Thứ Hai, 01/04/2019 09:08

MIÊN DI người đi hoang u sầu

Trong một lần lang thang phố núi Pleiku, tôi có vào một nhà hàng sang trọng. Tình cờ phát hiện trong nhà vệ sinh có… đề thơ, hỏi ra mới biết là thơ của chủ quán - Miên Di.

.YẾN THANH

1. Trong một lần lang thang phố núi Pleiku, tôi có vào một nhà hàng sang trọng. Tình cờ phát hiện trong nhà vệ sinh có… đề thơ, hỏi ra mới biết là thơ của chủ quán - Miên Di. Việc chủ quán nhậu làm thơ khá lạ, nhưng cũng không quá hiếm. Khi có tiền người ta dễ thích chơi hay mua danh. Nhưng chủ quán làm thơ hay và không treo nơi sang trọng như nhiều người khác mới kì. Miên Di có lẽ là một trong những trường hợp “kì” của thơ trẻ Việt Nam đương đại. Điều này thật rõ nếu chúng ta theo dõi một hành trình thơ Miên Di từ thơ miên di in năm 2013 đến Lũ buồn hoang được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2018.


Qua thi tập này, có thể thấy thơ Miên Di trôi giữa hai dòng nước, vừa sang trọng bác học vừa rất bình dân và bụi bặm đời thường. Nhiều bài thơ trong Lũ buồn hoang làm tôi liên tưởng đến Bùi Giáng, Bảo Sinh, Đồng Đức Bốn và cả Nguyễn Thế Hoàng Linh. Do vậy, từ những nhà phê bình uyên bác như Chu Văn Sơn cho đến những người bán rau ngoài chợ đều hứng khởi khi tiếp nhận thơ Miên Di, đều tìm thấy trong thơ anh một điều gì đó hợp với mình. Thơ anh cũng là sự lai ghép, hỗn trộn các tư tưởng, triết lí và tôn giáo khác nhau, không có phân li và đối lập. Ở đấy, ta thấy triết lí vô ngã, vô thường của Phật giáo, có sự cứu rỗi, phục sinh của Kito giáo, có hiện sinh, có giải cấu trúc, hiện tượng học, tường giải học… Tôi thấy cần dẫn ra đây một ví dụ điển hình cho việc vượt qua mọi ranh giới thông thường, và cũng là bài tôi cho là hay nhất của tập thơ: Tôi rủ con kiến đi tu/ Nó bảo trọc lóc như sư sẵn rồi/ Tôi rủ con ếch thiền ngồi/ Nó khen tư thế vồ mồi rất hay/ Tôi rủ tôi bấy lâu nay/ Đi tu để biết chính mày là tôi/ Để nhận ra đám mây trôi/ Y như bao chuyện đã rồi. Là xong (Tu xong).


Bài thơ kết hợp được cái bi và cái hài. Hai hình tượng liên quan đến kiến và ếch dễ làm ta bật cười, bởi khoảng cách chân lí giữa con người với động vật, giữa anh và tôi. Những hình tượng ấy cũng rất bình dân, đời thường. Bài thơ thể hiện chiều sâu tư tưởng về quan niệm tu tập không phải để giác ngộ chân lí mà để minh giải, thông hiểu bản thể chính mình. Hai câu cuối vừa xót xa lại vừa nhẹ nhàng ủi an.


Lũ buồn hoang là câu chuyện của những kẻ bên lề, nằm ở ngoại biên đời sống. Khi chủ thể trữ tình tự nhìn mình, anh cũng tự nhận ra mình chỉ như cái giẻ rách: Kể cả khi thấy mình như giẻ rách/ Thì cuộc người vẫn cần tấm khăn lau (Tâm sự với cái giẻ rách). Bản thân những con vi trùng – các vi sinh vật gây hại vốn vô hình, vô dạng với mắt trần cũng có thể mang lại cho thi nhân sự đồng cảm, như một sự hướng xuống các thân phận bên lề: Sống trong kháng thể của người/ Con vi trùng cũng cả đời khổ, đau (Tâm sự với con vi trùng). Lũ buồn hoang do đó là một tập thơ giàu giá trị nhân văn và lòng trắc ẩn. Tính nhân đạo trong tập thơ không phải một sự ban phát, mà là sự đồng cảm, đồng dạng của cái tôi trữ tình với ngoại giới.


