Ngày 10/4/2025, tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân. Củ Chi là vùng đất từng là chiến địa khốc liệt trong cuộc chiến tranh chống Mĩ, vùng “Đất Thép” anh hùng. Tại buổi chiếu này, những khán giả xem phim đồng thời cũng là những nguyên mẫu nhân vật.
Trước khi nói về buổi chiếu tri ân ở Củ Chi, vài phác thảo về phim “Địa đạo” khi công chiếu đã tạo thành “hiện tượng” gần như một trend phấn khích không chỉ với những người trẻ mà cả những người lớn tuổi, giới văn nghệ sĩ, trí thức đi xem trong tháng Tư kỉ niệm 50 năm hòa bình thống nhất đất nước. Cho đến hôn nay, sau hơn 10 ngày chính thức công chiếu, tính từ 4/4/2025, phim “Địa đạo” đã thật sự trở thành một phim chiến tranh doanh thu cao nhất trong dòng phim chiến tranh cách mạng của Điện ảnh Việt Nam. “Địa đạo” đã tạo nên một cơn “địa chấn” lan tỏa khá đặc biệt, hiệu ứng đến từ chính những khán giả xem phim, có ngày đã lên đến 5.000 suất chiếu.
Nhưng có lẽ chưa có buổi chiếu nào, từ nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, các diễn viên vào vai du kích trong phim lại nôn nao, hồi hộp trông đợi những vị khách đặc biệt như vậy. Và khi những bóng dáng áo xanh, ngực gắn đầy huân huy chương của các du kích Củ Chi năm xưa tiến vào sảnh đường. Họ là những người từng trực tiếp chiến đấu dưới địa đạo Củ Chi những năm 1966, 1967, thời điểm mà phim diễn tả, và họ còn chiến đấu cho tới tháng 4/1975. Là các nữ du kích Võ Thị Mô, Cao Thị Hương, Lý Thị Tọ, Nguyễn Thị Neo cùng Anh hùng LLVTND Tô Văn Đực. Tất cả họ đều đã ở ngưỡng tuổi 80, vóc dáng nhỏ con, mà sao ánh mắt vẫn long lanh. Họ đi trong vòng tay, trong ánh mắt yêu thương ngưỡng mộ của mọi người… Họ cũng chính là những nguyên mẫu của các diễn viên trong phim.

Các cựu du kích Củ Chi với đoàn làm phim "Địa đạo" trước suất chiếu đặc biệt. Ảnh: ĐLP
Được biết đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã cho các diễn viên về nhà cô Bảy Mô, nữ du kích chiến đấu liên tục 15 năm liền ở địa đạo Củ Chi năm xưa, cùng ăn ngủ, ngồi nghe kể chuyện, học cách ăn- ở- đi lại- sinh hoạt, cách chiến đầu trong lòng địa đạo... để sao cho khi nhập vai phải là đúng du kích Củ Chi năm xưa.
Sau đó, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên luôn yêu cầu các diễn viên “sống” trong vai du kích Củ Chi suốt thời gian quay, như không kêu tên thật mà kêu bằng tên trong phim, và phải vác súng thật trong lúc diễn cho ra thật…
Riêng Anh hùng LLVTND Tô Văn Đực, một huyền thoại lính công binh được mệnh danh là “anh hùng mìn gạt”- người chế tạo mìn gạt chống tăng Mĩ lừng danh ở Củ Chi năm xưa, đã trở thành cố vấn cho đoàn phim, để diễn viên Quang Tuấn đã nhập vai Tư Đạp một cách xuất sắc- gần như chính nguyên mẫu năm xưa.
Đang bị cuốn theo dòng sự kiện thì bất ngờ một cái nắm tay với tôi, ngó lại, là chính “anh hùng mìn gạt” Tô Đực. Ông hỏi tôi:
- Cô có phải Ba Hương văn công Củ Chi năm xưa?
- Dạ, con là Hương, nhưng không phải Ba Hương.
- Ồ con giống Ba Hương ngày đó, mà lúc đó Ba Hương mới 17-18 tuổi hà. Giờ không biết ở đâu.
- Dạ, có Ba Hương ở đây. Cô du kích xinh xinh kia. Ba Hương trong “Địa đạo”- Tôi chỉ vào diễn viên Hồ Thu Anh.
- Ờ, nhỏ đó đóng y như mấy nhỏ du kích ngày xưa.

