Thứ Hai, 02/01/2023 06:56

Miền đất hình bàn chân Giao Chỉ

Nhìn trên bản đồ, địa giới tỉnh Ninh Bình giống bàn chân Giao Chỉ. Chẳng biết nhân tạo hay thiên nhiên vô tình mà “bàn chân Giao Chỉ” này bước lên rừng chứ không xuống biển... (Ghi chép của THƯƠNG HÀ)

. THƯƠNG HÀ
 

Nhìn trên bản đồ, địa giới tỉnh Ninh Bình giống bàn chân Giao Chỉ. Chẳng biết nhân tạo hay thiên nhiên vô tình mà “bàn chân Giao Chỉ” này bước lên rừng chứ không xuống biển. Các ngón trỏ lên hướng Tây Bắc là tỉnh Hòa Bình, má trong bàn chân, Thanh Hóa, và bên kia là Nam Định, Hà Nam được phân chia bằng dòng sông Đáy, còn gót chân là phần đất mới Kim Sơn lấm láp màu mỡ phù sa biển Đông.

Có người bảo dân Ninh Bình xưa lam lũ vất vả bởi chính dáng đất hình “bàn chân Giao Chỉ” này. Phần nửa bàn chân và các ngón cái là đất cổ Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư. Một vùng văn hóa cổ được tạo dựng từ vùng đất cổ này kéo dài xuống tận Tam Điệp, Yên Mô, Yên Khánh, còn lại là vùng văn hóa mới, vùng đất mới Kim Sơn.

Ninh Bình địa linh, là một tỉnh ở điểm mút cạnh đáy tam giác châu thổ sông Hồng, trấn giữ cửa ngõ cực nam miền Bắc Việt Nam. Địa hình đa dạng, nhưng về cơ bản có ba vùng: Đồi núi, bán sơn địa phía Tây Bắc, vùng đồng bằng ven biển và vùng chiêm trũng xen kẽ giữa núi đồi bao bọc, kín sóng, biển bồi không đủ phù sa. Quá trình tạo sơn của thiên nhiên đã để lại rất nhiều hang động kì thú như: Bích Động, Tam Cốc, Địch Lộng, Xuyên Thủy Động, Bàn Long, Hoa Sơn, các hang động Tràng An… Núi đồi Ninh Bình không quá cao, chẳng quá thấp, từ mồ côi, rải rác đến… trùng điệp. Ninh Bình non sông cẩm tú, hình đất kì ảo, thế núi quái dị, chứa đựng những huyệt lạ, mạch linh khí thiêng.

Cồn Nổi - “Gót chân Giao Chỉ” của Ninh Bình. Ảnh: Thành Duy

Ninh Bình là một trong những nôi của người Việt cổ cư trú. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy công cụ lao động của người Việt cổ là dao đá, rìu đá và tro than dầy gần 2m ở động Người Xưa. Nơi đây cũng có 3 ngôi mộ cổ với các bộ xương hóa thạch khá nguyên vẹn, chôn tư thế ngồi xổm, nằm co. Người ta cũng tìm thấy di cốt động vật, di cốt người, di tích mộ táng thời đại Đá mới và công cụ đá văn hóa Hòa Bình ở hang Mang Chiêng, còn xương răng đười ươi và các loài động vật trên cạn ở núi Ba, Tam Điệp. Nhà văn Sương Nguyệt Minh kể: Dạo anh chưa đi bộ đội đã thấy các nhà khảo cổ về tìm kiếm và phát hiện được di chỉ Đồng Vườn, di chỉ Mán Bạc ở Yên Mô quê anh. Như vậy, từ rất lâu người Việt cổ đã sinh sống ở miền đất địa linh Ninh Bình vắt qua “thời Giao Chỉ” đến văn hóa Tràng An rực rỡ. Một nền văn hóa cổ cũng hình thành theo năm tháng ở đây.

