Thứ Hai, 22/06/2020 13:58

Nắng quái Tây Nam thành

Nắng chan chát dội xuống giữa vòm trời thấp trắng, đùng đục. Nắng lỗ chỗ cắt vòm trời thành những mảng thâm sì, tím tái. Trời thủng. Ngước lên thấy rõ những cái lỗ méo mó, bầm đen như màu máu.

Tôi viết Nắng quái Tây Nam thành vào những ngày Phan Rang nắng đổ lửa. Năm đó, mùa hạn đến sớm. Mới qua tết, gió bấc đã tàn. Và nắng đến. Nắng đổ chan chát. Giữa trưa, ngồi trong nhà nhìn nắng thôi cũng muốn xây xẩm, chóng mặt. Tôi đã đưa nguyên xi cái nắng ấy vào mở đầu truyện.

Và nhân vật Bùi Thị Xuân cũng đến với tôi khá tình cờ. Vài tháng trước đó, truyện ngắn tôi viết về Tuyên phi Đặng Thị Huệ đã được chọn đăng ở Văn nghệ Quân đội. Bất ngờ lại nhận được lời khen từ nhà văn Đỗ Tiến Thụy. Tôi vốn “khiếp” nhà văn Đỗ Tiến Thụy ghê lắm. Nhớ lần đầu mail truyện cho anh, tôi vừa gởi vừa run. Nhận được mail phản hồi, càng run tợn. Vì anh nhận xét truyện đến “từng chân tơ kẽ tóc”. Trước anh, chưa biên tập viên nào từng mail tôi dài như vậy. Anh chê thẳng. Chê rất thật. Nhưng, chê mà lại khiến người bị chê lập tức ngồi ngay vào bàn, viết tiếp.

Với Đặng Thị Huệ, lần đầu tiên, tôi được anh khen, còn dẫn link truyện lên facebook. Tôi khoái chí vô cùng. Khoái ngang đứa nhỏ sau bao cố gắng ôn tập, làm bài cuối cùng cũng được ông thầy khó tính gật gù, chấm điểm cao. Vì vậy, tôi quyết tâm đi tiếp với nhân vật phụ nữ trong lịch sử. Nhưng chọn ai đây? Sau Tuyên phi, câu chuyện về ai sẽ rúng động, bi ai, lấy nước mắt bạn đọc?

Lướt qua vài tài liệu cũ về thời Gia Long dựng nghiệp, tôi dừng lại ở vụ hành hình Bùi Thị Xuân. Một người đàn bà phải lãnh án voi giày cùng đứa con gái mới mười lăm tuổi. Con gái bà chịu án trước. Trước khi bị voi giẫm chết còn thét gọi: “Mẹ ơi. Cứu con!”. Tài liệu chỉ dành cho bà vỏn vẹn vài dòng. Nhưng, cả ngày hôm đó, tôi không cách nào rứt được ý nghĩ khỏi Bùi Thị Xuân. Không người mẹ nào muốn chứng kiến cái chết của con mình. Tuyên phi chỉ nghe tin con chết đã gần như hóa điên trong lãnh cung. Huống hồ bà, tận mắt nhìn con voi dữ xông thẳng tới, nghe tiếng con tuyệt vọng gọi mẹ cứu. Đến đây, tôi biết mình đã chọn được nhân vật. Tìm hiểu sâu hơn, tôi nhận ra Bùi Thị Xuân không chỉ mang nỗi đau mất con của người mẹ đơn thuần. Bà là phản ánh chân thực nhất cho nỗi đau sớm suy vong của một triều đại. Gắn bó với Tây Sơn ngay từ những ngày đầu, đi qua bao cuộc chiến. Tôi hình dung bà như con ong thợ cần mẫn vắt kiệt sức mình cùng đàn xây tổ. Niềm vui ngắm nhìn công trình hoàn thành chưa trọn thì ong chúa chết. Tổ vỡ dần. Ong thợ nhìn thấy hết. Nhưng bất lực, không cách nào xoay chuyển được.

Muốn thử một cách viết khác Hương thôn dã, tôi quyết định kết hợp dòng tâm trạng của Bùi Thị Xuân với hồi ức của một nhân vật khác nữa: Nguyễn Ánh. Đàn ông và phụ nữ. Người chiến thắng và kẻ bại trận. Hai dòng tâm trạng cùng chạy song song. Tôi nghĩ sẽ có nhiều thú vị để viết. Quả thật vậy. Chạy theo hai dòng suy nghĩ ấy, tôi viết liên tục, như “ma làm”. Chín giờ tối, học trò vừa về, tôi xách giấy bút xuống căn nhà cũ của ngoại tôi, vốn bỏ không, chong đèn đến nửa đêm về sáng. Giờ còn nhớ, tới đoạn con voi Thiết Tượng bị thương vẫn đòi mang pháo ra trận, tôi vừa viết vừa khóc. Tôi chưa từng có kiến thức nào về loài voi, tượng binh càng không. Thông tin về voi chiến và cách huấn luyện tìm trên Google rất ít. Tưởng đây sẽ là nhân vật khó nhằn nhất, nhưng ngược lại, cứ viết tới Thiết Tượng, cảm xúc lại lôi tuột tôi đi, không dừng được. Tôi thấy vui nhất khi viết lịch sử là mỗi lần viết lại thấy hiểu biết mình còn thua hạt cát. Thời đi học, cũng như đa số bạn bè, tôi rất ngán môn sử và toàn phải học vẹt. Các sự kiện, nhân vật vì vậy hoàn toàn chán ngắt. Khi bắt tay vào viết dã sử, lịch sử, tôi nhận ra mình lầm. Bản thân lịch sử như một trò chơi mê cung. Thách thức và mời gọi vô cùng. Men theo lối đã chọn, tôi thường tìm thấy cùng lúc nhiều ngả rẽ, nhiều con đường hấp dẫn khác nữa. Với nhân vật cũng vậy. Từ Bùi Thị Xuân, tôi tìm được Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung. Những nữ tướng cuộc đời cũng oanh liệt không kém. Từ Nguyễn Ánh, tôi tìm thấy công nữ Ngọc Dung, vợ tướng Võ Tánh, người đã tuẫn tiết giữ thành Bình Định. Không phân biệt phe thắng hay bại trận, bà chúa hay thường dân, cuộc đời họ, những người phụ nữ thời binh lửa, đều thua thiệt trước số phận và bi kịch chiến tranh.

