Thứ Năm, 16/01/2020 11:48

Một ngày vui chơi ở Vienna: Văn học Áo đã tìm thấy nụ cười

“Mặc dù nhìn bên ngoài, Vienna một dáng vẻ thủ cựu, cũ kĩ của một thành phố già nhưng rõ ràng, nơi đây đã đem tới một sân chơi cực kì tuyệt vời với một truyền thống của những hình thức văn chương – nghệ thuật thể nghiệm cùng những phát kiến tiên phong, mới mẻ, độc đáo”.

“Mặc dù nhìn bên ngoài, Vienna một dáng vẻ thủ cựu, cũ kĩ của một thành phố già nhưng rõ ràng, nơi đây đã đem tới một sân chơi cực kì tuyệt vời với một truyền thống của những hình thức văn chương – nghệ thuật thể nghiệm cùng những phát kiến tiên phong, mới mẻ, độc đáo”.

Tại Bảo tàng Văn học mới được xây dựng trên đường Johannesgasses quận 1 thành phố Vienna, có một bức tưởng dày đặc những dòng chữ “Kafkaeque” (trường phái Kafka) được viết bằng đủ mọi ngôn ngữ khác nhau. Mặc dù sinh ra là người Séc nhưng phần lớn thời gian cuộc đời của Kafka dành để trú ngụ tại Vienna, và thành phố thực sự coi ông như là một đứa con trong gia đình.
Đứng cạnh bức tường của Kafka, Hannes Scheweiger, một trong số những người sáng lập và phụ trách bảo tàng, bắt đầu ngân nga một bài thơ của Ernst Jandl [1], nhà thơ, dịch giả nổi tiếng người Áo trong trào lưu “thơ nói”. Nhờ nhạc tính vui tươi vốn có của bài thơ cùng với sự trình diễn nhiệt tình của Scheweiger mà những âm tiết của thứ ngôn ngữ Đức xa lạ đã vượt ra khỏi giới hạn nghe – hiểu thông thường, chạm tới mọi thính giác, làm cho cơ mặt của những du học sinh người Mỹ đang đóng vai khán giả kia được giãn ra và kèm trên môi những nụ cười. Scheweiger cập nhật cho chúng tôi rằng, đang có một phong trào cổ vũ cho việc biến “jandling” (lấy từ tên của Ernst Jandl) trở thành một động từ có tính chất biểu tượng cho một hình thức chơi chữ thể nghiệm, cho dù tất nhiên nó chưa thể đạt được hiệu ứng như những tính từ mang tên Kafka. Nhóm chúng tôi tiếp tục kéo nhau tới một rạp chiếu phim nhỏ, nơi chúng tôi được xem thước phim cũ ghi lại cảnh Jandl đang jandling trước hàng nghìn khán giả tại hội trường nhà hát Royal Albert Hall, cùng với sự hiện diện của Allen Ginsberg [2] đáng kính.

Hình ảnh nhà thơ Ernst Jandl (ngoài cùng bên trái) cùng những người bạn thuộc thế hệ Beats trên sân khấu của hội trường Royal Albert năm 1965.

Bảo tàng Văn học kể từ khi thành lập ở Vienna và liên kết với Thư viện Quốc gia vào năm 2015 tới nay đã làm công việc của một người chép sử cho đời sống văn học dân tộc, là nơi mà sự hiện diện của gã khổng lồ Thomas Berhanrd [3] hay nữ nhà văn của giải Nobel văn học Elfride Jelinek [4] có thể đem ra phân tích trong cùng ngữ cảnh với các tiền nhân như Stefan Zweig [5] hay Ingeborg Bachmann[6].

Một trong số những nỗ lực đáng ghi nhận của bảo tàng là luôn có ý thức trình diện nền văn học Áo trên bản chất đa diện của nó, như việc cho phép chủ nghĩa phi lý của Kafka và trò chơi ngôn ngữ trong thơ của Jandl thách thức những hiện thực của lịch sử; hay việc dành ra một không gian riêng để nhắc nhớ về bộ phận những nhà văn người Áo bị sát hại trong những Holocaust [7] cũng như những người may mắn sống sót sau khi chịu đựng đủ bạo lực. Một bức điện tín ám ảnh của Hannah Arendt, được gửi từ thành phố New York vào ngày 23 tháng 5 năm 1941, với chỉ một dòng, Chúng tôi đã được cứu. Một màn hình được thiết kế như màn hình ghi lịch tàu chạy, lạnh lùng liệt kê danh sách tên của các nhà văn bên cạnh tên của các trại tập trung nơi họ trút hơi thở cuối cùng.

