Thứ Năm, 26/12/2019 09:40

Một tấm lòng với Bác

Tháng Năm/ Việt Nam/ Hương sen/ đong đưa/ Vàng tơ nắng mật/ Sinh nhật Bác/ Tám mươi tuổi tròn… Trường ca Bác Hồ và người chiến sĩ của nhà thơ, họa sĩ, NSND Lê Huy Quang được mở đầu bằng những câu thơ viết về sinh nhật Bác

(Đọc trường ca Bác Hồ và người chiến sĩ của Lê Huy Quang, Nxb Quân đội nhân dân, 2016)

,XUÂN HÙNG

Tháng Năm/ Việt Nam/ Hương sen/ đong đưa/ Vàng tơ nắng mật/ Sinh nhật Bác/ Tám mươi tuổi tròn… Trường ca Bác Hồ và người chiến sĩ của nhà thơ, họa sĩ, NSND Lê Huy Quang được mở đầu bằng những câu thơ viết về sinh nhật Bác chất chứa ưu tư như thế. Sinh nhật tuổi tám mươi là sinh nhật đầu tiên Bác đã về với “thế giới người hiền”, để lại một khoảng trống mênh mang không gì bù đắp nổi trong lòng nhân dân cả nước. Từ cái tứ độc đáo ấy, Lê Huy Quang đã “trải niềm đau trên trang giấy mong manh”, khóc Bác bằng “dòng - thơ - non” trong hành trình cảm xúc của mình: Tôi/ khóc Người/ dòng - thơ - non. Đó là dòng thơ như ông khiêm tốn tự nhận là của Triệu con người/ chưa bao giờ làm thơ/ Hôm nay/ các màu da/ hòa thơ nước mắt/ khóc Người.

Từ tiếng khóc ấy, Lê Huy Quang hồi cố, ngược trở về làng Sen xứ Nghệ, nơi sinh thành người con vĩ đại của dân tộc. Làng Sen quê Bác hiện lên với những khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu: Đất cằn khô/ bốn mùa mưa lũ/ bạc nước sông Lam/ Rùng rùng gió bão; và vẻ bình dị, lam lũ: Sen ơi/ Sen trắng cò bay/ đỏ bào thai mẹ/ Ao quê/ nhàn nhạt/ nước đục/ tre quê…/ Sông Lam chết mía/ đen bãi lạc bồi/ đò ai xuôi ngược ai ơi… Làng Sen cũng như bao làng quê khác trên dải đất hình chữ S lúc này đang oằn mình dưới gót giày của quân xâm lược: Gió Lào/ từng cơn/ đời nô lệ/ Xé tim gan. Cái đói, cái nghèo hiện diện khắp nơi: Dân làng ta chịu thương chịu khó/ Sao người làng ta nghèo cực quá! Rau cháo/ qua ngày/ cầu thực/ tha phương/ vùi xác nơi xa. Và cũng chính trong lầm than đói khổ ấy, sự xuất hiện của cậu bé Nguyễn Sinh Cung như một điềm báo về sự thay đổi trong tương lai của dân tộc: Đêm hè/ trời im sao câm mệt mỏi/ một tiếng khóc/ rung xé không gian/ vòi vọi/ Vách đất nhà tranh/ Tiếng khóc vào đời/ bé Nguyễn Sinh Cung. Vẫn tiếp tục theo dòng cảm hứng hồi cố, Lê Huy Quang đã tái hiện quãng đời từ thuở ấu thơ của Bác đến lúc trở thành lãnh tụ dân tộc: Tiếng khóc ấy/ Hai mươi mốt năm sau/ trở thành tiếng nói của một thanh niên/ Hầm tàu Sài Gòn/ đi tìm chân lí / Ai biết/ Ba mươi năm sau/ Thành tiếng nói Việt Nam/ Vang giữa Pa-ri/ Ai biết/ Năm một nghìn chín trăm hai mươi tư/ thành tiếng khóc Lê-nin/ Và năm nhăm năm sau/ Chủ tịch Hồ Chí Minh/ mở/ Việt Nam dân chủ cộng hòa…