Chuyển tải nỗi đau của tất cả vào một truyện ngắn, tôi tự thấy mình không làm nổi. Dù thật sự, mỗi lần đối diện trang viết, lại như nghe họ hỏi mình: “Còn tôi thì sao? Sao không kể về tôi?”. Nhà văn Sương Nguyệt Minh trong lần tôi ra mắt tập truyện dã sử, lịch sử Con chim Phụng cuối cùng ở Hà Nội có nói, ông thích cách tôi xây dựng nhân vật Bùi Thị Xuân hơn Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh ở truyện này chưa có cái khí chất đế vương và hơi mang... tính nữ. Giờ đọc lại, sau sáu năm, tôi thấy ông nói đúng. Có lẽ vì quá tập trung khắc họa những người phụ nữ trong chiến cuộc, về hào khí và bi phẫn của số phận họ, tôi đã để lây yếu đuối đàn bà lên nhân vật một vị vua chăng? Một chi tiết đáng nhớ nữa của truyện ngắn này là âm thanh của tiếng trống trận. Trong bản thảo đầu tiên, tôi không đề cập ai đánh trống trong trận Trấn Ninh. Chính nhà văn Đỗ Tiến Thụy, sau khi đọc truyện tôi nộp ở trại viết Biên Hòa năm 2014, đã trực tiếp đến gặp và nhắc tôi sao không cho Bùi Thị Xuân trực tiếp đánh trống. Gợi ý quá đắt giá! Còn gì bi phẫn, ám ảnh hơn hình ảnh vị chủ tướng đích thân cầm dùi trống trong trận quyết chiến cuối cùng. Và trại viết Biên Hòa, tính đến nay, là trại viết duy nhất tôi tham gia, trong hơn mười năm theo nghiệp viết.

 

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa

 

1.

Nhâm Tuất. Tháng mười một. Ngày giữa đông không lạnh, không mưa phùn. Chỉ nắng.

Nắng chan chát dội xuống giữa vòm trời thấp trắng, đùng đục. Nắng lỗ chỗ cắt vòm trời thành những mảng thâm sì, tím tái. Trời thủng. Ngước lên thấy rõ những cái lỗ méo mó, bầm đen như màu máu. Từ những lỗ thủng ấy, nắng tiếp tục tuôn. Nắng không thấy vàng, không lóa mắt, không nóng, mà chỉ ngột. Cái ngột thít không khí vón cục, khô rốc trước những mũi người. Cái ngột siết hơi thở tưởng chừng đứt ngang cổ họng. Cái ngột khiến mọi thứ trong con người ta chỉ muốn bung ra, muốn nổ vỡ, muốn giải thoát. Từ da thịt, từ tim óc, từ máu, cho đến cả nước mắt.

Khắp một dải kinh kì, người ta đi, người ta thở dưới con nắng ngột tai quái đó. Càng về phía Tây Nam thành càng ngột.

Tây Nam thành. Những thân lau đốt rụi không kịp nhú đầu. Những ngọn tre phạt ngang gãy gục.

Tây Nam thành. Nắng quái trườn trên những lưỡi kiếm tuốt trần, những hàng người mặt rắn đanh, thẳng tắp.

Chồm qua màn khói nhang vừa được đốt lên từ bàn hương án trên bệ đá, nắng xộc xuống những hàng lọng che chênh chếch bên mé tả, chiếu thẳng vào chiếc lọng vàng to nhất. Người ngồi dưới tán lọng vừa đứng dậy. Nắng quái nhập vào mắt rồng trên áo ngự. Mắt trừng lên, ngầu máu.

Hai mươi bảy năm. Hai mươi bảy năm rồi. Tân vương siết nắm tay trên đốc kiếm. Ai mà ngờ cuộc ra đi ngày ấy giờ quay lại chớp mắt đã hai mươi bảy năm. Ai mà ngờ cuộc ra đi ngày ấy... Cả dòng tộc... giờ trở về đứng lại trên mảnh đất tổ tiên này, chỉ còn mỗi Ánh ta. Cơ nghiệp chín đời, các tiên vương hỡi, Ánh con đã lấy lại được rồi đây. Gần nửa đời người nếm mật nằm gai, gặm hờn nuốt oán, các tiên vương hỡi, Ánh con đã không để dòng họ Nguyễn chúng ta phải hổ thẹn, phải cúi đầu trước bất kì cái họ nào. Chúng ta muôn đời là Chúa. Không. Giờ chúng ta là Hoàng đế. Từ Gia Định đến Thăng Long, cả cõi nước Việt này đã thuộc về chúng ta.

Một thẻ nhang trên bàn hương án vụt bùng bùng cháy lên, đỏ rực. Tân vương chắp tay cúi đầu xá một xá dài. Rùng rùng những mái đầu khác cúi theo vương. Không khí nghiêm cẩn. Khí trời đã ngột càng thêm ngột. Vài bộ lễ phục lùng thùng, ngộp thở bắt đầu ước một ngọn bấc lẽ ra giờ phải đang quất giữa trời lạnh buốt. Mấy giáo sĩ phương Tây vừa chấm ống tay áo lên gương mặt nhễ nhại vừa đánh ánh mắt xuống. Nơi đó, nơi hút sự chú ý của họ hơn màn bái lạy khói hương kia, là nơi hai kẻ tử tội đang quỳ. Nơi đó, hình như có gió. Một giáo sĩ rõ ràng thấy vành khăn trắng thít ngang mái tóc người mẹ khẽ phơ phất. An nhiên, thư thái, bà tướng Tây Sơn lừng tiếng khắp chiến trường nhắm mắt, mặt tĩnh hơn cả mặt nước hồ. Xung quanh bà, chẳng có gì hết. Không cơn nắng quái, không những gương mặt, không cả mùi khói nhang lẫn mùi tử khí ghê rợn đang bốc lên, ngột ngạt khắp pháp trường Tây Nam thành.