Một góc trong Bảo tàng Văn học tại Vienna.

Phải đặt vào bối cảnh của lịch sử, người ta mới bắt đầu có thể lờ mờ hiểu tại sao Bernhard trong cuốn tiểu thuyết Đốn hạ của mình đã viết: “Tôi căm hận Vienna nhưng tôi cũng không thể không yêu thương nó.” Đây là thành phố từng chứng kiến sự hiện diện của cả Hitle, Trosky, Tito và Stalin trong cùng một thời điểm – năm 1913 – nhâm nhi café đầy tao nhã nhưng với một cái đầu rặt đầy những ý tưởng đen tối mà sẽ làm méo mó cả nhân loại trong vài năm ngắn ngủi sau đó; đây cũng là nơi phôi thai và ra đời hai cuộc chiến tranh thế giới kéo theo vô vàn đổ vỡ, nhưng cũng chính tại thành phố đẩy thương tổn này, Sigmund Freud sẽ sinh thành lý thuyết hiện đại về phân tâm học từ căn nhà ở quận 9, nơi mà sau này rồi cũng sẽ trở thành một bảo tàng.

Văn học Áo của thế kỉ 20 gắn chặt với phần quá khứ tổn thương của dân tộc, từ sự bền bỉ của Bernhard khi nỗ lực tố cáo Haus Wolfsegg - kẻ đóng thế cho chính quyền Áo bấy giờ - trong kiệt tác Diệt vong cho đến hình tượng nhân vật bà mẹ Phát-xít độc đoán trong tiểu thuyết của Jelinek Cô gái chơi dương cầm cùng những khía cạnh của bạo lực ngôn từ bắt đầu xuất hiện trong văn xuôi. Ngay cả những âm tiết tưởng chừng vô nghĩa đến ngu ngốc trong những bài thơ âm thanh của Jandl cũng thấm đẫm mùi của chiến tranh, như tiếng “schtzngrmm” trong một bài thơ rất nổi tiếng, trên thực tế chính là sự mô phỏng âm thanh phát ra từ các loại vũ khí. Một nhóm những nhà thơ, nhà văn thuộc trường phái thể nghiệm, trong đó có Randl, đã tụ tập lại sau Thế chiến thứ II với sứ mệnh đi tìm và bảo tồn phương ngữ của Áo, đưa nó thoát ra khỏi những ảnh hưởng từ tiếng Đức đồng thời thúc đẩy các hình thức tự do biểu đạt như một phương cách để chống lại chủ nghĩa toàn trị đang diễn ra. Sáng tác của những tác giả này nhất định phải được đọc trong tương quan với những lí thuyết của Freud cùng những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ phản đối bạo lực và chiến tranh trên khắp đất nước.

Tác phẩm của Thomas Bernhard.

“Nằm sâu dưới bề mặt của thành phố là lớp diện mạo vi tế dung chứa một quang cảnh văn học sống động, nhộn nhịp được xây dựng bởi nhà văn hay những tastemaker, chuyên gia thị hiếu – những người tường tận về quá khứ nhưng từ chối đặt để quá khứ trên vai như một gánh nặng”.

Nhưng bước sang thế kỉ 21, nhà văn và những tín đồ văn chương của Vienna đã trình diện một khuôn mặt hoàn toàn khác biệt cho thành phố này. Nằm sâu dưới bề mặt của thành phố là lớp diện mạo vi tế dung chứa một quang cảnh văn học sống động, nhộn nhịp được xây dựng bởi nhà văn hay những tastemaker, chuyên gia thị hiếu – những người tường tận về quá khứ nhưng từ chối đặt để quá khứ trên vai như một gánh nặng, những kẻ hàng ngày tự vật vã với hàng mớ chất vấn về chính trị nhưng lại hoàn toàn tự do sáng tạo nghệ thuật vị nghệ thuật.

