Thứ Ba, 12/03/2019 14:52

"Mỗi sản phẩm đầu ra phải có lợi cho người bệnh"

Đến ngày 10/3/2019, Học viện Quân y tròn 70 năm tuổi. Những chia sẻ dưới đây của Trung tướng, GS.TS Nguyễn Trọng Chính - Chính uỷ Học viện - chắc hẳn sẽ mang đến cho bạn đọc VNQĐ những ấn tượng đặc biệt

Đến ngày 10/3/2019, Học viện Quân y tròn 70 năm tuổi. Những chia sẻ dưới đây của Trung tướng, GS.TS Nguyễn Trọng Chính - Chính uỷ Học viện - chắc hẳn sẽ mang đến cho bạn đọc VNQĐ những ấn tượng đặc biệt về một đơn vị với mô hình “nhiều trong một”, đơn vị 3 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị gắn với những từ khoá như “đầu tiên”, “nhiều nhất”, “duy nhất”

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Trọng Chính

PV: Chính uỷ có thể giúp bạn đọc VNQĐ có một cái nhìn tổng quan về Học viện Quân y qua 70 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành?
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Trọng Chính: Học viện Quân y, tiền thân là Trường Quân y sĩ Việt Nam được thành lập theo Sắc lệnh số 234/SL ngày 20/8/1948 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và Nghị định số 187/NĐ ngày 4/10/1948 của liên Bộ Quốc phòng - Y tế - Giáo dục. Ngày 10/3/1949, Nhà trường tổ chức lễ khai giảng khóa đào tạo quân y sĩ đầu tiên tại Đồi Trám, thôn Tuần Lũng, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ đó, ngày 10/3 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của Học viện. Như vậy, đến ngày 10/3/2019, Học viện tròn 70 năm tuổi.
Học viện đã trải qua 5 lần đổi tên gọi: Trường Quân y sĩ Việt Nam (1949 - 1957); Trường Sĩ quan Quân y (1957 - 1962); Viện Nghiên cứu y học quân sự (1962 - 1966); Trường Đại học Quân y (1966 - 1981) và Học viện Quân y (từ năm 1981 đến nay). Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, được sự đùm bọc, giúp đỡ của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương nơi đóng quân, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, sinh viên, chiến sĩ, Học viện đã không ngừng lớn mạnh, cống hiến và trưởng thành, phát triển, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là trung tâm đào tạo cán bộ quân y và dân y, nghiên cứu y học quân sự, điều trị chất lượng cao của quân đội và đất nước. Hiện nay, Học viện là một trong 17 nhà trường được Thủ tướng Chính phủ quyết định từ năm 2015 xây dựng, phát triển thành trường trọng điểm quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị có uy tín lớn trong nước, khu vực và quốc tế.
Học viện trực thuộc Bộ Quốc phòng, có 2 bệnh viện thực hành lâm sàng (Bệnh viện Quân y 103, Viện Bỏng Quốc gia); 3 viện (Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, Viện Đào tạo dược, Viện Nghiên cứu y dược học quân sự); 1 trường cao đẳng (Trường Cao đẳng Quân y); 1 phân hiệu phía Nam; 11 phòng, ban trực thuộc; 5 trung tâm (Độc học và phóng xạ, Nghiên cứu ứng dụng sản xuất thuốc, Ngoại ngữ, Huấn luyện và đào tạo y học quân sự, Tế bào gốc và y học tái tạo); 57 bộ môn, khoa (trong đó có 37 bộ môn lâm sàng) và 5 hệ quản lí học viên.
Đảng bộ Học viện trực thuộc Quân ủy Trung ương, gồm 1 đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở, 11 đảng bộ cơ sở (trong đó có 1 đảng bộ 3 cấp, 10 đảng bộ 2 cấp), 119 chi bộ (có 81 chi bộ cơ sở).
Hiện nay, 100% giảng viên của Học viện có trình độ sau đại học, trong đó có 18 giáo sư, 128 phó giáo sư, 91 tiến sĩ, 191 thạc sĩ, 28 bác sĩ chuyên khoa cấp 1 và chuyên khoa cấp 2, 5 nhà giáo nhân dân, 29 nhà giáo ưu tú, 3 thầy thuốc nhân dân, 64 thầy thuốc ưu tú, 10 chuyên viên đầu ngành và nhiều chuyên viên kĩ thuật của ngành quân y. Nếu tính cả 70 năm qua thì Học viện đã có 47 giáo sư, 210 phó giáo sư, 15 nhà giáo nhân dân, 35 nhà giáo ưu tú, 20 thầy thuốc nhân dân, 179 thầy thuốc ưu tú.