Cách đây hơn 20 năm, tôi đã đến rừng quốc gia Cúc Phương - nơi người Việt cổ sinh sống. Bồi hồi đứng bên gốc cây chò ngàn năm tuổi cao 45m, có chu vi hơn 20 vòng tay ôm không xuể, tôi cảm thấy mình rất nhỏ bé. Đứng trước động Người Xưa bí ẩn, tôi e dè và tò mò nghĩ ngợi chẳng biết người Việt cổ xa xưa có bàn chân Giao Chỉ hay không, họ sống thế nào trong lạnh giá tăm tối hang động? Về sau tôi đọc nhiều tài liệu về khảo cổ, và nhân chủng học mới biết người Việt cổ hoàn toàn không có cấu trúc đặc trưng xương bàn chân có ngón cái toãi ra. “Bàn chân Giao Chỉ” chỉ là kết quả của quá trình thích nghi với sản xuất nông nghiệp, con người thường xuyên đi chân đất. Khi lội bùn đất, ngón cái phải toãi ra để bám đường đất trơn, bùn lầy giữ thăng bằng, cộng với cuộc sống lam lũ, vất vả thiếu dinh dưỡng, thiếu can xi, đời này qua đời khác làm thay đổi, biến dạng cấu trúc xương. Không có gì phải mặc cảm với “Bàn chân Giao Chỉ” mà phải coi đó là hình tượng nghệ thuật kết tinh từ bản hùng ca lao động của văn minh lúa nước lưu vực châu thổ sông Đáy, sông Hoàng Long làm nên nền văn minh Tràng An - Hoa Lư văn hiến, chứ không phải của thời sống trong lạnh lẽo, tối tăm ở động Người Xưa, hang Mang Chiêng, hay ở Đồng Vườn, Mán Bạc nữa. Đôi bàn chân ấy còn tiếp tục đi xa, đi xa mãi, để rồi khi “bãi bể nương dâu” thành bàn chân huyền thoại đánh giặc dựng nước, giữ nước, mở đất.

Địa linh sinh nhân kiệt. Dân gian ngàn năm vẫn còn vang ngân những câu đồng dao: Nhông nhông nhông nhông/ Ngựa ông đã về/ Cắt cỏ Bồ Đề/ Cho ngựa ông ăn… Bồ Đề là gò đất ở Sách Bông, nơi mẹ con Đàm Thị và Đinh Bộ Lĩnh lam lũ, mưu sinh, được dân làng cưu mang, làm cho túp lều ở tạm. Từ chú bé chăn trâu đến Hoàng đế nước Đại Cồ Việt, bước chân Đinh Bộ Lĩnh đã đi qua thung Lau, động Hoa Lư, núi Cắm Gương, sông Sào Khê, sông Hoàng Long…, dẹp loạn 12 sứ quân, xưng nền độc lập. Chẳng biết bàn chân các chú bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Đinh Điền, Lưu Cơ có ngón cái toãi ra bám đất sông Hoàng Long, bám đá động Hoa Lư hay không, chỉ biết lúc thiếu thời, các ngài vắt vẻo trên mình trâu tụ tập ở Thung Lau, bẻ hoa lau làm cờ tập trận, chồng tay làm kiệu rước thủ lĩnh Đinh Bộ Lĩnh như rước vua, mà sau làm nên nghiệp lớn. Cố đô Hoa Lư vẫn lưu giữ dấu ấn lịch sử các ngài và ba triều đại Đinh - Lê - Lý huy hoàng: Thống nhất giang sơn, đánh Tống, bình Chiêm, và cũng là nơi phát tích quá trình dời đô và định đô ở Thăng Long. Đương thời, sử sách Trung Hoa xưng tụng “Giao Châu thất hùng” là Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lê Hoàn, Phạm Hạp, Phạm Cự Lượng, thì cả 7 người đều đại thành sự nghiệp ở Hoa Lư, chỉ có Phạm Hạp, Phạm Cự Lượng quê ở Hải Dương, còn lại đều quê gốc Ninh Bình. Chỉ một động Hoa Lư, Ninh Bình mà sinh ra 5 người con ưu tú, sự nghiệp đại thành, người thì làm Vua, kẻ làm Tể tướng, Thái sư, Ngoại giáp, Thượng thư. Vua và tứ trụ bao quát, trông coi gần như hết một triều đình.