Trong một tối giữa hè, hàng nghìn người đã tụ tại sân trung tâm của khu MuseumsQuartier, quần thể văn hóa – nghệ thuật phức hợp được xây dựng trên chính lãnh địa mà vương triều Habsburg huyền thoại từng ngự trị. Họ có mặt để tham dự festival O-Töne, một ngày hội văn học được tổ chức vào tối thứ Năm hàng tuần mà “đọc” chính là hình thức trình diễn chủ đạo. Trên thực tế, những người tham gia thường đi lại, hút thuốc, uống rượu và hưởng thụ một bầu không khí hội hè tươi vui hơn là quan tâm tới vị nhà văn, nhà thơ nào đó đang có vẻ chăm chú biểu diễn phần đọc của mình trên sân khấu lớn tràn ngập ánh sáng, sắc màu kia. Những tác giả lĩnh phần mở màn cho bữa tiệc thường gặp khó khăn trong việc thu hút sự chú ý của đám đông đang mải hội hè. Khi nữ nhà văn trẻ tuổi Marie Gamillscheg [8] bước lên sân khấu bắt đầu phần đọc của mình thì đúng lúc micro của cô gặp trục trặc – khán giả ở dưới xì xào, rì rầm, vài người toan bỏ đi. Nhưng ngay sau đó, khi cây viết gạo cội Robert Seethaler [9] tiến ra từ cánh gà, đám đông lập tức im ắng và chăm chú. Lúc này, micro bất ngờ được tăng lên vài bậc âm lượng như một phép màu (có đôi chút không công bằng) và giọng đọc của Seethaler thì được cài đặt thêm hiệu ứng vang vọng lan xuống khán thính giả đầy chuyên nghiệp. Seethaler được đề cử cho Giải thưởng quốc tế Man Booker vào năm 2016 cho cuốn tiểu thuyết A Whole Life, còn anh chọn trình diễn đọc tác phẩm mới nhất của mình chưa từng được dịch sang tiếng Anh - tiểu thuyết Das Feld (The field).

Hình ảnh của lễ hội văn học O-Töne thu hút hàng trăm người đến quảng trường trung tâm của MuseumsQuartier.

Mặc dù việc tổ chức một sự kiện văn học giữa một không gian mở ở ngoài trời gặp phải rất nhiều khó khăn và những cảnh huống khó lường, ví dụ như giữa lúc đọc thơ, tự nhiên xuất hiện một chú chó lơ ngơ hay tụi thanh thiếu niên trượt ván chạy ngang qua, nhưng phải thừa nhận rằng đây vẫn là những tín hiệu dân chủ đáng mừng của thành phố khi dám đặt những nhà văn, nhà thơ ngay giữa trung tâm sân khấu của một bữa tiệc và không ngần ngại mời gọi những người tham dự cùng tắm táp trong một thế giới ngôn từ đẹp đẽ, cho dù chỉ là trong ít phút ngắn ngủi.

Tạm rời khỏi những ồn áo, náo nhiệt của lễ hội, chúng tôi lang thang qua khu vườn ngăn cách bảo tàng Kunsthistorisches nguy nga với người anh em song sinh của nó - bảo tàng Naturhistorisches, rồi tiếp tục băng qua Thư viện Quốc gia tráng lệ, men theo con hẻm nhỏ lát đá phiến tại quận 1. Ở đó là nơi nhà thờ Thánh Stephen cổ kính đổ bóng xuống những tiệm café thân quen của giới văn nghệ sĩ từng trú ngụ tại Vienna – những người mà theo nhà văn Judith Nika Pfeifer [10] miêu tả, vẫn luôn coi hình thức café, quán xá như là một dạng “không gian thứ ba” nơi họ có thể làm việc, ăn uống, giao tiếp, hội hè. Về văn hóa café, nhà văn người Áo mang dòng máu Do Thái Doron Ranbinovici [11] từng viết: “Tất cả mọi người đều có những quán café cho riêng mình. Và thường thì mỗi người sẽ có ba lựa chọn: một nơi cho phép anh được lộ diện gương mặt thật của mình, một nơi y có thể đến và đi bất cứ lúc nào mà không một ai dòm ngó, và một nơi anh ta không bao giờ, không bao giờ muốn đặt chân vào.”

Một trong số những nơi chốn thường xuyên được lui tới của “giới” café là quán Café Korb – địa điểm ưa thích của Elfriede Jelinek. Trong một buổi chiều mưa gió tại Vienna, cùng với Pfeifer, tất cả mọi người ngồi lại xunh quanh chiếc bàn lớn được phủ nhung đỏ. Mưa như trút nước bên trên những chiếc ô của quán, còn bên trong, không khí có bề trầm lắng và một cảm giác hoài niệm văn chương len lỏi rồi vây bủa lấy từng hơi thở. “Chúng ta đang được đắm chìm trong mọi cung bậc cảm xúc,” - phát biểu của Pfeifer – gương mặt nhà thơ, nhà tiểu thuyết sáng giá của thế hệ, người luôn giữ niềm tin mạnh mẽ vào đời sống văn học của thành phố quê hương. “Mặc dù nhìn bên ngoài, Vienna một dáng vẻ thủ cựu, cũ kĩ của một thành phố già nhưng rõ ràng, nơi đây đã đem tới một sân chơi cực kì tuyệt vời với một truyền thống của những hình thức văn chương – nghệ thuật thể nghiệm cùng những phát kiến tiên phong, mới mẻ, độc đáo. Tất nhiên, ở đó vẫn sẽ có những tác phẩm văn học vừa vặn, hợp thị hiếu. Nhưng chính sự đa dạng đó đã khiến quang cảnh của thành phố này thực sự xinh đẹp và trù phú. Tôi thật sự biết ơn tới tất cả những người chọn ôm lấy mộng văn chương đã và đang kiến tạo nên những điều đẹp đẽ này.”