PV: Nhiệm vụ chính trị trung tâm của Học viện Quân y, như tên gọi, là đào tạo. Xin hỏi Chính ủy, Học viện đã quan tâm đến công tác đào tạo, đến chuẩn đầu ra như thế nào, đặc biệt là đối với chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa quân y?
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Trọng Chính: Từ ngày thành lập tới nay, Học viện Quân y đã đào tạo được gần 90.000 cán bộ y dược để cung cấp nguồn nhân lực y tế cho quân đội và đất nước, trong đó có gần 55.000 nhân viên chuyên môn kĩ thuật y, dược; hơn 25.000 bác sĩ, dược sĩ quân y; hơn 3.700 thạc sĩ; hơn 7.000 bác sĩ chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2, bác sĩ nội trú và đặc biệt là đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh thứ 1.000. Cùng với đó, Học viện còn đào tạo được 623 bác sĩ cử tuyển là con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên; hơn 2.000 bác sĩ cho 9 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long; 200 bác sĩ cho các tỉnh Bắc Kạn và Yên Bái; đào tạo cho các nước bạn Lào và Campuchia được gần 200 y sĩ, dược sĩ trung cấp, 700 bác sĩ đa khoa, 25 bác sĩ chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2, 40 thạc sĩ và 3 tiến sĩ.
Chuẩn đầu ra bác sĩ đa khoa quân y do Học viện Quân y xây dựng bám sát chuẩn năng lực cơ bản của bác sĩ đa khoa do Bộ Y tế ban hành. Đồng thời, do yêu cầu đặc thù, chuẩn đầu ra của bác sĩ đa khoa quân y còn được bổ sung thêm chuẩn năng lực về khoa học xã hội và nhân văn tuân thủ theo quy định của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và chuẩn năng lực y học quân sự; nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ quân y trong tình hình mới tại các phân đội quân y và cho các đơn vị, đồng thời là cơ sở để Học viện đổi mới nội dung, quy trình đào tạo, phương pháp giảng dạy nhằm giúp các học viên ra trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.


PV: Ngoài “vai” nhà giáo, mỗi cán bộ của Học viện Quân y còn thực hành đồng thời nhiều “vai” khác, như người lính, bác sĩ, nhà khoa học… Vinh dự tự hào nhiều, nhưng chắc hẳn vất vả cũng không ít, thưa Chính uỷ?
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Trọng Chính: Vâng, đúng là như vậy! Tôi xin phân tích nhiệm vụ ở khối bệnh viện thực hành và khối các bộ môn y học cơ sở (Sinh lí học, Sinh lí bệnh, Dược lí, Phẫu thuật thực hành) và y học quân sự… để chúng ta hình dung áp lực công việc hàng ngày của mỗi cán bộ Học viện Quân y.
Hai bệnh viện thực hành (Bệnh viện Quân y 103 và Viện Bỏng Quốc gia) luôn luôn phải thu dung đủ mặt bệnh phục vụ huấn luyện thực hành cho các đối tượng đào tạo (sinh viên cao đẳng, sinh viên đại học, học viên cao học, học viên chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, nghiên cứu sinh); số lượng thu dung từ 1.400 đến 1.500 bệnh nhân/ngày. Hàng ngày, từ 7giờ đến 7 giờ 30 thực hiện giao ban chuyên môn đào tạo; tiếp theo, các giảng viên-bác sĩ phải khám bệnh kê đơn điều trị, thực hiện các kĩ thuật và đi mổ cho bệnh nhân; đến 9 giờ, các bác sĩ-giảng viên lại thực hiện hướng dẫn đầu giường (cách hỏi bệnh, phương pháp khám… để phát hiện bệnh), thực hiện thảo luận lâm sàng ca bệnh trên phòng giảng của bộ môn; buổi chiều, huấn luyện lâm sàng cho học viên, sinh viên vòng 1 (vòng học triệu chứng, mới đi lâm sàng ở bệnh viện đầu tiên) và lên lớp các bài giảng trên đại giảng đường. Ngoài ra hàng tuần còn triển khai công tác nghiên cứu khoa học, sinh hoạt chuyên môn… Đó là chưa kể đến việc phải thực hiện các kế hoạch sinh hoạt đảng, chính quyền, học tập chính trị, huấn luyện quân sự, điều lệnh…
Ở khối bộ môn y học cơ sở và y học quân sự thì các giảng viên ngoài giờ lên lớp trên giảng đường, hướng dẫn ở labo chuyên ngành còn phải sang hai bệnh viện tham gia công tác khám, điều trị và nghiên cứu khoa học, với mục tiêu các bài giảng y học cơ sở, y học quân sự phải gắn được với lâm sàng.
Sơ bộ như thế để thấy anh em chúng tôi “vất vả không ít” như anh nói, tuy nhiên chúng tôi rất “vinh dự” khi những vất vả đó giúp chúng tôi luôn hoàn thiện, đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ và đóng góp xây dựng Học viện Quân y ngày càng trưởng thành lớn mạnh toàn diện…


