Thứ Bảy, 03/09/2022 07:39

‘Mirai đến từ tương lai’: Làm anh khó đấy…

Tiểu thuyết Mirai đến từ tương lai là sự chuyển tải trọn vẹn từ ngôn ngữ điện ảnh sang ngôn ngữ văn chương, những tình cảm đẹp nhất về gia đình, anh em trong dòng chảy không-thời gian quyện hòa giữa quá khứ, thực tại, tương lai.

Được chính đạo diễn Mamoru Hosoda chắp bút từ bộ phim hoạt hình cùng tên: Mirai đến từ tương lai (MIRAI), tác phẩm điện ảnh lọt tới top 5 đề cử Oscar cho phim hoạt hình xuất sắc nhất vào năm 2018; tiểu thuyết Mirai đến từ tương lai là sự chuyển tải trọn vẹn từ ngôn ngữ điện ảnh sang ngôn ngữ văn chương, những tình cảm đẹp nhất về gia đình, anh em trong dòng chảy không-thời gian quyện hòa giữa quá khứ, thực tại, tương lai.

Kun, một cậu bé bốn tuổi đang sống hạnh phúc trong sự yêu thương, nuông chiều hết mực của bố mẹ. Nhưng điều đó dường như hoàn toàn thay đổi khi mẹ cậu sinh em bé. Một bé gái xinh xắn, kháu khỉnh. Ghen tị, đố kị, tủi thân vì bỗng dưng bố mẹ dồn hết tình thương cho em bé mà không quan tâm đến những mè nheo của mình, Kun trở nên khó chịu với đứa em mới sinh.

Rồi một ngày, cuộc sống bé Kun đảo lộn khi cậu phát hiện ra lỗ hổng không-thời gian trong chính khu vườn có cây sồi ở nhà, khiến cậu gặp được chú chó cưng Yukko dưới dạng con người, nhất là cô em gái Mirai đến từ tương lai và rất nhiều chuyện thực thực hư hư khác.

GIỮA LẰN RANH HƯ THỰC

Trẻ nhỏ, nhất là trong độ tuổi 0-6, vốn đã quá quen với sự bao bọc, che chở, yêu thương của người thân. Bởi thế, khi phải đột ngột sẻ chia tình thương đó cho người khác, dẫu là em bé cùng sống dưới một mái nhà, đứa trẻ ấy cũng không tránh khỏi xuất hiện tâm lí hoang mang, tủi thân, tị nạnh cùng niềm khao khát kiếm tìm sự chú ý từ người nhà. Vì bé nghĩ không còn được bố mẹ thương yêu nữa, và thứ trách nhiệm vô hình trên cương vị mới đầy lạ lẫm: anh lớn, chị lớn trong nhà bỗng dồn lên vai. Tất cả, khiến đứa trẻ non nớt chưa thật nhận thức trọn vẹn thế giới, bỡ ngỡ rồi thổi bùng lên ngọn lửa đố kị, thiêu rụi yêu thương mong manh còn chưa thành hình với đứa em nhỏ.

Mirai đến từ tương lai do IPM phát hành. Bản dịch của Đỗ Nguyên.

Chọn lựa bối cảnh, tâm lí thường thấy đó ở trẻ nhỏ; tiểu thuyết Mirai đến từ tương lai đã xây dựng lên những tình tiết, cá tính nhân vật xoay quanh một gia đình hết sức bình dị nhưng lại trên nền chất liệu huyền ảo như cổ tích. Chú chó Yukko được bố mẹ nuôi là thực nhưng Yukko thành người cùng bé Mirai tới từ tương lai chơi đùa với Kun, cùng nhau cất búp bê lại là ảo. Album ảnh lưu dấu kỉ niệm của cả “căn nhà nho nhỏ” là thực nhưng việc bé Kun ngược thời gian trở về quá khứ gặp mẹ, gặp ông cố lại là ảo. Bộ đồ chơi tàu lửa, tàu siêu tốc của Kun là thực song sân ga tàu tốc hành, chuyến tàu đưa những đứa trẻ thất thần, vô hồn đến “Vương quốc của sự cô độc” lại là ảo...