“Mặc dù nhìn bên ngoài, Vienna một dáng vẻ thủ cựu, cũ kĩ của một thành phố già nhưng rõ ràng, nơi đây đã đem tới một sân chơi cực kì tuyệt vời với một truyền thống của những hình thức văn chương – nghệ thuật thể nghiệm cùng những phát kiến tiên phong, mới mẻ, độc đáo.”

Một không gian văn hóa – nghệ thuật khác cũng thường xuyên được ghé thăm, đó là quán Café Engländer. Quán nằm một góc ngay gần Alte Schmiede - địa điểm tổ chức hơn 150 sự kiện và những buổi trình diễn đọc mỗi năm - một nơi chốn lí tưởng dành cho những người sáng tác, làm nghề biên tập hay bất cứ ai có đam mê với văn chương. Bây giờ là một ngày thứ Hai của tháng Bảy, và mặc dù cơ số cư dân nước Áo đang trong kì nghỉ đã đưa nhau đi trốn về với những miền quê, đời sống văn học tại Vienna vẫn tiếp tục hoạt động nhộn nhịp. Ngồi xung quanh bàn có Florian Neuner, nhà văn thể nghiệm chịu trách nhiệm xuất bản cuốn tạp trí thường niên Idiome, sẽ tham gia phần đọc tối nay; gần đó là Peter Pessl, người cũng sẽ đọc; và sự xuất hiện của Annalena Stabauer – người phụ trách giới thiệu và thực hiện phỏng vấn với các tác giả cho Alte Schemiede; và cuối cùng là Ilse Kilic và Fritz Widhalm, những người đang chạy một tạp chí văn học có tên Das fröhliche Wohnzimmer (tạm dịch: Phòng khách vui vẻ). Chúng tôi đều là khách của Daniel Terkl, người điều phối các sự kiện văn học của Alte Schmiede.

So với quy mô lớn của O-Töne, các buổi đọc tại Alte Schemiede riêng tư và ấm cúng hơn. Cái tên Alte Schemiede – lò rèn cũ – xuất phát từ lí do địa chỉ này trước kia từng là một cửa hàng rèn. Không gian tổ chức sự kiện được trang trí bởi rất nhiều những chi tiết thuộc về một lò rèn, như búa, đe cùng hàng ngàn chiếc đinh,… gợi cảm giác mạnh về không khí của những ngục tối hay những căn phòng tra tấn cổ xưa.

Hình ảnh một sự kiện văn học tại Alte Schemiede.

Cách đón tiếp mọi người tại Alte Schemiede thực sự dễ chịu. Tất cả những người ghé thăm đều được chào đón bằng cái bắt tay thân mật và một cử chỉ gật đầu nhẹ thay cho lời chào. Stabauer đứng trên bục và thực hiện phần giới thiệu ngắn gọn về Neuner [12], người sẽ chuẩn bị đọc cuốn sách thứ ba của anh, Drei Tote (Ba cái chết): “Một cuộc chiến chống lại bệnh tật, thành phố của Essen, những đói nghèo khốn khổ trực chờ ở tuổi già. Chống lại rượu. Chống lại sự lãng quên.” Tiếp đó là phần đọc của Peter Pessl [13] bên cạnh hình chiếu của một cô chuột khổng lồ - minh họa của Peter cho tựa sách của mình về cô chuột Mamamaus: Mamamaus Mandzukic: Cổ tích từ một thời thương đau. Ngôn ngữ anh sử dụng đầy nhạc tính làm người nghe không thể không liên tưởng tới kiểu của jandling. Hình ảnh của Mamamaus kết hợp với các hiệu ứng chuyển cảnh từ Palmyra sang Ravensbrück tới những khu ổ chuột thuộc La Mã. Một câu chuyện hồ như tươi vui, du dương nhưng bỗng trở nên đầy nội lực, nó mạnh mẽ và quả quyết đay lại âm hưởng từ những cuộc chiến và bạo loạn qua chính những thay đổi từ giọng điệu. Khán thỉnh giả nhiệt tình vỗ tay hưởng ứng. Chúng tôi di chuyển tới thư viện của Alte Schemiede để trò chuyện và mua thêm sách.