PV: Như vậy, có thể gọi mô hình Học viện là mô hình “nhiều trong một”. Sau đây, tôi muốn được nghe Chính ủy chia sẻ sâu về những thành tựu nổi bật trong công tác nghiên cứu khoa học và công tác điều trị của Học viện?
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Trọng Chính: Vâng! Về thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, Học viện đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc và đặc biệt xuất sắc, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Các lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà Học viện thực hiện bao gồm: y học quân sự, y học cơ sở, y học lâm sàng và y học thảm hoạ; công nghệ sinh học và tế bào gốc; dược chất và hợp chất tự nhiên.
Đến nay, Học viện đã nghiên cứu, hoàn thành được hàng nghìn đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước. Số lượng đề tài, sáng kiến được ứng dụng vào điều trị đạt tỉ lệ cao. Nhiều đề tài rất có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn, được trao giải thưởng quốc gia và quốc tế, có ý nghĩa quan trọng về chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tiêu biểu là các đề tài như Nghiên cứu khắc phục hậu quả chất độc da cam/ dioxin hay Chế tạo một số chế phẩm sinh học phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh cho bộ đội và cộng đồng... được ứng dụng rộng rãi trong điều trị tại các bệnh viện. Đặc biệt, Học viện Quân y là cơ sở y tế thực hiện thành công các ca ghép tạng trên người đầu tiên tại Việt Nam. Những thành tựu này của Học viện góp phần tạo nên bước phát triển vượt bậc của nền y học nước nhà. Học viện vinh dự tự hào được tặng 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ.
Về thực hiện nhiệm vụ điều trị, với 3 đơn vị trực thuộc gồm Bệnh viện Quân y 103, Viện Bỏng Quốc gia và Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, Học viện Quân y là cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân lớn trong quân đội và cả nước. Học viện ứng dụng thành công nhiều kĩ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại vào điều trị như mổ nội soi, can thiệp mạch, ghép tạng, các kĩ thuật cấp cứu điều trị ngoại, nội dã chiến, cấp cứu điều trị bỏng, phẫu thuật tạo hình vi phẫu trong điều trị di chứng bỏng và vết thương, vết loét lâu liền, kĩ thuật hiện đại hỗ trợ điều trị cho các trường hợp vô sinh... 3 cơ sở điều trị của Học viện luôn là những địa chỉ tin cậy đối với các thương binh, bệnh binh và người bệnh.
Năm 2016, Học viện Quân y được Tổ chức Kỉ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỉ lục cho tổ chức sự kiện “Ngày hội Chung tay vì sự sống” đã thu hút hơn 1.500 người tình nguyện đăng kí hiến mô, bộ phận cơ thể người để phục vụ y học sau khi qua đời. Năm 2017, Bệnh viện Quân y 103 được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam - dấu ấn 30 năm đổi mới” do Báo Lao động phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Trung tướng Phạm Hồng Hương, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam kiểm tra diễn tập vận chuyển, cấp cứu thương binh trong chiến tranh tại Học viện Quân y năm 2017 - Ảnh: ĐVCC