Và nếu những yếu tố kì ảo khiến cho Mirai đến từ tương lai mang sắc màu như câu chuyện huyền ảo thời hiện đại thì chính những chi tiết chân thật như lát cắt của cuộc sống làm tác phẩm không xa rời hiện thực. Để độc giả nhận ra, đứng giữa lằn ranh hư thực ấy, là thứ tình cảm nguyên sơ nhất của con người tồn tại vĩnh hằng. Tình cảm gia đình nơi ông bà, vợ chồng, bố mẹ, con cái, anh em... đã ở bên nhau. Có thể cách biệt thế hệ nhưng người đi trước, vẫn luôn dõi theo từng bước trưởng thành của con cái. Thế nhưng giữa dòng đời tấp nập, có khoảnh khắc con người như lỡ lãng quên. Hay sau một khoảng thời gian nhận tình thương vô điều kiện từ người thân, người ta mặc nhiên coi đó là điều tất nhiên, nghĩa vụ người khác phải làm.

Qua câu chuyện nhỏ, bao triết lí nhân sinh cũng được gợi mở về lòng dũng cảm, về sự sẻ chia, nhất là chân lí: Gia đình luôn là điểm tựa cho mỗi người được là chính mình. “Cái gì cũng có lần đầu mà”, và gia đình, chính là khởi đầu cho trẻ nhỏ vậy. Mà chẳng phải, dòng dịch chuyển không, thời gian bé Kun trải qua chính là dòng chảy của thứ mang tên gia tộc khắc tạc vào cây sồi cổ thụ đó ư? Từ đời ông cố, bà cố tới ông bà, bố mẹ tới thời hiện tại bé Kun 4 tuổi và cô em gái Mirai sẽ trở thành một nữ sinh xinh đẹp ở tương lai sau này.

TƯƠNG LAI TRONG HIỆN TẠI

Trong môt cấu trúc truyện tạo lên từ sự chuyển dịch không, thời gian; tuyến nhân vật trong tiểu thuyết Mirai đến từ tương lai là một tồn tại khá đặc biệt, khi những cá nhân, từ bố, mẹ, ông, bà đến ông cố, bà cố... không hề có tên riêng. Họ chỉ được tác giả Mamoru Hosoda gọi bằng các đại từ khác nhau. Thậm chí hai nhân vật Kun và Mirai cũng chỉ có tên mà không hề có họ. Nhân vật duy nhất mang định cụ thể, lại là chú chó Lạp Xưởng với tên Yukko.

Dường như, qua sự xóa mờ danh tính ấy, Hosoda tiên sinh muốn tạo nên những cá nhân điển hình dưới một mái nhà điển hình. Và quả thực, người đọc rất dễ bắt gặp những ông bố, bà mẹ, ông cố, bà cố hay rộng hơn là một gia đình cơ bản như gia đình bé Kun trong cuộc sống đời thực.

Nơi ấy, có cậu bé mang đầy đủ tâm tư, tình cảm như bao cậu bé 4 tuổi, cuộc sống bình nhật bỗng có thêm một cô em gái tuổi sơ sinh: miệng nói “không thích” em đó nhưng lại rất thích trêu em vì muốn được chơi cùng em; ghen tị, tủi thân lúc thấy em được cưng chiều nhưng qua mỗi ngày, hiểu thêm một vấn đề cậu bé lại người lớn hơn một chút. Tất nhiên, quá trình đấy không hề đơn giản. Có mồ hôi, nước mắt, những lần sứt đầu mẻ trán thậm chí là những nỗi lo sợ như vượt quá sức chịu đựng của một bé trai 4 tuổi. Thật sự, “Làm anh khó lắm/ Phải đâu chuyện đùa” (Ý thơ của Phan Thị Thanh Nhàn), vừa phải “hòa thuận”, thương yêu, cưng chiều em, vừa phải vượt qua sự ích kỉ trẻ con cá nhân để “chấp nhận” san sẻ tình thương, chấp nhận hi sinh vì người em sinh sau đẻ muộn.

Nơi ấy, có những “lần đầu” với các bậc làm cha, làm mẹ buộc họ phải thích ứng. Nên, trong đời sống thường nhật, đâu chỉ con trẻ khôn lớn. Mà chính bản thân người lớn, qua từng khoảnh khắc bên trẻ, lúng túng, mệt mỏi, sai lầm... họ cũng dần trưởng thành và trở thành điểm tựa cho đứa trẻ dành trọn tin tưởng khi nào chẳng rõ.