Sau khi sự kiện kết thúc, chúng tôi dùng bữa với nhau tại Café Engländer rồi theo chân Terkl trở lại với Alte Schemiede cho một tour riêng tư hơn. Terkl hào hứng đi lại giữa những công cụ bài trí trong phòng, bật điện, nhấc một chiếc búa như vị thần sấm sét Thor, chỉ có điều ở phiên bản mọt sách. Anh kể cho chúng tôi nghe về Alte Schemiede. Hàng tuần, “lò rèn cũ” tiếp đón trung bình bốn đến năm mươi khách cho mỗi sự kiện và một tuần thì có thể tổ chức được từ ba đến bốn buổi. Đây là một con số ấn tượng không dễ có được bởi sự cạnh tranh từ những chương trình văn hóa – nghệ thuật khác cũng hấp dẫn không kém trong thành phố. Trên lầu của Alte Schemiede là một không gian làm việc mở có trưng bày và giới thiệu những tạp chí văn học viết bằng tiếng Đức mới nhất. Terkl đặc biệt chỉ cho chúng tôi xem manuskipte - một trong số những tạp chí đang được đánh giá cao nhất tại Áo đặt trụ sở ở Graz, hiện được biên tập bởi nhà thơ Andreas Unterwerger. Người ta vẫn hay kháo nhau rằng, những con người của thành phố Vienna rất “kiệm cười”, nhưng Terkl là một ngoại lệ, nhìn vào cách anh thích thú đầy hứng khởi với công việc mình làm, người ta cứ ngỡ anh đang đi nhận một giải thưởng văn học thực thụ.

Alte Schemiede vận hành dựa vào nguồn tài trợ chủ yếu đến quỹ văn hóa của thành phố, chứng tỏ rằng Áo xưa nay vẫn luôn là quốc gia có truyền thống dày dặn trong việc quan tâm, hỗ trợ cho các hoạt động vì nghệ thuật. Bộ phận Văn hóa Nghệ thuật thuộc Văn phòng Thủ tướng Liên bang Áo cung cấp các khoản trợ cấp theo quy định cho các cá nhân nhà văn thông qua một tiến trình đơn từ có tính pháp lý. Ngoài ra, rất nhiều những nhà xuất bản trong nước cũng được hỗ trợ hoạt động bằng nguồn ngân sách công. Điều này phản ánh một thực tế, Chính phủ Áo chú trọng đầu tư vào quá trình sản xuất những cuốn sách chất lượng như là một dịch vụ công cần thiết cho sự phát triển của xã hội.

“Ở đây, những người sáng tác cảm thấy hạnh phúc khi bán được ba, bốn trăm cuốn sách. Và nếu như con số là mười nghìn, thì đó chính là best-seller,” Terkl chia sẻ.

So với chế độ đãi ngộ thân thiện với nhà văn tại Áo, Mỹ vận hành một mô hình tư bản siêu cường, điển hình có thể nhìn thấy thông qua cơ chế hoạt động của cây đại thụ ngành xuất bản “Big Four” đặt trụ sợ tại New York. Tại đây, những cuốn sách tồn tại với tư cách như những hàng hóa được sản xuất hàng loạt mà giá trị của chúng được đo lường bằng phép toán lợi nhuận mà chúng mang lại; còn nhà văn, nhà thơ, những người làm công việc sáng tác bị buộc trở thành những nhân Vienna ngành sale khi sách của họ được xuất bản và nhiệm vụ của họ là liên tục rao bán sách của mình trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội như thể cả nguồn sống của họ đặt cả vào đây. Phải cần thêm một chút khéo léo khi biên tập mới có thể đem lại hiệu ứng tốt phía độc giả, những nhà văn Mỹ dần rơi vào tình cảnh “sống chết” thế nào phụ thuộc rất nhiều vào những màn trình diễn sale sách của họ.

“Người dân Vienna mặc dù thích nghi rất sớm với bối cảnh toàn cầu hóa, nhạc pop Anh-Mỹ chưa bao giờ ngừng xập xình trong thành phố, nhưng văn học có vẻ như vẫn duy trì sự thuần túy và chịu rất những ảnh hưởng từ bên ngoài, hoặc nếu có thì cũng chỉ là những tác động có tính chất nhất thời.”

