Mỗi năm, cứ đến ngày 27 tháng 7, ngày Thương binh Liệt sĩ, nhà tôi lại chìm vào một không khí trầm mặc, đó là sự lặng thầm thấm vào từng ánh mắt, từng làn khói nhang, từng nhịp tim mỗi người…
Tôi sinh ra trong một gia đình cách mạng, lớn lên giữa những câu chuyện của chiến tranh, của máu, nước mắt với những kí ức còn nguyên vẹn, thời gian không thể phai nhòa. Gia đình tôi là một nhánh nhỏ trong dòng họ giữa vùng quê yên bình tại thôn Tân Hưng, xã Tân Việt, huyện Bình Giang, Hải Dương (nay là xã Bình Giang, TP. Hải Phòng), có tới 5 người là liệt sĩ, và tất cả đều chưa tìm thấy hài cốt. Người đầu tiên là ông Vũ Đình Điền - em trai của ông nội tôi – ông là một giáo viên ở làng, lẽ ra, ông có thể sống một đời yên ổn bên phấn trắng bảng đen. Nhưng không, khi tiếng gọi non sông cất lên, ông bỏ lại trường làng, xếp lại giáo án, khoác ba lô theo tiếng gọi Tổ quốc và hi sinh sau đó không lâu, để lại vợ và 5 người con.
Người thứ hai là bác Tuân - con của anh trai ông nội - hi sinh tại chiến trường Quảng Trị. Và rồi lần lượt ba chú khác của tôi, trong đó có hai chú ruột, cũng nhập ngũ và mãi mãi không trở về. Đặc biệt, hai chú Việt và Nam từng là công nhân Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, thuộc diện không phải nhập ngũ bởi khi đó gia đình đã có ông nội và bố tôi đang tham gia chiến đấu. Thế nhưng, hai chú trốn nhà, viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Chú Việt hi sinh năm 1969, chú Nam ngã xuống năm 1972. Trong giấy báo tử của hai chú tôi chỉ ghi vỏn vẹn dòng chữ: Đã hi sinh tại mặt trận phía Nam. Gia đình tôi đã nhiều lần đi tìm và hỏi thông tin nơi hai chú hi sinh, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể tìm được nơi an nghỉ cuối cùng của hai chú.
Tôi lớn lên trong những câu chuyện ấy. Không phải qua sách vở hay băng đĩa tư liệu, mà qua những nén hương và mâm cơm ngày giỗ 27/7. Ngày ấy, dù không trùng với ngày mất của ai trong số các chú, các bác, nhưng đã trở thành ngày giỗ chung của gia đình tôi. Theo thông lệ, sáng sớm hôm ấy, ông nội - người lính già từng qua hai cuộc kháng chiến - lặng lẽ và chậm rãi dọn dẹp bàn thờ, lau từng chiếc bát nhang bằng khăn ấm. Không ai nói gì. Mẹ tôi lo nấu mâm cơm cúng. Các cô chú về đông đủ. Trẻ con tụi tôi khi ấy, dù còn nhỏ cũng tự biết mà không cười đùa như mọi ngày.

Bằng chứng nhận "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" của bà nội tác giả. Ảnh: NVCC
Trong ngày đặc biệt ấy, mỗi thành viên trong gia đình lặng lẽ làm việc của mình. Ông nội thì ngồi lặng bên bàn thờ, ánh mắt xa xăm. Những lúc như vậy, tôi hay nhìn thấy đôi mắt ông ánh lên nỗi buồn, một nỗi buồn thẳm sâu mà tôi không thể nào lí giải khi còn bé. Lớn lên, tôi hiểu, đó là ánh mắt của một người cha không thể tìm được hài cốt của hai đứa con ruột thịt của mình. Là ánh nhìn, nỗi đau của một người anh không thể bảo vệ được các em của mình. Cả đời ông tôi chỉ có một điều ước tìm được xác con trước khi nhắm mắt. Nhưng điều ước ấy đã tắt dần trong khắc khoải của thời gian và tuổi tác.
Bà nội tôi mất năm 2000. Lúc hấp hối, bà vẫn nắm chặt tay bố tôi mà hỏi: “Đã có thông tin gì của em Việt, em Nam chưa con?” - câu hỏi khiến cả nhà tôi chỉ biết khóc thầm. Gần 15 năm sau, Đảng, Nhà nước có điều chỉnh chính sách với thân nhân liệt sĩ, và năm 2014 bà nội tôi được truy phong danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngày nhận bằng truy tặng, cả gia đình tôi ngồi im lặng, nước mắt mỗi người lặng lẽ tuôn rơi.
Tôi đã nhìn thấy nước mắt của người đàn ông từng ra trận, từng trải qua chiến tranh - bố tôi, tôi đã nhìn thấy nước mắt của ông nội tôi, các cô, chú của tôi. Mỗi người một vẻ, nhưng đều lặng lẽ, nén nỗi đau vào lòng. Nhưng có một người mà tôi cảm thấy như gánh cả thế giới trên vai, đó là bố tôi.