Đấy là võ, còn văn thì như Trương Hán Siêu, Vũ Phạm Hàm, Phạm Thận Duật… Về Ninh Bình, đừng quên viếng đền thờ Trương Hán Siêu dưới chân Dục Thúy Sơn, du khách nghe tiếng sóng sông Vân, sông Đáy cứ tưởng như vẳng xa sóng vỗ Bạch Đằng giang: Bát ngát sóng Kình muôn dặm/ Thướt tha đuôi trĩ một màu…/Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô/ Buồn vì cảnh thảm đứng lặng giờ lâu, hoài niệm huy hoàng quá khứ, tự hào cha ông, anh hùng vắng bóng mà dấu vết còn lưu. Và Sông Đằng một dải dài ghê/ Sông Hồng cuồn cuộn trôi về biển Đông.

Ninh Bình là miền đất văn hóa nhiều huyền thoại. Mỗi huyền thoại đều gắn liền với địa danh, với nhân vật lịch sử. Núi Ngọc Mỹ Nhân hay còn gọi là núi Cánh Diều, theo thần tích Thánh Cả và truyền thuyết dân gian thì Tiết độ sứ, pháp sư Cao Biền khi cai trị nước ta thường cưỡi diều giấy bay trên trời dò tìm long mạch, huyệt thiêng để trấn yểm, phá phong thủy nước Nam ta. Khi bay đến Hoa Lư, Cao Biền bị một đạo sĩ do thần Thiên Tôn hóa thân cùng nhân dân hò nhau bắn tên. Cao Biền bị thương, diều bị gãy rơi xuống núi. Từ đó, núi Ngọc Mỹ Nhân có thêm tên núi Cánh Diều. Gọi là núi Ngọc Mỹ Nhân vì những hôm trời quang mây tạnh, từ phía Nam Định nhìn về, từ phía ga Gành nhìn ra, ai ai cũng thấy một ngọn núi đá xanh thẫm hình người con gái xõa tóc, mình trần, ngực vồng lên căng mẩy nằm trên đồng ruộng bao la. Theo thần tích đền Tiên Sơn thờ tiên nữ hóa đá thì nàng tiên giáng trần mải vương vấn nơi trần gian không muốn về trời nên hóa đá ở lại sống đời tục lụy.

Đất Ninh Bình địa linh nên đương nhiên đẹp. Đến mức nhiều thi nhân mặc khách như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Trần Anh Tông, Phạm Sư Mạnh, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến… đến rồi “tức cảnh sinh tình” thành thơ. Nguyễn Trãi trên đường thiên lí vào Lam Sơn, ra Đông Đô, đến Ninh Bình nhìn sông Vân, sông Đáy, núi Thúy chợt nhớ người xưa Trương Hán Siêu mà cảm tác: … Bút tháp tựa trâm cài ngọc biếc/ Tưởng chừng nước rọi làn tóc mây/ Cảnh xui hồi tưởng ngài Thăng Phủ/ Bia cổ rêu phong một lớp dày. Người ta đã tìm thấy 57 bài thơ khác khắc trên núi đá ở Tam Điệp, và vùng cố đô Hoa Lư. Đi thuyền trên sông Sào Khê, ngất ngây phong thủy hữu tình, đột ngột bắt gặp bài thơ của chúa Trịnh Sâm khắc trên vách cửa hang Luồn. Tương truyền chúa đi tuần thú qua Tràng An, nhìn thấy “dấu vết của triều Đinh thì tường đổ miếu hoang lạnh lùng xơ xác” mà lòng bùi ngùi, cảm khái: … Cố đô đã mấy hồi thay đổi/ Thiên phủ còn nguyên dấu vững bền/ Hưng phế xưa nay bao chuyện cũ/ Lòng dân đáng sợ chớ nên quên. Sinh thời, nhà bác học Lê Quý Đôn có dịp đến núi Ngọc Mỹ Nhân, ông đã cảm tác Ruộng phẳng nhô đá biếc/ Thế núi tựa diều bay…, rồi và cho người khắc lên vách núi ở mạn phía tây.