Người dân Vienna mặc dù thích nghi từ rất sớm với bối cảnh toàn cầu hóa, nhạc pop Anh-Mỹ chưa bao giờ ngừng xập xình trong thành phố, nhưng văn học có vẻ như vẫn duy trì sự thuần túy và chịu rất những ảnh hưởng từ bên ngoài, hoặc nếu có thì cũng chỉ là những tác động có tính chất nhất thời. Khi được đặt câu hỏi rằng người Vienna đang đọc tác giả Mỹ nào, hai người đã đề cập Beats (một trường phái thơ Vienna lấy nguyên mẫu từ một trường phái thơ tự do do Jaack Kerouac cùng những người bạn sáng lập tại Boulder, Colorado), sau đó họ tiếp tục kể chuyện rằng năm nay, Vienna đã tổ chức được một hội thảo khoa học xoay quanh vấn đề nghiên cứu về Beat tại châu Âu với tên gọi: Beats và Chính trị: Quá khứ và Hiện tại. Và có một sự thực mà khi chúng tôi nhắc đến, ai cũng sẽ phải tròn mắt kinh ngạc, đó là những nhà văn người Áo chưa bao giờ thực sự đọc tờ Paris Review hay New Yorker.

Nhưng tại sao lại như vậy? Thực tế, tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ của họ và có vô vàn những tạp chí văn học viết bằng tiếng Đức để đọc và nghiên cứu và rất nhiều những tạp chí văn học được đặt trụ sở tại Vienna như Der Hammer (tạp chí do Alte Schmiede xuất bản), Wespennest, Zeitzoo, Literarisches sterreich, Podium, Flugschrift và Idiome. Thay vì trông sang nhìn New York để được truyền cảm hứng, những tác giả người Vienna thường tìm đến người chị em đáo để sống ở phía Bắc – Berlin, đây cũng là thành phố mà không biết bao nhiêu nhà văn Áo đã bị trục xuất. Thị trường Đức rộng gấp 10 lần tại Áo, và hầu hết những cây viết nổi tiếng của Áo đều giữ mối quan hệ thân mật, khăng khít với những nhà xuất bản của Đức, như trường hợp của Thomas Bernhard với Suhrkamp/Piper hay Elfriede Jelinek với Rowohlt.

Mặc dù đời sống văn học của Vienna xưa nay luôn được xem là có phần đơn điệu, tẻ nhạt hơn nhiều so với Berlin, nhưng không ai có thể phủ nhận được một luồng gió mới đã trỗi dậy đầy sức sống tại Vienna trong thời gian gần đây. Ngay cả những định nghĩa thế nào là một nhà văn người Áo cũng đã thay đổi kể từ khi người ta nhận ra có thể tồn tại cả trăm nghìn những thanh âm khác nhau cùng cất lên mà tất cả đều chứa hồn dân tộc. Maja Haderlap, nhà văn, nhà thơ người Áo nói cả hai thứ tiếng Đức và Sloven, đã thắng giải Ingeborg Bachmann trong năm 2011 với cuốn tiểu thuyết Engel des Vergessens (tạm dịch Thiên thần của sự quên lãng), một bản tường trình về cuộc kháng chiến chống lại phát xít Đức của quân đội Áo. Ilija Trojanow, nhà văn, dịch giả và nhà xuất bản người Đức gốc Bulgaria, sau khi rời Đức vì tị nạn chính trị, giờ coi Vienna là nhà. PEN, Trung tâm Văn bút Vienna thường xuyên xuất bản tác phẩm của những tác giả gốc Áo khác nhau viết bằng ngôn ngữ bản địa của họ bên cạnh những bản dịch tiếng Đức trong ấn phẩm online words&worlds.

“Ngay cả những định nghĩa thế nào là một nhà văn người Áo cũng đã thay đổi kể từ khi người ta nhận ra có thể tồn tại cả trăm nghìn những thanh âm khác nhau cùng cất lên mà tất cả đều chứa lấy hồn dân tộc.”

Tuy nhiên, quá khứ chưa bao giờ hoàn toàn là quá khứ, và mặc dù đã bước sang một thế kỷ mới, các nhà văn Áo trong sáng tác của mình vẫn luôn nhận thức sâu sắc về các mối đe dọa ngày càng gia tăng đến từ phe cực hữu trên khắp dải đất châu Âu và ngay trên chính quê hương mình: cánh hữu, dưới lớp áo của Đảng Tự do Áo đã tạo ra một chính phủ liên minh với phe trung hữu là Đảng Nhân dân Áo vào năm 2017. Anh chàng Daniel Terkl của Alte Schmiede nói: “Nhiều nhà văn đang viết về cái gọi là khủng hoảng di cư. Số khác quyết định vào cuộc với chính trị một lần nữa. Sự lớn mạnh của cánh hữu trong thời điểm hiện tại đã huy động sự tham dự và gia tăng ý thức chính trị nơi các nhà văn.”