Sau dòng hồi cố về quãng đời hoạt động cách mạng của Bác, Lê Huy Quang hướng dòng cảm xúc về với thực tại xót xa khi Bác mất. Nhà thơ khóc Bác bằng những vần thơ chân thực, xúc động: Buổi sáng mất Bác Hồ/ tôi gội mưa/ dọc đê sông Hồng/ dòng dòng nước mắt… Viết về niềm đau lớn của dân tộc, nhiều nhà thơ đã dùng các trạng huống của nước như lệ, mưa:

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa

(Tố Hữu - Bác ơi)

Nỗi đau vô tận thời gian

Nhớ thương nhưng chớ lệ tràn

đẫm mi

(Thu Bồn - Gửi lòng con đến cùng Cha)

Lê Huy Quang cũng sử dụng những hình ảnh ấy:

- Đất/ Trời/ rung/ khóc Người dữ dội/ Một tuần mưa…/ Một tuần mưa/ Một tuần mưa…

- Hồ Chí Minh/ trong tiếng khóc hôm nay/ có năm châu/ hòa nước mắt/ vĩnh biệt Người.

Không dừng lại ở đó, ông còn dùng hình ảnh máu - một trạng huống khác của nước - để lột tả nỗi đau vô hạn của dân tộc: Cả nước khóc Người/ mang cây lá kết màu xanh/ tất cả bốn mùa hoa/ dịu ngọt thơm lành/ dâng quanh Bác/ trong niềm đau bật máu…

Máu thuộc âm, khi gặp khí dương (hiển lộ dưới ánh mặt trời) là điềm báo của sự bất tường, của đau đớn, bất hạnh. Máu màu đỏ thuộc hỏa tượng trưng cho sự can trường, dũng mãnh. Vậy nên, ngoài việc phản ánh nỗi đau khôn nguôi khi Bác mất, máu còn là một ẩn dụ về sức sống mãnh liệt của tinh thần, đạo đức, sự nghiệp Hồ Chí Minh trong lòng dân tộc. Có thể nói, với hình ảnh máu, Lê Huy Quang đã tạo được điểm nhấn cho riêng mình trong dòng thơ viết về Bác.

Viễn Phương khi ra Hà Nội Viếng lăng Bác đã từng nghe nhói ở trong tim, còn Lê Huy Quang thì nghe tim mình nhức nhối: Gió truyền đưa tin/ Mọi vật nghiêng mình/ Mỗi người gặp nhau/ không nói - ghìm mắt lại/ nghe tim mình nhức nhối. Giữa cái nhói đau của Viễn Phương và cái nhức nhối của Lê Huy Quang là khoảng cách dài về tâm trạng, cảm xúc. Nhói thiên về lặng lẽ, nhức nhối hướng đến cái dữ dội. Nhói gợi lên cảm giác sắc lạnh, tê buốt. Nhức nhối gợi cảm giác bùng nổ, mạnh mẽ. Cùng diễn tả một nỗi đau đớn trước sự ra đi của Bác, hai nhà thơ kẻ Bắc người Nam, giữa khoảng thời gian mấy thập kỉ, đã có những khác biệt trong tâm trạng, bút pháp thể hiện.

Khép lại bản trường ca, Lê Huy Quang “nhắc lại” bằng thơ một chân lí giản dị: Hồ Chí Minh - Người sống mãi trong lòng dân tộc: Hồ Chí Minh/ Người ở lại/ trong ca dao/ cuộc đời/ dòng sông/ cây rừng/ ngọn núi… / trong thơ Việt Nam/ và nhân loại…

Bác Hồ và người chiến sĩ là tập trường ca có dung lượng vừa phải nhưng đã phản ánh trọn vẹn tình cảm kính yêu lãnh tụ Hồ Chí Minh của Lê Huy Quang. Tập trường ca vừa là lời nhà thơ khóc Bác vừa là lời ngợi ca lịch sử hào hùng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Với Bác Hồ và người chiến sĩ, nhà thơ, họa sĩ, NSND Lê Huy Quang đã bổ sung và làm phong phú thêm cho kho tàng các tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại

X.H