Ninh Bình có nhiều nơi khắc thơ trên núi đá, nhưng mật độ đậm đặc nhất, nhiều nhất là ở Dục Thúy Sơn. Có khoảng gần 40 bài, hiện còn lưu giữ 30 bài. Tương truyền xưa, Trương Hán Siêu nhìn thấy núi hình con chim trả đang cúi đầu xuống sông ngậm nước tắm, ông liền đặt tên là Dục Thúy Sơn, nhân dân thì quen gọi bằng cái tên dân dã: núi Thúy. Trên đường tuần du sông nước, Lê Thánh Tông cũng đầy cảm hứng “Đề núi Dục Thuý” và cho người khắc bài thơ lên vách đá. Có thể nói thơ về Ninh Bình và thơ người xưa khắc trên núi đá Ninh Bình cũng là một di sản văn hóa, văn hiến ở đất cố đô.

*

*         *

Đất Ninh Bình mang hình bàn chân quay về phía rừng núi, người Ninh Bình mặn rừng nhưng không nhạt biển. Một vài thiên niên kỉ cũng chỉ là cái chớp mắt của vũ trụ vô cùng vô tận. Biển có lúc tiến lúc lui, năm tháng thời gian qua đi, cái “gót chân người Giao Chỉ” cứ dài mãi ra phía biển Kim Sơn. Sông Càn, sông Vạc và sông Đáy mải miết chở nặng phù sa bồi đắp suốt đêm ngày đổ ra vịnh Bắc Bộ qua cửa Càn, cửa Đài Giang, và cửa Đáy (ngày xưa gọi là cửa Đại An hay cửa Đại Ác). Cái sự hình thành “gót chân người Giao Chỉ” này mới lầm lũi, bền bỉ, nhọc nhằn biết bao. Dấu ấn về đất tiến biển lui in đậm trên đất Ninh Bình. Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm. Thần Phù còn gọi là cửa Đầu Sau, hay cửa Thần Đầu, là cửa ngõ biển trên hải trình vào Nam của ông cha xưa, rộng khoảng 200m nằm giữa 2 khối núi, một bên là mỏm ngoài cùng của dãy núi Tam Điệp, một bên là các núi sót phía ngoài biển.

Đê Hồng Đức đắp thời Lê Thánh Tông vẫn còn ở làng quê huyện Yên Mô. Nhưng dấu ấn lịch sử vào sách vở nhiều nhất lại là công cuộc khai hoang lấn biến của người Ninh Bình và lưu dân các miền dưới sự lãnh đạo đặc biệt tài tình của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Ông cùng 63 vị chiêu mộ, thứ mộ với 1200 nhân đinh đến vùng trũng lầy, lau lách, nước mặn quai đê lấn biến. Ông sai nhân đinh đào sông Ân nối sông Vạc với sông Càn để lấy nước ngọt, sau đó đào hệ thống sông nhánh, cứ 250m - 400m lại có một con sông dẫn nước ngọt, đồng thời cũng là ranh giới các thôn, làng, quy hoạch đồng đất làng mạc Kim Sơn theo lối chữ “tỉnh”. Đồng thời đắp đường, quật thổ, bồi cư, thau chua, ngăn mặn, dựng tổng lập làng. Đời nọ nối tiếp đời kia, người Ninh Bình mải miết, bền bỉ mở đất: Đê Đường Quan đắp năm 1830, đê Hồng Ân đắp năm 1899, đê Hoành Trực đắp xong năm 1927, đê Văn Hải đắp xong năm 1934. Thời hiện đại, các đê Bình Minh I, II, III, IV... đắp suốt hơn 60 năm nay cũng là các công trình lấn biển kì vĩ của người Ninh Bình. Cho đến tận bây giờ, đất Ninh Bình vẫn tiến ra biển mỗi năm gần 100m. Gót chân người Giao Chỉ cứ nhô mãi ra biển Đông không ngưng nghỉ.