Các nữ du kích trong phim với nguyên mẫu ngoài đời thực. Ảnh: ĐLP
Rồi một bất ngờ khác đến từ nhân vật - nguyên mẫu của tôi trong bút kí và truyện ngắn là cô Võ Thị Mô - Bảy Mô, một “huyền thoại” khác khi cô “nổi tiếng” đã tha chết cho 4 lính Mĩ trong trận càn Crimp ở Củ Chi tháng 1/1966. Lúc đó cô Bảy Mô là đội trưởng đội nữ du kích Củ Chi, đội có 30 tay súng bắn tỉa thiện chiến. Một trong 4 người lính Mĩ được tha sau này trở thành nhà văn- là Trung úy John Penycate.
John Penycate liên kết với nhà báo, đạo diễn truyền hình Tom Mangold cho xuất bản quyển sách "The tunnel of Cu Chi" (Nhà xuất bản Berkly New York- 1989). Quyển sách đã ca ngợi cuộc chiến đấu chính nghĩa, nhân văn của nhân dân Việt Nam qua hình tượng những người du kích Củ Chi. Trong đó, quyển sách dành hẳn một chương ca ngợi nữ du kích Bảy Mô. Quyển sách trở thành best seller ở Anh, Mĩ. Ngay sau đó, lần lượt các nhà xuất bản Hodder, Stougton (London), Albin Michel (Paris) tái bản hàng triệu bản.
Khi tôi đi về phía mấy cô du kích năm xưa, thì cô Bảy Mô chợt la lên:
- Con, con Hương phải không?
- Ôi, cô còn nhớ con?
- Nhớ chứ...
Tính ra đã mấy năm kể từ cuộc gặp của tôi với cô nhưng cô vẫn nhớ. Một vòng tay ôm, một cái hôn trìu mến lên má. Cô và các đồng đội xưa người nào cũng mừng mừng tủi tủi, không ngờ được đón tiếp trân trọng và yêu thương.
Một cuộc giao lưu mini với khán giả Củ Chi- cũng là những khán giả rất đặc biệt, thuộc 3 thế hệ của “gia đình” du kích Củ Chi năm xưa. Các cô hào hứng kể vài kỉ niệm năm xưa khi chiến đấu ở địa đạo, những vất vả khổ cực cùng tâm thế có thể hi sinh bất cứ lúc nào, nhưng luôn kiên trung, quyết không rời trận địa, không nhụt ý chí…
Một câu hỏi vui của ai đó, “thế hồi đó các cô có yêu đương gì không?”
Cô Bảy Mô bảo:
- Có chứ, hồi đó toàn thanh niên thiếu nữ, ai cũng đẹp. Mà ngộ, ai đánh giặc giỏi thì người đó càng được nhiều người thương thầm. Tại hồi đó lo chiến đấu, có thương nhau cũng không dám công khai. Nhưng mà nói cho cùng, chúng tôi thương nhau lắm, không còn là tình yêu trai gái, mà là ruột thịt của nhau…

Các diễn viên phim "Địa đạo" đã về nhà cô Bảy Mô thực tế dài ngày. Ảnh: ĐLP
Đây là lần thứ 5 tôi xem phim “Địa đạo”. Nên tôi không xem phim, chỉ quan sát những gương mặt các du kích Củ Chi xưa. Đã nhìn thấy những giọt nước mắt lăn nhẹ, đã thấy giơ vạt áo len lén chùi mắt, thấy cả nụ cười, thấy cả sự căng thẳng trên nét mặt… Tôi không xem màn hình, nhưng có thể đoán ra những cảnh gì trên phim qua câu thoại, qua âm thanh tiếng pháo tiếng bom tiếng đạn tiếng lửa cháy, tiếng thở, tiếng hiệu lệnh ngắn gọn… Và hiểu là các du kích Củ Chi xưa đang “sống” lại thời khắc đó, như xuyên không quay ngược thời gian, đang chiến đấu cùng đồng đội trong những khoảnh khắc sống còn, quyết tử…
Hết phim, mấy cô quay qua nói với nhau, giọng nói có chút nghèn nghẹn:
- Phim y như thiệt. Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời.
- Ờ! Xem mà nhớ mấy đứa mình ngày xưa...
- Ờ tui cũng nhớ quá. Nhớ lại mấy trận hồi đó, có khi đánh liên tục cả tuần. Mà hồi đó sao mình không biết sợ gì, hay quen quá rồi. Giờ xem phim mới thấy sợ.
- Ờ, cũng không biết sao mình sống tới hôm nay heng... Bao nhiêu đứa hi sinh…
Tôi hỏi mấy cô xem xong có gì không giống, cả bốn cô cùng cười, nói vui:
- Thấy gần y hệt mấy cảnh chiến đấu, cảnh nước ngập, cảnh thả rắn giết bọn Mĩ “chuột chũi”, hay bắn tàu chiến, bắn máy bay, gài mìn nổ xe tăng… Cơ mà hồi đó lúc uýnh nhau thì sình đất, thuốc đạn tèm lem mày mặt. Nhưng sau đó đều lau rửa sạch sẽ, chớ xem phim này thấy lúc nào cũng lem, thương mấy nhỏ du kích, mặt đẹp thế mà cứ phải lem suốt.
Chúng tôi cùng cười xin chuyển thắc mắc này đến đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Anh hùng Tô Văn Đực và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tại buổi chiếu phim. ẢnĐLP
Nói về cảm xúc của mình khi xem phim, Anh hùng LLVTND Tô Văn Đực cho hay: “Không có địa đạo là không sống được. Chúng tôi từng ao ước được lên mặt đất chỉ chừng 15 phút để uống trà thôi. Bộ phim thể hiện thực tế của cuộc chiến thời đó, không hề có sự phóng đại nào. Tôi được chứng kiến việc sản xuất phim của ê-kíp với rất nhiều khó khăn, quay được những thước phim như vậy là rất khó. Củ Chi rất tự hào! Tôi chưa thấy ai dựng được một bộ phim về Củ Chi như vậy. Chúng tôi cảm ơn đạo diễn Chuyên và đoàn phim vì những cố gắng ấy!”
Đây cũng là lần đầu tiên một phim truyện của Điện ảnh Việt Nam về Củ Chi Đất Thép, về “Địa đạo” - một huyền thoại của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước được sản xuất. Và cũng là lần đầu tiên một phim chiến tranh được mang đến chính bối cảnh thật để chiếu tri ân đồng bào nơi xảy ra câu chuyện phim với nguyên mẫu chính là đất và người, là cuộc chiến đấu của quân dân Củ Chi.
Những du kích Củ Chi anh hùng xem phim về chính mình năm xưa trong khi cả nước đang kỉ niệm 50 năm ngày toàn thắng, hòa bình thống nhất đất nước trong những ngày Tháng Tư lịch sử thật sự là một cảm xúc mãi không thể quên trong cuộc đời của họ.
HOÀI HƯƠNG