Ông nội tác giả cùng một người cháu. Ảnh: NVCC
Bố từng là lính của Đoàn 559, đóng tại Salavan, Lào. Ông chiến đấu ở đó suốt 10 năm. Hoà bình ông trở về nhà, bố ít nói hơn khi trước. Ông không hay kể về những ngày chiến trận, không thích nhắc đến chiến công hay thành tích. Lúc nhỏ, tôi chỉ biết bố hay bị ho khan, nhiều khi ôm bụng nhăn mặt vì đau. Sau này lớn lên tôi mới biết trong người bố vẫn còn những viên bi chưa gắp ra được, và phổi thì bị ảnh hưởng do từng tiếp xúc với chất độc da cam. Thế nhưng, điều khiến tôi ám ảnh không phải là những vết thương đó mà là một nỗi sợ kì lạ của bố mỗi khi trời đổ mưa giông. Tôi nhớ mãi những chiều tháng Bảy, khi mây kéo đến, sấm chớp rền vang là y như rằng bố đang làm gì cũng dừng lại, hối hả vào buồng trong, đóng kín cửa, ngồi bó gối run rẩy trong bóng tối. Tôi từng sợ, từng không hiểu. Rồi một hôm, tôi lén mở cửa nhìn vào, thấy bố đang khóc. Mãi sau này, mẹ mới kể cho tôi biết: trong một trận mưa giông ở Salavan, một tia sét đánh trúng khẩu đội pháo của đơn vị bố, toàn bộ đồng đội hi sinh ngay trước mặt ông. Bố tôi sống sót nhưng từ đó mang theo nỗi sợ trời mưa như một vết thương không bao giờ lành. Sự việc hi hữu đã khiến ông ám ảnh đến tận xương tủy. Dù bao năm trôi qua, dù chiến tranh đã lùi xa, cơn mưa vẫn kéo bố tôi trở lại thời khắc sinh tử ấy.
Gia đình tôi không có nhiều di ảnh liệt sĩ, bởi các chú hi sinh khi còn rất trẻ. Không có hài cốt để chôn cất, chúng tôi chỉ có một bàn thờ chung và mấy tấm hình đen trắng. Thế nhưng, mỗi ngày 27/7, tôi cảm nhận được linh hồn của họ trở về, hiện diện trong làn khói hương, trong tình thân, trong ánh mắt ông nội, trong cử chỉ khẽ lau bát nhang của mẹ, trong sự lặng lẽ của bố…

Bằng Tổ quốc ghi công của hai chú tác giả: Vũ Đình Việt - Vũ Trọng Nam. Ảnh: NVCC
Với gia đình tôi, 27/7 ngoài là một ngày lễ của cả nước còn là ngày giỗ chung của gia đình, là ngày cả dòng họ cúi đầu trước những người không trở về. Dù ông, bác và các chú hi sinh ở những mặt trận khác nhau, năm tháng khác nhau, nhưng trong tim chúng tôi họ luôn sống cùng nhau, cùng một thời khắc, cùng một không gian, nơi bàn thờ tổ tiên trong ngôi nhà nhỏ giữa làng quê yên bình.
Đã nhiều năm trôi qua, tôi giờ cũng đã có con. Mỗi lần trời mưa, tôi lại nhớ về bố. Mỗi lần đi qua nghĩa trang liệt sĩ hay đứng trước tượng đài Tổ quốc ghi công, tôi lại nhớ đến ông nội – người lính già tóc bạc, đôi mắt đẫm buồn. Tôi dạy con mình biết cúi đầu trước anh linh những người đã hi sinh. Tôi kể cho con nghe về 5 người liệt sĩ trong nhánh nhỏ của gia đình mình, về người ông là giáo viên xung phong, về hai chú ruột hi sinh khi chưa đến tuổi lập gia đình, về nỗi đau âm ỉ của những người ở lại. Có lẽ, đó cũng là cách duy nhất tôi có thể làm để giữ lấy ngọn lửa kí ức thiêng liêng ấy. Để các thế hệ sau không quên rằng, độc lập hôm nay không phải từ trên trời rơi xuống, mà được đánh đổi bằng máu, nước mắt, và nỗi đau lặng lẽ của những người mẹ, người cha, người vợ, người con…
Ngày 27/7 - với gia đình tôi - là ngày của những hồi tưởng, là ngày giỗ của cả một thế hệ trong dòng họ, là ngày những người còn sống sống chậm lại, để cúi đầu tưởng nhớ những người đã ra đi. Và tôi tin rằng, ở đâu đó - trong cõi vô hình - 5 người thân của gia đình tôi đang ngồi cùng nhau dưới ánh nắng hoàng hôn của quê nhà, mỉm cười vì biết rằng: họ chưa từng bị lãng quên.
VÕ ĐỨC THO