Nơi ấy, có cô em gái mang tên Mirai. Mirai là tên em bé nhà bé Kun. Mirai, trong tiếng Nhật cũng có nghĩa là tương lai. Tương lai hiện hữu ngay trong hiện tại, và tương lai, hiện hữu ở cả quãng thời rất dài của tụi trẻ sau này.

Đạo diễn, nhà biên kịch, nhà văn Mamoru Hosoda và tác phẩm nguyên tác tiếng Nhật.

Và nơi ấy, còn có những cá nhân, dẫu chỉ thoáng qua trên trang viết nhưng ai cũng mang vai trò nhất định, tựa một nấc thang trên con đường những đứa trẻ lớn khôn. Các cậu bé đạp xe đạp nơi công viên hay người kiểm soát tại nhà ga đã hỏi Kun những câu hỏi cơ bản về thông tin gia đình mà cậu bé cũng không sao trả lời được... Tất cả tạo nên bức tranh gia đình toàn cảnh xuyên suốt trục thời gian, vừa đưa người đọc, một tấm vé tâm tưởng về tuổi thơ hồn nhiên mà cũng có những âu lo rất thơ trẻ, cũng vừa khiến người ta giật mình, người lớn đã từng là trẻ con nhưng trẻ con lại chưa một lần làm người lớn. Vậy nên, đối diện với sinh linh bé nhỏ như tấm gương song chiếu bản thân ngày thơ ấu, có lẽ, mỗi người nên kiên nhẫn, bao dung hơn chăng?

NHỮNG THƯỚC PHIM BẰNG VĂN CHƯƠNG

Là một trong 5 bộ phim nhận đề cử giải Oscar cho phim hoạt hình xuất sắc nhất vào năm 2018, có thể nói, ngôn ngữ điện ảnh trong bộ phim Mirai đến từ tương lai hết sức mạnh mẽ. Bởi thế, khi chuyển thể tác phẩm điện ảnh đó sang tiểu thuyết là thách thức không nhỏ, ngay cả với cha đẻ bộ phim, đạo diễn Mamoru Hosoda. Tuy nhiên, với một ngôn ngữ văn chương giàu tính biểu tượng, các hình ảnh ẩn dụ trên màn ảnh, đã hiện hữu vào những câu văn gợi hình, gợi tả tự nhiên như chính hơi thở cuộc sống. Ngôi nhà có kiến trúc kì lạ do bố xây dựng, đoàn tàu tốc hành Kun vẫn bày bừa ra khắp nhà, khoảng vườn nhỏ có cây sồi trưởng thành theo năm tháng, cuốn album được lật giở trên bàn tay mẹ... “Một cánh én chao liệng trước mắt hai anh em mở ra khung cảnh bầu trời với những đám mây lững lờ trôi. Cả hai theo cánh én bay xuống. Dưới tầng mây, phong cảnh miền quê sáng rực lên trong ánh hoàng hôn.” Dường như, lần nữa, Mamoru Hosoda đã chiếu một thước phim điện ảnh bằng ngôn ngữ văn chương vậy.

Và khi đặt điểm nhìn vào một cậu bé 4 tuổi để viết nên một thế giới hiện thực huyền ảo, dễ thương, trong trẻo, nhiều màu sắc như Mirai đến từ tương lai, còn là sự thấu hiểu tâm lí trẻ thơ rất mực từ một đạo diễn, một biên kịch, một nhà văn gần như đã dành trọn sự nghiệp sáng tạo cho các tác phẩm viết về bước đường trưởng thành của những đứa trẻ. Từ Ame và Yuki – Những đứa con của sói đến Cậu bé và quái vật hay Mirai đến từ tương lai.

Quả tình, bao câu chuyện Mamoru Hosoda khắc họa, dẫu là điện ảnh hay văn chương, vẫn luôn thế. Không chứa đựng những lời răn dạy đao to búa lớn hay triết lí sáo mòn, tất thảy đều nhỏ nhắn, đẹp như một câu chuyện cổ tích, gần gũi như lát cắt của cuộc đời nhưng đủ để thức tỉnh lương tri, trái tim con người về những gì là chân, thiện mĩ trong cuộc đời.

MỌT MỌT