Bernhard thường bị chính những người đồng hương Áo của mình chế giễu vì là một Nestbeschmutzer, kẻ vạch áo cho người xem lưng, ông đã dõng dạc nói lên sự thực trước những kẻ nắm quyền bằng chính những tác phẩm văn học phê phán cái lề thói tỉnh lẻ và giấc mộng phát xít ngấm ngầm của người Áo. Những người chúng tôi gặp ở Vienna đều nói rằng người Áo chưa bao giờ thực sự thừa nhận một sự thực lịch sử là đất nước của họ đã bắt tay với Hiler và chế độ phát-xít, nói theo cách của Reitzer, thì đây chính xác là “một sân chơi dành cho cánh hữu”. Họ cũng đưa ra những nhận định về một chủ nghĩa phát xít luôn ẩn tàng và âm ỉ cháy trong lòng nước Áo suốt chiều dài của lịch sử.

Chính trong những bối cảnh càng nhập nhằng về chính trị, văn học Vienna càng có dịp để bộc lộ những gì là cứng cỏi và mạnh mẽ nhất của mình. Văn chương lúc này cung cấp những tự sự của lề trái cần thiết để thách thức lại những chiến lược thao túng của truyền thông hay những fake news, là một cách để gia tăng nhận thức chính trị nơi người dân nhưng không theo kiểu vuốt ve, xoa dịu như trong lời nói của các chính trị gia hay những tin tức trên truyền hình.

Ray Bradbury [14] có một câu nói nổi tiếng: “Bạn không cần phải đốt sách thì mới thủ tiêu được một nền văn hóa; bạn chỉ đơn giản bắt mọi người ngừng đọc chúng.” Những mối nguy như vậy có lẽ sẽ rất khó xảy ra ở Vienna nơi có một nền văn hóa đủ mạnh mẽ, nơi mà “quân đội” của những nhà văn và trí thức luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ lấy tự do và căn tính của thành phố và đất nước này.

Giờ đã là gần 11 giờ đêm, chúng tôi tách khỏi đám đông ở MuseumsQuartier đang chăm chú với phần đọc của Seethaler. Đêm thanh bình. Chúng tôi bước tới Heldenplatz, nơi Thư viện Quốc gia cổ kính đang rực rỡ ánh vàng giữa màn đêm. Năm nay, thư viện sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 650 năm. Rất nhiều những đồ vật tại đây là phần tài sản bị chiếm đoạt từ các gia đình người Do Thái và những nạn nhân khác của Đệ tam Quốc xã, nhưng bắt đầu từ năm 2003, thư viện bắt đầu trả lại những vật phẩm này cho chủ sở hữu hoặc người thừa kế hợp pháp của chúng.

Chúng tôi dừng lại và đứng dưới mái vòm của Michaelerkuppel và nghêu ngao vài câu hát, gần đó là tượng Đức mẹ đang dõi theo chúng tôi. Trong màn đêm, sự kì vĩ của Vienna bỗng trở nên gần gũi lạ thường. Xung quanh chúng tôi là lịch sử, một lịch sử không cho phép ai được lãng quên. Nhưng đêm nay có gió nhẹ, không khí trong lành, một điều gì đó rất tươi mới đang thổi ở nơi đây. Khi chúng tôi bước đi, chúng tôi tưởng như đã bắt gặp những nhân vật của Bernda cũng đang chạy ở phía trước. Họ cũng giống như chúng tôi, phải thừa nhận rằng không ai có thắng được vẻ đẹp quyến rũ mê hoặc của Vienna: “Và ngay lúc này, khi tôi đang chạy qua những con đường bên trong trung tâm thành phố, tôi đã nghĩ: Đây là thành phố của tôi và nó sẽ luôn luôn là thành phố của tôi.”

KIỀU CHINH theo Mandakini Pachauri và Keija Parssinen, tạp chí World Literature Today

(Lưu ý: Hình ảnh và chú thích do người dịch sưu tầm và bổ sung, không phải của tác giả).

 

[1] Ernst Jandl (1925 -2000) là nhà thơ thể nghiệm hậu chiến nổi tiếng nhất của Áo, chịu ảnh hưởng bởi trường phái Dada trong những tác phẩm đầu tay. Ernst thường dùng lối chơi chữ trong những sáng tác bằng tiếng Đức nên rất khó dịch (nếu không muốn nói là bất khả) sang một ngôn ngữ khác. Phần lớn thơ của ông nên nghe hơn là đọc.

