Thứ Hai, 12/10/2020 06:30

"Ngày rộng" - Nguồn năng lượng nơi góc khuất tâm hồn người trẻ

Hiện thực sôi động của cuộc sống đương đại hay kí ức lành sạch của một thời thơ dại, bé con là nguồn năng lượng vô thức thật sung mãn trong những góc khuất yên tĩnh của tâm hồn họ.

 Thưởng thức những tác phẩm hội hoạ cũng là một hình thức sống chậm, cảm nhận cuộc đời qua lăng kính sắc màu của nghệ thuật tạo hình. Triển lãm Ngày rộng mong muốn gửi đến công chúng thông điệp về sự lắng đọng, sâu sắc trong cảm nhận về thời gian và cuộc sống cũng như để thực sự chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật.

Với hơn 50 tác phẩm hội họa của 8 họa sĩ trẻ gồm: Phùng Văn Tuệ, Nguyễn Lê Anh, Nguyễn Quang Hoan, Phạm Hoàng Hà, Phạm Thị Hồng Sâm, Trần Cường, Phạm Đức Trọng và Phạm Văn Khải, Ngày rộng đã đem đến sự phong phú, sinh động trong các phong cách thể hiện mà mỗi hoạ sĩ hướng tới và theo đuổi. Bên cạnh đó, những tác phẩm trong triển lãm đều được các hoạ sĩ xoay quanh đề tài về cuộc sống, con người với những vẻ đẹp đời thường, dung dị, tiềm ẩn.

Các hoạ sĩ tại buổi khai mạc triển lãm Ngày rộng.

Trong lời phát biểu khai mạc triển lãm, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ: “Ngày vẫn bình yên, mùa vẫn bình thường trong mọi không gian sống và sáng tạo nghệ thuật. Hiện thực sôi động của cuộc sống đương đại hay kí ức lành sạch của một thời thơ dại, bé con chưa kịp có thời gian để quên lãng rồi trôi đi, nào có ai hay, lại là nguồn năng lượng vô thức thật sung mãn trong những góc khuất yên tĩnh của tâm hồn họ.

Quê nhà nơi chốn xưa của bạn và tôi vẫn là nơi neo đậu khó cũ của bất kì ai. Sự náo động của hình và sắc, cấu trúc và không gian cũng chỉ là những áp lực khó cưỡng để các hoạ sĩ trẻ nhẹ nhõm đối diện và cất giọng”.

Các hoạ sĩ tham dự triển lãm đến từ các vùng miền khác nhau, độ tuổi khác nhau nhưng họ đã tìm được tiếng nói chung trong nghệ thuật để làm nên một phòng tranh ấn tượng và đặc sắc. Họ đã làm nên sự hài hoà trong đa dạng và mỗi người đều để lại được dấu ấn riêng.

Nguyễn Lê Anh mang đến những bức tranh chân dung và tĩnh vật. Với phong cách mĩ thuật hậu ấn tượng, anh hướng đến vẻ đẹp bình dị của con người, của cuộc sống mà anh theo đuổi lâu nay trên nền bối cảnh là vẽ lại những mảnh kí ức.

Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Lê Anh.

Phạm Thị Hồng Sâm vẽ trừu tượng trên khổ lớn, lấy cảm hứng từ sự chuyển động của ánh sáng qua các không gian khác nhau. Có thể là ánh nắng, ánh trăng, ánh lửa… Tranh Hồng Sâm mang đến sự tĩnh tâm, lắng lại để chiêm nghiệm và thanh thản.

Phùng Văn Tuệ dùng ngôn ngữ của hội hoạ biểu hiện trừu tượng để diễn tả sự tinh tế của một tâm hồn sâu lắng, trong đó cũng chứa đựng khát khao vươn đến tận cùng vẻ đẹp của đời sống và con người.

Phạm Hoàng Hà cũng là phong cách hậu ấn tượng nhưng anh khai thác sâu vào đề tài phong cảnh ở nông thôn với sự hài hoà của những gam màu làm nên những không gian đặc trưng, ấn tượng.

Cũng là tranh phong cảnh nhưng Nguyễn Quang Hoan lại tạo dấu ấn bởi sự phóng khoáng trong bút pháp, thoáng đãng trong không gian, tinh tế trong màu sắc.

Trần Cường cho thấy một cảm xúc mạnh mẽ trong những bức tranh lột tả bản ngã của con người bằng bút pháp biểu hiện đương đại.

Tác phẩm của hoạ sĩ Trần Cường.

Phạm Đức Trọng say sưa với vẻ đẹp của cuộc sống bình dị trong những tác phẩm chân dung hay phong cảnh, nhìn vào những bức tranh ấy có thể cảm nhận được sự bình yên thực sự mà nhiều khi chúng ta vì vội vã mà không nhận ra.

Phạm Văn Khải khi thì đắm mình trong không gian đặc trưng của miền núi với núi đồi, ruộng bậc thang, thiếu nữ vùng sơn cước; khi lại thả hồn trong sự mơ màng, xưa cũ của những nhịp cầu Long Biên. Anh lựa chọn những điểm nhìn độc đáo nhất để vẽ phong cảnh và tôn vinh phong cảnh.

Ngày rộng góp một thanh âm vào bản hoà ca của Hà Nội trong những ngày mùa thu rất đẹp. Các hoạ sĩ dù sống và làm việc ở nhiều nơi khác nhau nhưng đều dành cho Hà Nội một tình yêu sâu lắng và đều mong muốn có tác phẩm tham gia triển lãm tại đây như một kỉ niệm đẹp, như đánh dấu một chặng đường lao động nghệ thuật đáng nhớ vừa qua.

Một góc triển lãm Ngày rộng.

Hoạ sĩ Nguyễn Lê Anh, thành viên của nhóm triển lãm Ngày rộng chia sẻ về triển lãm của các hoạ sĩ lần này: Đời sống hiện đại như một dòng sông chảy siết, tất cả những sự sôi động bộn bề của nó cuốn chúng ta đi ngày càng nhanh. Bên cạnh những tiện ích, những ưu điểm không thể phủ nhận, nó cũng dễ khiến chúng ta sống gấp, sống vội, sống sơ sài mà bỏ lỡ rất nhiều thứ lẽ ra rất quan trọng trong cuộc đời. Ngày rộng là ngày rộng tháng dài, ngụ ý về một khoảng thời gian bình tâm sống chậm, để ta kể với nhau những câu chuyện nghệ thuật, tạm quên đi cuộc sống vội vã ngoài kia.

Đều là các hoạ sĩ tích cực tham dự vào đời sống mĩ thuật trong nước, triển lãm như một dịp để các hoạ sĩ cùng nhau trau dồi, học hỏi và lan toả giá trị của nghệ thuật trong đời sống.

Triển lãm Ngày rộng kéo dài từ ngày 9/10 - 15/10/2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA CÁC HOẠ SĨ TRƯNG BÀY TẠI TRIỂN LÃM "NGÀY RỘNG":

Tác phẩm của hoạ sĩ Phùng Văn Tuệ.
Tác phẩm của hoạ sĩ Phạm Thị Hồng Sâm.
Tác phẩm của hoạ sĩ Phạm Văn Khải.
Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Quang Hoan.
Tác phẩm của hoạ sĩ Phạm Đức Trọng.
Tác phẩm của hoạ sĩ Phạm Hoàng Hà.

HOÀI PHƯƠNG