 

2.

Thiết Tượng. Ta đã nghe tiếng gọi của mi rồi, Thiết Tượng. Tiếng trầm đục, âm âm mà át dạt hết mọi thanh âm, rung động. Tiếng không lanh lảnh, không chói lóa mà chế ngự, xoay chuyển cả không gian. Tiếng gọi của bậc chúa tể. Lũ hổ báo nghe len lén mắt, cụp đuôi lảng mất. Bầy giặc người nghe thất kinh vãi mật, té lên nhau. Chiến trường hay rừng thẳm, Thiết Tượng của ta, ta biết, sức mạnh của mi, uy nghi của mi đâu dễ có kẻ nào đọ được.

Vậy mà… Chắc tai ta nghe lầm rồi. Làm sao trong tiếng gọi oai hùng của mi ta lại nghe ra cả những âm phẫn hận, bi thương.

Thiết Tượng vừa rống lớn. Phải. Chính là âm thanh đó. Vòi cong cao, lưỡi ngà sắc nhọn giương và tiếng rống bật ra. Như tiếng đá tảng lăn đập vào vách núi. Như tiếng thét của gió rừng Tây Sơn Thượng lúc bão giông. Phải như thế chứ, Thiết Tượng. Hãy để ta mượn thanh âm oai hùng đó từ mi mà trở về.

Sông Côn đêm. Ánh nước bốn mùa quyện cùng bập bùng ánh đuốc. Màu áo nâu, màu đồng ruộng bập bùng đỏ lên cùng màu lửa đỏ kiêu hùng.

Bãi Gò ngày, lưng voi xếp hàng dài rạch ngang màu nắng.

Cờ lệnh phất, tỏa quân, rẽ trái, ngoặt phải.

Cờ lệnh thu, lùi xuống, tụ lại, kết tường thành.

Voi là chiến sĩ theo cờ lệnh như người. Kềnh càng, chậm chạp hóa uyển chuyển, thần tốc. Lặng lẽ, hiền lành hóa dũng mãnh, dữ dằn. Những trận địa tập luyện bị giẫm chà, xéo nát. Những hàng bù nhìn bị những cú quật vòi, những cặp ngà nhọn hoắt xách ngược lên, lả tả rơm bay.

Mi nhớ chứ, Thiết Tượng. Một buổi tập như thế, chân trước mi bước hụt vào hố đất chưa kịp lấp, quỵ xuống. Ta điếng người theo từng cú đập vòi, từng tiếng rống như tiếng trẻ con khóc nức nở vì đau.

Rồi nữa, buổi luồn rừng tìm con voi Độc Ngà bứt xích bỏ đội hình. Mũi tên độc từ tên gián điệp người Thượng suýt nữa găm vào tim ta nếu không có một cú huơ vòi. Nước mắt ta đã hòa cùng nước mắt mi chảy đầm đìa trên vết thương cả tháng trời lở loét ấy. Mi nhớ không?

Rồi nữa, những khuya trăng sáng, lưng trần đoàn nữ binh ta cưỡi trên những lưng voi khỏa trắng một vùng nước sông Côn. Nữ binh ta, những cô gái tuổi tròn trăng, má đỏ, môi hồng. Áo chiến trận rời, gươm đao buông, những bầu ngực thanh xuân lóng lánh nước sông lại vun cao căng đầy cùng vầng nguyệt giữa lưng trời.

Và rồi cũng một đêm trăng đầy như thế nữa, phải không Thiết Tượng? Những bước nện của mi đưa ta theo tiếng hổ để mũi tên kịp thời vút khỏi dây cung cứu mạng một người. Ta nhớ rõ lắm, mi đã dùng vòi lau vết máu chảy trên cánh tay chàng, người khách lạ. Lần đầu tiên ta thấy mi thân thiết, gần gũi đến dường ấy với một người chưa từng gặp bao giờ.

Hay là giờ phút ấy, mi đã biết hả, Thiết Tượng? Rằng trái tim thiếu nữ ta đã bất thần loạn nhịp trước dáng người đĩnh đạc, oai phong. Rằng gò má ta đã âm ấm lên như ngồi bên bếp lửa hồng. Bởi đôi mắt ấy. Đôi mắt chàng tráng sĩ đánh hổ. Đôi mắt chàng nhìn ta còn dịu dàng, tha thiết hơn cả ánh trăng.

Tướng công vẫn đùa ta: “Thiết Tượng yêu ta còn trước cả nàng”. Phải vậy không, Thiết Tượng? Nên trận công thành chàng ngã ngựa, ta chưa kịp khiển lệnh thì mi đã lao ra quật túi bụi vào đám giáo đâm, gươm chém đang vây lấy chàng như bầy kiến. Bầy kiến nát bươm, ngoi ngóp dưới bốn cột trời, chỉ biết trơ mắt nhìn tướng địch thoát khỏi hiểm cảnh bằng vòi một ông tượng trắng khổng lồ.

Quang Diệu nửa đêm đã ra ngồi tựa đầu mi, vuốt ve từng vết thương trên tấm lưng mi sau trận chiến đó, Thiết Tượng à. Trong giấc ngủ mơ màng mi có nghe chàng thủ thỉ gì không? Chàng có nhắc gì tới ta không? Thấy chưa. Đáng lẽ ta mới là kẻ so bì vì chàng còn yêu mi hơn cả yêu ta.

Tiên đế cũng đã rất yêu mi. Trận Ngọc Hồi, Người sợ mi còn chưa lành vết thương cũ trên lưng, lệnh ta không cần cho mi mang pháo. “Cô Xuân còn con nhỏ, Thiết Tượng lại bị thương, nên lùi về phía sau”. Sao vậy được. Thân làm tướng sống chết tại sa trường. Ta phận đàn bà nhưng vào cơn binh lửa đâu muốn mình thua kém bậc mày râu. Không lãnh được ấn tiên phong cũng muốn cưỡi voi lao ra giữa trận tiền, vẫy vùng cho thỏa chí. Được ân chuẩn, ta sửa soạn trèo lên một bành voi khác thì Thiết Tượng, mi nghĩ gì lại quẫy vòi, nằm mọp xuống rống lên như oán trách, lẫy hờn. Cỗ pháo Tiên đế vừa lắc đầu chịu thua vừa truyền đặt lên lưng mi ấy, ta biết Người đã chọn cỗ nhỏ và nhẹ nhất. Vậy mà sức công phá của nó, Thiết Tượng nhỉ, đâu thua kém gì hỏa lực của bất kì khẩu thần công nào đoàn tượng binh mang.

