần Đức) và Ngô Thị Ánh Tuyết (trong vai Bảo Yến) trong vở chèo "Ngày trở về". Ảnh: QV
Khán giả cùng các đồng nghiệp đến xem và cổ vũ các nghệ sĩ. Ảnh: Bảo An
Chúc mừng các nghệ sĩ sau buổi diễn. Ảnh: Bảo An

BẢO AN