PV: Tôi bị ấn tượng, thuyết phục bởi hai chữ “đầu tiên” trong những chia sẻ vừa rồi của Chính uỷ. Vâng, thật tuyệt vời khi Học viện Quân y đã thực hiện thành công những ca ghép mô, tạng và bộ phận cơ thể người đầu tiên tại Việt Nam. Chính ủy có thể điểm lại cụ thể hơn những mốc son lịch sử rất đáng tự hào này?
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Trọng Chính: Cảm ơn anh đã quan tâm! Qua từng giai đoạn, Đảng ủy - Ban Giám đốc Học viện cùng Hội đồng Khoa học và Giáo dục của Học viện đã luôn có nhiều chủ trương định hướng các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và ứng dụng những kĩ thuật mới, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, cấp cứu, điều trị cho thương bệnh binh và nhân dân; trong đó có hướng mũi nhọn triển khai thực hiện ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người từ đó đã trở thành đơn vị y tế tiên phong trong lĩnh vực này. Cụ thể như sau:
Ngày 4/6/1992, ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam thực hiện thành công trong điều kiện vô vàn khó khăn tại Bệnh viện Quân y 103. Bệnh nhân là thiếu tá Vũ Mạnh Đoan (40 tuổi) được ghép thận từ người tặng là em trai ruột (28 tuổi). Sự kiện này đã viết nên trang sử mới cho nền y học nước nhà, đánh dấu một mốc son chói lọi trên bản đồ ghép tạng và khởi đầu cho một chuyên ngành mới ở nước ta: chuyên ngành ghép tạng.
Ngày 31/1/2004, Bệnh viện Quân y 103 tiến hành ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam cho cháu Nguyễn Thị Diệp (10 tuổi), quê ở Nam Định, bị bệnh teo đường mật bẩm sinh đã biến chứng, nếu không ghép gan sẽ nguy kịch tính mạng. Bố đẻ (31 tuổi) đã hiến một phần lá gan cho cháu Diệp. Đến nay, sức khỏe và chức năng gan của hai bố con đều ổn định.
Ngày 17/6/2010, ca ghép tim đầu tiên trên người tại Việt Nam được thực hiện thành công tại “cái nôi” ghép tạng: Bệnh viện Quân y 103. Bệnh nhân là anh Bùi Văn Nam (48 tuổi) bị bệnh cơ tim thể giãn suy tim độ 4. Trái tim ghép cho anh Nam nhận từ một bệnh nhân chết não (29 tuổi). Ca mổ nhiều mong đợi này đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ ghép tim thế giới.
Đêm ngày 28/2 rạng ngày 1/3/2014, một lần nữa các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 thực hiện thành công ca ghép đa tạng (tụy, thận) lần đầu tiên trên người tại Việt Nam. Bệnh nhân của ca ghép là anh Phạm Thái Huyên (43 tuổi) bị đái tháo đường, suy thận. Tạng được hiến từ một người chết não vì tai nạn giao thông. Ca ghép này hoàn toàn do các bác sĩ của Học viện Quân y thực hiện mà không cần sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài, chấm dứt sự tụt hậu 48 năm ghép tụy so với thế giới. Việc làm chủ các kĩ thuật phức tạp góp phần giúp bác sĩ Việt Nam khẳng định tay nghề và trình độ ngang tầm quốc tế, đồng thời chứng tỏ sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực ghép tạng của Học viện Quân y và nền y học Việt Nam.
8 giờ ngày 21/2/2017, ca ghép phổi đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103. Bệnh nhân là cháu Ly Chương Bình (8 tuổi), quê ở xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang có các chỉ số ghép phù hợp nên được Học viện Quân y cùng Bệnh viện Nhi Trung ương lựa chọn. Cháu Bình mắc bệnh giãn phế quản bẩm sinh; phổi bị viêm tái phát, kéo dài đã ở giai đoạn bệnh tâm phế mạn ảnh hưởng tới chức năng của tim, nếu không ghép sớm thì sẽ không thể sống được. Sau ca ghép, các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đến thăm và đánh giá cao thành công của ca ghép này, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen ngợi cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế của Học viện Quân y. Hiện cháu Bình đang học lớp 2, sức khoẻ ổn định.
Như vậy, ghép tạng đã trở thành một trong những thành tựu nổi bật ghi dấu ấn cho nền y học Việt Nam. Thành công này có sự góp phần không nhỏ của tập thể lãnh đạo và đội ngũ giảng viên-bác sĩ-nhà khoa học của Học viện Quân y qua các thời kì. Những ca ghép tạng thành công trên người đầu tiên tại Việt Nam của Học viện đã góp phần cụ thể hóa, đưa luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác vào cuộc sống, giúp người dân hiểu và xóa bỏ định kiến. Học viện Quân y là thành viên tích cực của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Năm 2017, nhân dịp tổng kết 25 năm thành tựu ghép tạng, Học viện Quân y đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, được Hội Ghép tạng Việt Nam trao bằng xác lập và biểu tượng kỉ lục Việt Nam cho tập thể Học viện Quân y và 5 cá nhân thuộc Học viện.
Hiện nay, Học viện đã tiến hành chuyển giao kĩ thuật ghép tạng cho nhiều bệnh viện quân và dân y trên cả nước: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện 198 - Bộ Công an, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, Bệnh viện Gia Định…