[2] Irwin Allen Ginsberg (1926 – 1997), nhà thơ người Mĩ, một trong những thủ lĩnh của Thế hệ Beat của thập niên 1960 và của cả thế hệ phản văn hóa sau đó.

[3] Nicolaas Thomas Bernhard (1931-1989), tiểu thuyết gia, nhà viết kịch và nhà thơ người Áo. Các sáng tác của Bernhard đã được gọi là "thành tựu văn học quan trọng nhất kể từ Thế chiến II." Ông được coi là một trong những tác giả nói tiếng Đức quan trọng nhất của thời kì hậu chiến, hậu hiện đại.

[4] Elfriede Jelinek (sinh năm 1946), nhà viết kịch và tiểu thuyết gia người Áo, đã đoạt giải Roswitha năm 1978, giải Georg Büchner năm 1998, giải Franz Kafka 2004 và giải Nobel Văn học năm 2004.

[5] Stefan Zweig (1881 - 1942) nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch và nhà viết tiểu sử người Áo nổi tiếng trên thế giới với những tập tiểu sử đồ sộ (như Ba bậc thầy bàn về Honoré de Balzac, Charles Dickens và Fyodor Dostoyevsky, xuất bản năm 1920) và hàng loạt những truyện dài và truyện ngắn.

[6] Ingeborg Bachmann (1926-1973) là nhà thơ, nhà văn người Áo, một trong những nhà thơ quan trọng nhất trong văn chương hậu chiến Đức thế kỉ 20, nổi tiếng với hai tập thơ Thời gian kéo dài (Die gestundete Zeit) và Tiếng gọi từ chòm sao Đại Hùng (Anrufung des Grossen Bäre).

[7] Holocaust: thảm họa lớn nhất của dân tộc Do Thái xảy ra vào cuối những năm 1930 trong Thế Chiến II, khi sáu triệu người Do Thái trên khắp châu Âu bị đưa vào các trại tập trung của Phát xít Đức và bị giết hại bằng hơi ngạt.

[8] Edefv Marie Gamillscheg (sinh năm 1992), nhà văn người Áo, Cuốn tiểu thuyết Roman Alles của cô đứng ở vị trí thứ năm trên bảng xếp hạng ORF vào tháng 6 năm 2018, được trao giải thưởng đầu tiên trị giá 10.000 € của Giải thưởng Sách Áo 2018 và được đề cử cho Giải thưởng Văn học Aspect.

[9] Robert Seethaler (sinh năm 1966) sinh ra ở Vienna và là tác giả của một số tiểu thuyết bao gồm A Whole Life The Tobacconist. A Whole Life là một cuốn sách bán chạy nhất mười ở Đức.

[10] Judith Nika Pfeifer (sinh năm 1975): tiểu thuyết gia, nhà thơ và nghệ sĩ transmedia. Năm 2008, cùng với nhà thơ munich Augusta Laar, cô thành lập dự án Viennapoetic, thực hiện, thí nghiệm, giám tuyển để tìm kiếm những khả năng mới cho thơ.

[11] Doron Rabinovic (sinh năm 1961): nhà văn, nhà sử học và nhà tiểu luận người Israel gốc Áo, đã được trao nhiều giải thưởng văn học, gần đây nhất là giải thưởng Clemens-Brentano của Heidelberg và giải thưởng Jean-Améry, cả hai vào năm 2002. Ở Áo Doron Rabinovici được biết đến như một tiếng nói trí tuệ chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do Thái. Ông là thành viên của Grazer Autorenversammlung, một hiệp hội nhà văn lớn của Áo.

[12] Florian Neuner (sinh năm 1972) sinh ra tại Wels/Thượng Áo và sống như một nhà văn ở Berlin và Vienna. Cùng với Ralph Klever, anh xuất bản tạp chí văn học Idiome.

[13] Peter Pessl (sinh năm 1963 tại Frankfurt), lớn lên ở Áo, là một nhà văn tự do và nghệ sĩ radio.

[14] Ray Bradbury Douglas (1920 —2012)[4], nhà văn chuyên về sáng tác các tác phẩm kinh dị, khoa học viễn tưởng người Mĩ. Nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết 451 độ F (Fahrenheit 451, 1953) và tập hợp những câu chuyện khoa học viễn tưởng như The Martian Chronicles (1950) và Người minh họa (The Illustrated Man, 1951), Ray Bradbury là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thế kỉ 20 và 21 của nước Mĩ. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim và chương trình truyền hình.