*

*         *

Gót chân người Giao Chỉ cứ nhô mãi ra biển Đông. Gót chân người Giao Chỉ bì bõm trên vùng chiêm trũng lam lũ ngàn năm. Nhà văn Sương Nguyệt Minh quê ở vùng Yên Mô chiêm trũng kể: Ngày còn bé, ông đã tận mắt nhìn thấy nhiều người đàn bà ở làng ở huyện, chứ không chỉ vùng núi rừng Nho Quan, hay miền chiêm trũng Gia Viễn có bàn chân Giao Chỉ. Những người đàn bà làng Côi Trì quê ông có bàn chân trần ngón cái toãi ra bám bùn đất ngày mưa gió, vai gánh gồng vượt đường xa đi cùng nước non. Bây giờ, mưa gió bão giông thì vẫn bão giông mưa gió, nhưng hết lâu rồi lũ tháng ba lụt tháng tám. Người làng đi giày, dép, guốc, nện gót trên đường làng bê tông hóa, hết cảnh trơn lầy, ngón chân chụm lại. Thời hiện đại, “bàn chân Giao Chỉ” quê ông biến mất, chỉ còn trong câu chuyện người già và cổ tích.

Nhưng vẫn còn một người ngón cái tõe ra, đó là bà cô của nhà văn, mới mất chưa đầy năm, thọ 103 tuổi. Ông kể về bà cô mình với lòng trìu mến thân thương: Dạo chưa tròn trăm tuổi, chân vẫn còn vững, nghe tin anh về quê, bà chống gậy đến chơi, nhưng cũng là để khoe chăm nghe đài, để mắng yêu thằng cháu: “Thằng phải gió này. Mày có biết cô mất ngủ vì nghe đài đêm. Cứ thắc mắc không biết cái đứa nào mà nó biết về làng mình, quê mình rõ thế. Nó tả núi Lắng, chùa Cháy, đình Tây rõ mồn một. Nó còn viết máy bay Mi thả bom rơi vào vườn nhà cô, nó kể cô đi chân trần ra đồng Ngoài, ngón chân cái tõe ra, gánh mạ đi cấy. Thằng phải gió này, hóa ra là mày. Sao mày kể chuyện cô mà không lấy tên Sơn, mà lấy tên khác là Min… Minh gì đấy…”

“Là Sương Nguyệt Minh - bút danh đấy, cô ạ”

“Ừ, thế là làm cô cứ thắc mắc. Mày không biết ngón chân cái phải tõe ra mà bám lấy đường làng mưa gió trơn lầy mới không trượt ngã a?”

Nhà văn vừa vui vừa thương cô đến nao lòng. Anh bảo: Người già đêm ít ngủ, cô đã nghe hầu hết các bài bút kí anh viết về quê hương đã đọc trên đài. Cô nhớ lại, kể vanh vách chuyện cụ Tạ Uyên ở xóm Chùa, hoạt động cách mạng giữ trọng trách Bí thư xứ ủy Nam kì lãnh đạo cuộc khởi nghĩa năm 1940.

Cụ Tạ Uyên thì tôi đã nghe Trung tướng Nguyễn Văn Vượng kể từ mấy năm trước. Trước khi làm Bí thư Xứ ủy Nam Kì, cụ mở rộng địa bàn hoạt động cách mạng lên tận Bích Động (nay thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư). Ninh Hải là quê tướng Vượng, ông kể: Ông nội tôi là Nguyễn Hữu Thường sinh năm 1888, cụ dạy học, nhà có tiền của, nhiều học trò làm chức sắc ở địa phương, nên được kính nể. Cụ Tạ Uyên quen biết ông nội tôi và lấy nhà tôi làm nơi đi lại chỉ đạo các đồng chí Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội hoạt động, in ấn tài liệu, truyền đơn chống Pháp. Em ruột ông nội tôi là cụ Nguyễn Hữu Đường làm địa bạ. Các cụ bàn nhau để cụ Tạ Uyên làm nhân viên địa bạ đi lại thuận tiện và lấy vỏ bọc này che mắt mật thám. Phong trào cách mạng ở Ninh Bình ngày càng phát triển, chi bộ Đảng cộng sản ở Lũ Phong (xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan) được thành lập đầu tiên, thì một thời gian chi bộ Đảng cộng sản ở Côi Trì được thành lập do cụ Tạ Uyên làm Bí thư. Lịch sử có những điều không thể cắt nghĩa được, một người con quê hương Côi Trì xuất thân nông dân lại có ngày đứng đầu những người cộng sản xứ Nam Kì và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lớn 21 tỉnh toàn xứ. Hiện nay, tên cụ Tạ Uyên đã được đặt cho nhiều con đường ở thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Vũng Tàu; tên cụ cũng được đặt một số tên đường, tên trường trung học phổ thông, trung học cơ sở ở quê hương.

