Thứ Ba, 12/02/2019 00:06

Một khúc niệm này riêng cõi trần ai

Thơ, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa “tạo từ”. Và bản chất của thơ là tập hợp những kĩ thuật, những loại mô típ để đưa cảm xúc vào từ ngữ.

(Đọc Hai phía phù sinh, thơ Nguyễn Thúy QuỳnhNxb Hội Nhà văn, 2018)

Thơ, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa “tạo từ”. Và bản chất của thơ là tập hợp những kĩ thuật, những loại mô típ để đưa cảm xúc vào từ ngữ. Bạn biết càng nhiều kĩ thuật, thì bạn có thể làm nhiều thứ, thấu hiểu nhiều biểu tượng. Điều đó nói lên rằng, thơ ca dường như đặc biệt hiệu quả ở vài trường hợp. Trong một tính thuần nhất, khi trường xúc cảm biểu đạt đến đỉnh thì hình thức chỉ còn là cái vỏ, là kĩ thuật tổ chức ngôn ngữ không hơn không kém. Nói vậy không có nghĩa là hạ bệ vai trò của ngôn ngữ, tính thẩm mĩ, cường độ, trường độ, biên độ... Nhưng dùng trạng thái thơ để đẩy xúc cảm người đọc lên cao đã là một thành công của người sáng tạo - điều đó, dường được nhấn mạnh trong Hai phía phù sinh!

Nguyễn Thúy Quỳnh không cố gắng đẩy những trường xúc cảm đặc biệt riêng để gây khó dễ cho người đọc hay giãi bày những cảm thương “vay mượn” bi ai, sướt mướt; chị ý thức mình ở trong trạng thái khai mở đến chân giá trị của tình thương yêu và tự do, nên thế giới đó không nặng về trọng lượng, không to về thể tích, không cầu kì tô vẽ; thế giới đó hiện thân của con mèo, con cá, con thiêu thân, những em bé... những sinh linh sức sống mỏng, mong manh, dễ tổn thương mà không tự cứu vớt nổi mình: Những cái xác nhỏ nhoi hòa vào nhau/ Đen thui dưới mặt trời/ Vì bầy thiêu thân không tự thu dọn được xác mình… Trong trạng thái ấy, tất thẩy run rẩy, sợ hãi trước thiên nhiên, trước loài người rộng lớn và tinh quái. Tính thông tin và dự báo được chủ đích lồng ghép trong mối quan hệ chồng lấn, tương hỗ. Không chỉ việc cá chết bệnh, con mèo con chết thảm dưới bánh xe tải, đồng bào chết lụt, những em bé chết vùi… mà đằng sau tất thảy cái sự chết của con người. Rộng hơn là cái chết vĩnh hằng của bản ngã đang cần vang hồi chuông cảnh tỉnh Sừng sững trên từng gốc cũ/ Triệu mắt lá chan chan lệ ứa/ Khóc những quả trứng chim còn chưa kịp nở...(Đôi dòng dâng những hồn cây). Chúng ta/ những kẻ thản nhiên sống và ngợi ca sự sang giàu/ giữa trùng trùng áp phích, pa nô quảng cáo sáng choang/ không một ai đủ tư cách cầu xin con/ một em bé chết đói giữa ban ngày/ tha thứ… Xin hãy nghe tiếng khấn bi ai của người tụng niệm. Cõi này râm ran tiếng kinh đời, phía kia vượt kiếp mà thoát xác, gọi một chữ “Thác là thể phách, còn là tinh anh” ngưỡng vọng với người phụ nữ, người mẹ luôn động lòng trắc ẩn trần ai sáu cõi luân hồi... Chỉ những khoảng trống là người ta không thể mang theo/ Những khoảng trống nham nhở trên gương mặt phố/ Những khoảng trống tối tăm dưới một vòm trời rạn vỡ/ Những khoảng trống đớn đau trong triệu tim người đó là điều đọng lại váng vất trong tâm trí người đọc: ...Một dòng sông đen khác/ chảy âm thầm trên những gương mặt/ sạm đen - “tự cổ thùy vô tử” nhưng thi tứ gờn gợn, thi có thi tính là vậy.