Giáng Khẩu, Nhật Tảo, Hà Hồi, Ngọc Hồi, Yên Duyên, thế là ta và mi, chúng ta đã không để lỡ một trận nào.

Xác giặc Thanh tắc sông Nhị Hà, nghẹt Đầm Mực, hóa than đen vùi kín cả Ngọc Hồi. Thăng Long ngày khải hoàn, đứng bên cạnh Tiên đế, giữa những tiếng gầm rung chiến thắng, nhớ không, ta và mi chúng ta đều không nén được một giọt nước mắt rơi.

Rồi muôn vạn giọt nước mắt nào rơi nữa hả Thiết Tượng ngày Phú Xuân trắng xóa một màu tang? Giờ Tí đêm đó giữa đất Nghệ An ta đã mơ về một ánh sao rơi. Ngôi sao sáng lắm từ phía trời Nam thình lình sa xuống rồi lịm dần, tan biến nửa chừng trời. Thảng thốt ngồi bật dậy, phong thư Quang Diệu vừa gởi từ kinh đô báo long thể vẫn an khang còn nguyên trên bàn mà ta lại nghe như có lửa trong lòng. Giục ngựa xuyên đêm, xuyên giữa trời trưa cháy nắng, ta đến Phú Xuân thì kinh thành đã trắng rợp một màu.

Than ôi! Chúa thượng. Người thật là vì sao băng xuống trong giấc mơ thần giữa giờ Tí đó sao? Chúa thượng, Người đi rồi, liệu bầu trời này còn rực rỡ được bao lâu nếu thiếu đi ánh sáng từ Người. Người đi rồi. Phú Xuân tiễn Người, mây thê lương chăng không thấy mặt trời. Nghệ An khóc Người, mưa thảm sầu, ngập khắp nẻo trung đô.

“Phu nhân chớ đau buồn quá độ, than khóc chi bằng chung tay dốc sức phò ấu chúa, bảo vệ vương triều này. Ấy mới là không phụ lòng ký thác của Tiên vương”.

Lời tướng công rẽ mây mù, giữ ta đứng vững giữa màu áo xô, màu khăn tang chập chờn chới với. Tay đỡ Thái hậu, tay dắt ấu chúa, theo sau cỗ quan tài vàng, ta khắc một lần nữa lời thề giữa rừng rực ánh đuốc của núi rừng Tây Sơn Thượng năm xưa vào những vòng khói hương tỏa không ngừng lên bốn tầng trời. Chúa thượng. Vì giang sơn Người tạo dựng, thần sẽ đổ đến giọt máu cuối cùng. Lời thề hai lần khắc sùng sục óc tim ta. Lời thề lặp lại hai lần bừng cháy một tin tưởng trong ta.

Đất Quảng Nam, ta chăm lo đồng áng, đê điều, lo bá tánh ấm no, mặc người gièm pha chồng Diên Khánh vợ Quảng Nam khác nào cảnh Ngưu Chức lưu đày.

Đất Quảng Nam mặc thế sự đảo điên, lòng người dời chuyển, đêm đêm đoàn nữ binh ta luyện voi, múa kiếm. Nước Thu Bồn chao đảo như mặt nước sông Côn vì đuốc sáng, vì trống trận khua. Tiếng nối tiếng. Giục giã, dập dồn.

 

3.

Tiếng trống. Là kẻ nào đánh trống. Kẻ nào?

Tân vương sựng mái đầu đang hướng về màn khói nhang nghi ngút, mắt rồng nháng rất nhanh một ánh thảng thốt, ngỡ ngàng.

Dưới bệ đá, một tiếng trống nữa lại vang. Trống tế lễ, nhịp ngắt nhịp, nhịp kéo nhịp. Âm dài, trầm mặc.

Không phải tiếng trống này. Thứ ta vừa nghe được. Thứ vừa thoáng lướt qua tai ta, gợi cơn ớn lạnh đột ngột lại dậy lên quét khắp lượt người ta. Có ai nghe nữa không? Có ai nữa vừa bị nó dội vào tai không? Âm thanh ma quỷ đó. Âm thanh vẫn vây ráp, xô đuổi giấc ngủ ta thành những cơn ác mộng kinh hoàng đó. Nó đang ở đây phải không? Chắc chắn. Là nó. Nó vừa chói lên đó giữa âm trầm buồn của trống lễ. Là nó. Tiếng trống trận Tây Sơn. Sao ta lại nghe thấy nó ở đây?

Nhịp nhàng, bình thản quân đi

Réo rắt nhanh, dồn dập, phất kì xung phong

Khải hoàn ca khúc thành công

Dội vang, òa vỡ trống long đất trời.

Bài hát. Đó… Tiếng trống vừa đang hát. Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng, những kẻ thủ túc bao phen cùng ta đối mặt với tiếng trống, các ngươi không nghe thấy sao?

Cơn ớn lạnh lại bắt đầu rồi. Sao lại là lúc này? Ta đã tưởng nó vĩnh viễn phải biến mất rồi ngày ta đạp lên những mảng tường thành vụn vỡ, ngày ta cười dài trước những thứ gãy nát của Tây Sơn bị quẳng ra khỏi điện rồng, làm mồi cho ngọn lửa cháy rực trời. Ngọn lửa đó không sưởi ấm được ta sao? Trăm vàn ánh nến giữa Nam Giao đàn ngày tế lễ đăng cơ không đuổi được cơn ớn lạnh quái qủy này giúp ta sao?