Thời đại Hồ Chí Minh, đất Ninh Bình có nhiều tướng tài danh trận mạc. Quê ở Trường Yên, Hoa Lư, Thượng tướng Nguyễn Hữu An vốn là một trong những Trung đoàn trưởng trẻ nhất mặt trận Điện Biên Phủ, ông chỉ huy Trung đoàn 174 đánh đồi A1 và cho công binh đào hầm sâu vào lòng quả đồi đưa khối thuốc nổ 1000kg phát hỏa, góp phần kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Thời chống Mĩ, ông chỉ huy Trung đoàn 66 đánh trận Ia Đrăng đánh phủ đầu và chiến thắng quân kị binh bay của Mĩ. Tướng lĩnh Mĩ cũng phải thừa nhận: “Ia Đrăng - Trận đánh làm thay đổi cục diện cuộc chiến tranh ở Việt Nam”. Thượng tướng Nguyễn Hữu An được đánh giá là một trong những vị tướng giỏi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi được hỏi về tài năng đánh trận của tướng lĩnh Việt Nam, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo khẳng định ngay: “Tất nhiên đầu tiên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thứ hai là Tướng Lê Trọng Tấn. Thứ ba là Tướng Hoàng Văn Thái và thứ tư là Tướng Nguyễn Hữu An.” Cuối cuộc chiến tranh, ông làm Tư lệnh Quân đoàn 2 tổ chức chỉ huy “Binh đoàn thọc sâu” lấy tăng thiết giáp làm chủ lực, đánh chiếm nội đô, cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập.

*

*         *

Đoàn nhà văn tham dự Trại sáng tác văn học “Chiến tranh cách mạng và người lính - Đất và người Ninh Bình” có 2 chuyến đi thực tế về Yên Mô - Kim Sơn và Nho Quan. Qua Cồn Nổi, Kim Sơn là tít tắp bãi bồi, sú vẹt xanh non - những chuẩn bị cho hình hài đất mới theo quy trình thau chua rửa mặn: sú vẹt, cói, cuối cùng là lúa. Chúng tôi choáng ngợp trước đại dương mênh mông đang trùng trùng sóng vỗ, nhưng lại thấy một huyện Kim Sơn vạm vỡ, cứ lớn dần lớn dần ra biển Đông. Nói về sự phát triển của Kim Sơn đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Cao Sơn cho biết, trong những năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh cơ bản huyện đều đạt được. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại đều có những bước chuyển mình. Về định hướng những năm tới, Kim Sơn sẽ tập trung phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh Ninh Bình. Hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và trở thành thị xã trong năm 2025, góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ninh Bình lấn biển mở đất kì vĩ bao nhiêu thì công cuộc làm giàu trên mảnh đất nhà nông cũng đột sáng bây nhiêu. Chúng tôi bước vào vườn dưa của ông Tống Viết Vinh - Hội viên Nông dân chi hội xóm 4 xã Mai Sơn, huyện Yên Mô với ánh mắt trầm trồ thán phục bởi trên diện tích hàng ngàn mét vuông khung lưới che theo mô hình trồng trọt VIETGAP là những hàng dưa lê Hàn Quốc xanh tươi cao cả mét. Những ngọn xanh cứng cáp vươn dài, từ nách lá lấp ló những quả nhỏ chúm chím như rạng rỡ, an nhiên không sợ gió bão, sâu bọ, thuốc hóa học. Dưới gốc là hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel. Ông đầu tư xây dựng khu xưởng sơ chế, đóng gói nông sản, mua máy làm đất cỡ lớn. Trên diện tích 7ha đất canh tác, gia đình ông thu 3 tỉ/năm.