PV: Những bệnh nhân của những ca ghép tạng thành công đầu tiên mà Chính uỷ vừa kể chắc hẳn có nhiều duyên nợ, ân tình với Học viện?
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Trọng Chính: Duyên nợ, ân tình nhiều lắm. Tôi xin dẫn hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là cháu Nguyễn Thị Diệp, bệnh nhân của ca ghép gan thành công đầu tiên năm 2004. Sau này Diệp đã chọn theo học tại Trường Cao đẳng Quân y 1 và trở thành người của Học viện Quân y (hiện đang công tác tại Khoa Dược, Bệnh viện Quân y 103 - PV). Trường hợp thứ hai là cháu Ly Chương Bình, bệnh nhân của ca ghép phổi thành công đầu tiên hai năm trước. Chúng tôi, đặc biệt là đồng chí Giám đốc Học viện (Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết - PV) từng phải lặn lội lên tận Quản Bạ, Hà Giang để vận động người thân của cháu cho phổi. Sau khi cháu được cứu sống, lãnh đạo Học viện thống nhất quyết định giữ nuôi cháu. Nay cháu đã 10 tuổi, đang theo học tiểu học tại Trường Tiểu học Văn Yên, Hà Đông, Hà Nội.


PV: Những năm gần đây, nhắc đến Học viện Quân y còn là nhắc đến thành tựu trong khám, tư vấn và điều trị vô sinh, hiếm muộn. Chính uỷ có thể chia sẻ về câu chuyện này?
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Trọng Chính: Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội trực thuộc Học viện Quân y là cơ sở thứ ba trong cả nước và là cơ sở đầu tiên của Quân đội thực hiện thành công kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và thực hiện hiệu quả các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, điều trị hiếm muộn cho bộ đội và nhân dân từ năm 2001.
Tính đến nay đã có 4.000 em bé được ra đời bằng các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, trong đó có 3.000 em bé được sinh ra từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Hàng năm, Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội thực hiện 800 chu kì thụ tinh trong ống nghiệm. Mỗi năm Viện nhận điều trị, tư vấn cho khoảng 300 cặp vợ chồng bộ đội; có khoảng 150 cháu bé được sinh ra trong một năm của các gia đình quân nhân. Viện cũng là cơ sở chuyên môn tư vấn cho Cục Quân y và Cục Chính sách của Tổng cục Chính trị để xây dựng Nghị định 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương hỗ trợ điều trị cho các cặp vợ chồng quân nhân. Hàng năm, Viện cùng với các cơ quan của Bộ Quốc phòng thẩm định hồ sơ về chuyên môn cho trên 1.000 quân nhân được hưởng chính sách tài chính trong hỗ trợ sinh sản.
Các kĩ thuật điều trị hiếm muộn tiên tiến của thế giới đều được Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội áp dụng và thực hiện thành công như thụ tinh trong ống nghiệm, bảo quản tinh trùng, trứng, chuyển phôi đông lạnh, chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi, vi phẫu tìm tinh trùng trong tinh hoàn trên các bệnh nhân không có tinh trùng trong tinh dịch… Viện có mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học với nhiều cơ sở nghiên cứu trong nước và quốc tế như Mĩ, Đức, Singapore, Thái Lan… Nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ và Nhà nước đã được áp dụng, triển khai có hiệu quả trong công tác điều trị hiếm muộn. Tất cả đã góp phần mang lại hạnh phúc đời thường cho nhiều gia đình bộ đội và nhân dân.