Nó tới đấy… Bắt đầu là một cơn nhói lên ngay dưới bàn chân ta. Bàn chân đã từng không có một đôi giày. Bàn chân chỉ biết lao về phía trước chạy, chạy và chạy… Mà bủa vây trước mặt, sau lưng, hai bên tai lúc nào cũng nghe thấy tiếng giặc reo, tiếng trống giặc thúc dồn bén gót. Gai rừng đã không phải một lần xóc thủng gót chân ta. Những vỉa đá sắc còn bao lần nữa tuốt da ta. Rồi cả suối, những con suối rừng đêm lạnh cóng, bàn chân lội mà máu chừng như đông cứng, chỉ chực chờ xô thân người quỵ ngã giữa dòng. Là con suối nào trong những lần luồn rừng thoát hiểm ấy đã ám hơi lạnh nó vào thịt da ta. Là cơn bão biển quần giật điên cuồng nào trên những hòn đảo xa lạ ta ẩn mình đã đổ thốc những lạnh căm từ chúng lên ta. Hay là mưa Xiêm, là cơn mưa đột ngột dội giữa trời Vọng Cát nóng như thiêu. Cơn mưa ta không muốn trốn, không muốn tìm chỗ trú. Cơn mưa ta dầm mình trên thửa đất ruộng băm nát, cuốc mãi, cuốc mãi. Để hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đất ẩm. Để màn nước trắng trời trắng đất đốt trụi giùm ta, rửa trôi giùm ta những tủi nhục đắng cay của kiếp lưu vong.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Cơn lạnh đang di chuyển. Như một con rắn lạnh lẽo hiểm độc, chậm rãi nó quét từng đợt, từng đợt run rẩy lên những đốt xương ta. Những đốt xương rã rời, không nhấc nổi thân mình trong cơn đói, cơn khát cháy cổ họng của bảy ngày bảy đêm lênh đênh trên biển. Những đốt xương từ năm mười lăm tuổi không đêm mưa nào là không đau nhức, không đêm mưa nào là không thấy chú ta, Định vương, Người đứng bên mạn thuyền áo tang trắng mặc thay long bào. Vung thẳng tay, Người xô ta xuống mặt nước đen. Và tiếng Người dội lên. Đâu đó từ trong thịt da ta, nghiến rít từng đốt xương ta: “Báo thù... Ánh, con phải báo thù!”.

Chú ơi, con đã báo thù được rồi đây. Dòng tộc tôn quý của chúng ta đã trở lại rồi đây... Nhưng… Sao cơn lạnh, nó vẫn tiếp tục trong con mãi thế này. Lướt lên rồi, giờ như một lưỡi dao đá, con biết, nó sắp đục khoét ngực trái con. Vết trúng tên trên lầu thành Quy Nhơn năm đó chắc chắn sẽ nhức bưng lại, trước tiên. Vết thương ấy đã chỉ sượt trong gang tấc để là một vết thương chí mạng kia mà. Nhưng cơn lạnh cũng sẽ chỉ quét qua nó. Để xuyên thấu, để chọc một nhát kiếm điếng buốt vào thẳng tim con. Năm mười lăm tuổi, biển Long Xuyên không dám ngoái đầu, không dám khóc dù biết sau lưng mình máu của chú, của các anh con đang phun đỏ thêm màu áo đỏ của kẻ thù. Và một nhát kiếm nữa, ngày tế miếu, con trai con làm dấu thánh, lắc đầu không quỳ lạy trước bàn thờ. Cảnh không sai. Con làm sao trách tội được nó. Một đứa trẻ ba tuổi đầu vì vận mệnh dòng tộc mà lìa xa cha mẹ, gởi thân nơi xứ lạ quê người. Một đứa trẻ lớn lên mắt chỉ thấy những kẻ không cùng màu da, mắt xanh, mũi lõ. Miệng chỉ đọc sách Thánh kinh, tai chỉ nghe những ngôn ngữ không phải tiếng quê hương. Đứa con yểu mệnh tội nghiệp. Đâu phải nó, là cơn lạnh đó chứ, hay chính là con, là người cha này đã tự đâm nhát kiếm ấy vào giữa tim mình.

Tiếng trống. Bùi Thị Xuân. Dưới thềm kia. Ngươi cũng nghe thấy tiếng trống đúng không? Không phải vì vậy mà mắt ngươi đang sáng rực kia sao. Không phải vì vậy mà gương mặt lặng như tờ của ngươi lại he hé cái cười bên khóe miệng kia sao. Đàn bà... Tại sao chân mệnh đế vương ta lại chịu tiếng đời là thua trí lực, dũng khí của một ả đàn bà.

“Đàn bà xứ ngài quả đáng sợ. Cứ nhìn cách họ thét voi, cách họ dùng đại bác của chúng tôi để bắn chúng tôi thì biết...”.

Phải, tên cai cơ Pháp ấy đã nói đúng. Đội quân toàn những kẻ mặt hoa da phấn đó, ta đâu phải chỉ một lần kinh ngạc trước nhuệ khí của họ chốn trận tiền. Ta đã thấy. Những gương mặt đàn bà sạm đen khói súng nhô lên, liên tục nhô lên làm mồi cho những tảng đá quẳng xuống trên tường thành. Những thân hình mảnh dẻ, gươm xuyên ngực vẫn xả xuống được một nhát kiếm cuối cùng.

Và ta đã nghe, bên lũy Trấn Ninh, giữa lúc chiến trận đã dần đến hồi tàn cuộc, tiếng trống trận của chủ tướng họ. Người đàn bà áo đỏ lao khỏi mình voi, giành lấy dùi trống. Người đàn bà máu bết mặt, bết tóc mà tay vẫn không ngừng khua từng hồi, từng hồi trống thúc trận ào ạt, dập dồn. Những hồi trống kéo những bóng áo đỏ khác liên tục trào lên, ào lên. Thân xác tả tơi trong pháo, thịt da vùi dưới đá, vẫn ào lên. Những bóng áo đỏ bu kín tường thành. Tiếng trống... Thứ thanh âm ma quỷ. Còn hơn cả âm thanh điều khiển lũ thây ma cười cợt với cái chết.