2. Đọc Lũ buồn hoang của Miên Di, tôi băn khoăn, mải miết đi tìm cấu trúc ngầm ẩn quy hồi thống nhất trong thơ anh. Tìm cái cách thức chung anh vận hành thế giới chữ nghĩa của mình nhằm kiến tạo nên mọi thứ vốn sinh động, phức tạp, đa hình đa dạng ngoài kia. Vượt qua sự đa tạp về hình tượng, màu sắc, cảnh huống, chúng ta có thể thấy cách Miên Di vận hành thế giới thi ca bằng các cặp song hành, đối lập. Hầu như bài thơ nào, khổ thơ nào cũng được anh vận hành bằng cấu trúc này, ví như: Khi cầu an lạc là thờ khổ đau; Nghĩa là còn đó cái không còn gì; Một đau vui vẻ một mừng xót xa… Những trích dẫn rời rạc ở trên có thể chưa làm chúng ta hình dung rõ ràng tư tưởng, ý nghĩa của thơ Miên Di, nhưng nó làm bật lên cấu trúc ngôn ngữ. Chính cấu trúc đối lập, tương phản này làm nên bản sắc chữ và xu hướng mĩ học trong thơ anh. Cách tư duy đặc thù về ngôn ngữ, và sau đó là tư duy về cuộc đời của Miên Di là đi tìm sự hiện diện của mặt đối lập này trong tồn tại của cái đối lập kia. Một lối tư duy biện chứng kiểu minh triết phương Đông, đặc biệt là của Âm - Dương gia. Đó là nói về triết học, còn về mĩ học, chính lối tư duy ngôn ngữ này tạo ra “cái khác” trong thơ, mà theo Đỗ Lai Thúy, cái khác chính là biểu hiện của tư duy thơ hậu hiện đại. Dưới góc nhìn của triết học đa bội hậu hiện đại, Miên Di đã trình hiện những đau khổ, mất mát thực chất là hạnh phúc theo một cách khác, và ngược lại, hạnh phúc và vẹn toàn là mất mát, đau khổ theo một góc độ nào đó. Những phát hiện thú vị, sâu sắc ý nhị như thế này hẳn nhiên ai cũng dễ dàng đồng ý, nhưng để viết ra và gọi tên chính xác thì không dễ: Em đẹp thì nỗi buồn xinh/ thế thì đau khổ cuộc tình là vui (Khi em có nghĩa là buồn); Anh đang đau khổ tươi cười/ Ngồi nhìn hạnh phúc của người yêu xưa (Những ngày vui ở nơi đâu?). Rõ ràng cấu trúc đặt cạnh nhau những sự việc, đồ vật, cảm xúc, trạng huống đối lập đã tạo nên giá trị thẩm mĩ riêng trong thơ Miên Di, nó ám riết lấy đầu óc người đọc.


Thơ Miên Di mạnh về tính triết lí. Có thể nói, sức nặng triết lí làm nên giá trị của thơ anh chứ không phải cảm xúc trữ tình hay chức năng đời tư - thế sự, dụng hành xã hội hay khả năng xây dựng hình tượng. Chính cấu trúc đối lập, tương phản nói trên đã hỗ trợ rất nhiều cho chiều sâu triết lí trong thơ Miên Di. Những vần thơ đẹp nhất của anh luôn là những câu thơ về triết lí nhân sinh: Bao thuốc đầy còn bao làn khói khác/ Có hay diêm ở lần cháy cuối cùng (Tâm sự với bao diêm); Nhiều khi thấy mình như tiền lẻ/ Chẳng đủ gì mà vẫn cứ là dư (Định giá); Về cùng rác kết bạn thân/ Về như hộp quẹt sau lần hết ga (Lẽ chết màu xanh)… Cái tài của Miên Di là ở chỗ anh có khả năng liên tưởng, ẩn dụ độc đáo. Từ những sự vật, sự việc vốn dĩ bình thường diễn ra thường ngày trong cuộc sống, anh vẫn phát hiện ra trạng huống tinh thần nhân sinh đặc thù của con người. Tính triết lí trong thơ Miên Di không lên gân đánh đố người đọc, không giả vờ cao sang khó hiểu mà bình dị, được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ khúc chiết “ý tại ngôn ngoại”: Tôi có buồn vẫn vui hơn con phố/ Đêm nào qua cũng dẫn kẻ tái tê về (Tâm sự với phố khuya). Cả bài thơ chỉ có hai dòng, đúng bằng 17 âm tiết như thơ haiku, nhưng gợi ra biết bao suy ngẫm về phận người.