Rút cuộc, thoát khỏi sự lệ thuộc vào vần điệu, cấu tứ thường thấy, Hai phía phù sinh trở nên tự tại, đẫm vị nhân sinh. Đọc, để thấy hai phía phù sinh ấy cũng chính là: cõi sinh - cõi diệt hiện hữu và bất biến, ai cũng phải chuẩn bị cho sự ra đi mãi mãi ấy, chỉ khác chăng chúng ta đã, sẽ chuẩn bị và ra đi như thế nào. Đọc, để thấy cái Tâm của kẻ sĩ trước thế sự, âu cũng là Thiện căn kia bởi lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài, như lời cụ Tiên Điền Nguyễn Du từng cảm kích.

LÝ HỮU LƯƠNG chọn và giới thiệu

 

Biên bản chưa đặt tên

Trong bóng chiều chạng vạng

chúng tôi ngồi bên nhau

cùng bầy chữ

 

Phía trước là cánh đồng khô cằn

dòng sông cạn và cơn giông mù mịt

 

Trong bóng chiều chạng vạng

có đôi mắt từ miền sáng tối nghìn năm

nghiêm nghị nhìn chúng tôi

có đôi tai mọc từ triệu đôi tai vô tăm tích

lắng về phía chúng tôi

có nhịp rì rầm từ non cao bể thẳm

gõ không ngừng vào óc chúng tôi

có nước mắt của Mẹ

chảy âm thầm vào tim chúng tôi

 

Trong bóng chiều chạng vạng

chúng tôi ngồi bên nhau

cởi bỏ sự câm lặng truyền kiếp

thả bầy chữ

qua cánh đồng, dòng sông, những cơn giông

qua thăm thẳm bóng đêm

về miền Ánh Sáng.

Thơ tặng chồng

Đêm đêm

em áp mặt vào ngực anh

vòm ngực là một vòm trời

tỏa hơi ấm nồng nàn căn nhà nhỏ của hai ta

 

Vòm trời bình yên

đón em mỗi ngày trở về

được thản nhiên nhìn bão giông lui sau cánh cửa

được vui sướng ngắm các con tựa vào anh

những cây xanh tựa vào triền núi

lớn từng ngày

 

Vòm trời dài rộng

cho những giọt nước mắt đàn bà của em thỏa sức rơi

và những nụ cười chưa từng có trên môi

nở viên mãn cả trong giấc ngủ

 

Mỗi sớm mai trước gương

em nhìn thật lâu vào vết lõm trên trán mình

vết cằm anh đã tì vào đó cả đêm

và tủm tỉm nhận ra một chân dung của hạnh phúc.

Buổi chiều cuối cùng

 

Sách đã gọn gàng trên kệ

sàn nhà sạch bong

chậu cảnh cuối cùng đã tưới xong

người khách cuối cùng rời đi sau một lời chúc đẹp

cầu dao đã dập

cả tòa nhà cơ quan lặng phắc

 

Chỉ còn ta với ấm trà vừa pha

 

Pha trà đãi khách

khách chưa kịp chờ trà ngấm đã vội đi

ngoài kia nườm nượp chợ đông

trăm nghìn âm thanh theo tết về

người rẽ lao xao tìm lối

 

Ta làm chi với ấm trà bé nhỏ

đang lặng lẽ tỏa hương?

 

Thanh khiết còn một chút này

tĩnh lặng còn một chút này

năm cũ chiều nay chưa qua

năm mới ngày mai chưa tới

 

Ta một mình trong nhập nhoạng chiều

luẩn quẩn nghĩ về việc làm sao mang theo, làm sao để lại.

 

Trà một mình thơm.