Từng hồi, từng hồi tiếng trống nhồi thúc ta trong liên hồi những cơn ớn lạnh. Là Nguyễn Huệ, là thuyền tướng soái hắn đang thúc trống. Lửa vây ta, lửa bẻ gập thuyền ta ngay giữa Thất Kỳ giang. Lại là Nguyễn Huệ, lại là hắn vừa nổi trống vừa xua quân truy kích ta, giẫm lên hàng vạn xác quân Xiêm. Vẫn là Nguyễn Huệ, lưỡi gươm lạnh lùng kề ngang cổ ta. “Kẻ bán nước!”. Và lưỡi gươm hắn vung lên...

Ảo giác. Liên hồi trước mặt ta là những ảo giác. Ghê gớm thay những hồi trống, tiếng giãy chết cuối cùng của lũ giặc cỏ Tây Sơn, tiếng thét lên dưới đôi bàn tay của một người đàn bà... Ta đã vì nó mà khiếp đảm, mà suýt nữa xuống lệnh lui binh, để lỡ một thế cờ.

Bùi Thị Xuân, người đàn bà kia. Ngươi biết chứ? Tiếng trống trận bên lũy Trấn Ninh của ngươi đã cho ta biết thứ ta cần kết liễu đầu tiên khi trở lại Phú Xuân này. Hổ bị lột da nhưng dư âm tiếng gầm nó còn chấn động rừng già. Rắn bị đập đầu nhưng cú quẫy mình của nó cũng để lại vệt dài trong đất. Quy Nhơn, Phú Xuân, Nghệ An, Thăng Long... Lòng người còn ở Tây Sơn, còn ngóng về một tiếng trống dội lên thì cơ nghiệp nửa đời ta khổ nhục, cay đắng giành đoạt về lại cho dòng tộc sao có thể được trường tồn. Ta phải phá hết, phải san phẳng hết mọi dấu tích Tây Sơn trên mặt đất, trong lòng người. Ta phải đào xới hết, trừ diệt hết những giọt máu Tây Sơn còn rơi vãi để ngọn cỏ nào khác muốn ngóc đầu cũng không có đất nương vào.

“Anh được như ngày nay âu cũng là nhờ trời Phật độ trì, hóa bao nguy biến thành an. Nên chăng giờ ta nương theo Tam bảo, thể lòng trời mà mở dạ hiếu sinh chừa cho những kẻ bại vong kia một con đường…”.

Không được, Ngọc Du em ơi. Lời nói em ta sao không hiểu thấu chứ. Ta biết lẽ hiếu sinh là lẽ nhân nghĩa, là lẽ hợp ý đất lòng trời. Nhưng em ơi, ta là một vị vua. Một vị vua chưa lên ngôi Hoàng đế đã mang vào mình tiếng dơ rước voi giày mả tổ. Một vị vua ngồi được trên ngai vàng mà vẫn thấy ngay bên cạnh mình, chia đôi long bào với mình là gương mặt của kẻ cựu thù. Em biết không. Muôn vàn cặp mắt trong và ngoài cõi đất Việt này đang hướng về ta. Họ kính ngưỡng, họ hằn thù, họ mỉa mai, họ dò xét. Ta biết hết. Họ muốn xem ta lái thế nào con thuyền đất nước vẫn còn nguyên đó tả tơi, rách nát vì bao sóng gió của chia cắt, chiến tranh này. Họ đang chực chờ để làm một phép so sánh, để đem ta và Huệ, kẻ chết mà khí vẫn chưa tan ấy, lên bàn cân mà đong đếm, mà định lượng cao thấp.

Ta bất chấp… Ta là Hoàng đế… Ta là vua. Nhân nghĩa chỉ nuôi dưỡng phản loạn, hiếu sinh chỉ mở đường cho kẻ thù quay lại lấy mạng mình. Thiên hạ sẽ có kẻ tiếp tục mắng chửi ta. Hậu thế sẽ không ít người nguyền rủa, gớm ghê ta. Nhỏ nhen, độc ác, man rợ. Được hãy cứ rủa xả đi. Ngai vàng nào không xây lên bằng máu. Quyền lực đế vương nào không đổi bằng hàng vạn xác người.

Nên Ngọc Du em ơi, em đừng gõ nữa tiếng mõ đều đều, đều đều mà như cứa lòng ta trong đêm lạnh hoàng cung. Em đừng gõ nữa, để nhiều lúc canh ba trở mình ta lại tự hỏi, là em đang dùng âm thanh đó để cầu an cho Võ Tánh chồng em, hay em đang cầu cho những oan hồn dưới ngai vàng hoàng đế cho ta một giấc ngủ thanh thản, yên bình.

“Đến giờ rồi… Bệ hạ!”.

À… Tả quân Lê Văn Duyệt… Cảm ơn ông. Câu thì thầm của ông vậy là kéo ta ra khỏi hỗn độn bao nhiêu là ý nghĩ, âm thanh.

Ta là vua. Là người sẽ nối tiếp cơ nghiệp chín đời tổ tiên ta, các chúa Nguyễn. Vua không có nước mắt, không có thương xót vụn vặt đàn bà.

“Truyền cho voi vào!”.

Tân vương sửa lại dáng ngồi dưới tán lọng vàng. Uy nghiêm, ngài khoát tay, cất tiếng.

Lời truyền vang dội như một tiếng sấm vừa nổ rền giữa trời ngột ngạt nắng góc Tây Nam thành.

 

4.

Thiết Tượng. Mi đang đến đó, phải không? Thình thịch, thình thịch. Mặt đất nảy dưới từng bước chân mi. Hăng hắc, ngai ngái, luồn vào hơi thở ta là mùi quen thuộc từ thịt da mi. Cần gì phải mở mắt. Là mi đang ở đó, trước mẹ con ta. Ta biết mà. Thiết Tượng. Là mi…

“Mẹ ơi! Cứu con…”.

Bích Xuân, con gái, con kêu làm gì. Đừng sợ. Là Thiết Tượng đấy mà. Là người bạn hiền lành ngay từ lúc còn bé xíu con đã thích được trèo lên, sờ đầu, sờ mắt, rồi nghịch cười nắc nẻ với cái vòi chốc chốc lại rúc vào người. Là người hộ vệ trung thành đã bao lần chở che con thay mẹ giữa chiến trường, bao lần mang con vượt tên đạn, vượt giáo mác, thoát trùng điệp vòng vây.