Một cái hay nữa của thơ Miên Di là anh biết cười trong khi triết lí. Nói như Umberto Eco, đó là sự hiền minh trong một tinh thần biết cười: Sống đi, rồi hiểu được rằng/ Hột xoàn không quý bằng răng của mình (Hột xoàn & răng); Lòng người như cái ti vi/ chuyển qua kênh khác những khi đã rồi (Check-in trên một đám mây)… Hàng loạt câu thơ hai dòng ấy đặt ra rất nhiều suy ngẫm về tồn tại, về tình yêu, về hạnh phúc… nhưng đọc lên ai cũng có thể bật cười bởi sự gần gũi, tếu táo thú vị của người viết.


3. Một trong những đề tài chủ đạo của thơ Miên Di là cuộc truy vấn bản thể: Tôi rủ tôi bấy lâu nay/ Đi tu để biết chính mày là tôi (Tu xong). Anh nhiều lần cật vấn về cái tôi bản ngã: Chỉ tôi thì lại bị quên gặp mình/ Tôi gặp tôi ở dáng hình/ Hay tôi là ở những tình thế tôi/ Gặp tôi trên chỗ tôi ngồi/ Hay gặp ở chỗ đã rời và qua/ Tôi gần gặp gỡ tôi xa/ Nơi không tôi đấy nhưng mà tôi đây (Tìm gặp vô ngã); hay tự nhận thức về mình: Biết đâu gặp một con ma/ Tôi rất sợ nó, hóa ra là mình/ Hình như tôi là vô hình/ Đựng trong một cái lọ bình xác thân (Tìm gặp vô ngã). Lúc hiểu được chính mình, cũng là lúc Miên Di muốn diệt ngã: Có con sông đương nhiên trôi/ Và tôi hiện diện như tôi không hề (Một bất chợt), muốn đạt đến lẽ vô thường, sắc sắc không không của đạo Phật. Tuy nhiên để đạt đến cảnh giới siêu phàm thoát tục đó là chuyện không hề đơn giản, nhất là khi Miên Di và thơ mình còn vương vấn với xúc cảm “em lấy chồng”. Theo thống kê không đầy đủ của tôi, có đến 10 bài thơ được cảm thức này chi phối rõ ràng lên bề mặt văn bản, chúng ta có thể kiểm chứng được một cách minh bạch, chẳng hạn Như tên chồng em bây giờ/ Không phải tên anh (Vợ đi lấy chồng); Gửi theo chuyến đưa dâu/ Em về nơi nắng nhé (Có điều gì); Ta về với chính mình đầy vết tích/ Về với em nhìn em lấy chồng (Bài thơ mất trí)… Những bài còn lại, trừ những bài tình cảm gia đình hay truy vấn bản thể, đều ít nhiều có liên đới đến cảm thức chung này. Với sự xuất hiện dày đặc của cảm thức “em đi lấy chồng”, mà nhân vật “tôi” định danh là cảm thức “lá diêu bông” như trong ẩn ức sáng tạo của Hoàng Cầm, chúng ta có thể nhận ra cội nguồn thi hứng của Miên Di. Cuộc thất bại cuối cùng trong thơ anh, và cũng là trong cuộc đời Miên Di là tình yêu bị đánh mất. Dĩ nhiên, cuộc truy vấn em là ai và em có thực sự hiện hữu hay không, em đã đi lấy chồng như thế nào là không cần thiết. Em có thể là một người, mà cũng có thể là nhiều người. Vợ đi lấy chồng có thể là thực tiễn nhà thơ phải đối mặt, cũng rất có thể là dự cảm, hoặc sự quan sát của anh với những số phận tình yêu xung quanh mình. Nhưng điều chúng ta dễ dàng nhận ra, đó là cảm thức “em lấy chồng” đã để lại một dư chấn tinh thần khủng khiếp cho thi nhân. Nỗi đau ấy thôi thúc thi nhân đi tìm sự giải thoát trong chữ nghĩa, qua thơ. Nỗi đau của Miên Di liên quan đến cảm thức “em lấy chồng” không nằm trên bề mặt của ý thức mà chìm rất sâu vào trong vô thức sáng tạo của tác giả. Do đó, từng câu thơ, lời thơ khi viết ra cứ tự nhiên hiển lộ với chúng ta nỗi đau này. Có lẽ, ngay chính bản thân Miên Di cũng không mường tượng được có nhiều bài thơ chung cảm thức cùng nằm trong một tập sách như thế. Nỗi đau ấy là bất khả giải và sẽ còn dằn vặt anh cho đến cuối đời, không chỉ một lần, và do đó, ta có quyền tin rằng, Miên Di sẽ còn đồng hành lâu dài với thế giới sáng tạo thi ca. Thế giới ấy vốn dĩ phù phiếm, hư vô nhưng cũng là nơi thanh tao vượt ra mọi giới hạn tầm thường của kiếp người.


Y.T