Người Ninh Bình biết làm du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, nhưng đặc sắc nhất là du lịch sinh thái. Cái hoang sơ được bảo tồn, con người can thiệp rất ít vào tự nhiên. Anh Cường - hướng dẫn viên của Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đưa chúng tôi vào khu bảo tồn. Các con vật này phần lớn là tang vật của các vụ buôn bán vận chuyển trái phép động vật quý hiếm, khi được đưa về Trung tâm cứu hộ, hầu hết tinh thần rất hoảng loạn, thể trạng nhiều con suy kiệt. Chỉ một con rùa đang nấp sau đám bèo tây, anh giới thiệu: “Đây là loài rùa Malaysia nặng 30 kg mới được đưa về Trung tâm khoảng một tháng sau khi thu giữ từ một vụ buôn bán vận chuyển trái phép. Nó sẽ được nuôi dưỡng ở đây đến khi nào hoàn toàn bình thường, sẽ được trả về nơi chúng đã bị bắt đi”.

Rừng nguyên sinh quốc gia Cúc Phương diện tích hơn 22.000ha, là hệ rừng nhiệt đới đang bảo tồn hơn 2.200 loài thực vật bậc cao, nhiều loài cây được ghi trong Sách Đỏ của Việt Nam, và 659 loài động vật có xương sống, nhiều loài thú quý hiếm như gấu ngựa, voọc quần đùi trắng, báo gấm. Riêng chim có hơn 300 loài, chim quý như gà lôi trắng, gõ kiến đầu đỏ, niệc nâu… cũng không hiếm. Năm 2020, Cúc Phương được vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á như một minh chứng sinh động khẳng định sức hấp dẫn của du lịch sinh thái Ninh Bình.

Du khách đi thuyền trên sông Sào Khê ngoằn ngoèo, len lỏi giữa bạt ngàn núi đá đầy huyền thoại, huyền sử như núi Tủ Sách, núi Hòm Sách, Núi Trạng Nguyên… Mặt nước trong veo, lác đác những đám hoa súng khiêm nhường, e ấp nở. Không khí mát lành, cây xanh tỏa bóng, núi lam vô vàn hình thù kì quái, tâm hồn thanh thản biết bao. Thảng hoặc, thuyền dừng lại cho du khách bước lên viếng thăm một đền đài, miếu mạo cổ, hoặc kiên nhẫn cùng thuyền lần mò chui qua hang Luồn, để rồi bất ngờ, vỡ òa khi mũi thuyền chui ra ngập tràn ánh mặt trời.

Vân Long là một khu du lịch sinh thái mới được khai thác thuộc xã Gia Vân huyện Gia Viễn. Thiên nhiên Vân Long đẹp tự nhiên hoang sơ, bản nguyên. Đầm lầy, rừng ngập nước, và những khu đầm khá rộng còn vẹn nguyên như từ thuở hồng hoang. Nước trong vắt nhìn thấy rong rêu dưới đáy, nhìn thấy cả bóng mây trời, thỉnh thoảng vài con vịt trời lặn ngụp làm xao động mặt đầm. Theo lạch nước, chèo thuyền thư thái đi qua khu đầm lầy, rừng cây, cánh đồng trồng lúa nước, xuyên qua hang động vào các thung nước rộng mênh mang. Thuyền lướt trên vịnh không sóng ngắm núi Mèo cào, núi Mâm xôi, núi Hòm sách, núi Đá bàn, núi Nghiên, núi Mồ côi, núi Cô Tiên... đổ bóng xuống mặt nước. Khi hoàng hôn buông, trên những ngọn núi xa mờ từng đàn cò trắng chấp chới bay về mặt đầm. Con người trở lại với thiên nhiên theo cách này thú vị biết bao!

Người Ninh Bình đang bước những bước đi không ồn ào để trở về với bản nguyên sinh thái theo cách của người cố đô ngàn năm văn hiến

T.H