Không được sợ. Con quên là trong người con đang chảy dòng máu không hèn yếu, không khiếp nhược của mẹ cha sao? Con quên là con cũng là một nữ binh Tây Sơn sao? “Phàm là nữ binh Tây Sơn ta, già hay trẻ, bậc phu nhân hay thiếu nữ thì cả tài kiếm cung lẫn khí phách đều phải không thẹn với bậc trượng phu”. Lời mẹ dạy, con đã quên mất rồi sao?

Con có thể quên sao? Một mình một kiếm, dì Cúc con đã gục chết trên tay mẹ ngay cổng Nghệ An thành. Cả đêm ròng dì ở lại bên bờ Nhật Lệ cầm chân giặc cho mẹ đưa ngự giá qua sông, đoàn nữ binh dưới quyền không còn một ai để trở về. Con quên được sao? Bàn tay vẫn nắm chặt chuôi kiếm của dì cho đến tận lúc con khóc òa lên mà gọi: “Mẹ Cúc ơi! Mẹ Cúc ơi!”.

Rồi những ngày trong tù ngục, con không nghe sao? Những người chị em, những người bạn sinh tử một thời của mẹ. Dì Dung, dì Lan, cả Bùi Thái hậu, gươm xuyên ngực, đầu lao vào đá, họ thà đem cái chết để thị uy kẻ thù còn hơn chịu tủi nhục, chịu cúi đầu. Cái chết, có gì mà đáng sợ. Con thấy không?

Mẹ sẽ không khóc, Bích Xuân. Thịt cha con còn phơi trước bốn cổng thành kia đó. Máu bà con còn chưa khô trên bậc đá bà đập đầu đó. Đau đớn đâu chỉ mỗi hôm nay. Tang tóc đâu chỉ mỗi gia đình mình. Nước mắt nào khóc đủ cho một vương triều hùng mạnh, một cơ nghiệp huy hoàng trong phút chốc đã đổ sụp tan tành, đã chỉ còn là những mảnh vỡ méo mó thảm hại, cháy rụi dần trong ngọn lửa diệt vong.

Mẹ không khóc đâu, Bích Xuân. Con gái mẹ, đứa con vừa tròn tháng đã tự mình dứt sữa, đứa con tiếng gọi cha gọi mẹ đầu tiên chỉ biết dùng để gọi bà, đứa con chưa lần ốm nào được thấy mẹ ngồi bên giường dù chỉ để đặt lên trán một bàn tay. Mười lăm năm trong cuộc đời mình, có bao giờ con trách mẹ cha vì yêu lí tưởng, yêu bổn phận, trách nhiệm của kẻ làm thần tử mà quên cả yêu con.

Mẹ không khóc. Nhưng trời ơi sao ánh mắt con nhìn mẹ mãi không nhắm lại. Sao con voi ngu ngốc đó không kết thúc nhanh trò chơi lắc ngà cuồng dại. Máu. Máu con văng đẫm ướt hết rồi… Thân thể thiếu nữ chưa kịp đầy của con. Chiếc ngà như một lưỡi dao đỏ xuyên gập người con… Có giọt máu nào lại vừa văng lên má mẹ, Bích Xuân.

Mẹ không khóc. Nhưng cơn đau xé ruột, đứt gan cứ thốc lên, cuộn lên trong mẹ như bão tố. Cơn bão dâng ào ạt, cuộn riết ngay lòng ngực mẹ, phá bùng ngang cổ họng mẹ. Tiếng thét mẹ. Con có nghe không? Hay chỉ có con voi vừa cất chân ra khỏi đống máu thịt lầy nhầy kia là nghe thấy. Hoảng sợ, co vòi, cúp tai, nó quay đầu chạy tế một đường dài.

Con voi ngu ngốc. Thiết Tượng, ta đã cố để nghĩ rằng nó là mi. Nhưng không. Nó vẫn chỉ là Độc Ngà. Là nó đấy thôi. Con voi bao phen khiến ta và mi phải vất vả lùng về. Con voi thừa dũng cảm nhưng chẳng bao giờ đủ khôn ngoan để thành một chiến tượng. Cứ nhìn ánh mắt nó xem. Lại lấm lét, lại sợ sệt như bao lần trót gây ra lỗi.

Con voi ngu ngốc. Sao nó không nhận ra ta sớm hơn. Để lồng lên. Để dùng cái vòi khổng lồ quật tan đám kiến quẩn quanh chân nó. Để cái ngà như dao sắc ấy bứt ta ra khỏi xiềng xích, để ta trở về trên lưng nó. Rồi cùng ta, nó giẫm đạp, nó phá nát. Cùng ta, nó sẽ oanh liệt hiên ngang lần cuối như một chiến tượng thật sự. Như mi, ông tượng lúc quỵ ngã còn lao đầu húc đổ được một góc tường thành.

Đáng thương cho nó. Hãy xem. Bao mũi giáo giờ chĩa đâm vào chân, vào mình nó. Bao chiêng, la, não, bạt giờ dồn thúc điếc tai nó. Bọn lính vừa nổ ngay đuôi nó một quả pháo to. Hoảng loạn, nó rống lên. Nhưng chỉ rống thôi. Rống trong tuyệt vọng, trong sợ hãi. Không tiến thêm một bước nào về phía ta. Con vật đáng thương...

Trên đài kia, dưới tán lọng vàng ta thấy rồi. Nguyễn Ánh. Ngươi đang nhấp nhổm như một tên hề trên chiếc ghế chạm đầu rồng. Con người đáng thương. Trên ngôi cao tối thượng ấy, ngươi có giấc ngủ nào được yên chưa. Trên kiêu hãnh của kẻ chiến thắng, ngươi có thôi nghi kị, thôi hằn thù, thôi cô độc trong ánh mắt ấy chưa. Ánh mắt của đứa trẻ sợ hãi tội nghiệp ngày nào ở đất Long Xuyên làm bước chân truy đuổi của ta chậm lại, làm cánh quân vây bắt của ta rải chệch sang hướng khác. Sai lầm của ta. Sai lầm lớn nhất cuộc đời ta. Ta đã bị đánh lừa bởi một ánh mắt, ta đã không dứt được chút lòng thương cảm đàn bà.