PV: Được biết, mới đây Viện Bỏng Quốc gia chính thức thành lập thêm Bộ môn - Trung tâm Phẫu thuật tạo hình, thẩm mĩ và tái tạo. Có nghĩa là ngày nay, Viện Bỏng Quốc gia đủ sức làm được nhiều việc khó hơn so với trước đây, thưa Chính ủy?
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Trọng Chính: Bộ môn - Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ và tái tạo của Viện Bỏng Quốc gia, Học viện Quân y được thành lập tháng 12/2017 và chính thức ra mắt tháng 5/2018. Đây là Bộ môn duy nhất trong cả nước có mã ngành đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 về phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ và tái tạo. Những năm gần đây, các thầy giáo-thầy thuốc-nhà khoa học của Bộ môn - Trung tâm đã dám nghĩ dám làm, phát huy tính sáng tạo, áp dụng và cải tiến nhiều kĩ thuật mới, triển khai thành công các kĩ thuật cao trong điều trị và chăm sóc người bệnh, trong đó có kĩ thuật lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam như: sử dụng laser siêu xung điều trị sẹo bỏng; chuyển cân cơ thái dương trong điều trị liệt dây thần kinh 7 ngoại vi; kĩ thuật vi phẫu sử dụng vạt da siêu mỏng, vạt da có kích thước lớn điều trị sẹo biến dạng phức tạp vùng mặt cổ; kĩ thuật siêu vi phẫu điều trị phù bạch mạch chi trên do di chứng xạ trị ung thư vú (trong đó kĩ thuật điều trị sẹo co kéo vùng cằm cổ bằng vạt da cân thượng đòn có nối mạch vi phẫu đầu xa cải tiến lần đầu tiên được thực hiện trên thế giới được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao).
Nếu so với trước đây điều trị sẹo di chứng bỏng chỉ thực hiện kĩ thuật ghép da mảnh dày, chuyển vạt da có cuống mạch thì từ khi triển khai các kĩ thuật mới này đã đem lại kết quả điều trị cao hơn nhiều, chất lượng các ca phẫu thuật đã được người bệnh đánh giá cao, uy tín của Viện Bỏng Quốc gia ngày càng cao, xứng đáng là cơ sở hàng đầu của cả nước về phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ và tái tạo.
Có thể nói, những bước đi dài của Viện Bỏng Quốc gia gắn liền với công lao của Trung tướng, GS.TSKH, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quân y.


PV: Với tư cách là Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Học viện Quân y, đồng chí có thể chia sẻ về mức độ tâm đắc của bản thân đối với thành tích trong xây dựng tổ chức Đảng và xây dựng đơn vị của Học viện?
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Trọng Chính: Trong suốt quá trình 70 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện qua các thời kì luôn gắn liền công tác xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Cán bộ, đảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ luôn luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tự hào, tin tưởng, hăng hái thi đua, trau dồi đạo đức cách mạng và y đức, phát huy truyền thống đơn vị 3 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 100% bác sĩ quân y ra trường luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo phân công của tổ chức. Đơn vị luôn ổn định về chính trị, đảm bảo đoàn kết thống nhất, có môi trường văn hoá lành mạnh.
Điều mà tập thể lãnh đạo của Học viện đã đoàn kết quyết tâm làm được, khiến tôi tâm đắc nhất hiện nay, đó là quyết liệt trong tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, là ngăn chặn tận gốc để làm cho tiêu cực, gian lận thi cử không chạm được vào cánh cửa Học viện, là đào tạo gắn với phương châm mỗi sản phẩm đầu ra phải có lợi cho người bệnh.


PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chính uỷ!