Đến lúc rồi, Thiết Tượng. Đi thôi. Đến đón ta thôi. Ta sẽ đến quỳ dưới chân Tiên vương mà sám hối, mà xin được thứ tha tội lỗi ấy với Người.

Nguyễn Ánh. Ta phải cảm ơn ngươi, kẻ suốt đời cố vượt qua cái bóng của Tiên đế ta như con voi Độc Ngà khát khao được thành Thiết Tượng. Cảm ơn cái chết ngươi đã chọn cho ta. Rất đáng. Ta cần phải trả giá. Cái giá xứng đáng vì đã để chừa một con đường sống cho ngươi.

Nào Thiết Tượng! Đi thôi. Giải phóng cho Độc Ngà đi. Con gái ta đang nắm tay bà đến kia rồi. Cả Quang Diệu nữa. Vẫn oai phong, vẫn tha thiết nhìn ta như dưới đêm trăng rừng đầu tiên ấy. Rồi ai nữa kia, những bóng áo đỏ sau lưng chàng. Là Cúc, Lan, Dung hay cô Nhạn. Là những người chị em ta thân thiết hay những gương mặt gái trai nào ta từng biết, từng quen, từng cùng họ tiến lên dưới một màu cờ. Tất cả họ đã đến đây rồi.

Bệ hạ, thần đi trước Người đây. Dưới chân Tiên đế, thần sẽ đợi Người đến cùng quỳ. Kẻ tội cũ, người lỗi mới. Có hết sức, có tận lòng, có đổ đến giọt máu cuối cùng hay đổ cho mệnh trời thì với Người, chúng ta, những kẻ để cả vương triều tàn lụi trong tay mình, vẫn là những kẻ tội đồ.

Chốc lát nữa thôi. Khi đứng tại nơi này, Người nhớ phải dũng cảm, không được sợ hãi, không được rơi nước mắt trước kẻ thù. Người nhớ không?

Bệ hạ. Voi Độc Ngà cuối cùng cũng lao về phía trước kia rồi. Thần đi nhé. Đến một nơi không thù hận, không chém giết, không chiến tranh. Đến một nơi bình yên, chỉ thấy bóng cờ đào tung bay trên những dải đất mướt màu lúa, màu ngô, tung bay trên những dòng sông yên ả văng vẳng lời hát lời ca của từng bầy con gái, tung bay trên tiếng trống mừng lễ hội đang reo vui cùng màu nắng vàng rót mật lên những ngựa xe, những tấp nập mua bán nói cười.

Nơi thanh bình, yên vui đó, bệ hạ, là nơi chúng ta sẽ bắt đầu lại một vương triều Tây Sơn mới của riêng mình.

Nào Thiết Tượng, giáp sẵn sàng chưa. Vòi cong cao, ngà giương, tiếng rống sẵn sàng chưa?

Ta đi!

 

5.

Con voi một ngà khổng lồ lao về phía nữ tử tội như một mũi tên. Lạ lùng, khi xác người như chiếc lá rơi dài trên đất, không những không dùng chân giẫm nát theo đúng quy tắc hành hình được dạy, nó còn phục ngay xuống dưới chân người chết rống lên từng hồi từng hồi một. Tiếng rống làm người ta sởn gai óc, chảy nước mắt vì thống thiết, bi thương.

Trên đài cao, dưới tán lọng vàng, tân vương quay mặt đi không nhìn xuống dưới.

Có gì đâu. Kẻ nằm đó, ả giặc cỏ nhiều phen làm ta lao đao tổn tướng, hao binh. Ả đàn bà dám ngạo nghễ hạ nhục ta giữa điện rồng, trước bao cặp mắt nhìn.

Đáng. Đáng lắm! Rất đáng! Những kẻ còn rắp tâm phản ta, những kẻ đang ghé mắt vào vương vị của dòng họ ta, vào giang sơn lãnh thổ của ta. Hãy để chúng nhìn thấy, để chúng khiếp đảm. Hãy để chúng biết rằng ta không hề là một quân vương yếu nhược. Quyền lực trong tay ta không hề là thứ để người khác khinh nhờn, để đòi chia sẻ hay lấy đi.

Bùi Thị Xuân. Nếu không phải là ngươi đã nổi tiếng trống hút hết mọi đôi tai, mọi mắt nhìn hướng về ngươi. Nếu trong ngươi không phải chỉ tồn tại một cái tên duy nhất: Nguyễn Huệ, thì có lẽ kết cục hôm nay ta dành cho ngươi đã khác.

Sấm lại rền. Có mưa không? Bùi Thị Xuân. Ta vẫn nhớ đấy, cơn mưa giữa Long Xuyên, năm ta mười lăm tuổi. Ta đã thấy ngươi xua quân rẽ vào con đường núi ngay cạnh bụi cây rõ ràng biết ta đang run rẩy ẩn mình.

Chớp vừa giật, Bùi Thị Xuân. Rồi ngươi sẽ thấy. Triều đại ta xây nên này, sẽ không như các ngươi, nhất định nó sẽ vĩnh quyết, trường tồn.

Ầm.

Một tiếng sấm lớn nổ ngay trên đầu dãy lọng nối dài. Gió thốc lên, xô nghiêng tán lọng vàng to nhất. Trời đen kịt. Không còn lỗ thủng nào để nắng quái tuôn xuống nữa. Đất cũng nhập vào trời. Mờ mịt. Tối sầm. Rồi rất nhanh, mưa xuống. Mưa nhanh như tiếng khóc bật ra, không tức tưởi, mà ào ạt, ồ ồ. Mưa văng ướt lem nhem mắt rồng trên áo ngự bào. Mưa rửa trôi bụi đất lấm lem trên mắt, trên môi, trên nụ cười vẫn he hé bên khóe miệng của người nằm dưới pháp trường. Khuôn mặt người chết vụt sáng lên, ngời lên một cách lạ lùng giữa màn mưa.

Nhâm Tuất. Tháng mười một. Ngày giữa đông.

Người ta nói đó là cơn mưa mở đầu cho những ngày mưa dai dẳng, trải lê thê không chỉ nẻo kinh kì

 

N.T.K.H